Saturday, April 22, 2017

QUỐC VƯƠNG FAISAL Muốn Viện Trợ Cho Việt Nam Cộng Hòa
Nguồn : https://www.facebook.com/vuottuonglua/posts/888183304557273:0
. . . 
"Tuy nhiên lúc đó lại có một tia sáng hy vọng mong manh đối với vấn đề trợ giúp cho Miền Nam Việt Nam phát xuất từ vùng sa mạc Trung Đông.
Theo Frank Snepp thì trong những cuộc thương thuyết con thoi giữa các nước Trung Đông nhằm giải quyết hòa bình giữa các nước Ả Rập và Do Thái, vào ngày 19 tháng 3 năm 1975, Ngoại Trưởng Henry Kissinger ghé thăm nước Ả Rập Saudi (Saudi Arabia,) quốc gia sản xuất dầu hỏa hàng đầu của thế giới. Ngày 23 tháng 3 trước khi rời Riyad, Thủ Đô Saudi Arabia, Ngoại Trưởng Kissinger vô cùng ngạc nhiên khi Quốc Vương Faisal, vốn là một người rất mến phục và ủng hộ Tiến Sĩ Kissinger, đã nói riêng với ông là Quốc Vương muốn dành cho Ngoại Trưởng Hoa Kỳ một ân huệ cá nhân.
Quốc Vương Faisal nói rằng ông rất kính phục lòng can đảm của nhân dân Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến đấu để bảo vệ tự do cho chính họ. Vua Faisal nói rằng vì cảm tình đối với nhân dân Miền Nam Việt Nam và một phần cũng vì cảm tình với Ngoại Trưởng Kissinger, nhà vua và chính phủ Ả-Rập Saudi sẵn sàng bảo đảm cho việc viện trợ cho vay một số tài khoản “vĩ đại” (a huge grant-in-aid) cho chính phủ Saigon nhằm bù đắp cho việc viện trợ của Hoa Kỳ bị cắt giảm. Ngoại Trưởng Kissinger ngạc nhiên và vui mừng cho đến độ sững sờ vì đây là một “phép lạ trên sân khấu” (deus ex machina) mà ông hằng mong đợi sẽ xảy ra để giúp cho ông ta thực hiện được chiến lược về ngoại giao của ông tại Đông Dương.
Nhưng bất hạnh thay, đề nghị viện trợ của Ả Rập Saudi cũng trở thành vắn số và phù du như những môn thuốc giải độc khác trước đây nhằm chữa chạy cho cuộc chiến tranh Đông Dương trong gần 30 năm. Chỉ có ba ngày sau khi đưa ra đề nghị này với Kissinger, Quốc Vương Faisal lại bị một người cháu giết chết vì ganh tức và hy vọng viện trợ cho Việt Nam cũng bị chôn vùi cùng với cái chết của Vua Faisal nước Ả Rập Saudi.
Frank Snepp cũng cho biết thêm rằng trong khi tiếp xúc với Ngoại Trưởng Kissinger mấy tuần trước đó, chính Đại Sứ Martin đã đưa ra ý kiến nên tìm cách vận động yêu cầu xin viện trợ từ nước Ả Rập Saudi. Tuy nhiên sau cùng thì chính Quốc Vương Faisal là người đã xúc tiến dự án đề nghị này. Ngay cả sau khi Quốc Vương Faisal từ trần, Đại Sứ Martin vẫn còn thúc đẩy Ngoại Trưởng Kissinger tiếp tục vận động cho kế hoạch viện trợ này nhưng chẳng có đi đến đâu vì người kế vị còn phải chú trọng đến những vấn đề khác. Frank Snepp: Sách đã dẫn. Trang 216.
Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng Trưởng Phát Triển trong những năm cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa cũng có cho biết thêm về chuyện này như sau:
“Cuộc viếng thăm của phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ vào cuối tháng 2 năm 1975 đã cho thấy sự thật hiển nhiên là sự viện trợ của Hoa Kỳ đang đỗ vỡ và sau đó lại còn có thêm nhiều diềm xấu tiếp diễn: Những thất bại tại Cao Nguyên, sự thất thủ của các Tỉnh Miền Trung cùng Đà Nẵng và việc Hoa Kỳ cúp viện trợ là những dấu hiệu tồi tệ nhất.
