Câu chuyện nước Nhật - Phải chăng đây là xã hội chủ nghĩa?
Mẹ Ổi
Một ngày cuối tuần, cả nhà Ổi đi chơi. Bố lái xe. Mẹ thích nhất cảm giác ngả ngốn ở ghế sau, chìm mình trong tiếng nhạc, ngắm những vạt cây lướt vun vút trên nền trời xanh qua ô cửa kính, và nghĩ ngợi vẩn vơ.... Trong khung cảnh thật yên bình, mẹ nghĩ đến những tháng ngày mình đang sống - cuộc sống ở Nhật, đến xã hội này, con người ở đây,... rồi mẹ chợt nhận ra cái này thật ngộ: Đây chính là xã hội chủ nghĩa... :-)
Hihi... thực ra, bao nhiêu kiến thức lý luận triết học, xã hội học, kinh tế học về xã hội chủ nghĩa đầy cao siêu đã học trong trường ĐH mẹ Ổi quên tiệt hết rồi. Chủ nghĩa xã hội theo cách hiểu của mẹ Ổi chỉ đơn giản là một xã hội thật đẹp, như những gì mẹ đã mường tượng ra qua những bài tập đọc sách đạo đức lớp 5, nơi có những con người sống trung thực nhặt được của rơi trả người đánh mất, sống trách nhiệm như bạn Thắng trên đường đi học về thấy thanh ray đường tàu bị trật đã tìm mọi cách báo hiệu cho đoàn tàu dừng lại... nơi con người ta sống bình đẳng, yêu thương nhau, không có người nghèo khổ... thì đây, chính là những gì mẹ nhìn thấy.
Tại sao nói là bình đẳng. Tất nhiên đây chỉ là khái niệm tương đối. Bình đẳng ở đây không phải là cào bằng, nhưng có thể nói xã hội Nhật bản đã xây dựng được một hệ thống phân phối của cải một cách khá đồng đều, mà người ta vẫn lao động nghiêm túc, lao động hết mình. Có lẽ không nước nào trên thế giới này có tỷ lệ dân số trung lưu (middle class) lớn như ở Nhật. Phải khoảng 80-90% dân số Nhật có mức sống trung lưu. Nghĩa là hầu hết mọi người trong xã hội có mức sống như nhau, có chăng chỉ là một sự chênh lệch rất thấp, không có quá nhiều người rất giàu hay quá nhiều người rất nghèo. Hầu hết mọi người dù ở nông thôn hay thành thị cũng đều ăn uống như nhau, cho con đi học ở những trường học có cơ sở vật chất như nhau, dịch vụ y tế, bệnh viện... về cơ bản như nhau. Cái cột điện ở Tokyo thế nào thì cái cột điện ở một nơi nhà quê hẻo lánh nhất cũng như thế. Không có chuyện cột điện ở Tokyo bằng bê tông sắt thép, còn ở nhà quê làm bằng cột tre... Hihi... Mọi thứ đều đã được chuẩn hoá, cứ thế mà theo. Ở Nhật dù làm nghề gì, thì thu nhập cũng thường ở một mức nhất định tương đương nhau. Mới đầu mẹ Ổi cảm thấy rất sáo rỗng khi nghe người Nhật nói: tôi muốn làm tiếp viên hàng không vì muốn mang văn hoá Nhật bản đi ra thế giới, vì muốn cống hiến cho khách hàng những phút giây thư giãn trên chặng bay dài. Tôi muốn làm y tá để xoa dịu nỗi đau đớn của người bệnh. Tôi muốn làm cảnh sát để góp phần giữ gìn xã hội trật tự, yên bình... Nhưng giờ mới hiểu họ nói thật lòng. Đơn giản vì dù làm nghề nào ở thành phần kinh tế nào, người đi làm nhà nước, hay làm công ty, hay nông dân làm ruộng, về cơ bản thu nhập cũng tương đương nhau, nên người ta chọn nghề theo sở thích. Không có chuyện lương cao vượt bậc, làm nghề nọ, công ty nọ lương gấp 10 lần nghề kia, công ty kia. Ai thấy mình thích hợp với việc gì thì làm việc ấy. Cũng chính nhờ thế người ta có tình yêu với công việc hơn, làm việc hết mình hơn. Và ở Nhật người ta cũng đánh giá theo việc chăm chỉ cần cù nhiều hơn là năng lực. Đúng là làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Không phải ai sinh ra cũng giỏi giang, nhưng dù là ai, dù làm việc gì cao sang hay thấp hèn, miễn anh chăm chỉ lao động, anh sẽ có thu nhập và cuộc sống tốt như của mọi người.
