Tuesday, October 15, 2013

Tại sao giáo dục Việt Nam khủng hoảng và đâu là lối thoát?

Nguyễn Đình Đăng


Thưa TS Nguyễn đình Đăng và các bạn ,
Bài sau đây lấy từ blog cũa TS , tôi xin phép đăng lại trên blog cũa mình để dễ tìm . Cám ơn TS . (Tài) .

Nguồn :http://ribf.riken.go.jp/~dang/education.htm

(Bài này được viết xong cách đây một năm về trước, giữa lúc các cuộc tranh luận về cứu nguy hay chấn hưng giáo dục trong nước diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, ngay cả sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Giáo dục đến nay đã 5 tháng, đọc lại bài viết thấy vẫn còn nguyên tính thời sự, tác giả đã quyết định gửi đăng sau khi sửa lại và bổ sung chú giải [3] và [6].)


1. Tại sao?

            Có lẽ chưa bao giờ khủng hoảng về giáo dục ở Việt Nam lại được nói đến với nhiều bức xúc như hiện nay. Có người đã ví hiện trạng giáo dục Việt Nam như một cơ thể ốm yếu với những “khối u dị dạng”[1] mà nếu không cắt bỏ bây giờ thì cơ thể sẽ không còn cách nào để thoát khỏi lưỡi hái của Thần Chết.

            Người ta nói nhiều đến căn bệnh này nhưng phần lớn các cuộc thảo luận phần nhiều chỉ liệt kê các hiện tượng và hậu quả. Để giải quyết triệt để một bài toán đau đầu, điều tối quan trọng là phải nhận cho ra những nguyên nhân sâu xa đưa đến những hiện tượng đó.

            Vậy nguyên nhân dẫn đến tấn bi kịch hiện nay của giáo dục Việt Nam nằm ở đâu? Phải chăng gốc rễ của vấn đề nằm ở hai điểm chính sau đây:

  1. Thứ nhất là truyền thống học để làm quan của người Việt. Điều này đã bắt đầu từ xa xưa, có thể là từ khi đạo Nho của người Tàu thâm nhập vào nước Việt. Toàn bộ tình trạng học gạo, học vẹt, thi cử nặng nề, học chỉ để cốt thi đỗ đại học v.v. ngày nay là hậu quả của hệ thống thi cử “lều chõng” xưa kia của Việt Nam - một hệ thống mà qua bao cuộc “bể dâu”, tuy có nhiều thay đổi về hình thức, nhưng thực chất vẫn y nguyên. Người Việt phần nhiều học để ra “làm quan” chứ không phải vì tò mò, vì nhu cầu tự thân của những sung sướng do hiểu biết đem lại.

  1. Thứ hai đó là thái độ không tôn trọng (nếu không nói là coi rẻ) cá nhân con người trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là thái độ chưa thực sự  tin tưởng  trí thức, những người một thời từng bị xếp vào tầng lớp “tiểu tư sản” và hay “giao động”, và chịu sự miệt thị của một số tầng lớp khác[2].

            Bước ngoặt trong chính sách giáo dục ở Bắc Việt Nam xảy ra vào khoảng những năm 70 khi ông Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Từng là một trí thức học ở Pháp, ông là người đầu tiên đề ra hình thức thi vào đại học của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trước đó, học sinh vào đại học chỉ được chọn theo thành phần và lý lịch, không hề có thi cử. Với chính sách mới, yêu cầu về lý lịch dần dần được nới lỏng, yêu cầu về điểm số cao đạt được trong các kỳ thi được chú trọng. Các học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đại học được nhà nước gửi đi học tại các nước xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ.

ông Tạ Quang Bửu
(1910 - 1986)
            Nhưng cũng từ lúc đó xã hội Viêt Nam bước vào một giai đoạn mới sau chiến tranh với khủng hoảng lớn nhất bắt đầu từ sự mất lòng tin. Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 người dân dần dần mất lòng tin vào phát ngôn của các chức sắc. Nhiều cán bộ bắt đầu mất lòng tin vào chính những gì mình từng tin trước đó. Bên cạnh đó cuộc sống với các nhu cầu về vật chất càng ngày càng tăng của con người làm cho người ta thấy rằng những điều người ta tin theo trước kia chỉ là “đạo đức giả”, rằng một khi đã sinh ra làm người thì ai cũng thích giàu sang vinh hoa phú quý. Điều này làm lung lay nền tảng cơ sở “mình vì mọi người mọi người vì mình”, “làm theo năng lực hưởng theo lao động”, v.v.

            Xã hội có sự chuyển biến về chất. Thay vì phải che giấu xuất thân gia đình tư sản hay tiểu tư sản như trước kia, tầng lớp “tư bản mới” bắt đầu khoe giàu khoe sang công khai, bắt đầu lấy tiền ra làm thước đo mọi giá trị. Thái độ đó xa lạ với giới trí thức chân chính, và phản ánh trình độ văn hóa đạo đức chung thấp kém của toàn xã hội. Xã hội không có luật pháp rõ ràng, chỉ được điều hành dựa trên các chính sách và nghị quyết. Mang tiếng là có một nhà nước vì dân, do dân, nhưng thực chất là nhân dân luôn bị coi là phải phục vụ nhà nước chứ không phải ngược lại. Tất cả các bản nhận xét người dân tốt đều phải có câu “chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách...”, v.v. Vì thế việc các cơ quan hành pháp, an ninh lộng quyền, dọa nạt, hà hiếp nhân dân, trong đó có trí thức, trở thành một tệ nạn… Sự ổn định của xã hội được duy trì không phải bằng ý thức tự giác của cộng đồng của những con người tự do, mà bằng nỗi sợ hãi của người dân đối với bộ máy quan lại và công an.

