THĂM TRẠI TẠM GIAM MANILA , PHI LUẬT TÂN
Tôi đến thăm Trại tạm giam Manila (Manila City Jail – MCJ) trong một buổi huấn luyện những người tù nhân có thể hỗ trợ pháp lý cho các tù nhân khác theo lời mời của Tổ chức Hỗ trợ pháp lý nhân đạo (Human Legal Assistance Foundation – HLAF).
Đây là một Tổ chức Phi chính phủ (NGO) ở Philippines, được điều hành bởi một người rất trẻ.
Tổ chức này hiện đang làm việc với 15 nhà tù khác nhau tại Manila và một số vùng lân cận.
Chức năng chính của tổ chức này là đào tạo, hỗ trợ kiến thức về luật pháp cho những người hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù nhằm giúp họ hiểu thêm về các quyền của mình, và am hiểu về pháp luật hơn để không phạm tội nữa.
Những người được lựa chọn để đào tạo trở thành một PLC (Paralegal Officer) sẽ được huấn luyện trong 10 tháng về luật hình sự và hệ thống luật pháp, để làm việc trực tiếp với tòa án và những phạm nhân khác. Một PLC được chọn phần nhiều là do sự tín nhiệm của các bạn tù khác, dựa trên bản điều tra về kết quả học tập và năng lực, kiến thức cá nhân trước khi phạm tội, sau đó người quản tù sẽ xem xét lại danh sách này.
(Tổ chức HLAF thường lựa những người phạm tội nặng, có bản án lâu năm nhất để đào tạo - với hy vọng họ có thể ở lâu trong tù mà giúp cho nhiều người khác hơn)
Điều làm tôi ngạc nhiên ở đây là các PLC và nhân viên của HLAF có thể nói chuyện trực tiếp với những người tù, và nhận thư của họ, không thông qua bất kỳ sự kiểm duyệt nào của cảnh sát.
Thật khó có thể tin, là với 6 người làm việc trong văn phòng, HLAF có thể huấn luyện cho một hệ thống gồm 15 nhà tù khác nhau, và đã có hàng ngàn tù nhân nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức này.
"Ngay cả khi họ là tội phạm thì họ cũng có quyền, và họ nên ý thức được mình cần và phải làm gì" - Giám đốc điều hành HLAF nói với tôi như thế khi tôi kết thúc buổi làm việc đầu tiên của mình tại văn phòng anh.
Trại tạm giam Manila City Jail (MCJ) nằm ở 310 Barangay, Santa Cruz, Manila, gần khu vực Recto Slum (nơi dành cho những người không có nhà cửa ở tạm).
Từ trung tâm Makati muốn đến được MCJ phải mất gần 2 tiếng đi xe, đường nhỏ và phải qua nhiều khu nhà ẩm thấp.
MCJ là khu vực tạm giam dành riêng cho nam giới nên những người đến tham quan là nam buộc phải xuất trình giấy tờ cá nhân và “được” đóng dấu “tham quan” (Visitor) ở tay.
MCJ là một trại tạm giam cũ, từ thời Tây Ban Nha, nên cơ sở vật chất nhìn không được mới lắm.
Khu vực tạm giam được chia thành nhiều khu, trong mỗi tiểu khu chia làm hai nhà riêng, mỗi nhà có khoảng 200 phạm nhân đang sinh hoạt theo kiểu tự quản.
Ngay trước cổng vào mỗi nhà là bảng tên tự trang trí để quảng cáo cho nhà của mình, trên các bảng trang trí mà tôi đọc được, người ta tôn xưng những người đã từng ở tù nhiều lần, và có các hành động tốt giúp đỡ người khác. Một kiểu vinh danh của các phạm nhân dành cho các đại ca (big brother – chữ của quản giáo MCJ). Phạm nhân ở MCJ không bị giam giữ trong các phòng giam, họ được đi lại và sinh hoạt bên ngoài cho đến 8h tối.
