Câu chuyện "xuất khẩu văn hóa" thần kì của Hàn Quốc
Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017
Nguồn: tổng hợp
_http://www.edu2review.com
Nguồn: tổng hợp
_http://www.edu2review.com
Chuyện "xuất khẩu văn hóa" thần kì của Hàn Quốc
Đằng sau sự phát triển thần kì ấy là cả một câu chuyện đáng ngưỡng mộ của người dân xứ sở kim chi. Hãy cùng Edu2Review tìm hiểu câu chuyện ấy nhé!
[Công ty Cổ phần Edu2Review] – Edu2Review là viết tắt của EBrand Index Value – Edu2Review là kênh đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo – Cộng đồng đánh giá giúp tạo lập niềm tin và sự minh bạch cho người dùng.
Hàn Quốc từng là quốc gia nghèo nhất châu Á
Hàn Quốc bị Nhật thống trị từ 1910 đến 1945. Sau đó lại bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc. Đến năm 1950 chiến tranh bùng nổ và kéo dài đến 1953 rồi bị phân chia thành hai quốc gia cho đến tận hôm nay.
Sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 64 USD.
Trong quyển “Giải mã Hàn Quốc sành điệu” của tác giả Euny Hong, quyển sách mà chúng tôi sẽ tham khảo khá nhiều trong bài viết này, có viết:
"Chẳng mấy ai muốn nhớ là năm 1965, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc thấp hơn Ghana, thậm chí thấp hơn cả Triều Tiên. Đến tận những năm 70, GDP của Bắc và Nam Hàn vẫn xấp xỉ nhau”. Đã có thời gian, Samsung, kẻ thách thức Apple của thì hiện tại, bị gọi bằng cái tên đầy chế giễu:
Samsuck.
Tổng thống Park Chung Hee, người có công đầu trong việc cải cách Hàn Quốc
Năm 1963, tướng Park Chung Hee trở thành Tổng thống Hàn Quốc. Với tư tưởng biến Hàn Quốc trở thành một quốc gia hùng mạnh, ông bắt tay vào thúc đẩy kinh tế. Ông tuyên bố sau 10 năm nữa sẽ có nhiều nước trên thế giới phải đến làm thuê cho Hàn Quốc, và điều đó đã đến, trong đó có Việt Nam. Hàn Quốc tập trung xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn, hay gọi là chaebol. Các chaebol được giao nhiệm vụ đưa một Hàn Quốc từ quốc gia bị tàn phá sau chiến tranh trở thành một cường quốc kinh tế như hiện nay. Qua đó, Hàn Quốc trở thành một trong 4 "con rồng" kinh tế châu Á đầu thập niên 1990.
Vì sao lại là văn hóa?
Vì sao quốc gia này không chọn một thứ nào khác mà lại là văn hóa? Những thứ như phim ảnh, âm nhạc hay ẩm thực thì liệu sẽ làm được gì? Sâu xa một chút, khi đang trên đà phát triển, thì vào năm 1997, Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á. Do một số ràng buộc trong Hiệp ước kí năm 1953 với Mỹ không cho phép họ phát triển công nghệ, Hàn Quốc buộc phải tập trung vào thứ gì đó khác.
Và Tổng thống Kim Dae Jung đã quyết định sẽ kiến tạo ngành công nghiệp pop culture cho Hàn Quốc, sau khi thấy số tiền mà Mỹ thu được từ phim ảnh và Anh thu được từ nhạc kịch. Nhiều người cho rằng ý tưởng đó điên rồ, nhưng thú vị thay, nó lại điên rồ một cách có lý. Bởi pop culture không đòi hỏi nhiều cơ sở hạ tầng vật chất mà chỉ cần tài năng và thời gian.
Văn hóa đầy màu sắc của Hàn Quốc
Bên cạnh đó, năm 1994, Tổng thống Kim Young Sam ghi nhận việc tổng thu nhập từ bộ phim Jurassic Park của Mỹ còn cao hơn doanh thu của 1,5 triệu chiếc xe Huyndai, niềm tự hào của Hàn Quốc. Từ đó, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu đẩy mạnh các sản phẩm văn hóa thành "mặt hàng" để xuất khẩu.
Và câu chuyện thần tiên đã bắt đầu
Làn sóng văn hóa Hàn Quốc được gọi là Hallyu (Hàn lưu). Tống thống Mỹ Barack Obama có nhắc đến nó trong chuyến thăm Hàn Quốc tháng 3 năm 2012, khi nói về những tiến bộ kỹ thuật và giải trí của nước này:
"Tôi không ngạc nhiên khi bao nhiêu người trên khắp thế giới đều bị cuốn vào Làn sóng Hàn Quốc".