Thêm vào đó lại còn có vụ Quốc Vương Saud al Faisal của nước Ả Rập Saudi bị ám sát ngày 25 tháng 3 năm 1975. Vua Faisal đã bày tỏ cảm tình và niềm ngưỡng phục về công cuộc chiến đấu chống cộng sản của nhân dân Miền Nam Việt Nam và ông đã đề nghị trợ giúp cho Việt Nam. Vào đầu năm 1975, Quốc Vương Faisal đã chấp thuận trên nguyên tắc sẽ cho Việt Nam vay một số ngân khoản “nhiều trăm triệu” Mỹ kim. Số tiền này sẽ được sử dụng nhằm đẩy mạnh nền kinh tế của Miền Nam Việt Nam và đồng thời cho phép Tổng Thống Thiệu mua nhiên liệu và vũ khí đạn dược của bất cứ quốc gia nào muốn bán cho Việt Nam. Một giải pháp khác được đề nghị cho kế hoạch cho vay này của Quốc Vương Faisal là Ả Rập Saudi sẽ bảo đảm cho việc Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa. Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng nghiêng về phía bảo đảm cho vay hơn là vì điều này sẽ loại trừ được những vấn đề khó khăn có thể xảy ra nếu phải mua những vũ khí chiến cụ của Mỹ ở ngoài thị trường Hoa Kỳ. Sự thật là toàn bộ guồng máy những vũ khí trong chiến tranh Việt Nam đều được sản xuất tại Hoa Kỳ (made in USA) do dó mà không thể nào mua sắm vũ khí đạn dược từ một nước ngoại quốc nào khác.
Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng nhớ lại rằng “Có lẽ dường như là một điều kỳ cục nếu liên kết dầu hỏa của Ả Rập Saudi với sự sống còn của Miền Nam Việt Nam trong nỗ lực tìm kíếm viện trợ về quân sự, tuy nhiên trong những ngày đen tối nhất của tháng 4 năm 1975 thì chẳng có chuyện gì là kỳ cục cả. Khi người ta đang sắp sửa bị chết trôi thì ai cũng đều cố gắng nắm vào cái gì đang nổi trên mặt nước”.
Người Việt Nam tin rằng số phận của họ đã đến chỗ tuyệt cùng: Khi mà kế hoạch của Quốc Vương Faisal sắp sửa được thực hiện thì nhà vua lại bị một người cháu giết chết. Tổng Thống Thiệu đã gửi một bức công điện phân ưu đến Hoàng Gia Ả Rập Saudi và đồng thời khẩn nài chính phủ Ả Rập tiếp tục kế hoạch viện trợ của cố Quốc Vương Faisal. Chính phủ Ả Rập Saudi trả lời rằng họ sẽ cứu xét đề nghị này và Tổng Thống Thiệu đã gửi Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc sang thăm viếng Ả Rập Saudi. Người Việt Nam tự than thở rằng chính số của họ là sẽ bị bỏ rơi.” Nguyễn Tiến Hưng & Jerrold Schecter: Sách đã dẫn, trang 306.
Trong một cuốn sách mới xuất bản vào năm 2005, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng có nói thêm về việc này và cho đăng nguyên văn bức điện văn của Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc gửi cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phúc trình về việc này như sau:
“Vừa vào phòng, ông Thiệu đưa cho tôi xem một công điện đề ngày 14 tháng 4 năm l975 do Ngoại Trưởng Bắc gửi từ Luân Đôn về. Ông Bắc vừa ở Saudi Arabia đi Luân Đôn. Chuyến đi của ông có mục đích xin Quốc Vương Haled Crown (tiếng Anh là Khalid), vừa kế vị Quốc Vương Faisal, đồng ý cho Việt Nam Cộng Hòa vay tiền như phụ vương của ông đã bị ám sát.
Luân Đôn ngày 14 tháng 3 năm 1975
Công tác tôi đi Saudi Arabia đã được kết thúc thành công. Tôi được tiếp kiến Vua Haled Crown, Hoàng Tử Rabed và Hoàng Tử Abdullab (cũng là Thủ Tướng) Đệ Nhất và Đệ Nhị Phó Thủ Tướng. Tất cả, đặc biệt là Vua Haled đã cho tôi những bảo đảm vững chắc về việc tiếp tục yểm trợ và viện trợ kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã thảo luận kỹ càng với Hoàng Tử Rudal Faisal (Bộ Trưởng Ngoại Giao,) Hoàng Tử Massoud (Thứ Trưởng Ngoại Giao) và ông Amant (Tổng Trưởng Dầu Lửa và Tài Chánh).
