Tuesday, January 21, 2014

Nhà cũ của TT THIỆU . (tiếp theo) .

Để mưu sinh và duy trì cuộc sống trong căn nhà này, ông Lương Văn Tâm, làm nghề bán cây kiểng và xây hòn non bộ, trang trí vườn tược, còn bà Lê thì làm các công việc lặt vặt của một phụ nữ vùng biển, mà theo lời bà là “lăn lóc qua ngày.”

“Ông xã nếu không ai kêu làm thì ở nhà săn sóc cây, còn mình thì mỗi ngày kiếm năm chục một trăm lây lất qua bữa. Chứ nhà nước chưa xếp hạng căn nhà là di tích lịch sử nên cũng không hỗ trợ gì. Mình ở nhà mình cứ giữ gìn tu bổ, căn nhà còn nguyên trạng, cái gì hư hỏng quan trọng thì mình báo cho nhà nước.”

“Được cái, hàng xóm láng giềng thấy mình ăn ở đàng hoàng nên cũng không ai có lời ra tiếng vào gì cả!”
Chùa Kim Sơn, một phong cảnh hữu tình của thôn Tri Thủy, cách nhà Tổng thống Thiệu vài trăm mét. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
“Nhà Mát” thành “Nhà Hàng”
Cách căn nhà của song thân cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chừng 2 cây số là căn nhà mát, nơi ông hay ghé nghỉ lại mỗi lần về thăm quê nhà.

Căn nhà nằm ở vị trí rất đẹp, sát ngay bờ biển Ninh Chữ, nơi mà ngày nay, vùng biển này được nhà cầm quyền tỉnh Ninh Thuận tập trung khai thác du lịch với nhiều nhà hàng khách sạn, phục vụ cho du khách.

 Nhà mát của di đình Tổng Thống Thiệu ngay bên cạnh bờ biển Ninh Chữ. Ngày nay được công ty du lịch Sài Gòn Ninh Chữ quản lý. Nó được làm nhà hàng mang tên nhà hàng “Nhà Mát.” (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Đến biển Ninh Chữ, hỏi bất kỳ người dân địa phương nào về căn nhà mát của ông Thiệu bạn sẽ được người ta chỉ dẫn tận tình.

Hiện nay nó nằm hoàn toàn trong khuôn viên của khách sạn Sài Gòn Ninh Chữ (liên doanh giữa Saigon Tourist và Ninh Thuận) mà nếu không phải khách nghỉ ở đây, muốn vào thăm, bạn phải mua vé “tham quan” với giá 10 ngàn VNĐ/người.

Căn nhà này được xây theo lối nhà sàn, lối kiến trúc trông rất giống các căn nhà ở vùng biển California vào thập niên 1960 của thế kỷ trước. Cấu trúc chính làm bằng gỗ, tường xây và các hành lang rộng để chủ nhân có thể hóng gió biển tứ bề.

Theo các nhân viên của khách sạn Sài Gòn Ninh Chữ đang làm việc ở đây, thì căn nhà gần như được giữ nguyên trạng, với các vật dụng cũ kỹ, nhiều chỗ đã hư hại theo sự tàn phá của thời gian.

Gọi là nhà hàng, nhưng theo các nhân viên, thì nó chỉ có khách vào các ngày cuối tuần, và được xếp vào khu vực “hai sao” chứ không phải “năm sao” như khu vực chính của khách sạn.

“Chỉ là địa điểm, chứ đây hoàn toàn không phải là nhà hàng sang trọng. Em nghĩ nó chỉ có giá trị lịch sử thôi, chứ thực tình thì nó không hấp dẫn.” Một nhân viên tại đây nhận xét.
Cầu thang và hành lang của Nhà Mát. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
“Đừng nghe mấy ổng nói”
Đó là nhận xét sau một tiếng thở dài của một người chạy xe honda ôm đứng đón khách ngay phía trước khách sạn Sài Gòn Ninh Chữ, khi được chúng tôi hỏi về chủ trương của tỉnh Ninh Thuận hơn một năm trước đây trùng tu căn nhà này thành nơi thăm viếng của khách du lịch.

Tháng 9 năm 2012, truyền thông tại Việt Nam trích dẫn chỉ thị của chính quyền tỉnh Ninh Thuận ra lệnh cho Sở Văn Hóa Thông Tin và huyện Ninh Hải “biến căn nhà riêng của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thành địa điểm tiếp khách du lịch.”

Chỉ thị này ký ngày 12 tháng 9 và yêu cầu kế hoạch này phải được tiến hành trước ngày 20 tháng 9 năm 2012.

Bản chỉ thị cũng đề cập đến hai căn nhà cũ của ông Hoàng Đức Nhã (gần nhà Tổng thống Thiệu) và ông Trần Đình Thống đã cấp cho cán bộ trú ngụ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Ông Hoàng Đức Nhã là cựu tổng trưởng Bộ Thông Tin Dân Vận và chiêu hồi VNCH. Còn ông Trần Đình Thống là cựu công chức VNCH.


