Ai chằm áo tơi...
Theo
câu ca tôi tìm về Yên Lạc, Quang Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) tìm hiểu về
làng tơi duy nhất ở vùng “ chảo lửa, túi mưa” để giải đáp băn khoăn:
Giữa thời công nghệ polyme hiện đại, áo bạt, áo ni lông đủ kiểu, ô tím,
xanh, vàng đỏ đủ sắc màu, thì tơi đã là bảo tàng, là câu chuyện cổ tích
xa xưa!?
Phận tơi
Nhưng tôi
đã nhầm. Quần tụ quanh dãy đồi bát úp, nép vào dưới rặng tre xanh, làng
tơi Yên Lạc vẫn tồn tại qua năm tháng, bất chấp thị trường chao đảo, bất
chấp dè bỉu của “mốt” hiện đại vẫn lặng lẽ âm thầm bảo lưu một làng
nghề truyền thống đã gắn bó lâu đời với mảnh đất cha ông.
|
Áo giáp lá” trên đồng
|
“
Còn nắng, còn mưa, thì còn tơi”. Ông Đặng Văn Đức (80 tuổi) khẳng định.
Cũng nắng, mưa, nhưng nắng mưa ở dải đất hẹp miền trung khủng khiếp.
Nắng quăn tàu cau. Đất quăn diệp cày. Ruộng đồng nứt nẻ. Mênh mông bạc
trắng . Lại thêm gió Lào táp lửa vào mặt.
Mưa thối đất, mưa chém vào mặt, quất vào da thịt.
Bao đời nay vẫn thế!
Giữa
đồng không mông quạnh, nón, mũ, ni lông không thể che đậy thịt da. Chỉ
có cái tơi mới là “áo giáp lá” chống lại mưa nắng nghiệt ngã thất
thường.
Khi ti vi truyên hình quảng cáo kem dưỡng
da, chống nắng vv… thì ở Yên Lạc nói riêng và xứ sở miền trung nói chung
nhân dân tự tạo ra một “vũ khí” tiện lợi là chiếc tơi.
Người
làng Yên Lạc không biết nghề chằm tơi có từ bao giờ. Chỉ biết rằng tơi
là một phần cuộc sống tất yếu của người dân nơi đây.
Ông
Đặng Văn Quang – Xóm trưởng xóm Yên Lạc cho biết: “ Xóm Yên Lạc có 78 /
180 hộ , thu hút trên 200 lao động ngoài độ tuổi làm nghề chằm tơi.
Trung bình mỗi năm sản xuất 20.000 chiếc tơi và tạo một nguồn thu nhập
gần 500 triệu đồng / mùa”.
Nghề tơi lấy công làm
lời. Lá tơi, dây mây lấy ở Truông Bát (Hương Khê). Dụng cụ chỉ có một
bàn tơi đắp bằng đất hay ken bằng gỗ. Một chiếc kim sắt uốn cong dài
35cm, dăm sợi dây, nuộc lạt là có thể hành nghề.
Nghề
chằm tơi ai cũng làm được miễn là chăm chỉ và kiên trì. Đàn ông, đàn
bà, con gái, con trai, tranh thủ nông nhàn có thể chằm tơi để tạo nên
nguồn thu nhập.
Buổi trưa không ngủ, đưa bàn tơi ra
ken lá. Buổi tối vừa uống nước vừa trò chuyện vừa chằm tơi. Các cháu học
sinh, sau buổi học về nhà, mỗi buổi chằm dăm chiếc tơi cũng tự giải
quyết được tiền sách, vở bút giấy.
Nói thế, nhưng không đơn giản thế! Lá tơi trên rừng, nhưng mang được về Yên Lạc mất một ngày. Sáng
tinh
mơ, cơm gói, cơm đùm vào rừng. Tối mịt mới về. “ Lấy lá xong, chúng tôi
đốt lửa thui qua cho héo, rồi chở về. Về phải phơi sương qua đêm để lá
được ngậm sương. Lá tơi gặp nắng mới thơm, mới bền. Nếu không gặp nắng
thì lá úng, bợt, dễ mục. Lá ngậm sương đưa ra vuốt, xếp mới không quăn
”. Ông Nguyên Đăng Nhuận (65 tuổi) cho biết.
Chúng
tôi đến nhà anh Đặng Văn Quang (46 tuổi), giữa lúc các cháu đang chằm
tơi. Cháu Đặng Thị Quỳnh (Lớp 12), Đặng Thị Nga (lớp 11), Đặng Thị Giang
(lớp 5) cháu nào cũng đạt học sinh tiên tiến. Đặc biệt cháu Giang năm
học 2010-2011 đạt HSG. Các cháu được tặng rất nhiều giấy khen. Cháu
Quỳnh cho biết: “ Để chằm một cái tơi mất hơn một tiếng đồng hồ. Trong
chằm tơi khó nhất là gấp cổ, làm sao khít, bền, chặt và phải đẹp. Mùa
tơi vừa rồi mấy chị em cháu chằm được hơn một trăm chiếc. Cũng đủ trang
trải tiền học”.
Mỗi năm mùa tơi ở Yên Lạc chỉ có 2
tháng: Tháng 3 và tháng 4. Những tháng đó, sân ngõ phơi đầy lá tơi.
Chiều chiều, những chiếc xe của người đi lấy lá tơi nối đuôi nhau về
làng. Tối tối, xóm làng lại vào mùa sản xuất. Tơi sản xuất xong, khách ở
Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ đến lấy. Cũng
có khi mang bán ở chợ Nhe, chợ Tổng, chợ Chùa và các chợ lân cận. Năm
nay , tơi được giá, mỗi chiếc từ 35 đến 40 ngàn đồng. Gia đình Chị
Nguyễn Thị Thanh, gia đình anh Đặng Văn Quang chằm, bán được 700 chiếc
thu về hơn hai chục triệu đồng. Cũng là một nguồn thu giải quyết được
nhiều vấn đề của đời sống. “ Tiền giống má, nước, thuốc trừ sâu, máy
bơm, tiền học của con trông chờ vào đó cả chú ạ”. Anh Quang trao đổi.
|
Cháu Quỳnh, Nga, Giang tranh thủ chằm tơi lấy tiền mua sách
|
Nhưng
điều lạ là những cô gái làng Yên Lạc lấy chồng làng khác, không mang
theo nghề; ngược lại các cô gái về làm dâu Yên Lạc lại học nghề, giữ
nghề. Chắc là do Yên Lạc đất hẹp, người đông? Hay do Yên Lạc xa núi, xa
sông không được thiên nhiên ban tặng những thuân lợi khác phải bám lấy
nghề để tạo nguồn thu nhập ổn định cuộc sống? Hay do nhân dân Yên Lạc
chăm chỉ cần mẫn, lấy lao động làm gốc mà gắn bó chung thủy với nghề?
Câu chuyện của ông Nguyễn Danh Ân đã ám ảnh chúng tôi trong lần về điều tra viết bài về làng tơi Yên Lạc.
|
Choàng áo tơi phơi lá tơi
|
Sinh
năm 1939. Mười tuổi đã biết chằm tơi. Ông Ân đã có “ thâm niên” chằm
tơi hơn 60 năm. Hai lần gia nhập quân ngũ. Lần 1 vào năm 1959 bộ đội
quân tình nguyện Việt Lào, trở về quê Yên Lạc lại tiếp tục nghề chằm
tơi. Năm 1967 tái ngũ. Hai năm sau xuất ngũ lại gắn bó với bàn tơi. Đến
năm 1972, buông tơi tham gia vào đội quân xe đạp thồ. Hết ra rồi vào
trên các cung đường ác liệt. Ra quân lại về Yên Lạc vót mây, chuốt lá,
chằm tơi. “ Có lẽ nghề tơi với tôi là duyên phận chăng nên cứ bám vào
tôi đeo đẳng đến tận bây giờ!”.
Tôi ngước mắt nhìn
lên tường nhà đầy Huân, Huy chương, Bằng, Giấy khen ghi công những đóng
góp của người chiến sỹ năm nào. Đó là niềm kiêu hãnh, niềm vui tinh thần
nhưng cuộc sống còn cơm áo gạo tiền, nên nghề chằm tơi trở thành duyên
phận.
Một ông già 75 tuổi, mà sáng tinh mơ, cơm đùm
xe đạp vào tận khe Giao lên rú Truông Bát hái lá tơi, tối mịt mới về. Về
chuốt lá, vót mây, bện triêng cho bà nhà chằm tơi. Năm nào cũng thế.
Bền bỉ. Cơm, gạo, mắm, muối, trầu, cau đầu tay, đầu chân. Tịnh không một
tiếng kêu ca, phàn nàn.
