Monday, April 27, 2015


Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào

Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào (Kỳ 2)

QĐND - Thứ hai, 14/02/2011 | 17:16 GMT+7


Kỳ 2: Còn người còn chốt, bị thương không rời trận địa

QĐND - Thực hiện quyết tâm tác chiến của bộ chỉ huy Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, các lực lượng ém quân trên các hướng. Các chốt chặn của chiến dịch được lệnh nổ súng chia cắt, ngăn chặn làm giảm nhịp điệu tiến công của địch, tạo ra những yếu tố bất ngờ, tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch, bảo vệ kho tàng giao thông vận chuyển. Các lực lượng cơ động, chủ lực phục kích, tập kích ngăn chặn địch ở Bản Đông.

Ngày 8-2-1971 trên hướng tấn công chủ yếu của địch, bộ đội ta đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của quân ngụy Sài Gòn. Khi chúng vượt qua biên giới Việt Nam sang Lào, bộ đội ta vẫn giữ vững các điểm chốt.

Đặc biệt, 16 giờ chiều ngày 8-2-1971 tại khu vực đường 16, Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn 308, vừa cơ động tới A Lia thì gặp địch đổ quân xuống điểm cao 316, sát trận địa pháo của ta ở Làng Sen. Trung đoàn trưởng 88 ra lệnh cho Tiểu đoàn 6 vận động tấn công, bao vây đánh thiệt hại nặng Đại đội 3, Tiểu đoàn biệt động quân 21 diệt 80 tên, bảo vệ an toàn trận địa pháo. Chiều 10-2 quân địch chiếm được Bản Đông. Ta quyết tâm vây đánh không cho chúng tiến lên Sê Pôn. Đêm 11-2, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 88 và Đại đội 9 Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 64 phối hợp tập kích Tiểu đoàn 2 thuộc Lữ đoàn dù số 1 ở Bắc Sê Num. Tiếp đó, đến ngày 12-2 Tiểu đoàn 4 (thiếu Đại đội 2) được tăng cường Đại đội 9, Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 88 tập kích Tiểu đoàn biệt động quân 39 vừa đáp máy bay trực thăng xuống điểm cao 500. Trong 2 trận đánh ở Sê Num và điểm cao 500 ta chỉ tiêu diệt được một số sinh lực địch, hiệu suất chiến đấu thấp. Dù vậy, quân địch sợ hãi phải co cụm lại không dám bung ra lùng sục ngoài căn cứ.

Các chiến sĩ Quân giải phóng trong trận tiêu diệt Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn dù 3 - ngụy  quân tại chân cao điểm 402 và Đồi Không tên. Ảnh tư liệu.

4 giờ sáng ngày 9-2-1971, từ Sở chỉ huy Trung đoàn 24 (Sư 304) - đây là lần đầu tiên Trung đoàn 24 vừa làm nhiệm vụ chốt chiến dịch vừa thực hiện chiến thuật bao vây công kích địch, Trung đoàn trưởng Lê Đắc Long nhận được điện của Tư lệnh trưởng Sư đoàn 308 Nguyễn Hữu An “địch đang tiến vào cầu Ka Ky và điểm cao 351, 311”. Ngay lập tức Trung đoàn trưởng điện qua bộ đàm 2 WPRC25 cho Chính trị viên phó Đại đội 7 Lê Mã Lương đang chỉ huy trung đội chốt chặn điểm cao 351. Vừa triển khai nhiệm vụ cho 3 tiểu đội bộ binh và tiểu đội hỏa lực theo chỉ thị của Trung đoàn trưởng, chưa kịp về vị trí chỉ huy thì cả trận địa chốt C7 của Lê Mã Lương ngập chìm trong khói lửa, tiếng nổ của pháo binh và trọng liên từ trên máy bay trực thăng vũ trang địch. Trong 2 giờ chiến đấu, cán bộ chiến sĩ Đại đội 7 đã đánh lui 5 đợt tiến công của địch, tiêu diệt gần 2 đại đội lính dù và biệt động quân, riêng Lê Mã Lương diệt 14 tên. Ngày 11 và 12-2 tại khu vực cầu KaKy, các đơn vị súng máy cao xạ của Trung đoàn 24, Trung đoàn 102 bắn rơi 30 máy bay lên thẳng của địch. Kẻ thù khiếp đảm khi phải qua “con đường máu lửa” mà chốt cầu Ka Ky 351 do đơn vị anh chốt giữ suốt thời gian chiến dịch mở ra và kết thúc là cửa tử đối với địch khi chúng hành quân lên Bản Đông và khi chúng rút chạy về Khe Sanh.

