NỬA ĐỜI CHINH CHIẾN
Trần Ngọc Toàn
Lời mở đầu: Năm nay, tôi đã 77 tuổi đời. Quay nhìn lại đoạn đường đã qua, tôi đã tự thống kê với 15 năm đi lính, tất nhiên là lính Việt Nam Cọng Hòa, gần 9 năm tù Cộng sản và hơn 20 năm làm việc lao động cho một Xưởng In nhật báo The Washington Post nhờ vượt biên ngay sau khi ra khỏi Trại Tù vào tháng 3 năm 1984. Khi còn đi làm việc, do phẫn uất trong lòng, tôi cố gói ghém thời gian để tự thực hiện 3 tập Truyện ngắn từ năm 1990 với bút ký “ Vào Nơi Gió Cát” và 2 tập truyện ngắn “Vết thương Việt Nam” và “Chiến Tranh va Tình Yêu”. Bên ngoài, tôi thấy xuất hiện khá nhiều Hồi Ký của một số Tướng lãnh và viên chức của thời Việt Nam Cọng Hòa. Tôi chẳng thấy thích thú gì khi đọc những trang giấy chạy tội, không trung thực chỉ nhằm bám víu vào những hư không để cố khỏa lấp câu chưởi thậm tệ của cố Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson là “Một bè lũ ác ôn côn đồ”. Thế hệ của chúng tôi lớn lên tại Miền Nam Việt Nam trong một chế độ độc lập và dân chủ đầu tiên, sau ngày Thực dân Pháp rút lui và nền quân chủ của Nhà Nguyễn cáo chung. Như nhà văn Trần Hoài Thư đã viết: “ Viết về một người cùng thế hệ, cùng nhịp suy nghĩ, cùng con tim rực lủa, và cùng những ngỗn ngang trên vai, mà thế hệ chúng ta đã bị gánh, bị chịu đựng, bị lợi dụng…thì thật là một điều hạnh phúc. Nhất là đối với những người có kinh nghiệm máu và nước mắt như….Hơn thế nũa, có lẽ khác với những người sĩ quan khác, anh đã dành thì giờ viết cho bạn bè, đồng đội hơn là bản thân anh…”
Nhìn thấy thế hệ con cháu của mình lớn lên vô tư ở ngoại quốc, tôi bỗng thấy thích kể chuyện về quảng đời 15 năm quân ngũ để chúng đừng quên số phận của khoảng 300 ngàn chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống Cộng sản bảo vệ Miện Nam Việt Nam và cả hàng trăm ngàn Thương và Phế binh còn lây lất. Chính nhờ họ chúng mới có được một tương lai tốt đẹp như ngày nay. Hơn thế nửa, tôi có tham vọng muốn chứng minh cái gọi là Quân Đội Nhân Dân Việt Nam mới chính là Quân Ngụy. Trần Ngọc Toàn, cựu Tiểu đoàn trưởng TĐ4 Thủy Quân Lục Chiến.
Thiếu Úy non choẹt
Tôi tốt nghiệp ra trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam vào ngày 22 tháng 12 năm 1962, đúng 22 tuổi đời. Tổng thống Ngô Đình Diệm lên chấp chánh đã cải tổ trường Võ Bị Liện Quân Đà Lạt,nguyên là E’cole des Inter-Armes của quân đội Liên hiệp Pháp tại Dalat, thành trường Võ Bị Quốc Gia theo khuôn mẫu của trường West Point Hoa Kỳ.Cơ sở được xây dựng trên ngọn đồi 1515 về phía Tây của thành phố Đà Lạt do viện trợ của Hoa Kỳ. Với chường trình 4 năm Đại học về Khoa học ứng dụng và quân sự từ cấp khinh binh đến cấp Trung và Đại đội trưởng liên Quân chủng, TVBQGVN nhằm đào tạo những sĩ quan hiện dịch chuyên nghiệp cho Quân Đội. Bước sang năm thứ 4, do nhu cầu chiến trường, Tổng thống Diệm đã đích thân lên chủ tọa lễ mãn khóa cho khóa 16 chúng tôi. Con số hơn 200 sĩ quan tốt nghiệp đã được phân phối đi Không quân 27 người, Hải quân 15, Nhảy dù 3 với Thủ khoa Bùi Quyền, Thủy Quân Lục Chiến 10 với Á khoa Nguyễn Xuân Phúc sau này nổi danh trong trận tái chiếm Cổ Thành Quãng Trị, Lực lượng Đặc Biệt, Biệt Động Quân, và các Sư Đoàn Bộ Binh từ Cà Mâu ra đến Huế và Quãng Trị. Chỉ trong vòng 1 năm sau, số tử trận ngoài chiến trường lên đã gần 50 người.
Dù khóa chúng tôi đã được trui rèn thêm ở Trung tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân ở Dục Mỹ trước ngày ra Trường, khi đến đơn vị TQLC tôi cũng không được giao chỉ huy Trung đội. Ít nhất cũng phải 3 tháng mang súng đi theo học nghề từ các Hạ sĩ quan thâm niên vốn xuất thân từ các đơn vị Commando của Pháp.
Tôi thuộc mẫu người phản ứng chậm, theo phân tích tâm lý học. Lần dầu tiên, khi chính thức được làm Trung đội trưởng có hơn 40 TQLC với một số HSQ và hạ sĩ dày dạn kinh nghiệm chiến trương và đám lính ngỗ ngáo, tôi cũng tỏ vẻ mình cũng lì lợm như ai.Trong cuộc hành quân tìm diệt địch ở vùng đồng ruộng Cai Lậy, Mỹ Tho, khi đang chỉ huy dàn quân tiến vào một bìa làng, với tấm bản đồ trên tay, tôi bị một loạt đạn Việt Cộng bắn xối xả về phía mình. Lính tráng đã đồng loạt nằm xuống nấp. Chỉ còn một mình tôi đứng lớ ngớ do phản ứng chậm.Tiếng súng im bặt ngay loạt đạn đầu. VC chỉ bắn dọa và đánh lạc hướng. Tôi quay nhìn sang bên phải. Người lính gốc Miên nằm dưới mương đã bị trúng đạn. Chiếc nón sắt của anh lật ngửa chứa đầy óc trắng hếu. Khẩu súng Garant vẫn dính trong tay gác trên bờ mương. Máu phun ra ướt cả ống quần phải của tôi.Tôi buộc miệng la lớn :”Y tá đâu?” Cùng lúc ý tưởng chạy nhanh qua đầu. Như thế là con người sống chết có số. Tôi còn đứng như trời trồng đây. Người lính của tôi đã nhanh nhẹn nằm núp xuống mương ngay bên chân phải của tôi. Anh chỉ ló đầu đội chiếc nón sắt. Nếu viên đạn hơi lệch một milimét cũng khiến cho chiếc nón sắt quay đi. Đằng này, viên đạn trúng ngay giữa tam tinh nên mới đi xuyên qua đầu làm vỡ óc. Trong khi ấy tôi là mục tiêu dể trúng nhất. Lúc ấy, tôi mới thấy lạnh xương sống. Nhưng tứ đó tôi không sợ gì nửa với ý tưởng con người sống chết có số. Sau này, tôi mới biết đám HSQ và lính tráng bảo nhau “Ông Thiếu Úy Đá Lạt này chì lắm”. Từ đó, hình như lính tráng theo lệnh của tôi răm rắp. Đúng là thử lửa. Tây nói là Baptême de feu.Cũng từ đó, quả nói không ngoa, tôi đã “Vào sinh ra tử” hơn cả chục lần trong suốt cuộc chiến bảo vệ Miện Nam Tự Do cho đến cả cuộc di tản khốc liệt từ Quãng Trị về đến Hố Nai Biên Hòa vào cuối tháng 4 năm 1975.
Sau này tôi mới biết, qua sách vở của VC sau năm 75, Cộng sản Miền Bắc VN đã cho bọn VC tập kết năm 1954 vào lại Miền Nam từ năm 1958 cùng với quân chính quy ngoài Bắc.Vũ khí Nga Xô, Trung Cộng, Tiệp Khắc tuồn vào Nam trên bộ lẫn ngoài biển. Từ năm 1962, chúng đã có cả 100 ngàn quân với trang bị AK47, CKC, RPD và B40. Trong khi, Tiểu đoàn 4 TQLC lâm trận Bình Giả vào cuối năm 1964, lính còn sử dụng súng Garant M1, Carbine M1, súng phóng lựu của Mỹ thời Đệ Nhị Thế Chiến. TQLC lại là một đơn vị Tổng Trừ Bị tinh nhuệ của Miền Nam. Người ta đã thử hỏi mấy ông Tướng VNCH biết gì, đã làm gì và chỉ huy mắt trận ra sao. Hay ngù ngờ, tranh dành quyền lực, tham ô nhũng lạm, ăn chơi trác táng, phe đãng nịnh bợ sau ngày Tổng thống Diệm bị hạ sát, bỏ mặc cho lính chết ngoài mặt trận.