            Trong cơn “gió giục mây vần” này hệ thống giáo dục lại thay đổi rất ít, ngoại trừ một số “cải lùi” hình thức, phản tự nhiên như việc cải cách chữ viết năm nào. Thay vì có một chương trình để dạy trẻ làm Con Người toàn diện, nhà trường vẫn chỉ chú trọng dạy học sinh để trở thành những công cụ cho bộ máy nhà nước, tức là ra làm quan, y như xưa. Vì thế xã hội bắt đầu bỏ tiền ra “mua tước mua quan” đưa đến nạn mua bằng cấp, lạm phát học hàm học vị, nạn “học giả bằng thật” mà nhiều người đã nói đến, v.v. Trong tình trạng “phó tiến sỹ nhiều như lợn con”[3] - như câu nói cửa miệng trong dân gian - loại “trí thức rởm” đã làm giới trí thức trong nước nói chung bị mất uy tín trầm trọng. Hiện tượng này cộng với đồng lương ít ỏi của giáo viên trong tình trạng “nhà nước giả vờ trả lương, cán bộ giả vờ làm việc”, tham nhũng tăng lên, đạo đức xã hội tụt xuống (cũng chính do giáo dục khủng hoảng), đã sản sinh ra các lớp học “thêm” đầu tiên, dẫn đến quốc nạn học thêm ngày nay. Khủng hoảng giáo dục lại dẫn đến sự suy đồi về đạo đức. Đạo đức suy đồi tác động ngược lại hệ thống giáo dục vốn đang khủng hoảng. Cái vòng luẩn quẩn tưởng như sẽ không bao giờ dứt.


2. Lối thoát

            Gần đây nổi lên phong trào “tìm người tài”, “sử dụng người tài”, được thảo luận rầm rĩ trên báo chí, bên cạnh các cuộc tranh cãi làm thế nào để ra khỏi khủng hoảng giáo dục. Nếu đây là biểu hiện của một giác ngộ thực sự về giá trị và vai trò của trí thức chứ không phải một “Trăm hoa đua nở III” thì có thể coi đó là một điều đáng mừng chăng?

            Tuy nhiên các cuộc thảo luận nói trên vẫn chưa thoát khỏi triết lý đào tạo để phục vụ - cái thứ triết lý đã làm cho xã hội – hay ít nhất các phương tiện thông tin tuyên truyền - ngộ nhận các giải thi Olympic toán, lý quốc tế với sự tài giỏi của học sinh Việt Nam, ngộ nhận việc nhạc sỹ dương cầm Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin cách đây 1/4 thế kỷ (năm 1980) với sự ưu việt của đào tạo âm nhạc nước nhà, v.v.

            Pháp luật của một xã hội văn minh phải tôn trọng dân chủ và quyền của con người. Nhà nước và mọi tổ chức chính trị là do dân tạo ra và có nghĩa vụ phục vụ nhân dân chứ không phải ngược lại. Ngân sách nhà nước, trong đó có ngành giáo dục, là do nhân dân đóng thuế mới có. Quan điểm “nhân tài phải phục vụ nhà nước” nay cần được đổi thành “nhà nước và các công ty tư nhân (hay cổ phần) phải biết cách trọng dụng nhân tài”, tức là phải đối xử tử tế với họ về mọi mặt để họ có thể tự do phát triển tất cả tài năng của họ, qua đó đem lại lợi ích cho đất nước, nhà nước và các công ty. “Đối xử tử tế" ở đây cần được hiểu đầy đủ bao gồm tiền lương, trách nhiệm, quyền hạn v.v. tương xứng với tài năng của trí thức. Người tài không có lỗi nếu họ rời bỏ quê hương ra nước ngoài vì ở nước đó họ thấy được đối xử tốt hơn. “Đất lành thì chim đậu". Con người cũng vậy. Họ có quyền tự do đi lại, tự do lựa chọn chỗ ở, tự do thay đổi quốc tịch.

            Một nền giáo dục ưu việt phải lấy phương châm cung cấp cho mỗi học sinh đầy đủ điều kiện để phát triển thành con người toàn diện. Như thế nào là một con người toàn diện? Không phải xưa nay người ta không nói  đến vấn đề này. Tiếc rằng những tiêu chuẩn mà chúng ta thường nghe rao giảng như “vừa hồng vừa chuyên”, “tài đức song toàn”, “con người mới xã hội chủ nghĩa”, và gần đây, cái “tâm” thời thượng, thực ra rất mơ hồ, duy ý chí, đôi khi sai lạc, và khó có thể đưa đến những biện pháp cải cách cụ thể hữu hiệu.

            Người viết bài này cho rằng một con người toàn diện ngày nay phải là con người có “đất dụng võ” trong mọi xã hội văn minh, tỉ như, để sau khi lĩnh bằng thạc sỹ hay tiến sỹ của trường đại học ở Việt Nam, nếu sang Hoa Kỳ người đó sẽ không cần phải học lại để lấy bằng master hay PhD cuả Hoa Kỳ nữa.

            Nhà tâm lý và giáo dục học Mỹ giáo sư Howard Gardner[4] đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn về đức, trí, mỹ, dục,… của một con người toàn diện là một con người có đầy đủ 7 lĩnh vực của trí năng (gọi là seven types of intelligences) tạm dịch dưới đây:

1- Ngôn ngữ: là khả năng dùng ngôn ngữ để mô tả các sự kiện một cách thuyết phục, hùng biện và hình ảnh. Cần cho các nghề nghiệp như báo chí, hành chính, luật sư, thày giáo, các nhà văn, nhà thơ, viết kịch v.v.

