Câu chuyện nước Nhật - Cái gì làm nên nước Nhật?
Mẹ Ổi
Mọi người đọc Chuyện nước Nhật ở đây chắc dễ cảm thấy mẹ Ổi phiến diện, một chiều, ca ngợi nước Nhật cái gì cũng thơm. Hihi... Đúng vậy, bởi vì mẹ Ổi không có ý định cũng như không có khả năng tổng quát phân tích toàn cảnh nước Nhật. Những cảm nhận cá nhân trong mỗi bài rất vụn vặt, và chỉ hướng đến một khía cạnh nào đó, đôi khi là những điều tốt đẹp, với ý thức học hỏi, muốn chia sẻ cùng mọi người.
Nhớ mấy năm trước, giới văn phòng ở VN truyền nhau một bài tổng kết về những điều "củ chuối" của dân Nhật, đọc phải nói là rất hay, rất buồn cười, hóm hỉnh... và rất đúng nữa, không thể phủ nhận ở một gạch đầu dòng nào hết. Bài đó được truyền lan rộng rãi, nhiều đợt, nhiều diễn đàn, nhiều phương tiện, có lẽ vì quá nhiều người thấy hả hê khi có người nói đúng tâm trạng của mình, thấy đã đời vì "chửi" được bọn nó một cách ngọt như mía lùi. Còn mẹ Ổi, cái đọng lại sau cùng là "chua chát". Chính cái điều mình đang cười người ta là cái mình chưa có, để rồi phải bực tức khi họ kém mình mà ngồi lên đầu lên cổ mình. Cười người ta không phải là do mình hiểu biết hơn người ta, mà chính vì mình chưa biết, hay đúng hơn là biết 1 mà không biết 2. Nói vậy không phải mẹ Ổi tự đề cao mình hiểu biết hơn người. Thật lòng là hàng chục năm tiếp xúc và làm việc cho Nhật ở VN, mẹ Ổi cũng nhìn nhận y như thế, và nếu đọc bài này vào thời đó chắc cũng hả hê không khác gì mọi người, nhưng giờ đây, khi đã sống trong lòng xã hội họ tương đối dài để hiểu họ hơn thì nhìn nhận hoàn toàn thay đổi.
Người ta bảo nước Nhật không có tài nguyên, chịu nhiều thiên tai, động đất, mà giàu có hùng mạnh là nhờ yếu tố con người. Nhưng cái cụm từ "yếu tố con người" đó cụ thể là cái gì? Cần cù chăm chỉ ư? chưa đủ. Mẹ Ổi tin là người dân nước nào trong đói nghèo cũng đều phải cần cù chăm chỉ, nhưng ở người Nhật, họ có một tính cách đặc biệt hơn hẳn, tồn tại ngay cả khi họ không đói nghèo. Đó là tính nghiêm túc, tỉ mỉ, tinh thần trách nhiệm, ý thức tôn trọng kỷ luật cao độ cho dù cái kỷ luật đó trong mắt người VN thì là thừa thãi, ngớ ngẩn. Sự tỉ mỉ, sự chu đáo, sự cẩn trọng, sự nghiêm túc ở một mức độ cao đặc biệt làm nên sự khác biệt của con người Nhật bản, mà nhiều người ở các quốc gia khác coi đó là máy móc, nhưng thực ra đó chính là chìa khóa thành công của họ.
- Người Nhật cẩn thận thế nào? xin đưa vài ví dụ.
