Monday, February 13, 2012

Sự nghi ngờ của dân chủ ,



Phạm Hồng Sơn
Nếu có thể tóm gọn sự khác nhau giữa độc tài và dân chủ thì có thể nói độc tài luôn tạo ra và nuôi dưỡng sự lạc quan vô tận cho dân chúng còn dân chủ thì khuyến khích sự nghi ngờ về mọi thứ, nhất là về những người có quyền lực, nắm ảnh hưởng dư luận. Kết quả những cuộc thăm dò gần đây của các tổ chức có uy tín cũng cho ra chỉ số lạc quan vào tương lai của người dân ở một số quốc gia độc tài cao hơn rất nhiều so với ở các quốc gia dân chủ, trong khi chất lượng sống nói chung ở các quốc gia độc tài đó lại đang đi xuống và thấp hơn hoặc thấp hơn rất nhiều so với ở các quốc gia dân chủ.
Các nguyên tắc tam quyền phân lập, kiểm soát và cân bằng (checks and balances), tranh cử tự do, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội hoặc các nhiệm kỳ có giới hạn của các lãnh đạo quốc gia, v.v. trong chế độ dân chủ đều có nền tảng dựa trên mối nghi ngờ quyền lực, nghi ngờ mặt trái của con người. Nếu nghi ngờ đã đưa con người đến với khoa học thì chế độ dân chủ, có thể nói, là một bước tiến vĩ đại của con người về khoa học nhân văn – đặt hẳn nghi ngờ và tạo ra các thiết chế thường trực nhằm thẳng vào những người có quyền, có ảnh hưởng tới xã hội bất kể công trạng, tài năng hay đức độ. Tinh thần dân chủ và chế độ dân chủ không bao giờ chấp nhận và không để cho bất kỳ sự ảnh hưởng, lãnh đạo, hướng đạo nào không phải trải qua sự soi xét, thẩm định của các nghi ngờ, của các thiết chế ước chế quyền lực, hạn chế sai lầm và ngăn chặn sự áp đặt, độc tôn. Đó chính là sự nghi ngờ của dân chủ. Sự nghi ngờ của dân chủ không chỉ giúp phát hiện, loại bỏ cái Ác mà còn ngăn ngừa sự suy đồi của cái Thiện. Thiếu sự nghi ngờ của dân chủ chắc chắn dân chủ sẽ thoái hóa, cái Ác sẽ lên ngôi hoặc vẫn chỉ là độc tài, phi dân chủ. Cuộc sống cũng cho thấy những sai lầm, vấp ngã, hụt hẫng tệ hại nhất, đau xót nhất của con người thường bắt nguồn từ sự tin tưởng tuyệt đối – sự lạc quan vô tận – vắng bóng nghi ngờ.
Nhìn cụ thể vào lịch sử Việt Nam, chúng ta có thể thấy thảm trạng của đất nước hiện nay cũng một phần, có thể nói là lớn, do hệ quả xã hội Việt Nam chưa có hoặc có rất ít sự nghi ngờ của dân chủ. Trong thời kỳ lịch sử cận đại, đặc biệt giai đoạn 1930-1945, có rất nhiều người tài năng và đức hạnh đã nhiệt tâm ủng hộ và trao hết niềm tin, không một nghi ngờ, cho Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và các lãnh tụ của nó, chỉ vì đây là một tổ chức chính trị có sức hấp dẫn mạnh hơn so với các đảng phái, tổ chức khác cùng trên một con đường tranh đấu giành lại độc lập, tự do, công bằng cho dân tộc. Nhưng lịch sử tiếp sau đã cho thấy một tổ chức rất kỷ luật và bài bản, với nhiều con người rất đáng khâm phục, có sức thu hút và huy động quần chúng hết sức to lớn, đã tạo nên những chiến thắng lẫy lừng trước các lực lượng nước ngoài hoặc người Việt khác chính kiến, nhưng với động cơ, quan điểm chính trị phản tiến bộ – cụ thể là độc tôn, độc tài toàn trị, phi dân chủ – lại đưa dân tộc và đất nước lún sâu trở lại cú vòng lịch sử:  nhân dân cứ trao hết niềm tin, dốc hết của cải, xương máu cho một lãnh tụ, một tổ chức để rồi lại tiếp tục cuộc đời nô tì cho các vua chúa, lãnh tụ độc tài nội địa.