Tất nhiên vẫn có những người giàu, rất giàu (thường những nghề có thu nhập đặc biệt như giới nghệ sĩ, hoặc doanh nhân lớn) còn phải nói là người nghèo thì rất hiếm gặp. Ít đến mức mỗi khi nhìn thấy một người nghèo ở đây mẹ Ổi đều cảm thấy thương vô cùng. Mà nghĩ kỹ ra thì những người trông khổ sở hơn như thế nhiều mình vẫn gặp đầy rẫy trước đây mà sao không thấy thương bằng. Trong khi những người này chỉ là trông mặt họ đen đúa gió sương hơn, quần áo trên người cũ kỹ một tý mà mình thấy mủi lòng. Chắc vì ai ai ở đây cũng trắng trẻo, bóng bẩy cả mà.
Một người bạn VN thắc mắc, sao ở Nhật mình gặp nhiều người khuyết tật thế nhỉ. Bố mẹ Ổi lý giải thế này, và người bạn đó đã gật gù công nhận đúng: Vì người khuyết tật ở đây không bị lãng quên, người ta vẫn có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Tivi có chương trình thời sự nói bằng tay cho người điếc. Chương trình trẻ em hàng sáng có phần dành riêng cho trẻ kém phát triển. Vỉa hè luôn có vạch cho người mù, hiếm có toà nhà nào, dù to dù nhỏ, lại không có lối cho người đi xe lăn... Vậy là họ ra đường nhiều, họ tham gia các hoạt động xã hội nhiều thì mình thấy nhiều thôi.
Hệ thống hành chính của Nhật rất gọn gàng, hiệu quả. Họ không quản lý người dân bằng sổ hộ khẩu, mà theo nơi sinh sống, làm việc của người dân đó, nhưng cực kỳ chặt chẽ. Đến đâu sống chỉ cần ra wardoffice đăng ký hộ tịch ở đó. Thủ tục cũng vô cùng đơn giản và nhanh chóng. Khai một bản khai (form), trình hộ chiếu, chờ khoảng 20 phút là xong, không dấu má chứng nhận lên xuống gì cả. Thế là mọi quyền lợi trách nhiệm của mình sau đó sẽ tự động được người ta quản lý. Ví dụ trợ cấp y tế, trợ cấp nuôi con... nếu mình không biết, thì họ cũng sẽ gửi thư đến tận nhà nhắc nhở, không phải kiểu con khóc mẹ mới cho bú. Thậm chí, khi mình đến làm thủ tục nhận trợ cấp, họ rất vui cứ như thêm được một khách hàng bán được cái gì chứ không phải là chi tiền cho mình vậy, rồi đưa thêm một đống tờ rơi để mình tìm hiểu thêm các quyền lợi khác, nhắc nhở mình đủ thứ. Nói đến thái độ tiếp dân thì ôi, đúng là dùng từ "đầy tớ của dân" cũng không hề có gì quá đáng. Vô cùng mẫn cán, nhiệt tình. Phục vụ từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không nghỉ trưa. (Buổi trưa họ cắt đặt thay nhau làm và ăn trưa vội vàng). Hỏi han cái gì cũng được trả lời tận tình, hỏi bao nhiêu cũng thế, không bao giờ cáu gắt. Mẹ Ổi nhớ lần về VN đi làm chứng minh thư, trời nắng như đổ lửa, đến nơi thấy cái cổng im ỉm. Nhìn cái biển ở ngoài giờ tiếp dân: sáng đến 11 giờ, chiều 2:00 đến 4:00. (trời ơi, nghỉ trưa gì mà những 3 tiếng). Mà lúc mẹ Ổi đến mới có hơn 3 giờ chứ đã đến 4 giờ đâu. Thế là không nộp được. Trước đó còn bao nhiêu công chạy xin dấu đủ loại giấy tờ cũng thành công toi. Cuối cùng cái CMT của mẹ Ổi bây giờ vẫn nằm trong "danh sách những việc phải làm lần về VN sau". Không phải là nói xấu VN, mà thấy sốt ruột cho nước nhà. Vì trong khi ở Nhật công chức chỉ có 950 nghìn/110 triệu dân, còn ở VN là 11,1 triệu công chức/hơn 80 triệu dân (nhiều gấp hơn 10 lần), còn chất lượng dịch vụ hành chính lại ngược nhau đến thế?