2- Logic-toán học: là khả năng dùng các con số để tính toán và mô tả, dùng các quan niệm toán học để kết nối, ứng dụng toán học vào đời sống, vào phân tích các số liệu, xây dựng các luận điểm, nhạy cảm với tính đối xứng, với thẩm mỹ toán học, giải quyết các vấn đề trong thiết kế và mô hình hóa v.v. Cần cho các nghề nghiệp như các nhà khoa học, kỹ sư, thiết kế, nhà buôn v.v.
  
3- Âm nhạc: là khả năng hiểu và phát triển kỹ năng âm nhạc, rung động trước âm nhạc, hợp tác để dùng âm nhạc thoả mãn nhu cầu của người khác, diễn giải các hình thức và ý tưởng âm nhạc, biểu hiện qua sáng tạo âm nhạc và trình diễn âm nhạc. Cần cho các nghề nghiệp liên quan tới âm nhạc.

4- Không gian: là khả năng cảm thụ và trình bày thế giới một cách chính xác bằng hình ảnh trong không gian, khả năng sắp xếp màu sắc, đường nét, hình dáng đáp ứng nhu cầu của người khác, khả năng diễn giải các ý tưởng bằng hình ảnh, khả năng chuyển các ý tưởng bằng không gian hay hình ảnh thành các biểu hiện sáng tạo. Cần cho các nghề nghiệp như: nghệ sỹ, họa sỹ, nhiếp ảnh, trang trí nội thất, thiết kế thời trang, kiến trúc, xây dựng, phê bình mỹ thuật, điện ảnh v.v.

5- Thể hình (như trong các vận động viên hoặc vũ công): là khả năng dùng cơ thể và dụng cụ để tạo nên các hành động hữu hiệu, để xây dựng hay sửa chữa, giúp đỡ người khác, cảm thụ thẩm mỹ của cơ thể và dùng các giá trị đó để tạo nên các hình thức biểu hiện mới. Cần cho các nghệ nghiệp như cơ khí, huấn luyện viên, vận động viên, điêu khắc, vũ đạo, v.v.

6- Giao cảm: là khả năng tổ chức mọi người, truyền đạt rõ ràng những gì cần giải quyết, khả năng đồng cảm để giúp đỡ người khác và giải quyết các vấn đề vướng mắc, khả năng động viên kêu gọi mọi người tham gia thực hiện một mục đích chung. Cần cho các nhà tổ chức, các nhà chính trị, các nhà lãnh đạo, các nhà hoạt động xã hội, bác sỹ, hộ lý, thầy giáo, xã hội học, tâm lý học, cố vấn, nghệ sỹ, các nhà hoạt động tôn giáo v.v.

7- Nội cảm: là khả năng hiểu được chính mình, các chỗ mạnh chỗ yếu của mình, tài năng của mình, các mối quan tâm của mình, và dùng các yếu tố đó để đặt ra mục đích phấn đấu, để hiểu chính mình có ích cho người khác đến đâu và như thế nào, khả năng tạo nên các quan niệm và lý thuyết dựa trên soi xét chính bản thân mình, khả năng dùng trực giác và nhiệt tình của mình để tạo ra và bộc lộ quan điểm riêng. Cần cho các nghề nghiệp như người phác kế hoạch, kinh doanh nhỏ, tâm lý học, nghệ sỹ, hoạt động tôn giáo, nhà văn, v.v.

            Tính đa trí năng nói trên cần được đưa vào hệ thống giáo dục để tạo nên các học sinh toàn diện. Cụ thể là các môn học, ngoài toán, lý, hoá, sinh, văn, sử, địa, cần có các giờ ngoại ngữ, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc. “Cần có” ở đầy phải được hiểu theo nghĩa rất “nghiêm chỉnh” tức là phải có đầy đủ thầy cô chuyên môn, giáo cụ, chương trình chính quy, chứ không thêm vào chỉ để cho gọi là có.  

I. Chương trình đào tạo toàn diện này cần bao gồm cả:

  1. Môn học âm nhạc phải có các thầy cô được đào tạo về âm nhạc để dạy cho trẻ về xướng âm, nhạc lý, lịch sử âm nhạc, tiếp xúc với các kinh điển âm nhạc của nhân loại như các tác phẩm của Bach, Beethoven, Mozart, Chopin, v.v., tổ chức cho học sinh có các buổi biểu diễn ca nhạc. Mỗi trường cần được trang bị các nhạc cụ cơ bản như đàn piano (một upright một grand piano), đàn organ điện tử (vài chiếc), đàn guitar (vài chiếc), bộ trống, một số kèn (như trumpet, trombonnes, cornes, saxophones, clarinettes v.v.) để có thể lập một dàn nhạc của trường, v.v.

  1. Môn học mỹ thuật cần có các thầy cô được đào tạo về hội họa để dạy cho trẻ những kiến thức cơ bản về mỹ thuật, về hoà sắc, về hình họa, cách vẽ bằng màu nước, màu bột, sơn dầu, acrylic, nặn tượng, làm tranh khắc (khắc gỗ, khắc kim loại, v.v.), lịch sử mỹ thuật, tiếp xúc với các kiệt tác tiêu biểu của nhân loại như các pho tượng và kiến trúc Hy Lạp, La Mã, các đại danh hoạ và các trường phái hội hoạ thế giới v.v. Mỗi trường học cần được trang bị một phòng vẽ với nhiều giá vẽ, tượng thạch cao, và một số họa cụ cần thiết khác để học sinh học vẽ v.v.

  1. Về thể thao: Cần có các câu lạc bộ thể thao trong trường cho các học sinh (có thể từ trung học trở lên) tự chọn như: bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, karate, judo, v.v. Mỗi trường cần có một phòng thể thao, một bể bơi, và một sân vận động nhỏ.