Chắc chắn không có người Việt nào thực tâm yêu nước hiện nay lại muốn cú vòng lịch sử hổ nhục, đau đớn như thế lại diễn ra một lần nữa. Nhưng việc tránh cú vòng lịch sử đó không đơn giản bởi cuộc đấu tranh hiện nay giữa nhân dân và lực lượng cầm quyền phản dân chủ về bản chất vẫn là cuộc đấu giằng co giữa hai lực lượng Thiện-Ác. Trong khi cái Thiện thường hồn nhiên và bị động thì cái Ác lại luôn âm mưu và chủ động, nhất là khi cái Ác đã bị lộ diện. Cái Ác không chỉ luôn cảnh giác, nhạy bén trong việc phát hiện, loại bỏ những gì gây nguy hiểm cho bản chất Ác mà chúng còn luôn tìm cách biến hóa, biến hình thành Thiện. Lịch sử của ĐCSVN cũng cho thấy Đảng không chỉ thanh trừng, loại bỏ thẳng tay những nhân tố không có lợi cho sự độc quyền quyền lực của Đảng mà Đảng còn dùng đủ cách khiến dư luận ngộ nhận và đồng nhất Đảng với dân chủ, tiến bộ, cải cách, như đổi tên, tự giải tán, tự lập ra các đảng phái khác hoặc “đổi mới”. Những đảng viên công thần hàng đầu của ĐCSVN như Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Trần Xuân Bách đều đã bị Đảng gạt bỏ không thương tiếc, không phải vì họ không còn yêu mến hay không trung thành với Đảng mà chỉ vì họ đã có những khát khao hết sức khiêm tốn, nhưng rất cơ bản cho dân chủ, như có một tờ báo tư nhân giống thời thực dân Pháp hoặc chỉ muốn có tranh biện tự do về chính trị. Những đóng góp, hy sinh hết mình cho Đảng, cho “Bác” của những người như Nguyễn Thị Năm hay Vũ Đình Huỳnh cũng không thể giúp họ tránh được lao tù hay phải thí mạng cho những mưu tính về quyền lực độc tôn của Đảng. Những Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ là những tổ chức dân chủ trá hình của Đảng.
Vậy điều gì để đảm bảo ĐCSVN không tiếp tục biến hình dân chủ trong thời đại mà dân chủ đang trở thành khát khao của mọi dân tộc? Ai trong xã hội hiện nay có uy tín, công trạng và sự lẫm liệt đối với Đảng hơn những người vừa kể? Ai có thể đảm bảo rằng giới lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay ngây thơ, yếu kém hơn những bậc tiền bối của họ trong việc duy trì quyền lực độc đoán? Hay giới lãnh đạo hiện nay đạo đức, ít ràng buộc với quyền lực hơn những vị tiền bối tới mức có thể “động lòng” chấp nhận những cải cách dân chủ từ những người tỏ ra “trung thành” với Đảng? Và điều gì đảm bảo rằng những người bề ngoài vẫn tỏ ra “trung thành” với ĐCSVN nhưng lại có tư tưởng dân chủ thực sự ở bên trong? Tất cả đều là những câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng chính việc không thể có một câu trả lời dứt khoát cho những câu hỏi này lại càng cho thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của sự nghi ngờ của dân chủ. Tuy nhiên các thiết chế dân chủ là những thứ không thể có được ngay. Cái có thể có ngay chính là ý thức thận trọng, nghi vấn, nghi ngờ có tính dân chủ đối với tất cả những người cầm quyền và tất cả những nhân vật có ảnh hưởng tới công luận.
Cho dù sự nghi ngờ của dân chủ có thể gây quan ngại hoặc ảnh hưởng tới sự gắn kết, đoàn kết vẫn còn mỏng manh giữa những người dám đứng lên chống lại cái Ác. Nhưng nếu một gắn kết, đoàn kết không chịu nổi hay cố lảng tránh những phê bình của dư luận thì chắc chắn nền tảng của nó có vấn đề. Có thể sự nghi ngờ của dân chủ cũng sẽ ảnh hưởng tới những trân trọng đang cần để khuyến khích thêm sự dấn thân cho xã hội. Nhưng sự trân trọng sẽ có ý nghĩa hơn nhiều khi dám đối mặt và vẫn đứng vững trước mọi thử thách. Tất nhiên, khó có một dân tộc nào đầy chiến tích lại để cho cái Ác cứ ngạo ngược giày xéo mãi. Nhưng chỉ có sự nghi ngờ của dân chủ mới có thể giúp cho dân tộc đó không bị quàng trở lại chiếc vòng nô lệ.
© 2012 pro&contra

