ÔNG CHA TA ĐỜI XƯA ĐÃ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG NHƯ THẾ NÀO ?
Nguồn : Việt Nam Văn Hóa Sử Cương , được viết năm 1938 bởi cụ Đào Duy-Anh .
I/ Ở sách đã dẩn , sau khi mô tả cách tuyển lựa quan lại dưới các triều đại phong kiến Việt Nam , ở trang 149 cụ đã viết về những quyền hạn và quyền lợi của các quan như sau :
"... Các quan tại triều là những người giúp đở vua mà đãm đang quốc chính . Các quan ngoại chức
(coi các tỉnh , phủ , huyện , châu ) là những người vâng mệnh thay mặt
vua để cai trị nhân dân . Bởi thế nên các quan cũng như vua , người dân
thường gọi là cha mẹ dân . So với dân , các quan là một hạng người có những đặc quyền xứng đáng với tư cách “dân chi phụ mẫu” . Quan không phải chịu thuế thân ; ngoài tiền lương quan còn có tiền dưỡng liêm (cấp cho các quan địa phương những khi họ túng thiếu để họ khỏi nhũng lạm của dân) cùng lộc điền (ruộng cấp cho những người có tước lộc) . Người nào xâm phạm đến danh dự hay sinh mệnh của ông quan thì bị xử tội nặng hơn là xâm phạm người thường ; mưu hại ông quan từ ngũ phẩm trở lên là một tội thập ác (1). Quan lại phạm tội , phải có chiếu vua thì pháp quan mới được thẩm vấn . Cha mẹ quan lại cũng được phong phẩm hàm
ngang với con . Đó là lược cử một ít các quyền rỏ ràng khiến quan lại
tuy không phải là một giai cấp quí tộc mà cũng là một hạng người cao quí
được thiên hạ tôn kính và thèm thuồng . Bởi thế người nào cho con đi
học cũng hy vọng cho nó được làm quan , mà đứa trẻ đương để trái đào mới
cắp sách đi học cũng đã hoài bảo một ông quan trong mộng tưởng" .
II/ Ở trang 150 , cụ lại cho ta thấy cách phòng chống tham nhũng dưới thời phong kiến :
" Quan lại tuy có nhiều đặc quyền , song cũng không phải ở trên pháp luật . Nhà vua sợ các quan lạm dụng những đặc quyền ấy mà vũ uy tác tệ , cho nên đã đặt nhiều điều lệ để chế tài các quan . Ví dụ pháp luật cấm quan địa phương không được thụ nhiệm ở tỉnh nhà , hay ở nơi cách tỉnh nhà dưới 500 dặm để cho thân thích bằng hửu khỏi cậy thế cậy thần mà làm ngang ; cấm không được lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình nhà vợ nhũng nhiễu ; cấm không cho tậu ruộng vườn cửa ở trong trị hạt , vì sợ quan hiếp bách kẻ trị hạt để mua rẻ ; cấm không được tư giao với đàn bà con gái trị hạt để đừng treo gương xấu cho nhân dân ; cấm quan lại hồi hưu không được lui tới cửa công để
thỉnh thác cầu cạnh . Ngoài ra còn nhiều trừng trị các quan hối lộ và
nịch chức , nếu thi hành cho nghiêm mật thì cũng có thể tránh được những
tệ tham quan ô lại mà ta thường thấy làm cực khổ nhân dân" .
Nhận xét : tôi nghĩ ngày xưa , do bị ràng buộc hay chế tài bởi những điều lệ như trên , các quan ít hay khó tham nhũng như bây giờ . Thế mới thấy tổ tiên ta khi đặt ra các điều lệ này đã rất cao kiến . Nếu luật này ngày nay được áp dụng ở Việt Nam , chắc ít ai chịu đi làm quan !!!
Chú thích : (1) Thập ác là 10 tội lớn . Mưu loạn (mưu làm hại xã tắc) ; mưu đại nghịch (phá hủy lăng miếu) ; mưu phản (theo địch mà phản quốc) ; ác nghịch (đánh hay giết cha mẹ ông bà) ; bất đạo (giết ba người vô tội trong một họ , hay cắt da thịt người sống để làm thuốc độc hoặc bùa …) ; đại bất kính (thất kính đối với vua , như ăn trộm đồ thờ ở lăng miếu , đồ xa giá của vua …) ; bất hiếu (chưởi mắng hay nói xấu cha mẹ ông bà , không để tang cha mẹ ông bà …) ; bất mục (mưu sát hay là bán bà con trong hàng ty thôi trở lên …) ; bất nghĩa (dân giết cha mẹ của quan , binh lính và hạ lại giết quan trên …) ; nội loạn (tức là loạn luân) .
No comments:
Post a Comment