Thursday, March 20, 2014

Chuyện tình anh Hùng “điên nặng”


Văn Tiến Hùng trên WB Intranet. Ảnh: HM
Văn phòng WB ở Hà Nội có nhiều đồng nghiệp buồn cười. Cán bộ dự án nông thôn ăn mặc bảnh bao, comple cavat, giầy bóng lộn, nhưng toàn đi về vùng nghèo khổ. Trong khi dân làm về dự án đô thị lại ăn mặc như nhà quê,  áo caro đi với cavat đỏ, quần bò đi với giầy Bostonian.

Diện nhất phải nói là mấy tay lái xe, các loại phone đời mới đến quần áo hàng hiệu đều được trưng ra trước. Dân đến liên hệ công tác toàn chào lái xe trước rồi mới đến cán bộ dự án.
Hùng “điên”
Mình hay tán chuyện với lão Hùng (Văn Tiến Hùng) làm bên dự án điện, cả bọn gọi tắt là Hùng “điên nặng”. Nhìn bề ngoài lão cũng bình thường như bao nhiêu người khác, lùn lùn, đi lút cút, chán đời ra ngoài đường làm điếu thuốc, nghĩ ngợi gì đó và văng lung tung cho sướng rồi vào tiếp tục chơi xếp bi trên máy tính.
Mấy năm trước (10-2009), Chủ tịch WB, Bob Zoellick, phát biểu trong một cuộc họp lớn ở DC, vài lần nhắc đến Việt Nam. Có hai điểm quan trọng: vượt qua được khủng hoảng kinh tế một cách ngoạn mục với sự trợ giúp của WB và chương trình điện về nông thôn của Văn Tiến Hùng và Nguyệt Anh rất tuyệt vời.
Điện phủ 95% vùng nông thôn và đường 500KV đã giúp Việt nam cất cánh. Lê Nin nói quả không sai. CNCS ở Liên Xô bằng điện khí hóa toàn quốc cộng với chính quyền xô viết. Hôm nay, xô viết không còn nữa nhưng phần điện khí hóa toàn quốc vẫn quan trọng, không thể thiếu trong tiến trình phát triển.
Điện giúp sản xuất đường từ mía, bơm nước tưới tiêu, xem tivi, vào internet kết nối với thế giới.  Video sau nói về thành công của dự án điện do WB tài trợ tại Việt Nam.
Trong clip nói về một gia đình ở Tuyên Quang chưa có điện. Chủ nhà chuyên sưu tầm đá cảnh. Buổi tối chỉ có lửa bếp, đèn dầu và đi ngủ sớm, không biết làm gì. Nửa đêm ông thao thức, băn khoăn, giá như có điện thì đời đã khá hơn vì những người như ông rất yêu lao động. Còn người đàn bà chỉ mong có chiếc quạt máy cho mấy đứa nhỏ. Thương biết bao những số phận.
Love at first light – Tình yêu điện sau ánh sáng đèn đầu tiên
Tuần trước lão Hùng “điên” lại lên mạng của WB. Lần này là câu chuyện dài. Người ta yêu vì cái nhìn đầu tiên – love at the first sight, thì lão lại yêu ngành điện vì thấy ánh sáng điện lần đầu.
Chả là lão du học ở trường Điện Moscow năm 1971. Từ quê Thanh Hóa, khỉ ho cò gáy, sang đến Liên Xô vĩ đại, thành trì của phe XHCN, lão đưa tay vào cái công tắc trên tường, gạt tách một phát, cả phòng sáng choang. Gạt xuống, phòng lại tối thui. 17 tuổi đầu mới thấy ánh sáng điện lần đầu, lão cứ thế lập lòe cho đến khi các bóng cháy hết.
Tình yêu “điên nặng” của lão cũng từ đó. Lão nghĩ, thế nào mình cũng gói mấy cái bóng này vác về quê, cắm vào đống rơm cho sáng, cả làng lác mắt vì sự thần kỳ của Edison.
Tốt nghiệp, về nước, đời lão bôn ba khắp đó đây. Lên Hòa Bình sống với dân Mường Mán, ăn ngồi với gái miền núi để xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Rồi ông Kiệt bảo làm đường dây 500KV, lão cũng tham gia.
Chán cảnh làm nhà nước, một hôm lão xin vào World Bank và vác cặp đến 53 Trần Phú, trụ sở hồi 1995.
Lúc nào mình sang cũng thấy lão chơi game, xếp bi, xếp hình. Có lúc lão bảo, máy hết trò chơi rồi. Không hiểu lão làm dự án ra sao.

Bác Văn Tiến Hùng, Luck và Bin ở DC năm 2004. Ảnh: HM
Thế mà dự án hàng tỷ đô la vào tay lão chạy băng băng. Đây là lĩnh vực mà WB thành công nhất khi cho vay đầu tư vào Việt Nam, nhất là chương trình đưa điện về nông thôn.
Lão đang xếp hình, bỗng ngừng bảo em Bích Liên trợ lý, gửi cái này sang bên EVN, lại chơi tiếp. Một lúc sau lại nói, em xếp cho anh cuộc gặp với anh HT Hải. Hóa ra lão chơi nhưng vẫn nghĩ về dự án.
Dân mắt xanh mũi lõ sang du lịch Việt Nam, đi dọc đường, cứ băn khoăn là tại sao dân Việt ta bé tý thế mà đưa những cột điện cao thế cao từ 12 đên 18 m, nặng mấy tấn, lên đỉnh núi cao chót vót, xuống đồng bằng, lên đồi, chạy qua hồ, về tận đồng bằng sông Cửu Long toàn kênh rạch chằng chịt. Làm thế chó nào nhỉ. Thế mà dân ta làm được đấy, mới gọi là điên.
Tới nay lưới điện nông thôn đã phủ kín 97% đất nước này. Muốn nói gì thì nói, đây là thành công lớn. Anh nhớ thời đi học ở trường làng Thanh Hóa, chỉ có đèn dầu leo lét, nhìn về phía thị xã thấy đèn hơi sáng, cứ mong bao giờ thì làng anh có điện. Sống có tâm với con người thì dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người ta vẫn có thể làm gì đó giúp cho mục đích chung.
Bây giờ cả nước có điện, trong đó có công lao của anh Hùng. Tháng 10-2012 vừa rồi, dự án Distribution Efficiency Project (DEP) khoảng 450 triệu đô la của WB, 30 triệu đô la do Tổ chức Công nghệ điện sạch tài trợ và 8 triệu đô la của AusAid. Gần nửa tỷ đô la trong tay anh.
Nói chuyện với tây, lão bảo thích dự án DEP này vì trong tiếng Việt nó giống chữ ĐẸP, anh vốn mê sắc đẹp nhưng không nói ra, chỉ nghĩ trong bụng như lão chơi bi thôi.
Love of second sight – Tình yêu gái sau cái nhìn thứ…100
Văn Tiến Hùng có chuyện lấy vợ cũng “điên” như anh nhìn thấy ánh sáng điện lần đầu ở Moscow. Chỉ có điều lão yêu điện sau cái nhìn đầu tiên, còn yêu gái phải sau hàng trăm lần nhìn qua cặp kính cận thị.
Trong xóm ở Thanh Hóa của lão có một em tên là Ngọc. Du học Liên Xô chả thư từ gì cho cô bạn vì không thấy ấn tượng lắm. Tình yêu thường chết vì cái nhìn đầu tiên mà.
Du học về, lão cũng đến chơi nhà em Ngọc cho nó ngoại giao. Cô nàng thấy lão này đi nước ngoài về, đứng đắn, và có ý đợi. Đợi mãi, đợi mãi, lão chẳng hẹn hò con người ta đi chơi, không mua hoa mua hoét. Đi Hà Nội về cũng tới nhà và nói chuyện chiến tranh vệ quốc của Zukov với ông bố vốn là bộ đội.