Thẩm quyền, quyền lực và Tiên Lãng ;

Phạm Hồng Sơn
Thẩm quyền (authority) và quyền lực (power) là hai khái niệm hoàn toàn riêng biệt và khá phức tạp trong khoa học chính trị, pháp lý. Nhưng chúng lại thuộc những khái niệm có tính nền tảng cho dân chủ. Có nhiều cách khác nhau để định nghĩa thế nào là thẩm quyền hay quyền lực, trong khuôn khổ của bài viết nhỏ này chúng tôi xin trích dẫn định nghĩa trong giáo trình Foundations of Democracy: justice, authority, privacy (Các nền tảng của Dân chủ: công lý, thẩm quyền, sự riêng tư) của Center for Civic Education (Trung tâm Giáo dục Công dân) tại Hoa Kỳ. Quyền lực là khả năng kiểm soát hay điều khiển được vật hay người. Còn thẩm quyền là quyền lực được gắn kết với một quyền (sự cho phép) được sử dụng quyền lực đó. Liên quan đến thẩm quyền là các khái niệm quan trọng khác như nguồn gốc của thẩm quyền, nền tảng của thẩm quyền hay các sự kiện lịch sử tác động tới nhận thức về thẩm quyền. Để dễ hiểu hơn chúng ta có thể thấy một kẻ bất hảo dùng súng để cưỡng đoạt tài sản của người khác thì kẻ đó có quyền lực nhưng hoàn toàn không có thẩm quyền làm việc đó. Hay việc một cảnh sát được trang bị các dụng cụ trấn áp như dùi cui, súng ngắn hay còng số 8 thì viên cảnh sát đó có quyền lực mạnh nhưng chỉ có thẩm quyền bắt giữ người khác theo đúng những gì pháp luật qui định, như bắt người phải có sự phê chuẩn trước của viện kiểm sát. Hoặc một giáo viên có thẩm quyền giữ trật tự trong lớp học nhưng không có thẩm quyền cấm học sinh bày tỏ quan điểm (một cách lịch thiệp) vì hiến pháp đã qui định mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận và cách bày tỏ lại không xâm phạm chuẩn mực đạo đức. Hiểu một cách khác và đơn giản hơn thì thẩm quyền là việc pháp luật cho phép hay qui định bổn phận (trách nhiệm) cho một cá nhân, một tổ chức được (hay phải) làm một việc gì đó. Còn quyền lực là khả năng tạo ra hoặc huy động được sức mạnh vật lý hay tinh thần. Như vậy một thẩm quyền luôn phải được kèm theo một mức độ quyền lực để làm tăng tính thực thi cho thẩm quyền trước những cản trở có thể. Còn một cá nhân hay một tổ chức có thể có quyền lực mạnh nhưng không hẳn đã có thẩm quyền để làm một việc gì đó. Để dễ hình dung hơn nữa chúng ta có thể lấy luôn vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng vừa qua làm ví dụ. Vụ đó đã cho thấy rõ việc san phẳng ngôi nhà của anh Vươn là việc không hề khó đối với những quyền lực như người lái máy ủi và những người có chức quyền từ cấp xã, huyện cho đến trung ương. Nhưng tất cả những người có quyền lực đó đều không có thẩm quyền để làm tổn hại, dù chỉ là sướt sát, ngôi nhà đó khi những người chống trả đã rời khỏi ngôi nhà. Đây cũng là vấn đề đang được dư luận rất chú ý với những đòi hỏi phải làm rõ và xử lý hình sự những người đã huy động quyền lực phá nhà anh Vươn.
Một điều nguy hiểm hơn nữa trong vụ Tiên Lãng là, đối chiếu với những khái niệm thẩm quyền và quyền lực vừa trình bày, đang tiếp tục có sự đánh tráo hay cố tình nhập nhèm khái niệm thẩm quyền và quyền lực trong giải quyết vụ việc. Về nguyên tắc, trách nhiệm xử lý một tranh chấp, xung đột đã được khởi tố hình sự (đã có dấu hiệu vi phạm bộ luật hình sự) thì thẩm quyền xử lý phải hoàn toàn thuộc các cơ quan của hệ thống tư pháp (judiciary) – bao gồm Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát các cấp, Cơ quan Điều tra và Tòa án Hình sự các cấp. Nhưng đến tận hôm nay qua các phương tiện truyền thông chính thống thì giải quyết vụ việc Tiên Lãng dường như lại đang dựa hoàn toàn vào chỉ đạo của Thủ tướng (thuộc cơ quan hành pháp) và Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN- vẫn chỉ là một đảng chính trị dù là độc nhất). Các báo chí, phương tiện truyền thông chính thống đều tỏ ra rất săn đón hay hoan hỉ trích dẫn những phát biểu, nhận định của các cựu lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN, đưa tin đậm về cuộc họp dự kiến của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng, thậm chí nhiều đảng viên cộng sản kỳ cựu còn công khai gửi gắm, kỳ vọng việc “giải quyết tận gốc vụ Tiên Lãng” hoàn toàn cho ông Thủ tướng. VTV1 đã dành riêng một phần trong chương trình thời sự 19h ngày 07/02/2012 để đưa tin cuộc họp báo của tổ chức địa phương của ĐCSVN ở Hải Phòng về vụ Tiên Lãng. Đúng là tất cả những nhân vật, tổ chức vừa nêu đều là những người, những tổ chức có sức hấp dẫn lớn đối với dư luận hoặc là những người, những tổ chức có quyền hay quyền lực rất mạnh nhưng họ hoàn hoàn không có thẩm quyền để phân định đúng sai trong vụ Tiên Lãng. Điều 10 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự qui định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ…” Thế nhưng, nếu chỉ nhìn vào dư luận từ khi tiếng súng nổ ra ở Tiên Lãng đến giờ, tất cả những cá nhân, những cơ quan có thẩm quyền này đều như không hề tồn tại hoặc nếu có thì lại chỉ thể hiện như những chức năng cấp dưới của ông Thủ tướng.
Rất có thể những người có quyền lực hiện nay trong hệ thống chính trị của Việt Nam đang toan tính cách xử lý vụ Tiên Lãng theo chiều hướng vỗ về dư luận – đã bùng và sôi lên từ hơn một tháng qua. Nhưng nếu vấn đề thẩm quyền (authority) và quyền lực (power) không được làm rõ hay không được làm rõ thêm thì cái được cho xã hội sau vụ việc lịch sử này vẫn chả có gì là bền vững hoặc nếu có thì cũng không đáng là bao.
© 2012 pro&contra

Bất cập Luật Đất đai và cơ hội cho tham nhũng

(Dân Việt) - Những tranh chấp dữ dội về đất đai, những vụ thu hồi đất nảy lửa như ở Tiên Lãng, nhưng yếu kém của nền nông nghiệp... đều có nguồn gốc sâu xa từ bất cập của Luật Đất đai.

