Thursday, March 22, 2012

Suy thoái kinh tế thay đổi người Mỹ như thế nào::
Các doanh nghiệp đều tìm cách giảm người để giảm chi lương bổng. Nhưng ở Mỹ, việc này không đơn giản. Trong một số ngành, khi cho nhân viên thôi việc, chủ doanh nghiệp phải bồi hoàn cho họ rất nhiều tiền. Để tránh các khoản chi ấy, người ta thường dùng cách giảm thời gian làm việc để giảm lương. Nhiều công ty bây giờ cho làm việc 3 ngày một tuần, thời gian làm việc mỗi ngày cũng giảm bớt chỉ còn 4-5 giờ. Một văn phòng luật ở New York cho hơn 100 nhân viên nghỉ phép hẳn một năm, tiền lương chỉ còn 1/3. Ai không bị nghỉ thì phải làm thêm việc, trở nên bận túi bụi. Họ không có thời gian ăn trưa đàng hoàng như trước mà phải ăn nhanh, và thế là các tiệm McDonald, KFC trở nên đông khách trong khi các hiệu ăn sang trọng phải đóng cửa.
Nhiều người bỗng dư dật thời gian. Có người đi tìm thêm việc làm để kiếm ăn, người đi học thêm nghề mới hoặc nâng cao tay nghề. Nhiều người thất nghiệp nay cắp sách tới trường học thêm một chuyên môn nào đấy để có thể kiếm được việc làm, khiến cho số người xin vào học các trường Đại học tăng lên nhanh chóng. Nhiều bà nội trợ lên mạng tìm việc làm ở nhà. Những ngành lao động vất vả như chăm sóc người ốm, người già, lau chùi quét dọn… bây giờ không thiếu người đến xin làm.
Tiêu thụ hàng hóa sút kém rõ rệt. Thoạt tiên các mặt hàng xa xỉ phải hạ giá, nhiều cửa hàng treo bảng “Sale” (bán hạ giá), kể cả hàng hiệu Valentino, Loro Piana, Comme des Garcons. Tiếp đó một số hàng phổ thông cũng hạ giá theo. Tiêu dùng trong nước vốn là nền tảng của sự phồn vinh kinh tế ở Mỹ, nay tiêu dùng sa sút khiến nền kinh tế càng tồi tệ.
—những đức tính mà người Mỹ học được trong đợt xuy thoái:
1. Làm quen với tính căn cơ tiết kiệm
Trước đây người Mỹ quen chi tiêu thoải mái, không cần tính toán; nay thì người ta bắt đầu thấy cần suy nghĩ kỹ trước khi mua sắm. Thí dụ bây giờ chẳng ai còn bỏ mấy chục USD để mua cái máy bóc trứng luộc. Mức chi dùng bình quân mỗi ngày của một người Mỹ hồi tháng 10/2008 là 91 USD thì đến tháng 10/2010 chỉ còn 62 USD.
Trong khủng hoảng kinh tế, quan điểm tiêu dùng của mọi người bị thay đổi mạnh. Bây giờ họ đều chủ trương chi tiêu có tính toán, tiêu dùng có lý trí với nguyên tắc tiết kiệm và thực dụng lặng lẽ thay thế mốt tiêu dùng trên hết thời trước. Chỗ nào cũng thấy bán đồ cũ (second hand). Nơi trao đổi đồ cũ chuyển từ cửa hiệu tới các gia đình. Nước Mỹ có lịch sử trao đổi hàng tại ga-ra ô tô. Cứ đến cuối tuần, dân trong khu phố mang các thứ đồ mình không dùng tới bày ra bán, nơi bày là ga-ra, sân, vườn trước sau nhà. Người ta muốn thanh lý những đồ không dùng đến, nhân thể kiếm ít tiền.
Tiết kiệm trở thành thói quen mới của nhiều người. 20% khách hàng có phiếu mua hàng giảm mua sắm. Bây giờ người ta thích mua loại xe nhỏ dùng ít xăng ; các loại xe phân khối lớn và xe thể thao trở nên khó bán.
