HỒ TẮM NGOÀI TRỜI Ở SÀI GÒN (ĐÔNG DƯƠNG)
Nguồn : http://thaolqd.blogspot.com/2016/11/
Trong những thành phố lớn châu âu thuộc vùng nhiệt đới, Sài Gòn bị chi phối bởi một khí hậu khắc nghiệt. Quả vậy, không chỉ nó nằm cạnh đường xích đạo mà là còn nằm trong vùng thấp và ngập nước của Cochinchine; trong khi lại xa biển và cả gió biển. Trong những điều kiện đó, thì việc bơi lội là một bộ môn thể thao được ưa thích nhất. Người ta dự định từ lâu việc xây dựng một hồ tắm lớn trong thành phố nhưng việc thực hiện nó vấp phải vấn đề nước sạch. Việc đào những giếng Layne với quyết tâm đã làm giảm sự căng thẳng câu hỏi về vấn đề nước. Cercle sportif Sài Gòn đòi hỏi phải có một hồ bơi và sau một cuộc đấu thầu vào tháng 5 năm 1932 thì việc xây dựng bắt đầu.
Hồ tắm được xây dựng ở trung tâm thành phố trong công viện Maurice Long. Bể bơi được bao bọc bởi một khối nhà bao gồm như khu làm việc, phòng thay đồ và tắm rửa mà phần sân thượng có dạng như một “vành bãi” với giàn cây xanh và quán ba có mái che. Sự nâng cao của vành bãi này cách nặt đất 3m xa những người tắm và sự ẩm ướt của mặt đất. Tổng thể hài hòa có đường nét đơn giản, hài hòa với khung cảnh chung quanh.
Bể bơi – có kích thước 50 X 15m. Bao gồm một bể bơi lớn và một bể bơi nhỏ cách nhau. Bể lớn có chiều dài 33m33 (chiều dài quy định các bể bơi thi đấu). Một bức tường nhỏ dành mỗi bên cạnh lối đi rộng 2m50. Những vách thẳng được khoác những ô vuông bằng sành. Mặt hậu sau đó cũng được khoác tương tự như vậy.
Nước được thay mới đều đặn bởi một đài nước. Hồ tắm được tháo nước và làm sạch mỗi tuần.
Một rãnh thoát nước được đặt ở bên cạnh lớn của mỗi hồ để thoát nước liên tục để làm giảm cái nóng thái quá. Mỗi tối, hồ được thắp sáng bởi 20 chiếc đèn chiếu được lắp đặt 50cm dưới mặt nước, mà hiện tại đã có 2 cái.
Theo quan điểm xây dựng, bể nước độc lập hoàn toàn với phần kiến trúc chung; nó được chia ra làm 2 phần riêng biệt. Bể bơi nhỏ có chiều sâu tối đa là 1m60 được đúc hoàn toàn bằng bê tông cốt thép; nó được bao quanh bẳng những chiếc cột và đế rời trong phần bên trong và bởi một bức tường lớn bằng bê tông ở phần ngoại vi. Độ dầy của vữa không vược quá 10cm. Lực chịu của đất dưới các đế là 9t/m2. Khối bê tông cốt thép được phủ bởi lớp vỏ bọc dầy 0m02 trang bị một tấm lưới có 4 thanh thép 2mm/m theo cả hai chiều.
Bể bơi lớn có độ sâu tối đa là 3m60 ở phần trũng và nằm ngang mặt đất. Những vách đứng và đế nền làm bằng bê tông cốt thép. Tất cả phần bên trong của đáy hồ được làm bằng bê tông đá cuội dầy 10cm với số lượng là 200kg xi măng mỗi mét khối. Những vách đứng được tính toán như bức tường chống đỡ, tãi trọng thẳng đứng của nước trên các đế phải chống lại sự sụp đổ. Nền sàn tạo thành những pa nô hình chữ nhật mà hai cạnh tựa vào các rằm dài 2m50, cạnh thứ ba tựa trên một xà dọc và cái cạnh thứ tư tựa vào nền sàn thẳng góc; vị trí này cho phép làm giảm bớt 0m08 chiều dầy nền sàn của bể nước có chiều cao 2m60. Trong phần của bể bơi lớn tới chổ của phần trũng chổ cầu nhúng, các rằm của hai bên cạnh bể được hợp lại bằng những thanh giằng, trên ba cạnh của phần trũng thì những đế nền của vách thẳng lại nghiêng theo chiều nằm ngang, sức đẩy của nước sẽ hút bởi mặt đất.
Khối bê tông lớn ở dưới đáy không rò rỉ, nó được một lớp vỏ bọc bằng sắt bọc kín nguyên cả bể. Lớp vỏ bọc này dầy 0m04 nằm ở dưới đáy bể, nơi nó được đặt trong bê tông trộn sỏi nhỏ (khoảng 1cm) và một khung sườn ô vuông với 20 thanh thép 6mm/m cả hai chiều; nó có chiều dầy 2cm tại vách đứng, được trộn với liều lượng 2,5 lần cát cho một phần xi măng với một khung sườn ô vuông gờm 10 thanh thép 4mm/mcả hai chiều.
Mặt đất là nền đất sét pha cát được nén chặt nhưng không xói lỡ bởi nước, sự đề phòng này ngăn ngừa sự rò rỉ không thấy được dưới đáy bể. Nó mằ, trên một lớp đá cuội nhuyễn dầy tối thiểu 0m15 tạo thành một hệ thống dẫn lưu chánh; dưới lớp này những ống dẫn nằm sâu hơn hợp thành bởi những rãnh chiều rộng 0m40 lòng bằng bê tông và lấp đầy đá cuội nhuyễn. Những ống dẫn có độ nghiêng tối thiểu là 1cm/m; nó đổ ra hệ thống dẫn lưu duy nhất trong một hố nước 4 mét phía dưới mực nước hồ. Sau lần làm đầy hồ lần đầu tiên, hệ thống dẫn lưu xả nước ra nhẹ nhàng trong 48 giờ và sau đó thì ngưng hẳn hoàn toàn. Khi xem xét lại sự mõi của đất trong bể lớn và bể nhỏ và cả kích thước lớn của bể, hai phần này được kết hợp bằng một chổ nối có độ giãn nở. Chổ nối này đi băng qua khới bê tông cốt thép của vỏ bọc kín. Vì lý do nhiệt độ cao dưới tác động của ánh mặt trời đối với bê tông khi rút nước ra khỏi bể (60 – 800), sự đề phòng đặc biệt này được đặt ra chống lại sự rò rỉ hay sự co phồng của lớp nhựa đường quanh chổ nối. Chổ nối của vách đứng gồm:
1. Một lá đồng dầy 0mm4 niêm kín trong lớp vỏ bọc bằng sắt.
2. Bởi hai lổ thông được sắp xếp trong bê thông giữa bể chứa lớn và nhỏ, lổ thông hình chữ nhật được lấp đầy nhựa đường bắm chặt với phần bê tông nhưng lỏng khoạng 500 nhưng lổ thông vòng quanh lại là nhựa đường cứng hơn nhưng không bám chặt vào bê tông và không bảo đảm độ rò rỉ của nước. Loại nhựa đường thứ hai này chỉ làm lỏng khoảng100o và nó ngăn sự rò rỉ của nhựa đường lỏng. Chổ nối chấm dứt trong rãnh dùng tháo nước, nhựa đường ngừng khoảng 2cm thấp hơn dưới đáy của rãnh để cho nó có độ giản nở tự do. Chổ nối nằm ngang kết hợp lớp vỏ bọc của bể nhỏ và bể lớn là một rãnh được sắp xếp giữa hai bể và trong mỗi cái người ta đặt một lớp nhựa đường cứng được phủ bởi 1cm nhựa đường lỏng. Để ngăn không cho sự rò rỉ của nhựa đường làm phồng rãnh thoát phía trên. Rãnh này được che phủ bằng một lớp tôn có khoảng cách trống là 0cm25. Không có sự rò rỉ nào xảy ra từ khi làm đầy bề nước.