Nếu ai đã từng ở Nhật lâu, đặc biệt là phụ nữ, sẽ để ý giàn dây phơi quần áo của họ. Nhà Ổi ở một nơi có dân nhiều nước sống, nhưng chỉ cần thoạt nhìn giàn phơi quần áo là biết ngay nhà đó là người Nhật hay người nước khác, không bao giờ sai. Người Mỹ, người Nga, cho đến Ấn, đến Hàn, TQ, Hy Lạp, Tuynigi... từ Âu tới Á, từ Phi tới Úc, đều giống nhau ở một điểm: không giống giàn phơi nhà người Nhật. Giàn quần áo phơi của họ cứ đều tăm tắp, phẳng phiu, đẹp đẽ đến mức mà mình dù có ý thức mấy thì của nhà mình trông vẫn khác, vẫn cứ lộn xộn xấu mù. Đứng soi giàn quần áo nhà người ta thì thật là bất nhã. Mà cay cú lắm nên rắp tâm theo dõi nhiều lần rồi thì mình cũng hiểu. Họ phơi đẹp hơn mình vì họ giặt khăn một lũ giống nhau với nhau, áo một loại giống nhau với nhau. Khi phơi quần áo cùng kiểu, cùng chủng loại, cùng kích cỡ, cùng màu sắc phơi gần nhau, giàn chỉ toàn một loại khăn cùng cỡ, giàn toàn áo sơ mi trắng... mỗi chiếc mắc áo lại được kẹp bởi một chiếc kẹp cố định vào cọc phơi, làm cho nó luôn thẳng góc với cọc phơi, không quay ngang quay ngửa khi gặp gió, đồng thời cũng cố định khoảng cách đều đặn giữa các mắc áo với nhau. Áo phơi xong không hiểu họ kéo, vuốt bao nhiêu lần mà nhìn nó cứ phẳng phiu như đã là rồi ý, nhìn sướng mắt lắm.
Vào nhà người Nhật tuột giày ra là phải quay đôi giày xếp gọn gàng, hướng mũi ra ngoài cửa, chứ không phải tiện tụt ra thế nào là kệ nó ngang ngửa sao cứ thế đi vào.
Sự tỉ mỉ cẩn thận ăn sâu vào máu họ từ bé, qua những nếp sinh hoạt giản đơn như vậy. Chả trách uống trà cũng được nâng lên thành "đạo". Uống trà đúng cách theo đạo của họ thì với người VN mình thế nào cũng phải thốt lên, ôi dào, sao mà lắm chuyện. Đồ thủ công mỹ nghệ của họ thì khỏi chê, chau chuốt đến từng chi tiết nhỏ. Được nghe về cách làm các đồ truyền thống của họ mới hiểu cái sự tỉ mỉ cầu kỳ ấy đã có từ muôn đời trước. Thật khó tưởng tượng được rằng, ngay trong thế giới hiện đại ngày nay, loại kéo mổ sắc nhất và nhỏ nhất TG, chuyên dùng cho mổ thần kinh, là được làm dưới bàn tay một người thợ thủ công ở Nhật. Có phải là vì chỉ có người Nhật mới đủ kiên trì, bền bỉ, và tự đòi hỏi cao độ để tạo ra những thứ đặc biệt ấy không? Nếu ai đã từng được thấy người ta rửa con dao thái cá làm sushi, thì sẽ biết thế nào là người Nhật. Dùng cả sức lực chùi chùi chùi chùi, chùi đến hàng trăm lần mỗi mặt dao. Rồi lại rửa, rồi lại chùi... những tưởng việc chùi làm con dao mỏng cả đi, sắc ngọt thêm chứ không chỉ để cho nó sạch vậy. Nước Nhật cũng là nơi sạch sẽ nhất thế giới luôn. Không nói đến bệnh viện, trường học, cửa hàng, mà ngay cả nơi xô bồ công cộng nhất là nhà ga, có lần trong lúc thừa thời gian tiễn bố Ổi ở ga Aizu, cả nhà ngó quanh rồi chỉ biết gật gù với nhau: không một hạt bụi đến cả cái mép tường, sạch hơn cả trong nhà mình không chừng. Sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, tiện dùng... đó là cảm giác mà nếu ai đã từng ở Nhật thì đi đến bất cứ phần còn lại nào của thế giới cũng sẽ không khỏi đưa ra phép so sánh với kết quả: không bằng.
