Saturday, February 11, 2012

Nhà nước có tim ? , 

nguồn : http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/nha-nuoc-co-tim.html

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

Từ trước Tết Nhâm Thìn tới nay, ở ta sự kiện Tiên Lãng cưỡng chế gia đình anh Đoàn Văn Vươn bị dư luận lên án sôi sục chưa từng có, đang hừng hực từng ngày, chưa thể lường trước hồi kết, thì ở Đức một sự kiện chấn động tương tự, cuộc đấu tranh nóng bỏng tại Tiểu bang Niedersachsen đòi quyền ở lại cho một gia đình người Việt, sống ở xã Hoya, bị cưỡng chế về nước 3 tháng trước gây phẫn nộ dân chúng, bất bình chính trường, hội đoàn phản đối kịch liệt, sau 83 ngày đã kết thúc thắng lợi. 10 giờ 55 phút, ngày 31.1.2011, ông bà Nguyễn (45 tuổi), cùng 2 con (lên 9 và 6 tuổi) được đón trở lại Đức sinh sống, xuống sân bay Hannover - Langenhagen, Đức, trong vòng vây hơn ba chục người Đức, đại diện các tổ chức, cơ quan, trường học, hội đoàn, vì lương tri và lòng bác ái từng sát cánh tổ chức đấu tranh đòi quyền ở lại cho gia đình, cùng cô con gái đầu, 20 tuổi, tới đón, ôm hôn thắm thiết, dương biểu ngữ, tung bóng bay, tặng hoa, mừng mừng, tủi tủi, sôi động, phấn khích, như trong phim trường, trước hàng chục ống kính, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn, của các đài truyền hình, truyền thanh, báo chí. Khó ai cầm nổi nước mắt trước cảnh tái đoàn tụ của một gia đình 5 thành viên đã phải trải qua một thảm kịch tan đàn xẻ nghé bởi chính quyền tiểu bang, xảy ra 3 tháng trước lúc 3 giờ 15 phút sáng ngày 8.11.2011.

Đêm đó sương mù dày đặc, ông bà Nguyễn cùng 3 con bị đánh thức dậy bất ngờ. Lực lượng cảnh sát tới ra lệnh cho cả nhà, ngoại trừ cô con gái đầu theo luật định đủ tiêu chuẩn được hưởng quyền ở lại Đức, trong vòng 1 giờ rưỡi, phải thu dọn nhà cửa, gói gém hành lý, lên xe để chở ra sân bay Frankfurt trục xuất về Việt Nam.
Lịch sử vụ trục xuất khởi đầu từ năm 1992, đầu tiên là người chồng mang tên giả, tiếp đến năm 1998 tới lượt người vợ, nhập cư bất hợp pháp vào Đức, lần lượt đệ đơn xin tỵ nạn, đều bị từ chối; rồi kiện ra toà theo luật định cũng bị bác bỏ. Khi có lệnh đòi trục xuất, cả hai liền bỏ trại, sống lưu vong. Sau 3 năm, họ nhập trại lại, lấy tên thật đệ đơn lần nữa. Lúc này ông bà Nguyễn đón cả con gái đầu sang Đức, và tiếp đó sinh thêm 2 con. Trải qua quá trình hàng năm trời xét đơn, kiện ra 2 cấp toà án, tới năm 2006 vẫn bị bác bỏ. Khi bị đòi trục xuất lần 2, gia đình phải trốn tránh bằng cách vào nhà thờ xin tỵ nạn tôn giáo. Một năm sau, ông bà Nguyễn trở lại trại tỵ nạn, để đệ đơn theo luật định, khiếu nại lên Quốc hội xin chiếu cố quyền ở lại, kết qủa bị bác bỏ, đệ tiếp lên Ủy ban cứu xét các trường hợp đặc biệt cũng bị từ chối với lý do từ quá khứ, ông Nguyễn lạm dụng quy chế tỵ nạn chính trị, khai tên giả, sống lưu vong, đưa con gái vượt biên, kết cục gia đình ông lại bị đòi trục xuất lần 3. Hết mọi cơ sở pháp lý chống đỡ, không còn biết bấu víu vào đâu, gia đình ông bà Nguyễn sau gần 20 năm lưu lạc xứ người, trầy trật vật lộn tìm cách ở lại, đành tuyệt vọng buông xuôi, phó mặc cho số phận, cam chịu trục xuất.
