Đảng cộng sản Việt Nam đã tàn phá nặng nề khả năng phản biện, đầu độc tư tưởng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong tổ chức này ngay từ khi tâm hồn họ còn rất trong sáng, động lực đầy nhiệt huyết.- Nguyễn Chí Đức
Sau khi lòng vòng qua nhiều tiểu bang, cuối cùng, tôi dừng chân ở California. Vùng đất này không nóng như Texas và không lạnh như Kansas, hay Arkansas – nơi tôi đã trải qua một mùa đông mà cả đất lẫn trời đều trắng xoá như bông.
Bên cạnh cái ưu điểm nổi bật là khí hậu ôn hoà, quanh năm nắng ấm, sống ở California cũng có đôi điều bất tiện: động đất hoài hoài và khách khứa đều đều – dù bạn không mời, kể cả mời lơi. Khách đến chơi tuy không gây thiệt hại về nhân mạng, và tài sản như thiên tai nhưng cũng dễ để lại những đổ vỡ (tình cảm) còn phiền phức hơn động đất.
Không trước thì sau, người Việt tị nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới (thế nào) cũng có hôm bước chân đến Mỹ. Xong, chắc chắn sẽ phải phải ghé qua California – ít nhất cũng đôi ngày.
Bởi vậy, thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận được những cú điện thoại từ xa (nghe) hết sức ... bùi ngùi – đại khái như “văn kỳ thanh nhưng bất kiến kỳ hình nên muốn có dịp gặp gỡ để hàn huyên tâm sự,” hay (nghiêm trọng hơn) “để bàn chuyện quốc sự!”
Ý Trời, nói gì nghe thấy ghê dữ vậy?
Đã có không biết bao nhiêu độc giả (nhất định) phải vượt hàng vạn dặm đến California để gặp tôi – một anh già mặt mũi dị hợm, sặc sụa hơi men, quần áo tả tơi, người ngợm hôi hám, ăn nói quàng xiên – cùng với một tiếng thở dài, khó nén!
Những vụ “diện kiến” bẽ bàng như thế là cơ hội rất tốt để thiên hạ ôn lại (và nhớ mãi) lời dậy của cổ nhân: người trông xa ma trông gần! Mà kinh nghiệm đắng cay này không chỉ đúng với con người mà còn đúng luôn cho những đảng phái tổ chức nữa (trông càng xa càng tốt) nhất là với Đảng CSVN.
Chính xác là bao xa, cho biết liền đi, sao nẫy giờ (chưa say) mà cứ lòng vòng hoài vậy - cha nội?
Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang
Theo tôi phải xa tuốt luốt tận Châu Âu, Châu Mỹ – hoặc Châu Phi càng tốt – còn nếu tại Châu Á thì tối thiểu cũng phải (xa) cỡ từ Nhật Bản:
Đỗ Diệu Hương, hiện đang học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại ĐH châu Á - Thái Bình Dương, tỉnh Oita, được kết nạp Đảng ở tuổi 20...
Diệu Hương nhận xét: “Ở VN, các chi bộ Đảng có thể họp mặt thường xuyên để quản lý và củng cố tư cách người đảng viên tốt hơn. Còn ở nước ngoài không có điều kiện như vậy nên việc rèn luyện bản thân là quan trọng nhất”.
Sống xa Tổ quốc, ngoài việc học tập, lao động và kỷ luật tốt cần phải tích cực tham gia giao lưu với cộng đồng quốc tế. Diệu Hương luôn ý thức được mình chính là tấm gương phản ánh thế hệ trẻ VN với bạn bè thế giới, vì vậy cần phải sống trách nhiệm và gương mẫu.
Nữ đảng viên Đỗ Diệu Hương, có lẽ, nên ở luôn bên Nhật để “rèn luyện bản thân” (cho nó chắn ăn) chớ sinh hoạt chi bộ đảng ở nước ta – xem ra – có vẻ linh tinh lắm. Khi blogger Đinh Vũ Hoàng Nguyên còn tại thế, tôi đã nghe ông kể vài “chuyện ngắn” sau:
1.Mình có quen một cậu là đảng viên, nhà ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Có lần mình vô tình nghe nó với thằng bạn là lái xe đường dài nói chuyện, thằng bạn hỏi:
- Thế ông đợt này ở nhà làm gì?
