Monday, September 14, 2015


NGÀY ĐỊNH MẠNG CỦA TIỂU ĐOÀN 2/10 SƯ ĐOÀN 7 BỘ BINH

Viết về một trận đánh lớn xảy ra ngày 11/3/75 và kéo dài thêm ba ngày, nhưng chưa từng đăng trên báo chí hải ngoại, trừ các báo chí CS trong nước. Cũng nhằm tưởng nhớ các đồng đội thuộc TĐ 2/10 sư đoàn 7 bộ binh VNCH đã hy sinh hay bị thương hay mất tích trong trận đánh này. 
                                




A/ LỜI NÓI ĐẦU: Mới đây tôi đã đăng bài Chiến dịch Trị Pháp của QLVNCH, nhắm vào một căn cứ địa cùng tên của csbv, diễn ra từ ngày 12 tới 19 tháng 2 năm 1974 tại liên ranh ba tỉnh Kiến Phong, Kiến  Tường, và Định Tường. Tham dự có trung đoàn 10 và 12 của sđ 7 bộ  binh, trung đoàn 14 và 1 tiểu đoàn của trung đoàn 16 thuộc sđ 9 bộ binh QLVNCH; và ba chi đoàn thiết vận xa M-113. Căn cứ địa này của CSBV, ở phía bắc của Kinh Tổng đốc Lộc và cũng ở phía bắc của quận Hậu Mỹ thuộc tỉnh Định Tường.
Hôm nay tôi đăng bài về một trận đánh lớn ở gần Kinh Bằng Lăng, và cách căn cứ địa Trị Pháp khoảng 12 km về phía namxảy ra ngày 11.3.75 và 3 ngày sau đó, nghĩa là cách đây 49 năm, khi TĐ tôi và hai TĐ bộ binh của sđ 7 VNCH, trên đường đi tiếp viện và giải cứu cho hai TĐ ĐPQ, đã đụng độ ác liệt với ba trung đoàn quân chính quy CSBV và các đơn vị chủ lực và du kích địa phương. Đây là một trận đánh đầu tiên cấp sư đoàn của csbv tại quân khu 4, nhằm cầm chân sư đoàn 7 bộ binh VNCH sau khi Bắc quân tấn công Ban Mê Thuột ngày 10.3.75. Sau đó khoảng hơn một tháng là một trận đánh lớn khác trên quốc lộ 4 vào tháng 4.1975 tại khu vực thuộc quận Bến Tranh tỉnh Định Tường và tỉnh Long An, trong đó có trung đoàn 12 của sđ 7 bộ binh tham dự. Cũng vì chiến thắng vẻ vang này của trung đoàn 12, mà đại tá Đặng Phương Thành, trung đoàn trưởng, sau khi bị bắt do trốn trại tại miền Bắc năm 1976, đã bị đánh đập dã man tới chết. (Theo cựu ĐT Võ hữu Hạnh, cùng trại tù ở với ĐT Thành, ông Thành đã trốn trại với ba ĐT khác. Theo bà Kim Nguyễn, người thân của ĐT Thành cư ngụ ở Hoa Kỳ, thì ngày giỗ của ông là 09 tháng 09 năm 1976). 