Chúng tôi đã đi vào cuộc chiến với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và đầy lãng mạn. Lãng mạn khi chàng hiệp sĩ xuống núi và túi bị mang đầy lý tưởng. Lý tưởng bảo vệ bờ cỏi non sông mang an bình ấm no cho dân chúng. Trong số những người bạn cùng khóa Võ Bị về TQLC, tôi có người bạn học cùng lớp từ thời học trường Trung học Quang Trung tại Đà Lạt là Trịnh An Thạch. Đầu năm 1963, khi rủ nhau cùng vào trình diện Bộ Tư Lệnh Liện Đoàn TQLC còn đóng ở Thị Nghè, chúng tôi đồng lòng cùng đi ra đơn vị tác chiến. Không biết Tư lệnh phó Nguyễn Bá Liên nghĩ gì đã chấm Thạch về Tiểu đoàn Yễm Trợ Thủy Bộ ở ngay hậu cứ.Do Trưởng phòng Nhân Viên đã cho chúng tôi chọn đơn vị nhưng không ai đáp ứng nên đã quyết định phân phối theo mẫu tự ABC từ Tiểu đoản 1 tới TĐ4TQLC. Đi TĐ1 có Trần Văn Hiển, TĐ2 với Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Xuân Phúc. Ba chàng chử T về TĐ4TQLC là Nguyễn Đàng Tống, Đỗ Hữu Tùng và tôi. Thấy vậy, Trịnh An Thạch nhất quyết xin vào trình diện Tư lệnh phó và xin ra tác chiến. Cuối cùng Thạch được đi TĐ1 với Hiển.Cuói năm 1963, Trịnh An Thạch đã tử trận trong trận chiến ở Tây Ninh lúc mới 23 tuổi với cấp bậc Thiếu Úy Trung đội trưởng. Thạch mồ côi cha từ bé và lại là con trai duy nhất trong gia đình.Đau thương để lại cho Mẹ già. Làm sao có thể để cho sự hy sinh trọn vẹn như thế của Trịnh An Thạch rơi vào quên lãng được. Trong khi ấy, bên Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, chúng tôi mất thêm người bạn cùng khóa là Lý Văn Quảng vẫn còn Thiếu Úy độc thân cũng ngã xuống ở mặt trận Tây Ninh..Chúng tôi được tin khi đang tham chiến ở một măt trận khác. Hồi thời Tổng Thống Diệm ra trừơng với cấp bậc Thiếu Úy, luơng bỗng sống rất khuây khỏa.Từ hành quân trở về Sài Gòn, chúng tôi còn kéo nhau đi ăn cơm Tây và xem Cine’. Sau năm 1963, luơng lãnh ra chỉ đủ ăn. Mặc đã có chiến phục rằn ri rồi lại độc thân. Sau này lên đến Thiếu tá, Trung tá cũng chật vật.
Sau này, tôi có nghe nói người ta ở đời có nhiều nghề để sống sau lại chọn cái gọi là binh nghiệp. Hình như ai cũng thích nói đến hòa bình. Ai cũng ghê tởm chiến tranh. Nhưng rõ ràng, suốt trong lịch sử loài người, chiến tranh như nỗi đau không rời. Người ta đánh nhau suốt cả hàng ngàn năm nay vẫn còn mãi đến nay. Quốc gia có lãnh thổ tất phải có quân đội để giữ gìn bờ cỏi. Thời bình cũng phải chuẩn bị chiến tranh. Không có quân đội như Tây Tạng đã bị Trung Cộng ngang nhiên xâm chiếm. Quân đội phải chuyên nghiệp và hùng mạnh trong thời bình. Khi chiến tranh bùng nổ, toàn dân sẽ được động viện như Do Thái. Trừơng Võ Bị West Point của Hoa Kỳ không chỉ đào tạo những Tương Lãnh như Mac Arthur mà còn Tổng thống Eisenhower nửa. Đội quân chuyên nghiệp chính là khung sườn vững chắc để cuộc tổng động viên của toàn dân cài vào mới chiến đấu hữu hiệu. Riêng tôi, việc chọn binh nghiệp bắt đầu từ hoàn cảnh gia đình. Mẹ tôi mất khi tôi mới lên 9 tuổi với 3 anh em trai và đứa em gái mới sinh. Đứa em gái của tôi được đem cho người khác nuôi. Còn lại 4 anh em trai tôi. Hai năm sau, cha tôi tái giá với một người đàn bà có một đứa con trai riêng. Ở ngoài, người ta nói là ngũ qủy. Nhưng bên trong, chỉ có 4 anh em yôi phải chịu cảnh Dì ghẻ con chồng từ năm tôi lên 11 tuổi. May mắn là anh em tôi đều thi đậu vào trường công lập nên không bị mất học. Cho nên khi đậu được Tú Tài tôi liền vội ly khai gia đình xin vào trường Võ Bị Quốc Gia với mộng ước học thêm lên Đại học và tự lực cánh sinh. Từ đó, tôi trở thành một sĩ quan hiện dịch chuyên nghiệp của chế độ độc lập, dân chủ và tự do đầu tiên của Việt Nam. Tôi phải học tiếng Pháp từ thời tiểu học. Sau lên Trung Học mới học tiếng Anh. Ở Dalat, tôi đã từng thấy Hoàng Đế Bảo Đại chạy ca-nô trên hồ Dalat vì ông Nội tôi đem gia đình từ Huế vào Dalat lúc còn là Hoàng Triều Cương Thổ. Tôi sinh ra và lớn lên ngay ở Dalat. Tôi đã trưởng thành dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thế mà sau nay, chính đơn vị của tôi là Tiểu đoàn 4 TQLC, đã đão chánh Tổng thống Diệm vào trưa ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Đão chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm 1-11-1963
Từ trước ngày 1/11/1963, các khóa Sĩ quan Trừ bị ở Thủ Đức, từ K6 đến k12 tốt nghiệp cùng lúc với chúng tôi, chưa có quy chế đương nhiên lên Thiếu Úy. Vài tháng sau khi chính thức được giao chỉ huy Trung đội, tôi được Trung úy Trần Văn Hoán bổ nhiệm kiêm Đại đội phó. Tuy đã tỏ ra có bản lãnh chỉ huy nhưng do tuổi còn quá trẻ nên tôi vô tư và ham chơi.TQLC vốn là một lực lượng Tổng trừ bị của quân đội. Tiểu đoàn TQLC được tự trị về hành chánh với quân số lên đến 879 tay súng với 4 đại đội tác chiến và Đại dội Chỉ Huy & Hành Chánh. Do đó, nơi nào chiến trường sôi động, ngoài tầm tay của đơn vị địa phương, Tiểu đoàn TQLC được điều động đến để giải quyết mặt trận. Vào đầu năm 1960, đơn vị chúng tôi lội suốt từ Cà Mâu qua Chương Thiện, Bến Tre, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Đồng Tháp Mười lên rừng núi Miền Đông, Pleiku, Kontum, xuống Bình định, An Khê, Đỗ xá….Sau mổi cuộc hành quân kéo dài độ 1 tháng, chúng tôi được rút về Hậu cứ để bổ xung, chỉnh trang trong vòng từ 1 đến 2 tuần lễ. Hậu cứ của Tiểu đoàn chúng tôi ở Vũng Tàu nên tha hồ rong chơi. Có khi, chúng tôi cũng được lệnh về nằm ứng chiến trong Trại Thị Nghè. Hễ úng chiến thì bị cấm trại. Tuy nhiên, đến chiều tối, thấy tình hình không có gì, bọn tôi rủ nhau ra phố Sài Gòn Saigon là Thủ đô Hoa Lệ nên thượng vàng hạ cám đều có đủ. Đi hành quân miết nên tiền bạc cũng rủng rĩnh. Lần nào ghé Sài gòn tôi cũng mò vào mấy tiệm sách tìm mua sách báo mang theo trên đường hành quân. Ở Hậu cứ tôi cũng có một ngăn tủ sách bừa bộn. Một lần, tôi ghé vào tiệm sách Khai Trí, trên đường Lê Lợi. Bước vào cửa tôi giật mình khi chợt nhận ra cô nàng Isabelle ĐTTM ngồi chểm chệ sau quày tính tiền. Vào những năm 56,57 ở Đalat, trên đường cuốc bộ đến trường, tôi thường gặp một cô nàng gầy mong manh, có khi mặc áo dài, cởi xe đạp về hướng trường Lycee Yersin, trên con đường bờ hồ. Cũng đôi lần, tôi tinh nghịch vờ chăm chú đọc bài trong tập vở để bước thẳng vào đầu xe đạp khiến cô nàng la oai oái. Về sau, mấy đứa bạn học bên Lycée mới cho biết tên là Isabelle ĐTTM. Lần này, tôi chọn xong một mớ sách báo rồi mang đến quày trả tiền. Tôi nhìn thẳng vào mắt cô nàng hỏi:
- “Có biết tôi là ai không” Cô nàng tròn xoe hai mắt lung búng: Dạ, dạ không”
- Tôi là người mấy lần suýt bị cô đụng xe đạp trên đường bờ hồ Đà Lạt đây
- Thế à. Tôi không nhớ .
- Thế thì tốt rồi. Bây giờ, tôi mới hành quân về. Túi không có tiền. Cô cho tôi nợ lần sau tôi trả.
Cô nàng há hốc nhìn tôi lấm lét xanh da mặt ú ớ không nói được gì. Tôi bảo: Isabelle cho tôi cái túi. Náng ta líu ríu làm theo. Tôi túm hết sách báo bỏ vào rồi quay ngoắt bước ra cửa. Nhìn lại, tôi thấy náng ta đứng trố mắt nhín theo. Tôi bật cười quay lại móc túi lấy tiền trả và nói: “ Đùa nghịch tí thôi” Lúc ấy cô nàng đang làm Tiếp viên Hàng Không Quốc Ngoại. Khi nào rỗi ra ngồi chơi ở Nhà Sách Khai Trí. Nào ngờ sau này nàg ta thành phu nhân của Tướng Nguyễn Cao Kỳ xa vời vợi. Có lần, ba đứa bạn cùng khóa Võ Bị ở cùng Tiểu đoàn rủ nhau đi ăn trên Chợ Lớn. Nửa khuya, đón xe Taxi con cóc hiệu Renault về Trại gặp chàng tài xế trẻ biểu diển chạy bằng hai bánh trên Đại lộ Trần Hưng Đạo vắng xe. Chàng tăng tốc độ rồi lách mạnh tay lái cho chiếc xe nghiêng hẳn một bên và tiếp tục chạy cả vài trăm thước. Nào ngờ xe Cảnh sát lưu thông bất chợt xuất hiện hú còi inh ỏi. Bọn tôi phải làm mặt ngầu mới cứu được anh tài xế trẻ.