- Thì vẫn công tác đảng thôi.
- Phải kiếm việc gì mà làm, chứ vô công rồi nghề thế thì chết!
2. Mình đi ăn thịt chó ở Vĩnh Phúc. Trong mâm có Phó Chủ tịch UBND xã, tuổi khoảng ngoài bốn mươi. Rượu ngon,thịt chó ngon. Nhân câu chuyện về tình hình an ninh - trật tự ở địa phương, Phó Chủ tịch xã nói:
- Báo cáo các bác! Số nghiện hút phát hiện được ở địa phương bọn em là 31 đồng chí. Còn Đảng viên Chi bộ bọn em có... 16 thằng!
Chuyện thật 100%. Thằng Nguyên mà nói điêu thì làm con chó!
Tôi không dám nói là bác Nguyên “nói điêu” nhưng chuyện ông kể có vẻ hơi khó tin, ít nhất thì cũng không dễ tin bằng câu chuyện (tiếp theo) của bác Phạm Đình Trọng:
Những người bán hàng rong mỏi mòn chờ khách ở trung tâm thành phố Sài Gòn, 2013 AFP
Sáng chủ nhật, tôi vừa mở máy vi tính mới viết được mấy dòng thì có chuông gọi cửa làm đứt mạch suy nghĩ. Xuống cầu thang ra mở cửa, thấy ông hàng xóm là đảng viên cùng sinh hoạt tổ đảng với tôi mà ít ngày trước tôi đã phải mất một buổi tối họp kiểm điểm ông về cái tật lãng nhách, rất không đáng có ở một đảng viên của đảng cách mạng, đảng chính trị là tật tối ngày nhậu nhẹt bét nhè, bê tha, đã kéo dài suốt nhiều năm của ông. Nay một người như thế đến bảo tôi nộp cho ông bản thu hoạch học tập đạo đức Hồ Chí Minh!
Kinh nghiệm của ông nhà văn tuy có hơi cay đắng nhưng (nói nào ngay) vẫn cũng chưa đến nỗi phũ phàng như trường hợp của ông Vi Đức Hồi, Giám Đốc Trường Đảng huyện Hữu Lũng – Lạng Sơn:
Bác trưởng khu đề nghị:
-Bây giờ đến mục các đại biểu phát biểu ý kiến!
Chưa rứt lời, một cựu chiến binh có tên Miến, đeo trên ngực một huy hiệu gì tôi cũng không để ý, ông ta hung hăng xông lên bục vừa nói, vừa khua chân, múa tay vào mặt tôi. Ông ta nói tràng giang đại hải, kể về thành tích của mình tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người chủ trì phải nhắc ông ta đi vào trọng tâm, lúc này hình như ông ta mới sực nhớ ra những nội dung cần nói mà đã được chuẩn bị kỹ. Ông ta bắt đầu sỉ vả, xông đến trước mặt tôi chỉ tay vào mặt tôi định gây gổ, hành hung…
-Mày là thằng ngu! mày ngu lắm Hồi ạ! không biết mày học hành thế nào! tao thấy mày ngu lắm!
Mấy người bên dưới nhắc nhở ông ta bình tĩnh, ông ta quay lại bục rồi yêu cầu:
-Tôi đề nghị phải bắt nó lên đây đứng trước mọi người, không thể để nó ngồi như thế được. Thu toàn bộ đồng hồ, điện thoại và các tư trang của nó. Biết đâu bây giờ nó đang truyền thông trực tiếp ra nước ngoài thì chết chúng ta!
Phía dưới hội trường bắt đầu có người phản đối.
-Nói thế mà cũng nói được! nói thế hoá ra là mình làm sai!càng nói càng ngu. Mình làm đúng, nó đưa lên đến đâu cũng chẳng sợ, phải không?
-Thiếu gì người mà đi bồi dưỡng cho ông này lên phát biểu, dạy đời. Bản thân ông thì có tốt đẹp gì mà đi dạy người khác...
-Người ta phải dùng những người không bình thường như thế mới đạt được mục đích chứ!