B/ Giải thích các chú giải (legend) trên bản đồ:
Bản đồ số 1 trong sách The Vietnam War của David W. Elliott: Đường màu xanh lục là các kinh hay sông. Chạy dọc theo Kinh số 7 hương lộ (HL) 20 chạy từ quốc lộ 4 vô quận lỵ Hậu Mỹ. Trị Pháp  Đồng Tháp Mười đều là căn cứ địa (base area) của quân CSBV và MTGPMN. Căn cứ địa 20/7 ở phía nam QL-4, thuộc quận Sầm Giang. Hình thoi tượng trưng cho căn cứ quân sự của csbv, hình tam giác là trạm giao liên, các đường đứt khoảng là đường giao liên hay đường tiếp tế hay chuyển quân csbv. Bản đồ này cập nhựt tới năm 1975 nên khá chính xác.
Bản đồ số 2: Đường màu xanh lá là Kinh Bằng Lăng, đường màu tím là Kinh số 7. Hương lộ 20 chạy từ QL-4 đến quận lỵ Hậu Mỹ - quận này thành lập từ thời ông Diệm, nằm ở ngã tư Kinh số 7 và Kinh Tổng đốc Lộc, và tôi từng đóng quân ở quận lỵ này, với chợ quận chỉ còn khung sắt, vì bị CS phá hủy sau một trận đánh. Bản đồ in năm 1971 bởi Nha Địa dư VNCH tại Đà Lạt.
Bản đồ số 3: Kinh Tổng đốc Lộc, chạy qua đồn Ngã Sáu, là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Kiến Phong và Định Tường. Kinh Rạch Ruộng nối kinh Tổng đốc Lộc với sông Cửu Long.

C/ SAU ĐÂY LÀ BÀI VIẾT VỀ TRẬN ĐÁNH.
 
TĐ 2/10 sư đoàn 7 BB QLVNCH, mà tôi phục vụ, đã bị thiệt hại nặng vào ngày 11/3/1975 khi đi tiếp viện cho đồn Ngã Sáu (đồn này do tiểu đoàn 450 ĐPQ trú đóng với 2 khẩu 105 ly). Đồn có tên như trên vì là nơi 3 con kinh giao nhau gồm các Kinh Tổng đốc Lộc, Kinh số 5Kinh Hai Mươi Tám, xem bản đồ, đã bị quân CSBV tấn công cùng ngày.
Sáng ngày hôm đó, chúng tôi nhận tiếp tế tại một địa điểm trên hương lộ (HL) 20, một con lộ đất chạy cặp theo Kinh số 7, và đi từ QL-4 vào quận lỵ Hậu Mỹ -- quận lỵ này thành lập từ thời TT Diệm, có nhà lồng chợ ko còn mái che sau một cuộc tấn công của CS, và nằm ở giao điểm của Kinh số 7 và Kinh Tổng đốc Lộc. Sau đó chúng tôi đã đi bộ một khoảng trên HL này trước khi vượt kinh số 7. Tôi còn nhớ đại úy Hồ Bé, TĐ trưởng, một người rất vui vẻ cởi mở, mới coi TĐ được vài tháng, nguyên trước đây từng là đại đội trưởng hay trưởng ban 3 của TĐ 11 BĐQ của đại úy Vương Mộng Long (sau này lên thiếu tá), đã nói với tôi: Hôm nay tụi mình đi picnic.
Sau khi vượt Kinh số 7, TĐ tiến về hướng tây để đến đồn Ngã Sáu. Đại úy Bé, có lẽ do tin tức tình báo của ta về lực lượng địch không đầy đủ hay do lịnh của trung đoàn 10 bảo ông phải gấp rút tái chiếm đồn Ngã Sáu trước khi địch quân dùng đại bác 105 ly của đồn để bắn phá các vị trí quân sự của VNCH trong khu vực, nên ông đã chủ quan khinh địch khi cho TĐ di chuyển giữa ban ngày trên một địa thế trống trải, với các ruộng lúa đã gặt xong, nước lấp sấp với nhiều mương nước ngang dọc. TĐ gồm 5 đại đội tiến quân làm hai mủi hay hai cánh quân: Một cánh quân, còn gọi là cánh A hay cánh Alpha do TĐ trưởng chỉ huy, gồm hai đại đội tác chiến và đại đội chỉ huy (CH); cánh thứ hai còn gọi là cánh B hay cánh Bravo, do TP phó chỉ huy, gồm hai đại đội tác chiến. (Thông thường là như vậy, nhưng nếu một đại đội trưởng cứng cựa, đại đội của ông có thể đi solo, hoạt động độc lập, cách TĐ vài km, như đại đội 1 của TĐ 11 BĐQ của trung úy Vương Mộng Long - người viết). Khi tiến gần đám vườn tược rậm rạp ở bờ đông của Kinh Bằng Lăng, đại đội đi đầu của cánh A bị chận đứng bằng cối 81 ly và sau đó là đại liên 12.8 ly. (Theo bản đồ do Nha Địa dư Quốc gia VNCH tỉ lệ 1/150.000 in năm 1971, mà tôi đặt mua gần đây từ VN, Kinh Bằng Lăng cũng là ranh giới giữa hai quận Giáo Đức và Cái Bè, và nơi chúng tôi bị chận đánh thuộc Xã Mỹ Thiện của quận Cái Bè -- một cái tên rất đẹp nhưng nay là chiến trường đẫm máu của đôi bên. Trận đánh diễn ra chỉ cách quận lỵ Hậu Mỹ khoảng 7.5 km về phía tây nam, nghĩa là trong tầm đại bác 105 ly của quận lỵ này. Nếu chúng tôi vượt qua kinh Bằng Lăng thì sẽ đi ngang xã Mỹ Đức Tây trước khi gặp Kinh Tổng đốc Lộc). 
Khi thấy địch dùng súng 12.8 ly, tôi biết địch chuẩn bị xung phong vì chúng bắn sát đất để ta ko dám ngóc đầu lên quan sát; khi thiết kế, 12.7 ly là súng phòng không, nhưng sau đó được dùng để bắn bộ binh với sức tàn phá rất lớn do đạn nổ khi chạm mục tiêu, xem hình. 
                                   

