Friday, September 22, 2017

Xem người Mỹ lọc công chức

- Sự minh bạch, nghiêm ngặt trong tuyển dụng giúp nhiều nước, trong đó có Mỹ, đảm bảo được chất lượng công chức ngay từ đầu vào.

Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân của lương thấp là do “một chiếc bánh phải chia cho quá nhiều người”. Một cơ quan với khối lượng công việc chỉ cần 30 người làm nhưng lại phải trả lương cho 60 người thì lương thấp là lẽ đương nhiên. Nước ta đã thực hiện tinh giản biên chế nhưng hiệu quả thu được rất thấp. Vậy muốn tinh lọc đội ngũ công chức để ngân sách lương chi cho đúng người đúng việc, về dài hạn nên chăng cần xem xét lại chất lượng công chức ngay từ khâu tuyển dụng đầu vào. 

Bài viết này chia sẻ khung lý thuyết về tuyển dụng công chức của giáo sư B. Guy Peters trong cuốn sách "The Politics of Bureaucracy" và tổng hợp kinh nghiệm tuyển dụng công chức của Trung Quốc, Mỹ, Singapore. Phạm vi bài viết chỉ đề cập tới vấn đề tuyển dụng công chức mới vào ngành.
Cải cách tuyển dụng 
Theo Guy Peters, về cơ bản, tuyển dụng công chức được chia ra làm hai hình thức: tập trung và phi tập trung.
Tuyển dụng tập trung do một cơ quan đầu mối về nhân sự chủ trì. Cơ quan này có nhiệm vụ phụ trách tất cả các khâu tuyển dụng: đăng thông tin, nhận đăng ký, ra đề, chấm thi, lựa chọn thí sinh cho các đơn vị cấp dưới. 
Tuyển dụng phi tập trung chính là tuyển dụng trực tiếp hay tuyển dụng theo vị trí công việc. Các cơ quan hoàn toàn tự chủ: khi có nhu cầu, cơ quan sẽ tự đăng thông tin tuyển vị trí đang thiếu và tự quyết định hình thức thi tuyển. 
Hình thức tuyển dụng tập trung có điểm thuận là tuyển được nhiều công chức ở quy mô lớn, và đa dạng hóa được chuyên môn của công chức trong một đơn vị làm việc. Nhưng điểm yếu là chi phí tốn kém (thiết bị phòng thi, nhân sự quản lý kỳ thi…), công chức mới vào cần được đào tạo thêm nếu chuyên môn không phù hợp với vị trí. 
Tuyển dụng phi tập trung cho phép tuyển được đúng người đúng việc với chi phí thấp, song tốn thời gian hơn nếu cần tuyển số lượng đông, và nhiều khi đúng người đúng việc lại không mang lại sự sáng tạo trong công việc của công chức đến từ một chuyên ngành khác.