Thời điểm đó, phim Hồng Kông đang tràn ngập thị trường và gần như không có đối thủ. Người Hàn tuyển chọn ngay 2000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Holywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ …4 năm sau tốt nghiệp, năm 1992, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên ra đời như Cảm xúc, Mối tình đầu, Anh em nhà bác sĩ...với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet và hợp nhãn người châu Á. (Theo Tony Buổi sáng)
Mối tình đầu (First Love), một trong những bộ phim kinh điển của Hàn Quốc
Năm 1992, bộ phim Marriage Story đánh dấu lần đầu một tập đoàn lớn của Hàn Quốc (Samsung) đầu tư vào phim ảnh. Sau đó, lần lượt Daewoo và Hyundai nối gót để cấp vốn cho các nhà làm phim.
Hiện tại, ba tập đoàn CJ, Orion và Lotte giữ vai trò đỡ đầu cho các dự án. Họ thay đổi hoàn toàn cấu trúc của ngành công nghiệp điện ảnh khi tham gia vào mọi giai đoạn từ cấp vốn, sản xuất đến phát hành.
Ba yếu tố chủ chốt làm nên bước tiến thần tốc của phim ảnh Hàn Quốc là nhân lực, vốn đầu tư và chính sách hỗ trợ của chính phủ. Gốc rễ của mọi sự phát triển nằm ở con người và Hàn Quốc chọn Hollywood là hình mẫu để noi theo.
Phim Hàn luôn khiến các chị em phụ nữ rung động vì các nhà làm phim quá giỏi trong việc xây dựng kịch bản. Những câu chuyện tình đẹp như mơ, phục trang lộng lẫy và bối cảnh đẹp là những yếu tố hàng đầu luôn khiến người ta cứ dính chặt vào màn hình xem phim. Một điều đặc biệt nữa là, bạn sẽ hiếm khi thấy những món đồ nào không gắn mác “made in Korea” xuất hiện trên phim Hàn. Đố bạn tìm được phim nào mà người ta không cầm trên tay chiếc Samsung, không đi xe Hàn Quốc hay sử dụng mỹ phẩm nước ngoài. Người dân xứ sở Kim Chi có lòng tự trọng dân tộc rất cao, do vậy phim Hàn không chỉ để giải trí mà còn để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và sản phẩm mà Hàn Quốc làm ra.
Cảnh quảng cáo trong phim Yong Pal kéo dài tới 20 giây có lẽ vì để quảng cáo tận 2 thứ: điện thoại Samsung và ứng dụng tìm nhà Jikbang
Tổng thống Park Geun Hye thậm chí còn công khai ủng bộ bộ phim “bom tấn” Hậu Duệ Mặt Trời vì bộ phim đã quảng bá rất tốt các sản phẩm Hàn Quốc. Việc các diễn viên mặc gì, dùng gì trên phim thì mặt hàng đó nhanh chóng sold out ngoài đời thực đã trở thành chuyện như cơm bữa.
Đôi giày có giá 8 triệu này thậm chí không còn hàng để bán sau khi xuất hiện trong một phân cảnh phim Hậu Duệ Mặt Trời
Ngày nay, phim Hàn dù là phim truyền hình hay điện ảnh đều gây sốt. Bạn vẫn không thừa nhận? Vậy lấy ví dụ ở Việt Nam nhé. Bạn có biết trước Tấm Cám, người ta đổ xô ra rạp xem phim gì không? Câu trả lời chính là Train to Busan đấy. Và chắc là chúng tôi không cần đưa ví dụ về phim truyền hình nữa, bởi rất nhiều thế hệ người Việt đã lớn lên với nhữngTrái tim mùa thu, Chuyện tình mùa đông rồi.
Và đương nhiên, nhắc tới Hàn Quốc, không thể nào không nhắc tới K-pop. Trong những năm gần đây, K-pop đã phát triển mạnh mẽ và lan tỏa trên toàn thế giới. Trước cú nổ Gangnam Style, K-pop vốn đã được yêu thích vì nhạc bắt tai, trai xinh gái đẹp và vũ đạo không lẫn vào đâu được. Những Nobody, Haru Haru, Gee, Sorry Sorry, Mirotic... một thời đã làm chao đảo cả châu Á. Việc làm cả thế giới hát theo những bài hát của mình dù họ không hiểu ngôn ngữ đó thật sự rất khó. Bạn có thể bĩu môi cho rằng những người đấy cũng chả hay ho gì, nhưng bạn biết không, chính phủ Hàn đã thu về hàng triệu USD mỗi năm chỉ nhờ K-pop.