Các dịch vụ cộng đồng khác ở Nhật cũng rất là dễ chịu. Không có chuyện bệnh viện đúng tuyến, hay cấp lương nào mới được vào Việt-Xô... Thẻ bảo hiểm áp dụng cho mọi bệnh viện, công và tư, ở bất cứ đâu trên cả nước Nhật. Chất lượng các bệnh viện, phòng khám tư ở nông thôn cũng tốt chả kém, nên người ta không phải đổ xô lên tuyến trên. Ở bệnh viện thì ai đến trước khám trước, ai đến sau khám sau theo số, cứ thế mà chờ. Vì công bằng nên có phải chờ lâu cũng không thấy khó chịu. Y tá thì tận tuỵ dịu dàng đến cảm động. Vừa tiêm vừa luôn mồm xin lỗi, an ủi. Bác sĩ cũng nhẹ nhàng. Trộm vía nếu phải nằm viện thì cũng chỉ khổ vì bệnh chứ bệnh viện bao giờ cũng có điều hoà trung tâm quanh năm 27-28 độ, bước chân qua cửa bệnh viện là chả biết ngoài kia nắng đổ lửa hay tuyết đang rơi nữa. Giường được thay ga thường xuyên, mỗi người đều có tivi, tủ lạnh, và nút bấm gọi y tá ở đầu giường. Gọi bao nhiêu cũng không lo y tá bực mình bao giờ. Cấp cứu thì nếu gọi phải chuẩn bị xong xuôi rồi hãy gọi, kẻo mình vừa dập điện thoại đã thấy ò e ò e rồi. Hihi... khổ nỗi cái này mẹ Ổi phải kinh qua rồi mà. Thống kê trên toàn nước Nhật là trung bình xe cấp cứu sẽ đến bệnh viện trong khoảng 6 phút kể từ lúc được gọi. Choáng không? Phòng khám nhi thì trang trí cho cái gì cũng rất dễ thương, bác sĩ ngọt ngào với trẻ, luôn chuẩn bị sẵn đồ chơi để dỗ trẻ. Trẻ em dưới tuổi đi học miễn phí hoàn toàn cả tiền khám lẫn tiền thuốc, dù khám ở bất cứ đâu. Khám định kỳ miễn phí 6 tháng/lần nếu dưới 2 tuổi, và 1 năm/lần từ 2 tuổi trở lên. Còn Nhà trẻ thì cô giáo nào cũng nhẹ nhàng như cánh hoa, miệng cười mắt cũng cười... trẻ con đi học đứa nào cũng cảm nhận được tình yêu của cô dành cho mình, và đứa nào cũng rất yêu cô giáo chứ không sợ cô bao giờ.