  1. Giáo dục giới tính, bao gồm cả những vấn đề như quan hệ tình dục an toàn, v.v.

  1. Phương pháp giáo dục cần đổi theo hướng khuyến khích học sinh tư duy độc lập, phát biểu quan điểm riêng của mình về mọi vấn đề, tránh chỉ nhai lại một đáp án duy nhất, bất kỳ đó là của ai hoặc cơ quan nào đưa ra. Trong khi tiến hành, tránh hết sức mọi hình thức chụp mũ, quy kết, mà cần đưa ra chứng minh khách quan cho học sinh thấy đâu là chân lý, và để các em tự đi đến kết luận. Điều mấu chốt là phải cung cấp cho học sinh những phương pháp tư duy logic, chứ không đơn thuần là chỉ nhồi nhét cho các em những kiến thức đã xơ cứng và cũ rích, nhiều khi nhầm lẫn, sai lạc, mà lối học gạo học vẹt không thể nào phát hiện ra[5].

  1. Tin học hoá toàn bộ hệ thống nhà trường: Các trường từ trung học trở lên được trang bị phòng máy vi tính và được nối mạng internet.


II. Toàn bộ sách giáo khoa phải được “chế tạo” lại, đảm bảo đẹp cả về nội dung lẫn hình thức, có màu và nhiều hình ảnh minh họa. Học sinh cầm trên tay quyển sách giáo khoa đẹp cũng cảm thấy tò mò, hứng thú học hơn. Để có sách giáo khoa tốt nên tư nhân hoá toàn bộ việc xuất bản sách giáo khoa, tạo điều kiện cho các nhà sách cạnh tranh, mời các tác giả hay nhất viết sách giáo khoa, các họa sỹ, nhà nhiếp ảnh, nhà thiết kế giỏi trình bày sách giáo khoa. Sách giáo khoa cần được biên soạn lại hàng năm để bổ sung những kiến thức mới nhất của nhân loại, và loại bỏ những gì đã lỗi thời. Các trường có toàn quyền tự lựa chọn sách giáo khoa cho các học sinh của mình. Bộ Giáo dục chỉ đưa ra các yêu cầu về chương trình mà các nhà viết sách giáo khoa cần đảm bảo, sau đó lập hội đồng xét duyệt để công nhận các bộ sách giáo khoa nào đạt yêu cầu để có thể dùng cho giảng dạy[6].

III. Tại các trường công, nhà nước cần đảm bảo cho các thày cô có thu nhập nuôi sống được gia đình họ để họ có thể chuyên tâm nghề dạy học tại trường mà không phải “kiếm thêm ngoài giờ”[7]. Các thày cô sau khi đã nhận lương cao, không được phép dạy thêm ở bất cứ trung tâm dạy thêm nào. Người vi phạm sẽ bị thải hồi. Như vậy, những người dạy tại các trung tâm dạy thêm sẽ không đồng thời là giáo viên của các trường phổ thông hoặc giáo sư các trường đại học. Thường xuyên có các đợt sát hạch trình độ của giáo viên, cán bộ giảng dạy, để duy trì một đội ngũ các thày cô giáo thực sự có trình độ cao.

IV. Bãi bỏ toàn bộ kỳ thi vào đại học. Các trường đại học tuyển sinh dựa trên kết quả của học sinh trong suốt 3 năm cuối trường phổ thông trên cơ sở các tiêu chuẩn về đa trí năng nói ở trên, và qua phỏng vấn nếu cần. Các kỳ thi học kỳ trong trường đại học sẽ là các đợt sàng lọc sinh viên cho tới khi tốt nghiệp. Như vậy số người tốt nghiệp đại học sẽ ít hơn số người vào đại học, vì sẽ có một số, do học kém (do kém thông minh, kém tài, lười học, v.v.), không qua được các kỳ thi học kỳ, bị loại ra giữa chừng, tránh được tình trạng vào bao nhiêu ra bấy nhiêu của đào tạo đại học hiện nay.


3. Kết luận

            Trên đây là một số ý kiến của cá nhân người viết bài này về nguyên nhân của khủng hoảng giáo dục ở nước ta hiện nay và đề nghị giải pháp nhằm thoát khỏi khủng hoảng đó. Đây là một công việc không đơn giản và cần phải được tiến hành đồng thời với các cải cách trong các lĩnh vực khác của xã hội ta. Trì hoãn, do dự, bảo thủ, suy tính cá nhân, v.v. trong việc này chỉ góp phần làm trầm trọng thêm hiện trạng. Nền văn minh của một đất nước không phải là được đo bằng đồng tiền, bằng thu nhập của một số người giàu có, nhất là lại do làm ăn bất chính, do tham nhũng mà có. Nền văn minh của một đất nước thực chất được thể hiện trong các giá trị tinh thần và tri thức mà nhân dân của đất nước đó tạo ra. Trong sự nghiệp này giáo dục, văn hóa, nghệ thuật và khoa học giữ vai trò quyết định. 

            Nếu ví nền văn minh của một quốc gia như một khu rừng thì trí thức là những ngọn cây cao nhất trong khu rừng đó. Người ta nhận ra khu rừng lớn từ đằng xa bởi trông thấy những ngọn cây đó đầu tiên.



Viết xong ngày 28 tháng 9 năm 2004 tại Tokyo
(Bản đăng tại talawas ngày 20 tháng 10 năm 2005)





[1] Theo GS Hoàng Tụy tại hội thảo về chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, tháng 12 năm 2003.