Những tồn tại này đã được ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phân tích, mổ xẻ trong một bài viết gửi cho Báo NTNN.
Rối rắm, khó hiểu
Khi làm phó chủ tịch tỉnh phụ trách “tam nông”, tôi có dự hội nghị đóng góp Luật Đất đai 1993, và tiếp theo, khi làm chủ tịch UBND tỉnh thì thực hiện Luật Đất đai 2003. Nói vậy để thấy rõ 2 việc: Các đại biểu đóng góp sửa luật, khi còn dự thảo không được tiếp thu nên những vấn đề cốt lõi, các từ ngữ, khái niệm và cách diễn đạt vẫn giữ gần như nguyên.
Theo ông Nhị, các quy định về về đất đai hiện nay quá rắc rối nên người dân khó hiểu.
Từ đó dẫn đến việc thứ hai là thực hiện luật vô cùng khó khăn và phức tạp – hiểu và làm sai là khó tránh khỏi và “vận dụng” làm bậy cũng rất dễ dàng.
Cái cốt lõi của vấn đề là ở chỗ: Quyền làm chủ trực tiếp của nông dân (người dân) thì ít và mơ hồ, trong khi nhà nước (các cấp chính quyền) thì quyền hạn mênh mông, chồng chéo lên nhau. Cả 4 cấp và 4 Bộ TNMT, NNPTNT, KHĐT, Tài chính – Vật giá (cũ) đều có quyền: Quyền sở hữu, quyền đại diện và nhất là toàn quyền sử dụng – định đoạt. Đã có đến 700 văn bản dưới luật và hướng dẫn thi hành mà đến nay vẫn còn chưa ổn thì đủ thấy cái rắc rối này như “ma trận”.
Trước khi viết bài này, tôi đọc lại Luật Đất đai 2003 và các văn bản dưới luật của Chính phủ và Bộ TNMT. Thật tình là quá rối rắm, hiểu không hết nổi. Cốt lõi của cái khó là nói sao để tránh cái “quyền sở hữu” của người dân nên mới có cấu trúc văn bản phức tạp mà không người nông dân nào hiểu hết khi đọc các văn bản ấy.
Quyền sử dụng lâu dài, về thực chất như quyền thuê đất 20 năm mà thôi. Nông dân có công với cách mạng mà chỉ được thuê 20 năm, trong khi các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài thì 50 năm, vậy có công bằng không?
Ngay như Điều 105 và các điểm b, c, d của Điều 114 quy định các quyền của đối tượng sử dụng đất, vì tránh“sở hữu” nên viết rất dài, nhưng thiếu và khó hiểu. Đất đai nên đa sở hữu và do vậy mới cần có luật để điều chỉnh các mối quan hệ sở hữu ấy. Cái cốt lõi của Luật Đất đai cần sửa có lẽ là chỗ đó, vừa hợp lòng dân vừa phù hợp với hội nhập quốc tế.
Cơ hội cho tham nhũng
Trong thực tế, tôi từng chủ trì giải quyết các tranh chấp đất đai, nhiều vụ thành nhưng không phải là ai cũng thỏa mãn. Nhiều vụ gay gắt xử mãi không xong, có vụ xử bên nào thắng cũng là đúng... Đặc biệt, có vụ tranh chấp nhà đất ở huyện Tân Châu năm 1968 giữa vợ 1 thiếu tá Sài Gòn - bên nguyên, do tòa án chế độ cũ xử, thì bên bị là gia đình có công với cách mạng thắng vì có “quyền lưu cư thâm niên”. Tòa của ta xử ngược lại, họ thua mới đau!
Luật Đất đai quy định thời gian (20 năm) và cả 4 cấp chính quyền đều có quyền về đất như hiện nay là kẽ hở cho tham nhũng đầm đìa.
Nói thế để thấy luật của ta như một rừng chữ, nhưng trong đó có quá nhiều đường quanh, nẻo tắt; người ngay vận dụng là quá khó khăn, kẻ cơ hội, tham nhũng thì tha hồ kiếm chác.
Điển hình như chính quyền huyện Tiên Lãng nói: Thu hồi thì cứ thu hồi, còn giao lại cho ai thì chưa tính, đó là quyền của nhà nước. Mồ hôi, công sức, tiền của của người dân mà nói tưng tửng như vậy thì chỉ có trời mới hiểu. Dân không hiểu thì mới làm liều như trường hợp Đoàn Văn Vươn!
Năm 2013 là hết hạn 20 năm có “quyền sử dụng đất” của đại đa số nông dân, rồi vấn đề gì sẽ xảy ra nếu không sửa cái “thời hạn” và cả “hạn điền”? Nhân đây xin được nói thêm về hạn điền và thời hạn “sử dụng đất”. Hạn điền 3ha là cấp đất không thu tiền, còn chứng nhận việc sang nhượng, mua sắm mà cũng hạn điền là không lên sản xuất lớn, không cạnh tranh.
Đặt vấn đề sửa Hiến pháp, sửa Luật Đất đai (và các luật quan trọng khác có liên quan tới quyền dân chủ tự do của người dân) thiết nghĩ Trung ương đã rất sáng suốt đặt vấn đề giải quyết trong cái tổng thể “cải cách thể chế” và phân công lãnh đạo cao cấp chủ trì.
-------------------
Kỳ 4: Phải hài hoà lợi ích
Nguyễn Minh Nhị