Một cuộc điều tra tháng 7/2009 cho thấy 22% người Mỹ bớt số lần đến bác sĩ khám sức khỏe. Số ngày đi du lịch rút ngắn. Nhiều đôi hoãn ngày cưới, hoặc sinh con. Nhiều nhà hoãn mua xe mới, nội thất mới hoặc trang trí lại nhà. Lượng ô tô chạy trên đường giảm hẳn. Nhiều người bây giờ đi làm bằng xe đạp, vừa tiết kiệm xăng, sạch môi trường, vừa có dịp tập thể dục. Các phương tiện giao thông công cộng nay đông khách hơn trước rất nhiều.
2. Thay đổi cách ăn uống và giữ dình sức khỏe
Bữa ăn trưa của người đi làm có thay đổi rõ rệt. Họ bớt đến các nhà hàng mà tìm cách ăn ít tốn kém hơn. Món Bữa trưa đóng hộp (Luncheon Meat) rẻ tiền hồi Đại suy thoái thập niên 30 thế kỷ XX từng thịnh hành nay lại phục hồi. Mỗi hộp giá có 2,4 USD, chưa bằng giá nửa miếng bittet; rất nhiều người thích mua để ăn trưa. Một số người chịu khó nhét vào bụng các loại thức ăn vừa rẻ vừa tiện lợi nhanh chóng, như McDonald, gà rán KFC tuy báo chí gọi đấy là thức ăn nhanh rác rưởi (junk fast food).
Các cá nhân và gia đình giảm hẳn số lần đi ăn nhà hàng và bớt mua các loại thực phẩm không cần thiết. Đàn ông bớt hút thuốc lá và uống rượu sang.
Nhiều gia đình trở lại thói quen nấu lấy bữa ăn. Trong năm khủng hoảng đầu tiên, số người tự nấu ăn tăng 325%. Chương trình truyền hình của Nữ hoàng nội trợ Martha Stewart tăng thêm mục “Bí quyết tiết kiệm” trong nấu ăn.
Chỉ sau một đêm, bà già 94 tuổi Clara Cannucciari [1] trở nên nổi tiếng vì người ta được biết chuyện hồi thập niên 30 thế kỷ trước bà từng dùng 2 USD kiếm được mỗi tuần bằng nghề may vá để nuôi cả gia đình ăn trong một tuần. Lâu ngày bà tích lũy được một danh sách nhiều món ăn đơn giản, rẻ tiền mà ngon, chủ yếu từ đậu tương và bột mỳ; gọi là Thực đơn thời Đại suy thoái, nay in thành sách bán chạy. Năm 2007, cháu ngoại bà đã làm một cuốn phim ngắn về tài nấu ăn cao siêu của bà và tung lên Youtube, kết quả có hơn 1 triệu người vào thăm.
3. Thay đổi về tài chính
Trong thời kỳ Đại suy thoái hồi thập niên 30, chính quyền nhiều địa phương ở Mỹ đã phát hành các loại tem gọi là Scrip tạm thời thay cho tiền để phát lương cho công nhân viên. Ai ngờ ngày nay loại tiền này lại xuất hiện; rất nhiều địa phương ở Mỹ phát hành loại tiền riêng của mình. Như vùng Berkshires thuộc bang Massachusetts có tiền Berkshires, Bắc Carolina có tiền Plenty, Detroi có tiền Cheers … Cả nước Mỹ có khoảng 75 loại tiền địa phương như vậy. Cách sử dụng tiền địa phương cũng gần giống như phiếu mua hàng: công ty và các cá nhân hình thành mạng in loại tiền này, khách hàng mua tiền ấy với giá ưu đãi (thí dụ 95 xu mua được 1 USD), sau đó được dùng để mua hàng với giá trị in trên tiền (1 USD) tại các cửa hàng sử dụng loại tiền này trong địa phương mình cư trú.
4. Thay đổi cách giải trí cho lành mạnh
Khi thu nhập giảm sút, nhiều người Mỹ bớt đi tìm các trò tiêu khiển giải trí ngoài phố mà chọn cách giải trí ở nhà mình. Người ta bắt đầu ưa thích tổ chức các buổi vui chơi, hòa nhạc gia đình hoặc giữa bạn bè với nhau, hoặc ở nhà xem truyền hình, đánh cờ, chơi trò chơi, làm vườn, sửa chữa vặt đồ đạc trong nhà và chơi thể thao. Lượng tiêu thụ các dụng cụ chơi cờ và đồ chơi tăng rõ rệt. Số người đến casino, tìm gái mãi dâm hoặc tìm mua ma túy … giảm hẳn.
