Những bài học Lịch sử đắt giá chưa thuộc
Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ Sáu, ngày 08 tháng 8 năm 2014
"Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái
đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên
cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt
xảy ra trên biên ải."
Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không
tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh
chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của
ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ
chim chích.Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:
"Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ
khác". Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con
cháu." Lời của Vua Trần Nhân Tông (1258-1308)
“Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng dễ ai lấy mất 1 phân núi, 1 tấc
sông do vua Thái Tổ để lại.” Lời của Vua Lê Thánh Tông (1442-1497)
Trên đây là những lời vàng ngọc liên quan đến chủ quyền và lãnh thổ quốc
gia, trước mưu đồ bành trướng của người láng giềng đến từ phương Bắc,
của hai vị Vua nổi tiếng trong lịch sử nước nhà. Không có gì là quá đáng
nếu xem đó là những bài học lịch sử đáng giá ngàn vàng trong vấn đề chủ
quyền và lãnh thổ của đất nước. Tiếc thay, lịch sử luôn lặp lại với
những người không thuộc lịch sử. Và Đảng Cộng Sản Việt Nam mà người đại
diện là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những người không thuộc
những bài học lịch sử mà Tiền nhân đã để lại.
Ngày 14 tháng 9 năm 1958, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Công hàm gởi
người đồng nhiệm của mình là Chu Ân Lai để ghi nhận và tán thành “tuyên
bố với quốc tế về quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải
lý kể từ đất liền của Hoa Lục”! Nội dung của bức Công hàm do cố Thủ
tướng CS Phạm Văn Đồng ký như sau.
Gần đây, nhiều học giả của Việt Nam đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức
để chứng minh rằng bức Công hàm trên đây của cố Thủ tướng CS Phạm Văn
Đồng không có giá trị khi phía Trung Quốc dùng bức Công hàm trên đây như
một bằng chứng là Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại
quần đảo Hoàng Sa vào năm 1958. Dù chúng tôi hoàn toàn đồng tình với
quan điểm trên đây của nhiều học giả Việt Nam trong và ngoài nước nhưng
chúng tôi thấy cần phải trình bày thêm những điểm sau đây để chúng ta có
thể đánh giá vấn đề này một cách thấu đáo.
Thứ nhất. Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Chu Ân Lai, Thủ tướng nước Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa công khai tuyên bố với quốc tế về quyết định của
Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Hoa Lục,
có đính kèm bản đồ về đường ranh giới lãnh hải, trong đó bao gồm quần
đảo Hoàng Sa.(1)
Như vậy, rõ ràng là một điều bất cập khi cố Thủ tướng CS Phạm Văn Đồng
đã ký Công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 bởi “Thủ tướng nước Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa công khai tuyên bố với quốc tế về quyết định của
Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Hoa Lục,
có đính kèm bản đồ về đường ranh giới lãnh hải, trong đó bao gồm quần
đảo Hoàng Sa.” Có nghĩa là phía Trung Quốc đã có gởi hình ảnh để làm
bằng chứng “đường ranh giới lãnh hải, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng
Sa” mà cố Thủ tướng CS Phạm Văn Đồng vẫn đặt bút ký Công hàm ngày 14
tháng 9 năm 1958 để “ghi nhận và tán thành” tuyên bố của Trung Quốc thì
rõ ràng là phía Việt Nam đã tự buột dây thòng lọng vào cổ mình.
Thứ hai. Là Thủ tướng của một nước thì không thể ký Công hàm một cách
giỡn chơi được. Nhất là Công hàm liên quan đến chủ quyền và lãnh hải của
quốc gia cũng như đối ngoại với lân bang hay bạn bè trên thế giới. Có
phải là lố bịch hay không khi mà đảng cầm quyền vẫn tồn tại, thể chế
lãnh đạo vẫn tồn tại nhưng lại cho rằng Công hàm ngoại giao của người
tiền nhiệm không có giá trị pháp lý. Nói như vậy thì có khác nào tự vả
vào mặt mình?
Thứ ba. Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo
Hoàng Sa từ trong tay của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Khi đó, Chính phủ
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà cố Thủ tướng CS Phạm Văn Đồng vẫn đang làm
Thủ tướng có gởi Công hàm để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và
lãnh hải của Việt Nam hay không? Nếu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
có gởi Công hàm để phản đối hành động xâm lược này của Trung Quốc thì
đương nhiên quần đảo Hoàng Sa trực thuộc chủ quyền của Việt Nam. Còn nếu
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có phản đối hành động xâm
lược này của Trung Quốc thì đã đồng nghĩa rằng Chính phủ Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa không coi trọng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng
Sa. Dù lúc đó Trung Quốc là đồng minh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa cũng như giúp đỡ súng đạn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa nhưng cũng không thể nào dùng chủ quyền lãnh hải và biển đảo của đất
nước để trao đổi, thỏa hiệp. Dù là chế độ nào, dù cho ở thời điểm nào,
một khi dùng một tấc đất của Tổ tiên để lại rồi trao đổi với ngoại bang
thì vẫn là hành động bán nước cần lên án.