Những người không bình thường như thế, trong Đảng, chắc hơi nhiều. Và đây có lẽ là một trong những lý do khiến ông Phạm Đình Trọng, và Vi Đức Hồi đành bỏ Đảng. Hai ông, tất nhiên, không phải là những người đâu tiên (hay cuối cùng) đã bỏ Đảng chạy lấy người.
Chỉ trong tuần lễ đầu tiên của tháng 12 năm 2013, lại có thêm thêm ba nhân vật nữa (luật sư Lê Hiếu Đằng, tiến sĩ Phạm Chí Dũng và bác sĩ Nguyễn Đắc Diên) đã nộp đơn công khai xin ra khỏi Đảng. Nói một cách văn chương, và nói theo kiểu của nhà văn Trần Mạnh Hảo, là họ xin được ... ly thân.
Với thời gian, chuyện ly thân với người hôn phối, cũng như với Đảng – xem chừng – mỗi lúc một thêm đông và thêm phức tạp.
Trước kia không mấy khi nghe ai nói tới chuyện ly thân, ly hôn, hay li dị. Nếp sống, cũng như ngôn ngữ (hồi trước) ngó bộ đỡ phức tạp hơn. Thỉnh thoảng, mới có người nhỏ giọng:
- Cô A và cậu B thôi không đi lại với nhau nữa.
Hoặc, trầm trọng hơn chút xíu:
- Ông C với bà Đ đã thôi ăn ở với nhau rồi.
Thôi là xong. Là hết chuyện. Là đường ai nấy đi. Là nhà ai nấy ở. Mạnh ai nấy sống. Đời ai nấy lo. Tiền ai nấy sài. Hồn ai nấy giữ!
Biệt ly, nếu không bịn rịn, không êm đềm, “không nhớ nhung từ đây” thì cũng (thường) êm thắm. Sóng gió, nếu có, ráng dấu trong lòng. Chớ đâu có cái vụ mang nhau ra toà, hay mang đơn xin ra khỏi Đảng phát tán (tùm lum) trên ... mạng – như mấy bữa rầy.
Thời thế, xem chừng, đã đổi. Gió, ngó bộ, cũng muốn chuyển rồi – theo như nhận định của blogger Nguyễn Lân Thắng (nghe được) qua BBC vào hôm 6 tháng 12 vừa qua:
"Tôi nghĩ Đảng chưa bao giờ ở tình thế hiểm nghèo như thế này bởi những người trí thức tương đối có tiếng tăm, tương đối có uy tín ở trong xã hội, mà bây giờ họ tuyên bố ly khai khỏi Đảng, một cách chính thức."
"Đây là một tổn thất vô cùng lớn về mặt tính chính danh của Đảng, lúc này uy tín của Đảng không còn gì nữa, thực sự không còn gì nữa..."
"Hành động của ông Lê Hiếu Đằng và ông Phạm Chí Dũng có thể cũng dẫn đến một phong trào ly khai khỏi Đảng một cách ồ ạt, diễn ra với một số lượng lớn, và lúc đó sự cầm quyền của Đảng sẽ bị lung lay một cách rất dữ dội."
'Chưa ai biết điều gì xảy ra ở phía trước với bối cảnh của Việt Nam như hiện nay, tình hình sẽ còn thay đổi rất mạnh và rất nhiều. Và mọi việc sẽ không chỉ dừng lại ở đây."
Cùng lúc, trên diễn đàn RFA, blogger Nguyễn Ngọc Già cũng đã có nhận định tương tự: “... anh Đằng, anh Dũng, anh Diên bỏ đảng vừa rồi gây ra một làn sóng ...lớn.”
Chuyện “tình hình” hay “sóng gió” lớn/nhỏ ở Việt Nam ra sao – trong những ngày sắp tới – cái thứ người cả đời núp kỹ ở nước ngoài, và luôn luôn trốn biệt trong chai như tôi (e) không đủ tư cách để lạm bàn. Nhân dịp này, tôi chỉ xin nâng ly chúc mừng ba ông Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng và Nguyễn Đắc Diên – những người ngay – vừa thoát nạn!
(Tưởng Năng Tiến, California 19-12-2013)
Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA