Mỹ tạm ngừng chính sách xoay trục về châu Á?
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Ba, ngày 13 tháng 10 năm 2015 | 13.10.15
Chính sách xoay trục đã không thể buộc Mỹ hướng sự quan tâm tới Thái Bình Dương một cách thỏa đáng và lâu dài.
Trang mạng National Interest ngày 12/10 đã đăng bài viết nhận định chính
sách xoay trục của Mỹ về châu Á đang bị “tạm ngừng” sau 4 năm triển
khai.
Bốn năm trước, vào tháng 10 và tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Barack
Obama, sau đó là Ngoại trưởng Hillary Clinton và tiếp theo nữa là Cố vấn
An ninh Quốc gia Tom Donilon, thông qua một loạt bài phát biểu và bài
luận được dàn dựng công phu, đã công bố chiến lượng xoay trục của Mỹ về
châu Á.
Tại Canberra, Tổng thống Obama đã đứng trước Quốc hội Australia và tuyên
bố: “Sau một thập niên chúng ta sa vào những cuộc chiến tranh khiến
chúng ta hao tổn rất nhiều sinh mạng và tiền bạc, Mỹ sẽ tập trung chú ý
đến tiềm năng khổng lồ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.”
Ngày nay, chính sách xoay trục về cơ bản đã được ngả hết các quân bài.
Binh sỹ mới của Mỹ đang có mặt ở Darwin, Australia, và những đường dây
liên lạc giữa Washington và Bắc Kinh đã được thiết lập tại những cuộc
gặp kiểu như Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tiến triển, tất cả
đều là nhờ công lớn của chính quyền Obama. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn một
chút sẽ thấy chính sách xoay trục đã không thể buộc Mỹ hướng sự quan tâm
tới Thái Bình Dương một cách thỏa đáng và lâu dài.
Cái mà ông Obama gọi là “tiềm năng khổng lồ” cho nước Mỹ tại châu Á hầu
như vẫn chưa được biến thành hiện thực, và Trung Đông vẫn choán phần lớn
tâm trí của Washington.
Trong 2 năm tới, chính sách của Mỹ tại châu Á, và đặc biệt là quan hệ
Mỹ-Trung, có lẽ sẽ ở trạng thái “đứng yên.” Trong năm bầu cử 2016,
Washington sẽ tập trung vào chính sách đối nội trong khi Bắc Kinh sẽ tập
trung ổn định nền kinh tế và chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ 19
vào năm 2017.
Cũng trong 2 năm tới, cách tiếp cận của Mỹ tại châu Á nhiều khả năng sẽ
chỉ tránh để không bị xấu đi. Tuy nhiên, đây là một việc không dễ dàng
bởi lẽ những nhân tố có thể bất ngờ làm leo thang căng thẳng an ninh khu
vực đang nhiều hơn bao giờ hết.
Một ví dụ là số lần máy bay Nhật Bản phải đối phó với máy bay của Trung
Quốc ở gần không phận của Nhật Bản là hơn 450 lần trong năm ngoái, tăng
so với mức chưa tới 50 lần hồi năm 2009.
(Vietnam+)
No comments:
Post a Comment