Người Nhật đã đạt đến một tác phong nghiêm túc đến mức mà có thể mô tả rất hình tượng thế này: trong một đám rất đông trong lễ hội hoa anh đào của Nhật tổ chức ở VN, có vài ba bác Nhật không ăn mặc khác biệt nhưng thoạt nhìn là nhận ra ngay, không phải vì khuôn mặt của bác khác, mà là vì cách bác đứng, cách bác nhìn. Hay ở giữa ga Shibuya người nêm như kiến, và cơ hội gặp người Việt là vô cùng thấp, thế mà mình chỉ cần thoáng nhìn dáng đi, chưa nghe tiếng nói đã nhận ra người Việt rồi, lại gần nghe tiếng nói thì đích thị, hihi... Một năm trở về một lần, cái cảm giác, ồh, Việt Nam nó hiển hiện ở ngay phút đầu tiên thò mặt xuống sân bay Nội Bài với vài cô nhân viên đi lại đủng đỉnh. Cái dáng ngồi, dáng đọc, cái cách cầm tấm hộ chiếu của anh hải quan trông cũng khác. Ở Nhật, đã vào công việc là nghiêm túc, là cẩn thận, và cái tác phong đĩnh đạc đường hoàng ấy ăn vào máu người ta, theo người ta ở mọi nơi mọi chỗ. Người Nhật tuân thủ kỷ luật đến mức tưởng như máy móc, để đảm bảo giảm sai sót tối đa. Ví dụ: kiểm tra một hàng cầu dao điện đã dập chưa chẳng hạn, chỉ cần liếc mắt qua là thấy cả hàng đã dập, nhưng người ta không chỉ mắt nhìn, mà tay chỉ, chạm vào từng chiếc từng chiếc một, miệng lẩm bẩm: ok, ok, ok... cho đến hết hàng. Không nói đến những công việc trọng đại cần sự nghiêm túc, hay liên quan đến tính mang của nhiều người, mà điều đó thể hiện ở ngay những công việc được coi là đơn giản và thấp hèn nhất như bảo vệ, lao công. Khi nhìn những người lao công ở đây, mẹ Ổi chưa bao giờ có chút mảy may xem thường, mà ngược lại, kính phục họ vô cùng trước cảnh họ cần mẫn lau chùi, làm việc đơn giản ấy mà cực kỳ chuyên nghiệp. Cảm phục vì thái độ đối với công việc của họ lấn át mọi tiêu chuẩn sang hèn. Mọi công việc đều có qui tắc, và mọi qui tắc đều được tuân thủ.
Theo cách của người Việt, thì người ta thường hay chú tâm vào cái gì được cho là quan trọng nhất, những thứ râu ria cho qua, làm việc thế mới hiệu quả. Vì vậy, làm việc với người Nhật, dễ cảm thấy họ mất thời gian cho những chi tiết nhỏ là ngớ ngẩn, là máy móc, kém sáng tạo... để thời gian cho việc lớn hơn. Nhưng thực ra chính cái sự vớ vẩn đó đảm bảo tránh tối đa khả năng có lỗi, đảm bảo ở mức độ tối đa sự hoàn thiện. Rồi cũng chính từ đó mà là nền tảng của sáng tạo.
- Lại nói đến chuyện người Nhật thích báo cáo, báo cáo nhiều đến loạn cả óc. Hồi xưa mẹ Ổi cũng phát điên với sếp khi ngày họp 2 lần định sẵn, không kể khi có sự vụ đột xuất, gọi xong cú điện thoại nào là phải báo cáo ngay về cú đó. Một cú điện thoại, đối tác đi vắng, mình định bụng tý nữa gọi lại có sao rồi mới báo cáo. Sếp ngồi chờ mãi không thấy mình nói năng gì, gọi ra lên lớp cho một bài: "không có tiến triển thì cũng phải báo cáo là không tiến triển. Thông tin không có gì mới cũng là một dạng thông tin quan trọng không kém gì thông tin mới". Sau này, càng ngày càng thấm câu này. Lấy một ví dụ thế này, trong công việc của bố Ổi. Phía VN muốn tỏ ý tổ chức một đoàn sang thăm trường ĐH Aizu. Trường bên này một khi đã nhận lời là lập tức hỏi han lịch trình để lên kế hoạch chương trình tiếp đón chu đáo. Sếp lớn, sếp bé từ hiệu trưởng trở xuống, đều thu xếp rời lịch công việc. Trong khi đó, chờ mốc cả ra không thấy trả lời confirm từ phía VN, cũng không có chút liên lạc nào. Hỏi họ cũng ù ù cạc cạc, không trả lời rõ ràng. Đến sát sàn sạt ngày, cuối cùng mới có tin, thì ôi thôi, nội dung là: "hủy, không đi nữa", lý do đưa ra là không làm kịp giấy tờ. Hehe...Cứ như thể "rồng" hẹn đến nhà "tôm" chơi ý. Hihi... Phía Nhật socked. Ở VN thì thế là thường. Đầu mối liên lạc X không có thông tin từ Y, thì muốn cũng không có gì mà thông báo. Y có thể cũng chẳng có thông tin từ Z. Hoặc đằng sau đó còn một mớ bùng nhùng chưa ngã ngũ, cứ im lặng cái đã. Chúa mà biết được ai có lỗi. Lỗi là tại phía Nhật cứ cầm đèn chạy trước ô tô thôi. Hihi... Nói rộng ra, cả guồng máy hoạt động là một chuỗi chờ nhau như vậy, thông tin kém như vậy thì làm sao không chậm, làm sao công việc không ứ trệ, và làm sao nói là hiệu quả được đây?