Mảng sân thượng. Bao quanh bể bơi cách 30cm trên mặt nước, có một độ rộng thay đổ từ 9 mét trong quầy ba tới 4 mét trên phần diện tích phía sau hồ bơi. Ở đó sau này sẽ xây dựng một phòng rèn luyện thể dục có nóc như khán đài. Sân thượng được đặt trên quầy ba và bốn vách vuông góc, Các vách này được nối với nhau giữa chúng bằng những giàn cây và với quầy ba bởi hai hành lang có mái che.
Còn vành bãi có sáu cầu thang trong đó hai cái ở ngoài dẫn đến quầy ba, hai cái nằm bên trong bốn vách vuông góc dẫn đến phòng thay đồ của nam, nữ và hai cái ở mặt sau chỉ mở cho những ngày thi đấu.
Trên vành bãi được sắp đặt chung quanh hồ bơi là một con đường chạy quanh rộng 1 mét được phủ bởi một tấm thảm bằng cao su có đường rạch. Con đường này nới rộng tới 4 mét ờ phía phải của cầu nhảy. Mỗi bên đường được phủ bằng xi măng vách hình ca rô. Phần còn lại của vành bãi là phần của quầy ba và hành lang có nền là lớp bọc lót sắt. Lớp bọc này được cắt thành những tấm khoảng 2m2 bởi những mối nối bằng sắt mà ngoài việc trang trí nó còn ngăn cản lớp bọc bị nứt rời.
Việc tháo nước mưa hay nước lau chùi sân thượng được tiến hành ở sân ngoài hay đi vào ống rãnh ngăn ra khu vành bãi nói dể hiểu là mặt đất đắp cao của quầy ba. Quả vậy vành bãi có độ dốc trung bình là 1cm/m và các bức tường của những mặt tiền đều có những ống máng bằng bê tông.
Cầu nhảy bao gồm những tầng 1m, 1m85, 3m và 5m . Lối vào của ba tầng trên là những cầu thang; riêng tầng 3m và 5m là hai cây thang. Những tầng này được đặt trên những rằm chia (cầu) đặt trên bốn trụ cột trung tâm làm giảm thiểu sự bề bộn của vành bãi.
Quầy ba là hai chái trong đó là một phòng làm nước đá và chứa dự trữ có mái là 24X10m . Mái này bao gồm một la phông bằng bê tông cốt thép được kéo dài bởi một máng nước và tấm đan bằng bê tông cốt thép. La phông và tấm đan được ngăn cách bởi một lớp không khí dầy từ 20 đến 45cm để tạo sự riêng biệt. Tòa bộ mái nhà mang những đường gân rộng 0m70 nằm trên la phông có 8cm bề dầy, tấm đan trên trần giữ vai trò chịu nén. Những đường gân này được gánh bởi hai hàng hiên có một nhịp giữa dài 14m50 và hai rằm chia (cầu) dài 4m65 tạo đối trọng. Mỗi hàng hiên có hai khớp ngang với sàn của quầy ba. Một phần của những xà của hàng hiên chánh nằm trên la phông, khu vực nhìn thấy của hai xà này là 0m25x0m37 tạo cho mái nhà có dáng vẻ to lớn nhưng nhẹ nhàng; toàn bộ mái nhà gồm những trụ cột với 0m312 bằng bê tông và 18kg5 mỗi mét vuông. Sàn của sân thượng gồm những đường gân có thân rỗng bằng xi măng có sức chịu là 400kg/m2 . Dưới quầy ba, phía trên đường dẫn vào các phòng người ta còn thấy một trần lớn không có xà ngang, được xếp chồng lên bởi hai phần rỗng bằng xi măng để đạt được một sàn có bề dầy 0m36 với các đường gân dài 7m10. Những xà ngang mang đường gân được tính toán để tạo sự liên tục và sự cứng rắn của những cột.
Phòng thay đồ, phòng tắm và dịch vụ- Mặt tiền chánh và hai mặt tiền sau của tầng trệt dành cho các phòng kiểm tra, phòng tắm và thay đồ sành cho đàn ông và phụ nữ. Một hành lang dịch vụ bao quanh bể bơi ở ba cạnh, mặt tiền thứ tư dành cho hệ thống bơm nước và phòng giặt. Cuối cùng cũng ở mặt này còn có một phòng thay đồ dàn cho cầu thủ ở sân vận động kế bên.
Mổi người đi tắm sau khi thay đồ và để đồ của mình 1 trong 80 ngăn đặt trước các phòng.
Phòng thay đồ và phòng tắm của đàn ông đều nằm chung, Những phòng dành cho cá nhân thì đặt ở sau. Nước ở vòi và la va bô kể cả nước dành cho việc chùi dọn đều được thoát ra đường ống được dẫn từ nắp van của ống của đường thoát nước hồ bơi. Để chống lại mùi hôi, một phần nước dư của bể bơi được thoát ra từ ống dẫn và được giữ liên tục bằng một giòng nước sạch.
Việc lắp đặt hồ bơi được hoàn tất bằng những quạt máy và bóng đèn chiếu sáng, Bông vừa trồng ở cuối mùa mưa đã bắt đầu leo lên những giàn.
Công ty Indochinoise d’ Etudes et de Constructions, tác giả của đề án đã đảm nhận thi công. Việc xây dựng bắt đầu tháng giêng năm 1933 và hồ tắm được khai trương ngày 3 tháng 9 cũng năm đó.
W. Kandaouroff,
Kỹ sư ngành nghệ thuật và công nghiệp.
THỨ BA, 15 THÁNG 11, 2016
Đây là bản lược dịch từ tài liệu Du Football au Vietnam (1905-1949): colonialisme, culture sportive et sociabilités en jeux của Larcher-Goscha Agathe. Tài liệu này cho chúng ta cái nhìn tổng quát về Túc cầu (bóng đá) thời kỳ thuộc địa.
Tài liệu về lịch sử túc cầu Việt Nam có đấy đủ hơn trên mạng, các bạn có thể tham khảo so sánh. Ở đây là những hoạt động túc cầu trong thời gian từ 1905 đến 1949 dưới cái nhìn của tác giả cho nên có thể không đầy đủ chi tiết bằng các tài liệu về lịch sử.
Các tổ chức túc cầu (bóng đá) Việt Nam (1905-1940):
Sự khởi đầu và triển khai
Trận đá banh đầu tiên trong thời kỳ thuộc địa là vào năm 1905. Đó là trận đấu giữa trung đoàn thủy quân lục chiến Pháp với binh lính của tàu tuần dương Anh “Vua Alfred” sau chuyến cập bến tại Nam kỳ. Trận đấu này diễn ra giữa các binh lính Pháp và Anh chứ không phải là dân sự, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm. Vì bên dân sự cũng chỉ mới bắt đầu hình thành phong trào còn về phía quân đội lại có sẳn đội ngủ hơn bất kỳ tầng lớp xã hội khác. Trong khuôn khổ binh nghiệp, họ đã luyện tập thể dục thể thao được giảng dạy ở Pháp và đã có thể phụ trợ việc tập luyện cho chính quyền thuộc địa. Vì là môn thể thao còn mới tại chính quốc nên các luật lệ, chiến thuật còn chưa có thống nhất, các tiện nghi còn thiếu, giáo dục thể chất phải được ưu tiên hơn bất kỳ môn thể thao trong đào tạo cơ bản.
Tuần dương King Alfred
So với đà khởi đầu khiêm nhường thì túc cầu ở Đông Dương lại được sự hưởng ứng nhiệt tình sau đó (1905-1914). Năm 1906, đội túc cầu đầu tiên của Pháp đã chính thức được thành lập tại các câu lạc bộ thể thao lâu đời nhất của Đông Dương thuộc Pháp, là Cercle Sportif Saigonnais (C.S.S). Đội bóng đá đầu tiên cùng với sân vận động quân đội lâu đời nhất của Đông Dương.