Về viện trợ sắp tới tôi đã cung cấp cho chính phủ Saudi một bản giác thư trình bày chi tiết về nhu cầu viện trợ và tình hình tại Miền Nam. Tôi hy vọng là quyết định về khoản tiền và phương thức của viện trợ sẽ được chính phủ Saudi cứu xét sớm” [Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Cơ sở Xuất Bản Hứa Chấn Minh, San Jose, Califoria, 2005, trang 310-311].
Bức điện văn này đề ngày 14 tháng 4 năm l975 và chỉ một tuần sau đó thì Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu từ chức, nửa tháng sau đó thì Miền Nam rơi vào tay cộng sản Bắc Việt. Tuy nhiên vào những ngày tháng 4 năm 1975, việc nước Ả Rập Saudi hứa sẽ trợ giúp cho Việt Nam Cộng Hòa cũng phải được xem như là một “phép lạ”, dù rằng đó chỉ là một phép lạ trong ảo tưởng mà thôi.
Sau 1975, người viết có cơ hội làm việc tại Jeddha, nước Ả Rập Saudi, trong một thời gian và có nghe nói đến việc nầy. Một vài người Ả Rập của người viết cho biết rằng vào khoảng cuối năm 1974, Việt Nam Cộng Hòa có tham dự một cuộc triển lãm quốc tế tại Thành Phố Hải Cảng Jeddha, lúc bấy giờ là Thủ Đô thương mại và ngoại giao của Vương Quốc Ả Rập Saudi. Trong cuộc triển lãm nầy, Việt Nam đã gởi sang trưng bày những bức tranh cũng như là một sô bàn ghế sơn mài, đa số là của công ty Thành Lễ và những sản phẩm này đã được dân chúng, nhất là giới thương lưu giàu có trong Hoàng Gia nhiệt liệt tán thưởng, nhờ đó mà họ có cảm tình với Việt Nam Cộng Hòa. Quốc Vương Faisal là một trong những người đó. Họ cũng xác nhận chuyện Vua Faisal có ý định viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa tuy nhiên vì phía
Việt Nam quá chậm chạp trong việc xúc tiến kế hoạch này cho nên sau khi Nhà Vua bị ám sát thì vị Hoàng Thái Tử (crown prince) là Kbalid ibn Abdulaziz lên nối ngôi không biết gì nhiều về việc này, do đó mà kế hoạch đã không được xúc tiến và bất thành.
Dường như đó cũng là vận nước cho nên Miền Nam đã bỏ lỡ mất cơ hội có một không hai này. Số phận của Việt Nam Cộng Hòa cũng gặp nhiều sự không may vì Quốc Vương Khalid (1975-l982) là người có đầu óc bảo thủ, không chú trọng nhiều đến những vấn đề bên ngoài thế giới Ả Rập cho nên ông ta không để ý đến việc Quốc Vương Faisal đã có quyết định trợ giúp cho Miền Nam Việt Nam chống lại cộng sản. Tuy nhiên sau khi lên ngôi, Quốc Vương Khalid lại chọn Hoàng Tử Fabd ibn Adulaziz làm Hoàng Thái Tử kế vị thì ông này lại là người không những am tường về các vấn đề quốc tế mà lại còn là người chống cộng sản rất tích cực. Sau khi Vua Khalid băng hà vào năm 1982, Hoàng Tử Fadb ibn Abdulaziz trở thành Quốc Vương trị vì nước Ả Rập Saudi từ năm 1982 cho đến đầu tháng 8 năm 2005. Trong thời gian trị vì, Vua Fadh đã viện trợ vô cùng tích cực cho phong trào kháng chiến A- Phú-Hãn chống lại cộng sản Liên Xô trong mấy thập niên và sau cùng thì Liên Xô phải triệt thoái ra khỏi A-Phú-Hãn.
Nếu Quốc Vương Fahd lên ngôi thay cho Quốc Vương Faisal ngay từ năm 1975 thì biết đâu tình hình Việt Nam lại chẳng có thể một vài thay đổi ?
(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment