Ảo tưởng về khẩu hiệu “vừa anh em vừa đồng chí”, 1950-1973
Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ Hai, ngày 11 tháng 8 năm 2014
Trích từ bài viết “The Sino-Vietnamese Dispute over Territorial Claims,
1974–1978: Vietnamese Nationalism and its Consequences“, International
Journal of Asian Studies, 8, 2 (2011), pp. 189–220
Đặng Tiểu Bình và Hồ Chí Minh ( TheoZing.vn) |
Lịch sử tác động qua lại giữa TQ và Việt Nam là một lịch sử lâu dài. Kí
ức tập thể của người Việt về sự thống trị của TQ trong hai thiên niên kỉ
chứa đầy một kho chuyện kể về chủ nghĩa anh hùng chống lại bá quyền TQ
mà những người Việt yêu nước tận dụng để vận động người dân chống lại sự
xâm lược của TQ trong tương lai [1].
Trong khi các nguồn năng lực chính của Việt Nam để đẩy lùi các cuộc xâm
lược liên tục của TQ, hoặc để làm cho việc TQ chiếm đóng Việt Nam lung
lay có thể là một ý thức về dân tộc anh hùng, đồng thời tồn tại việc
cạnh tranh có ý thức của các tổ chức chính trị và quân sự của TQ, không
những cho thấy cốt lõi trong việc chống lại mối đe dọa TQ mà còn làm hài
lòng các hoàng đế Trung Hoa vô cùng tự tin về tính ưu việt văn hóa của
chính họ.[2] Như William Duiker đã nhận xét một cách chính xác, “Đối với
người Việt Nam, thái độ của họ đối với TQ là một sự pha trộn độc đáo
giữa sự tôn trọng và tính ngỗ ngược, kết hợp việc chấp nhận thực tế về
sức mạnh và ảnh hưởng của TQ với việc bảo vệ bền bỉ nền độc lập và tính
khác biệt của Việt Nam.”[3] Chỗ mà lịch sử chính thức Việt Nam nhấn mạnh
áp đảo là việc cả nước kháng chiến chống ngoại xâm, hầu như lúc nào
cũng là TQ. Di sản lịch sử này vẫn còn là một lực lượng mạnh mẽ ảnh
hưởng đến quan hệ Việt-Trung hiện tại.
Giai đoạn 1950-1965 chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ nhất giữa hai nước
láng giềng này. Trong giai đoạn này, các nhà lãnh đạo của Đảng Lao động
Việt Nam (ĐLĐVN) và Đảng Cộng sản TQ (ĐCSTQ) vạch ra một khẩu hiệu chung
về mối quan hệ thân mật Việt -Trung “vừa đồng chí vừa anh em”.[4] Cả
hai bên đều gạt bỏ điều tiêu cực của quá khứ – đó là, lịch sử TQ xâm
lược và chinh phục Việt Nam trong hai thiên kỉ trước khi thực dân Pháp
đến vào thế kỉ XIX. Thay vào đó, họ nhấn mạnh rằng Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa như là một nhà nước cách mạng mới của công nông vô sản TQ vốn
đã từng đấu tranh không ngừng trong nhiều thế kỉ chống lại sự đàn áp của
phong kiến TQ và thực dân châu Âu.[5]
Ví dụ, vào ngày 18 tháng 10 năm 1956, báo Nhân Dân, tờ báo của ĐLĐVN,
đưa ra một bài xã luận chào đón chuyến thăm VNDCCH của Thủ tướng Chu Ân
Lai bằng cách mở đầu với nhận xét sau: “Trong mấy ngàn năm qua, nhân dân
hai nước chúng ta đã chiến đấu chống lại bọn thống trị phong kiến [muốn
nói đến cả phong kiến TQ lẫn VN], và gần đây nhất, chúng ta đã chiến
đấu chống lại chủ nghĩa thực dân [qua việc gợi lại kí ức về quân “Cờ
Đen” TQ vượt qua biên giới Trung-Việt để cùng với dân Việt Nam ở miền
Bắc chống quân đội Pháp].”[6] Sau đó, Chu Ân Lai đáp lại bằng cách bày
tỏ lòng tôn kính đến Hai Bà Trưng từng đứng lên chống lại đế chế Trung