Sân vận động Mairice Long (Tao Đàn)
Trong quá trình này, hai đội mới đã được sinh ra ở Sài Gòn: Câu lạc bộ Athletic, gồm nhân viên thương mại và Câu lạc bộ Taberd, quy tụ các cựu học sinh, chủ yếu là người Âu-Á của một cơ sổ giáo dục tư nhân đạo Công giáo. Cùng thời gian đó, Chợ Lớn của người Hoa cũng tạo ra đội banh của riêng mình, Câu lạc bộ thể thao người Hoa với màu áo “đen và vàng”. Năm 1910 đánh dấu một bước ngoặt với sự hình thành quy mô đội tuyển túc cầu người Việt, đội Gia Định với màu áo “xanh da trời và trắng”. Năm 1922 đội đổi tên là Ngôi sao Gia Định sau khi dành được những giải đấu thành công của mình trong lòng công chúng Sài Gòn. Không thể phủ nhận, trong các phong trào thể thao mới nổi tại Đông Dương, bóng đá được khắc ghi một vị trí đặc biệt, đến một mức độ nào đó ngay cả banh bầu dục cũng không bao giờ có được trước hoặc sau năm 1914. Đến nổi một cựu sinh viên của Trường Y Hà Nội đã không ngần ngại nói về "cơn cuồng nhiệt" * kích hoạt bởi túc cầu trước 1914.
Đội banh đầu tiên của sân quân đội - Vô địch Nam kỳ 1909-1910
Năm 1915, một bước bổ sung được thực hiện trong các tổ chức của túc cầu khi ý tưởng này phát xuất ở Nam Kỳ thành lập một ủy ban quy tụ tất cả các chủ tịch và đội trưởng của các đội khác nhau được hình thành và đi vào hoạt động. Từ đó hình thành tổ chức Commission Sportive Interclubs (C.S.I) đầu tiên đã lãnh đạo và kiểm soát khắp Nam Kỳ trong những năm 1020. Trên ý tưởng đó, tổ chức Commission inter-club Annamite (CI. A) được hình thành. Phải nói rằng không chỉ khu vực Sài Gòn mới nhận thấy sự “bùng nổ” của các môn thể thao như đua xe đạp, tennis hay túc cầu mà nó còn lan ra cả Nam Kỳ Lục tỉnh. Từ những năm 1916-1918 đã xuất hiện nhiều đội bóng đá địa phương đã được khắc ghi vào lịch sử như: Biên Hòa Sport (1913), Mỹ Tho Sport (1917), Tân An Sport, Tân Định Sport, Chợ Lớn Sport, Gò Vấp Sport (1918), Sportive Gonconnaise (1919). Ở mạn phía tây Nam Kỳ vào năm 1915 xuất hiện đội Rạch Giá. Một cựu tuyển thủ cho biết:” Những người đá banh của chúng tôi, phần đông là những người chưa hề chạm banh vào chân nhưng với lòng nhiệt huyết, với lối chơi mang phong cách vui tươi hơn là những cú đá đẹp và các bên đều vui vẻ và thú vị hơn ". Dù muốn hay không, các trò chơi khởi đầu có phần hỗn loạn dần nhường chỗ cho một lối chơi chuyên nghiệp khi các luật lệ và nguyên tắc được áp dụng. Ở khía cạnh này, sự trở lại của hàng ngàn người Pháp và Việt Nam sau thời gian trưng dụng trong chiến tranh thế giới đã góp phần tăng cường nhân lực cho ngành túc cầu vửa được hình thành ở Việt Nam.
Đội banh của Cercle Sportif saigonnais Vô địch Nam kỳ 1911
Trong những năm 1920, túc cầu đã trưởng thành và lan tỏa khắp Đông Dương, mặc dù sự phân bố địa lý không đồng đều. Đã có những đội túc cầu Cam Bốt và Lào rất tốt nhưng họ vẫn là thiểu số dưới con mắt của những đồng nghiệp người Việt. Ngoài ra sự phát triển riêng tại Nam Kỳ vẫn nhiều hơn so với Bắc kỳ và Trung kỳ. Trong số hàng trăm đội (của Pháp và đa số của người Việt) được liệt kê giữa hai cuộc thế chiến – trừ những đội thuần túy của học đường – thì có 67 đội ở Nam kỳ so với 16 đội ở Bắc kỳ và 5 đội ở Trung kỳ. Sự mất cân đối có vẻ hiển nhiên. Đó là sự ghi nhận của báo chí về sự phát triển vượt bậc của túc cầu Nam kỳ.
Nói chung, túc cầu luôn kích hoạt một làn sóng người hâm mộ những nơi nó đến. Trong những năm cuối thập niên 1930, các đội túc cầu nữ được hình thành là một sự bổ sung lực lượng đáng kể cho môn thể thao hấp dẫn này. Đó là những phụ nữ Việt Nam tham gia vào cuộc phiêu lưu với túc cầu và được xem như là sự “ đão lộn trật tự” đối với các quan niệm cũ về thể lực và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Túc cầu được coi là một môn thể thao đầy bạo lực dành cho nam giới trong khi các bộ môn thể thao khác như thể dục, bơi lội thì dành cho phụ nữ. Liên đoàn An Nam đã chọn ngày 14 tháng 7 năm 1937 để tổ chức một trận đấu giữa đội nữ Sài Gòn vừa mới thành lập là đội Cái Vồn gặp đội nam của Paul Bert Sport không phải là một quyết định tầm thường! Các thành viên của Liên đoàn cũng có thể quyết định tổ chức một trận đấu giữa đội hai của phụ nữ, mà chúng ta biết vào lúc đó có ít nhất hai đội nữ khác là đội Cần Thơ và đội Huỳnh Kỳ. Hay là họ muốn cho một bài học cho các nữ túc cầu này? Hoặc nôm na hơn, họ nghĩ rằng kiểu đấu mới này sẽ có nhiều điều thú vị. Đám đông dự khán đã có những trận cười trước sự mất cân đối về thể lực "Đối diện với các cầu thủ Paul Bert tràn đầy sức lực họ trông như các bé gái đang đẩy trái bóng”. Đội Paul Bert tỏ ra ga lăng trận đầu trận cho tới cuối trận.
Để hiểu được sự phát triển đáng chú ý này của túc cầu ở Đông Dương, chúng ta phải đặt vào bối cảnh từ khi có sự hiện diện của chế độ thuộc địa. Kể từ những thập niên cuối của thế kỷ XIX, xã hội thuộc địa nổi lên hàng loạt các loại hình giải trí mới mẽ: cà phê, rạp chiếu phim, tản bộ trong cảnh quan mới ( công viên, vườn thực vật), khiêu vũ, thể thao (bowling, đua ngựa, tennis, đấu kiếm, điền kinh, túc cầu...) lúc đầu không thích hợp trong con mắt của người dân Việt. Các nhà chức trách thuộc địa dành cho hỗ trợ của họ cho thể thao và giáo dục thể chất, được coi là cách hiệu quả để duy trì thể lực của Pháp và phát triển các tiêu chuẩn y tế của phương Tây vào thuộc địa. Y tế và giáo dục là hướng đi của thể dục thể thao ở Đông Dương, đã được thực hành trong giới quân sự. Bởi vì nó truyền đạt các khái niệm phương Tây về cơ thể đối nghịch với những gì giảng dạy trong quá khứ của Nho giáo.
Trẻ em có thể chơi túc cầu bên những bờ sông hay trong các làng ở Nam kỳ từ trước năm 1914. Tất cả mọi người có thể đá một quả banh, mua từ các cửa hàng dụng cụ thể thao mở tại các thành phố lớn của Đông Dương hoặc tự tạo lấy. Tại các thành phố, người dân đô thị hầu hết có điều kiện tham gia trò thể thao này. Với 0.30 piastres, họ sẽ mướn một chổ trong sân vận động hay chỉ với 0.10 piastres đối với một sân đất nhỏ. Sân vận động Maurice Long (sân Tao Đàn) ở Sài Gòn đã có 3.000 chổ vào năm 1930, trong khi sân Mayer có số lượng gấp đôi.