Ngọn lửa…tình. Ảnh: Văn Tiến Hùng
Con gái có thì, nên Ngọc đồng ý lấy một anh gần nhà, vì hai người bố từng đi chiến trường đã hẹn gả con cho nhau.
Chiều đó, Hùng điên từ Hà Nội về quê lại sang chơi như thường lệ. Ông bố nói em Ngọc sắp cưới, mời anh về dự, thiếp mời đây.  Lão cầm thiếp mà choáng như bị dòng cao thế 220KV chạy qua người.
Về nhà hút hết bao thuốc, càng nghĩ càng thấy em Ngọc đẹp hơn bất kỳ cô gái nào mà lão từng gặp. Hình như lúc đó mới thấy tiếc. Chợt lão nhớ câu ca dao “Ba đồng một mớ trầu cay//Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không//Bây giờ em đã có chồng//Như chim trong lồng như cá cắn câu
Lão nhẩm tính như xem công tơ đo điện. Ngọc hứa hôn, đặt trầu, nhưng chưa cưới, vẫn còn “không”, chưa hẳn đã mắc câu, mình ra tay chắc kịp. Không thể chậm trễ, lão nhớ chuyện lập lòe điện bên Moscow, con gái cũng dễ thay đổi nhưng cần giật cầu chì đúng lúc.
Tối ấy, y lẳng lặng sang nhà và bảo “Ngọc ra đây cho mình nói chuyện một chút”. Ra bờ mương, vò đầu bứt tai, bác “điên nặng” rặn mãi mới thổ ra mỗi câu “Tớ yêu Ngọc và muốn cưới”.
Cô bé Ngọc khóc nức nở rồi trách, sao anh không nói trước. Trầu cau đã nhận, bố mẹ hai bên đã thăm hỏi nhau, lời hứa của người lính chiến trường xưa, làm sao bây giờ. Kệ Ngọc, tớ nhất định cưới em.
Chả hiểu thế nào mà sau có 30 phút “trò chuyện” mỏi cả tay chân mồm miệng, nàng đồng ý hủy cưới và lấy bên người ngành điên. Khỏi phải nói, cái làng nhỏ ấy rộn cả lên vì chuyện trả trầu cau. Dân điện vốn điếc với dư luận, việc lão, lão cứ làm.
Bây giờ lão Hùng “điên nặng” có một trai một gái tuyệt vời, thành người toàn cầu hóa hết cả rồi. Cô vợ đang làm tới chức rất to, ở BV rất to, tại Hà nội rất to. Mẹ của Tổng Cua từng được chị bác sỹ Ngọc khám và chữa bệnh sỏi mật ở Bạch Mai, khen nức nở, người đâu mà khéo thế, hiền như thầy thuốc.
Thời bao cấp, gia đình ấy từng vô cùng nghèo. Lão vác cốc đi xin sữa cho con, quần áo rách, xe đạp rách, vợ chồng nhịn ăn nhịn mặc, nhường hết cho thế hệ sau. Sau này khá khẩm lên, hai vợ chồng chẳng bao giờ quên những người nghèo. Các cụ bảo, chỉ cần nhìn vào bố mẹ cũng biết những đứa con.
Tình yêu nhanh như điện kết cục rất hạnh phúc. Ông già vợ luôn tự hào, có thằng con “dê” nhất Việt Nam. Lão Hùng bằng tuổi HM, mấy lần về HN, y tự lái xe, rủ đi ăn. Thời mình ế vợ, lão luôn lấy story này để làm gương, thành ra Tổng Cua thuộc lòng.
Chúc mừng lão Hùng “điên nặng” lại lên trang web của World Bank vì dự án điện đã thành công. Dẫu rằng, giá cả và cung cách phục vụ của nhà đèn vẫn còn nhiều điều bàn cãi. Chuyện này không thể đổ lỗi cho WB, mà lão Hoàng Trung Hải mới là người chịu trách nhiệm trước…dân tộc.
Nghe nói dạo này Văn Tiến Hùng không xếp bi nữa vì máy tính toàn thua, cũng bỏ luôn thuốc lá mà xuống đường chỉ ngắm chân dài. Vì mê cái đẹp nên lão chuyển sang nghề phó nháy. Có mấy cái ảnh, lão gửi bà con thưởng ngoạn.
HM.  27-11-2012

Thác Bản Giốc. Ảnh: Văn Tiến Hùng

Tây Bắc. Ảnh: Văn Tiến Hùng

Suối bạc Bản Giốc. Ảnh Văn Tiến Hùng

Bậc thang vàng. Ảnh: Văn Tiến Hùng

No comments:

Post a Comment