Vụ trục xuất hoàn toàn đúng quy trình pháp lý, như bất kỳ trường hợp xin tỵ nạn nào, chỉ thi hành, sau khi họ đã kiện ra toà án từ sơ thẩm tới phúc thẩm bị xử thua, đệ đơn lên Quốc hội khiếu nại bị từ chối, viện tới Ủy ban cứu xét các trường hợp đặc biệt, bị bác bỏ, nhưng trong trường hợp ông bà Nguyễn đã đánh vào lương tri, lòng nhân đạo, tính bao dung của mỗi con người trước nỗi khốn cùng của đồng loại. 20 năm tìm cách ở lại cũng là 20 năm, dài tới 1/5 đời người, gia đình ông bà Nguyễn đã gắn bó với bản địa chẳng khác gì người Đức, làm việc chăm chỉ với đồng nghiệp Đức trong công ty Đức, nộp thuế, đóng bảo hiểm cho nhà nước Đức, tham gia mọi hoạt động xã hội địa phương, làm từ thiện chăm sóc một cụ bà Đức đơn côi như ruột thịt, con cái sinh ra, lớn lên và học hành ở đây, mảnh đất này đã trở thành quê hương của chúng, được nhà thờ, các hội đoàn và dân chúng địa phương mến mộ, coi như hàng xóm của mình. Họ không thể làm ngơ trước tai họa trục xuất ập xuống đầu hàng xóm họ. Một làn sóng phẫn nộ chưa từng có xưa nay, nhắm vào Bộ trưởng Nội vụ được pháp luật quy định chịu trách nhiệm pháp lý đối với vụ trục xuất, dấy lên rộng khắp, phản đối vụ trục xuất gia đình ông bà Nguyễn đồng nghĩa với trục xuất chính người Đức ra khỏi quê hương bản quán họ. Hiệp hội giúp đỡ người tỵ nạn Früchtlingsrat Tiểu bang chỉ trích dữ dội Chính phủ theo đuổi chính sách không khoan dung, mở một chiến dịch kêu gọi công dân lên tiếng phản đối bằng email gửi trực tiếp cho Thủ hiến và Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang. Báo chí, truyền thông đưa tin dồn dập phản đối. Đài truyền hình vùng Bắc Đức NDR vào cuộc, tường thuật tỷ mỉ vụ trục xuất với sự tham gia của cô con gái đầu ông bà Nguyễn. Học sinh cùng lớp con ông bà Nguyễn viết thư tập thể gửi lên Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang kiên quyết chống lại. Tổ chức Nhà thờ Tiểu bang đe doạ sẽ từ chức khỏi Ủy ban cứu xét những trường hợp đặc biệt. Đảng đối lập FDP, và SPD cho rằng những gì Bộ trưởng Nội vụ khẳng định đúng luật đều vi phạm quan niệm cơ bản về nhân đạo của đa số dân chúng Tiểu bang. Bản thân đảng CDU cầm quyền Tiểu bang, từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch đảng bộ điạ phương Hoya, tới Trưởng đoàn Nghị sỹ đảng CDU Tiểu bang, Nghị sỹ Liên bang thuộc khu vực bầu cử tại điạ phương, cựu Phó Chánh án Toà án Hiến pháp Liên bang đều lên tiếng phản đối, thậm chí có đảng viên CDU rút khỏi đảng. Chính quyền Huyện Nienburg, nơi thực thi lệnh trục xuất, ra tuyên bố, giá như Bộ Nội vụ không chỉ thị, thì họ đã cấp giấy phép lưu trú cho gia đình ông bà Nguyễn, và cùng với Hội đồng nhân dân gửi thư đòi Thủ hiến nhanh chóng đưa gia đình ông bà Nguyễn trở lại Đức.
