Wednesday, March 26, 2014

  • BS NGUYỄN TẤN TỜI .
    ( Minh họa cho hình ảnh trên, trích tự truyện của Quân Y sĩ Nguyễn Tấn Tờn) Cuối cùng nhóm chúng tôi cũng lên được boong tàu Hải Vận Hạm 09, lên được boong tàu bằng dây thừng thòng xuống biển không phải dể, nhất là anh Quang phải giúp vợ, giúp đứa con trai 3 tuổi và con chó nhỏ, lên đến nơi ai cũng mệt lả. Tôi thì khá hơn vì còn trẻ. Nhóm chúng tôi “chụm” lại một góc tàu, nhìn toàn cảnh trên boong tàu: Vô số người di tản, người già trẻ con ngồi la liệt. Không hiểu tàu vớt người từ các cảng nào ở rải rác miền Trung để neo trạm cuối tại biển Nha Trang? Vớt tiếp những người còn rơi rớt trên biển, trong đó có nhóm chúng tôi? Chúng tôi lên được boong tàu, sau 1 giờ thì tàu nhổ neo vào miền Nam. Trên tàu có lẻ đã chứa hàng ngàn người. Nhóm chúng tôi chẳng ai nghĩ đến ăn uống, thôi thì phó mặc cho tàu. Ra đi không ai đem theo gì để ăn uống cả! Tàu đi xa bờ, trong 3 ngày đầu, chúng tôi không thấy đất liền, không thấy núi. Toàn biển, biển, biển êm đềm “Tháng 3 bà già đi biển”. Vấn đề vệ sinh trên tàu thật gay go, đàn ông chúng tôi thì dễ, nếu muốn “tè” thì cứ xả ra biển, bên mạn tàu, còn vợ Quang? Chị cứ ngồi như thế chịu đựng, đứa bé thì sợ quên cả quấy rối, nó ôm con chó đen không rời, con chó cũng sợ đến nỗi cứ rúc đầu vào đứa bé! Tôi không biết vợ Quang “tè” bằng cách nào? Tôi cũng quên mất, lúc đó chúng tôi ăn uống bằng gì? Có lẻ tàu có phát “gạo sấy” và ít nước ngọt cầm hơi?
    Sáng ngày thứ 3 có tiếng loa phóng thanh từ đài chỉ huy: “Yêu cầu các Bác sĩ Quân, dân y tị nạn trên tàu đến đài chỉ huy gặp hạm trưởng để bàn kế hoạch giúp đỡ dân tị nạn trên tàu, có nhiều người bị bệnh”. Loa kêu gọi nhiều lần, tôi cứ phớt lờ, tôi cũng yếu rồi, ngồi một góc trên boong tàu dưới cái nắng như thiêu đốt đã 2 ngày làm sao không yếu? Một lát sau loa phóng thanh lại dục dã gọi các Bác sĩ Quân, dân y đến gặp hạm trưởng gấp! Tôi không phớt lờ được nữa, tôi nói với Quang và Trạm “Tôi phải đến xem sao?” Tôi đi loạng choạng, dò từng bàn chân để khỏi đạp vào vô số người nằm, ngồi trên boong tàu. Trên đường đi người đầu tiên tôi gặp là Y Tá trung sỹ Ninh cùng gia đình, trước đây tôi và anh ta cùng làm việc tại Quân Y Viện Nguyễn Huệ Nha Trang. Tôi rủ anh ta đi cùng tôi, theo lời kêu gọi của đài chỉ huy. Anh nói “Ông thầy khoẻ thì cứ đi lo cho họ, tôi không làm nổi”. Tôi ngao ngán quá, không nói gì thêm, đâu đó tôi thấy Bác Sĩ Cương (cùng khóa với tôi), ông ta bắt gặp ánh mắt tôi cũng xoay chổ khác. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì nữa, cứ len từng bước đến đài chỉ huy: Tôi nói với viên sỹ quan hải quân thường trực về lý do có mặt của tôi. Ông ta dẫn tôi xuống phòng hạm trưởng: Căn phòng khá bề thế, hai hàng ghế đệm quanh chiếc bàn dài bóng loáng, phòng họp chứa hàng chục chỗ ngồi. Ông hạm trưởng đang có mặt trong phòng. Ông mang “lon” đại tá hải quân, Ông còn trẻ nhưng dáng bệ vệ, vẻ mặt phúc hậu? Viên sỹ quan trực giới thiệu tôi với ông, ông chỉ ghế tôi ngồi gần đó, lịch sự xin lỗi tôi đợi một chút. Ông đang nói chuyện với 3 quân nhân khác cũng có mặt trong phòng họp; Hai trong 3 ông ấy mang “lon” đại