Từ năm 1920, báo chí cũng góp phần vào việc quảng bá túc cầu đến với độc giả như đưa các tin về hoạt động, lịch thi đấu, phổ biến luật chơi và mỗi tờ đều có “trang thể thao” riêng của mình. Phải nói báo chí là phương tiện truyền thông góp phần vào việc truyền bá túc cầu đến công chúng cả ba kỳ và tạo ra hiệu ứng lan tỏa của bộ môn thể thao này đến mọi người dân Việt Nam. Chủ nghĩa địa phương đã trở thành một động cơ mạnh mẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các đội bóng khác nhau. Trước năm 1914, và ngay cả ở những năm 1920 và 1930 đã có những giải quán quân địa phương như “ Thách đấu Héraut”, " Cúp túc cầu thành phố Chợ Lớn "...) do các câu lạc bộ rồi các ủy ban câu lạc bộ và liên đoàn như “ Giải quán quân Nam kỳ”, " Cúp Armistice " , “các thủ quân”, “miền đông”, “miền tây”…) tổ chức. Một vài cúp do báo “Thách đấu Khoa học tạp chí” đứng ra tổ chức hay do sáng kiến tư nhân hoặc để “tưởng nhớ” một cá nhân nào đó như “Cúp Nguyễn Chiêu Thống”, “Cúp Trương Văn Bền”, “Cúp Louis Công”, “Cúp bác sĩ Hoàng Gia Hợp”. Giải vô địch khác được tổ chức thường xuyên giữa các hiệp hội học đường (như của Patronnage Laïc) hoặc quân sự “Giải quán quân quân đội Đông Dương”
Đầu thập niên 1930, tất cả các tỉnh Việt Nam được coi là có một hoặc nhiều hơn các hiệp hội, câu lạc bộ thể thao và sân vận động. Đối với chính phủ Vichy thì cũng chẳng có gì mới cho phong trào thể thao Đông Dương mặc dù có sự đóng góp của Maurice Ducoroy là ủy viên thể thao đương thời đã truyền đạt tư tưởng của Pétain cho thanh niên Đông Dương. Nếu ai tin số liệu của Ducoroy, thì Đông Dương đã tăng hơn 9 lần sân vận động và cơ sở đào tạo trong 4 năm (120 vào năm 1940; 1,111 vào năm 1944).
Chiến tranh Đông Dương đã phá vỡ các hoạt động tể thao ở các vùng có chiến sự. Bóng đá Việt Nam vẫn còn những giờ phút vinh quang vào năm 1949 khi đội tuyển quân đội Onze de France, được xếp hạng trong 7 đôi quốc tế, đã đến miền bắc Việt Nam trong một trận thi đấu mang màu sắc thể thao hơn là chính trị. Cũng trong năm đó, một dự án được đề ra: thành lập sân vận động Olympique với 40 ngàn chổ.
[Phụ lục I]: đội bóng đá chính ở Việt Nam được xác định giữa các cuộc chiến tranh: xác định và vị trí (trừ các đội học đường và quân đội).
CHỦ NHẬT, 13 THÁNG 11, 2016
NHỮNG THƯỚC PHIM QUÝ BÁU VỀ VIỆT NAM
CỦA LUMIÈRE
Anh em nhà Lumière, gồm Auguste Marie Louis Nicolas (19 tháng 10 năm 1862, Besançon – 10 tháng 4 năm 1954, Lyon) và Louis Jean (5 tháng 10 năm 1864, Besançon – 6 tháng 6 năm 1948, Bandol) là hai kỹ sư người Pháp, được coi như những nhà làm phim đầu tiên của lịch sử. Bộ phim La Sortie des usines Lumière do anh em Lumière thực hiện và công chiếu lần đầu tiên ngày 28 tháng 12 năm 1895 tại quán Salon Indien du Grand Café ở Paris thường được xem như bộ phim đầu tiên của điện ảnh.
Họ là con trai của nhà nhiếp ảnh Antoine Lumière. Trong tiếng Pháp, lumière có nghĩa là ánh sáng.
Ở Việt Nam
Năm 1896, họ đã sang Việt Nam quay 2 bộ phim ngắn thời lượng chưa đến 1 phút là “Le Village de Namo” – ngôi làng Nam Ô ở Đà Nẵng và “Indochine: Enfants annamites ramassant des sépèques devant la Pagode des dames” – Đông Dương: Trẻ em An Nam nhặt tiền xu do quý bà ném trước chùa. (Wikipedia)
Đây là những thước phim được quay tại Việt Nam chỉ sau từ 1 - 5 năm khi phim La Sortie des usines Lumière được trình chiếu và cũng là những thước phim đầu tiên của lịch sử điện ảnh thế giới.
Coolies à Saigon (1896)
Enfants annamites ramassant des sapèques devant la pagode des dames (1900)
Promenade du dragon à Cholon - I (1900)
Saigon. La sortie de l’arsenal (1899)
Le village de Namo - Panorama pris d'une chaise à porteurs (1900)
THỨ BẢY, 5 THÁNG 11, 2016
RANH GIỚI HÀNH CHÍNH
ĐÔ THỊ SÀI GÒN – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
THỂ HIỆN QUA CÁC BẢN ĐỒ
(GIAI ĐOẠN 1859 – 2005)
Vũ Ngọc Thành
Lịch sử hình thành vùng đất Sài Gòn được đánh dấu bằng mốc son năm 1698 khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý và lập phủ Gia Định. Sài Gòn khi đó vẫn còn là một vùng nông thôn thuộc hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Dưới thời Gia Long vào năm 1808, vùng đất này thuộc 2 trấn Biên Hòa và Phiên An. Năm 1836, sau cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng thì địa bàn Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh thuộc về 2 tỉnh Biên Hòa và Gia Định. Mặc dù thời kỳ đó trên địa bàn vùng nông thôn này đã hình thành nhiều khu tập trung dân cư, có phố chợ buôn bán làm dịch vụ sầm uất nhưng vẫn chưa có khái niệm và danh xưng “thành phố”. Sau khi chiếm được Sài Gòn vào năm 1859, người Pháp đã gấp rút quy hoạch xây dựng Sài Gòn thành một đô thị lớn nhiều chức năng (hành chính, quân sự, kinh tế, cảng, v.v.).
Bản đồ 1860
Quyết định của đô đốc Charner ngày 11 tháng 4 năm 1861 đã ấn định địa phận thành phố Sài Gòn (Ville de Saigon) và cho những ranh giới “một mặt là rạch Bến Nghé và rạch Thị Nghè, mặt kia là chính sông Sài Gòn và một đường rạch nối từ chùa Cây Mai đến những phòng tuyến cũ đồn Chí Hòa”1 thì Sài Gòn lúc này mới bắt đầu là một đơn vị hành chính riêng, diện tích 25 km².
Với quyết định này, thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ bao gồm cả 2 khu Sài Gòn và Chợ Lớn. Năm 1862 dự án thiết kế thành phố Sài Gòn với 500.000 dân của Coffyn được phê duyệt. Đến năm 1864 người Pháp cho tách khu Chợ Lớn ra khỏi thành phố Sài Gòn2. Chợ Lớn lúc này là lỵ sở của huyện Tân Long thuộc phủ Tân Bình. Đây là một thay đổi cơ bản và thuận lợi nhất để tập trung đầu tư xây dựng khu trung tâm Sài Gòn. Từ đây ranh giới hành chính của thành phố Sài Gòn đã được định hình trên các bản đồ qua từng thời kỳ lịch sử.
* Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển TP.HCM
1 Nhiều tác giả, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh 300 năm địa chính, Sở Địa chính Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr 67.