[2] Tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 4 Trường Đại học Nhân dân tổ chức vào năm 1958, giảng viên Nguyễn Văn Ch… liên hệ tới nhãn hiệu Tiếng Chủ (La Voix de Son Maitre) vẽ một con chó ngồi trước loa máy hát cuả hãng đĩa hát (bây giờ là nhãn hiệu của hãng Victor) đã phê bình các trí thức học viên là: “Đến một con chó còn nhận ra tiếng chủ nó (Il reconnait la voix de son maitre) nữa là con người mà lại không nhận ra tiếng của mẹ mình!” (Mẹ ở đây chỉ Tổ quốc).

nhãn hiệu Tiếng Chủ (La Voix de Son Maitre)
Ngày hôm sau nhà giáo Nguyễn Đình Nam (sinh năm 1921) đã sáng tác bài thơ sau đây dán bích báo:

Tiếng chủ


“L’homme n’est qu’un roseau,
le plus faible de la nature mais c’est un roseau pensant”

(Con người chỉ là một cây sậy, cái thứ yếu đuối nhất của tự nhiên,
nhưng đó là một cây sậy biết suy nghĩ.)
B. Pascal

Chó nghe tiếng chủ nhận ra ngay,
Cải tạo chúng ta lại hóa gay!
Âm nhạc chó nghe còn thích thú,
Thuyết trình người học chửa mê say.
Phải chăng người chẳng bằng loài chó?
Hay lẽ chó còn kém bọn thày?
Điều khiển óc người xem khó thật
Bởi người biết nghĩ, chó không hay.

Câu chuyện của gần nửa thế kỷ về trước đó đến nay vẫn chưa mất tính thời sự. Cuối tháng 9 năm 2005 tại Hà Nội, một nhà khoa học nước ngoài nổi tiếng, nhiều năm sống ở Việt Nam, đã nói với người viết bài này như sau: “Tôi yêu đất nước này, nhưng mặt khác tôi thấy bộ máy quan lại ở đây tham nhũng nặng nề còn trí thức thì không được tôn trọng, thậm trí bị khinh rẻ”.

[3] Sau một cải cách về học hàm chức danh gần đây “phó tiến sỹ” được gọi là “tiến sỹ”, còn các tiến sỹ trước kia thì nay được gọi là “tiến sỹ khoa học”. Tác giả Lại Nguyên Ân đã ví cải cách này như sự kiện “các phó tiến sỹ sau một đêm thức dậy bỗng đồng loạt trở thành tiến sỹ”. Văn hóa thuyết trình tại hội thảo khoa học và cách chuẩn bị một báo cáo khoa học như thế nào để hấp dẫn người nghe - một việc mà các sinh viên đại học ở Mỹ hoặc châu Âu được hướng dẫn chi tiết - bị nhiều người, kể cả một số giáo sư tiến sỹ ở Việt Nam, xem nhẹ. Thay cho việc tiếp thu ý kiến xây dựng là các phản ứng tự ái, sửng cồ, nổi nóng, không chịu tiếp thu, trả lời lạc đề, v.v.. Đó là chưa kể đến rào cản về Anh ngữ vẫn còn lù lù đứng đó đòi hỏi nhiều nỗ lực phấn đấu để vượt qua.

Theo Tiền Phong Online ngày 24/8/2005 “trong số 13.500 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học của Việt Nam chỉ có khoảng 500 người (3.7%) có sản phẩm được quốc tế ghi nhận. Việt Nam đào tạo khối lượng lớn cử nhân nhưng không thành trí thức. Ví dụ cay đắng nhất là mỗi năm hàng ngàn trí thức trẻ bước vào bộ máy hành chính. Nhưng nền hành chính công bao nhiêu năm tiếp tục trì trệ, lạc hậu, hành dân. Đội ngũ cán bộ công chức đang bị coi là khâu yếu nhất trong tiến trình cải cách hành chính.

[4] Howard Gardner - giáo sư đại học Harvard. Xem http://www.pz.harvard.edu/PIs/HG.htm

[5] Xem chuyện vui Đôi điều phân vân của bố cu Tý của Nhỏ Thanh.

[6] Cuốn sách giáo khoa môn “Luân lý mới” của học sinh năm thứ 3 cao học ở Nhật (tương đương lớp 12 của ta) do 6 tác giả biên soạn, trong đó có 3 giáo sư đại học và 3 thày giáo cao học. Ngoài bìa sách in bức tranh “Viện Hàn lâm Athens” của đại danh họa phục hưng Rafael vẽ các triết gia cổ đại ở Athens, với Platon, tay chỉ lên trời - đại diện cho ý thức hệ duy tâm, và Aristotle, tay chỉ xuống đất, đại diện cho ý thức hệ duy vật,  đứng ở trung tâm. Sách dày 200 trang, dạy khá kỹ về các triết gia của nhân loại và các học thuyết của họ, từ các triết gia phương Tây với Socrates (470 – 399 tr CN), Platon (427 – 347 tr CN), Aritstotle (384 – 322 tr CN), Zenon (335 – 263 tr CN) , Epikouros (341 tr CN – 270 tr CN) đến các nhà tư tưởng phương Đông như Khổng Tử (551 – 479 tr CN), Mạnh Tử (372 – 289 tr CN), v.v. Trong phần các học thuyết của xã hội hiện đại, học sinh được học các tư tưởng thời Phục Hưng, rồi D. Erasmus (1466 – 1536), M. Luther (1483-1546), J. Calvin (1509 – 1564) , M. E. Montaigne (1533 – 1592), B. Pascal (1623 – 1662) , F. Bacon (1561 – 1626), R. Descartes (1596 – 1650), kế đến các tư tưởng dân chủ tự do với J. Locke (1632 – 1702) , J. J. Rousseau (1712 – 1778), I. Kant (1724 – 1804), G. Hegel (1770 – 1831), J. Bentham (1748 – 1832) , J. S. Mill (1806 – 1873), K. Marx (1818 – 1883), S. A. Kierkegaard (1813 – 1855), S. Freud (1856 – 1939), K. Jaspers (1883 – 1969), F. W. Nietzsche (1844 – 1900), M. Heidegger (1889 – 1976), J. P. Sartre (1905 – 1980) v.v. Mỗi một triết gia ít thì cũng được bàn luận trong 1 trang, nhiều thì vài ba trang (như Platon, Aristotle, Kant và Hegel). Tất cả 5 vị K. Marx, F. Engels, I. Bernstein và hai vợ chồng S. J. và B. Webb cộng lại được 3 trang. Sách còn dạy về lịch sử các tôn giáo của nhân loại như đạo Thiên Chúa, đạo Phật, đạo Hồi v.v.