Là sĩ quan ban 5, tuy ko chỉ huy lính, tôi ko nằm mẹp xuống đất để tránh đạn mà chồm đầu lên quan sát. (Nói thêm: trong sđ 7 bộ binh, chỉ có trưởng ban CTCT hay ban 5 của các TĐ thuộc trung đoàn 10 mới đi theo TĐ hành quân, còn ở trung đoàn 11 và 12, ban 5 ở hậu cứ. Vì ở đv tác chiến, tập hợp một đại đội để binh sĩ tập ca hát những bài ca chính huấn, v.v... rất nguy hiểm, vì dễ bị pháo kích hay tấn công, do vậy trưởng ban 5 ko thể làm gì trong lúc TĐ hành quân. Trừ lúc TĐ về căn cứ Đồng Tâm để dưỡng quân -- người viết). Nhờ vậy tôi mới thấy địch quân xuất hiện dầy đặc, hàng hàng lớp lớp ở hông phải của TĐ: các thành phần giữ mặt này, do địa thế trống trải (ruộng cạn nước, chỉ có một ít mương dẫn nước), đã ko thể cầm cự lâu dài và từ từ rời bỏ vị trí và rút về phía trái, nghĩa là nhập vào cánh A. Cánh A trở nên tuyến đầu trong đó có đại đội chỉ huy, phần lớn là lính chuyên môn, nên cũng phải rút chạy về phía trái. Cũng may phía bên trái của hướng tiến quân có nhiều mương nước, vườn tược, nhà dân nên TĐ đã dựa vào đó để chống trả. Ảnh: Một hầm chống pháo trong nhà dân, thường thấy trong vùng hành quân ở vùng 4 chiến thuật: do vùng này, đào nửa thước là có nước, nên phải hầm nổi.
                                              
Một hầm chống pháo trong nhà dân, thường thấy trong vùng hành quân ở vùng 4 chiến thuật: do vùng này, đào nửa thước là có nước, nên phải hầm nổi.