Những ngày vui của chúng tôi tuy vậy rất ngắn ngủi. Miệt mài ở các mặt trận ngày đêm. Lúc ấy, bọn VC còn đang tránh né để tái tổ chức nên cũng chỉ đánh nhau lẻ tẻ với bọn du kích trong xa xôi. Thiệt hại và tổn thất thường do bắn sẻ, mìn gài, hầm chông và bẫy sập. Đi hành quân Miền Tây tuy phải lội sình lầy ướt quần áo suốt ngày nhưng khi dừng quân có thức ãn đầy đủ và không đánh lớn. Ra Miền Trung mới thấy khổ.Tìm tức ăn không ra mà gặp VC là đánh lớn. Vào hạ tuần tháng 10 năm 1963, Tiểu doàn chúng tôi được về Hậu cứ Vũng Tàu sau những ngày lặn lội ở Bến Tre.Mới được một tuần xả hơi, bỗng có lệnh hành quân về Miện Đông. Sáng sớm ngày hôm sau, đoàn xe vận tải từ Quân đoàn 3 để xếp hàng dài trước cổng Trại. Thày trò chúng tôi lục tục lên xe. Gia đình binh sĩ, như thường lệ, chạy ra đứng đầy hai bên đường. Thấy mà lòng thương xót.Kiểm điểm xong quân số là đoàn xe lăn bánh. Quân số tham chiến buộc phải trên 70%. Chuyến đi nào cũng thấy gay go nhưng cũng mặc. Thủy Quân Lục Chiến mà.Đến xế chiều, đoàn xe dừng lại ở một khu vườn cao su bát ngát ở Lai Khê. Lệnh cho xuống đóng quân qua đêm. Dàn quân và bố trí xong là lo đào hầm hố cá nhân phòng thủ. Trọn một ngày sau cũng yên tĩnh. Tôi nằm đong đưa trên chiếc võng nhà binh đọc sách. Nghe nói Tiểu đoàn trưởng đang họp với các Đại đội trưởng. Ráng sáng ngày 1 tháng 11 năm 1963, lệnh cho thu xếp lên xe về Sài Gòn chống đão chánh. Nghe nói về Saigon lính tráng cười nói hể hả. Tôi in trí như thế. Quân đội chỉ làm theo lệnh thôi. Không thắc mắc. Đoàn xe vế đến Xa lộ Biên Hòa vào trạm kiểm soát Cầu Xa lộ đã có ngay Quân cảnh dẫn đường. Thế là đúng rồi. Chắc có đám bào muốn đão chánh theo chân Tướng Nguyễn Chánh Thi đây. Chống đão chánh lại là phe ta đánh phe ta mới khó xử. Đoàn xe chạy một lèo đến Ngả Bảy Chợ Lớn rồi quẹo đường Cộng Hòa. Đoàn xe bỗng dừng lại ngay trước Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Chưa biết chuyện gì đã thấy từ ngoài vào trong Cảnh sát bỏ chạy không còn một mống.
Đám lính ào ào nhảy xuống xe chạy vào Tổng Nha Cảnh Sát trước những cặp mắt ngơ ngác của dân chúng ngoài phố. Tôi nhảy xuống xe, sốc lại dây ba chạc mang khẩu Colt 45 rồi bất đắc dỉ đi vào cổng Trại. Vừa ngang sân cờ, Binh Nhất Sơn, đệ tử của tôi hớn hở chạy ra miệng nói lép xép: “Thiếu úy ơi, em mới lấy được khẩu ru-lô trong phòng ông Đại Tá Y nè. Còn nguyên si hết à”
-“ Đâu dắt tao vô coi” Doanh trại không còn một bóng người. Văn phòng của Đại tá Tổng Giám Đốc Nguyễn Văn Y còn nguyên vẹn với bảng tên trên bàn giấy. Tôi quay qua đám lính la lớn: “ Không được lấy đồ của người ta. Ra tập họp hết bên ngoài.” Quay tìm ông Hạ sĩ quan Trung Đội phó “ Trung sĩ nhất Lý Pit đâu, tập họp lại, chia các vọng gác ngoài cổng chính ngay”. Tôi mườmg tượng chuyện gì không ổn đang xảy ra. Đại đội trưởng chỉ vắn tắt: Mình chiếm giữ Tổng Nha Cảnh sát. Tôi nghĩ không lẽ mình làm đão chánh. Ngay sau đó, chúng tôi được lệnh tiến quân theo dọc hai bên đường Cống Quỳnh tiến ra bùng binh bến xe buýt để nhận lệnh. Lính TQLC với ba-lô và súng cầm tay đi hai hàng dọc trong kỹ luật. Khi vừa tới bến xe buýt , tôi vượt lên chợt nhìn ra Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, trong bộ kaki vàng với nón hét mang cành lá liễu cấp tá, đứng bên cạnh chiếc xe Jeep nói chuyện với Đại Úy Lê Hằng Minh là Tiểu đòan trưởng của tôi. Vừa lúc tôi nghe thoáng là TQLC phải chờ Thiết giáp của Đại úy Lý Tòng Bá đến mới đánh vào dinh Gia Long. Lúc ấy vào khoảng 1 giờ trưa ngày 1 tháng 11 năm 1963. Tôi chợt nghĩ ra là mình đang tham gia đão chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Cũng vào tháng 11 năm 1960, trong trường Võ Bị, tôi đang làm Sinh viên sĩ quan Trực Liên Đoàn. Lúc ấy, Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Nhảy Dù, làm đão chánh. Trường ra lệnh cấm trại ứng chiến. Tôi gặp ông Thi khi còn là Trung Úy, năm 1953, trong Liên đoàn Ngự Lâm Quân của Bảo Đại trên thành phố Đà Lạt. Sau đó, nhờ kéo quân về ủng hộ Tổng Thống Diệm đã được thăng nhanh lên tới Đại Tá và được giao làm Tư lệnh một lực lượng thiện chiến tín cẩn là Nhảy Dù. Qua một đêm nằm khèo nghe đài phát thanh Saigon tôi cũng không hiểu ất giáp như thế nào. Sáng hôm sau, nhằm ngày Thứ Hai, tôi được lệnh điều khiển lễ Chào Cờ của Liên Đoàn SVSQ. Tự nhiên, tôi tuyên bố hôm nay chào cờ không hát bài Suy tôn Ngô Tổng Thống. Và Liên đoàn chỉ hát Quốc Ca rồi tan hàng. Gần đến trưa hôm ấy, một chiếc xe jeep An Ninh Quân Đội vào Trại rước tôi ra trình diện Trưởng Ty. Đến nơi, nào ngờ tôi gặp Đại úy Hợi là người quen trong gia đình. Ông làm mặt giận đập bàn la lớn: “ Ai cho lệnh mi không hát bài Suy tôn Ngô Tổng Thống” “ Dạ không có ai hết. Tại nghe radio thấy đão chánh nên đã không cho hát thôi.” “ Răng mi ngu rứa. Mi có muốn ra Trung sĩ không?” Ông còn la lối nhiều nữa nhưng rồi cuối cùng ông điểm mặt nói :”Mi liệu hồn đó. Thôi về đi” Tôi mừng hết lớn đi vội ra xe về Trường. Bây giờ tôi làm đão chánh. Lỡ thua chắc không biết có phải chạy sang Miên không.
Ngay khi xe thiết giáp chưa tới chúng tôi được lệnh tiến về phía đường Công Lý và Lê Thánh Tôn để đánh vào dinh Gia Long. Trung Úy Trần Văn Hoán, Đại đội trưởng cho lệnh khẩu súng không giật 57 ly tiến lên. Phát 57 ly phá tung một lổ hỏng ngay góc Công Lý- Lê Thánh Tôn. Lính TQLC chạy ào qua đường vượt vào tường cao. Bên trong có vài phát đạn bắn ra lẻ tẻ nhưng TQLC không bắn trả. Chỉ trong chưa đầy nửa giờ, TĐ4 TQLC đã hoàn toàn chế ngự dinh Gia Long. Khi tiến vào phía sau sân dinh tôi thấy lính đang lùa một số quân nhân trong Liên binh Phòng Vệ Phủ Thống ra ngoài. Tôi chợt nhận ra ông Thầy cũ trong Trường Võ Bị là Thiếu Tá Huỳnh Văn Lạc. Sau này ông lên Tướng làm Tư Lệnh SD9 BB. Tôi vội chạy tới đưa tay chào ông và nói lớn cho đám lính TQLC nghe: Thưa Thiếu Tá, tôi là cựu SVSQ khóa 16 đây” Ông giơ tay lên lưng chùng rồi buông thõng xuống với vẻ mặt buòn bả. Tôi không biết làm sao hơn chỉ bảo lính dưới quyền kiếm một chiếc ghế trong nhà ra mời ông ngồi. Ngay sau đó người ta đưa ông đi đâu tôi không biết nhưng lòng tôi thật vô cùng xao xuyến như mình vừa phạm một tội lỗi gì đó.Tôi đi theo trông chừng đám lính đang đi xục xạo. Xuống tầng hầm tôi thấy phòng của Ngô Đình Lệ Thủy đã bị xáo tung lên hết. Có một người lính ôm một giàn máy quay đỉa chạy ngang, tôi nổi điên rút súng la lớn:” Bỏ xuống ngay không tao bắn” Chàng ta vội bỏ xuống chạy lên tầng trên. Hình như họ đã lục lọi đến phòng của bà Nhu. Đảo một vòng thấy không còn người lính nào tôi quay trở lên. Ngay đêm hôm ấy, TĐ2 TQLC đã ra dinh Gia Long bàn giao vị trí. Chúng tôi được chở về Trại Thi Nghè. Ngày hôm sau, nghe nói có phái đoàn Phật giáo xin vào để ủy lạo cho Tiểu đoàn đã có công lật đỗ Tổng Thống Diệm nhưng Thiếu Tá mới thăng cấp Lê Hằng Minh từ chối. Lòng tôi trăm mối ngỗn ngang. Lần đầu tiên, tôi nằm lặng trên võng suy nghĩ về thế sự. Từ đó, tôi không còn vô tư nữa. Cho đến ngày phải buông súng tức tưởi. Sau đó, chỉ còn bọn cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận phải trải máu và xương để chống lại bọn Cộng sản.
