NGUỒN : e24.com.vn/?m=newsdetail&q=17&id=157
Thời gian gần đây , trong lúc lang thang trên mạng để tìm thông tin về trận đánh đồn Ngã Sáu vào ngày 11.3.75 , tôi được biết trung đoàn 24 của CSBV đã tấn công đồn này và 1 trong 2 trung đoàn 207 và 320 CSBV đã phục kích tiểu đoàn 2/10 sư đoàn 7 bộ binh VNCH (mà tôi phục vụ) , trên đường đi tiếp viện cho đồn này , gây thiệt hại nặng cho TĐ tôi .
Khi vào website của trung đoàn 24 , ở mục "Đồng đội ơi" , tôi thấy có bài "Miếu thờ những ông Thành hoàng đội mũ cối " : một cái tựa khá lạ lùng . Tò mò , tôi đã đọc và biết trên 200 bộ đội thuộc trung đoàn 207 bộ đội miền Bắc , vừa mới xâm nhập vào Nam , đã chết vì "bị (trực thăng) đổ chụp " tại một rừng tràm ở Mộc hóa , Kiến tường . Vì thấy có nhiều thông tin cần thiết cho người trong cuộc từ cả hai phía nên tôi xin được đăng lại dưới đây .
(Xin nói thêm , thời gian xảy ra trận "bị đổ chụp" này thì tôi ko có mặt tại đơn vị (hình như tôi đi họp ở BTL Sư đoàn tại căn cứ Đồng Tâm hay tại Tr.Đoàn , ko nhớ rõ) , chỉ nghe lính kể lại là TĐ đã được trực thăng vận đến 1 địa điểm ở Đồng tháp Muời để tấn công đối phương (đang đóng quân giửa rừng tràm ) mà trước đó trực thăng đã xạ kích dữ dội . Sau khi nhảy xuống , kể cả mấy anh "đít đen" (mang nồi to và đen để nấu cơm cho cả tiểu đội) cũng thu được súng . Nay đọc lại bài " Miếu thờ những ông . . . " thì tôi thấy có sự trùng khớp .
Và lạ lùng thay , đến ngày 11.3.75 , TĐ tôi có lẽ đả "gặp lại " trung đoàn 207 tại cánh đồng trống kế kinh Bằng Lăng . Và lần này thì TĐ tôi gần như tan hàng , với trên dưới 100 SQ , HSQ và BS bị tử thương ; ko kể số bị thương và mất tích . (Tôi có đăng trên blog của tôi) .
Tôi đăng lại bài " Miếu thờ nhửng ông Thành hoàng . . . " dưới đây , nhằm đốt nén hương lòng cầu nguyện cho những người đã chết từ cả hai phía . Không ai muốn xa gia đình hay vợ con để đi chiến đấu xa nhà . Họ ra đi vì thực thi nghĩa vụ quân sự (miền Bắc) hay vì quân dịch (miền Nam) . Họ phải tuân lịnh cấp trên và khi gặp đối phương thì phải giết nếu ko muốn bị giết . - - Tài .
b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b b
Bài đầu tiên của chuyên mục này, E24.com xin trân trọng giới thiệu một bài viết về một địa danh thảm khốc, nơi hơn hai trăm con người, phần lớn là sinh viên Đại học Xây Dựng Hà Nội, trong một ngày ( 3/10/1973 tại khu vực Đá Biên – Mộc Hóa – Kiến Tường nay là ấp Đá Biên – xã Thạnh phước – huyện Thạnh hóa – Tỉnh Long An) đã mãi mãi nằm lại trên vùng trũng Tháp Mười mà lính ta quen gọi nơi ấy là CÁNH ĐỒNG CHÓ NGÁP! Bài viết do anh Nguyen Hoai Nam gởi đến quản trị E24 qua Email, với tựa đề: MIẾU BẮC BỎ VÀ NHỮNG ÔNG THÀNH HOÀNG ĐỘI MŨ CỐI. Tuy nhiên, tựa đề này đau quá, mặc dù nó là cái tên gần như chính xác cho tới thời điểm này... (Xem thêm trong comment) . Tôi, và các anh em CCB đều muốn đổi tên bài viết thành: Miếu thờ NHỮNG ÔNG THÀNH HOÀNG ĐỘI MŨ CỐI. Tôi đã Email cho Hoài Nam về việc đổi tên bài viết này cho nó... nhẹ hơn. Chắc là tác giả cũng hiểu cho tấm lòng những người lính CCB Miền Bắc như chúng tôi! Mong rằng sau bài viết này, E24 sẽ tiếp nhận nhiều bài viết của các đ/c Cựu chiến binh và các bạn, để những khoảng khắc ấy sẽ sống mãi, là lời nhắn gởi sẻ chia với các gia đình Liệt sĩ và là lời nhắn nhủ với thế hệ trẻ khi nghĩ về cuộc sống thanh bình hôm nay... (Nguyễn Mạnh Bình)
Miếu thờ NHỮNG “ÔNG THÀNH HOÀNG” ĐỘI MŨ CỐI
Kính dâng hương hồn các Liệt sĩ Trung đoàn 207 khu 8 hy sinh ngày 3/10/1973 tại khu vực Đá Biên – Mộc Hóa – Kiến Tường nay là ấp Đá Biên – xã Thạnh phước – huyện Thạnh hóa – Tỉnh Long An.
Nhân kỷ niệm 64 năm ngày thương binh liệt sỹ, theo chân gia đình Liệt sĩ Nguyễn Văn Tế và đồng đội của Trung đoàn 207 đi tìm hài cốt Liệt sĩ, tôi vô tình biết được giữa mênh mông vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười có một ấp không ai dám nói dối và có những “Ông thành hoàng” đội mũ cối…
NHÂN CHỨNG SỐNG
Ông Ba Thi (Phan Xuân Thi- nguyên là cán bộ Trinh sát Trung đoàn 207, Quân Khu 8 cũ ) nay là Trưởng ban liên lạc bạn chiến đấu và CCB Trung Đoàn đưa chúng tôi đi tìm lại chiến trường xưa nơi Trung đoàn 207 đã có một trận chiến đấu oanh liệt kể lại: Tháng 10 năm 1973, đơn vị ông nhận nhiệm vụ bí mật luồn sâu xuống Đồng Tháp Mười thuộc (vùng 8 Kiến Tường cũ). Đêm ngày 3 tháng 10, trung đoàn Triển khai đội hình hành quân từ Mỏ Vẹt (giáp biên giới Căm Pu Chia) bí mật vượt sông Vàm cỏ tây đến Ấp Đá Biên Huyện Mộc Hoá, nay thuộc Huyện Thạnh Hoá Tỉnh Long An thì trời vừa sáng nên phải ém quân vào một rừng tràm để nghỉ . Do hành quân bộ suốt đêm giữa đồng nước, bộ đội mệt mỏi rã rời, rừng tràm nhỏ, thưa thớt không đủ che giấu đoàn quân. Anh em phần lớn là tân binh mới nhập ngũ từ trường Đại học Xây Dựng Hà Nội mới bổ sung về đơn vị trước đó 2 ngày chưa quen chiến trường đồng nước, chưa có kinh nghiệm chiến trường nên giăng võng, phơi quần áo lên cây tràm nên bị máy bay trinh sát của địch phát hiện. Ngay lập tức chúng huy động 12 chiếc trực thăng bao vây bắn xối xả xuống trận địa và ồ ạt đổ quân và xe tăng M113 ập vào hòng bắt sống sở chỉ huy Trung Đoàn. Trước tình thế hiểm nguy đơn vị đã nhanh chóng triển khai chiến đấu với tinh thần cảm tử, bắn cháy 1 máy bay trực thăng tiêu diệt nhiều tên địch mở đường máu đưa được sở chỉ huy Trung đoàn thoát khỏi vòng vây của địch an toàn. Các chiến sỹ cảm tử quân (chủ yếu là tiểu đoàn 1) đã bám sát trận địa, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, nhưng vì địa hình phức tạp, bị tập kích bất ngờ, lực lượng chiến đấu không cân sức , anh em đã anh dũng hy sinh hơn 200 đồng chí.. Những ngày sau đó địch tiếp tục đưa trực thăng tới quần đảo tại khu vực này nhằm tiêu diệt bất cứ mầm sống nào còn sót lại trên cánh đồng hoang vu mênh mông nước, chúng cho quân canh giữ không cho ta lấy tử sỹ. 12 ngày sau đại đội trinh sát cùng với lực lượng địa phương mới tổ chức được lực lượng đưa quân vào tìm đồng đội. Chỉ duy nhất 1 đồng chí cán bộ bị thương nặng, được bà con cấp cứu thuốc men, giấu ngoài đồng hàng đêm đưa cơm ra nuôi sau này đưa về đơn vị chiến đấu (đồng chí này nay vẫn còn sống). Giữa cánh đồng xác các anh nổi lên đồng đội phải dùng màn để vớt vì cánh đồng ngập nước không có đất chôn nên các anh phải bó lại treo lên, hoặc cột chặt vào cây tràm để mùa khô đồng bào chôn giúp. Giao cho địa phương xong đơn vị lại tiếp tục hành quân vào trận chiến mới. Rồi chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi chiến tranh biên giới tây nam. Theo yêu cầu nhiệm vụ mới Trung đoàn 207 giải thể, khu 8 sát nhập khu 9, Tỉnh Kiến Tường sát nhập vào Tỉnh Long An, Long An sát nhập vào Quân Khu 7 … Mới đó đây mà đã 38 năm…
Ngồi trước chúng tôi là một người phụ nữ nhỏ bé đã ngoài 60 tuổi đó là bà Hai Đấu nguyên tỉnh ủy viên tỉnh Kiến tường nguyên huyện ủy viên huyện Mộc hóa trưởng phòng TBXH huyện Mộc hóa. Khi chưa thành lập tỉnh Long An, chưa phân huyện thì vùng Thạnh hóa vẫn thuộc về Mộc hóa và chính bà đã phụ trách vùng này. Chúng tôi tìm đến nhà bà trong cơn mưa tầm tã. Biết chúng tôi đi tìm thân nhân liệt sỹ hy sinh trong trận rạch Đá Biên đêm ngày 3 tháng 10 năm 1973 bà cho biết chính bà đã cùng du kích nhiều đêm chèo xuồng tìm thương binh, liệt sĩ hy sinh trong trận đó nhưng không gặp ai sống sót. Sau này do công tác bà không có điều kiện để quay lại để tìm hài cốt các anh nhưng trong lòng vẫn đáu đáu nỗi đau. Đến năm 1992 khi về làm trưởng phòng TBXH huyện bà đã cùng 4 cán bộ đi xuồng về chiến trường cũ. Lúc này sau hòa bình nhân dân đã về vùng này khai hoang trồng lúa sống chung với lũ. Khi gặp hài cốt liệt sĩ phần thì không phân biệt được ai với ai, phần thì hài cốt thì nhiều nên nhân dân đã chôn chung các anh với nhau. Khi đi truy tập bà đau lòng quá mà không biết làm sao nên đành đưa các anh về chôn chung thành ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang Mộc hóa. Nói chuyện với chúng tôi mà nỗi đau xót còn hiện trên gương mặt bà, nước mắt bà chảy giữa cơn mưa tầm tã của vùng rốn lũ…
MIẾU BẮC BỎ VÀ NHỮNG ÔNG THÀNH HOÀNG ĐỘI MŨ CỐI
Dừng chân tại đầu cầu 79, chúng tôi gửi xe để thuê ghe máy đi vào chiến trường cũ của Liệt sĩ. Trên cầu anh Ba Thi chỉ cho chúng tôi xa xa là rạch Đá Biên, nơi đơn vị hành quân về và bị tập kích bất ngờ. Nghe chúng tôi đi tìm ghe mà nói giọng Bắc người đàn ông địa phương hỏi ngay có phải chúng tôi tìm vào miếu Bắc bỏ không? Anh Ba Thi hỏi sao gọi là miếu Bắc bỏ? Ông ta trả lời dân vùng này ai không biết miếu đó, đó là miếu dân địa phương tự lập ra thờ những người bộ đội miền Bắc chết bỏ xác tại đó nên có tên như vậy. Chúng tôi thuê ghe máy chạy chừng 3km tính từ chân cầu 79. Dòng kênh này năm 1979 mới đào nên có tên vậy. Đang chạy ngon trớn, chiếc ghe máy bỗng giảm tốc rồi rẽ sang bên phải, hai bên dòng kênh nhỏ dần, xung quanh tràm mọc san sát. Càng chạy tầm nhìn càng bị cản trở vì bây giờ chỉ còn tràm và tràm. Chạy khoảng 10 phút tài công cho ghe ghé vào một gò đất. Nền đất được đắp nổi xung quanh 4 bên là các dòng kênh. Trên nền là một chòi lợp tôn đơn sơ, giữa chòi là một tấm bia xây bằng gạch đỏ chẳng tô trát gì. Trên vách là lá cờ đỏ sao vàng. Bên dưới tấm bia là bát nhang và ly, dĩa. Trên nền xi măng là dòng chữ HY SINH GÌ (VÌ) TỔ QUỐC và ngày tháng lập bia. Nhìn cảnh tượng trên giữa mênh mông rừng tràm có lẽ kí ức xưa kia hiện vể anh Ba Thi gục đầu khóc nấc lên: các đồng chí ơi, đau xót quá 40 năm rồi vẫn cứ nằm đây chẳng ai quan tâm. Vừa khóc anh vừa đập đầu xuống nền đất làm cả đoàn không ai cầm được nước mắt, nhìn nhau ai cũng nước mắt rưng rưng …Thấy chúng tôi ghé lên miếu, vợ chồng anh chị Tư Tờ - người đã hiến hơn 200m đất lập miếu và là “thủ từ” lâu nay cũng chạy ghe lại. Rồi chúng tôi cùng nhau sắp lễ dâng lên các anh. Đồ lễ thì thật đơn giản nhưng khi vợ Tư Tờ khấn: các ông ơi về nhận lễ này, đồng đội tới thăm đây, gia đình tới thăm này, có ai nhận ra thân nhân thì theo về chứ cứ than không biết đường về hoài thì anh Ba Thi lại òa lên khóc. Có lẽ trận chiến với hơn 200 đồng đội hy sinh vẫn là nỗi đau trong lòng không thể nguôi ngoai của người cựu chiến binh này…