Luật đất đai: Lắm kẽ hở nên nhiều người lợi dụng

(Dân Việt) - “Luật Đất đai đang bộc lộ ngày càng rõ nhiều kẽ hở khiến cho những người vận dụng nó được nắm cái quyền quá lớn” - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nhấn mạnh.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão
Vận dụng sai Luật Đất đai
Theo Luật Đất đai, liệu có thể hiểu rằng đến năm 2013 hơn 10 triệu hộ nông dân đang được giao đất với thời hạn 20 năm sẽ bị thu hồi đất và giao lại cho người khác như trường hợp ở Tiên Lãng, thưa ông?
- Khi những người làm luật vào cuộc và thông qua Luật Đất đai năm 2003 tại Quốc hội thì đều với tinh thần là giao đất lâu dài cho người nông dân, để họ yên tâm sản xuất, đầu tư mang lại hiệu quả lớn cho họ và cho đất nước. Nhưng khi viết vào văn bản luật do không chặt chẽ đã gây ra hai cách hiểu.
Nếu hiểu theo đúng tinh thần các buổi thảo luận thì mọi trường hợp đều có thể xem xét lại. Nếu ai có yêu cầu, nhu cầu, sử dụng đất đúng pháp luật thì được xem xét và tiếp tục làm các thủ tục hành chính để được giao đất. Theo tôi, nếu hiểu theo tinh thần ấy thì là vì dân, bảo vệ nhân dân, và hiểu luật khi thông qua như vậy là hợp lý và tốt cho dân.
Nhưng những người hiểu máy móc thì họ sẽ bắt người dân phải làm các thủ tục phiền hà, gây khó dễ cho dân. Cách viết luật không chặt chẽ, rồi sau đó cũng không có giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho nên đó là những hạn chế của Luật Đất đai cho dù đã được sửa tới 4 lần. Đó cũng là kẽ hở để lãnh đạo huyện Tiên Lãng làm sai luật, vận dụng sai và ép người dân.
Xin phép trở lại lịch sử của vấn đề, tại sao trước năm 1980, đất đai thuộc đa sở hữu, nhưng đến Hiến pháp 1980 lại quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Tại sao lại có sự thay đổi như vậy?
- Khi đó, chúng ta đã tham khảo kinh nghiệm của Liên Xô và các nước khác nên đưa vào Hiến pháp như vậy. Đến Hiến pháp 1992, mặc dù thảo luận nhiều và thấy đó là vấn đề phức tạp, nhưng vẫn chưa vượt được xu hướng thời kỳ những năm 80.
Nông dân mong muốn được giao đất lâu dài để yên tâm sản xuất, đầu tư.
Ở đây, chúng ta có phần phê phán cơ quan nhà nước, nhưng cũng cần có sự chia sẻ. Đây là phần trách nhiệm cao hơn công tác quản lý nhà nước. Vì Luật Đất đai do Quốc hội thông qua, một mặt Quốc hội phải chịu trách nhiệm, nhưng nói gì thì nói vẫn phải đảm bảo sự chỉ đạo của Đảng. Do vậy, Đảng cũng cần nghiên cứu, xem xét lại, để tới đây sửa đổi Hiến pháp thì nên sửa như thế nào.
Đến Hiến pháp 1992, mặc dù đã quy định giao đất lâu dài cho người dân, tuy nhiên, Luật Đất đai năm 1993 không những không cụ thể hóa được tinh thần này, mà lại đặt ra thời hạn giao đất 20 năm. Ông lý giải như thế nào về điều này?
- Thời điểm sửa đổi Hiến pháp 1992 là thời điểm sôi sục đổi mới, không khí đổi mới của Đại hội VI vẫn đang hừng hực. Thành ra khi đó tranh luận nhiều nên Điều 17, Điều 18 Luật Đất đai (quy định về quyền sử dụng đất - PV) phải thông qua rất nhiều lần. Lần trước đã thông qua có mở hơn, nhưng lần sau lại thông qua vẫn giống tinh thần Hiến pháp 1980.
Nhưng đến lần sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, vì xa tinh thần sôi động của đổi mới nên còn khép lại nhiều hơn...
Năm 2003, khi tổng kết 10 năm thi hành Luật Đất đai, có 2 luồng ý kiến băn khoăn, một là thời hạn 20 năm quá dài, trong khi một luồng ý kiến khác lại cho rằng như vậy vẫn ngắn. Trong khi các đại biểu Quốc hội lại vẫn ủng hộ mức 20 năm? Liệu có phải khi ấy họ đã tính đến chuyện sau 20 năm sẽ chia lại ruộng đất?