Nửa Đời Chinh Chiến (2)
Sau cuộc đão chánh 1-11-1963, Tiểu đoàn của tôi, như các TĐ còn lại của TQLC, đã bị cuốn hút vào cơn phong ba chính trị. Sau ngày trở về Hậu cứ để chỉnh đốn chúng tôi được lệnh tăng phái cho Quân Khu 4 ở Miền Tây. Đoàn xe gồm 35 chiếc xe GMC chạy suốt từ Vũng Tàu qua Sài Gòn rồi trực chỉ xuống tận Cà Mâu. Mổi lần, đoàn xe luân phiên xuống phà qua sông Tiền và Hậu giang, tôi thấy đám lính hè nhau chạy trước qua sông. Tò mò tôi rảo bước đi theo. Phía sau những quày rạp bán đầy trái cây hai bên bến Phà, luồn lách trên bờ mương có những chòi lá mong manh. Lính TQLC đưng sắp một hàng dọc trước cửa trò chuyện om sòm. Tôi lách vào xem chuyện gì. Lúc ấy mới té ngửa ra là “Ổ nhện” dã chiến. Hình như chỉ có 2 người đàn bà. Thì ra, lính tráng lợi dụng cơ hội để giải quyết của nợ. Tôi quày ra và nói lớn: “ Trả tiền đàng hoàng nghe tụi mày” Cả đám đồng thanh : Trả chớ, Thiếu úy” Đúng là tiền lính tính liền. Bọn tôi cũng không hơn gì. Đi hành quân về Hậu cứ hay Saigon cũng chỉ có 1 hay 2 tuần lễ. Ngoài công việc đơn vị, chiều tối ra phố chẳng gặp được mấy cô gái. Con gái thấy quần áo rằn ri với mủ nồi xanh ngỗ ngáo đã phát sợ rồi. Cha mẹ bạn gái cũ rỉ tai coi chừng sớm trở thành góa phụ. Phải hồi đó đi lính Không quân hay Hải quân dễ cua gái hơn. Mãi đến chiều tối hôm ấy chúng tôi mới đến phi trường dã chiến Cà Mâu. Lệnh cho chuẩn bị sáng sớm mai đổ bộ trực thăng Mỹ vào Thới Bình, sông Ông Đốc. Tờ mờ sáng hôm sau, đoàn trực thăng Mỹ từ Cận Thơ đáp xuống. Mổi chuyến chỉ tải 1 Đại đội. Đơn vị tôi được nhảy trước. Bãi đáp là một vườn trái thơm khá rộng. Vừa gom quân đã nghe tiếng súng VC nổ chát chúa.. Tôi và trung đội cứ nhắm hướng súng nổ nhào lên. Vừa chạy lum khum vừa nổ súng. Tôi cũng không có thì giờ móc khẩu súng Colt. Cứ thế mà chạy theo lính. Khi vượt tới bờ ruộng, vừa nằm xuống tôi thấy một tên VC giơ khẩu súng trường llên ngang khỏi đầu chạy về hướng chúng tôi. Tôi vội la lên:”Đừng bắn nó”. Không ngờ, từ bên phải tôi, tên đệ tử người gốc Miên cầm lưởi lê nhào tới toan đâm tên VC đầu hàng. Tôi phóng người lên nhào tới đạp té tên đệ tử.Nó còn vùng vằng mắt tóe lửa, nói” Tụi VC giết cha tui. Tui thù tụi nó” Tôi nguôi ngoai dổ dành :” Nó đã đầu hàng rồi. Dầu gì nó cũng là người Việt Nam” Lần đầu tiên, cuối năm 1963, tôi thấy khẩu súng trường CKC của Tiệp khắc mà VC gọi là súng trường bá đỏ vì bá súng làm bằng gỗ đỏ. Sau đó, trực thăng đã đáp xuống đưa tên tù binh VC về Cần Thơ. VC đã tháo lui chỉ còn vết máu và một số dép râu. Sáng ngày hôm sau, chúng tôi được lệnh bố trí chờ trực thăng chở một cấp trên đến. Chừng một giờ sau, trên trực thăng bước xuống là một SQ cấp Thiếu tá rắn chắc người với gương mặt cương nghị và đẹp trai. Ông xuống để bàn giao Tiểu đoàn với đương nhiệm Thiếu tá Lê Hằng Minh, ngay tại măt trận. Đó là Thiếu tá Nguyễn Kiên Hùng, cựu TĐT TĐ 3 TQLC tham dự cuộc đão chánh 11-11-1960 thất bại phải chạy sang Kam-pu- chia với Đại tá Thi. Ông xuất thân từ khóa 7 của trường Võ Bị Liên Quân tại Dalat. Ông tỏ vẻ rất điềm đạm và đầy tự tin. Ngay sau khi bàn giao, ông họp các Đại đội trưởng để tiếp tục hành quân. Tuy nhiên, ông cho biết là đơn vị phải lùng địch dọc theo bờ sông Ông Đốc về đến Cà Mâu ngay trong ngày để sáng hôm sau phải lên xe về ứng chiến tại Saigon. Không rõ thế nào, ông đã cất nhắc tôi lên làm Quyền Đại đội trưởng ĐĐ Chỉ Huy. Thiếu Úy Phan Như Đơn lên thay tôi ở ĐĐ2. Từ đó, với 2 cánh quân tiến song song, đơn vị tôi ì ạch băng đồng lội mương mãi cho đến gần 9 giờ đêm mới đặt chân lên thành phố Cà Mâu không gặp bất cứ kháng cự nào của VC. Tờ mờ sáng hôm sau, lính tráng hớn hở leo lên đoàn xe trực chỉ Sài gòn. Ngay đêm hôm ấy, TĐ chúng tôi vào trú đóng trong Trại Thị Nghè. Được một bửa ăn khá đầy đủ với vài chục chia bia Con Cọp Larue. Được dịp nói chuyện với Thiếu tá Hùng tôi được biết thêm trong nhóm chạy sang Miên có 2 người khóa Võ Bị đàn anh của tôi là Trung úy Nguyễn Quang Minh và Trung úy Thái Trần Trọng Nghĩa vốn là Á khoa của K14 trường Võ Bị Liên Quân Dalat. Vào năm 61, hai SQ này đã theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam từ Nam Vang. Sau này, không ai rõ số phận hai SQ này. Có tiếng đồn, sau năm 75, có người thấy Thái Trần Trọng Nghĩa mặc quân phục Bộ đội VC. Tôi e rằng họ đã chết đâu đấy trên chiến trường Miền Nam. Nằm ứng chiến dưỡng quân chừng 10 ngày là có lệnh hành quân nhảy trực thăng vào Đức Hòa và Đức Huệ.. Đoàn xe vận tải đưa chúng tôi từ Saigon lên tập trung ở một sân bay dã chiến tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Từ đây, trực thăng Mỹ bốc từng Đại đội thả xuống ngay giữa rừng Mía cao lút đầu và rộng mênh mông. Theo bản đồ, chúng tôi nhảy xuống ngay bìa Đồng Tháp Mười. Nơi quân số VC đông đão mò sang từ địa phận của Miên. Ranh giới không thấy có gì làm chuẩn. Dân chúng bảo xóm nhà nào có cây Thốt Nốt là thuộc đất của Miên. Quân chúng tôi tiến theo kế hoạch hành quân của Quân Đoàn. Ngay xóm làng đầu tiên đã khám phá ra 2,3 tên VC ngậm ống đu đủ nấp dưới ao với cả súng đạn loại CKC. Phá các cây rơm chúng tôi bắt được một số ba-lô Trung Cộng còn mới. VC đã tranh né do thấy không chắc ăn. Bỗng người lính mang máy vô tuyến của Tiểu đoàn chạy đến gặp TĐT. Cuộc điện đàm khá dài trong khi T/T Hùng đuổi người lính vô tuyến ra xa. Sau nay, tôi mới biêt nguyên Trung Úy Nguyễn Quang Minh chỉ huy quân giải phóng đã liên lạc với Cấp chỉ huy cũ. Sau đó, suốt năm ngày lùng diệy địch chúng tôi không hề gặp sự kháng cự nào từ phía VC. Cho đến ngày chúng tôi băng qua Tha La xóm Đạo về Trảng Bàng, Tây Ninh. Được hai tuần lễ nằm ứng chiến dưởng quân, chúng tôi được lên C120 của Quân Đội Mỹ bay ra Quy Nhơn. Từ đấy, đoàn xe vận tải GMC đưa Tiểu đoàn chúng tôi về nằm dọc theo bải biển Sông Cầu để chờ tham dự cuộc hành quân vào đèo An Khê. Chỉ một tuần sau lại lên xe trở ra phi trường Quy Nhơn để bay về Sài Gòn ứng chiến chống đão chánh.
Sau ngày đão chánh 1/11/63, nhiều xáo trộn và thay đổi diển ra trong Liên Đoàn TQLC. Trung tá Lê Nguyên Khang nguyên Tư Lệnh lên cấp Đại Tá nhưng rồi phải bàn giao cho Trung Tá Nguyễn Bá Liên và Thiếu Tá Trần Văn Nhựt để qua Phi Luật Tân làm Tùy Viên Quân Sự. Đến màn “Chỉnh lý” ông Khang lại về nắm lại chức Tư Lệnh và thăng cấp Thiếu Tướng. Lúc ấy, chưa có cấp Chuẩn Tướng. Rồi Thiếu Tướng Khang kiêm nhiệm luôn Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô và Quân Đoàn III. Trong khi ấy, Đại Úy Bùi Thế Lân, sau 6 tháng làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ4 TQLC đã trở về làm Tham Mưu Trưởng Liên Đàon TQLC, với lý do sức khỏe kém, dưới quyền ông Khang. Ngày 1/11/63, Tướng BTL đang du học Khóa Amphibious Warfare ở San Diego California, được lệnh triệu hồi về nước. Ngay sau đó, ông lên cấp Thiếu Tá. Chỉ vài năm sau, cũng trong chức Tham Mưu Trưởng Liên Đoàn TQLC ông lên đến cấp Đại Tá. Trong khi, Thiếu Tá Nguyễn Kiên Hùng, Tiểu đoàn trưởng của tôi ở TĐ4 TQLC nguyên cùng thời Tiểu Đoàn Trưởng khi ông Khang làm TĐT Tiểu đoàn 1 TQLC do theo Đại Tá Thi đão chánh 11/11/60 , từ Kampuchia trở về vẫn còn mang lon Thiếu Tá. Từ đó, người ta buộc phải cho ông đi học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu ở Đà Lạt. Trung tá Nguyễn Thành Yên nguyên là Tiểu đoàn trưởng TĐ2 TQLC được giữ làm Tư Lệnh Phó Liên Đoàn nhưng quyền hành đều năm trong tay của ông Khang và ông Lân. Ông LĐQ nguyên là Trung Úy ở Phòng 2 Liên Đoàn được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng cho Tư Lệnh LNK cũng lên cấp Trung Tá chỉ trong vòng 2,3 năm. Từ đó, các cấp chỉ huy cũ lần lượt phải ra đi khỏi binh chủng như Thiếu Tá Hoàng Tích Thông, Cổ Tấn Tinh Châu, Trần Văn Nhựt về sau lên làm Tư Lệnh SĐ 22 BB. Riêng Đại tá Tôn Thất Soạn vốn là một SQ đầy bản lãnh, đạo đức và rất điềm đạm, ông từng chỉ huy đơn vị chiến đấu suốt từ chức vụ Trung đội trưởng lên Đại đội trưởng đến Lữ đoàn trưởng với hàng chục tuyên dương công trạng trước Quân Đội và huy chương Silver Star với chữ V mà ngay cả hàng ngũ Tướng lãnh Quân đội Hoa Kỳ cũng hiếm có. Là một người có thừa tư cách làm Tư Lệnh TQLC, ông đã bị khai trừ ra khỏi binh chủng để dọn đường cho Tham Mưu trưởng BTL.
Riêng ở TĐ4 TQLC, Thiếu Tá Nguyễn Văn Nho về bàn giao đơn vị với Thiếu Tá Nguyễn Kiên Hùng đi học. Chỉ có mấy ông Tướng là không cần đi học thôi. Đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân bình định vùng Tân Niên Tây và Tân Niên Đông ở Gò Công, vào đầu năm 1964. Thiếu Tá Nho tổ chức lại nhân sự trong TĐ. Đại Úy, lên lon sau ngày 1/11/63, Trần Văn Hoán được giao chức vụ Tiểu Đoàn Phó và bàn giao Đại đội lại cho Thiếu Úy Đỗ Hữu Tùng. Từ Đại đội Chỉ Huy tôi được bổ nhiệm quyền Đại đội trưởng Đại Đội 1 cho Đại Úy Nguyễn Thành Trí đi du học Hoa Kỳ. Sau này, trở về ông tiếp tục lặn lội ngoài hành quân cho đến ngày lên Đại Tá Tư Lệnh Phó Sư Đoàn TQLC. Lúc ấy, tôi còn mang cấp Thiếu Úy nhưng không còn non choẹt nữa. Nhân cuộc hành quân lùng địch ngoài bờ biển Tân Niên Tây, Trung đội do Thiếu Úy Trần Xuân Quang chỉ huy đã chạm súng nhẹ với du kích quân và khám phá ra Khẩu súng 75 ly không giật. Đại đội chúng tôi được huy chương và được cho về Mỹ Tho dự cuộc diễn hành. Anh em chúng tôi chẳng bận tâm và bất cần chuyện gì. Miễn sao được về phố ăn nhậu một bữa cho đã thôi. Lòng vòng ngoài phố chợ Mỹ Tho, tôi chợt gặp người bạn cùng khóa phục vụ ở Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Lê Hữu Cừ trông vẫn không mấy thay đổi la lớn khi thấy tôi: “Ê, Toàn Cao Bồi, mày đi đâu lang thang đây” “Tao về dự cuộc diển binh. Còn mày ra sao rồi?” Lê Hữu Cừ chậm rải trả lời :” Tao đổi qua Đại đội 7 Trinh Sát. Nhưng bây giờ tôi phải đi bay thám thính với tụi Mỹ hàng tuần” Bọn tôi mừng rở choàng vai nhau ghé tiệm Tầu góc phố. Đó là lần gặp nhau cuối cùng. Vài tháng sau, tôi được tin bạn tôi đã mất tích trong một phi vụ thám sát. Lê Hữu Cừ cũng chỉ mới 24 tuổi đời và đã hy sinh ngoài trận địa khi còn độc thân. Thật tình, tôi chỉ xót xa cho số phận của bạn bè. Tôi không hề nghĩ tới phận mình. “…. Chí làm trai da ngựa bọc thây” mà!.
Sau ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm bị hà sát, chương trình Ấp Chiến Lược bị bỏ rơi. Trong khi, ngày đêm Cộng sản Ngoài Bắc, với viện trợ của Liên Xô và Trung Cộng, liên tục tuồn người và vũ khí vào Nam, trên bộ lẫn ngoài biển. VC quấy phá khắp nơi. Trong cuộc hành quân càn quét từ Mỹ Tho qua Bến Tre, khi tiến quân vào một xóm Giồng, đơn vị tôi khi không bị trực thăng của Mỹ xả súng Đại liên bắn xuống. Đơn vị tôi bị chết và bị thưong 4,5 người. Tôi định cho lính bắn hạ máy bay. Nhưng Tiểu đoàn trưởng đã kịp ngăn chặn nhờ Cố vấn TQLC Hoa Kỳ bắt được liên lạc. Do ở cấp nhỏ nên tôi không hế tiếp xúc với Cố Vấn Hoa Kỳ. Mãi đến lúc ấy tôi mới để ý.
Cố Vấn TQLC Hoa Kỳ
Hồi năm 1963, tôi nghe nói Đại Úy TQLCHK làm Cố vấn cho TĐ4 TQLC đã bị tử thương khi về nghỉ ở Khách sạn Majestic, Saigon khi nơi này bị VC đặt bom nổ. Về sau, khi hành quân ở Tầm Vu, Vĩnh Long, tôi thấy anh chàng Cố Vấn hớt hãi chạy về Bộ Chỉ Huy Tiểu đòan nói:” Thật khủng khiếp quá” “ Tao thấy lính của tụi mày treo ngược một con chó trên cành cây rồi cầm lưỡi lê cắt cổ nó. Dã man quá!” Chúng tôi chỉ cười không nói gì khiến chàng ta càng bực tức. Do cuộc hành quân đã kéo dài cả hơn tuần lễ nên thức ăn cũng thiếu thốn, ngay cả với Tiểu đoàn trưởng và Cố Vấn Mỹ. Nên chiều tối hôm ấy, bửa ăn của Thiếu Tá Minh và Cố Vấn có thêm món thịt ngon miệng do mấy đệ tử dọn lên. Mãi đến khi ăn xong, chúng tôi mới tinh nghịch hỏi chàng Cố Vấn:” Hôm nay, ông ăn thịt thấy ngon không” “Thiệt quá ngon” “ Thế ông có biết thịt gì không” Chàng lắc đầu mở to mắt nhìn chờ câu trả lời. “ Thì thịt con chó ông thấy tụi lính treo cổ đó”. Thế là chàng ta chạy ra sau hiên nhà móc cổ moi họng ọe cho ra. Nhưng vô hiệu. Chắc là kỹ niệm khó quên cho một nhiệm kỳ tham chiến ở Việt Nam.
Thật ra, từ nhỏ tôi đã được học lịch sử Việt Nam tới nơi tới chốn ở trường Việt nên tôi ghét Tàu và Pháp thậm tệ. Tất nhiên, tôi cũng không thích người Mỹ vì họ cũng là người ngoại quốc.”…Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây”. Ý thức bài ngoại như đã ăn sâu trong tâm trí của tôi. Thế hệ trước tôi rất sính nói tiếng Tây. Tôi nghe mấy ông Tướng chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây. Có khi là tiêng Tây Bồi. Lớp chúng tôi chỉ học lý thuyết tiếng Anh. Còn nói được chẳng có mấy người, trước năm 1963. Nhờ hồi còn học Trung học Việt, tôi theo chân đứa bạn vào học lớp Anh Văn của một ông Mục sư Tin Lành giảng dậy nên tôi cũng lắp bắp được. Trong binh chủng TQLC nhờ thường xuyên gởi SQ sang Mỹ du học ở khoá Basic, tại Quantico, Virginia nên có nhiều người liên lạc được với Cố Vấn Mỹ. Các SQ Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp Trường Võ Bị Hải Quân Annapolis, tại Maryland, hay từ ROTC chuyển sang TQLC đều phải trải qua khóa Basic School tại Quantico, Virginia. Đa số SQ Quân đội HK không biết gì nhiều về Việt Nam khi họ sang tham chiến. Từ sau cuộc chiến thắng quân Trục Đức và Nhật, họ dến VN với lòng đầy cao ngạo và nghĩ chẳng bao lâu sẽ dẹp tan “Đám dân quân du kích mặc xà lỏn đi chân trần trốn chui trốn nhủi như hình ảnh mô tả trên Truyền Hình Hoa Kỳ”. Mãi cho đến ngày lâm trận Bình Giả, 31/1`2/1964, tôi mới có kỹ niệm sâu sắc về người SQ Cố Vấn TQLC Hoa Kỳ.
Người Bạn Mỹ đầu tiên cho đến nay vẫn còn liên lạc là Trung Úy Phil O Brady. Sau cùng anh lên Đại Úy tại mặt trận Bình Giả rổi giải ngũ. Gần cuối năm 1964, khi tôi làm Đại đội trưởng ĐĐ1 của TĐ4 TQLC, Cố Vấn Mỹ là Đại Úy Frank Pete Eller. Nhân một ngày đem Đại đội ra ứng chiến tại Phi trường Biên Hòa, tôi được Cố vấn đưa đi theo một anh chàng Trung Úy TQLCHK cao to hơn tôi cả cái đầu. Lúc ấy tôi còn mang lon Thiếu Úy. Chàng ta đến gặp tôi với vẻ mặt nghiêm nghị và tự xưng “Tao là Trung Úy Brady, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ” Tôi đưa tay chào và nói “Tao là Thiếu Úy Toàn” Thế thôi. Theo thói thường khi đi hành quân, xuống đòan xe tải, thầy trò chúng tôi cứ kéo nhau đi ngổn ngang trên sân bay. Chợt Trung Úy Brady chạy tới nói lớn với tôi.:”Sao mày không tập họp Đại đội rồi đi đều bước đàng hoàng mà để lính đi lộn xộn như vậy” Tôi nổi nóng định xì nẹt nó một trận nhưng nghĩ lại không nói gì mà chỉ cười khẩy. Tôi thầm nghĩ thằng này mới ra Trường dâu biết gì. Không hiểu sao, từ đó chàng ta thích tìm tôi nói chuyện. Lúc ấy, tôi mới nói với chàng ta rằng tao cũng xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia và cũng đã từng đi diển hành ở Sài Gòn nhiều lần. Cơ bản thao diển là nghề của tao mà. Tao đi chiến đấu dã gần 2 năm rồi. Nếu mày thắc mắc gì cứ hỏi tao, OK. Điều quan trong nhất là từ nay mày cố giữ liên lạc với Quân Đội Mỹ để yễm trợ và tải thương cho tụi tao thay bắn lầm vào quân bạn.