Làm việc gì cũng lên kế hoạch từ rất sớm, chuẩn bị nghiêm túc, và liên lạc, báo cáo thường xuyên trong quá trình thực hiện - đó là nguyên tắc làm việc của họ. Có thể lúc này lúc kia là thừa, nhưng thừa còn hơn thiếu. Ai đó có thể thấy mất thời gian, kém hiệu quả. Nhưng khoan hãy nói đến hiệu suất tương đối, hãy nhìn vào kết quả tuyệt đối xem. Có phải là kết quả tuyệt đối của họ cao, rất cao, cao đến mức cả thế giới phải ngước nhìn không?
- OK, tỉ mỉ, cần mẫn, nghiêm túc đến thừa ra như vậy đảm bảo một hiệu quả nhất định, nhưng không đến thế thì vẫn có thể đạt kết quả nhất định ấy chứ. Xin thưa, tỉ mỉ dẫn đến sáng tạo và phát triển đấy.
Lại nhớ chuyện một sếp khác, mình ngày xưa cũng ghét cay ghét đắng. Trình thư cho sếp ký, lão luôn luôn nheo nheo mắt, vặn mình một câu: "Mày đã suy nghĩ kỹ chưa? chắc chắn là nghĩ kỹ rồi chứ? chắc chắn không có gì để sửa đổi nữa chứ?". Cảm giác bị coi là ngốc nghếch, sếp có ý kiến gì thì nói luôn đi, có cái thư nhãi ranh chứ có gì đâu... Thế mà thường là sau một hồi vặn vẹo, sếp bảo: "ok, tốt, nếu mày đã cân nhắc kỹ rồi thì ok". Rồi sếp ký, chả sửa câu nào. Cú ông sếp lắm, nhưng càng sau này nhìn lại mới nhận thấy đó là điều lớn nhất mình đã học được từ ông ấy, từ cả nước Nhật này: đã suy nghĩ thật kỹ chưa? nó đã hoàn hảo thật chưa? Sống ở đây lại càng vỡ lẽ vì sao cái gì của họ cũng chỉn chu, vì sao họ ra đời cái mới không ngừng.
Khi người ta sản xuất ra chai nước gội đầu và chai dầu xả, người ta sẽ không chỉ nghĩ đến việc làm sao cho chất lượng nước gội đầu tốt, mẫu mã bắt mắt,... mà người ta vẫn nghĩ tiếp: còn cái gì để cải tiến cho nó tốt hơn không? tiện dụng hơn nữa không? bạn thử nghĩ xem nào... Có nghĩ ra gì nữa không? Người Nhật thì có đấy, người ta làm mấy cái vạch nổi vào vỏ chai, để phòng khi mình đang gội, nhắm mắt, chỉ bằng sờ vẫn phân biệt được đâu là dầu gội, đâu là dầu xả cho khỏi nhầm.
Họ có hẳn một ủy ban chuyên nghiên cứu cải tiến mọi thứ đồ dùng, các phương tiện cuộc sống cho thuận lợi hơn nữa. Ví dụ như họ tìm cách thống nhất vị trí của cái cần giật nước toa lét chẳng hạn, vì quả là trên thực tế khi đến một nơi lạ, đi xong người ta hay tự hỏi không hiểu giật nước chỗ nào?
Đã ai cảm thấy bực bội mỗi khi mở một chai dầu ăn mới chưa? Giật cái nắp của nó đau cả tay không được, có khi giật đứt luôn cái quai tròn mà cái nắp không đứt lên. Nhưng từ ngày sang Nhật thì mình không còn phải nhờ chồng xử lý nắp dầu ăn nữa, đơn giản vì họ làm cái khía nắp giật hình vuông, thế là giật nhẹ cái là lên. Chắc chắn là vì họ đã không tự hài lòng với cái nắp giật hình tròn, hoặc ngay khi thiết kế họ đã nghĩ kỹ đến mức làm sao cho nó dễ giật lên. Hình tròn có cân bằng bền nhất thì ai cũng biết, nhưng nhớ đến điều đó khi sản xuất cái nắp giật thì không phải ở đâu cũng nghĩ đến. Tất cả những thứ túi, hộp bao bì hàng hóa ở Nhật đều có chỗ thiết kế đặc biệt để mở, và nếu mở đúng chỗ đó thì cực kỳ dễ. Trong khi cái dây nước gội đầu mua ở VN để đi tắm biển, không làm sao xé nổi nếu không có kéo. Haha... mà đã gọi là mua loại nước gội đầu để dùng một lần thế thì ai mang kéo đi theo??? Ở VN đi ăn phở, có phải mình hay phải để ý cái thìa muôi cho nó không trôi tuột xuống bát phở không? Ở đây người ta cũng đã giải quyết đến cả những mối bận tâm nhỏ nhặt ấy rồi. Đơn giản là cái đuôi thìa cong chút chút thành cái móc thôi, thả thoải mái không tụt đi đâu hết. Cái thìa con để trong lọ tương ớt, khi đậy nắp lọ thì sẽ kênh không kín, thế nên lọ tương ớt bao giờ cũng có một cái lỗ nhỏ trên nắp, để nhường chỗ cho chuôi cái thìa thò ra, vừa vặn. Mọi thứ chi tiết dù là nhỏ nhặt nhất đều được tính đến cho nó hoàn hảo. Và mọi thứ tưởng như hoàn hảo đều là chưa hoàn hảo. Sáng tạo nối tiếp sáng tạo. Hội chợ điện tử gần đây mới giới thiệu tivi điều khiển từ xa bằng bàn tay người xem, dùng tay huơ huơ vào màn hình để điều khiển, không cần điều khiển vi mạch tia hồng ngoại gì hết nhá.
Khi dùng ứng dụng của Microsoft, mẹ Ổi nghĩ: họ thật quá giỏi tưởng tượng tình huống, vì bất cứ một công cụ gì mình muốn, mình cần thì đảm bảo là nó đã có ở đâu đó sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của mình. Sống ở Nhật cũng có cảm giác y như vậy. Kể ra thì nhiều lắm, không xuể nổi.
Hồi mẹ Ổi đi làm ở VN, cực kỳ bực bội khi rất nhiều văn bản luật của nhà nước mà viết câu sai ngữ pháp. Nhiều đoạn tối nghĩa, đọc hiểu sao cũng được. Nhiều mẫu khai mà không biết khai thế nào vì nội dung trên dưới vừa trùng lặp vừa cãi nhau. Cứ nhớ đến cái câu: đã suy nghĩ kỹ chưa? còn gì không hợp lý nữa không? của sếp. Nếu mỗi người VN mình cũng làm việc như thế thì làm sao ra được những văn bản kia? Rõ ràng nó đã được bộ trưởng ký có nghĩa là nó đã phải trải qua bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu cái đầu tham gia vào từ người soạn thảo, họp bàn, chỉnh sửa, thông qua...vậy mà vẫn còn câu sai ngữ pháp?