Thú nhận đi, dù có thích K-pop hay không, chắc hẳn bạn cũng từng ít nhất một lần nghe nói tới những nhóm nhạc này?
Theo thống kê của Cục nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), ngành công nghiệp Kpop đã thu về 3,4 tỷ USD năm 2011. Doanh thu tại nước ngoài cũng lên 180 triệu USD, tăng 112% so với năm 2010. Số liệu này đã tăng liên tục với tốc độ gần 80% hàng năm kể từ 2007.
Việc đào tạo ca sĩ của họ nghiêm khắc và cũng rất chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ phải bỏ ra hàng năm trời để luyện tập, thậm chí nhiều người còn không thể trải qua thời học sinh như bạn bè đồng trang lứa. Thành quả cho sự tập luyện không ngừng của học là sự nổi tiếng, giàu có, như những Bi Rain hay BoA đã làm được. Theo bà Hong, năm 2012, có tới 4% dân số Hàn tham gia vòng thử giọng một cuộc thi hát. Tức là có tới 2,08 triệu người muốn trở thành ngôi sao, ở một quốc gia mà dân số là 50 triệu người. Con số đó với American Idol chỉ vọn vẹn 0,03% dân số Mỹ.
Các nghệ sĩ được coi là những con gà đẻ trứng vàng của các công ty giải trí khi lượng đĩa hát hay vé xem liveshow thường được bán hết chỉ trong vài phút. Chính phủ nước này cũng rất thức thời khi chọn các nhóm nhạc làm Đại sứ du lịch, hay thậm chí in hình ảnh của họ lên tem bưu chính.
Nam diễn viên Song Joong Ki được chọn làm đại sứ du lịch Hàn Quốc
Theo nghiên cứu, cứ mỗi 100 USD nhạc Hàn được tiêu thụ ở nước ngoài, thì lại có thêm 395 USD hàng điện tử như điện thoại di động hay TV được xuất khẩu. K-pop đang trở thành một biểu tượng của Hàn Quốc, bên cạnh điện thoại di động hay công nghệ Internet.
Người Hàn cũng không ngần ngại thể hiện tham vọng lấn sân sang các thị trường âm nhạc khác. Các thành viên ngoại quốc xuất hiện trong các nhóm nhạc nổi tiếng đã giúp họ dễ dàng tấn công các nước khác và giành được sự quan tâm của người hâm mộ. Thậm chí, các công ty còn mạnh dạn đưa nghệ sĩ sang Mỹ, thị trường âm nhạc hàng đầu thế giới.
Những điều đó đã cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của làn sóng Hallyu. Và K-pop chính là một ngành đầu tư ở quốc gia này. Bất kì công ty Hàn Quốc lớn có chút lý trí nào đều gìanh lấy một phần của chiếc bánh K-pop. Chính phủ, một nhà đầu tư lớn của K-pop, cũng vậy.
Ẩm thực, thời trang và thậm chí là phong cách Hàn cũng đã du nhập đến nhiều nước. Kimchi, kimbab, bimbimbap, mì tương đen, rượu soju… từ bao giờ đã trở thành món ăn được rất nhiều người yêu thích.
Món ăn đặc trưng của người Hàn: kim chi
Rất nhiều những item thời trang như áo bóng chày, quần legging, váy tennis… của người Hàn đã khiến mọi người đổ xô đi săn lùng vì đẹp và tính ứng dụng cao. Phong cách ăn mặc của người Hàn rất đặc trưng, không nghiêng về đơn giản, phóng khoáng như Mỹ, không mang hơi hướng “manga” như Nhật mà trẻ trung, năng động hơn. Giới trẻ Việt cũng học hỏi khá nhiều từ thời trang của Hàn Quốc, bạn có để ý thấy không?
Hàn Quốc đã tạo ra một kỳ tích sông Hán (chứ không phải sông Hàn như chúng ta vẫn thường nghĩ) tuyệt vời, khiến cả thế giới phải trầm trồ ngưỡng mộ. Và văn hóa Hàn đã lan tỏa khắp thế giới như thế bằng nỗ lực của cả một dân tộc. Chúng ta hoàn toàn không thể biết được trong tương lai họ sẽ tiến đến đâu, thế nhưng có thể chắc chắn một điều rằng họ sẽ thành công với tư duy mở cửa và hiện đại.
Khả Vy
No comments:
Post a Comment