Căn nhà cũ của gia đình ông Hoàng Đức Nhã nay bị hư  hại và bỏ hoang hoàn toàn. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Văn bản của chính quyền Ninh Thuận còn nói rằng căn nhà của ông Hoàng Đức Nhã bị mục nát, có thể bị sụp đổ thình lình. Gia đình cán bộ cư ngụ trong hai căn nhà này đã được lệnh phải dời đi nơi khác để “giao lại cho chính quyền địa phương quản lý và sử dụng.”

Sau đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo Người Việt hôm 20 tháng 9, 2012, ông Võ Đại, phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, xác nhận về việc tỉnh này muốn trùng tu căn nhà cũ của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu thành nơi đón du khách.

Ông Võ Đại nói rằng, ông “Muốn khi người ta đến Ninh Thuận thì cũng biết là hồi xưa có một ông tổng thống cũng là dân Ninh Thuận.”

Và rằng, “quan điểm của nhà nước, của tỉnh là nếu nhu cầu tham quan mà mình biến điểm này thành một điểm du lịch được, thì nên làm.”

Bên trong nhà hàng Nhà Mát. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Theo ông Võ Đại, thì nhà mát của ông Nguyễn Văn Thiệu không phải là một di sản văn hóa, nên nhà nước sẽ không đầu tư vào đó. Người dân đến Ninh Thuận để du lịch thì thường đến đó xem vì ai cũng biết nơi này có một ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Thiệu. Nên nếu một doanh nghiệp nào có tiền, nhà nước sẵn sàng cho thuê nhà đó để đầu tư phát triển kinh tế cho địa phương.”

“Riêng hai căn nhà kia thì tôi đã giao cho thôn rồi để biến thành nhà mẫu giáo hay trụ sở thôn, hay hội người cao tuổi.”

Nhưng,...đúng một năm sau, khi chúng tôi đặt chân đến vùng đất này thì tất cả vẫn “giậm chân tại chỗ.”

Căn nhà của song thân cố Tổng Thống Thiệu hiện nay vẫn do gia đình ông bà ông Lương Văn Tâm và Lê Thị Lê đang ở. Không xa, cách vài trăm mét, là căn nhà của ông Hoàng Đức Nhã hiện đã hư hại và bỏ hoang hoàn toàn chứ chưa được sửa sang làm các công trình công cộng như lời ông Võ Đại.

Còn căn “nhà mát” mà nay là nhà hàng “Nhà Mát” thì gần như không được sửa sang gì mới.

Và người ta cũng không biết đến khi nào thì hai căn nhà này, những dấu tích cuối cùng của một trong những vị tổng thống Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại ở Việt Nam, sẽ được trùng tu, giữ gìn, hay là để nó sụp đổ theo thời gian.

Khi còn sinh thời hay sau khi quá cố, nhắc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu người ta thường nhắc đến câu nói rất nổi tiếng của ông “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.” Nay, người viết bài này rất tiếc, lại phải nhắc lại lời của ông một lần nữa.

Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sinh ngày 5 tháng 4 năm 1923 tại Tri Thủy, Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận và trở thành người lãnh đạo nền Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam từ năm 1967.

Ông từ chức tổng thống ngày 21 tháng 4 năm 1975, rời Việt Nam đêm 25 tháng 4 năm 1975 để đến Đài Bắc và sang Anh định cư. Sau đó, ông sang sinh sống tại Hoa Kỳ và mất ngày 29 tháng 9 năm 2001 tại Boston, tiểu bang Massachusetts.

Đối với nhiều người dân Việt Nam, cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nổi tiếng với câu nói bất hủ: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.”
(KN)

Thăm nhà cũ Tổng Thống Thiệu

Khôi Nguyên
Theo Người Việt

nguồn : http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/01/tham-nha-cu-tong-thong-thieu.html

Ảnh bên: Mặt trước căn nhà có kiểu kiến trúc khác với các căn nhà của người dân trong xóm. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
Hiện nay ở tỉnh Ninh Thuận còn ít nhất hai địa điểm từng lưu dấu của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu là căn nhà nơi song thân của ông từng ở và căn nhà mát, nơi ông ở mỗi lần về thăm quê nhà.


Căn nhà thứ nhất ở thôn Tri Thủy, xã Văn Hải, huyện Ninh Hải. Căn nhà thứ hai nằm sát bờ biển Ninh Chữ, trong khuôn viên khu du lịch Sài Gòn-Ninh Chữ, cách căn nhà thứ nhất chừng 2 cây số.

Ghé nhà thứ nhất

http://youtu.be/6IUqEX7MY8E

“Em cứ coi tự nhiên, nhà cũng hổng có gì quý giá hết.” Người phụ nữ tuổi hơn 50 nhỏ nhẹ nói, sau khi chúng tôi xin phép được đi một vòng và chụp vài tấm hình căn nhà vốn là nơi song thân cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu từng ở tại thôn Tri Thủy, xã Văn Hải, huyện Ninh Hải.

