CÓ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ HIỂU
ĐỖ TRƯỜNG
Thời tiết Châu Âu năm nay, dường như hơi đỏng đảnh. Đã đầu tháng sáu,
trời vẫn còn se lạnh. Mưa dầm mưa dề, không thối đất thối cát như ở quê
nhà, nhưng đủ làm nước sông Elber dâng cao, tàn phá nhiều thành phố làng
mạc của Đức và những nước có chung dòng chảy. Những ngày này, lại làm
tôi nhớ đến Monaco và câu nói của Michal Bui: “ Mưa bão, lụt lội, chiến
tranh bom đạn, dù xảy ra ở nơi nào, đất nước nào, thì cũng vô cùng tàn
khốc. Nhưng chiến tranh mâu thuẫn trong lòng người còn tàn khốc, nguy
hiểm hơn ngàn lần…“
Tháng tám năm 1995, tôi có ông cậu họ Đặng, Chef nhớn của quận Ba Đình
Hà Nội, sang Paris học hay thăm quan gì đó ở trường hành chánh mấy
tháng. Ông điện bảo, học hành gì, cỡi ngựa xem hoa thôi, tôi sang lúc
nào cũng được. Lúc đó, tôi có vợ chồng anh Nguyễn Thế Cường, nguyên đội
trưởng lao động ở Werdau, hiện là Phó tổng giám đốc một công ty thuộc Bộ
Nông Nghiệp, cũng từ Việt Nam sang. Tôi rủ anh sang Paris và đi Manaco
thăm bà bác theo chồng là sỹ quan Pháp về nước từ những năm 1940. Buổi
tối Paris, chỗ ông cậu tôi có cả anh Cù Huy Hà Vũ ở đó. Hàn huyên với
nhau một đêm, hôm sau chúng tôi đi tiếp tục chặng đường 1000 cây số đến
Manaco.
Từ trên Autobahn(đường cao tốc) ngồi trong xe, nhìn xuyên qua những tấm
kính ngăn tiếng ồn, Manaco lọt thỏm trong tầm mắt. Vương Quốc 36 ngàn
dân, rộng chừng 2 cây số vuông này, có con đường chính chạy dài, một mặt
phố, như hai cánh tay ôm lấy biển. Ngoài xa, đoàn tầu rực lên ánh đèn
màu lọt qua ô cửa và có những con sóng bạc vỗ nhẹ dưới chân tầu, cứ ngỡ
đó là khu phố mới, xây trên miền đất trắng. Phố đã vào đêm, tôi kéo cửa
kính, gió chợt luồn vào xe, mát dịu. Để xe chầm chậm, nhẹ lăn trên
đường, tôi vục tay vào trong gió, cảm giác như được chạm vào làn da của…
thuở yêu đầu. Từng tốp khách du lịch, chẳng cần chiếu đệm, nằm phơi
mình, hứng gió trên hè đường. Thành phố lặng yên, nghe tiếng thở của
sóng. Với tôi, Monaco có lẽ là Vương Quốc sạch và đẹp vào bậc nhất hành
tinh này.
Đã khá muộn, nhưng bác tôi, vợ chồng Davis, con cả của bác và Michal Bùi
(bạn Davis) vẫn chờ cơm chúng tôi. Bác tôi, năm ấy đã tám chục, nhưng
còn khỏe và minh mẫn. Bác có bốn người con, ba người sinh sống ở Ý. Chỉ
còn Davis từ ngày bác trai mất, anh dọn về ở cùng với bác. Davis sinh ở
Hà Nội và có một vài năm sống ở quê, lại gần gũi với mẹ, nên anh nói
được tiếng Việt. Năm ấy anh cũng đã gần sáu chục, đủ tuổi về hưu sớm.
Michal Bùi, tuy sinh đẻ ở Pháp nhưng ba mẹ đều là người Việt, hồi nhỏ
anh sống vật vờ mấy năm trong cư xá Sainte Livrade cùa những người đã
làm việc cho Pháp hoặc có gốc Pháp, hồi cư năm 1955, nên anh sõi tiếng
Việt. Vì vậy, trong bữa ăn bữa nhậu chúng tôi dùng tiếng Việt thoải mái,
rôm rả.