Không quân từ Cần Thơ đã gửi máy bay A-37 và F-5 và pháo binh ở Hậu Mỹ và Cái Bè, v.v... đã yểm trợ đắc lực cũng như sự chống trả dũng cảm của mọi người trong TĐ, nên đã gây thương vong cho đối phương rất nhiều. Tôi còn nhớ, một số cán binh csbv, đi chân trần để chạy nhanh, do bị thương nặng đã lết theo chúng tôi và lạy lục "xin các ông cứu chữa và cho chúng con đi theo". Tôi đã chửi chúng "chúng tao lo lính chúng tao ko nổi, huống hồ lo cho bọn bây". TĐ đã cố gắng cầm cự, chờ đến khi trời tối mịt, chỉ để lại một trung đội tử thủ, bắn cầm chừng, còn bao nhiêu rút về quận lỵ Hậu Mỹ gần đó, sau khi vượt Kinh số 7. Ngày hôm sau, từ quận lỵ Hậu Mỹ, TĐ được trực thăng bốc về căn cứ Đồng Tâm
Lúc đó vì binh sĩ của TĐ đã mất tinh thần nên khi máy bay đến, họ tranh nhau lên trực thăng, ngồi chật máy bay và vì tôi là kẻ lên sau cùng, nên phải ngồi vắt vẻo trên sàn trực thăng, bỏ chân ra ngoài. Trực thăng liền bốc nhanh lên cao để tránh đại liên 12.8 ly và hỏa tiển SA-7: gió mạnh đã bắt đầu hút tôi ra bên ngoài, nhưng may mắn thay, có kẻ nào đó ngồi sau tôi nắm dây ba chạc của tôi để giữ tôi lại; tôi nghĩ, lúc đó, chỉ cần một loạt đại liên 12.8 ly hay một hỏa tiển SA-7 bắn lên là tôi rơi xuống ở độ cao mấy trăm mét vì các binh sĩ lúc đó sợ hãi và ko thể giữ giây ba chạc để cứu tôi -- và tôi sẽ ko còn trên cõi đời để viết bài này.
Mấy ngày sau, tại căn cứ Đồng Tâm, tôi nghe kể lại khi đại đội trinh sát 7 vào tìm xác thì thấy các sq đều bị bắn bể đầu; và do trời nóng, lại có nước lấp xấp, nên các thương tích đều hóa giòi. Kết quả của trận đánh: nhiều sq đại đội trưởng và trung đội trưởng, một số là bạn tôi như đại úy Khánh (ông này có thói quen uống bia với trứng gà, gia đình ở thị xã Bến Tre), v.v... đã tử trận và bị thương hay mất tích; một số lớn hsq, bs tử trận, bị thương, hoặc mất tích. Trung sĩ Hùng, HSQ quân số của TĐ, cũng là bạn tôi, bị thương nhẹ và bị CS nhốt dưới hầm, nên đã được đại đội trinh sát 7 cứu. Tại căn cứ Đồng Tâm, sau khi được tái trang bị và bổ sung quân số, TĐ đã tổ chức một số cuộc hành quân nhỏ cho tới ngày 30.4.75. 
Riêng tôi, khoảng hạ tuần tháng 4/75, khi nhận lịnh của Khối CTCT sư đoàn, tôi về họp ở BTL sư đoàn tại căn cứ Đồng Tâm. Dịp đó, chúng tôi đã được Khối CTCT chiếu phim Chúng Tôi Muốn Sống. Vì chưa có chuyến tiếp tế ra hành quân, tôi đón xe đò từ hậu cứ của TĐ ở Bến Tre đi về SG. Trên đường từ ngã ba Trung Lương về SG, tôi thấy rất nhiều xe M-113 đậu trên ruộng, chỉa súng vào các cánh đồng hai bên đường. Khi về nhà, tôi đi phố Lê Lợi nên mua được tuần báo Paris-Match số 1352 phát hành ngày 26.4.75, có bài phỏng vấn ĐT Đặng Phương Thành. Sau đó nghe tin Dinh Độc Lập bị oanh kích. Lúc đó hãng K-Line của Nhật mà ba tôi làm đại diện tại VN đã khẩn hoảng yêu cầu cả gia đình gồm con cháu nội ngoại di tản bằng thương thuyền lớn của họ ra khỏi nước để sang Nhật. Vì tài sản của ba tôi quá nhiều, và ko nghĩ rằng miền Nam dễ dàng sụp đổ, cũng như chưa có kinh nghiệm về CS (ba tôi từ Quảng Bình vào nam lập nghiệp từ đầu thập niên 1940) nên ba tôi ko chịu nghe lời họ, dù anh em tôi mỗi người đã chuẩn bị một va li để sẵn sàng di tản. 
Mãi đến sáng ngày 30.4 khi ông sáu Bé ở đường Pasteur SG gọi phone báo tin xe tăng VC chạy ngang nhà ông, gia đình tôi mới biết rằng miền nam đã sụp đổ hoàn toàn.
Vì nhà tôi rất lớn và ba tầng nên một đại đội quân CSBV đã đóng quân ở tầng 3 trong nhà tôi cả tuần. Nói chuyện với họ, tôi biết họ từng chiến đấu với sđ 7 bộ binh, họ nói sđ 7 hay đánh đêm. (Sđ 7 đã áp dụng chiến thuật này để tránh thiệt hại khi tiến quân trên địa thế trống trải. Hồi thời đại úy Nguyễn Nam làm TĐT ổng hay đánh đêm. Trước khi tấn công vào mục tiêu, chúng tôi dừng quân nghỉ ngơi ở xa mục tiêu. Chờ khi tối đến, sẽ có xe chở gần mục tiêu và bắt đầu đi bộ đến mục tiêu. Nhờ đánh đêm chúng tôi ít bị pháo kích hay bắn sẻ). Tôi rất buồn rầu, ko biết tương lai sẽ về đâu, và tới giữa tháng 6/75, đã trình diện tại Trường Kiến trúc.
19 năm sau, năm 1994, khi qua Mỹ theo diện HO, sau gần 6 năm tù từ Nam ra Bắc, tôi đã đặt mua số báo này trên Amazon của Pháp và phổ biến bài này trên báo chí hải ngoại. 
Theo hồi ký của các cựu chiến binh cũng như quân sử của sđ 8 csbv, đây là lần đầu tiên tại quân khu 4, họ đã mở một trận đánh cấp sư đoàn để tấn công đồn kinh Ngã Sáu, và nhằm mục đích cầm chân và tiêu hao lực lượng của QK 4 để không thể tiếp cứu các QK khác sau khi Ban Mê Thuột bị tấn công và thất thủ. Nếu tôi ko lầm, trận đồn Ngã Sáu Bằng Lăng là trận lớn nhứt tại QK 4 ngay sau khi quân csbv nổ súng vào Ban mê Thuột. Trận đánh lớn kế tiếp là trận trung đoàn 12 của sđ 7 giải tỏa QL 4 ở Bến Tranh và Long An trong tháng 4.1975. Có nhiều báo chí quốc tế đặc biệt là Paris-Match đã làm phóng sự về trận đánh và phỏng vấn trung đoàn trưởng là đại tá Đặng phương Thành. Tôi là người đầu tiên ở hải ngoại dịch bài phóng sự này của Paris-Match và đưa lên báo chí hải ngoại. 
Tôi viết bài nầy, để tưởng nhớ rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh trong trận đánh. Hơn nữa, để giúp cho thế hệ mai sau* biết được có một trận đánh lớn như vậy tại QK 4 mà báo chí Việt Nam ở hải ngoại chưa thấy ai thấy nhắc tới. Tôi biết nhà báo Vương Hồng Anh đã viết nhiều bài về sđ 7 nhưng chưa thấy ông đề cập đến trận đánh này. Tôi mong sẽ được nhiều ý kiến phản hồi hay đóng góp cho bài này.
* Một số quân nhân của TĐ 2/10 hay TĐ 3/11 của sđ 7 bộ binh sống sót sau trận này, sau khi đi tù hay vượt biên, hiện ở Mỹ hay các nước khác, vì quá buồn hay mặc cảm nên đã ko viết về trận đánh này.
D: Theo hồi ký của các cựu binh CSBV cũng như quân sử của sđ 8 csbv tham chiến, trung đoàn 24 có nhiệm vụ tấn công đồn Ngã Sáu (do TĐ 450 ĐPQ trấn đóng) lúc 5 g sáng ngày 11.3, và chiếm lúc 18 g cùng ngày. Cùng ngày, trung đoàn 320, có nhiệm vụ đả viện, đã đụng độ mạnh với TĐ 2/10 sđ 7 bộ binh tại xã Mỹ Thiện, quận Cái Bè. Ngày 13/3, TĐ 3/11 cũng của sđ 7 từ hướng đông bắc đã tái chiếm đồn Ngã Sáu nhưng bị trung đoàn 207 csbv, trừ bị của sđ 8 cs đánh bật. 
Chiến sự ác liệt đã kéo dài trong các ngày 11, 12, 13, và 14/3/75, đã "gây thiệt hại nặng cho TĐ 450 bảo an (ĐPQ) tại đồn Ngã Sáu và TĐ 2 trung đoàn 10 sđ 7 bộ binh, gây tiêu hao cho TĐ 453 bảo an (ĐPQ) và TĐ 3 trung đoàn 11 sđ 7 bộ binh, tiêu diệt 285 địch, làm bị thương 313 tên, bắt sống 55 tên. Chúng ta có 128 đồng chí tử trận và bị thương..." Nguồn: Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng - Trang thông tin của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang (vannghetiengiang.vn)