Hoa vào năm 43, tố cáo chủ nghĩa nước lớn của các triều đại Trung Hoa
đối với Việt Nam trong quá khứ.[7]
Trên thực tế, khẩu hiệu “vừa đồng chí vừa anh em” này được che phủ trong
các toan tính chiến lược của cả hai bên. Như Qiang Zhai nêu: “Liên minh
Bắc Việt-TQ là một liên minh về sự cần thiết lẫn nhau. Hà Nội thì muốn
có viện trợ của TQ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, đổi lại Bắc
Kinh cũng cần sự ủng hộ của VNDCCH cho các mục tiêu đối ngoại của
mình.”[8] Đối với Hà Nội, trợ giúp kinh tế và quân sự của TQ trong cuộc
chiến chống người Pháp trở lại Đông Dương là không thể thiếu vào lúc
Liên Xô không quan tâm tới công cuộc này của Việt Nam.[9] Tuy nhiên, Hà
Nội vẫn duy trì mối quan hệ có hoạt động với Moskva và bí mật bày tỏ
mong muốn được Liên Xô viện trợ sau khi Pháp rút lui vào năm 1955.[10]
Đối với Bắc Kinh, Bắc Việt Nam, giống như Bắc Triều Tiên, là một vùng
đệm chiến lược để bảo vệ sườn phía nam của TQ chống lại các mối đe dọa
từ các nước phương Tây không thân thiện và phục vụ cho việc định danh TQ
như một nhà cổ vũ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa
thực dân và chủ nghĩa đế quốc.[11]
Trong những năm đầu thập niên 1950, ĐLĐVN đã bị cuốn hút bởi ảo tưởng
rằng mối quan hệ “vừa đồng chí vừa anh em” giữa hai đảng cộng sản sẽ mở
ra một chương mới trong lịch sử của một liên minh bình đẳng trong mối
quan hệ Việt-Trung. Tuy nhiên, dù cả ĐCSTQ lẫn ĐLĐVN đều thấy cần phải
vạch rõ một lịch sử chung mới cùng là nạn nhân dưới ách thống trị của
các triều đại TQ trong quá khứ và sự nghiệp chung chống lại thực dân
Pháp, nhưng liên quan tới bản chất của liên minh mới hình thành họ lại
khác biệt nhau trên cơ bản.
Trước công chúng, các nhà lãnh đạo TQ không ngớt nhấn mạnh những lời lẽ
về “bình đẳng và tôn trọng độc lập lẫn nhau” như một nguyên tắc cốt lõi
của mối quan hệ mới. Tuy nhiên, trên thực tế thái độ của họ đối với Việt
Nam giống như mối quan hệ thầy-trò.[12] Trong kí ức các lãnh đạo Việt
Nam, việc TQ phản bội cách mạng Việt Nam có thể truy từ lời khuyên của
Bắc Kinh trong Hội nghị Genève 1954 mà đỉnh cao là việc chia cắt Việt
Nam đến năm 1975.[13] Tuy nhiên, sự bất bình đó đã không phát triển
thành sự thù địch công khai vì Việt Nam đặt ưu tiên cao nhất cho sự giúp
đỡ của TQ trong việc giải phóng Nam Việt Nam. Chỉ dấu cho việc này là
khi phản ứng về chính sách đồng hóa cưỡng bức của VNCH đối người Hoa vào
năm 1955, Hà Nội đã đồng ý miệng với nguyên tắc đồng hóa tự nguyện đối
với cư dân người Hoa, vào năm 1957, Bắc Việt Nam và TQ đã kí một thỏa
thuận song phương, trong đó Hà Nội cam kết không dùng đến biện pháp đồng
hóa cưỡng bức cư dân người Hoa theo cách VNCH đã thực hiện ở Nam Việt
Nam.[14]
Đầu năm 1958, khi Hà Nội theo đuổi giai đoạn mới “đấu tranh vũ trang”
giải phóng miền Nam, họ cần thêm nhiều viện trợ kinh tế và quân sự của
TQ. Trong bối cảnh này, Bắc Kinh đã biến cuộc khủng hoảng không có liên
quan thành cơ hội để thực thi mối quan tâm của họ về lãnh thổ ở biển
Đông vào một thời điểm mà Hà Nội yếu kém và phụ thuộc nhiều vào sự giúp
đỡ của TQ.