Có bao nhiêu học sinh lớp 12 của Việt Nam hiện nay biết Kant, Hegel, Kierkegaard là ai, hoặc thuyết phân tâm học của S. Freud nói gì, kể cả bằng con đường tự đọc sách?

[7] Theo tin VietNam Net ngày 28 tháng 3 năm 2004, tại hội thảo về chấn hưng giáo dục gần đây, một đại biểu tham dự hội thảo nêu ra con số 4 tỉ USD nhà nước ta chi cho giáo dục (với 22 triệu học sinh) hàng năm, tức là số chi bình quân cho mỗi học sinh là 182 USD. Để thấy con số này là nhiều hay ít chỉ cần so sánh với ngân sách nhà nước chi cho giáo dục của Nhật Bản 13 năm trước đây (1992) (với 25 triệu học sinh) là khoảng 50 tỉ USD, tức là số chi bình quân cho mỗi học sinh ở Nhật Bản là 2000 USD, gấp hơn 10 lần của Việt Nam. Ngoài ra, chi phí gia đình phải trả cho một học sinh học cấp 3 trường công ở Nhật là vào khoảng 4000 – 5000 USD mỗi năm. Lương một giáo viên độc thân 23 - 24 tuổi mới vào nghề của Nhật bản là khoảng 3 triệu yen (27 ngàn USD) mỗi năm. Một giáo viên 40 tuổi có một vợ và 2 con hưởng lương khoảng 5.5 triệu yen (50 ngàn USD) mỗi năm, tương đương lương phó giáo sư đại học (khoảng 35 tuổi) khoảng 5 triệu yen (45 ngàn USD) mỗi năm.

ĐẦU MÁY XE LỬA TẠI ĐÀ LẠT ĐƯỢC PHỤC HỒI SAU KHI BỎ HOANG TỪ NĂM 1972. (BÀI 1) 

Thưa anh Nguyễn Thông và Huỳnh Ngọc Chênh,

Cách đây 1 hôm, trên blog của hai anh có một còm như sau, nhờ tôi dịch một bài về đường xe lửa Phan rang - Đà lạt. Nay tôi dịch xong, nhờ hai anh đăng để giúp cho còm-sĩ trên cũng như giúp cho chúng ta thư giản trong lúc tình hình chính trị rối ben như bây giờ.  Cám ơn,
====
"Nặc danh 14:23 Ngày 02 tháng 6 năm 2013
Mới thấy cái này hay hay.Mong bác Nguyễn Hữu Viện dịch ra tiếng Việt xem là cái gì.Xin cảm ơn.
http://www.funimag.com/photoblog/index.php/20090225/da-lat-train-station-solution-of-quiz-26/   "

=====

Hình 1-2: Ga Đà lạt 
Ga Đà Lạt sau khi phục hồi cho du lịch 
"Đà Lạt là một cao điểm về du lịch của Việt Nam nằm trên một cao nguyên (1500 m) ở miền Trung.
Cao nguyên này đã được khám phá năm 1893 bởi  nhà bác học và thám hiểm người Thụy sĩ gốc Pháp tên Alexandre Yersin - ông đã xây dựng một viện điều dưỡng (sanatorium) ở đó. Học trò của Louis Pasteur, ông là người khám phá trực khuẩn (bacille) bịnh dịch hạch. Ở Pháp, hoàn toàn ko ai biết ông, nhưng Việt Nam ngày nay kính trọng ông.
Thật lý thú, ở VN, chỉ có 2 con đường còn giữ tên Pháp là đường Pasteur và Yersin!
Đà Lạt đã nhanh chóng trở nên một điểm nghỉ mát của những kiều dân Pháp (villégiature pour les colons francais) ở Đông dương vì khí hậu ở đó tốt và ôn hòa quanh năm. Người Pháp đã nhanh chóng quyết định xây một đường xe lửa để nối cao nguyên này với bờ biển và với tuyến (xe lửa) Saigon-Hà Nội. Bắt đầu năm 1903 từ Phan rang, đường này chỉ làm xong vào năm 1932 khi nối được với Đà Lạt. Với độ dài 84 km, và chênh lệch 1500 m về độ cao, trong đó có ba đoạn phải dùng móc (cremaillere - để xe lửa khỏi bị tuột dốc--người dịch) và năm đường hầm. Nghành Hỏa xa Đông Dương đã mua những đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước - mà sáu cái được mua lại từ  công ty Thụy sĩ Furka Oberalp khi tuyến xe lửa xuyên núi Alpes này được chuyển qua chạy bằng điện.
Đường xe lửa này tồn tại sau đệ nhị T.C. và chiến tranh chống thực dân (đã buộc người Pháp rời VN năm 1955).
Nhưng chiến tranh Đông dương lần 2 thì tác hại hơn. Đường này bị quấy rối bởi các lực lượng CS và nạn nhân của nhiều vụ phá hoại. Đường vĩnh viễn ngừng chạy vào năm 1972 và tất cả đường ray và cầu kim loại được hoàn toàn tháo gở chỉ trong một năm! (theo lịnh của PTT Đỗ Mười -- người dịch).
Những đầu máy, đã bị bỏ lại tại chỗ và đã là nạn nhân của hao mòn và rỉ sét.
Hình 3-4-5: Đầu máy chụp năm 1990 tại Đà Lạt.

Năm 1990, hội Furka, (thành lập năm 1983 để phục hồi đoạn đường xe lửa vượt núi từ TP Oberwald và Realp - đã ko xử dụng từ lâu bởi công ty Furka Oberalp), đã tới Đà Lạt để thu hồi những đầu máy bỏ hoang này và đưa về Thụy Sĩ trong mục đích phục hồi và cho chạy lại trên đoạn đường này - đã ko xử dụng từ 1947! Những đầu máy, với số mệnh lạ kỳ, ngày nay là thành công của tuyến xe lửa Dampfbahn Furka Bergstrecke (DFB).
(Riêng tôi, tôi là thành viên của hội Furka từ 1991 ...)
 Hình 6-7: cũng đầu máy này, chụp tại TP Gletsh, Thụy sĩ.
Ngày nay, trên tuyến Phan Rang - Đà Lạt này, chỉ còn một đoạn 6 km được xử dụng một cách tượng trưng, nhằm chỡ khách du lịch, giữa Đà Lạt và Trại Mát.
Di tích chánh của tuyến xe lửa dùng móc này, dĩ nhiên là nhà ga tuyệt đẹp ở Đà lạt. Xây dựng năm 1932, bởi các KTS Pháp, lấy cảm hứng từ nhà ga Deauville, Pháp.
(Hình của Michel C. Dupont).
=====
Tài Trần : Khoảng đầu thập niên 1990, tôi và người bạn Pháp đã đi đường bộ (từ Đà Lạt xuống Đơn Dương) dọc theo đường xe lửa bỏ hoang này : chỉ còn thấy cái nền của đường xe lửa nhưng phong cảnh hai bên thì rất đẹp, vì còn vẻ hoang sơ . Tôi rất tiếc là một đường xe lửa tuyệt đẹp như vậy mà mình không thể phục hồi, để cuối cùng những đầu máy này lại trở về đất nước Thụy Sĩ của nó để chạy trở lại (nó đã được đưa sang VN và được xử dụng khoảng năm 1932, nghĩa là SẢN XUẤT CÁCH ĐÂY KHOẢNG TRÊN DƯỚI 80 NĂM). Nghe nói trước đây có một công ty nước ngoài định phục hồi tuyến xe lửa này nhưng  vì một lý do nào đó đã ko tiến hành".
Đọc thêm :
Bài viết Tháp Chàm-Đà Lạt - Một tuyến đường sắt bị lãng quên: 
http://daumaytoaxe.com/forum/showthread.php?t=71

http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=407320
http://hoangkimviet.blogspot.fr/search/label/%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng%20s%E1%BA%AFt%20th%C3%A1p%20ch%C3%A0m%20%C4%91%C3%A0%20l%E1%BA%A1t
Thưa các bác ,

NÓI THÊM VỀ TUYẾN XE LỬA ĐÀ LẠT - THÁP CHÀM .(BÀI 2) 

Nguồn: báo nước ngoài, báo trong nước như SGGP, và một số blog như "Cộng đồng những người yêu thích đường sắt Việt Nam ", v.v...

A. Đặc điểm của đầu máy hơi nước: tốc độ ở đồng bằng: 45 km/h, leo núi: 20 km/h, nặng: 60 tấn, dài : 8,75 m. Đầu máy có 4 trục xe/cầu (essieu), khoảng cách (empattement) giữa trục đầu và trục cuối là 5,325 m. Khi chạy thì chỉ có 3 trục được kết nối với động cơ hơi nước. Để đun nóng nồi hơi (chaudiere), phải dùng những ống có đường kính 118 ly và dài 2,95 m. Xử dụng các loại thắng như thắng hơi, thắng tay, v.v...
Hãng SLM ở Wintherhour, Thụy Sĩ đã sản xuất 10 đầu máy loại này và đánh số từ HG 3/4 # 1 đến HG 3/4 #10. Các chiếc từ số 1 đến 8 được chế tạo NĂM 1913 (cách nay ĐÚNG 100 NĂM). Hai chiếc số 9 và 10 thì năm 1914.
Các chiếc số 1, 2, 9, và 10 đã được mua và xử dụng cho tuyến Đà Lạt - Tháp Chàm (40 NĂM từ 1932 đến 1972).
Khoảng năm 1990, sau khi đưa (4 đầu máy này) về Thụy sĩ với rất nhiều khó khăn về kỹ thuật cũng như thủ tục hành chánh, thì hội Furka - thành lập năm 1983 với khoảng 7 NGÀN hội viên trên khắp thế giới - đã tháo tung các đầu máy rỉ sét này (qua 18 năm phơi mưa nắng). Họ đã phối hợp chặc chẻ với nhau, đo đạc chính xác từng chi tiết, chụp hình và LÀM MỚI HOÀN TOÀN chi tiết đó - theo như nguyên mẫu; sau đó ráp các chi tiết lại với nhau và cho vận hành đầu máy. Hội gồm những người có chuyên môn về cơ khí, làm việc rất chăm chỉ và đặc biệt là TỰ ĐÀI THỌ (mua vé máy bay, tự túc ăn ở, làm ko công cho dự án phục hồi này).
Hiện nay hội chỉ phục hồi được 2 chiếc và đưa vào xử dụng trên tuyến vượt đèo Furka và Oberalp, 2 chiếc còn lại thì đang phục hồi.
(còn tiếp)
Trả lời
(tiếp theo)