Có một phạm nhân đã hỏi tôi về “kinh nghiệm” bị tạm giam ở Việt Nam, và khi nghe tôi kể lại điều kiện sinh hoạt cũng như cách thức bị giữ trong thời gian tạm giam, một người quản giáo đã nói với các phạm nhân: “Mọi người nên thấy mình hạnh phúc vì được ở đây đi”.
Không khí vui vẻ và thoải mái giữa các quản giáo và phạm nhân là điều mà tôi cảm nhận được. Họ thắc mắc và trao đổi câu hỏi trong buổi học rất tự nhiên. Lúc gặp nhau, họ chào nhau cũng rất thoải mái, vui vẻ, không có kiểu khúm núm hay vâng-dạ-thưa đối với cán bộ mà tôi đã từng chứng kiến.
Một quản giáo ở MCJ cho tôi biết, xét xử phạm nhân có tội hay không là việc của tòa án, chúng tôi chỉ giữ họ ở đây để hạn chế việc vi phạm luật pháp, chứ không thể tước quyền công dân của họ khi tòa chưa tuyên án.
Tôi thấy miệng đắng và hơi ngậm ngùi khi nghe chia sẻ này.
Thời gian thăm tù mỗi ngày từ 12h trưa đến 1h chiều. Và sau khi kiểm tra đồ gửi vào thì người nhà và phạm nhân được gặp nhau ở khu vực riêng, không có sự giám sát.
Người ta không cho phép chụp hình trong các khu vực sinh hoạt của tù nhân, riêng khu vực diễn ra các hoạt động sinh hoạt và tổ chức giảng dạy của HLAF thì được.
HLAF tổ chức khóa học cho các PLC hàng tháng, trong quá trình giảng dạy, họ có thể lựa chọn thêm nhiều PLC mới. Trong một buổi học do HLAF tổ chức, sẽ có 3 hoặc 4 PLC thay nhau giảng bài. Các phạm nhân khác có ý kiến hay thắc mắc gì thì cứ tự nhiên hỏi. Mục nào chưa rõ ràng lắm sẽ có nhân viên của HLAF và các quản giáo trợ giúp.
PLC mặc áo vàng
Nhân viên HLAF mặc áo xanh lá cây
Mỗi PLC sẽ được cấp giấy, viết hàng tháng để ghi chú lại những trường hợp cần được trợ giúp trong tù mà họ ghi nhận được. Và mỗi PLC cũng có một sổ theo dõi riêng của mình.
Một PLC sẽ được cấp cho một thẻ thông hành (Pass ID), để được tự do trong việc đi lại giữa các khu vực khác nhau trong trại giam như một đặc quyền.
Đêm qua, mặc dù rất cố gắng để viết lại cảm nghĩ trong ngày khi đi tham quan Manila City Jail, nhưng tôi đã không thể.
Tôi cũng nghĩ mình đã có thể quên khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng khủng khiếp trong cuộc đời mình ở trại tạm giam Sông Lô (Khánh Hòa), nhưng sự thật không phải vậy.
Cơn ác mộng đã trở lại với tôi sau ngần ấy thời gian, và tôi đã thấy trong giấc mơ của mình những khuôn mặt của những người mình quan tâm yêu quý đang còn bị giam giữ bất công.
Quy trình xét xử một vụ án ở Philippine.
Mặc dù có nhiều sự khác nhau về hệ thống luật pháp, nhưng điều tôi và mọi người quan tâm đó là quyền của con người. Mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau có lẽ đó là điều khiến tôi thấy hứng thú trong việc tìm hiểu cuộc sống, xã hội dân sự và các hoạt động trợ giúp pháp lý ở Philippine.
“Không thể tin được là cô này đã bị giữ vì việc cô ấy đã làm đất nước mình. Ở đây, cho dù thế nào, nếu bạn quan tâm đến các chính sách quan trọng và chủ quyền tổ quốc, thì đều được trân trọng, bất kể bạn thuộc đảng phái nào” – Nuezca, quản giáo của MCJ đã chào tạm biệt tôi như vậy.
Đó sẽ lại là một câu chuyện dài khác ở Việt Nam bạn Nuezca à.
http://menam0.multiply.com/notes/item/639
No comments:
Post a Comment