2 Website: http://saigon24h.vn, ngày 25/8/2012.
Bản đồ 1867
Hai bản đồ này cho thấy mặt bằng đô thị vẫn còn rất nhỏ hẹp, chỉ khoảng trên 200 ha (theo Nghị định ngày 3/10/1965 của Thống đốc Nam Kỳ về việc đặt ranh giới cho thành phố Sài Gòn). Về phía Bắc, địa bàn thành phố Sài Gòn tiếp giáp với một phần con rạch Thị Nghè (đoạn từ cầu Bông cho tới cầu Thị Nghè) và đường Trần Quang Khải ngày nay. Về phía Đông tiếp giáp với sông Sài Gòn, phía Nam đến rạch Bến Nghé, cầu Ông Lãnh và một đoạn đường đi Chợ Lớn (Lý Tự Trọng), đường Thuận Kiều (Cách Mạng Tháng Tám) rẽ vào đường Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai). Phía Tây thành phố tiếp giáp với hai con đường Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Impériale (sau này đổi tên thành đường Nationale tức đường Hai Bà Trưng ngày nay). Lúc này đô thị Sài Gòn là lỵ sở của hạt Sài Gòn thuộc tỉnh Sài Gòn[1]. Dân số Sài Gòn thời kỳ này có khoảng 10.735 người (1866). Trong đó người Âu có 555 người, người Ấn có 180 người, người Việt và người Hoa có độ 10.000 người[2].
[1] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Gia Định, NXB TP.Hồ Chí Minh, 1994, tr.98.
[2] Nhiều tác giả (1998), Sđd, tr.109.
Bản đồ 1878
Ranh giới hành chính của Sài Gòn 1878
theo bản đồ Plan de la ville de Saigon (Cochinchine) 1878
Ranh giới thành phố
Ranh giới của thành phố được xác định cụ thể, trong đó, ngoài những đường ranh giới thiên nhiên, thì các con đường cũng được dùng để xác định ranh giới. Bản đồ thành phố Sài Gòn năm 1878 bao gồm có 4 phần được chia cắt bởi hai trục đường lớn chạy qua thành phố là hai con đường Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Nationale (Hai Bà Trưng).
Ranh giới phía Bắc từ giao lộ đường Impériale (đã được đổi tên thành Nationale - Hai Bà Trưng) và đường Cimetière (Võ Thị Sáu) theo nghĩa địa người Âu (nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi - công viên Lê Văn Tám) vòng qua nghĩa địa người châu Á (nay là khu vực đường Lý Văn Phức) rồi ngược xuống đường Bangkok (Mạc Đĩnh Chi) nối với đường Des Mois (Nguyễn Đình Chiểu) đến đường Tây Ninh (Nguyễn Bỉnh Khiêm) rồi rẽ xuống cầu Thị Nghè và từ đó theo rạch Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn.
Về phía Đông, Sài Gòn giáp sông Sài Gòn, phía Nam giáp rạch Bến Nghé đến đầu đoạn kênh Lò Heo (kể cả Lò Heo) kéo dài lên đường De Lagrandière (Lý Tự Trọng) nối với đường Thuận Kiều (Cách Mạng Tháng Tám).
Về phía Tây là từ giao lộ đường Thuận Kiều (Cách Mạng Tháng Tám) và đại lộ Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai), đến đường Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) rồi chạy vòng lên tới đường Nationale (Hai Bà Trưng).
Lúc này thành phố Sài Gòn đã là một thành phố lớn được xếp vào thành phố hạng I theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp ban hành ngày 8/1/1877. Khi đó khung hành chính lục tỉnh đã bị Pháp phá bỏ (vào năm 1876) và chia ra làm 19 hạt với 4 khu vực lớn có tính cách quân sự bao gồm: khu vực Sài Gòn, khu vực Mỹ Tho, khu vực Vĩnh Long và khu vực Hậu Giang. Thành phố Sài Gòn thuộc hạt Sài Gòn nằm trong khu vực Sài Gòn.
Bản đồ 1882
Ranh giới hành chính của Sài Gòn – Chợ Lớn theo bản đồ Plan topographique 20è
Arrondissement et ses environs 1882
Ranh giới thành phố
Ranh giới hạt
Nam Kỳ được chia ra làm 20 hạt vào năm 1880, Thành phố Sài Gòn và Thành phố Chợ Lớn nằm trong phạm vi hạt 20[1]. Bản đồ 1882 cho thấy giữa thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn còn cách nhau một miền quê rộng lớn, gồm nhiều xã thôn như Phú Thạnh, Thái Bình, Nhơn Hòa, Tân Thành, Tân Hòa, Bình Yên, Tân Quang, Nhơn Giang, Tân Kiểng, Tân Châu, Hòa Bình… Đó là những vùng đất thuộc hai tổng Bình Chánh Thượng và tổng Dương Minh của hạt 20 mà Pháp lập ra theo Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ ban hành ngày 13/12/1880.
Ranh giới hành chính thành phố Sài Gòn vào năm 1882 không có sự thay đổi đáng kể nào so với năm 1878. Dân số Sài Gòn vào năm 1881 có 13.481 người cư ngụ trong đó chủ yếu là người Việt, người Hoa và người Pháp [2].
Riêng về Chợ Lớn, bản đồ năm 1878 cũng như bản đồ năm 1867 không vẽ nên ta chỉ có thể xem xét sự thay đổi địa giới hành chính qua bản đồ do Trần Văn Học lập vào năm 1816 và bản đồ năm 1882, tức khoảng 66 năm. Đây là một khoảng thời gian khá dài và là giai đoạn vùng đất Chợ Lớn (bản đồ năm 1816 dùng tên gọi là Sài Gòn), cũng như khu đô thị Sài Gòn (năm 1816 dùng tên gọi là Bến Nghé) trải qua rất nhiều biến động quan trọng. Chính vì thế, ranh giới hành chính của vùng Chợ Lớn (bản đồ 1882, dùng tên gọi là Thành phố Chợ Lớn) đã mở rộng hơn trước rất nhiều. Nếu trên bản đồ Trần Văn Học, vùng Chợ Lớn chủ yếu nằm giữa rạch Lò Gốm và đường thiên lý đi miền Tây Nam kỳ thì đến bản đồ năm 1882, thành phố Chợ Lớn đã mở rộng hơn rất nhiều ở tất cả các hướng. Về phía Đông và phía Bắc sáp nhập thêm các làng An Bình, An Đông, Tân Thành. Phía Tây sáp nhập thêm các làng Minh Phụng, Phú Lâm, Bình Tiên, Bình Tây và phía Nam sáp nhập thêm một phần làng Bình Đông nằm về phía Bắc rạch Tàu Hũ cùng các làng Phong Phú, Long Vĩnh, Un Long nằm về phía Nam rạch Tàu Hũ. Dân số Chợ Lớn trong năm 1881 nhiều gấp 3 lần so với dân số Sài Gòn với số dân là 39.806 người [3].
[1] Nguyễn Quang Ân, Việt Nam những thay đổi địa danh và ranh giới hành chính, NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2003, tr.37.
[2] Nhiều tác giả (1998), Sđd, tr.109.
[3] Nhiều tác giả (1998), Sđd, tr.110.
Bản đồ 1897
Ranh giới hành chính của Sài Gòn – Chợ Lớn theo bản đồ Saigon Cholon et leurs environs 1897
Ranh giới thành phố năm 1882
Ranh giới thành phố năm 1897
Ranh giới Hạt
Phần diện tích mở rộng
Sài Gòn
Bản đồ trên cho thấy địa bàn thành phố Sài Gòn được mở rộng so với năm 1882. Việc mở rộng này được thực hiện từ năm 1894. Ranh giới về phía Bắc được nới rộng ra đến hết rạch Thị Nghè, sáp nhập thêm các làng Phú Hòa, Nam Chơn, Hòa Mỹ (vùng Đa Kao ngày nay). Ranh giới thành phố về phía Tây bắt đầu từ cầu Kiệu theo rạch Thị Nghè chạy xuống tới đường Cách Mạng Tháng Tám bao gồm các làng Tân Định và một phần làng Xuân Hòa (vùng Tân Định ngày nay), tăng thêm diện tích được 344 ha (năm 1894). Sài Gòn lúc này có diện tích 791 ha. Một năm sau, ngày 15/3/1895 thành phố lại được nới rộng ra về phía Nam với việc sáp nhập một phần đất các làng Khánh Hội và làng Tam Hội cũ (rộng 182 ha) dọc bờ sông Sài Gòn làm cho Sài Gòn có diện tích 973 ha[1]. Như vậy, về phía Bắc và phía Đông thành phố Sài Gòn được bao bọc bởi rạch Thị Nghè và sông Sài Gòn. Phía Nam tiếp giáp với đường Nguyễn Thái Học ngày nay rồi vòng xuống rạch Bến
Nghé theo đường Pháo đài Nam (một phần đường Nguyễn Tất Thành) đến rạch Bàng. Phía Tây tiếp giáp với một phần rạch Thị Nghè và đường Cách Mạng Tháng Tám.