“Bà nhà” là cụ Đặng Thị
Cháu, năm nay đã “ thất thập cổ lai hy”. Ở tuổi 70, bà Cháu vẫn bám
ruộng sản xuất . “ Hai ông bà làm hai sào. Tiền giống, nước, thuốc trừ
sâu, phân bón tăng vùn vụt. Hai sào thu hoạch gần 5 tạ, trừ trầm chẳng
lãi bao nhiêu. Cho nên hai ông bà phải còng lưng chằm tơi góp nhóp thêm
đồng trả tiền nước, tiền thuốc chú ạ!”.
Thế là hóa ra, nghề chằm tơi lại nuôi nghề làm ruộng!?
Theo
ông Ân, nghề chằm tơi với người già đau gối, mỏi lưng, nhưng với hai
ông bà không thể không làm, vì đó là nguồn sống. Ông cho biết, con trai
ông là anh Nguyễn Danh Thủy và cháu là Nguyễn Thị Thùy hiện ở xóm Yên
Lạc vẫn lấy chằm tơi làm nghề phụ. Như thế, nhà ông Ân, nghề tơi là nghề
cha truyền con nối.,
Vẫn biết nghề mọn này chẳng
thể giàu có, nhưng là nghề lao động, mồ hôi, nước mắt làm cho con người
thánh thiện ra, nên ông khuyến khích con cháu không bỏ nghề.
Mai
sau, con cháu học hành đỗ đạt, có thể làm nghề khác, sinh sống bằng
nghề khác, nhưng nghề chằm nón đã dạy cho bài học giản dị, chất phác,
bài học yêu lao động để từ đó hình thành nên cốt cách của người lao động
thì không thể phụ bạc và khinh nhờn.
Áo tơi và nghề chằm tơi: Chuyện không bao giờ cũ
Vào
vụ gặt hay vụ cày cấy (khoảng tháng 5 hay tháng 6) nhìn xuống cánh đồng
ở Cẩm Xuyên hay Thạch Hà, Can Lộc, những chiếc áo tơi đã làm dịu đi
những nắng lửa.
Tơi không chỉ dùng cho người có tuổi mà trẻ em, thanh nữ cũng khoác áo tơi quê nhà.
Trẻ em choàng áo tơi chăn trâu, chăn vịt hay nhổ mạ trên đồng. Quây tròn lại, đố gió thổi vào được.
Thanh nữ giưa đồng không, mông quạnh, chụm tơi trên bờ là có một WC di động.
“
Trên nắng, dưới nước như đun sôi, lại gió Lào quần quật quạt lửa nữa,
không có áo tơi làm răng có thể cúi xuống gặt, cấy hái được chú”. Bà
Đặng Thị Cháu trao đổi.
Cái áo tơi lại tiện lợi ở
chỗ, buổi trưa giờ nghỉ lên bờ, mấy cái tơi chụm lại thành bóng râm để
ăn uống tại chỗ rồi tiếp tục xuống ruộng
“ Tôi lái
máy cày, máy bừa mang tơi chống được nắng nóng. Đúng là hiện đại đồng
hành cùng thô sơ”. Anh Thân Viết Thi (38 tuổi) nói.
“
Mùa mưa bão, ni lông, ni liếc mang cảnh, nhằm nhò chi. Cái áo tơi, gió
bề nào che bề nấy, mưa có táp vào, bão có quất tơi bời cũng chẳng làm
cóc khô chi được!”. Ông Đặng Văn Quang khẳng định.
Cái áo tơi bao đời nay bạc sờn qua năm tháng, dầm mưa dãi nắng là người bạn thấm hết nỗi gian lao của người nông dân.
Khi
tả tơi, những chiếc áo tơi áy, ngã mình, khum lại lót ổ cho gà ấp trứng
hay lại hiến mình che đậy những vại cà, vại nhút mà không chịu là vô
ích.
Chiếc áo tơi cùng người nông dân đã thăng hoa
thành ca dao, lục bát, thành tranh ảnh, thơ văn và cất lên không chỉ ở
“Hà Tĩnh mình thương”…
Vì lẽ đó, còn mưa nắng, còn đồng ruộng, còn nông dân là còn nghề chằm tơi.
Về Yên Lạc, nhân dân đang hồ hởi xây dựng nông thôn mới. Chiếc áo tơi với nghề chằm tơi câu chuyện không cũ bao giờ!
Bài và ảnh : Lê Văn Vỵ
Đọc thêm : http://danso.giadinh.net.vn/xa-hoi/lang-ao-toi-20110919110641757.htm