Wednesday, November 29, 2017


Không để lại của cải khi qua đời, ông lão vẫn giúp các con sống khỏe và phải hối hận vì đã trách nhầm cha mình


0
843

Một người cha qua đời mà không để lại mấy của nả cho con cái, khiến những người con của ông rất khó chịu, nhưng sau đó không lâu họ đã hiểu ra mà hối hận vì đã trách nhầm cha mình.

Tại thị trấn nhỏ có bốn cha con sống dựa vào nhau, mẹ mất sớm nên cha già chịu cảnh gà trống nuôi con. Ba đứa con trai lớn lên chứng khiến cha lủi thủi ra đồng trồng trọt để có thứ mà nuôi con mình. Gia đình họ sống đạm bạc, của ăn của để nào có gì. Thế nhưng ba người con từ bé đã không thích cách cha mình đối xử với hàng xóm trong trấn. Mỗi khi gặt xong, ông đều mang bao lúa mỳ tới cho những hộ mất mùa, hay giúp đỡ ai đó lúc họ cần. Mỗi lúc có con gà ngon, kiểu gì ông cũng lại lấy đi cái cánh hay phần lườn cho nhà nào đó. Điều này khiến cho những người con cảm thấy rất khó chịu. Nhiều lần các con đã họp nhau lại và rồi thưa chuyện với cha mình: “Cha cứ đem cho như thế, nhà mình thì chả có mấy của nả, làm sao chúng ta giàu được? Cha không nghĩ cho con mình trước tiên à?”.
Người cha khi ấy chỉ mỉm cười xoa đầu các con và nói: “Yên tâm, ta đã có của để dành rất nhiều cho các con”.
Mấy người con nghe vậy rất tò mò, để ý xem cha có gì cho mình. Nhưng mãi mà chưa thể tìm được gia tài mà cha dành dụm cho họ. Vì thế họ ngày càng tỏ ra bất mãn với người cha đó, thể hiện rõ thái độ, khiến ông buồn lòng. Nhưng người cha vẫn cứ như vậy, nên cả ba đứa con trai sau khi đã trưởng thành đều lần lượt rời bỏ cha mình mà tự kiếm ăn ở đâu đó.
Một ngày nọ họ nhận được tin báo cha mình đang hấp hối, cũng đúng vào lúc nạn đói hoành hành, chẳng thể kiếm nổi mấy bữa qua ngày, nên ba chàng trai không hẹn mà đều cùng về nhà để nhìn mặt cha lần cuối.
Ngồi bên đầu giường cha, ba anh em thấy ánh mắt rạng rỡ của ông khi được gặp 3 đứa con yêu quý trước lúc xuống Suối Vàng. Anh cả khi ấy chỉ nghĩ đến gia tài cha để lại, bèn buột miệng hỏi: “Trước khi cha mất, cha hãy chia đều tài sản để lại cho chúng con, cha nhé!”. Anh hai nghe xong cũng vội vàng hưởng ứng, em út gật đầu tỏ ý đồng tình.
Người cha không nói gì, chỉ lắc đầu nhìn ba đứa con trai mà ông rất mực yêu quý và lâu lắm rồi mới được gặp lại chúng. Ông nói nhỏ: “Gia tài này không phải chia, các con sẽ được hưởng như nhau thôi. Hãy cố gắng yêu thương nhau nhé, và quan tâm đến người xung quanh, các con sẽ có thêm nhiều của cải hơn nữa. Của để dành ta cho các con, tiêu cả đời này còn không hết, các con cứ yên tâm”.
Nói xong ông trút hơi thở cuối cùng rồi ra đi. Ba người con trai nghe xong vẫn không hiểu rốt cục cha để lại gì cho mình, họ chia nhau tìm kiếm khắp nhà, nhưng căn nhà trống không ngoài mấy bộ quần áo cũ của ông và chút lương thực còn lại. Họ thấy rất khó chịu, bảo nhau không biết lấy gì mà lo mai táng cho cha đây, chưa nói chả có gì để lại cho con!
Ngay sau khi biết tin ông lão qua đời, hàng xóm láng giềng đã kéo tới thăm hỏi và tỏ ý muốn giúp 3 anh em tổ chức tang lễ cho ông. Không ai bảo ai, họ đều quyên tiền để làm cái tang tử tế cho ông lão, điều hiếm thấy trong cảnh mùa màng thất bát như bấy giờ.
Ba người con trai chưa hết ngạc nhiên vì cái tang lễ rất đàng hoàng của cha mình, thì họ lại nhận được lời mời làm việc cho một số thương gia trong trấn. Nhà cửa của họ cũng được bác thợ mộc ngỏ ý sẽ giúp sửa sang. Tất cả đều như một giấc mơ khó tin! Đến khi hỏi ra họ mới biết, toàn bộ những người đang nhiệt tình giúp đỡ đều ít nhiều hàm ơn của người cha già vừa khuất núi.
“Lúc còn sống ông ấy dù chẳng dư dả gì vẫn góp chút đồ hay tiền bạc giúp đỡ chúng tôi, đến khi ốm đau chúng tôi sang chăm ông ấy còn từ chối, chỉ dặn lại là hãy dành moi thứ đó cho ba đứa con trai của ông ấy. Bởi vậy mà những gì chúng tôi định mang biếu ông cụ, bây giờ chúng tôi sẽ đưa cho các anh, giúp được gì, chúng tôi sẽ giúp hết mình”, một dân làng vui vẻ nói với ba anh em.
Đến lúc ấy, ba người mới hiểu được rằng, gia tài mà cha già để lại cho họ thật lớn, không chỉ giúp họ có cuộc sống ấm no đầy tình yêu thương nơi quê nhà, mà còn tích đức để họ hưởng phúc sau này.
Biên dịch từ NTDTV

No comments:

Post a Comment