E: CẬP NHẬT: Theo một thông tin khác của CSBV thì: ... "Trung đoàn 24 giỏi về chiến thuật đánh cường tập, nhiều kinh nghiệm diệt địch trong công sự vững chắc, thực hành trận đánh then chốt số 1, chiến đấu ngoan cường suốt 18 tiếng đồng hồ, dứt điểm căn cứ Ngã Sáu.

Lần đầu tiên trong lịch sử chống Pháp và Mỹ ở Quân khu 8 ra quân công đồn tiêu diệt địch cấp tiểu đoàn, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 2 khẩu pháo 105 mm và 1 hầm đạn pháo. Trung đoàn 320 có sở trường vận động chiến đấu, thực hành trận đánh then chốt thứ 2, phục kích tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn chủ lực đối phương (ý nói TĐ 2/10 sđ 7 VNCH -- người viết), trên cánh đồng Bằng Lăng. Bị thua rất đau, đối phương tiếp tục điều động 1 tiểu đoàn chủ lực (có lẽ là một TĐ của trung đoàn 10 sđ 7 VNCH -- người viết) hòng tái chiếm căn cứ Ngã Sáu đã bị Trung đoàn 207 (đây là trung đoàn trừ bị của sđ 8 bộ binh csbv -- người viết) đánh cho tơi tả, tháo chạy thoát thân. Trung đoàn 207 tiếp tục nổ súng tiến công dứt điểm đồn ngã tư Thạnh Mỹ và kinh Nhất, giải phóng một loạt đồn bót từ Ngã Sáu đến kinh 3 Mỹ Điền. Mấy ngày sau, một tiểu đoàn địch (có lẽ là một TĐ của trung đoàn 11 bộ binh sđ 7 VNCH -- người viết) tái chiếm căn cứ Ngã Sáu. Lập tức Trung đoàn 207 bao vây tiến công giải phóng lần thứ 2. Từ đó Sư đoàn BB 8 đã giải phóng và làm chủ toàn bộ tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp B, mở rộng đợt hoạt động sang các vùng xung quanh Nam - Bắc đường 4 Mỹ Tho. Nguồn: https://vannghetiengiang.vn/news/Chinh-tri/Chien-thang-Nga-Sau-Bang-Lang-Niem-tu-hao-cua-Su-doan-Bo-binh-8-8452 của CSBV

=====================
Viết xong tại San Jose ngày 20.12.10 lúc 10:49pm, và cập nhựt ngày 6 tháng 4 năm 2024, để kỷ niệm 49 năm ngày diễn ra trận đánh này. 


1 comment:

  1. Nên đặt tựa bài này là

    Trận Đánh Gần Kinh Ngã Sáu Ngày 11/3/1975

    Cám ơn đã kể lại trận đánh này


    ReplyDelete