Thứ tư. Đàng Cộng Sản là đảng cầm quyền mà thông qua cố Thủ tướng CS
Phạm Văn Đồng đã ký Công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 và đảng cầm quyền
hiện nay tại Việt Nam vẫn là một đảng Cộng Sản. Tính đến nay là đã có 6
người giữ chức Thủ tướng sau cố Thủ tướng CS Phạm Văn Đồng. Như vậy, đã
có vị Thủ tướng nào của Việt Nam đã lên tiếng nói rằng Công hàm ngày 14
tháng 9 năm 1958 được ký bởi cố Thủ tướng CS Phạm Văn Đồng không có giá
trị pháp lý hay chưa? Nếu chưa có vị nào đưa ra tuyên bố này thì hiển
nhiên là Công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 được ký bởi cố Thủ tướng CS
Phạm Văn Đồng vẫn còn có giá trị.
Có lẽ bài học lịch sử “Công hàm 1958” là một bài học đắt giá mà lãnh đạo
đảng CSVN phải ghi nhớ và nằm lòng để lấy đó làm kim chỉ nam trong quan
hệ đối ngoại với Trung Quốc. Ngoài ra, cũng cần kể thêm bài học “mối
nối đường xe lửa” của Trung Quốc để thấy rõ âm mưu bành trướng để lấn
đất, cướp đất của Việt Nam chúng ta. Thế nhưng, lãnh đạo của đảng CSVN
không bao giờ ghi nhớ những bài học xương máu. Để rồi Việt Nam lại mắc
mưu thâm độc của Trung Quốc và lịch sử lại tiếp tục lặp lại.
[…..Những biến động lớn trong tình hình thế giới bên ngoài lúc này đã
tác động mạnh mẽ tới suy nghĩ của lãnh đạo ta về phương hướng chiến lược
đối ngoại. Cuộc khủng hoảng chính trị tại nhiều nước theo chế độ XHCN
đã bùng nổ từ năm 1989 và đang có chiều hướng lan rộng ra. Tháng 6.89
xảy ra vụ Thiên An Môn ở Trung Quốc. Cũng trong năm 1989, chế độ XHCN ở
các nước Đông Âu như CHDC Đức, Ba Lan, Rumani, Hung, Tiệp, Ba Lan đều đã
sụp đổ. Đầu tháng 10.89, TBT Nguyễn Văn Linh đi dự kỷ niệm 40 năm Quốc
khánh CHDC Đức, khi về đến Hà Nội thì bức tường Berlin đổ, Honecker bị
lật. Lãnh tụ Rumani Ceaucescu, người mà khi ở Berlin anh Linh xem ra tâm
đầu ý hợp trong việc bàn chuyện tâm huyết cứu vãn sự nghiệp XHCN thế
giới đang lâm nguy, vừa chân ướt chân ráo về đến Bucarest thì bị truy
bắt. Với “tư duy mới” của Gorbachov, tình hình Liên Xô ngày càng trở nên
lộn xộn.
Các "đồng chí" Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ Nguyên
còn nhấn vào âm mưu của đế quốc Mỹ sau cuộc khủng hoảng chính trị ở
Đông Âu. TBT có ý kiến: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN cùng
chống âm mưu đế quốc xoá bỏ CNXH, phải cùng chống đế quốc. Trước hết
phải phát triển quan hệ giữa 2 nước. Các vấn đề khác giải quyết sau… một
Campuchia thân thiện với Trung quốc, thân thiện với Việt Nam là tốt
nhất. Trên cơ sở điểm đồng này mà giải quyết vấn đề Campuchia có lợi cho
Campuchia…Phương án 4 là tốt. Không để LHQ nhúng tay vào vì LHQ là Mỹ,
Thái lan là Mỹ” …] (Hồi ký Trần Quang Cơ, Chương 9)
Khi những quốc gia ở Đông Âu từ bỏ con đường XHCN trong những năm cuối
của thập niên 80 của thế kỷ trước, thì Việt Nam đã có một cơ hội ngàn
vàng để thoát khỏi vũng lầy lạc hậu và đói nghèo. Thế nhưng, lãnh đạo
của Đảng Cộng Sản Việt Nam giai đoạn đó đã bỏ qua cơ hội ngàn vàng này
để đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo đói và lạc hậu. Không những vậy, Bộ
Chính Trị đã chọn con đường chống đế quốc bằng cách bắt tay với Trung
Quốc để tiếp tục con đường xây dựng XHCN.
