Tuesday, April 29, 2014

Chức quyền, chức trách và từ chức

Hồng Ngọc
Khi chức vụ nặng về quyền lợi, từ chức là vô cùng hiếm. Từ chức chỉ trở thành hiện tượng bình thường, khi chức vụ mang nặng ý nghĩa trách nhiệm. sự kiện nóng
Chức quyền và chức trách

Nếu coi chính quyền là của nhân dân, thì mỗi chức vụ trong chính quyền đều là được ủy quyền từ nhân dân để quay lại phục vụ nhân dân.



 Mỗi chức vụ gắn với một trách nhiệm, và tương ứng với nó là một quyền lực, có giới hạn, để thực hiện trách nhiệm. Trách nhiệm là nền tảng, và quyền lực chỉ được trao có giới hạn để thực hiện trách nhiệm ấy.

Nhưng quyền lực khi đã được trao (ủy quyền) sẽ tạm thời độc lập với người trao quyền - nhân dân. Khuynh hướng tự nhiên của quyền lực được ủy quyền là tha hóa. "Tha hóa" là từ Hán Việt, nghĩa là "biến thành cái khác". Quyền lực là của nhân dân, được ủy quyền cho quan chức để phục vụ nhân dân, khi tha hóa thì xa rời nhân dân. Nó không còn phục vụ nhân dân nữa, mà phục vụ người cầm quyền: sử dụng quyền để trục lợi cá nhân hay lợi ích nhóm, hoặc sử dụng quyền vượt ra ngoài giới hạn được trao để thỏa mãn khát khao quyền lực. Trường hợp thứ nhất sinh ra tham nhũng, trường hợp thứ hai gọi là lạm quyền. Đó đều là quyền lực bị tha hóa. Trên thực tế, tham nhũng và lạm quyền luôn song hành.

Khi chức vụ chỉ được hiểu bằng ý nghĩa gắn với quyền lực - và tất nhiên, quyền lợi - thì dân gian gọi nó là "chức quyền". Quyền lực khi không được kiểm soát thì đều bị tha hóa, và chức vụ đều được coi là chức quyền.

Những thể chế tốt sẽ tổ chức quá trình giám sát quyền lực được trao. Về nguyên tắc, ai trao quyền thì có quyền giám sát, tức nhân dân có quyền đó. Nhưng nhân dân có quá nhiều việc phải lo, từ mưu sinh đến sự nghiệp, từ gia đình tới giải trí..., không thể ngày ngày soi xét các quan chức làm gì, và họ cũng không có đủ phương tiện và hiểu biết bằng các quan chức trong việc vận hành hệ thống quyền lực, nên không thể giám sát trực tiếp. Vì vậy, nhân dân lại phải ủy quyền cho những đại diện khác để giám sát các quan chức.

Nghị viện (hay quốc hội) được nhân dân trực tiếp bầu ra là một nhánh kiểm soát quyền lực của các quan chức. Nghị viện xây dựng luật pháp, và thông qua các chính sách của chính phủ để kiềm chế, không cho các quan chức muốn làm gì thì làm. Nhưng việc kiểm soát quyền lực của nghị viện đối với chính phủ chỉ thực sự hữu hiệu khi chính phủ đương nhiệm không có khả năng tác động được tới bầu cử, đảm bảo cho các ứng viên nghị viện không phải cầu cạnh các quan chức đương nhiệm; và các nghị viên không tham gia chính phủ. Khi nghị viên cũng đồng thời có chân trong chính quyền, điều khó tránh khỏi là họ sẽ ủng hộ chính phủ mà mình tham dự, thay vì kiểm soát nó.

Tư pháp là nhánh thứ hai. Vì đặc thù nghề nghiệp, các thẩm phán không được lựa chọn bởi nhân dân, mà lại thường được giới thiệu bởi các quan chức. Chỉ là giới thiệu, vì nó phải thông qua nghị viện mới được lựa chọn. Nhưng các quan chức chỉ có quyền cất nhắc (khi có vị trí trống) mà không có quyền bãi miễn các thẩm phán, nhờ vậy cơ quan tư pháp vẫn có quyền độc lập với chính phủ. Người ta có thể chống lại người đã lựa chọn mình, chứ không ai chống lại người có quyền phế truất mình, nếu còn muốn tại vị.
đề nghị phải bổ sung vào Hiến pháp quy định về vấn đề từ chức
 Từ chức là một trong những nội dung được ĐB Trần Thị Quốc Khánh đề nghị bổ sung vào sửa Hiến pháp tại kì họp Quốc hội. Ảnh Minh Thăng
Khi các quan chức phải chịu cảnh "một cổ hai tròng", quyền lực sẽ bị kiểm soát. Thay vào đó, trách nhiệm sẽ được chú trọng. Thước đo để đánh giá một chính phủ, một quan chức có thành công hay không là ở việc họ có thực hiện tốt các trách nhiệm giao phó, dựa trên quyền lực được trao có giới hạn, hay không.

Khi đó, chức vụ sẽ được dân gian gọi là "chức trách". Chức vụ là gắn với trách nhiệm, và quyền lực chỉ được trao để thực hiện trách nhiệm mà thôi.

Từ chức: chức quyền hay chức trách?

Nếu chức vụ có ý nghĩa chức quyền, thì chức vụ gắn với vô số quyền lợi và không bị giám sát. Không có ai tự dưng từ bỏ quyền lợi của mình, trừ khi thế vào đó là quyền lợi còn lớn hơn. Vì vậy, trong các chế độ mà quyền lực không bị giám sát chặt chẽ, cũng chính là các chế độ vẫn bị tố cáo là chuyên chế hay tham nhũng, từ chức là chuyện rất hiếm hoi.

Từ chức chỉ xảy ra một cách bình thường khi chức vụ đồng nghĩa với chức trách. Đó là lý do từ chức còn có cách diễn đạt khác: từ nhiệm. Khi nhiệm vụ được giao gắn với chức vụ đã trao không được hoặc không thể hoàn thành, người ta rời bỏ chức vụ hay rời bỏ trách nhiệm.

Người ta sẵn sàng rời bỏ chức vụ, khi chức vụ không gắn với đặc quyền về chính trị hay đặc lợi về kinh tế.

Thế nhưng, ngay cả khi chức vụ mang ý nghĩa chức trách, và không gắn với đặc quyền đặc lợi, một quan chức cũng không dễ dàng từ chức. Tâm lý con người là không dễ dàng thừa nhận thất bại khi chưa tới đích hay chưa hết thời gian. Và quan chức không dễ dàng thừa nhận mình không hoàn thành nhiệm vụ khi chưa hết nhiệm kỳ.

Nhưng các thể chế dân chủ phát triển không ngồi yên để đợi họ tự giác. Nhiều cơ chế đã được xây dựng để người dân lên tiếng, các thiết chế đảng phái giám sát và cạnh tranh. Ngay trong nội bộ đảng lãnh đạo cũng chịu áp lực đảm bảo vị thế và uy tín cho kì bầu cử kế tiếp...

Tóm lại, từ chức là hệ quả tất yếu trong hệ thống chính trị dân chủ có sự kiểm soát và đối trọng quyền lực. Trong khi các hệ thống phi dân chủ thì đành phải cầu nguyện đến lòng tự trọng của các quan chức. Nhưng khi quyền lực bị tha hóa thì đạo đức cũng tha hóa, lòng tự trọng là điều xa xỉ.

No comments:

Post a Comment