Cuối tháng 8 năm 1958, Mao liều lĩnh quyết định pháo kích đảo Kim Môn,
kích động cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai leo thang thành
một cuộc thách thức quân sự với Hoa Kì. Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Bắc
Kinh tuyên bố rằng lãnh thổ của TQ “bao gồm đại lục Trung Hoa, các đảo
ven bờ, Đài Loan và các đảo phụ cận, gồm cả quần đảo Bành Hồ, quần đảo
Ðông Sa (Pratas), quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa
(Maclesfield Bank), quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và tất cả các đảo khác
ngăn cách bởi các vùng biển công (quốc tế).”[15]
Ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi công hàm
cho Thủ tướng TQ Chu Ân Lai “ghi nhận và tán thành tuyên bố của Bắc Kinh
ngày 4 tháng 9.”[16] Thật ra, lãnh đạo VNDCCH không có quyền hợp pháp
để nhường lại vùng lãnh thổ phía nam vĩ tuyến thứ 17 cho TQ bởi vì nó là
phần thuộc chủ quyền lãnh thổ của VNCH. Về sau, vào ngày 10 tháng 6 năm
1977, khi bị Phó Thủ tướng TQ Lí Tiên Niệm vặn hỏi, Phạm Văn Đồng tìm
cách hợp lí hoá lập trường trước đây của [Bắc] Việt Nam bằng cách lập
luận rằng đó là một “vấn đề cấp thiết thời chiến” để ủng hộ các yêu sách
của TQ trong chiến tranh bởi vì sự cần thiết phải “đặt việc chống đế
quốc Mĩ lên trên mọi thứ khác.”[17] Trong phản bác, Lí Tiên Niệm trả
lời:” chiến tranh không đang tiếp diễn tại Việt Nam vào ngày 14 tháng 9
năm 1958 khi thủ tướng Phạm Văn Đồng. . . thừa nhận trong công thư
gửiThủ tướng Chu Ân Lai rằng hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ
TQ.“[18]
Cuối năm 1964 đến đầu năm 1965, trước viễn cảnh một cuộc xâm lược của Mĩ
ở Bắc Việt Nam, các nhà lãnh đạo của Hà Nội quan ngại sâu sắc về thái
độ do dự của Bắc Kinh đối với việc phải tiến hành chiến tranh chống Mĩ
để bảo vệ đất nước. Mặc dù Mao Trạch Đông đã đề ra phương án đánh nhau
với Mĩ kể từ mùa hè năm 1962, và cam đoan với các nhà lãnh đạo Hà Nội về
quyết tâm chung của TQ là bảo vệ Bắc Việt Nam trong trường hợp bị Mĩ
tấn công, Hà Nội vẫn nghi ngờ rằng Mao đã cố né tránh đối đầu quân sự
trực tiếp với Hoa Kì. Ngay cả sau khi chính quyền Johnson quyết định
phát động chiến dịch ném bom kéo dài Bắc Việt Nam (gọi là Operation
Rolling Thunder) vào tháng 2 và tháng 3 năm 1965 , Mao vẫn luôn khuyên
phải cẩn trọng.[19]
Ngày 9 tháng 5 năm 1965, Hà Nội thực hiện một sáng kiến khác qua việc
tuyên bố rằng “quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về TQ.”[20] Phạm Văn
Đồng một lần nữa đưa ra sự cần thiết và ưu tiên trong việc chống đế
quốc Mĩ vì các quần đảo này vào thời điểm đó nằm dưới sự kiểm soát của
quân đội Mĩ và Nam Việt Nam.[21] Bây giờ nhìn lại sự việc này sẽ thấy
rằng các nhà lãnh đạo Hà Nội đã buộc phải thừa nhận công khai tuyên bố
của Bắc Kinh vì cần phải tranh thủ tất cả hậu thuẫn của TQ cho một công
cuộc to lớn hơn là đấu tranh vũ trang chống lại Nam Việt Nam được Hoa Kì
ủng hộ, và do đó không thể nói rõ ra những lợi ích đối nghịch với TQ.
Trong chỗ tư riêng, họ rất căm tức việc TQ lợi dụng cơ hội để quyết đoán
về lãnh thổ vào thời điểm mà Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào sự giúp đỡ
của TQ.
Tuy nhiên, chính hiệu ứng lan tỏa của Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch
Đông vào lúc cao điểm của nó trong các năm 1966-1968 trên miền Bắc Việt
Nam đã mang sự ngờ vực lẫn nhau được che giấu sơ sài trong khoảng thời
gian 15 năm hợp tác Trung-Việt chặt chẽ ra công khai, và đã khiến Việt
Nam lo ngại chủ nghĩa Sô vanh TQ lần nữa.[22] Vào lúc cao điểm của Cách
mạng Văn hóa, khẩu hiệu tình đoàn kết Việt-Trung “vừa anh em vừa đồng
chí” đã được đưa vào kiểm nghiệm trên thực tế lần đầu tiên, và cho thấy
rõ hơn rằng lợi ích chiến lược của cả hai bên được che giấu sơ sài sau
một tấm màn rất mỏng về tình đoàn kết lịch sử và ý thức hệ. Như sử gia
Chen Jian đã lột tả: “Cái mà Bắc Kinh có ý định tạo ra là một phiên bản
hiện đại của mối quan hệ giữa đế chế Trung Hoa và các nước láng giềng
chư hầu. Cách hành xử này nhắc nhở rất hiệu quả cho người Việt Nam về
quá khứ có vấn đề của họ với người TQ. . . . “[23] Nhận xét của Chen
Jian trùng hợp với quan điểm chính thức của chính phủ Việt Nam vào thời
điểm đó. Mãi về sau, vào ngày 10 tháng 6 năm 1977, một năm sau khi Cách
mạng Văn hóa kết thúc, Phạm Văn Đồng nói với phó thủ tướng TQ Lí Tiên
Niệm và các quan chức cấp cao khác của TQ của Bộ Ngoại giao [TQ] rằng
“trong nhiều năm, nhất là trong Cách mạng Văn hóa, nhiều đồng chí TQ đã
công khai đối xử thô lỗ với chúng tôi. Họ gọi chúng tôi là ‘xét lại’ vì
chúng tôi nhận viện trợ của Liên Xô, và thậm chí còn gọi chúng tôi là
‘vô ơn’. Qua việc sử dụng loại ngôn ngữ này, các đồng chí TQ đã nuôi
dưỡng một thái độ không thân thiện đối với chúng tôi. Thái độ như vậy có
ở Hà Nội, Bắc Kinh, và nhiều nơi khác. Thái độ như vậy làm chúng tôi
rất đau lòng.”[24]
Vào lúc đỉnh cao của Cách mạng Văn hóa, phe cực đoan theo Mao nắm quyền
kiểm soát toà Đại sứ TQ tại Hà Nội. Họ tập hợp cư dân người Hoa ở Bắc
Việt Nam ủng hộ Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, đề cao tư tưởng
cách mạng văn hóa về “đấu tranh giai cấp,” chủ mưu tạo ra các chiến dịch
chống chủ nghĩa xét lại Liên Xô, và thậm chí công khai tố cáo các nhà
lãnh đạo Việt Nam là “xét lại” vì nhận sự giúp đỡ của Liên Xô.[25] Cư
dân người Hoa gây ra rối loạn qua việc tổ chức các cuộc biểu tình chống
chủ nghĩa xét lại Liên Xô và công khai tiến hành các cuộc tuần hành ủng
hộ chủ nghĩa Mao tại Hà Nội. Đối với người Việt Nam, những cư dân người
Hoa này là những “người Hoa phản động.”[26] Như Han Xiaorong nhận xét,
“Nếu người Hoa ở Bắc Việt Nam đang trên đà trở thành công dân Việt Nam
trước Cách mạng Văn hóa thì Cách mạng Văn hóa đã làm xu hướng này bị đảo
ngược.”[27] Điều đó chứng tỏ cho lãnh đạo Việt Nam thấy rằng những cư
dân gốc Hoa này vẫn trung thành với “quê hương TQ” tận xương tuỷ.
Đáp ứng với sự lan tỏa của Cách mạng Văn hóa, Hà Nội thấy cần phải viện
lại khẩu hiệu quen thuộc “mối đe dọa xâm lược từ phương Bắc” để nhắc nhở
công chúng Việt Nam về chủ nghĩa Sô vanh TQ, ngay cả khi họ nhận khoảng
320 000 “người tình nguyện” TQ do Bắc Kinh phái đến giúp Bắc Việt chống
Mĩ từ năm 1966 đến năm 1969.[28] Đổi lại, điều này làm các nhà lãnh đạo
Bắc Kinh hết sức khó chịu bởi vì “việc VN sử dụng quá khứ để ngụ ý hiện
tại” là phản bội tinh thần, và sẽ làm suy yếu nền tảng cảm xúc của tình
đoàn kết “vừa anh em vừa đồng chí” Trung-Việt. Kể từ năm 1950, Bắc Kinh
đã rõ ràng và liên tục lên án việc xâm lược Việt Nam trong lịch sử. Năm
1956 và một lần nữa vào năm 1970, Thủ tướng Chu Ân Lai thậm chí đã đến
viếng đền Hai Bà Trưng ở Hà Nội để tỏ lòng lòng tôn kính đối với hai bà
xưa kia đã đứng lên chống lại phong kiến TQ xâm lược Việt Nam.[29]
* * *
Tóm lại, một sự khảo sát kĩ lưỡng mối quan hệ Trung-Việt trong thời kì
hợp tác chặt chẽ 1950-1965, và vào thời kì cao điểm của Cách mạng Văn
hóa TQ 1966-1968, cho thấy sự đoàn kết giữa TQ và Việt Nam là cách xa
với mô tả màu hồng của cả hai bên về mối quan hệ “vừa anh em vừa đồng
chí”, nhưng nó vẫn phẳng lặng vượt qua mọi bất ổn vì việc duy trì hình
ảnh về hợp tác Trung-Việt sẽ phục vụ các lợi ích chiến lược của cả hai
bên và gìn giữ tình đoàn kết chống lại kẻ thù chung. Ẩn bên dưới bề mặt
của quan hệ “vừa anh em vừa đồng chí” là nỗi căm giận mà Hà Nội nén lại
trước việc Bắc Kinh sẵn sàng thay đổi đường lối chính trị của họ mà
không quan tâm gì đến lợi ích của Việt Nam và nỗi lo sợ ngày càng tăng
về chủ nghĩa Sô vanh đang trỗi dậy của TQ dưới hình thức “hệ thống triều
cống” lạc hậu của TQ đối với Việt Nam. Mặc dù lãnh đạo Việt Nam thừa
nhận tầm quan trọng của sự giúp đỡ của TQ cho Bắc Việt Nam, họ phẫn nộ
sự kiện các nhà lãnh đạo TQ đã không né tránh việc áp đặt ý muốn của họ
lên Bắc Việt Nam vào những lúc Bắc Việt Nam yếu kém và phụ thuộc nhiều
vào sự giúp đỡ của TQ. Như một phản ứng chiến thuật, các nhà lãnh đạo Hà
Nội đã thực hiện các sáng kiến có tính chiến thuật biểu lộ việc chiều
theo ý TQ qua các phát biểu công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh
đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa khi mà họ ở trong vị thế
khó thể nói ra những lợi ích lãnh thổ của họ đối nghịch với Bắc Kinh.
Việc VN liên tiếp công nhận tuyên bố chủ quyền của TQ trong các năm
1956, 1958, và 1965 đã được thực hiện với động cơ kín đáo “tuân thủ
ngoài mặt, phản bội trong lòng.” Trong suy nghĩ của họ, tranh thủ cam
kết lớn hơn viện trợ của TQ và dấn sâu hơn trong cuộc đối đầu quân sự
với Mĩ phải được dành cho ưu tiên cao nhất trong thập kỉ định mệnh
1956-1965. Khi nỗi lo bại trận của Việt Nam giảm xuống và Liên Xô háo
hức thay thế TQ như là nơi cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự chính
vào năm 1974, Hà Nội đã chủ động thách thức việc bành trướng lãnh thổ
của TQ, đưa tranh chấp lãnh thổ Trung-Việt trở lại công khai. Biên giới
đất liền giữa TQ và Việt Nam đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi vì
những thay đổi trong vị trí các mốc phân chia biên giới đã được thực
hiện từ năm 1955, và cả hai bên cáo buộc lẫn nhau về việc thay đổi hiện
trạng. Tranh chấp biên giới đất liền biến thành xung đột biên giới từ
năm 1974 trở đi.[30]
Kosal Path/Đại học Nam California
Huỳnh Phan dịch
——–
Ghi chú:
* “CPMO” viết tắt của: Hồ sơ Văn Phòng Phủ ThủTướng (“Collection of the
Prime Minister’s Office”), lưu ở Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia 3 (“National
Archive No. 3”), Hanoi.
[1] Xem Taylor Keith W. The Birth of Vietnam. Berkeley and Los Angeles:
University of California Press, 1983; Duiker William J. China and
Vietnam: The Roots of Conflict. Berkeley: Center for Chinese Studies,
1986; SarDesai D. R. Vietnam: The Struggle for National Identity. 2nd
ed. Boulder, Colo.: Westview Press, 1992; Nguyen Khac Vien. Vietnam: A
Long History. Hanoi: Thế Giớii Publishers,1993; Kenny Henry. Shadow of
the Dragon: Vietnam’s Continuing Struggle with China and the
Implications for U.S. Foreign Policy. Dulles, Va.: Brassey’s, Inc.,2002.
[2] Xem Truong Buu Lam. Patterns of Vietnamese Response to Foreign Intervention: 1858–1900, Monograph Series no. 11,
Southeast Asia Studies. New Haven: Yale University Press, 1967 and
Inoguchi Takashi. “China’s Intervention in Vietnam and its Aftermath,
1768–102.” Journal of Law and Diplomacy 73:5 (1975), pp. 36–83.
[3] Duiker William J. China and Vietnam: The Roots of Conflict. Berkeley: Center for Chinese Studies, 1986, p. 6.
[4] Xem Westad Odd Arne. “History, Memory and the Languages of Alliance-Making.” In 77 Conversations between
Chinese and Foreign Leaders on the Wars in Indochina, 1964–1977, eds. Odd Arne Westad et al., pp. 8–19.
Washington: Woodrow Wilson Center, Cold War International History Project Working Paper no. 22, May
1998, pp. 11–16.
[5] Zhai Qiang. China and the Vietnam Wars, 1950–1975. Chapel Hill: The University of North Carolina Press, 2000, p. 79
[6] Xem Nguyễn Ngọc Tuyên. Quan hê gữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Viêt Nam (“Relations between the
Chinese revolution and the Vietnamese revolution”). Nhà Xuâấ Bản Sự Thật, Hanoi, 1959.
[7] Zhai (như [5]), p. 79
[8] Ibid., p. 219
[9] Xem Ang Cheng Guan. The Vietnam War from the Other Side: The
Vietnamese Communists’ Perspective. New York, N.Y. RoutledgeCurzon,2002
[10] Olsen Mari. “Forging a New Relationship: The Soviet Union and Vietnam, 1955.” In Behind the Bamboo Curtain: China,
Vietnam, and the World Beyond Asia, ed. Priscilla Roberts, pp. 97–126. Stanford, Calif.: Stanford University Press, 2006
[11] Zhai Qiang. China and the Vietnam Wars, 1950–1975. Chapel Hill: The University of North Carolina Press, 2000, pp. 20–24
[12] Zhang Shu Guang. “Beijing’s Aid to Hanoi and the U.S.-China Confrontations.” In Behind the Bamboo Curtain:
China, Vietnam, and the World Beyond Asia, ed. Pricilla Roberts, pp, 264–66. Stanford, Calif.: Stanford University
Press, 2006, pp. 264–66, 273–74
[13] Westad 1998 (như [4]), pp. 11–16
[14] Han Xiaorong. “Spoiled Guests or Dedicated Patriots? The Chinese in Northern Vietnam, 1954–1978.”
International Journal of Asian Studies 6:1 (2009), p. 10; xem thêm Chang
Pao-min. “The Sino-Vietnamese Dispute over the Ethnic Chinese.” China
Quarterly 90 (June 1982),.
[15] Zhai (như [5]), 2000, p. 209
[16] Ibid. Muốn biết thêm chi tiết, xem biên bản cuộc họp giữa Thủ tướng
Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng Lí Tiên Niệm tại Bắc Kinh ngày 10 tháng 6
năm 1977, CPMO, Hồ sơ 10460, p. 5. Có mặt tại cuộc họp về phía Việt Nam
là Đinh Đức Thiện, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Chính phủ,
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh. Về
phía Trung Quốc có Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Hoa và Thứ trưởng Hàn Niệm
Long. Tác giả chép tay lại tài liệu này từ Trung tâm Lưu Trữ Quốc Gia
3, Hà Nội, Việt Nam.
[17] CPMO, Hồ sơ 10460, pp. 4–5; xem thêm Hyer Eric. “The South China
Sea Disputes: Implications of China’s Earlier Territorial Settlements.”
Pacific Affairs 68:1,1995, p. 37; Lưu 1995, p. 143.
[18] CPMO, Hồ sơ 10460, pp. 4–5.
[19] Chen 2001, pp. 215–216.
[20] CPMO, Hồ sơ 10460, pp. 5–6.
[21] Ibid. Lưu 1995, p. 143. Lặp lại lời giải thích mập mờ của Phạm Văn
Đồng cho Lí Tiên Niệm ngày 10/6/1977, Lưu Văn Lợi cho rằng tuyên bố của
VNDCCH ngày 9 tháng năm 1965 đã được thực hiện để đáp ứng tuyên bố của
Hoa Kỳ ngày 24 tháng 4 về một vùng chiến tranh kéo dài 100 hải lí tính
từ bờ biển của Việt Nam, vì thế cần đặt việc VNDCCH công nhận các tuyên
bố của Trung Quốc trong bối cảnh của cuộc chiến tranh mở rộng.
[22] Xem Westad 2006, pp. 1–7. Xem thêm Chen Jian, Mao’s China and the
Cold War. Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2001, p. 237,
và Zhai (như [5])2000, pp. 152–54.
[23] Chen (như [22]), p. 237 và Zhai 2000, pp. 219–20.
[24] CPMO, Hồ sơ 10460, p. 20.
[25] CPMO, Hồ sơ 10460, p. 17. Xem thêm Quinn-Judge Sophie. “The
Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti-Party
Affair, 1967–68.” Cold War History 5:4 (2005, pp. 483–84.
[26] Han (như [14]), pp. 12–13.
[27] Ibid., p. 13.
[25] See Path forthcoming; also see Chen (như [220), p. 237, and Zhai (như [5]), p. 140.
[29] CPMO, Folder 10460, p. 20; Zhai (như [5]), p. 79.
[30] See Chang (như [14]), pp. 25–35; Duiker (như [3]), pp. 72–73.
Nguồn: Lan Man
No comments:
Post a Comment