Hôm nay, sau hơn 20 năm kiên định đi theo con đường XHCN và đã có 4
người đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí Thư kể từ thời TBT Nguyễn Văn Linh.
Nhưng cho đến ngay lúc này, ông tân TBT Nguyễn Phú Trọng – một nhà lý
luận (suông?) xuất sắc của đảng CSVN hiện nay vẫn không thể trả lời cho
hơn 85 triệu người Việt Nam biết rằng, không thể nói rõ rằng Việt Nam
hiện đang ở đâu trên nấc thang dẫn đến thiên đường bánh vẽ XHCN.
Hôm nay, sau hơn 20 năm kiên định đi theo con đường kinh tế thị trường
định hướng XHCN, kim ngạch xuất cảng của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất
cảng thủy hải sản, lúa gạo, và tài nguyên thô là chính. Hôm nay, sau
hơn 20 năm kiên định đi theo con đường XHCN, nền giáo dục nước nhà đã đi
“đúng hướng” với những chỉ tiêu như học sinh cấp trung học thi đậu tốt
nghiệp từ 98% đến 100%. Lãnh đạo của Bộ Giáo dục có thể tự hào vì Việt
Nam đã có những trường đại học được xếp thứ hạng cao trong một trang
mạng “vui là chính” nào đó. Thế nhưng, Việt Nam luôn thiếu nguốn nhân
lực đảm trách các ngành sản xuất chế tạo công nghiệp cao mà những công
ty kỹ thuật hàng đầu như Intel tìm kiếm.
Hôm nay, sau hơn 20 năm kiên định đi theo con đường XHCN, Việt Nam đã có
những công trình hạ tầng cơ sở hoành tráng và hiện đại. Thế nhưng,
những công trình hoàng tráng và hiện đại này có thể bị sụt lún hay xuống
cấp trầm trọng trước khi được đưa vào sử dụng bởi do thời tiết. Hoặc là
những công trình hoành tráng có thể trở thành sông sau một cơn mưa
lớn.(2)
Hôm nay, sau hơn 20 năm kiên định đi theo con đường XHCN, giai cấp công
nhân – giai cấp tiên phong của chế độ được làm việc trong những điều
kiện tồi tệ và bị bóc lột đến tận xương tủy. Những người công nhân –
giai cấp tiên phong của chế độ được sống và làm việc trong những môi
trường không khác gì những giai cấp công nhân Âu Mỹ đã từng trải qua
trong khoảng thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Hôm nay, sau hơn 20 năm kiên định đi theo con đường XHCN, Việt Nam đã
nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các quốc gia tiên tiến Âu Mỹ để xây dựng
hệ thống Tư pháp được tốt hơn. Thế nhưng, thế giới biết đến Việt Nam
không phải vì Việt Nam có một nền Tư pháp văn minh hiện đại mà thế giới
biết đến Việt Nam qua những phiên tòa “bịt miệng” cũng như phiên tòa bắt
đầu bằng “2 bao cao su”.
Hôm nay, sau hơn 20 năm kiên định đi theo con đường XHCN, sân golf mọc
lên khắp nơi để phục vụ những người lắm tiền nhiều của. Bên cạnh đó là
người dân bị đẩy vào con đường cùng bởi mất ruộng, mất đất để làm kế
sinh nhai. Chúng ta có thể thấy những khu biệt thự triệu đô bị bỏ hoang
nhưng cũng không thiếu cảnh người dân không có mảnh đất cắm dùi.(3)
Hôm nay, sau hơn 20 năm kiên định đi theo con đường XHCN, tuy giới lãnh
đạo CSVN không thể cho hơn 85 triệu người dân biết được Việt Nam đang ở
đâu trên con đường tiến lên XHCN, nhưng hơn 85 triệu người Việt hiện nay
có thể biết được, thấy được xã hội Việt Nam ngày nay đang đầy rẫy những
bất ổn bởi sự quản lý yếu kém, tham nhũng, và tất nhiên là không thể
không kể đến “một bầy sâu” như lời của ông Bí thư Thường trực Trương Tấn
Sang đã nói cách đây không lâu.
Và tệ hại hơn, việc bắt tay với Trung Quốc để tiếp tục con đường xây
dựng XHCN vào năm 1990 đã khiến Việt Nam lún sâu vào những cạm bẫy của
Trung Quốc. Chúng tôi sẽ trình bày những vấn đề này trong một chủ đề mới
với tựa đề “Tư duy và chiến lược Đà điểu”. Kính mời quý độc giả đón đọc
kỳ tới.
Nguyễn Trung
(thegioimoionline.com)
No comments:
Post a Comment