Con trai học tiếng Việt, sách bài tập tiếng Việt có loại bài điền vào chỗ trống. Ví dụ cho hình ảnh cái bia đá, ở dưới có sẵn chữ: b... đá. (điền chữ "ia" vào). Sách in theo font chữ in thường. Ổi nghĩ ngay là Ổi cũng phải viết font chữ giống với mấy chữ cái đã in mớm sẵn cho đồng bộ. Nhưng con lúng túng, người ta chỉ đang dạy con viết font chữ mềm viết tay. Mẹ không có cách nào đành bảo: "con cứ viết chữ như con đang được học". Kết quả là sau khi điền xong, trong một từ sẽ có 2 loại font chữ. Chữ "b" một loại, chữ "ia" một loại, nhìn rất phản cảm. Cả con và mẹ đều thấy không ổn. Nhưng khi phàn nàn điều này như một lỗi SGK thì mẹ Ổi chẳng được mẹ nào ở VN chia sẻ cả. Hình như không ai thấy nó không ổn như mẹ con mình. Nhiều người bảo sách in như vậy để bé học cách đọc chữ in thường. Nhưng mình không nghĩ thế, vì đó là nhiệm vụ của sách tập đọc. Sách tập đọc đã in font chữ in thường, bé đã học tập đọc rất giỏi theo font chữ in rồi. Chỉ đơn giản là người ta soạn sách bài tập chưa cẩn thận, họ không suy nghĩ sâu đến mức nghĩ ra vấn đề con mình đã phát hiện ra ngay từ những bài tập đầu tiên. Và rồi hầu như mọi người sử dụng cũng không để tâm đó như một lỗi cần sửa. Nếu không thì ít ra mọi chỗ có thể chữ in, còn chỗ nào để bé điền thì nên thống nhất in font chữ mềm kiểu viết tay cũng có sao đâu? Bé càng hiểu là chỗ đó là để bé viết vào mà thôi. Tại sao trẻ lại phải viết font chữ in (một cách tự thân vận động, không được học)? Hay là một từ có một nửa viết in, một nửa viết thường cũng được??? Mình thì không bao giờ muốn nói với con câu: "Thôi, thế cũng được", đặc biệt là từ những bài học đầu tiên của năm lớp 1.
Nước Nhật chỉ có khoảng 50 năm lại đây để có toàn bộ cơ sở vật chất như bây giờ: đường xá, nhà cao ốc, hệ thống giao thông, y tế, và những sản phẩm giá trị gia tăng ... mà nhìn đâu cũng thấy chắc chắn qui củ tưởng như vĩnh cửu. Vì họ làm đến đâu được đến đó. Còn mình, mình có thể mong mỏi cho những thứ xây dựng bây giờ ở ta tồn tại nguyên vẹn sau 50 năm nữa không, khi hàng ngày nghe không biết bao nhiêu công trình hỏng ngay vào ngày cắt băng khánh thành? Phải chăng vì từ lớp 1 chúng ta đã quá quen với những câu: "Thôi, thế cũng được" rồi?
Trong mắt các nhân viên ở VN, sếp Nhật cù lần, kém thông minh. Quá đúng, bởi vì những người Việt đã đi làm công ty nước ngoài để tiếp xúc với sếp Nhật thì đã thuộc diện top của xã hội VN rồi. Trong khi 60% dân số Nhật tốt nghiệp đại học, nên sang VN làm sếp hầu như chỉ toàn là dân đen của Nhật thôi. Đừng bảo người Nhật không thông minh, chẳng qua là bạn chưa gặp được đấy thôi. 60% dân đen cù lần đó, họ không thông minh, nhưng họ có những cái mình chưa có, nên họ vẫn trèo lên đầu làm sếp của mình. Nếu dân VN mình thông minh, và cũng có được những tố chất như của họ, ắt có ngày mình giàu mạnh hơn họ, khi đó mình mới thực sự có thể cười họ được mà thôi.
Toàn chuyện vụn vặt, mẹ Ổi thấy mình học được từ những điều vụn vặt nhiều hơn từ những triết lý giáo điều sáo rỗng.
https://www.danluan.org/tin-tuc/20100429/cau-chuyen-nuoc-nhat-cai-gi-lam-nen-nuoc-nhat
No comments:
Post a Comment