Chỉ sau 3 ngày bị công luận nhất loạt phản đối, theo đề xuất của nhóm nghị sĩ đảng Linken, Quốc hội Tiểu bang cho mở phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ, đòi phải đón gia đình ông bà Nguyễn trở lại, yêu cầu sửa đổi Luật Lưu trú từ thực tế này. Bộ trưởng giải trình, theo trình tự pháp lý, gia đình ông bà Nguyễn đã đệ đơn đến các toà án từ thấp lên cao, đến Quốc hội, đến Ủy ban cứu xét, tất cả đều bị bác bỏ; Bộ ông với chức năng thực thi luật pháp, không thể làm khác.
Nhưng vụ trục xuất đã không còn nằm ở pháp luật mà ở tính người. Trước áp lực công luận, chính trường, gia tăng từng ngày, đến ngày thứ 3 tiếp theo, Bộ trưởng Nội vụ Schünemann phải nhượng bộ, tuyên bố đón gia đình ông bà Nguyễn trở lại Đức. Lúc này Schünemann mới tỏ ra thấm thía, lý giải quyết định mang tính người đó, trước công luận: “Bộ trưởng cũng có tim, không thể nhắm mắt trước nỗi khốn cùng của con người“. Có nghĩa dù nhân danh nhà nước, đầy “quyền sinh, quyền sát“, thì bộ trưởng vẫn là một con người, mang tính người, không thể thực thi nó bất chấp vận mệnh, cuộc sống con người. Nếu không, đó là một nhà nước không tim; lịch sử loài người đã từng chứng kiến như thế với nhà nước diệt chủng Đức Quốc xã hay Khơme đỏ.
Hai vụ cưỡng chế gia đình ông Nguyễn ở Đức và ông Vươn ở Tiên lãng cùng xuất phát từ lệnh của quan chức chịu trách nhiệm hành chính cao nhất, cũng diễn ra sau một thời gian dài tranh chấp pháp lý, nhưng ở Đức do pháp luật bắt buộc, bằng biện pháp hành chính; dù không phải công dân họ, đối tượng vẫn được đảm bảo cuộc sống, hộ tống an toàn khi trục xuất, cấp từ vé máy bay tới bảo hiểm y tế, tiền chi tiêu dọc đường; và khi đón trở lại cũng vậy, bảo đảm toàn bộ chi phí di chuyển, nơi ăn chốn ở, con cái học tập, nhu cầu sinh hoạt, làm việc bình thường cho cả gia đình, ổn định chỉ sau 1 tuần. Trong khi đó, Tiên Lãng cưỡng chế công dân mình bằng biện pháp vũ trang, huy động cả quân đội vốn sinh ra để chiến đấu chống xâm lược; không do pháp luật bắt buộc, mà theo lệnh người đứng đầu, nhằm thu hồi hoặc tịch thu, hoặc triệt tiêu toàn bộ những gì đối tượng đã làm ra hay đang sử dụng, bất biết liệu họ có thể tồn tại được hay không khi mất cả chốn nương thân, lẫn mọi phương tiện sinh hoạt. Liệu người đứng đầu chính quyền Tiên Lãng “cũng có tim“ như Bộ trưởng Đức phát biểu?