Milchal Bùi hơn tôi chừng bốn, năm tuổi, nhìn rất phong trần, sóng gió
của người lính trên tầu viễn dương. Anh bảo, mấy năm trước tàu có cập
cảng Hải Phòng và Sài Gòn, nhưng chỉ bốc dỡ hàng xong là đi ngay, không
có thời gian tìm về bản quán quê hương. Nhưng những năm tháng hải hành
như vậy, tầu anh đã vớt, cứu được nhiều đồng hương trên đường vượt biên…
Trời gần sáng, bia rượu trên bàn đã cạn. Tôi gần như hai đêm không ngủ,
lái xe liên tục hai ngàn cây số, người đã quay quay. Định chui vào phòng
ngủ, nhưng Milchal Bùi làm cho tôi chợt tỉnh, giã cả rượu, bằng câu
chuyện về số phận những người lính khố đỏ, ở mặt trận chống phát xít năm
xưa. Câu chuyện này, Milchal cũng kể lại theo lời của ba anh, tuy ngắn,
đơn giản nhưng nó làm tôi ám ảnh mãi: “Ông Bùi (ba của Michal) có người
bạn thân quê miền Trung từ khi vào lính khố đỏ. Cả hai đều được điều
động sang An-ge-ri vào cuối thập niên ba mươi, thế kỷ trước. Ngay sau
đó, họ lại được điều về chính quốc (Pháp), mặt trận chống phát xít Đức.
Pháp thất bại, họ đều bị quân đội Đức bắt làm tù binh. Sau khi được quân
đội Đồng Minh giải phóng, các ông ở lại Pháp. Năm 1946, nghe theo lời
kêu gọi chính phủ Việt Minh, hơn nữa đã có vợ con ở quê nhà, nên bạn ông
Bùi đã lên tầu về nước. Ông Bùi ở lại, sau đó ông quen và ăn ở với vợ
người lính Pháp chết trận, từ Việt Nam sang và sinh ra Milchal Bui ở cư
xá Sainte Livrade. Sau này có nhiều người từ Việt Nam sang, ông dò hỏi
về bạn mình. Có người biết bảo, khi bạn ông về, bà vợ đã đi lấy chồng vì
tưởng ông đã chết. Nhưng ngay sau đó, bà bỏ ông chồng mới, trở về sống
với ông. Lúc đó bạn ông đã vào bộ đội Việt Minh. Nhưng trớ trêu thay,
bạn ông lại lại là thuộc cấp của ông chồng mà vợ bạn ông vừa bỏ. Trong
một trận đánh, bạn ông đã bị ông này, bắn chết từ phía sau và gán cho
cái tội chạy theo địch…“
Vâng! Câu chuyện chỉ có vậy thôi. Tôi ám ảnh, không hẳn vì cái chết oan
uổng của người lính trận, hoặc hành động dã man, bỉ ổi của kẻ giết
người, mà bởi cái tàn nhẫn của chiến tranh. Thân phận của người vợ, cũng
như mâu thuẫn, dày vò trong nội tâm của bà, tưởng như chỉ có trong tiểu
thuyết hay phim ảnh. Đúng như vậy, hậu quả trong bất cứ cuộc chiến nào,
sự thiệt thòi, trớ trêu, khổ đau nhất, cũng thuộc về những người vợ,
người mẹ. Và tôi cứ phân vân tự hỏi, liệu chúng ta có cần bằng mọi giá
thống nhất đất nước, với một cuộc chiến đẫm máu và nước mắt vừa qua?
Khi tôi tìm tài liệu về thân thế của nhà thơ, dịch giả Đỗ Hoàng để viết
bài “ Đỗ Hoàng, Người Đi Nhặt Lại Hồn Thơ Cũ“. Chỉ có bài viết của nhà
thơ Trần Quang Đạo, nhắc về cái chết của thân phụ Đỗ Hoàng, bị đồng đội
bắn chết và gán cho cái tội chạy theo giặc vì mâu thuẫn tình ái. Lúc
này, tôi chỉ mơ màng dường như câu chuyện này mình đã nghe, hoặc đọc ở
đâu đó. Nhưng khi nhận được thư của Đỗ Hoàng gửi cho tôi ngày 19-6-2013
đăng trên báo vannghecuocsong.com
ở trong nước, thì câu chuyện của Michal Bui kể, gần hai mươi năm về
trước, vỡ òa trong ký ức tôi. Tôi bị xúc động mạnh, tôi không khóc,
nhưng đến lúc này ngồi viết trên bàn máy vi tính tay tôi vẫn còn run
run.
Tôi không phải là người nghiên cứu xã hội hay hình sự học, nên không dám
khẳng định hai sự việc trên là một, nhưng sự liên tưởng của người viết
văn bất chợt có trong tôi.
Leipzig ngày 24-6-2013
Đỗ Trường
No comments:
Post a Comment