- Tôi cho rằng đó là sự bảo thủ của Quốc hội, trách nhiệm của Quốc hội. Còn Chính phủ lúc đó có ý kiến đề nghị giao đất trong 30 năm hoặc lâu hơn, cho thấy nhận thức tiên tiến hơn. Chúng ta phải thừa nhận Chính phủ đã sát hơn với cuộc sống.
Nhận thức tốt, kết quả mới tốt
Từ vụ việc ở Tiên Lãng đang đặt ra vấn đề rất lớn, đó là sở hữu đất đai. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tôi cho rằng nên cho phép đa sở hữu về đất đai, như thế mới phù hợp và gần với cuộc sống. Như vậy mới có Luật Đất đai hoàn thiện hơn, cùng với đó sự quản lý nhà nước sẽ tốt hơn. Như hiện nay là chưa hoàn thiện, và quản lý nhà nước từ T.Ư đến địa phương cũng sẽ rất khó. Do vậy, cũng nên chia sẻ với cơ quan hành pháp. Luật đã có khiếm khuyết thì nay lại vận dụng sai, đó là điều không chấp nhận được.
Cho dù có quy định thời hạn thì tinh thần cũng phải là lâu dài mãi mãi, để đến hết đời cha, đời con, người ta vẫn có thể tiếp tục sản xuất được. Đấy chính là trách nhiệm của cơ quan lập pháp.
Chẳng hạn như quyền sử dụng đất đai. Quy định đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng trong Luật Đất đai thì ở khoản 4, Điều 4 quy định, người ta có 5 quyền về chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế... Nếu như vậy có nghĩa là Luật Đất đai công nhận có sở hữu cá nhân, vì phải là đất của mình thì mình mới có quyền chứ. Những nhận thức đó cho thấy chưa có sự thống nhất giữa Hiến pháp và luật. Vì vậy, nhiều ý kiến mới nói Luật Đất đai là “vi hiến”.
Theo nhận định của ông, với lần sửa đổi Hiến pháp này, nhận thức có gì đổi mới hơn, mạnh hơn để thay đổi vấn đề được cho là cốt lõi của sở hữu đất đai trong Hiến pháp?
- Vấn đề đất đai là vấn đề rất khó, quan trọng. Nếu xử lý không trách nhiệm, khách quan đầy đủ thì có thể nghiêng bên này, bên kia. Nghiêng bên này cũng nguy hiểm, bên kia cũng nguy hiểm. Muốn vậy, chúng ta phải dân chủ với dân. Vấn đề đất đai phải trưng cầu ý dân, đưa ra những phương án cụ thể để dân được đóng góp rõ ràng. Nếu chúng ta đi chung chung thì rất khó trả lời. Tôi ủng hộ trưng cầu ý dân và sửa đổi trên cơ sở kết luận ý dân. Lòng dân là trên hết. Nếu chúng ta không làm được như vậy thì tôi tin lần này chưa chắc chúng ta đã sửa được một cách tốt đẹp. Phải có cách làm tốt, nhận thức tốt thì kết quả mới tốt được.
Từ Hiến pháp đến Luật Đất đai nhận thức không nhất quán nên nhiều hậu quả: Trong khi Nhà nước nghèo khó, một số người cũng nghèo khó đi, thiệt thòi hơn thì lại có một số người rất lợi. Trong xu hướng đất đai ngày càng thu hẹp lại thì chúng ta cần phải chấn chỉnh, sửa lại ngay từ gốc.
Xin hỏi ông một câu hỏi cuối, hiện nay trên thế giới còn quốc gia nào quy định hình thức sở hữu đất đai như Việt Nam không?
- Tôi biết Trung Quốc vẫn ghi đất đai là sở hữu nhà nước, nhưng cách quản lý họ khác. Họ không cho Luật Đất đai có 5 quyền như Việt Nam. Họ nhất quán từ Hiến pháp đến Luật Đất đai. Thà chặt hẳn như vậy, không thì phải cởi mở để thông thoáng.
Trung Quốc họ quản lý đất đai tốt hơn chúng ta nhiều. Khi cần xây dựng khu công nghiệp, hay mở đường thì cách thu hồi đất của họ cũng khác. Họ thu hồi là thu hồi ngay và trả quyền sống cho người dân xứng đáng như bố trí chỗ ở tại những khu cao tầng, khu chung cư. Trả lại đúng diện tích đó hoặc hơn. Chúng ta không làm được như vậy, và không nhận thức được như vậy.
Xin cảm ơn ông!