Ngày 11-2-1971, Phùng Quang Thanh-Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên. Địch dùng 1 đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tấn công chốt. Phùng Quang Thanh chỉ huy tiểu đội chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên, đẩy lùi địch ra xa, riêng Phùng Quang Thanh diệt 8 tên. Hai ngày sau địch lại tiến công lên chốt, Phùng Quang Thanh bị thương, cấp trên cho lui về tuyến sau nhưng anh xin ở lại chiến đấu. Phùng Quang Thanh nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn cho vào túi đeo quanh người nhờ y tá băng và treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi dẫn đầu tiểu đội xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội địch. Riêng tiểu đội do anh chỉ huy diệt 37 tên, bắt 1 tên, thu 2 súng. Sau trận thắng ở đồi Không Tên, quân địch không dám ra lùng sục dọc đường 16A.

Như vậy, sau 5 ngày quân địch liều mạng tiến công, từ ngày 8 đến 13-2-1971, chúng đã bị thiệt hại nặng, nhiều kế hoạch triển khai lực lượng, bị ta phá vỡ, buộc chúng phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh, do đó tốc độ tiến quân và các mục tiêu đánh chiếm đạt được rất thấp. Trước tình hình đó, kế hoạch tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch là kiềm chế địch trên các hướng, đồng thời thực hiện chia cắt đường 9, con đường độc đạo nối thông từ Quảng Trị Việt Nam qua tỉnh Sa-van-na khệt Lào bao vây, cô lập lực lượng tinh nhuệ ở Bản Đông. Chặn lực lượng địch tiến lên Sê Pôn. Nếu quân địch chọc thủng tuyến bao vây, chia cắt để lên được thì lập tức tập trung lực lượng đủ mạnh buộc địch sa lầy và bị tiêu diệt lớn ở đó. Từng bước điều chỉnh lực lượng nhằm triển khai thế trận phản công, toàn chiến dịch. Thực hiện đúng kế hoạch tác chiến ngày 15-2-1971 các đơn vị trên cả ba hướng chiến dịch bắt đầu mở đợt phản công, tiêu diệt địch.

Trên hướng chủ yếu, sừng sững điểm cao 500 do Tiểu đoàn số 39 liên đoàn biệt động quân số 1 ngụy chiếm giữ được chọn là mục tiêu “đột phá khẩu”. Đây là điểm cao khống chế có ý nghĩa về chiến thuật nằm sát trục đường 16b, nối đường 16A với Bản Đông. Tiểu đoàn số 39 là tiểu đoàn thiện chiến với trang bị hỏa lực mạnh lại được hỏa lực pháo binh và Không quân Mỹ chi viện. Địch coi đây là một chốt chặn quan trọng trên hướng Bắc.

Ý thức được trận đánh điểm cao 500 có ý nghĩa then chốt tác động đến sự phát triển của chiến dịch, vì vậy Bộ tư lệnh Sư đoàn 308 quyết định chọn trung đoàn chủ công 102 do Trung đoàn trưởng Hoàng Ngọc Tý và Chính ủy Nguyễn Hữu Ích chỉ huy thực hiện trận đánh quan trọng này. Từ ngày 16-2-1971 đến ngày 20-2-1971, ta dùng các thủ đoạn chiến thuật vây lấn hỏa lực chế áp, phá hoại các mục tiêu, không quân địch khó khăn trong việc tiếp ứng cho điểm cao 500, vì vậy quân địch chống trả ngày càng yếu ớt. Đến chiều ngày 20-2-1971, quân ta hoàn toàn làm chủ điểm cao 500, tiểu đoàn biệt động quân 39 bị xóa sổ.