Lúc này thành phố Sài Gòn thuộc hạt Gia Định với dân số khoảng 37.593 người2.
Chợ Lớn
Vào thời kỳ này, giữa hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn có thêm đường giao thông nối với nhau. Đó là đại lộ Vành Đai (Boulevard de Ceinture) chạy từ kênh Vành Đai (Canal de Ceinture) đến đường Route stratégique (Đường Chiến lược).
Tuy được nối thêm đường giao thông, nhưng giữa hai thành phố vẫn còn được ngăn cách bởi một miền quê rộng lớn. Miền quê này nằm trong hạt Gia Định và hạt Chợ Lớn (Hạt 20 đã bị giải thể vào năm 1888).
Về mặt hành chính, thành phố Chợ Lớn thuộc hạt Chợ Lớn. Thành phố cũng có sự mở rộng về địa giới so với năm 1882, nhưng không đáng kể. Đó là việc sáp nhập thêm một dải đất của làng Bình Đông thuộc phía Nam rạch Tàu Hũ, từ ranh hiện tại của rạch Tàu Hũ chạy về phía Nam đến hết vàm rạch Lò Gốm. Chợ Lớn có dân số tập trung đông đúc 122.132 người (1895)[2], hơn hẳn dân số Sài Gòn (37.593 người).
[2] Nhiều tác giả (1998), Sđd, tr.110.
Bản đồ 1923
Ranh giới hành chính của Sài Gòn – Chợ Lớn
theo bản đồ Plan de Saigon – Cholon 1923
Ranh giới thành phố năm 1897
Ranh giới thành phố năm 1923
Phần diện tích mở rộng
Sài Gòn
So với bản đồ năm 1897, bản đồ năm 1923 cho thấy ranh giới hành chính đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn có một số thay đổi. Theo các tài liệu[1], thì vào năm 1906, về phía Tây, diện tích thành phố được nới rộng thêm một phần đất của làng Tân Hòa và Phú Thạnh (vùng giữa Sài Gòn và Chợ Lớn) rộng 344 ha, Sài Gòn có diện tích là 1.317 ha. Địa giới thành phố Sài Gòn tiếp tục được mở rộng ra đến đường Eglise de Cầu Kho (Trần Đình Xu) và một phần đường Route Stratégique (Trần Phú), đoạn giữa quốc lộ 1 (Cách Mạng Tháng Tám) và đường Nancy (Nguyễn Văn Cừ). Việc mở rộng này được thực hiện theo Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ ban hành ngày 30/12/1912[2].
Về phía Nam, ngày 21/8/1907 địa bàn thành phố được nới rộng với việc sáp nhập thêm phần diện tích còn lại của các làng Khánh Hội và một phần của làng Chánh Hưng (rộng 447 ha làm cho Sài Gòn có diện tích là 1.764 ha). Ranh giới phía Nam kéo xuống đến rạch Ông Đội – rạch Bàng[3].
Thành phố Sài Gòn có 3 quận là quận 1, quận 2 và quận 3. Mỗi quận đều có bót cảnh sát (Commissariat de Police) để cai quản. Có tất cả ba bót cảnh sát, được đánh số 77 (quận 1), số 98 (quận 2), số 20 (quận 3) trên bản đồ Plan de Saigon –
Cholon 1923.
Chợ Lớn
Chợ Lớn cũng có nhiều thay đổi như Sài Gòn với các hoạt động phong phú của một đô thị đang phát triển. Ranh giới hành chính của Chợ Lớn được mở rộng, bao gồm có 2 quận là quận 4 và quận 5. Về phía Đông, diện tích thành phố Chợ Lớn có thêm một phần làng Tân Hòa và làng Phú Thạnh, đường Nancy trở thành ranh giới giữa hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn. Về phía Tây và phía Nam, Chợ Lớn có thêm một phần các làng xung quanh như Tân Hòa Đông, Phú Định, An Lạc, An Phú Tây, Phong Đước, Bình Đăng, Bình Đông, Chánh Hưng, Tân Thới Hòa, Chí Hòa[4] vào năm 1923 (Nghị định ngày 5/1/1923 do Thống đốc Nam Kỳ ban hành)[5].
[1] Nhiều tác giả (1998), Sđd, tr.107.
[2] Nguyễn Đình Tư, “Địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử” trong Một số vấn đề về xây dựng chính quyền đô thị từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh, NXB TP.HCM, 2007, tr.335.
[3] Vốn thuộc làng Tân Thuận Đông, nay thuộc quận 7.
[4] Nguyễn Đình Tư, Sđd, tr.336.
[5] Phần diện tích được mở rộng theo Nghị định ngày 5/1/1923 chưa được thể hiện trên bản đồ năm 1923.
Bản đồ 1942
Ranh giới hành chính Khu Sài Gòn – Chợ Lớn
theo bản đồ Plan de Saigon 1942, Plan de Cholon 1942
Ranh giới thành phố năm 1923
Ranh giới thành phố năm 1947
Phần diện tích mở rộng
Phần diện tích thu hẹp
Bản đồ năm 1942 cho thấy ranh giới hành chính Khu Sài Gòn – Chợ Lớn có những thay đổi lớn. Đô thị Sài Gòn được mở rộng về phía Tây với việc sáp nhập các phần đất còn lại của làng Xuân Hòa (khu vực Ga Sài Gòn ngày nay) và một phần nhỏ đất đai của làng Hòa Hưng (trung tâm Du lịch quận 10 ngày nay). Tuy nhiên về phía Nam, ranh giới đô thị Sài Gòn lại bị thu hẹp với việc cắt trả khu vực từ rạch Bàng Đôn đến kênh Tẽ (nay thuộc quận 7) về cho quận Nhà Bè (tỉnh Gia Định).
Sài Gòn ở vào thời điểm 1949 bao gồm có 4 quận, vị trí các quận 1,2,3 vẫn được giữ nguyên như cũ. Quận 6 được thành lập theo nghị định số 2383 – MI/DAA của chính phủ lâm thời Cộng hoà Nam Kỳ quyết định thành lập vào ngày 10/5/1948. Theo đó Quận 6 bao gồm hầu hết phần đất của các làng Khánh Hội và Vĩnh Hội của thành phố Sài Gòn (quận 4 ngày nay).
Đô thị Chợ Lớn tiếp tục được mở rộng ra về phía Tây với việc sáp nhập thêm các xóm Phú Thới, xóm Mỹ Trung và xóm Phú Định thuộc làng Phú Định và các xóm Hòa Đông, xóm Phú Lâm thuộc làng Tân Hòa Đông vào địa bàn Chợ Lớn. Về phía Bắc, Chợ Lớn được mở rộng hơn với các phần đất của làng Chí Hòa và một phần đất của làng Hòa Hưng. Về phía Nam, địa bàn Chợ Lớn được mở rộng xuống đến phần đất của các xóm Cầu Mật, xóm Thái Phúc thuộc làng Chánh Hưng. Các quận trên địa bàn Chợ Lớn vẫn được giữ nguyên như cũ.
Bản đồ 1958
Ranh giới hành chính Đô thành Sài Gòn 1958 theo bản đồ Đô thành Sài Gòn 1958
Ranh giới Đô thành
Bản đồ năm 1958 mang tên là Đô thành Sài Gòn. Bản đồ cho thấy hai thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn không còn cách nhau riêng biệt nữa mà đã là một đơn vị hành chính có ranh giới chung cho toàn địa bàn.
Bản đồ không thể hiện đầy đủ các đường ranh giới cho toàn bộ Đô thành Sài Gòn, nhưng khi so sánh với những phần thể hiện được trên bản đồ với bản đồ
1942, ta thấy ranh giới hành chính của cả hai thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn không có sự thay đổi gì, chỉ có đơn vị hành chính là có sự thay đổi. Trên địa bàn thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn có 5 quận với 18 hộ.