Sở hữu vô chủ , 

Đào Tuấn ,
nguồn : http://www.baomoi.com/Home/ThoiSu/danviet.vn/Luat-Dat-dai-Can-mot-su-thay-doi-co-ban/7872252.epi 

Nghị trường. Ngày 31-5-2003. QH thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu QH Nguyễn Ngọc Đào đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Với khái niệm đất đai là sở hữu toàn dân và Nhà nước là chủ sở hữu thì Nhà nước là ai? Chủ sở hữu là ai?”. Theo ông Đào, chế độ sở hữu này đã dẫn đến tình trạng “Có rất nhiều Nhà nước trong một Nhà nước” khi xã, huyện, tỉnh, cấp nào cũng là nhà nước, cũng được giao đất, cho thuê đất dẫn đến tình trạng dân không biết Nhà nước nào giao đất cho mình”. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thì cho rằng “Quyền sở hữu toàn dân là một thứ hư quyền, là chẳng phải của ai cả. Trong khi đó, về lý thuyết, người dân chỉ có quyền sử dụng đất. Đó là một thứ quyền rất mỏng manh”. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đề cập thẳng thắn tới việc: Không thể lẩn tránh vấn đề cơ bản trong luật đất đai là Quyền sở hữu.

Điều đáng lưu ý là ông Nguyễn Đình Lộc từng đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban biên tập Hiến pháp 1992.
Nhưng tất cả những phát biểu đó là vô nghĩa khi về nguyên tắc, chế độ sở hữu đất đai trong luật không thể trái với Hiến pháp, đạo luật được coi là luật gốc, là luật mẹ của các luật.
Đa sở hữu đối với ruộng đất thực ra đã được đặt ra ngay trong bản dự thảo  Hiến pháp 1980. Ông Vũ Mão, một cựu quan chức của Quốc hội khi trả lời câu hỏi “Vì sao” có sự thay đổi chế độ sở hữu đất đai kể từ bản Hiến pháp 1980 đã thừa nhận: “Khi đó xu hướng, nhận thức chúng ta về xây dựng CNXH có “hơi quá” so với thực tiễn cuộc sống”. Tới đầu những năm 90, khi Hiến pháp 1980 được sửa đổi, quan điểm này tiếp tục được đưa ra. Thậm chí ngay cả khi bản Hiến pháp 1992 không thừa nhận quyền tư hữu, thì Luật đất đai 1993, đã đẻ ra một thuật ngữ lạ “Quyền sử dụng đất”. Trao đổi với nhà báo Huy Đức, Trưởng ban Biên tập Hiến pháp 1992, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc lý giải: "Không ai có đủ dũng cảm đứng lên đòi bỏ sở hữu toàn dân, vì đó là một vấn đề nhạy cảm, đụng đến chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, Luật Đất đai 1993 đã rất tiến bộ so với “Luật mẹ” khi “lách hiến pháp” bằng cách giao 5 quyền đối với đất đai, trong đó có quyền chuyển nhượng Quyền sử dụng đất.
Cả ông Vũ Mão và ông Nguyễn Đình Lộc đều không giải thích rõ nhận thức “hơi quá” thực chất là gì. Tuy nhiên, nhận thức “hơi quá” đó đã dẫn đến một hình thức “sở hữu toàn dân” trong Luật mẹ, “sở hữu nhà nước” trong Luật đất đai, và “Sở hữu vô chủ” trong thực tế; đã biến Luật đất đai, một bộ luật quan trọng liên quan đến gần 90 triệu dân, dù đã 4 lần sửa đổi, bổ sung (riêng Luật đất đai 2003 có trên 400 văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện) [thành bộ luật] chứa đầy bất cập, xa lạ với thực tế. Một nguyên nhân không nhỏ của những bất cập là vì những nhập nhằng trong chế độ sở hữu. Những bất cập mà nó đẻ ra đã được đại biểu QH Nguyễn Đình Lộc nói tại Quốc hội năm 2003: Nhà nước không quản lý được giá đất khiến giá đất lên cơn sốt nhiều lần. Còn đại biểu Nguyễn Thị Nga thì cho rằng: Nhà nước không bán đất nên đất không có giá. Nhà nước giao 7 quyền cho tổ chức, cá nhân sử dụng nhưng cần phải khẳng định rằng những quyền này không phải đối với đất mà là đối với quyền sử dụng đất.
Năm 2010, khi tổng kết thi hành luật đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên phát biểu, dù rào đón rằng đó chỉ là quan điểm cá nhân: “Tốt nhất là cho sở hữu tư nhân đất ở vì thực chất đã sở hữu tư nhân rồi mà ta cứ nói là sở hữu toàn dân, thành ra bao nhiêu chính sách ra không rõ!”.
Nhưng không thể sửa luật nếu như chế độ sở hữu đất đai trong “Luật mẹ” chưa thay đổi.
Ngày 26-3-1970, sau khi được thông qua tại lưỡng viện, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc lệnh ban hành luật “Người cày có ruộng”. Theo tinh thần của Luật: Ruộng đất không trực canh đương nhiên bị truất hữu (nhưng được bồi thường với gia trị quy định là 2,5 lần giá năng suất thóc từ mảnh ruộng đó) và được cấp phát miễn phí cho tá điền. Đến năm 1974, theo số liệu của Tổng nha Điền Địa, toàn miền Nam đã cấp phát gần 1,3 triệu ha cho khoảng 75 vạn nông hộ, với khoảng 5 triệu nông dân. Nông dân còn đồng thời còn nhận kèm giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất. Thành công nhất của dự Luật là chấm dứt chế độ tá canh ở miền Nam khi tá điền trở thành điền chủ. Bản thân các đại địa chủ, cũng được bồi thường, chứ không bị thu trắng, với số tiền lên tới 171 tỷ đồng.  Luật “Người cày có ruộng” bấy giờ được dư luận hết lời ca ngợi. Thậm chí còn được The New York Times đánh giá là cuộc cách mạng ruộng đất mang nhiều tham vọng và tiến bộ nhất thế kỷ 20.
Tuy nhiên, tờ Chính Luận Sài Gòn số ra ngày 23-2-1971 dẫn lời dân biểu Trần Văn Quá, Chủ tịch Ủy ban Canh nông của Thượng viện tiết lộ: "Hầu hết số ruộng này đã được Việt Cộng cấp không cho nông dân từ mấy năm trước, nay luật "Người Cày Có Ruộng" xem như hợp thức hoá tình trạng đó".
“Người cày có ruộng” thực chất chính là khẩu hiệu của Đảng khi tiến hành cuộc cách mạng vô sản. Sau cải cách ruộng đất 1954-1956, khẩu hiệu này đã được hiện thực hóa khi 81 vạn ha ruộng đất, 10 vạn con trâu bò và 1,8 triệu nông cụ đã được chia cho gần 2 triệu nông dân.
Nhưng ruộng đất lại trở thành của “toàn dân” chỉ rất nhanh sau đó.
Sau “vụ án Cống Rộc”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vạch ra những bất cập xung quanh việc giao đất có thời hạn, đại ý: 20 năm, 50 năm, hay 70 năm thì cuối cùng cũng vẫn dẫn tới việc hết thời hạn. Và vì thế, nếu không có sự thay đổi cơ bản về chế độ sở hữu, những “vụ án Cống Rộc” chắc chắn vẫn sẽ xảy ra.
Cương lĩnh của Đảng năm 2011 đã không còn cụm từ “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” – như trongCương lĩnh 1991 – đây có thể là một tín hiệu “đèn xanh” để chế độ sở hữu về ruộng đất có thể thay đổi trong đợt sửa đổi Hiến pháp tới đây. Tuy nhiên, có thể chính vụ án Cống Rộc mới là yếu tố thực tiễn thúc đẩy sự thay đổi này trong Hiến pháp, đạo luật được coi là Luật mẹ. Để ít nhất các luật đất đai sẽ không phải “lách hiến pháp”, để nông dân thực sự có ruộng đất và không bị đẩy đến bước đường cùng nữa.