Trong lúc Tiểu bang Niedersachsen từ các đảng phái, hội đoàn, tới chính quyền các cấp trực thuộc, từ nghị sỹ tiểu bang, tới nghị sỹ Liên bang ứng cử khu vực đó, đều lên tiếng phản đối người đứng đầu chính quyền họ, không cần Liên bang phải can thiệp, thì ở Tiên Lãng ngược lại, huy động toàn bộ công, dân, chính, đảng, ra sức bảo vệ sai phạm của mình; nếu cả nước không „đứng lên“ phản đối, chính quyền trung ương không can thiệp, thì chính quyền Tiên Lãng không tim chưa biết sẽ còn trượt tới đâu và đến mức nào với những công dân thấp cổ bé họng của họ cả về pháp luật lẫn đạo lý ? Ở đây không còn là vấn đề riêng của chính quyền Tiên Lãng vốn một khi vi phạm đã có pháp luật xử lý, mà liên quan tới toàn xã hội và thể chế. Liệu Tiên Lãng đã đủ gây sốc, làm bừng tỉnh cả xã hội lẫn chính quyền cả nước?
Cơ chế nào đã biến một cấp nhà nước vốn được sinh ra chỉ do dân vì dân và của dân, bỗng trở nên không tim với chính công dân mình, tới mức không thể tự điều chỉnh - thuộc tính bắt buộc phải có của một nhà nước dân chủ, như chính quyền Đức sau vụ trục xuất ông bà Nguyễn. Hy vọng Hiến pháp sửa đổi tới sẽ đặt nền móng giải quyết nó. Nhưng trong trường hợp vụ cưỡng chế gia đình ông Vươn có liên quan trực tiếp đến tư duy, chính sách và pháp luật đất đai ở ta, qua bao lần cải cách, vẫn không đoạn tuyệt được dấu ấn của nền kinh tế quản lý tập trung trước đây, vốn chỉ thích nghi với nền kinh tế đó - một nền kinh tế chỉ nhằm hoàn thành kế hoạch nhà nước, theo nguyên lý, tư liệu sản xuất, nhà máy, đất đai đều thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Chuyển sang nền kinh tế thị trường, một nền kinh tế theo đuổi mục đích lợi nhuận, làm giàu, mọi tư liệu sản xuất làm ra giá trị gia tăng đều được quyền sở hữu tư nhân, để phục vụ cho mục đó; nhưng riêng đất đai lại không, biến cấp quản lý nhà nước về đất đai trở thành chủ đất trên thực tế (với cá nhân trước kia gọi là điạ chủ), gây nên bao hệ luỵ bất công và bất ổn xã hội, mà Tiên Lãng là bằng chứng của một giọt nước tràn ly. Không thể bao biện cho quyền sở hữu nhà nước về đất đai bằng lập luận, đất đai coi như lãnh thổ thuộc sở hữu toàn dân, nên nhà nước phải quản lý để thu hồi, cấp, chia, phân bổ, phục vụ cho lợi ích chung. Phục vụ cho lợi ích chung đó, không một quốc gia hiện đại nào trên thế giới phải viện tới độc quyền sở hữu đất đai cả, nhưng khi bắt buộc cần, họ vẫn có thể quốc hữu hoá không chỉ đất mà cả tài sản cá nhân, thông qua đền bù có lợi cho chủ sở hữu, được điều chỉnh bằng hiến pháp và các văn bản lập pháp (chứ không phải lập quy) và do hệ thống toà án phán quyết nếu tranh chấp. Đất đai dù đóng vai trò gì đi nữa, thì trong nền kinh tế thị trường cũng chỉ được coi là hàng hoá, định giá bằng tiền. Một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh không thể nào phân chia nổi đất đai hay tài sản sao cho công bằng, mà chỉ có thể phân chia đồng tiền. Nước Đức hiện đại hàng đầu thế giới, với trên 80 triệu dân cũng chỉ có 5.180.000 nhà riêng (năm 2008), số còn lại thuê nhà. Nhưng nước họ không một ai không chỗ ở, hay thiếu điện nước, chữa bệnh, sinh hoạt phí tối thiểu, kể cả công dân nước ngoài cư trú ở họ, tất cả đều xuất phát từ nền tảng chính sách tài chính, tức là tiền, chứ không phải đất!
N.S.P.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN