Chuyên án 027Z và nỗi đau còn lại
Chủ Nhật
08:01
05/08/2007
Những chiến sĩ Công an bị nhiễm xạ khi làm nhiệm vụ lấy niềm vui công việc khỏa lấp nối buồn bệnh tật.
|
Trong
phòng họp của Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), những trinh sát -
nhân chứng sống của Chuyên án 027Z tề tựu tuy chưa đầy đủ, họ gặp nhau,
họ gặp chúng tôi để bày tỏ niềm lo lắng được chôn kín 12 năm nay.
Biết nguy hiểm nhưng vẫn hy sinh vì nhiệm vụ
Đồng chí
Trần Đức Nha, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an quận Hai
Bà Trưng nhớ lại câu chuyện 12 năm trước, lúc đó anh còn là một trinh
sát trẻ, mới ngoài 20 tuổi đã cùng đồng đội vượt qua bao gian nan để
khám phá thành công vụ án buôn bán trái phép 1 cục xạ hiếm.
(Chính anh Nha đã giành được giải nhì tại cuộc thi Trinh sát kể chuyện khi kể về chuyên án này…)
Trung tuần
tháng 6/1995, trinh sát hình sự Trạm Cảnh sát bến xe (CSBX) phía Nam
nhận được nguồn tin hết sức quan trọng, có một đối tượng về khu vực bến
xe giao bán 1 cục xạ hiếm với trọng lượng 4,6kg.
Thời điểm năm 1995, ở miền Bắc rộ lên tình trạng buôn bán chất phóng xạ, thủy ngân đỏ, sừng tê giác, đá đỏ sang Trung Quốc.
Theo nguồn
tin, cục phóng xạ này nếu bán sang Trung Quốc sẽ có giá 150 nghìn USD,
còn giao bán ở Việt Nam có giá là 30 nghìn USD. Kẻ rao bán chất xạ hiếm
là Lê Danh Đ. ở Yên Phong, Bắc Ninh.
Khách hàng có nhu cầu được Đ. cho xem tấm ảnh cục xạ hiếm có hình thang cân. Tuy nhiên, người có xạ lại ở TP Thái Nguyên.
Đồng chí
Đặng Xuân Bích, Trạm trưởng Trạm CSBX phía Nam, hiện là Phó trưởng Phòng
Trung đoàn CSCĐ Công an TP Hà Nội đã làm báo cáo gửi BCH Công an quận
Hai Bà Trưng. BCH Công an quận đã chỉ đạo Đội CSKT cùng Trạm CSBX phía
Nam vào cuộc. Chuyên án 027Z được ra đời từ đó.
Trước đó,
Đội CSKT đã bắt 2 vụ buôn chất phóng xạ nhưng khi kiểm tra thì là 2 cục
rởm. Do vậy, lần này Đội đã bố trí trinh sát Lương Hoàng Dũng, Tổ trưởng
tổ chống buôn lậu, người có ngoại hình giống như dân buôn Lạng Sơn trực
tiếp vào cuộc.
Sau nhiều
lần xác minh, đồng chí Dũng đã tiếp cận được chủ hàng trong đường dây
bán chất xạ hiếm là Nguyễn Anh Hùng (SN 1936), ở phường Phan Đình Phùng.
Hùng vốn là một người có máu mặt trong giới buôn chuyến từ Lạng Sơn
sang Trung Quốc, nên hắn khá thận trọng.
Sau rất
nhiều lần "thử lửa", Hùng đã hẹn giao hàng với điều kiện phải cho hắn
xem trước tiền mặt. Thời điểm đó để kiếm được 30 nghìn USD quả là rất
khó, buộc Công an quận phải huy động vay tiền của một doanh nghiệp.
Khó khăn
đặt ra cho Ban Chuyên án là làm thế nào để bắt được đối tượng, thu tang
vật an toàn. Ba mũi trinh sát được bố trí tại 3 địa điểm. Nhưng đối
tượng rất ranh mãnh, thay đổi địa điểm liên tục, khiến các mũi trinh sát
phải nhạy bén nắm bắt tình huống đến tối đa.
10h ngày
3/7/1995, Hùng cùng Nguyễn Hữu Tình, Hoàng Sỹ Ngọc dùng xe máy vận
chuyển một hộp kim loại về Hà Nội giao hàng. Đến ngã tư Tô Hiến Thành -
Mai Hắc Đế, chúng bị các trinh sát Lê Văn Hưng, Trần Quang Tuấn, Phạm
Văn Hùng bất ngờ khống chế, đưa về trụ sở Công an quận Hai Bà Trưng, kết
thúc chuyên án.
Nỗi đau còn lại
Chuyên án
thành công, lẽ ra nó cũng giống như bao chuyên án mà họ đã khám phá,
nhưng chuyên án này lại khác. Họ không thể ngờ, cục phóng xạ đó bị rò
rỉ. Và càng không thể ngờ, nó lại nhiễm phóng xạ cho 39 cán bộ, chiến sỹ
Công an.
Nguyên nhân
cục phóng xạ bị rò rỉ là do vợ Hùng không biết, tưởng cục sắt mang ra
kê để chặt củi. Cục phóng xạ bị chém phạt mất một góc của lớp vỏ chì bên
ngoài. Toàn bộ quanh khu vực nhà Hùng bị nhiễm xạ.
Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến ôm cục phóng xạ ngồi sau xe máy mang về trụ sở là người phát bệnh đầu tiên.
Hôm đó là
ngày chủ nhật, cục phóng xạ được niêm phong và cả Đội chỉ có một tủ gỗ
nên cục phóng xạ được cất trong tủ. Cục phóng xạ nằm đó đến sáng thứ 2,
cả phòng tề tựu giao ban trong bầu không khí bị nhiễm xạ chết người mà
chẳng ai biết.
Ngày thứ 3
chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia được mời đến, vừa bước
vào cổng, chiếc máy đo phóng xạ đã kêu rất to. Chuyên gia mang cục
phóng xạ về thẩm tra, các trinh sát vẫn tiếp tục công việc bình thường.
Ba ngày
sau, đồng chí Tuyến bắt đầu nổi mề đay, người đỏ ửng như con tôm luộc.
Đầu tiên tưởng bị bệnh gan, sau đồng chí đi thử máu thì bác sỹ thông
báo, trong máu có vấn đề. Lúc này anh em trinh sát tham gia chuyên án
mới nghi ngờ.
Liên hệ với
Viện Năng lượng thì Viện xác nhận cục phóng xạ đã bị rò rỉ. Lúc đó, anh
em trinh sát mới tá hỏa khi cục phóng xạ được để trong căn phòng duy
nhất của Đội CSKT hơn 40h đồng hồ.
Mấy tháng
sau, Công an Hà Nội tổ chức cho 40 cán bộ, chiến sỹ Công an quận Hai Bà
Trưng đi kiểm tra, đánh giá sức khỏe, phần lớn đều có vấn đề về máu. Bộ
Công an đã tổ chức cho số cán bộ đó đi điều dưỡng mỗi năm một tháng ở
Nha Trang.
Nhưng 12
năm qua, chất xạ hiếm vẫn âm ỉ gặm nhấm từng tế bào của những thành viên
trong chuyên án năm đó. Để giờ đây, khi bước vào độ tuổi trung niên,
căn bệnh tai ác bắt đầu phát mạnh.
Trung tá
Phạm Văn Hùng khi tham gia chuyên án đã có 1 cô con gái lên 4 tuổi. Khi
biết mình bị nhiễm phóng xạ, bác sỹ đã khuyên anh không nên có con vì sẽ
để lại di chứng. Vợ chồng anh đã phải dứt ruột bỏ đứa con trong bụng
khi ấy được 2 tháng tuổi.
Có trinh
sát mãi 6 năm sau khi chất phóng xạ phát tán mới dám sinh con… 12 năm
nay, nỗi đau bệnh tật giày vò mà không ai dám tiết lộ với gia đình,
người thân.
Đồng chí
Trần Thanh Lương, nguyên công tác ở Trạm CSBX phía Nam cho biết: "Da tôi
bị sùi lên trông rất sợ, vợ con không hiểu nghi ngờ suốt nhiều năm qua.
Mong rằng, lần này cô ấy sẽ hiểu công việc của chúng tôi".
Nhìn vào
bảng khám bệnh định kỳ của họ, chúng tôi thực sự giật mình. Đồng chí Lê
Quý Hùng bị u não; đồng chí Nguyễn Quang Gia bị u đại tràng, u phổi;
đồng chí Doãn Văn Hoàn bị u phổi; đồng chí Lương Hoàng Dũng bị giảm 1/2
hồng cầu và 1/2 tiểu cầu...
Thượng tá
Lê Quý Dương lúc ấy là Phó trưởng Công an quận đã xuống chúc mừng thành
công chuyên án và cầm cục xạ lên ngắm nghía. Đồng chí có ngờ đâu, 10 năm
sau thì mình phát bệnh. Hiện nay, đồng chí đang bị ung thư máu, phải
truyền hóa chất.
Sức khỏe
sụt giảm nghiêm trọng, kết quả kiểm tra định kỳ tháng 5/2007, 39 đồng
chí (1 đồng chí đã mất) đều bị giảm hồng cầu, tiểu cầu.
Chuyên án
đi qua đã 12 năm, nhưng sự hy sinh thầm lặng ấy lại không có trong hồ sơ
chuyên án. Sự hy sinh và bệnh tật đang hàng ngày hàng giờ gặm nhấm sức
khỏe, tàn phá sức lực của 38 cán bộ, chiến sỹ như một nỗi đau đeo đẳng
chúng tôi.
Qua bài báo
này, chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét,
tạo điều kiện cho họ được hưởng chế độ quy định về tiêu chuẩn thương
binh, bệnh binh, liệt sỹ đối với lực lượng Công an trong lĩnh vực đấu
tranh phòng chống các loại tội phạm mới như tội phạm buôn bán chất phóng
xạ.
Theo CAND
Theo CAND
No comments:
Post a Comment