Ảnh minh họa: Minh Thăng
Trung Quốc: Tuyển dụng tập trung tối đa
Trung Quốc là một ví dụ điển hình của hình thức tuyển dụng tập trung. Tổng cục Công chức nhà nước (thuộc Bộ Nhân sự và An sinh xã hội) phụ trách toàn bộ kỳ thi ở tất cả các khâu. Các đơn vị trên cả nước công bố các vị trí cần tuyển dụng, thí sinh có thể đăng ký theo vị trí muốn ứng tuyển và nộp phí trên mạng, nhưng hình thức đề thi thống nhất trên cả nước. 
Kỳ thi chia làm hai vòng: viết và vấn đáp. Thi viết có các bài trắc nghiệm kiểm tra kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên môn, trắc nghiệm kĩ năng phân tích tổng hợp và kiểm tra kĩ năng thực tế. Vượt qua phần thi viết thí sinh mới được tham gia phần thi vấn đáp. Thi vấn đáp kiểm tra khả năng phản ứng, tâm lý và kĩ năng thảo luận theo nhóm. 
Kỳ thi tuyển dụng công chức của Trung Quốc quan trọng và cạnh tranh không kém kỳ thi vào đại học của các sĩ tử. Số lượng người mong muốn làm cho Nhà nước tăng lên nhanh chóng, từ 120.000 thí sinh năm 2004 tới hơn 1,4 triệu người năm 2010. Trong kỳ thi cuối năm ngoái, hơn 1 triệu thí sinh phải cạnh tranh gay gắt cho 16.000 công việc (tỷ lệ chọi 1:64). Tại các cơ quan cấp bộ như Cục Năng lượng quốc gia hay Bộ Văn hóa, có tới gần 5.000 hồ sơ ứng tuyển cho chỉ một vị trí duy nhất. 
Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh hình thức tuyển dụng này. Người ủng hộ cho rằng kỳ thi rất công bằng và cách ra đề thi đa dạng giúp đảm bảo chất lượng cao cho đội ngũ công chức. Có trường hợp thí sinh bị loại vì mặc dù làm rất tốt các phần thi trắc nghiệm nhưng lại không trả lời được câu hỏi bất ngờ về cách thức quản lý nguồn nước sông Hoàng Hà. Tuy nhiên, ý kiến phản bác nói kỳ thi tuyển dụng công chức gây ra áp lực thi cử nặng nề cho thí sinh. Nó còn kéo theo sự ra đời của hàng loạt trung tâm ôn thi công chức và các loại sách ôn luyện.
Mỹ: Song song tập trung và phi tập trung
Mỹ áp dụng cả hai hình thức tuyển dụng tập trung và phi tập trung. Phương pháp tuyển dụng cũng rất đa dạng tùy vào từng cấp chính quyền. 
Trước năm 1980, ứng viên cho hầu hết các vị trí thuộc cấp chính quyền liên bang chỉ phải trải qua một kỳ thi chung có tên là kỳ thi Hành chính sự nghiệp. Sau này, chính phủ Mỹ bắt đầu quan tâm đến việc tuyển dụng phi tập trung, tạo điều kiện cho các cơ quan tổ chức tuyển dụng theo nhu cầu của mình. Ví dụ, tuyển dụng tập trung thường được áp dụng cho các vị trí phổ biến (thư ký, nhân viên hành chính…), còn hình thức phi tập trung dành cho các vị trí có trình độ chuyên môn hoặc đặc thù riêng (cảnh sát, luật sư, bác sỹ…).
Năm 2009, Cơ quan Quản lý và ngân sách Mỹ đưa ra 4 tiêu chí cải thiện quy trình tuyển dụng cấp liên bang: tăng cường thông tin phản hồi cho ứng viên về tình trạng hồ sơ, khuyến khích sự tham gia của các nhà quản lý vào các khâu tuyển dụng, đảm bảo độ súc tích của thông báo tuyển dụng và phát triển một lộ trình tuyển dụng cấp liên bang.
Một phần quan trọng trong quy trình tuyển dụng của Mỹ là chất lượng bản mô tả công việc và hiệu lực của bài thi tuyển dụng. Bản mô tả công việc cần thể hiện rõ các yêu cầu của công việc, giới thiệu được sứ mệnh và hoạt động chung của cơ quan tuyển dụng.
Một trong những phương pháp để tăng tính hiệu lực cho bài thi đầu vào là phân tích vị trí cần tuyển để xác định các kiến thức, kỹ năng và khả năng mà ứng viên cần có để thành công trong công việc được giao. Thiết kế bản mô tả công việc và nội dung thi đầu cũng được tham khảo ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực cần tuyển dụng. 
Nhiều cơ quan chính phủ Mỹ hiện nay không thua kém các công ty tư nhân trong việc tự “quảng bá hình ảnh” của mình tới các ứng viên. Đáng kể nhất là nỗ lực của Chính phủ trong việc thu hút sinh viên đại học vào thực tập tại các cơ quan nhà nước. Mỹ cũng là quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tuyển dụng. Hiện nay Mỹ có các trang web chuyên đăng tải các cơ hội nghề nghiệp tại các cơ quan nhà nước (trang “Tuyển dụng một cửa” usajobs.gov và trang việc làm sinh viên studentjobs.gov) để tạo điều kiện toàn diện cho các ứng viên từ khâu nộp hồ sơ và hoàn thành bài thi đầu vào trên mạng.
Singapore: Chuyển dần từ tập trung sang phi tập trung
Kinh nghiệm từ Singapore lại cho thấy, quốc gia này đã chuyển dịch từ hệ thống tuyển dụng tập trung sang phi tập trung trong khoảng 15 năm trở lại đây. Singapore đã từng áp dụng rộng rãi hình thức tuyển dụng tập trung trên quy mô toàn quốc. Ra đời vào năm 1959, Ủy ban Dịch vụ công Singapore (PSC), một cơ quan trung lập chịu trách nhiệm tuyển dụng và quản lý nhân sự cho khối các cơ quan nhà nuớc (ngoại trừ lực lượng vũ trang, tòa án, cảnh sát). 
Tuy nhiên, từ năm 1995, Singapore đã tiến hành cải cách mạnh mẽ trong tuyển dụng và quản lý nhân sự, điển hình là việc cấu trúc lại PSC và phân quyền mạnh mẽ hơn cho các bộ, ban, ngành về vấn đề tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự. Đối với công chức mới vào ngành và công chức cấp thấp, chính phủ đã giao cho Hội đồng nhân sự phụ trách và phân quyền cho các bộ, ngành chủ động trong kế hoạch tuyển dụng và đề bạt nhân sự. Nhưng khi dần đi lên các cấp cao hơn, việc tuyển dụng và đề bạt được tập trung lại. PSC hiện nay chủ yếu phụ trách quản lý nhân sự cấp cao nhất cho chính phủ. 
Một trong những khẩu hiệu nổi bật nhất về chính sách nhân sự của Singapore là thu hút và bồi dưỡng những người “tài năng và sáng giá nhất”. Chính phủ có chính sách cấp học bổng đào tạo cho các lãnh đạo trẻ tiềm năng. PSC cũng đảm nhiệm quản lý chính sách học bổng và thu hút nhân tài. Các ứng viên có thành tích cao nhất trong các kì thi tuyển dụng sẽ được nhận học bổng và được tiếp tục đào tạo tại các trường đại học danh giá trên thế giới. Họ cần cam kết quay lại làm việc cho chính phủ. Sau khi tốt nghiệp, họ được đãi ngộ, được làm việc tại các vị trí có cơ hội thăng tiến cao trong bộ máy nhà nước.
Cho dù sử dụng hình thức tuyển dụng nào, nền tảng cơ bản của việc tuyển dụng công chức tại các quốc gia trên đây là tính minh bạch và công bằng. Sự minh bạch, rõ ràng, nghiêm ngặt trong tất cả các khâu giúp Trung Quốc, Mỹ và Singapore đảm bảo được chất lượng đội ngũ công chức ngay từ đầu vào.
Bài viết của thành viên Nhóm Học bổng Lãnh đạo trẻ Việt Nam 2010 
Kết quả khảo sát lần trước:

No comments:

Post a Comment