Sau khi thắp nhang cho các anh xong chúng tôi hỏi anhTư Tờ về hoàn cảnh lập miếu, Tư Tờ nói: thôi các anh đã tới đây thì ghé nhà tôi nói chuyện, sẵn tôi làm bữa cơm mời mấy ảnh liệt sỹ cùng về uống rượu luôn. Nói xong hai vợ chồng Tư Tờ thắp nhang khấn: sẵn có đồng đội tới thăm tôi làm mâm cơm, có chén rượu các anh ghé nhà tôi luôn nha. Nghe Tư Tờ nói khơi khơi vậy mà thái độ chân thành làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên.
CHÚ THÍCH : Các hình dưới , chỉ chụp trong vài năm trở lại khi các CCB đi thăm đồng đội , do tôi lấy từ trên mạng và chú thích .--- Tài .
Ảnh trên và dưới : Cù lao Đá Biên mà trên 200 bộ đội - SV Xây dựng Hà Nội đã chết trong 1 buổi sáng . |
Nhà ông Tư Tờ |
Cánh đồng lúa nơi có có cù lao Đá Biên |
CẦU KÊNH 79 |
ÔNG BA THI , CCB TRINH SÁT CỦA TR.ĐOÀN 207 , NGƯỜI SỐNG SÓT TỪ TRẬN ĐÁNH NÀY . |
BIẾN NGÀY GIỖ LIỆT SỸ THÀNH NGÀY HỘI CỦA LÀNG
Năm 1974, sau khi vùng này hòa bình, Tư Tờ cùng gia đình về sống lại tại vùng này. Lúc đó còn nhỏ, Tư Tờ thích nón cối nên chống xuồng đi tìm đồ của bộ đội. Không ít lần đi tìm, Tư Tờ gặp phải hài cốt Liệt sĩ, khi ít xương, lúc cái sọ. Còn nhỏ quá nên Tư Tờ cũng chỉ biết bỏ chạy khi gặp cảnh đó. Theo Tư Tờ hài cốt còn nhiều lắm. Sau năm 1975, hòa bình lập lại dân ngày càng về sống tại đó đông hơn. Rồi người ta đốn tràm làm ruộng, lúc cày ruộng gặp rất nhiều hài cốt bộ đội dân chỉ biết gom lại chôn chung. Cũng có người như ông H. gom xương lại đốt nên bị hành điên dại mấy năm trời. Rồi chuyện các anh về báo mộng … Có gia đình bà B. đêm đêm nge tiếng gọi: Ông bà ơi có gì cho con ăn với, con đói lắm, con lạnh lắm, con còn nằm trên cây. Sáng ngày tỉnh mộng bà và gia đình ra tìm thì quả thật trên ngọn tràm vẫn còn gói hài cốt. Bản thân nhà Tư Tờ thì gặp hoài, lâu lâu các anh lại “nhập” vào cô con gái rồi than là đói, lạnh và không nhớ đường về quê. Có lúc nhậu chưa hết chai mang cất , các anh lại “giận” nói rằng đông vậy uống chưa ”đã” mà mang cất là sao…Rồi cô con gái bệnh, mang chữa hết viện nọ viện kia mà không hết, bí quá về khấn các anh thì quả nhiên con hết bệnh…Cứ vậy, người này đồn người kia, ai cũng nói các anh chết trẻ và chết vì Tổ quốc nên linh thiêng lắm nên Tư Tờ tự xây miếu để thờ. Lần thứ nhất che tạm bằng lá rồi có người cho tôn che tạm. Lần thứ hai mua gạch về xây thì các anh “bảo” nhỏ quá ở không đủ lại đập đi mua gạch xây lại lần ba cho tới giờ. Tôi nhìn nhà Tư Tờ, cả nhà “không có cục gạch chọi chim” vì động cơ gì mà người đàn ông này 3 lần dựng miếu thờ Liệt sĩ? Tư Tờ cười hồn nhiên: không phải riêng nhà tôi, cả khu này nhân dân thờ các ảnh như “thần hoàng”. Hằng năm cứ ngày các ảnh hy sinh (mồng 8 tháng 9 âm lịch) là nhân dân cả vùng ghé về. Có gì cúng nấy. Ai có cá, ai có gà, vịt có rượu thì tự mang tới. Trước là cúng các ảnh sau là xin các ảnh phù hộ cho làm ăn may mắn, không có bệnh tật. Rồi ở lại tự “hưởng lộc”, đàn ca cho các ảnh nghe thâu đêm. Vui lắm!!!