Nói về an ninh ở Nhật. Chỉ có phạm tội lớn chứ không có ăn cắp vặt, cướp giật dọc đường, đánh nhau, ẩu đả cũng không thấy bao giờ, chứ đừng nói đến đánh bom với súng đạn. Nhìn vào thời sự ở Nhật cũng đủ biết là tội phạm ít, vì cả những vụ vớ vẩn như có cái ôtô ở đâu đâm vào cái cột điện ko có người chết chẳng hạn, cũng đưa lên tivi. Những vụ mà như thế mà ở nước khác thì đăng bao nhiêu cho xuể. Tội giết người thường vì những lý do tinh thần hơn là vì tiền, nên có thể là những cách giết người cực kỳ quái gở,... còn vì tiền thường là phá máy ATM, cướp ngân hàng. Mà rất buồn cười là thủ phạm thường không phải là dân ăn cắp chuyên nghiệp, nên hành sự cực kỳ stupid và toàn bị tóm tại trận... Haha. Còn người dân trong cuộc sống hàng ngày thì nhìn chung không phải lo nghĩ gì, rất yên bình. Nhà của Nhật bao giờ cũng có một mặt hướng ra lan can, sân vườn là cửa kính rất to để hứng ánh sáng, kính sát xuống tận sàn nhà, mà không có chấn song. Mở cửa kính này ra là bước toẹt ra vườn/hành lang luôn. Hàng rào cũng thấp, chủ yếu để ngăn đất và cho đẹp chứ không phải để tránh trộm. Mẹ Ổi nhiều lúc nghĩ, mình mà là dân đạo chích, chắc mình sẽ mơ một nơi thế này để tha hồ hành nghề. Hihi... Ra đường, trên tàu điện, xe búyt, các phương tiện công cộng, thì cứ việc ngủ thoải mái... Mà đừng nói đến ăn cắp, có khi để phơi ra đấy cũng không bị lấy. Vào nhà hàng túi để ở ghế rồi đi toilet vô tư. Nhiều khi mẹ Ổi đi siêu thị, chọn thực phẩm xong vứt xe hàng ở một góc, mải mê ngắm nghía quần áo chán chê mới tìm đến cái xe hàng để thanh toán thì mới giật mình vì thấy cái túi của mình vẫn vứt trong xe từ bao giờ. Mẹ Ổi với cái tính đãng trí đã không ít lần quên đồ, nhưng chưa bao giờ bị mất cái gì cả. Ấn tượng nhất là lần ngồi chờ ở bến xe buýt, mẹ Ổi để quên cái túi của mình trên ghế chờ. Khi phát hiện ra và quay trở lại tới nơi thì đã cả mấy tiếng sau, chiếc túi vẫn nằm ở đó, màu đỏ rất nổi bật, mà ở một bến chờ xe buýt trước cổng bệnh viện, biết bao người qua lại. Mọi thứ trong túi vẫn còn nguyên, ví tiền, giấy tờ tuỳ thân. Ôi ôi, thật là không tưởng tượng nổi. Đúng là họ đầy đủ về vật chất thì người ta sẽ sống tốt hơn, không nhòm ngó đến của cải của người khác. Nhưng mẹ Ổi cho rằng đó mới là điều kiện cần thôi. Vì thực ra người Nhật cũng rất tiết kiệm. Người ta thậm chí chờ xếp hàng cả mấy chục phút dài dằng dặc chỉ để mua xăng rẻ được vài trăm Yên. Chứ 10,000 Yên (số tiền tối thiểu thường có trong ví các bà nội trợ), thì cũng là khá to với họ. Vậy mà vẫn không bị lấy thì là vì sao. Vì họ có cả điều kiện đủ là nếp sống đẹp, lương tâm thiện... Ở Nhật đúng là như vậy, "Lễ" là cái đã ngấm vào máu của mỗi người dân. Họ cư xử với nhau không chỉ theo luật, mà còn theo lệ, theo lễ: Không ở đâu mẹ Ổi thấy người ta nói cảm ơn và xin lỗi nhiều như trong tiếng Nhật. Từ cảm ơn và xin lỗi ở trên đầu môi. Đi đường nhỡ va chạm vào nhau thì cả hai bên đều cúi đầu xin lỗi, bất kể ai sai ai đúng. Ổi thường hay nói chuyện với các bà già gặp ở đường. Bao giờ kết thúc câu chuyện cũng là lời cảm ơn của bà cụ, dù già như vậy. Cảm ơn vì đã giành thời gian cho bà được có những phút giây với đứa trẻ đáng yêu như Ổi. Ở trường dạy lái xe, người ta không chỉ dạy luật, mà văn hoá lái xe cũng rất được chú trọng. Chả thế mà ra đường nhiều khi cứ nhường nhau mãi, rồi mẹ Ổi (dù sao vẫn là người VN), thường là người đi trước. Hihi... Người ta rất nhường nhịn nhau. Khi 2 người cùng đến xếp hàng một lúc thì thường lịch sự cúi đầu nhường nhau đứng trước, chứ không có cảnh ai nấy cố gắng nhanh chân để được đứng trước. Người Nhật rất có ý thức giữ gìn kỷ luật chung. Ví dụ đi thang cuốn có luật bất thành văn là ai đứng trên thang để nó tự cuốn đi thì đứng dẹp về bên trái, để một lối bên phải cho những người vội vàng, muốn đi nhanh thì chạy trên thang nữa. Thế là ai nấy đều tuân thủ, chả thấy ai đứng yên mà đứng bên phải cả. Họ có ý thức trách nhiệm với xã hội từ những việc nhỏ như việc đổ rác chẳng hạn. Người ta phân loại rác rất kỹ, để dễ tái chế. Chia cơ bản nhất là rác cháy được và không cháy được. Nhưng trong rác cháy được, thì nhựa, giấy báo, giấy bìa, vỏ hộp sữa tươi,.... rác không cháy được thì hộp sắt, hộp nhôm, thuỷ tinh, đồ độc hại (pin...). Mẹ Ổi thì lười, chỉ phân loại sơ sơ, ví dụ vỏ hộp sữa hay juice bằng giấy, uống hết bóp cho nhỏ lại rồi vứt vào rác cháy được, nhưng mẹ để ý thấy các bà hàng xóm, các bà ấy mở cái vỏ cho phẳng ra, rửa sạch, phơi khô, xếp cả đống vào nhau, các khay đựng thịt cá cũng vậy, loại nào vào loại ấy khay trắng vào khay trắng, đen vào đen, nhựa trong vào với nhựa trong, rồi mới vứt. Hộp bằng kim loại có nắp bằng nhựa thì vứt riêng nắp, riêng hộp (tất nhiên hộp đã được cọ rửa sạch)... họ có được cái gì ở đó đâu, chỉ là vì tuân thủ qui định chung thôi. Mà rác nào được đổ ngày nào thì đúng ngày đó mới mang đổ, không thì cứ giữ ở nhà mình. Hôi thối cũng phải chịu chứ không mang ra bãi rác vứt trước ngày qui định. Mẹ Ổi không biết ở các nước văn minh khác như Mỹ và châu Âu thế nào, chứ dân châu Âu và Mỹ hàng xóm mẹ Ổi ở đây cũng a-ma-tơ chả hơn gì dân VN cả.
Ở Nhật là thế, cái gì cũng có qui định, và ai cũng tuân thủ, nên mọi thứ đều rất qui củ. Nói thêm về sự văn minh trong văn hoá ứng xử: Người Nhật không nói to ở chỗ đông người. Không ăn ngoài đường. Đứng ngồi đi lại ý tứ. Nói năng với nhau lễ phép lịch sự, thái độ nhã nhặn. Hiếm khi cáu kỉnh. Chưa bao giờ mẹ Ổi thấy người ta cãi nhau,... hình như họ không bao giờ cãi nhau thì phải??? Tất nhiên là người phải có yêu có ghét chứ nhỉ?, nhưng thậm chí cả trên phim truyền hình của Nhật cũng không thấy cảnh các mẹ tốc váy lên chửi nhau như người TQ, VN, Hàn Quốc... bao giờ. Nói chung, người Nhật rất lành tính, sống thiện. Văn hoá ứng xử của họ nếu chưa quen thì sẽ thấy cứng nhắc, có phần khuôn sáo, không thật lòng. Nhưng quen rồi thì sẽ thấy thật là dễ chịu.
Sơ sơ là thế, đã giống với xã hội chủ nghĩa chưa nhỉ? Không biết cái xã hội chủ nghĩa mà VN đang theo đuổi, với lại trong tưởng tượng của Cụ Mác với cụ Lê nin thế nào, chứ mẹ Ổi cũng chỉ mong muốn bấy nhiêu thôi. :p
No comments:
Post a Comment