B. Về tuyến xe lửa Đà lạt-Tháp chàm: ngừng xử dụng vào năm 1972 thì SAU NGÀY 30.4.75, đã chạy lại khoảng 7 CHUYẾN (chứng tỏ chỉ bị hư hỏng nhẹ). Nhưng sau đó có lịnh của PTT Đỗ Mười là "tháo gở để dùng cho tuyến xe lửa Hà nội - Sài gòn". Mặc dù các chuyên gia đã khuyến cáo rằng các đường ray đặc biệt (có răng cưa/móc) của tuyến này ko thể dùng vào tuyến HN-SG nhưng ko được lắng nghe. Thế là một công trình trị giá khoảng 200 TRIỆU franc (vào thời điểm xây dựng), có đóng góp bằng xương máu của công nhân Việt-Pháp đã chết vì tai nạn, bịnh tật, v.v... (khoảng vài chục người, có một nghĩa địa dành cho họ) khi thi công trong thời gian 29 NĂM thì đã được tháo gở - vừa các đường ray và 5 cầu kim loại - NHANH CHÓNG TRONG MỘT NĂM! Và những đường ray đặc biệt trên chỉ được bán NHƯ SẮT VỤN!
Các người yêu mến tuyến xe lửa này (đặc biệt là nhân viên hỏa xa) chỉ còn biết tiếc nuối mà thôi.
Báo SGGP có viết, "bà CT tỉnh Lâm Đồng, với sự ủng hộ của bộ KH và Đầu Tư, đã yêu cầu giữ lại tuyến này để phục vụ cho kinh tế và du lịch của tỉnh (1) nhưng bộ GT-VT vẫn giử nguyên quyết định cũa mình", thế là . . .
(1) Tôi ko rõ sau ngày 30.4.75, đường bộ từ Đà lạt đi Đơn dương (Dran) có tốt ko, chứ đầu thập niên 1990, tôi đã đi xe hơi trên đường này thì hư hỏng nặng, rất nhiều ổ gà; nhiều chỗ tài xế phải ngừng xe đễ lượm những khúc gỗ 2 bên đường vất xuống các ổ gà để xe có thể vượt qua. Tôi ko gặp xe của dân hay bất cứ xe nào khác nhưng tôi nghĩ, chỉ có xe "be" chỡ gỗ mới đi lại trên đường này. Từ 1975-94, các cuộc đua xe đạp SG-Đà lạt cũng chỉ chạy theo lộ trình Phan rang lên Đơn dương và quẹo trái đi Di linh và theo QL 20 lên Đà lạt : đoàn đua đã né tránh đoạn Đơn dương - Đà lạt !)
Hiện nay, mặc dù có nhiều người ủng hộ việc phục hồi tuyến này (đặc biệt là nghành du lịch và các địa phương - có tuyến đường đi qua) nhưng sẽ đòi hỏi kinh phí rất lớn lao; ko hợp với hoàn cảnh kinh tế vào lúc này. Đó là chưa kể các "phết phẩy" - thường xảy ra đối với những dự án lớn lao như vầy, sẽ đẩy giá thành lên rất cao! Trong khi hiệu quả kinh tế chưa ai biết được.
Kết luận : XÂY THÌ KHÓ VÀ TỐN KÉM CHỨ PHÁ THÌ RẤT DỄ VÀ NHANH CHÓNG!
Trả lời








  1. Nói thêm về việc tháo đường rầy trên đoạn đường Đà Lạt-Tháp Chàm (loại đặc biệt dùng cho đường dốc cân nặng 30kg/m) để đem tái thiết đường sắt thống nhất. Sau khi họ tháo gỡ gần hết mới khám phá ở cơ xưỡng Đà Nãng còn đủ vật liệu mà không cần tháo trên Đà Lạt. Nhưng than ôi mọi việc đã xong xuôi!
  2. XIN NÓI THÊM:
    Như đã nói , những đường ray có móc (răng cưa) này - chỉ dùng để leo núi - ko thể nào xử dụng trên tuyến HN-SG .
    Tôi sơ sót, ko nêu thêm 1 lý do của việc tháo gở này là " ko có hiệu quả về kinh tế" sau khi chạy được 7 chuyến trong vài tháng . Thế tại sao 40 năm trước đó , người Pháp và chế độ VNCH vẫn duy trì được - mà ko phải đình hoãn tuyến xe lửa này vì "ko hiệu quả về KT". Ngay cả bà CT tỉnh Lâm Đồng , được bộ KH-Đầu Tư ủng hộ , cũng muốn giữ lại để phục vụ cho KT và du lịch tỉnh (theo SGGP)
  3. Đầu máy 31-201 hoen rỉ của Hỏa Xa Việt Nam ngày nào cuối cùng đã về quê cũ và lột xác thành DFB-1 xinh đẹp cùng với cô em 31-204 (tên mới là DFB-9) chạy tung tăng khắp núi đồi Thụy Sĩ.
    http://www.youtube.com/watch?v=05dIq5pB7fs
  4. Cám ơn bác 'nặc danh' :
    Lần đầu tiên tôi được coi xe lửa loại này leo dốc ; trước đây chỉ xem hình . Nó cũng khá mạnh , kéo theo BỐN TOA chỡ đầy người . Hai chiếc này , theo "giấy khai sinh" thì ra đời gần 100 năm , nhưng ngày nay đã thay mới gần như 100 % (như đã nói trong bài viết cũa tôi) . Đó là nhờ công sức của các thiện nguyện viên của hội Furka - họ từ khắp thế giới đến để phục hồi các đầu máy cũng như tuyến xe lửa vượt 2 đèo Furka và Oberalp. Phần còn lại của hệ thống xe lửa ở Thụy sĩ đều chạy điện .