Và đặc biệt theo Tư Tờ, dân vùng này không biết nói dối. Trước đây ai mới tới mà không biết, lỡ nói dối nói trá, các ảnh “hành” cho hư máy móc hoặc bệnh tật. Dân ở đó nếu có gì chỉ cần thề “nếu nói sai lính bắt” là ai nấy đều sợ. Lâu dần thành quen nên dân ở đây sống thật bụng, không dám dối trá. Và không ai bảo ai, tự mọi người coi các anh là những ông thành hoàng luôn bảo vệ cuộc sống nhân dân vùng này.
Ngồi giữa mênh mông rừng tràm, nghe những người nông dân chân chất nói chuyện mà tôi thấy lâng lâng trong lòng. Không hiểu có phải vì quá yêu quí các anh, tôn trọng sự hy sinh của các anh cho Tổ quốc mà nhân dân nói quá lên như vậy, hay vì sự hy sinh của các anh quá linh thiêng nên các anh đã được Trời đất phong Thánh. Những vị Thánh rời bỏ bút nghiên, Hy sinh tuổi thanh xuân cho quê hương mãi được bình yên. Và dù các anh đã được qui tập về nghĩa trang hay vẫn còn nằm đâu đó trên cánh rừng tràm thì với Nhân dân vùng ấp Đá Biên Xã Thạnh Phước Huyện Thạnh Hoá, với chúng tôi, các anh vẫn là những “Ông thành hoàng” - Những “Ông thành hoàng đội mũ cối” đã mang lại bình yên, hạnh phúc cho quê hương.
Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa rừng tràm mênh mông bát ngát, nhìn ánh mắt rạng rỡ của những người nông dân vùng đồng thàp mười với những mùa lúa bội thu, ngoài những giọt mồ hôi của nông dân hôm nay còn có máu xưongcủa biết bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống. Tổ quốc mãi mãi ghi nhớ công ơn của các Anh.
Rời miếu Bắc bỏ tôi và anh Ba Thy nắm chặt tay nhau, chúng tôi đã hứa sẽ làm tất cả để xây dựng lại nơi đây một miếu thờ đàng hoàng hơn, ấm cúng hơn để Các Anh lấy chỗ đi về, gặp gỡ nhau. Dù các gia đình có tìm được hay không tìm được thì Các Anh biết rằng bây giờ và mãi mãi chúng tôi và hậu thế vẫn nhớ và kính trọng Các Anh. Sự Hy sinh của Các Anh hơn 200 cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 1 và 3 Trung đoàn 207 thật cao cả và anh hùng. Các Anh đã nằm xuống cho quê hương mãi mãi thanh bình.
Ấp Đá Biên – TP HCM tháng 7 năm 2011
Nguyễn Hoài Nam
Phim tư liệu:
Sau 34 năm, tôi mới gặp anh Trần Bảo, nguyên là sinh viên ĐH Xây Dựng Hà Nội, thuộc lính E.207, sau khi bị đổ chụp tại Mộc Hóa-Kiến Tường, số còn lại được bàn giao về Trung Đoàn 24. Trong dịp về họp mặt CCB nhân kỷ niệm 30/4/2011; Suốt đêm 23/4, chúng tôi ngồi nói chuyện không ngủ, ôn lại những khoảng khắc khốc liệt của chiến tranh khi các anh hành quân xuống Đống bằng... Xin trích một đoạn lời kể của anh, có liên quan đến bài viết trên :
Trên đây là hình chụp lại từ màn hình (print scree) , nếu muốn xem clip , xin chép và dán đường dẫn sau :
http://www.youtube.com/watch?v=FLcPdhFrbUY&feature=player_embedded
SJ ngày 9/10/11 lúc 12:57 trưa , sau 1 đêm khó ngủ vì trời lạnh .
No comments:
Post a Comment