tá bộ binh. Ông nói với họ: “Tàu của chúng tôi đi trên biển đã hơn một tháng, chưa được vào đất liền, lương thực sắp cạn mà phải chu cấp hàng ngàn người tị nạn nên không thể giúp gì hơn cho các ông!” Ba ông sĩ quan xin xỏ gì đó tôi không nhớ và không quan tâm vì việc tôi lên gặp ông hạm trưởng là “chẳng đặng đừng” do “loa” gọi rát quá, tôi không thể không đến! Tôi thấy ông hạm trưởng gọi sỹ quan trợ lý đem đến vài bao “Gạo sấy” đưa cho 3 vị sỹ quan cấp tá rồi tiễn họ. Công việc chỉ thoáng chốc; Ông xoay qua tôi, ánh mắt đã dịu. Tôi tự giới thiệu về mình một chút. Có lẻ ông thấy dáng đi xiêu vẹo lúc tôi bước vào phòng nên ông nói với tôi: “Bác Sĩ phải tự cứu mình trước khi cứu người”. Thế rồi ông nhờ tôi điều trị cho một bệnh nhân đặc biệt!.
  • Bacsi Nhaque Chẳng có người tị nạn nào trên tàu bị bệnh như “loa” kêu gọi cả! Ông gọi sỹ quan thường trực dẫn tôi xuống phòng quân y ăn uống, lấy lại sức rồi dẫn tôi đến khám bệnh và điều trị cho “người bệnh đặc biệt”. Họ đưa tôi vào một căn phòng sạch sẽ khoảng 3m*3m, trong phòng có một giường chiếc trải ra trắng, có một người đàn bà khoảng 30 – 40 tuổi, vẻ mặt xanh xao, nhăn nhó, có vẻ đau đớn, khó chịu? Bà ta đang được tiếp dịch truyền, loại dịch DW 5% của quân đội Mỹ ! Tôi được viên sỹ quan đi theo giới thiệu bệnh nhân là vợ Đại Úy Hiệp cơ khí trưởng của tàu (sau này tôi mới biết trên tàu cơ khí trưởng là nhân vật quan trọng, chỉ sau hạm trưởng, mặc dầu cấp bậc sau các hạm phó?). Tôi khám bệnh cho bà ấy: Tôi sợ nhất là bệnh nhân đau bụng, dù đơn giản là viêm ruột thừa thì cũng không biết phải làm thế nào? Phòng y tế của tàu chỉ xử lý những trường hợp đơn giản! Nhưng thật may là tôi khám kỹ bụng của bà ta không có dấu hiệu gì phải can thiệp ngoại khoa! Huyết áp bệnh nhân hơi thấp, buồn nôn nhiều lần, không ăn được nên cơ thể suy nhược. Bệnh nhân có vẻ say sóng và dị ứng thứ gì đó? Tôi có đem theo mấy ống Hydrocortison, ít viên thuốc an thần, thuốc kháng histamin và ít thuốc chống co thắt (spasmavérin), tôi sử dụng thận trọng nhưng đủ liều…Vài giờ sau bà ấy đỡ hơn, sắc mặt “hồng” hơn, chuyền hết chai DW 5% là bà ấy gần như khoẻ hẳn?
    Từ đó ông Đại tá hạm trưởng tín nhiệm và cảm tình với tôi, ông đề nghi tôi ở hẳn phòng quân y. Tôi đến phòng quân y của tàu, phòng có 3 y tá, trong đó có một ông y tá thượng sỹ già. Thời quân đội Sài Gòn thượng sỹ quân y là những người có tay nghề khá, lăn lộn chiến trường lâu năm, có người có nhiều công trạng, được cấp trên tín nhiệm. Ông thượng sỹ nhìn tôi qua ánh mắt thiếu thiện cảm và khinh khỉnh! Thế nhưng lệnh của Hạm trưởng ông phải chấp hành. Tôi được ăn cơm nấu chín, có cá, có nước trà uống! Thế nhưng ông y tá thượng sỹ già khó chịu quá! Ông không ưa tôi ra mặt, không nói, không rằng nếu có nói gì đó thì ông gọi tôi là “Trung úy” điều mà trong ngành quân y chế độ cũ người ta không gọi như thế! Thường thì họ gọi “Ông thầy” hay “Bác Sĩ”, hồi đó cái trật tự thông thường là như thế?! Đặc biệt ông thượng sỹ và 2 đàn em của ông không buồn nói chuyện với tôi! Thế thì thôi vậy! Tôi cũng muốn trở lại cái góc boong tàu chịu nắng gió, đói khát với gia đình Quang và Trạm.