Từ vụ Tiên Lãng, xem lại Luật Đất đai

Chủ Nhật, 12/02/2012 23:11

Theo ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ Tiên Lãng là rất thỏa đáng


Bị phá sập nhà, gia đình ông Đoàn Văn Vươn - Đoàn Văn Quý phải dựng lều ở tạm. 
 Ảnh: Thế Dũng
Với tư cách đại biểu Quốc hội, thành viên Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Dương Trung Quốc cho rằng từ vụ Tiên Lãng, chúng ta bàn về sửa đổi Luật Đất đai vào lúc này là rất chín muồi vì Hiến pháp 1992 cũng đang được tiến hành sửa đổi.
Lời nhắc nhở sửa luật
Phóng viên: Ông suy nghĩ gì sau vụ việc ở Tiên Lãng - Hải Phòng, nhất là trong bối cảnh sắp sửa đổi Luật Đất đai?
- Ông Dương Trung Quốc: Sự kiện Tiên Lãng như một tiếng súng báo hiệu, một lời cảnh báo vào thời điểm mà thời gian giao đất đã sắp hết hạn. Do đó, rất có thể không chỉ có ông Đoàn Văn Vươn mà còn rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tôi đã tiếp cận khá nhiều vụ khiếu kiện đất đai, tất cả chỉ gói gọn vào vấn đề chính quyền thực hiện quyền đại diện thu hồi đất của nông dân.
Luật Đất đai được quy định bởi Hiến pháp 1992 - hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam không chấp nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Ngay trong thời phong kiến, tuy nói rằng đất là của vua nhưng trên thực tế phần lớn đất đai là nằm trong làng xã. Các làng xã lại được quản lý bởi những tập tục rất lâu đời, mang yếu tố dân chủ làng xã và tạo nên sự ổn định. Bên cạnh đất công cũng có cả đất tư nhân và giữa hai thành phần này luôn tác động lẫn nhau. Đất tư luôn có xu hướng phát triển, tạo ra mâu thuẫn trong xã hội, trong cộng đồng và Nhà nước dùng chính sách quân điền để điều chỉnh một cách hợp lý (dùng đất của người giàu chia cho người nghèo). Nhà nước không can thiệp nhưng thể hiện quyền quản lý của mình thông qua các làng xã.
Theo tôi, Luật Đất đai 1993 đã tạo ra hình thái như sau: Thứ nhất, quyền sở hữu toàn dân là một hư quyền. Thứ hai, quyền sử dụng là thực quyền (quyền của người sử dụng gần như là quyền tư nhân). Thứ ba, quyền đại diện (chính quyền hành pháp) là đặc quyền. Đặc quyền khi không có sự giám sát chặt chẽ sẽ chỉ là ý chí nhà lãnh đạo địa phương, có thể tước đoạt đất của người dân với những lý do nằm ngoài quy định luật pháp. Tình trạng tùy tiện đó minh chứng bằng vụ Tiên Lãng là rõ nhất.
* Từ vụ Tiên Lãng chúng ta rút ra được bài học gì về vấn đề cán bộ, công tác thi hành luật và giám sát việc thực thi luật pháp?
- Luật rõ ràng khi ở trên giấy, cái khó nhất là đưa luật vào cuộc sống, bao gồm những văn bản dưới luật và năng lực thực thi của bộ máy hành pháp. Vấn đề là ở khả năng giám sát văn bản dưới luật và việc thực thi luật của các thiết chế dân cư (HĐND, Quốc hội cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có MTTQ). Ngay khi xảy ra vụ Tiên Lãng, tôi đã phát biểu trước Quốc hội rằng trách nhiệm này thuộc về cơ quan giám sát, cơ quan giám sát là Quốc hội (giám sát pháp luật và thực thi pháp luật tại địa phương). Tôi rất mong Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện vai trò của mình không chỉ với cương vị là Thủ tướng mà còn là đại biểu Quốc hội tại TP Hải Phòng. Với hai “vai” ấy, là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Thủ tướng không chỉ xử lý vụ việc mà còn phát hiện những bất cập trong hệ thống thực thi pháp luật để góp phần điều chỉnh luật đất đai và xây dựng hiến pháp.
Hiện khoảng 80% vụ khiếu kiện là liên quan đến đất đai nhưng tỉ lệ thực thi lại cực kỳ thấp. Vụ ông Đoàn Văn Vươn nếu không có mùi thuốc súng thì có lẽ cũng đã “chìm” giống như nhiều vụ khác. Đành rằng hành động của ông ta là sai nhưng rất cần đánh giá đúng bản chất và nguyên nhân sự việc. Vụ Tiên Lãng góp phần làm chúng ta giật mình, vì nếu không có vụ này thì tất cả mọi việc có thể sẽ trôi đi, nhất là năm 2013 - thời điểm kết thúc 20 năm giao đất - sắp đến gần.
Kết luận của Thủ tướng rất thỏa đáng
* Thủ tướng cũng đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành siết chặt quản lý đất đai, tránh để xảy ra sai phạm tương tự. Theo ông, làm thế nào để không còn những vụ đau lòng như Tiên Lãng?
- Tôi đã rất xúc động khi nghe phát biểu của vợ ông Đoàn Văn Vươn trên truyền hình là “mong Thủ tướng quan tâm nhiều hơn đến những trường hợp của người nông dân khác có cùng hoàn cảnh liên quan đến đất đai như gia đình tôi”. Tôi nghĩ, những kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng là hết sức thỏa đáng, đồng thời hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về thắt chặt hơn công tác quản lý đất đai ở các tỉnh, thành.
Ngay trong phần đầu phát biểu kết luận, Thủ tướng đã nêu rõ là ngay từ năm 1987, chúng ta có 3 lần sửa đổi lớn, đặc biệt kể từ khi Luật Đất đai 1993, chúng ta xóa bỏ ruộng đất tư nhân, bên cạnh đó cũng đã có hàng trăm văn bản hướng dẫn thi hành khác. Ngoài việc chỉ đạo về pháp luật, tôi nghĩ phải xem xét lại toàn bộ Luật Đất đai, phải dự báo được tình hình sắp tới để Luật Đất đai phát huy được điểm tốt và hạn chế tối đa những nhược điểm. Tôi mong xem xét lại việc có còn giữ thời hạn giao đất hay không và hướng tới một lộ trình chúng ta có nên công nhận sở hữu tư nhân hay không. Điều này góp phần vô cùng quan trọng vào hiến pháp đang sửa đổi.


Không nên đặt ra thời hạn giao đất
* Thưa ông, thời hạn giao đất theo Luật Đất đai 1993 là 20 năm, sắp tới sửa luật có nên kéo dài thời hạn hay xóa bỏ hẳn?
- Những người tham gia xây dựng Luật Đất đai 1993 có nói trong tư tưởng chỉ đạo là sẽ giao đất lâu dài, ổn định cho nông dân. Đặt ra thời hạn chỉ nhằm thể hiện quyền quản lý, định đoạt của Nhà nước. Chỉ thu hồi đất đai với một số trường hợp đặc biệt nhưng muốn dùng thời hạn 20 năm như một sự thử nghiệm, giống như một lời nhắc nhở đây là đất của Nhà nước. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ giải quyết thời hạn 20 năm ấy như thế nào? Nếu chúng ta giữ nguyên cột mốc 20 năm thì sẽ có những hành động kiểm chứng việc làm của người nông dân, sẽ không có kiểu thừa kế, bỏ hoang… Nhưng nếu Luật Đất đai còn duy trì thời hạn giao đất thì bộ máy công quyền sẽ thực hiện một khối lượng thủ tục hành chính lớn và phức tạp để kéo dài quyền sử dụng đất cho dân và quan hệ xin - cho sẽ nảy sinh những vấn đề phức tạp.
Do vậy, theo tôi, nếu sửa Luật Đất đai thì không nên đặt ra thời hạn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giao vĩnh viễn bởi vì Nhà nước có quyền định đoạt có điều kiện (chẳng hạn phục vụ cho những lợi ích quan trọng của quốc gia), ngay cả khi thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất như đã từng có trong lịch sử trước năm 1993 thì quyền đó vẫn được thực thi.
Duyên Anh thực hiện