Bà là Lê Thị Lê, vợ ông Lương Văn Tâm, người được coi là “chủ nhân” căn nhà này sau khi được nhà nước cấp cho cách đây 15 năm trước.

“Nhà này là của cha mẹ ông Thiệu, lâu lâu ổng về thăm rồi đi.” Bà Lê giới thiệu ngắn gọn về căn nhà, nơi bà cùng chồng và các con đang ở.
Bà Lê Thị Lê, vợ ông Lương Văn Tâm, hiện là người đang ở trong căn nhà từng là của song thân cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
Căn nhà nằm khiêm tốn trong một cái ngõ nhỏ cách không xa đường cái lớn nối liền với cầu Tri Thủy. Nếu so với những căn nhà cùng xóm, và nhất là thời điểm được xây dựng, thì đây là căn nhà đẹp, nằm trên khuôn viên đất khoảng hơn 500 mét vuông và diện tích ở chừng 200 mét vuông. Tuy không có vẻ cao sang nhưng căn nhà được xây dựng chắc chắn với mái ngói, khung nhà, cửa chính, của sổ bằng gỗ tốt, với lối kiến trúc và vật liệu hoàn toàn khác so với các căn nhà bên cạnh.

Một cảm giác dễ chịu khi bước vào căn nhà này là bốn phía của ngôi nhà đều có các hành lang thoáng mát với nhiều chậu cây kiểng và bonsai, và đây cũng là nghề kiếm sống của chủ căn nhà hiện tại, ông Lương Văn Tâm.
Cửa chính của căn nhà. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
Người ta không biết chính xác ai là người vẽ kiểu ngôi nhà và nó bắt đầu được xây dựng năm nào, nhưng nhiều người trong xóm cho hay, nó được hoàn tất vào năm 1973, tức là thời điểm ông Thiệu đang là đương kim tổng thống. Và nếu theo cách hiểu thông thường, thì nhà của song thân một ông tổng thống mà như thế thì cũng không có gì “đáng nói.”

Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, căn nhà này bị nhà nước cộng sản tịch thu và không tài liệu nào nói rõ nó được ai và sử dụng với mục đích gì.

“Cho đến năm 1998, thì mẹ chồng tôi, tức bà cụ Trương Thị Thìn ( Năm Thìn) được nhà nước cấp cho căn nhà này để ở.” Bà Lê Thị Lê mở đầu câu chuyện.
Hành lang phía sau căn nhà. Cả 3 phía, phải, trái và đằng sau đều có hành lang giống nhau. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
Theo bà Lê, thì cụ Trương Thị Thìn được cấp nhà là vì bà là người “có công với cách mạng” và bà đã qua đời cách đây hai năm.

“Sau khi má chồng tôi mất, chúng tôi tiếp tục ở trong căn nhà này, mà vẫn chưa nghe nhà nước nói hay đòi hỏi gì.”

Bà Lê kể tiếp, “Trước khi chúng tôi về đây thì căn nhà không có người ở và biết rất rõ đây là nhà của ông Thiệu.”

“Mình không có nhà ở, nhà nước cho mình thì cũng thích. Thích vì nhà cửa mát mẻ, rộng hơn các căn nhà khác xung quanh. Nhà nước cho ở thì ở, khi nhà nước lấy lại thì mình trả chứ cũng chưa biết là cho ở luôn hay là không.”
Một trong 3 bức hoành phi treo phía trên cao của căn nhà. 'Phần tử sinh quang' , tạm dịch 'quê hương sinh ánh sáng.' (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
Khi bước vào căn nhà, thì điều chú ý nhất là ba bức hoành phi viết bằng cữ Hán treo ở nơi cao và trang trọng nhất. Từ phải qua trái lần lượt là “Phần tử sinh quang” (tạm dịch”quê hương sinh ánh sáng”) “Đức lưu quang “ (tạm dịch Đức mãi sáng) và “Thiện gia hữu khánh” (tạm dịch Nhà tốt lành có phúc mừng).

Nhìn ba bức hoành phi này, người ta có thể thấy quan niệm sống của chủ nhân, tức song thân của cố Tổng Thống Thiệu.

Theo lời bà Lê, ba bức hoành phi ấy có từ khi gia đình bà vào ở căn nhà này và vẫn được trân trọng giữ gìn cho tới ngày nay.
Con ngõ nhỏ dẫn vào nhà căn nhà tổng thống Thiệu. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
Dù chưa được nhà cầm quyền tỉnh Ninh Thuận coi căn nhà là là di tích, hay địa điểm du lịch, nhưng theo lời bà Lê Thị Lê, thỉnh thoảng vẫn có người từ phương xa ghé thăm, đa số là tò mò cho biết căn nhà ngày xưa từng của ông tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

“Cách đây khoảng 3, 4 tháng, tôi ‘nghe nói’ căn nhà này sẽ bị lấy lại để cho công ty du lịch Sài Gòn Ninh Chữ làm khu di tích phục vụ du lịch. Xong rồi thời gian cũng không nghe nhắc gì tới nữa.”