  • Bacsi Nhaque Nhưng một chuyện không ngờ lại đến: Ngày thứ hai tôi ở phòng quân y tàu, có một chị từ Pleiku, không hiểu sao lưu lạc di tản trên con tàu này lại đến ngày sanh, họ đưa chị vào phòng quân y khoảng 9 giờ sáng. Ông thượng sỹ già thì biết gì về sản khoa, ông chỉ biết các vết thương chiến tranh sơ sài, các bệnh tật xoàng xỉnh của các anh lính. Có bệnh khó thì đã được đem về bệnh viện hải quân hoặc có tàu y tế? Ông thượng sỹ bối rối trước “Bà bầu” sắp đẻ! Mặt khác ông muốn thử tôi? Sản phụ con so, tôi khám thấy chị khoẻ mạnh, thăm cổ tử cung thấy đã nở 6 phân, cơn go tốt, mạch, huyết áp tốt; Lý tưởng để chuẩn bị sanh; Lúc đó là 9 giờ sáng, tôi nói với ông thượng sỹ chuẩn bị dụng cụ: Tôi yêu cầu đơn giản chỉ cần 2 cái kẹp, 1 cái kéo, 1 sợi chỉ, tôi nói “chỉ may áo quần cũng được!” và nước sạch. Tôi nói thêm là khoảng 12 giờ trưa thì sanh! “Hay không bằng hên”: Sau 3 giờ chờ đợi chị ta “đau bụng dục sanh”, tôi thăm dò âm đạo lần cuối; Cổ tử cung đã xoá hoàn toàn. Đúng 12 giờ trưa ngày 2-4-1975 tôi đỡ cháu bé gái chào đời, mẹ tròn con vuông. Tôi không thấy mừng vì một mình tôi làm túi bụi: Cột rốn, cắt rốn, chốc ngược đứa bé vỗ vỗ vào mông cho nó khóc “oe oe”, tắm rửa cho nó…nửa giờ sau tôi lấy nhau, may quá, nhau đầy đủ, sản phụ mạnh khoẻ, nét mặt chị ta vui vẻ như ở nhà, tôi bế đứa bé để nằm bên chị. Ông thượng sỹ già nhìn tôi khác hẳn, ông nói “Ông thầy” giỏi quá! Nói 12 giờ sanh là đúng y chang! Tôi nói: “Có gì đâu, sanh đẻ là tự nhiên mà, mình chỉ đỡ giúp đứa bé ra thôi”. Thế nhưng thái độ của ông thì khác hẳn; Buổi chiều hôm đó ông cùng 2 đệ tử dùng cơm với tôi, ông còn gắp đồ ăn cho tôi, nói cười vui vẻ! Tôi thấy hơi ngượng nhưng cố chịu. Tôi “gồng mình” xin phép ông thượng sỹ cho tôi một ít cơm nóng, ít nước trà đem lên boong cho vợ chồng Quang và Trạm. Họ vui mừng lắm; Đã hơn 3 ngày nay họ chỉ ăn ít “Gạo Sấy” uống ít nước để sống cầm hơi! Tôi lại đem vợ Quang xuống “tè” dưới phòng quân y tàu, sướng quá, mấy ngày nay vợ Quang “nín” tài thật! Quang và Trạm còn nói giỡn: “Một người làm quan cả họ được nhờ”; Nhưng chỉ là do vận may của tôi: “Chó ngáp phải ruồi”.
    Gần tối tôi lên phòng hạm trưởng báo với ông về công việc tại phòng quân y, đề nghị ngày mai ông cố gắng xuống phòng quân y đặt tên cho cháu bé. Ông đồng ý. Sáng hôm sau ông xuống thăm sản phụ và cháu bé duy nhất ra đời trên tàu của ông. Ông đặt tên cho cháu là Đỗ Thị Cần Thơ, ông nói hải vận hạm 09 có tên khác là tàu Cần Thơ.