5. Thay đổi quan hệ gia đình, bè bạn
Không ít người trẻ tuổi vì không còn đủ tiền thuê nhà đành phải về ở nhờ nhà cha mẹ. Nhiều người tìm đến bạn bè cũ để nhờ vả tìm việc làm hoặc giải quyết khó khăn đời sống. Người Mỹ quen sống tự lập, độc lập, nay cảm thấy cần liên kết giúp đỡ nhau cùng vượt qua thời kỳ khó khăn. Vợ chồng phải luôn bàn bạc cách chi tiêu mua sắm chứ không thể ai muốn mua gì thì tự mua như trước.
điều này làm tình huynh đệ bè bạn gắn bó hơn. gi đình đoàn tụ yêu thương đầm ấm.
Kết quả của những thay đổi nói trên làm cho người Mỹ sống lành mạnh hơn trước, quan hệ người-người, gia đình, bạn bè được thắt chặt, đời sống tinh thần phong phú hơn tuy đời sống vật chất có túng thiếu hơn. Các loại bệnh và tệ nạn xã hội giảm hẳn vì người ta không còn thừa tiền để mua dâm, xài ma túy, cờ bạc rượu chè. Nạn béo phì mất đất phát triển. Điều tra cho thấy 57% số người được hỏi nói suy thoái kinh tế khiến họ thắt chặt quan hệ gia đình, vợ với chồng, con cái với cha mẹ; 35% nói họ hăng hái hơn trong các công việc xã hội ở khu phố và tôn giáo
6. Thay đổi tư duy
Thiệt hại thiết thân từ suy thoái kinh tế làm người Mỹ quan tâm hơn đến các vấn đề của xã hội, đất nước, nhất là vấn đề kinh tế. Các buổi tranh luận trên truyền hình về chính sách kinh tế của Chính phủ, sách báo viết về vấn đề kinh tế tài chính ngày càng được nhiều người chú ý. Dân chúng muốn biết do đâu có khủng hoảng tài chính, trách nhiệm của Nhà nước, của người dân như thế nào. Rõ ràng nhận thức của họ về các vấn đề này đã nâng cao một bước đáng kể. Các nhà kinh tế góp phần quan trọng thức tỉnh người Mỹ quan tâm nhiều hơn đến vận mệnh nền kinh tế đất nước mình, chứ không chỉ quan tâm đến bản thân như trước. Phần lớn họ hiểu ra là không nên trở lại lối sống tiêu dùng ít suy nghĩ tính toán như trước.
Những người thất nghiệp hiểu ra họ cần nâng cao tay nghề, học thêm kiến thức và nghề nghiệp mới. Nhiều người dùng tiền bồi thường mất việc để kinh doanh một nghề mới. Đây là những cách tốt nhất để tự thoát ra khỏi suy thoái kinh tế.
Trong suy thoái, dân Mỹ vẫn tin vào Giấc mơ Mỹ, nhưng nhận thức giờ đã khác trước. Người ta đưa ra định nghĩa mới về Giấc mơ Mỹ, đó là Không nợ nần, sống dưới khả năng tài chính của mình và trong nhu cầu của mình… chứ không phải quan niệm “nhiều hơn là tốt hơn” (“more is better” ) như trước kia.
Thay đổi tư duy là thay đổi quan trọng nhất, nó đang giúp người Mỹ tìm được lối thoát ra khỏi suy thoái kinh tế cho cá nhân và gia đình mình cũng như cho xã hội./.
————————-
các bạn thấy đấy, thời kì bảo bình đã đến với nước Mỹ một cách thầm lặng, rõ ràng là không giọt máu nào đổ vì chiến tranh chém giếc. đây chỉ là thời điểm mới bắt đầu của thời kì bảo bình nên người Mỹ còn phải chật vật kiếm sống và có thể như bạn đã nói thì năm 2017 hoặc 2024 kinh tế thế giới sẽ phục hồi và không chỉ riêng người Mỹ mà cả thế giới sẽ có “cơ hội” để rèn luyện lối sống và tư duy tích cực.
thân