Formosa Vũng Áng nằm ngay yếu huyệt của VN : Nguy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc phòng:
Khu vực Vũng Áng và Sơn Dương có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Cách đây gần 500 năm, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng viết: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Theo KS Doãn Mạnh Dũng, (phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế Biển) thì Sơn Dương là một trong bốn yếu huyệt bảo vệ Việt Nam từ hướng biển, đuợc xếp theo thứ tự: Cam Ranh, Sơn Dương, Nam Du và Côn đảo. Bốn yếu huyệt này được xác định dựa vào những yếu tố địa lý tự nhiên. (Người Đô Thị, 29/4/2016).
Cảng Sơn Dương nằm phía nam Vũng Áng, cùng vĩ tuyến với quân cảng Du Lâm (Tam Á, Hải Nam) là nơi hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc neo đậu. Vũng Áng chỉ cách Tam Á hơn 300km. Sơn Dương nằm ngay phía bắc đèo Ngang, nơi Quốc Lộ 1A đi qua đèo và đường hầm xuyên qua núi. Sau khi xây đê chắn sóng dài 3.000m từ mũi Ròn đến hòn Sơn Dương thì cảng này vừa kín gió, vừa rộng, lại vừa sâu (trên 16m). Vì vậy, cảng Sơn Dương là yếu huyệt của vịnh Bắc Bộ, kiểm soát đường biển và đường bộ từ Miền Nam và Miền Trung ra Miền Bắc. Cảng Sơn Dương phía Nam Vũng Áng là vị trí duy nhất của cả miền Bắc có thể đón tàu sân bay cập bến được. Vị trí này nằm cạnh Đèo Ngang, có hầm Đèo Ngang là con đường độc đạo, “chỉ cần hai trung đội là đủ để cắt đôi đất nước”. Trong khi đó, số người Trung Quốc làm ở Vũng Áng là hơn 4.000 người (tương đương 2 sư đoàn).
Vị trí Sơn Dương là đắc địa đối với hải quân Việt Nam, phải dành cho Hải quân Việt Nam để bảo vệ đất nước (chứ không được dành cho nước ngoài). Thật vô nghĩa nếu chúng ta dành vị trí đắc địa này cho Trung Quốc, trong khi mua tàu ngầm Kilo và máy bay Su-30MK để đối phó với Trung Quốc. Một nước nhỏ và nghèo như Việt Nam phải biết tận dụng những lợi thế địa lý tự nhiên của mình. Hải quân Việt Nam phải có các căn cứ hải quân đủ khả năng phòng ngự hay tấn công, có độ sâu và độ rộng thích hợp để tiếp nhận được nhiều loại tàu quân sự, và có núi cao để che chắn bảo vệ. Vì vậy, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài về kinh tế ở các vị trí đắc địa như Sơn Dương cần cân nhắc kỹ đến nhu cầu an ninh quốc phòng (khi xảy ra chiến tranh). Việc để cho nhà đầu tư Đài Loan (hoặc Trung Quốc) đầu tư lâu dài tại Sơn Dương là một sai lầm. Làm kinh tế là để sống, “chứ không phải làm để chết”!
"Trong bài “tam giác căn cứ quân sự Du Lâm-Vũng Áng-Cửa Việt” (BVN, 2/3/2014) tác giả Nguyễn Hữu Quý cho rằng việc tập đoàn Tata Steel (Ấn Độ) quyết định rút khỏi dự án thép 5 tỉ USD tại Vũng Áng (năm 2014) và việc tập đoàn Formorsa quyết định tăng quy mô dự án thép của họ lên 28,52 tỷ USD hầu như chắc chắn có bàn tay của Trung Quốc. Họ muốn gạt Ấn Độ ra khỏi địa bản này và mua lại cổ phần Formosa để thao túng Vũng Áng. Theo nhiều nguồn tin, Formosa đã bán lại cổ phần tại Vũng Áng cho Trung Quốc.
Formosa Ha Tinh (Cayman) Limited được thành lập và mua lại 100% cổ phần của FHS. Các cổ đông của FHS thay vì sở hữu trực tiếp thì nay sở hữu gián tiếp qua Formosa Ha Tinh (Cayman) được thành lập tại quần đảo Cayman (một thiên đường trốn thuế nổi tiếng trên thế giới). Việc tái cấu trúc sở hữu giúp các cổ đông của FHS có thể mua/bán cổ phần dễ hơn…Theo Taipei Times (28/9/2013) Formosa Plastics Group (FPG) chỉ còn nắm 59% cổ phần của Formosa Hatinh Steel thông qua 4 công ty con là Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics Corp, Formosa Chemicals & Fibre Corp và Formosa Petrochemical Corp, mỗi công ty con này đã giảm sở hữu cổ phần từ 21,25% xuống 14,75%. Việc chuyển nhượng cổ phần này diễn ra một cách mờ ám. Một quan chức Formosa Hà Tĩnh cho biết, tất cả nhân viên của Formosa Hà Tĩnh đều bị cấm đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc chuyển nhượng cổ phần nói trên…
Việc người Việt Nam (kể cả cơ quan chức năng) không được tự do ra vào dự án của Đài Loan (hay của Trung Quốc) tại khu kinh tế Vũng Áng, để kiểm tra và giám sát an toàn môi trường, đã bộc lộ những ý đồ bí mật của Trung Quốc. Formosa Hà Tĩnh không chỉ là một dự án có nhiều rủi ro tiềm ẩn về môi trường mà còn có nhiều rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc phòng. Nó đang trở thành một đặc khu bất khả xâm phạm (như nhượng địa) được “Hán hóa” ngay tại Việt Nam. Có lẽ vì nhận thấy nguy cơ về an ninh quốc gia tại vị trí xung yếu này, ngày 21/02/2014, Bộ Quốc Phòng đã nâng cấp Đồn Biên phòng cửa khẩu Vũng Áng thành Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu Vũng Áng-Sơn Dương. Nhưng qúa ít và quá muộn (Too little too late)!"
Nguyễn Quang Dy
01/05/2016
http://www.tintuchangngayonline.com/2016/05/nguyen-quang-dy-vung-ang-la-phan-noi.html
No comments:
Post a Comment