Thừa thắng, trưa ngày 25-2-1971 được hỏa lực pháo binh chi viện, bộ binh Trung đoàn 64 và xe tăng phối thuộc tấn công vào căn cứ 31. Mặc dù địch tập trung pháo binh và không quân bắn ngăn chặn quyết liệt nhằm chi viện cho lực lượng phản kích, nhưng chiều 25-2 chiến sĩ Trung đoàn 64 đã làm chủ căn cứ 31, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn dù 3, Tiểu đoàn pháo binh và sở chỉ huy Lữ đoàn dù số 3, bắt sống viên Đại tá Nguyễn Văn Thọ và toàn bộ cơ quan tham mưu lữ đoàn.

Ngày 26-2-1971, sau khi Lữ đoàn dù số 3 bị tiêu diệt. Địch buộc phải tổ chức lại sư đoàn dù, tổ chức thành 2 lữ đoàn gồm 7 tiểu đoàn và 1 tiểu đoàn trực thuộc sư đoàn dù có nhiệm vụ trấn giữ Bản Đông, và giải tỏa đường 9 giảm áp lực chia cắt của ta.

Như vậy là ở cánh phía Bắc, sau khi đổ quân chiếm các điểm cao, địch đã bị ta vây hãm, ngăn chặn, bị diệt từng đơn vị, buộc địch ở Bản Đông phải cơ động lực lượng lên phản kích cứu nguy nhưng không cứu vãn được tình thế.

Cho đến ngày 3-3-1971 ta đã chặn đứng được địch ở Bản Đông không cho địch phát triển lên Sê Pôn bằng lực lượng thê đội 1 chiến dịch, buộc địch phải sử dụng thê đội 2 chiến dịch tiếp tục kế hoạch tiến công lên Sê Pôn với mục tiêu hạn chế. Các lực lượng của ta giữ vững Sê Pôn bảo đảm an toàn tuyến vận chuyển chiến lược bao vây, chia cắt địch đồng thời điều động lực lượng chuẩn bị điều kiện để thực hành phản đột kích lớn tiêu diệt lực lượng chiến dịch của địch. Lực lượng thê đội 1 và cả thê đội 2 chiến dịch của địch đều tổn thất nặng nề. Trong thế quẫn bách, hoang mang, lúng túng, chúng vẫn tiếp tục liều lĩnh đổ quân lên Sê Pôn với mục đích phô trương vớt vát ảnh hưởng về chính trị và nghị binh để rút quân mau lẹ. Vì vậy, địch sử dụng 2 tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 1 bộ binh, đổ bộ bằng máy bay lên thẳng xuống Đông Bắc Sê Pôn, cùng đi sẽ có cả phóng viên báo chí, thông qua đám phóng viên báo chí địch tổ chức một cuộc họp báo để tuyên bố là chiếm được Sê Pôn. Nhưng kế hoạch không thành, do quá khiếp sợ các phóng viên báo chí không dám liều mạng lên Sê Pôn và 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 2, Sư bộ binh 1 ngụy cũng không thể tới được Sê Pôn vì bị quân ta chặn đánh.

Trong quá trình ngăn chặn và phá thế tiến công của địch, các lực lượng của ta, đặc biệt là các lực lượng tại chỗ, các chốt chiến dịch đã phát huy tốt tác dụng đánh ngăn chặn, hạ máy bay, diệt cơ giới, nhiều phân đội đánh có hiệu suất cao, các đơn vị B70 và Sư đoàn 324 đã tiêu diệt 1 bộ phận sinh lực địch, ngăn chặn từng bước và chặn đứng được địch ở Bản Đông. Không cho địch thực hiện kế hoạch tiến lên Sê Pôn bằng lực lượng thê đội 1 chiến dịch; phản đột kích mạnh mẽ, bẻ gãy hoàn toàn cánh Bắc của địch, đánh thiệt hại nặng cánh Nam, triển khai được đội hình chiến dịch để hình thành thế bao vây địch vững chắc.

Thiếu tướng Lê Mã Lương


Kỳ cuối: Cơn ác mộng của ngụy quân

No comments:

Post a Comment