Tam quyền phân lập:
Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ bảy, ngày 20 tháng bảy năm 2013
Phân chia quyền lực là nền tảng của một bản Hiến Pháp tiến bộ với mục
đính kiểm soát quyền lực của chính phủ và đảm bảo quyền lợi của công
dân.
Về cơ bản, việc tâp trung nhiều hoặc toàn bộ quyền lực vào một người
hoặc cơ quan sẽ dẫn đến độc tài. Quyền lực phải được chia đều giữa nhiều
cơ quan, nhiều người. Mỗi cơ quan có một giới hạn quyền lực nhất định
và bị kiểm soát qua lại bởi những cơ quan khác.
Hệ quả tất yếu của việc phân chia quyền lực là tốn thời gian và đòi hỏi
sự đồng thuận cao để thông qua một quyết định, đạo luật. Tuy nhiên, điều
này giúp quyền lợi của người dân được đảm bảo. Những chế độ độc tài
thường thiết lập các thể chế chính trị rất đơn giản và ngược lại, đặc
điểm của một nền dân chủ là tạo ra những hệ thống phức tạp. [3]
Có 2 dạng phân chia quyền lực:
• Theo chiều dọc: quyền lực được phân chia theo cấp độ, từ cao đến thấp.
Ví dụ: những cấp bậc ở Đức gồm có Liên minh châu Âu, Chính quyền liên
bang, chính quyền địa phương, chính quyền thành phố.
• Theo chiều ngang: quyền lực được phân chia đều giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp (Tam quyền phân lập)
----------------------------------
PHẦN 1: Tam quyền phân lập – phân chia quyền lực theo chiều ngang (Horizontal separation)
Ý tưởng về tam quyền phân lập được hình thành từ thời Hy Lạp cổ đại và
phát triển trong thời kỳ Khai Sáng tại châu Âu. Vào thế kỷ 17, nước Anh
đã hình thành được một thể chế gồm ba nhánh [1]
• Quốc hội (Parliament) giữ quyền lập pháp, gồm 2 viện là House of
Commons (Hạ viện, chức năng gần tương đương với quốc hội của Việt Nam)
và House of Lords (Thượng viện). Thành viên của Hạ viện được bầu trực
tiếp từ nhân dân trong khi đa số ghế của Thượng viện là được kế thừa
• Quốc vương (vua hoặc nữ hoàng) thừa kế quyền lực, giữ quyền hành pháp.
Một chuỗi những thoả thuận giữa quốc hội và quốc vương đã được thông
qua giúp quốc hội có thể kiểm soát quyền lực của quốc vương.
• Toà án nắm quyền tư pháp. Cho đến thế kỷ 17, quan toà tại Anh vẫn phục
vụ quốc vương và quốc vương có quyền sa thải thẩm phán. Vào năm 1710,
quốc vương đã đống ý yêu cầu của quốc hội về việc bảo đảm tính độc lập
của toà án. Quan toà sẽ được giữ chức vụ suốt đời nếu làm tốt việc xét
xử. Tiền lương cho nhánh lập pháp sẽ luôn được đảm bảo và một thẩm phán
chỉ có thể bị sa thải khi cả hai Viện đều đồng ý.
MÔ HÌNH NHÀ NƯỚC MỸ
Tại Mỹ, phân chia quyền lực được đề cập trong Hiến Pháp như một trong
những điều cơ bản để xây dựng chính quyền. Ba nhánh được phân chia quyền
lực đồng đều là quốc hội, tổng thống và toà án. [1]
--- Quốc hội ---
Hiến pháp Mỹ quy định chỉ duy nhất quốc hội có quyền lập pháp (tại Đức
quyền lập pháp được chia ra cho 4 cơ quan khác nhau). Quốc hội Mỹ theo
chế độ lưỡng viện bao gồm Hạ viện (the House of Representatives) và
thượng viện (the Senate). Một dự thảo luật được thông qua chỉ khi có sự
đồng ý của cả hai viện.
• Quốc hội -> Tổng thống: Quốc hội kiểm soát ngân sách chi tiêu của
nội các, có quyền thông qua một đạo luật mà không cần thông qua tổng
thống (yêu cầu 2/3 số phiếu). Có quyền tố cáo và bãi nhiệm tổng thống.
Danh sách các ứng cử viên cho việc bầu cử tổng thống phải có sự đồng ý
của quốc hội.
• Quốc hội -> Toà án: Việc đề cử các chứ danh cho toà án phải được
thông qua bởi thượng viện. Quốc hội có quyền tố cáo và cách chức thẩm
phán.
Trong lịch sử Mỹ, quốc hội đã tố cáo 17 thẩm phán, nghị sỹ và 2 tổng
thống. Gần đây nhất là vụ buộc tội thẩm phán Thomas Porteous vào năm
2010 vì nhận hối lộ. Kết quả ông bị cách chức và không được nhận khoản
lương hưu $174000.
--- Tổng thống và nội các ---
Quyền điều hành đất nước được trao cho tổng thống. Nhiệm vụ là phải đảm
bảo luật pháp được thực thi một cách minh bạch và chính xác. Tổng thống
có quyền bổ nhiệm các vị trí trong chính phủ. Tổng thống đồng thời cũng
là tổng tư lệnh của quân đội quốc gia.
• Tổng thống -> Quốc hội: Tổng thống có quyền phủ quyết những dự thảo
luật do quốc hội thông qua nếu nếu cho rằng luật này vi phạm hiến pháp.
Franklin Roosevelt là tổng thống sử dụng quyền phủ quyết nhiều nhất
trong lịch sử nước Mỹ, 635 lần (Bill Clinton 37 lần, George W.Bush 12
lần). Nguyên nhân là do ông tại vị suốt 4 nhiệm kỳ (1933-1945), và trong
khoảng thời gian này, quốc hội có rất nhiều cải cách sau cuộc Đại suy
thoái và Chiến tranh thế giới thứ 2. [4]
• Tổng thống -> Toà án: Tổng thống có quyền đề cử các vị trí trong toà án.
--- Toà án ---
Toà án Tối cao là cấp cao nhất trong nhánh tư pháp, đảm nhận nhiệm vụ
kiểm tra Hiến pháp và các bộ luật liên bang. Hiến pháp bảo vệ sự độc lập
của Toà án bằng việc đảm bảo chức vụ trọn đời của thẩm phán và không
thể bị cách chức nếu không phạm sai lầm.
• Toà án -> Quốc hội: Toà án có quyền phán quyết một đạo luật là vi
hiến và bị bãi bỏ. Trong năm 2013, Toà án tối cao Mỹ đã tuyên bố đạo
luật về bảo vệ hôn nhân (Defense of Marriage Act) là vi hiến. Đạo luật
được thông qua vào năm 1996, nội dung về việc không công nhận hôn nhân
đồng giới. [5]
• Toà án -> Tổng thống: Toà án có quyền phán quyết những việc làm của tổng thống là vi hiến.
Hạn chế của ngành tư pháp Mỹ là ngân sách được quyết định bởi quốc hội.
Tại Đức và Ý, Toà án Hiến pháp được quyền tự quyết ngân sách của mình
một cách hợp lý [2]. Quốc hội Mỹ còn có quyền phủ nhận phán quyết vi
hiến của toà án, mặc dù việc này rất khó khăn, đòi hỏi 2/3 số phiếu của
quốc hội và 3/4 số phiếu từ các chính quyền địa phương.
KẾT
Có thể thấy việc phân chia quyền lực theo chiều ngang tạo nên một cơ chế
kiểm soát qua lại rất chặt chẽ giữa các nhánh trong nhà nước. Dù điều
này sẽ tạo nên sự phức tạp trong việc điều hành quốc gia nhưng giúp hạn
chế tối đa việc lạm quyền, độc tài, đảm bảo tính độc lập và minh bạch
trong từng nhánh của chính phủ.
Nhà nước Việt Nam hiện nay không theo cơ chế tam quyền phân lập, quyền
lực nhà nước là thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Theo lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Vĩnh Phúc
ngày 25/2/2013, việc ủng hộ tam quyền phân lập tại Việt Nam được xem là
suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức. [6]
----------------------------------
Tài liệu tham khảo
1/ Separation of Powers: The role of an Independent – Judiciarry in Sustaining our Democracy
2/ Judicial Independence in Europe, The Swedish, Italian and German Perspective – John Adenitire
3/ Teaching the German Way of Separating Powers – Joachim Detjen
4/ The American Presidency Project – Presidential Vetoes
5/ DOMA: US Supreme Court Declares Law Defending Traditional Marrige Unconstitutional – Watching America – Matteo Winkler
6/ Chương trình Thời sự VTV1, 19h ngày 25/2/2013
(Dân luận)
No comments:
Post a Comment