    Sau đó tôi gặp ông nhiều lần, ông nói “Ông sẽ đề nghị với Bộ tư lệnh hải quân (chế độ Nguyễn Thiệu) cấp cho tôi cái hải vụ bội tinh!”, lúc đó tôi chẳng thiết tha gì! Tôi là một người lính “Bất đắc dĩ”, đi lính 3 năm nay chẳng có bằng khen, giấy khen gì đâu?.
    Tàu đi hơn một tuần trên biển, ông cho tôi biết không “cập” tàu đâu được, ở đâu cũng từ chối, Vũng Tàu tràn ngập dân tị nạn; Sài Gòn không có chỗ cho tàu vào, tình hình rất lộn xộn! Ông phải cho tàu ra Phú Quốc. Mười một ngày lênh đênh trên biển tàu cũng đến được cảng An Thới Phú Quốc chiều ngày 10-4-1975. Hạm trưởng mời tôi lên phòng của ông để cho tôi biết đã đến lúc tất cả người di tản trên tàu đều được đưa về trại tập trung, riêng tôi ông hỏi có yêu cầu gì trong phạm vi có thể được ông đều giải quyết. Tôi xin ông gọi điện cho bạn tôi là Bác Sĩ Lê Huy Thụy bệnh xá trưởng Phú Quốc, cho Thụy biết có tôi trên tàu và nói với Thụy đón tôi tại cầu tàu. Tôi xin ông cho tôi đem theo một người bạn là thiếu tá Trạm, anh ta quá yếu đuối, có nhiều bệnh tật, đi với tôi để tôi giúp ông khỏi vào trại tập trung. Hạm trưởng đồng ý, ông bảo tôi về phòng quân y chờ ông sắp xếp xong sẽ có “loa” mời. Vài phút sau trên loa có tiếng: “Mời Bác Sĩ Tờn và ông bạn lên phòng hạm trưởng để sắp xếp vào đất liền”. Thế là tôi và Trạm như trúng số, giả từ tàu, xuống ca nô vào cầu cảng, ở đó đã có Bác sĩ Lê Huy Thụy đón chúng tôi bằng xe Jeep do anh lái. Chúng tôi vào trạm xá khoảng 4 giờ chiều ngày 10-04-1975. Thụy dẫn chúng tôi đi thăm trạm xá, rồi anh có điện phải lên bộ tư lệnh để nhận chỉ thị mới? Chúng tôi chờ Thụy ở trạm xá, đến tối anh về đãi chúng tôi ăn phở ở quán Bò Vàng, anh nói với tôi: Chế độ Nguyễn Văn Thiệu sắp xoá sổ. Tư lệnh đã sắp xếp để đoàn tùy tùng và Thụy lên máy bay di tản sang Mỹ, anh nói anh đã xin Tư lệnh để tôi cùng đi, anh hỏi tôi: Thế nào? Tôi không đồng ý. Tôi xin anh cho tôi một chiếc ca nô ngày mai sang Dương Đông để mua vé máy bay về Sài Gòn. Hồi đó ở Phú Quốc chỉ có đảo Dương Đông là có phi trường dân sự, phi trường rất đơn sơ, chỉ sử dụng cho phi cơ loại nhỏ. Sáng 11 – 04 – 1975 tôi và Trạm dùng ca nô do Thụy sắp xếp qua đảo Dương Đông mua vé máy bay về Sài Gòn. Về Sài Gòn Trạm đi đâu đó ở với người thân, tôi thì “không đồng xu dính túi” tìm về tá túc tại nhà bạn thân là Kỹ sư Huỳnh Thu Nguyên ở đường Võ Di Nguy (nay là đường Nguyễn Kiệm) quận Phú Nhuận. Nguyên cưu mang tôi không thiếu thốn…

    Sài Gòn những ngày đó tôi ví như cái chảo khổng lồ trên biển lửa mà con người thì cứ chạy lui chạy lại trong cái chảo càng ngày càng nóng. Tôi thì “bình thân như vại”. Cứ chờ, cứ chờ, chờ cái gì?... Cho đến ngày 30 – 04 – 1975… Rồi tôi tiếp tục sống lây lất đến tháng 6 năm 1975: chung một con tàu cùng các bạn vào trại học tập cải tạo.
    04 – 09 – 2006