Ngày 10/5/1948, Chính phủ lâm thời Cộng hòa Nam Kỳ ra nghị định số 2383 - MI/DAA về việc chia khu Sài Gòn – Chợ Lớn ra làm 6 quận. Trên địa bàn thành phố Sài Gòn có các quận 1, quận 2, quận 3 và quận 6. Trên địa bàn thành phố Chợ Lớn có 2 quận là quận 4 và quận 5. Ranh giới được ấn định như sau[1]: Quận 1 gồm có hộ 1
Quận 2 gồm có hộ 2
Quận 3 gồm có hộ 4, cộng thêm một khu tứ giác bao bọc bởi đường Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai), đại lộ Hui Bon Hoa (Lý Thái Tổ). Đường Général Lizé (Điện Biên Phủ) và ranh giới của hộ 3 và hộ 4 như đã được ấn định theo Nghị định ngày 22/9/1941.
Quận 4 gồm có các hộ: 7,8,9,10,13 và một phần hộ 15 và hộ 18 khu vực Chợ Lớn.
Quận 5 gồm có các hộ: 11,12,14,15,16,17 và 18 (trừ phần đã sáp nhập vào quận 4).
Quận 6 gồm có hộ 3 (Khánh Hội và Vĩnh Hội) của Sài Gòn.
Số đơn vị quận của Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn được tăng lên 7 quận với sắc lệnh số 104-NV của Quốc trưởng Bảo Đại ban hành ngày 27/12/1952 quyết định thành lập thêm quận 7 (phần đất phía Tây của thành phố Chợ Lớn).
Bản đồ 1973
Để nghiên cứu sự mở rộng về mặt hành chính đô thị trong giai đoạn từ năm 1954-1975, chúng tôi sử dụng bản đồ Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận. Tuy bản đồ không để năm xuất bản nhưng căn cứ vào những thông tin được thể hiện trên bản đồ kết hợp với những tư liệu viết về hành chính Đô thành Sài Gòn trong giai đoạn này chúng tôi có thể xác định đây là bản đồ được vẽ trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến năm 1973.
Bản đồ Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận trước năm 1975
[1] Nguyễn Thanh Lợi, “Địa lý hành chính Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” trong Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh 60 năm tiếp bước con đường Cách mạng tháng Tám 1945-2005, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr.24.
So với bản đồ Đô Thành Sài Gòn năm 1958 ở giai đoạn trước, chúng ta thấy bản đồ Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận trước năm 1975 cho thấy ranh giới hành chính Đô thành Sài Gòn được thể hiện khá đầy đủ trọn vẹn và chi tiết từ ranh giới Đô thành cho đến ranh giới từng quận, phường bằng những ký hiệu chú giải trên bản đồ. Sự thay đổi ranh giới hành chính được thể hiện rất rõ rệt cả về mặt địa giới cũng như số lượng đơn vị các quận hành chính trong Đô thành.
Ngày 27/3/1959, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ra nghị định số 110-NV về việc phân chia Đô thành Sài Gòn ra làm 8 quận bao gồm có quận Nhất, Nhì, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám. Trong số 8 quận mới thành lập trên, chỉ có quận Nhất, Nhì, Ba là giữ nguyên so với giai đoạn trước, các quận còn lại đều được đổi tên và thay đổi về mặt địa giới hành chính. Cụ thể:
Quận Nhất: địa giới quận Nhất cũ, chia ra 4 phường: Bến Nghé, Hòa Bình, Tự Đức, Trần Quang Khải.
Quận Nhì: địa giới quận Nhì cũ, chia ra 4 phường: Cầu Ông Lãnh, Chợ Bến Thành, Cầu Kho, Nhà thờ Huyện Sỹ.
Quận Ba: địa giới quận Ba, chia ra 5 phường: Đài Chiến Sĩ, Bàn Cờ, Chí Hòa, Trương Minh Giảng, Yên Đỗ.
Quận Tư: địa giới thuộc quận Sáu cũ, chia ra 4 phường: Xóm Chiếu, Lý Nhơn, Vĩnh Hội, Bến Xà Lan.
Quận Năm: phần địa giới thuộc quận Tư cũ, phía bắc Kênh Tàu Hũ, chia ra 6 phường Trung Ương, Chợ Quán, An Đông, Minh Mạng, Nguyễn Tri Phương, Phú Thọ.
Quận Sáu: một phần địa giới của quận Năm cũ, chia ra 7 phường: Bình Tây, Chợ, Bình Tiên, Phú Lâm, Cầu Tre, Bình Thới, Phú Thọ Hòa.
Quận Bảy: một phần địa giới của quận Năm cũ, chia ra 6 phường: Cây Sung, Bình Đông, Rạch Cát, Phú Định, Bến Đá, Hàng Thái.
Quận Tám: phần địa giới thuộc quận Tư cũ, phía nam Kênh Tàu Hũ chia ra 5 phường: Xóm Củi, Hưng Phú, Bình An, Chánh Hưng, Rạch Ông.
Năm 1965, Đô thành Sài Gòn có tám quận, bao gồm 54 phường, 707 khóm với tổng cộng 1.485.295 dân[1].
Ngày 15/6/1966, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung Ương ra sắc lệnh số 100-SL/NV sáp nhập xã An Khánh, thuộc quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định vào địa phận quận Nhất Đô thành Sài Gòn. Đến đây, ranh giới hành chính Đô thành Sài Gòn đã được mở rộng hơn về mặt địa giới hành chính so với giai đoạn trước đó. Diện tích Đô thành tăng lên 67,53 km2 và không thay đổi đến tháng 4/1975.
Ngày 5/12/1966, chính quyền lại chia xã An Khánh ra làm 2 phường An Khánh và Thủ Thiêm trực thuộc quận Nhất.
Ngày 17/1/1967, chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương ra sắc lệnh số 9SL/ĐUHC về việc thành lập quận 9 trên cơ sở 2 phường An Khánh và Thủ Thiêm của quận Nhất.
Ngày 1/7/1969, Sắc lệnh số 073-SL/NV của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa về việc thành lập quận 10 và quận 11 trên cơ sở một số phường của các quận 3,5,6. Theo đó, địa phận quận 10 hình thành từ hai phường: Chí Hòa, Phan Thanh Giản của quận Ba và hai phường: Minh Mạng, Nguyễn Tri Phương của quận Năm.
Quận Mười Một hình thành từ phường Phú Thọ của quận Năm và ba phường: Bình Thới, Cầu Tre, Phú Thọ Hòa của quận Sáu. Từ thời gian này Đô thành có tổng cộng 11 quận và không thay đổi cho đến trước năm 1975, chỉ có số phường trong các quận là có sự thay đổi về mặt tên gọi từ năm 1973. Những thông tin mới về tên gọi phường sau năm 1973 không được thể hiện trên bản đồ cùng với những chú giải về bưu phí nội xứ (áp dụng từ ngày 06/02/73), điện tín nội xứ (áp dụng từ ngày 01/03/72) có ghi trên bản đồ cũng là cơ sở để chúng tôi xác định bản đồ trên được vẽ trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến năm 1973.
Năm 1974, toàn bộ Đô thành Sài Gòn có tổng cộng 11 quận, với 60 phường, dân số tổng cộng là 1.825.297 người[2].
Như thế, trong giai đoạn này ranh giới hành chính Đô thành Sài Gòn đã được mở rộng hơn so với giai đoạn trước khi có thêm vùng đất quận 9 phía bên kia sông Sài Gòn (nay thuộc quận 2) và số lượng các quận hành chính trong Đô thành cũng tăng từ 7 quận lên 11 quận trong giai đoạn này.
Bản đồ 1988
Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản Đô thành Sài Gòn vào ngày 30/04/1975, ngày 03/05/1975 thành phố Sài Gòn - Gia Định được thành lập trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hành chính thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa dưới đây:
Đô thành Sài Gòn gồm mười một quận. Tỉnh Gia Định gồm các quận Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh và Nhà Bè. Riêng hai quận Cần Giờ và Quảng Xuyên sáp nhập với nhau, mang tên mới là huyện Duyên Hải chuyển sang trực thuộc tỉnh Biên Hòa.
Thành phố Sài Gòn - Gia Định mới lập được tổ chức lại thành 18 quận (bao gồm 11 quận của Đô thành Sài Gòn và 7 xã “đô thị hóa” của tỉnh Gia Định được nâng thành quận là Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Phú Nhuận, Hạnh Thông, Thông Tây Hội (gồm cả xã An Nhơn thuộc quận Gò Vấp tỉnh Gia Định cũ), Tân Sơn Nhì và Tân Sơn Hòa, cùng 5 huyện: Củ Chi (gồm hai quận Củ Chi và Phú Hòa nhập lại); Bình Chánh (gồm quận Bình Chánh, hai xã: Vĩnh Lộc và Bình Hưng Hòa của quận Tân Bình cũ và xã Bình Lợi là phần đất cắt từ xã Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa cũ, sáp nhập với nhau); Hóc Môn (gồm quận Hóc Môn và hai xã
An Phú Đông, Thạnh Lộc của quận Gò Vấp cũ sáp nhập); Nhà Bè (gồm cả xã Hiệp Phước thuộc quận Cần Giuộc tỉnh Long An cũ) và Thủ Đức. Dân số thành phố Sài Gòn - Gia Định vào tháng 5/1975 theo thống kê của chính quyền thành phố là 3.498.120 người [3].
Ngày 20/05/1976, tổ chức hành chính thành phố Sài Gòn - Gia Định được sắp xếp lần hai, 18 quận nội thành được chuyển thành 12 quận mới gồm: 1 (sáp nhập quận Nhất và quận Nhì), 3, 4, 5, 6, 8 (sáp nhập quận Bảy và quận Tám), 10, 11, Bình Thạnh (sáp nhập hai quận Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây), Phú Nhuận, Gò Vấp (sáp nhập Hạnh Thông và Thông Tây Hội), Tân Bình (sáp nhập Tân Sơn Nhì và Tân Sơn Hòa), riêng quận 9 giải thể, chia thành hai xã Thủ Thiêm và An Khánh nhập vào huyện Thủ Đức và gọi là xã.
Ngày 02/07/1976 Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 29/12/1978 huyện Duyên Hải, tỉnh Đồng Nai được chuyển giao cho Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó đổi tên lại thành huyện Cần Giờ (1991).
Như vậy, toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định có 12 quận nội thành và 6 huyện ngoại thành với diện tích 2.095,01 km2. Từ đây, diện tích toàn thành phố luôn giữ ổn định và không có sự mở rộng về mặt địa giới hành chính cho tới nay mà chỉ có sự mở rộng ở khu vực nội thành với việc thành lập thêm nhiều quận mới lấn ra các huyện ngoại thành. Quá trình này thay đổi qua từng thời kỳ của thành phố theo quá trình đô thị hóa. Có thể hình dung khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh đến trước tháng 4/1997 qua bản đồ sau.
Bản đồ nội thành Thành phố Hồ Chí Minh năm 1988
Bản đồ nội thành Thành phố Hồ Chí Minh năm 1988 cho thấy rõ sự mở rộng về mặt ranh giới hành chính đô thị so với Đô thành Sài Gòn trước năm 1975. Phần diện tích mở rộng bao gồm toàn bộ diện tích các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp. Tuy vậy, phần diện tích quận 9 thuộc Đô thành Sài Gòn trước đây cũng không còn được thể hiện trên bản đồ khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh do đã được trả về cho huyện thủ Đức.
Bản đồ 2003
Ngày 06/01/1997, với Nghị định số 03/CP của Chính phủ về việc thành lập các quận, phường mới ở Thành phố Hồ Chí Minh thì thành phố đã có thêm 5 quận mới bao gồm:
Quận 2 trên cơ sở tách các xã An Khánh, An Phú, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm và một phần xã Bình Trưng của huyện Thủ Đức,
Quận 9 trên cơ sở tách các xã Long Bình, Long Trường, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Phước Bình, Tăng Nhơn Phú, Phú Hữu và một phần bốn xã Bình Trưng, Phước Long, Tân Phú và Hiệp Phú của huyện Thủ Đức,
Quận Thủ Đức là phần còn lại của huyện Thủ Đức cũ, gồm Thị trấn Thủ Đức, các xã Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông, Linh Trung, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú và một phần ba xã Phước Long, Tân Phú và Hiệp
Phú),
Quận 7 trên cơ sở tách các xã Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Phú Mỹ và một phần thị trấn Nhà Bè của huyện Nhà Bè,
Quận 12 trên cơ sở tách các xã Đông Hưng Thuận, Tân Thới Hiệp, Tân Thới Nhất, Thạnh Lộc, An Phú Đông và một phần hai xã Trung Mỹ Tây và Tân Chánh Hiệp của huyện Hóc Môn.
Ngày 05/11/2003, với Nghị định số 130/2003/NĐ-CP, ranh giới nội thành tiếp tục được mở rộng ra khi có thêm 2 quận mới là Tân Phú (trên cơ sở tách các phường 16, 17, 18, 19, 20 và một phần hai phường 14 và 15 của quận Tân Bình và Bình Tân trên cơ sở tách các xã Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông, Tân Tạo và thị trấn An Lạc của huyện Bình Chánh.
Như vậy, từ tháng 11/2003 đến nay Thành phố Hồ Chí Minh có hai mươi bốn đơn vị hành chính trực thuộc gồm 19 quận nội thành (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức) và 5 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè).
Quá trình mở rộng địa giới hành chính đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra liên tục qua các thời kỳ lịch sử. Từ một thành phố Sài Gòn được thành lập dưới chế độ thuộc địa buổi ban đầu chỉ với 25km2 đến nay khu nội thành Thành phố Hồ Chí Minh đã được mở rộng ra với diện tích 442,13km2 (chỉ tính trong phạm vi các quận nội thành) trở thành đô thị lớn thứ 2 cả nước. Việc mở rộng địa giới hành chính trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của một đô thị mới chỉ 300 năm tuổi nhưng đã được khẳng định trong quá khứ như là “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Và với xu hướng hiện nay khi mà huyện Bình Chánh cũng đã đề xuất với UBND TP.HCM và Bộ Nội vụ nâng cấp Bình Chánh từ huyện thành thị xã, địa giới hành chính đô thị Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được mở rộng theo hướng “dãn nở” ra các huyện ngoại thành tạo ra nhiều trung tâm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và công tác quy hoạch, quản lý đô thị trên địa bàn.
Bản đồ hành chính Thành phố Hồ Chí Minh năm 2003
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sách, bài viết
1. Nguyễn Quang Ân, Việt Nam những thay đổi địa danh và ranh giới hành chính, NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2003.
2. Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Gia Định, NXB TP.Hồ Chí Minh, 1994.
3. Nguyễn Thanh Lợi, “Địa lý hành chính Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” trong Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh 60 năm tiếp bước con đường Cách mạng tháng Tám 1945-2005, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005.
4. Nguyễn Đình Tư, “Địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử” trong Một số vấn đề về xây dựng chính quyền đô thị từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh, NXB TP.HCM, 2007.
5. Nhiều tác giả, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh 300 năm địa chính, Sở Địa chính Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
6. Trần Văn Giàu (chủ biên), Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình, Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập 1, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 1987.
7. Website: http://saigon24h.vn.
8. Website: http://vi.wikipedia.org.
Các bản đồ
1. Plan de la ville de Saigon – Cochinchine 1867.
2. Plan de la ville de Saigon (Cochinchine) 1878.
3. Plan topographique 20è Arrondissement et ses environs 1882.
4. Saigon, Cholon et leurs environs 1897.
5. Plan de Saigon – Cholon 1923.
6. Plan de Saigon – Cholon 1942.
7. Đô thành Sài Gòn 1958.
8. Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận trước năm 1975.
9. Nội thành Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh 1988.
10. Bản đồ hành chính Thành phố Hồ Chí Minh năm 2003.
Đăng ký: Bài đăng (Atom)
No comments:
Post a Comment