Có một hôm, sau khi đi lòng vòng thăm chở đóng quân, Brady ghé đến chổ tôi nói:” Tao đi lòng vòng thấy tụi lính đứa nào cũng ôm một chiếc Radio nghe nhạc gì tao khộng biết. Tao nghe tiếng e é lên xuống trầm bỗng.” Tôi cố gắng giải thích : “ Chắc mày thấy tụi nó nghe Cải Lương Vọng cổ đó. Giống như Mỹ nghe Country Music đó mà” . Ba- lô của Brady lúc nào cung đầy các thức ăn lạnh và đồ hộp Mỹ với chai rượu Whisky mỏng dẹp.Cho đến ngày Tiểu đoàn chúng tôi nhảy Trực thăng vào mặt trận Binh Giả, Phước Tuy. Brady hầu như không rời tôi một bước. Có khi, tôi nói nửa đùa nửa thật: “ Mày cao lớn quá , lại mang theo máy truyền tin gắn ăng ten cao ngồng nên tránh xa tao ra không lỡ VC băn sẻ trúng tao đó” Sau khi Thiếu Tá Eller, cố vấn trưởng bị trúng đạn lúc tiến quân vào rừng Cao su Long Giao, Phil Brady lên thay thế. Chàng đã nhanh chân chạy thoát khỏi trận địa vào ngày 31.12.1964. Trở ra làng Bình Giả, chàng đã cố gắng phối hợp quân bạn để lập lại chủ động trên chiến trường cũng như tản thương những người lính sống sót. Chàng cũng đã liều lĩnh theo chân quân bạn trở vào chiến địa tìm tôi mhưmg không kết quả. Bởi 3 ngày sau, tôi mới một mình bò về lại làng Bình Giả với 3 vết đạn thù trên ngực và chân phải. Trong khi ấy, Brady được gọi về Sài Gòn để được trao tặng huy chương Silver Star với chữ V và thăng cấp Đại Úy. Tôi cũng mới được đương nhiên lên Trung Úy ngày 22/12/64 sau 2 năm ra Trường. Hết nhiệm kỳ 1 năm, Brady xin giải ngũ. Ngay sau đó, chàng ta xin trở lại VN làm việc cho USAID rồi phóng viên cho hệ thống truyền hình NBC cua Hoa Kỳ. Chàng còn lập gia đình với một cô gái Bình Dương và chung sống cho mãi đến nay. Sau này, vào năm 1972, khi theo học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu của TQLCHK, tại Quantico, Virginia, tôi được mời dự cuộc họp mặt của các cựu Cố Vấn TQLCHK tại Woodbridge, VA Từ đó, tôi mới biết thêm về ý nghĩ của các SQ đã từng làm Cố vấn cho TQLCVN. Với họ, chúng tôi dối xử không thân thiện như các quân binh chủng khác và thậm chí còn thù nghịch nửa. Như trương hợp Đại tá Nguyễn Thành Yên, Thiếu Tá Hồ Quang Lịch cầm súng rượt đánh CV Mỹ vì không làm theo yêu cầu tản thương cho lính dưới quyền. Đại Tá Nguyễn Thê Luơngt bỏ đói Cố Vấn. Trung Tá Đỗ Hừu Tùng đuổi CV Mỹ về lại Sài Gòn..v.v..Tôi đã phải cố soạn một bài viết ngắn để lên diển đàn giải thích cho họ hiểu và được vổ tay tán thưởng nồng nhiệt khi tôi lấy trường hợp của tôi với Phil Brady. Cho đến nay, trong số gần 100 SQTQLC Hoa Kỳ đã từng làm Cố Vấn đã có 52 ngưới lên Tướng của Quân Đội Hoa Kỳ. Trong số có Đại Tướng Boomer và Đại Tướng Joe Hoar.
Trong suốt cuộc chiến Việt nam, từ năm 1960 đến 75, nhờ Phái Bộ Cố Vấn TQLC Hoa Kỳ sát cận nên chúng tôi luôn nhận viện trợ trực tiếp của TQLC Hoa Kỳ, vốn là một binh chủng lừng danh. Nguồn tiếp vận không qua tay Bộ Tổng Tham Mưu của Quân Đội Việt Nam Cong Hòa. Tuy nhiên, đối với Quân Đội Hoa Kỳ, ngân sách của TQLC nằm trong Bộ Hải Quân và tương đối nhỏ so với Lực lượng Hải Quân. Dù sao, nguồn tài trợ hay quân dụng và quân cụ cũng không bị thất thoát qua guồng máy tham nhũng. Người Cố Vấn TQLCHK sau cùng của tôi là Trung Tá Joey Strickland. Thực ra Strickland cũng không phải là CV mà là bạn học cùng khóa Chỉ Huy và Tham Mưu TQLC Hoa Kỳ, tại Quantico, VA, với tôi. Sau ngày mãn khóa, Joey tình nguyện sang phục vụ bên Việt Nam. Strickland nguyên là Tiểu đoàn trưởng Trinh Sát của TQLCHK. Năm 1973, Strickland đảm nhận cống tác trong phái bộ Quốc Phòng HK bên cạnh Sư đoàn TQLCVN, đương nhiên là Cố Vấn làm việc trực tiếp với Tư Lệnh SĐTQLC. Lúc ấy, hệ thống Cố Vấn Hoa Kỳ đã giải tán trong kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh cho Mỹ rút quân. Khi ra thăm TQLC trấn đóng ngoài Quảng Trị, Strickland đã một mình tìm ra tận nơi đóng quân của TĐ4TQLC ở Chợ Cạn để gặp tôi. Do tình bạn đã hình thành khi học trong Trường, chúng tôi khá thân với nhau. Sau năm 75, nhờ Strickland tôi mơi còn có được một số hình ảnh chụp ngoài chiến trường Quãng Trị. Tôi đã thẳng thắn cho Strickland biết rõ tình hình mặt trận. Ngược lại, Srickland cũng không ngại cho biết về tình hình chính trị bên Mỹ và cuộc rút quân Mỹ ra khỏi VN. Dù sao, tôi cũng không tin CS có thể dể dàng tiến chiếm Miền Nam như đã xảy ra. Chúng tôi cũng sẽ đánh nhau tới cùng. Vào tháng 10 năm 1974, Strickland được triều hồi về Mỹ. Trước ngày về nước, Strickland thu xếp ghé thăm tôi và khuyến cáo tôi nên lo cho gia đình vì chắc chắn Mỹ sẽ bỏ Việt Nam. Tôi không làm gì được vì trong tay còn trách nhiệm cả gần 800 tay súng. Bạn bè chúng tôi cũng trao đổi rằng nếu cùng lắm sẽ phải tử thủ Miền Tây Nam Phần của VN. Tất cả đều tan trong mây khói. Sang Mỹ, sau chuyến vượt biên vào tháng 5 nam 1984 đến Galang, tôi được gặp lại Joey Strickland trong một chương trình 20/20 của ABC vào năm 1986 khi họ làm một phóng sự về các cựu chiến binh sống sót sau cuộc chiến Việt nam. Từ Hawai, lúc đang dạy học ở một trường Đại Học, Strickland bay qua Virginia và trao cho tôi một chiến phục TQLC VN với đầy đủ huy hiệu. Strickland cho biết khi trở về làm việc tại Bộ Tư Lệnh TQLCHK tại Hoa Thịnh Đốn đã nghe tin Miền Nam thất thủ, vào khoảng tháng 5 năm 1975, từ viến Trung Tá TQLCHK bàn giao chức vụ ở Việt Nam. Về nước, ông này còn được thăng lên Đại Tá. Tức giận về việc cả hàng trăm ngàn chiến binh Viet Nam bị bỏ rơi, Strickland xin giải ngũ và về Hawai đi học lại. Strickland dò hỏi tin tức về tôi và nghe nói tôi đã tự tử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Trong suốt cuộc chiến, tôi chỉ có 2 người bạn Mỹ đúng nghĩa bạn là Phil Brady và Joey Strickland.
Ngày nay, tại Viện Bảo Tàng của TQLC Hoa Kỳ, trong căn cứ Quantico, tại Virginia Tổ chức thân hữu cựu Cố Vấn Hoa Kỳ đã trưng bày khá nhiều di vật quý giá của binh chủng TQLC Việt Nam cho càc du khách thăm viếng. Một vị Trung Tướng nguyên là Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Lực lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ tại Okinawa đã đọc một bài diển văn bằng tiếng Việt, trong một Đại Hội TQLCVN, tại vùng Phụ Cận Hoa Thịnh Đốn. Tướng Smith nói rằng ông rất cảm phục tinh thần và khả năng chiến đấu của TQLCVN và ông đã học hỏi rất nhiều từ các cấp chỉ huy khi ông làm Cố Vấn trên chiến trường. Hầu như, ngày nay, các Tướng Lãnh của Hoa Kỳ đều đã từng tham chiến tại Việt Nam. Nhiều dảy huy chương của Quân Đội Việt Nam Cong Hòa vẫn còn trên ngực áo Đại lễ của họ. Dù sao, Quận Đội Hoa Kỳ cũng đã tổn thất hơn 58 ngàn quân sĩ trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam Việt Nam.
Từ sau ngày Đão chánh 1/11/93, Tiểu Đoàn của chúng tôi thường bị điều động về nằm ứng chiến ở Sàigòn do những biến động chính trị, sau mổi cuộc hành quân. Một lần, khi mới về nghỉ tại Hậu Cứ Vũng Tàu 2 ngày, chúng tôi được khẩn cấp tập họp hành quân. Xe của đơn vị phải chạy vòng quanh phố kêu gọi. Cuối cùng, chỉ tập trung được đầy đủ hai Đại đội tác chiến do tôi và người bạn cùng khóa Nguyễn Đằng Tống chỉ huy. Chúng tôi được xe tải cơ hữu của Đơn vị chở ra Phi trường Vũng Tàu. Nhìn lại chúng tôi mới bật ngửa ra là loại máy bay C47 của Hàng Không Việt Nam với ghế ngồi cho hành khác đau ra đó. Chúng tôi chỉ nhận lệnh vắn tắt của Thiếu Tá Nho là “Về Sài Gòn để bảo vệ Phi Trừơng Tân Sơn Nhất để chống đão chánh” Lính tráng nghe nói vui thích lắm. Không lội hành quân mà nằm ngay Sài Gòn. Xuống phi cơ, tôi được Tư Lệnh Lê Nguyên Khang cho lệnh trấn giữ cổng Phi Long. Bạn tôi nằm giữ Bộ Tư Lệnh Không Quân. Do quá cấp bách không kịp tiếp tế, chiều hôm ấy Đại đội của tôi được xe PX của Mỹ cho ăn sandwich và uống coke. Tôi được Trung tá Nguyễn Ngọc Loan giao cho một dàn hỏa tiển vốn để trang bị trực thăng võ trang để chống xe tăng của Trung Tướng Dương Văn Đức. Cũng may là mấy ông dàn xếp êm. Nếu không tôi cũng rất đau lòng khi phải bắn quân bạn. Được hai ngày sau, chúng tôi được xe tải chở về lại Vũng Tàu. Vài hôm sau, tôi được Tiểu Đoàn Trưởng gọi lên ra lệnh đem quân ra trấn đóng từ Bãi Dâu đến Bạch Dinh ở Núi Lớn. Chúng tôi chỉ lo canh gác bên vòng ngoài. Bên trong, tại ba biệt thư, các ông Tướng bị cầm giữ là Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát, Đại Tá Dương Ngọc Lắm. Chiều hôm ấy, tôi thấy chiếc trực thăng Aluoette chở Tướng Nguyễn Khánh đáp xuống sau tòa nhà Bạch Dinh. Trời chạng vạng tối, khi đi lòng vòng kiểm soát lính, tôi nghe tiếng cãi nhau khá lớn ở một căn chòi thưởng nguyệt, bằng tiếng Pháp. Tò mò tôi lần tới mới thấy hai ông Tướng Khánh và Trí qua lại iếng Pháp với nhau. Chưởi bới thì đúng hơn, nhờ lúc nhỏ tôi có học tiếng Tây. Vài ngày sau tôi được lệnh rút quân về để chuẩn bị hành quân. Do kế hoạch phối hợp giửa Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn và Phái Bộ Cố Vấn TQLCHK, đơn vị chúng tôi được tập trung ra Bãi Trước, Vũng Tàu, xuống tàu LCU đưa ra cửa biển lên chiến hạm đổ bộ của TQLCHK. Chỉ trong vòng vài giờ hải hành xuôi Nam, chúng tôi nhận kế hoạch hành quân hỗn hợp với Sư đoàn 7 Bộ Binh và Hải Quân Việt Nam. Cuộc hành quân Thủy bộ từ ngoài biển bất ngờ đánh thẳng vào Mật Khu Thạnh Phú của Bến Tre. Rẻo đất giáp biển Đông được sông lạch bao quanh và rừng cây Đước ngập nước lầy lội như một ốc đão. Quân bộ muốn tiến ra từ đất liền phải trả giá rất đắt do địa thế cản trở và VC phát giác ngay từ xa. Với cả Tiểu đoàn TQLC với hơn 700 tay súng một loạt đổ bộ từ ngoài biển vào đã khiến cho địch quân phải bỏ chạy với một ít loạt đạn cầm chân. Cơ sở hậu cần của VC còn nguyên vẹn, luôn cả bệnh xá. Ngoài một số VC mặc quần đùi áo bà ba đen với AK 47 và CKC bị tóan quân phía trước bắn hạ, doanh trại dã chiến bằng tre gỗ và lá dừa trống vắng không một bóng người trên một diện tích non 10 cây số vuông. Trực thăng Võ Trang đang truy nả đám VC ẩn núp trong rừng câu Đước, về hướng dất liền. Một đàn bỏ gồm cả mấy trăm con chạy nháo nhác trước tiếng súng nổ. Đây là một cơ sở của VC để nhận tiếp liệu từ ngoài Bắc VN chuyển vào bằng ghe tàu, luôn cả quân lính chính qui xâm nhập. Ngôi làng đánh cá ven biển cũng không còn một bóng người. VC cũng mở vuông ruộng trồng lúa để vứa nuôi quân vừa đánh lạc hướng phi cơ trinh sát. Chiều hốm ấy, sau khi đã giải tỏa và chiếm giữ mục tiêu, thầy trò chúng tôi tự thưởng một bửa ăn có thịt bò. Chỉ cần 1 trong số gần 500 con bò mập thịt.
Ngày hôm sau, đơn vị tôi truy lùng địch xuyên khu rừng Đước ngập trong sình lầy. Phải lội í ạch trọn cả ngày mới được đặt chân lên giồng đất khô của Giềng Trôm, Ba Tri. VC đã tìm mọi cách tránh né. Khi lội qua những vườn Dừa bát ngát, dù được giải khát bằng nước Dừa tươi ngọt lịm, thày trò chúng tôi cũng lã người với những then ngang và hố dọc, trong tiếng súng bắn cầm chừng lách cách của đám du kích VC. Giày sô và quần áo trận ướt sũng nước từ sáng đến tối. Đêm dừng quân nằm trên võng mắc trên hai gốc Dừa mà quay quắt với đàn muổi nhiều đến ớn lạnh cả người.
Vài ngày sau, chúng tôi thu quân lên xe vận tải về Sài gòn ứng chiến trong tiếng reo hò mừng rở của đám lính mệt mỏi..Nghe nói ứng chiến để chống mấy ông Tướng đão chánh và chỉnh lý. Chỉ có anh em chúng tôi chịu gian khổ cho đến khi trúng đạn nằm xuống ngoài chiến địa.
Vào thượng tuần tháng 10 năm 1964, Tiểu đoàn chúng tôi được lệnh di chuyển lên Doanh trại Dỉ An, Biên Hòa, để làm lực lượng trừ bị cho Quân đoàn 3. Thiếu tướng Cao Văn Viên là Tư Lệnh Quân Đoàn. Đầu tiên hết, chúng tôi được thả vào Chiến khu D của VC. Từ đó, đơn vị mở cuộc truy lùng địch về Tân Uyên. Chúng tôi vượt qua đồn diền Cao su của ông Nguyễn Đình Quát là người sau này đã ra ứng cử Tổng thống của nền Đệ Nhị Cọng Hòa. Ngoài những cuộc chạm súng lẻ tẻ với du kích quân khiến một vài quân sĩ bị thương, chúng tôi lội suốt cả tuần lể xuyên rứng cây và trảng cỏ rậm rạp không gặp kháng cự nào của VC. Một tuần lễ trước, một toán chiến binh TQLCHK đến từ Okinawa, Nhật Bản, được đưa đến Tiểu đoàn để làm toán OJT thực nghiệm chiến trường Việt Nam. Trưởng toán là Đại Úy (USMC) Pete Cook và 4 Hạ sĩ quan mang cấp từ Trung sĩ đến Thượng sĩ. Họ là những chiến binh đã từng tham chiến ở Nam Hàn. Khi đơn vị hành quân lùng diệt địch họ được phân phối đi thei 4 Đại đội chiến đấu. Họ tỏ ra gan dạ và thích thú khi cùng binh lính TQLCVN xung phong rượt đuổi VC khi chạm súng. Chúng tôi hết sức bàng hoàng và lo lắng khi tiến quân qua những ngồi Ấp Chiến Lược được thành hình từ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm chấp chánh. Nay, các ấp vốn là nơi định cư của giáo dân Công giáo từ Bắc di cư vào Nam đã bị tan rả dưới sức công kích của VC, tư sau ngày 1/11/1963. Một số lớn đã bỏ vườn hoang nhà trống chạy về thành phố do an ninh bị đe dọa ngày đêm.Quân VC xâm nhập với vũ khí tối tân của Nga và Tàu tràn lan khu rừng Miền Đông qua tận biên giới Việt Miên. Toán OJT của Sư Đoàn 3 TQLCHK dự trù sẽ theo chân đơn vị chúng tôi 1 tháng. Họ được tiếp tế rất đầy đủ. Khi đơn vị chúng tôi trở về căn cứ Dỉ An tức thì họ được xe đón về nghỉ tại Sài Gòn cho đến khi có lệnh bất thần tập họp ra phi trường Biên Hòa vào ngày 23 tháng 12 năm 1964. Họ đã trở về kịp tham dự hành quân sau những ngày xốn xang với không khí chuẩn bị Mùa Lễ Giáng Sinh.
Tại Thủ đô Sài Gòn, mấy ông Tướng với quyền lực và của cải thu luợm trong tay, còn đang mãi mê trong men chiến thắng sau cái gọi là cuộc cách mạng 1/11/63. Trên tờ Nhật báo Chinh1 Luận, chúng tôi thấy hình ảnh ông Tướng Tôn Thất Đính, mặc chiến phục Nhảy Dù, đang xoay mình trong điệu nhạc Be Bop. Trong khi, ông Đính chưa hề phục vụ trong lực lượng Nhảy Dù và xuất thân từ một Hạ sĩ quan của Quân Đội Viễn chinh của Pháp trong một đơn vị bộ binh. Các phòng trà và khiêu vũ trường đã được phép hoạt động lại. Các ông Tướng đang bận rộn lo tổ chức đình đám mừng lễ Giáng sinh với một kịch bản thật đầy màu sắc.
Trong khi ấy, tại Ấp Chiến Lược Bình Giả, Long Giao, Phước Tuy, gồm các giáo dân Công giáo di cư từ Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh, quân chính qui VC bất thần mở cuộc tấn công tràn ngập. Chi khu quân sự gần đó cũng bị kềm chặt tứ phía. Dân quân tự vệ của giáo xứ phải cùng Cha Xứ rút xuống hầm bí mật. Họ vẫn giữ liên lạc được với bên ngoài nhờ sự bao che tích chực của dân chúng. Bình giả là một Ấp Chiến Lược với một ngôi Nhà Thờ chính nằm giữa trên một dải đất cao gốm khoảng 400 thước bề ngang và 1000 thước chiều dọc, vế hướng Đông Tây của Bình Ba. Bao quanh là hàng rào kẻm gai với bải mìn. Người dận phải mở vài đường mòn để ra ngoài trồng trọt cây trái như Chuối, Mía , Đu Đủ… Hai cổng chính Đông Tây đều có rào và người gác. Lúc ấy, theo tài liệu từ cuốn “Hai ngàn ngày đêm dưới địa đạo Củ Chi” của Dương Đình Lội, VC đã thành lập Sư Đoàn 9, với quân chính qui xâm nhập từ Miền Bắc và tuyển mộ trong Nam, gồm 3 Trung đoàn với bí danh là 261, 262 và 263 do Tư Lệnh Việt Cộng Trần Đình Xu chỉ Huy. Trước đây, VC gặp sự chống trả quyết liệt của dân làng Bình Giả khi chúng chuyển quân và tiếp liệu nhận từ biển vào mật khu. Lần này chúng đưa cà Trung đoàn tiến chiếm với mục đích phá vỡ một chướng ngại đáng kể. Hối đó, báo chí còn tung tin VC có cả tên Tướng họ Dương chỉ huy nhưng thật ra chỉ có tên Trung đoàn trưởng về sau đã bị bom từ phi cơ sat hại nhờ vào chỉ điểm của dân làng về vị trí đóng quân của Bộ Chỉ Huy VC trong làng. Tin tức từ toán dân quân, dưới hầm bí mật của làng Binh Giả, cho biết quân số của VC lên đến cả Trung Đoàn. Các ông Tướng bận lo tổ chức tiệc tùng và chia nhau quyền lực nên phó mặc việc hành quân cho những cấp dưới. Khổ một nỗi là những thuộc cấp này gồm toàn nhưng người tay chân bộ hạ thân thuộc chưa hề tham chiến và hiểu biết về tham mưu hành quân. Họ là những kẻ thân tín được thăng cấp vùn vụt từ Đại Úy lện Đại Tá với chức vụ này nọ nhưng chưa hề chỉ huy đơn vị tác chiến, dù chỉ đánh nhau với du kích VC. Thế là, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 cho lệnh 1 Thiết Đoàn Chiến Xa với một Đại đội Biệt Động Quân tùng thiết, từ Phước Tuy lên giải vây. Đến Bình Ba, khi còn cách Bình Giả non 10 cây số, đoàn quân này bị VC phục kích trong một khu rừng Cao su năm hai bên trục tĩnh lộ 15. Đoàn xe Thiết Giáp bị đánh tan tành. Thương vong lên đến cả 100 chiến sĩ. Xe tăng bị băn cháy bởi B40, là vũ khí mới của Trung Cộng trong khi bên này còn dùng súng từ thời Đệ II Thế Chiến của Mỹ. Vũ khí và đạn dược đều bị thu đoạt. Ngay cả người lính tử thương cũng bị VC lột cả quần áo và giày cùng vũ khí cá nhân. Ngày hôm sau, Tiểu đoàn 4 TQLC là đơn vị trừ bị cuối cùng của Quân đoàn được trực thăng Mỹ bốc từng Đại đội thả vào khu đất trống ở phía Đông của làng Bình Giả. Từ sáng sớm đến xế chiều mới hoàn tất cuộc đỗ quân. Lúc ấy, quân VC đã rút lui. Dân làng mừng rở đổ xô ra đón quân TQLC. Họ đứng đầy hai bên con lộ trải đá và dúi vào tay mổi người lính đi ngang một gói thuốc hay một chiếc bánh, trái cây. Thật đúng nghĩa là tình quân dân thắm thiết. Khi ấy, chúng tôi được lệnh tiến nhanh qua làng về hướng quân ta bị phục kích ở Bình Ba, ngay trong đêm.
Ra đến ngả ba Tĩnh lộ 15 và Xuân Sơn, Thiếu tá Nho, TĐT, đã quyết định bố trí quân nghỉ qua đêm khi trời đã sụp tối hẳn. Đêm ấy, không hề có dấu hiệu quấy rối của VC. Tờ mờ sáng hôm sau, Tiểu đoàn 4 TQLC lấy trục Nam của Tỉnh lộ 15, mở rộng hai cánh quân mở đường về Phước Tuy. Chưa đầy 2 tiếng đồng hồ sau, Đại đội 1 phát giác nơi Thiết giáp bị phục kích giửa vườn Cao su gia bỏ hoang lâu đời. Cỏ mọc cao ngang ngực người lớn. Mùi cháy khét còn quyện lẫn trong sương mù buổi sáng. Xác xe Thiết vận M113 mở toang cửa sau và pháo tháp. Chân càng súng Đại liên chơ vơ mất súng. Xác chiến binh nằm ngả nghiêng ở đủ tư thế. Lòng tôi không kếm được đau sót và căm hận khi thấy các xác tử sĩ đều bị bọn VC dã man lột trần hết quần áo và giầy trận. Tất nhiên vủ khí và trang bị cá nhân đều bị chúng tước đoạt. Lập tức, tôi ra lệnh bố trí quân và cho người lấy poncho cá nhân bọc lại hết các xác tử sĩ. Đơn vị chúng tôi mở rộng cánh quân lục soát để ngừa phục kích. Nhưng, bọn VC như con thú rừng đả no mồi nên không thấy tăm dạng. Tiểu đoàn phải nằm tại chổ chờ quân xa từ Phước Tuy lên tản thương. Không còn ai sống sót. Mãi đến sau bửa ăn trưa dã chiến, đơn vị chúng tôi tiếp tục mở đường về Bà Rịa, dọc theo trục lộ gần 20 cây số. Do phải mở rộng cánh quân lục soát sâu vào hai bên đường nên Đơn vị về đến ven thành phố khi trời đã sụp tối hẳn.Cả Tiểu đoàn gồm hơn 700 tay súng phải lùa hết vào một sân banh đá để dừng quân, dựng bếp nấu nướng rồi tìm chổ ngả lưng qua đêm. Tôi ngồi trên một ghế băng gỗ nhìn lính tráng lăng xăng nổi lửa, chạy quanh tìm nguồn nước nấu cơm mà lòng thấy thương xót cho họ. Trong khi, ở Sài gòn người ta mải mê tiệc tùng đón Giáng Sinh.
Rạng ngày hôm sau, chúng tôi lại nhận được lệnh mở đường từ Phước Tuy về Long Thành, dọc theo Quốc Lộ 4 đi Vũng Tàu. Vốn là Lực lượng Tổng trừ bị của Quân Đội, và là đơn vị tự trị về hành chánh, Tiểu đoàn TQLC được đưa đến những nơi mặt trận nóng bỏng nhất để giải quyết chiến trường. Từ đó, các nơi nhận được tăng phái của TQLC sẽ tận dụng tối đa gần như vô tội vạ cho giảm bớt gánh nặng cho họ. Ngoài ra, họ còn được dịp khoe công và đạt thành tích với huy chương và thăng cấp bậc. Đoạn đường từ Phước Tuy về Long Thành dài cả 50 cây số. Hành quân mở đường trên bộ cũng phải mất cả tuần lễ. Xuyên rừng và lội suối được một ngày, chúng tôi được lệnh tập ra đường QL chờ đoàn xe của Quân đoàn chở đến Long Thành. Nghỉ quân một đêm trong vườn Cao su ngoại ô để ngày hôm sau Đơn vị mở cuộc hành quân truy lùng địch từ Long Thành xuyên rừng về hướng Rừng Sát.
Từ phía Nam Quốc lộ, chúng tôi dàn đội hình mở rộng xuyên rừng tiến chậm về hướng Nam. Vài tiếng dồng hố sau nghe một tiếng súng nổ tôi vụt chạy lên xem mới biết toán lính đi đầu bắn được một con mễnh chạy đâm sầm vào đoàn quân. Chiều nay, hứa hẹn có một bửa thịt tươi ngon. Mãi đến trưa, chúng tôi dàn quân sẳn sàng vượt qua trảng trống để tiến vào một xóm nhỏ ở bìa rừng. Bỗng từ trong, tiếng súng chát chúa của VC nổ ran, chẳng ai bảo ai, chúng tôi nhào lên tấn công vào xóm nhà. Cuộc xung kích quá nhanh nên Đại đội chúng tôi đã nhảy qua giao thông hào phòng thủ của VC. Trong khi địch còn lúng túng dưới mương đào. Cả Tiểu đội VC bị bắn hạ ngay tại chổ. Có lẽ, chúng không ngờ phải đối đầu với một quân số quá đông. Trung sĩ Nguyễn Văn Trì là Tiểu đội trưởng trong Đại đội của tôi bị trúng đạn VC tử thương. Ông đang chờ đơn vị về lại Dỉ An để nghỉ phép về Hậu cứ Vũng Tàu thăm vợ mới sanh. Tôi rất đau lòng và tự hứa tư nay sẽ cho cấp dưới đi phép ngay trước ngày hành quân. Lục soát và chiếm xong mục tiêu chúng tôi xin tản thương trong khi bố trí quân qua đêm. Thịt con mễnh được chia ra cả Đại đội nhưng chẳng ai vui. Ngày hôm sau, chúng tôi lên xe trở về lại Dỉ An để tiếp tục ứng chiến. Tình hình chiến sự đã trở nên sôi động. Bên ngoài phố xá vẫn tưng bừng. Chẳng mấy ai quan tâm đến số phận của hàng trăm người lính đã chết tức tưởi trong trận hành quân giải tỏa về làng Bình Giả cách đây chỉ vài ngày, trên Tĩnh lộ 15 Phước Tuy đi Long Giao. Thất trên Nhật báo bán ngoài chợ mấy ông Tướng vẫn còn mặc Đại lễ trắng tinh với lon lá và huy chương đầy ngực ở Sai Gòn.
Đã có người bảo TQLC là kiêu binh. Khi hành quân trở về Hậu cứ lính ra quán ăn nhậu say sưa rồi đập phá, đánh lộn. Có ai từng trải qua gian khổ và sống chết trong gan tấc sẽ hiểu tại sao gọ bất mãn. Tuy nhiên, vốn là người chỉ huy đơn vị chiến đấu TQLC tôi biết rõ một điều về người linh trận. Khi tôi đến đơn vị vào đầu năm 1963, Đại đội của chúng ta gồm gần một nửa là người lính Commando gốc Nùng và Miên. Số còn lại là một ít người Thượng Cao nguyên và những trai trẻ theo gia đình lánh nạn sống khó khăn ở Sài gòn, Gia Định và các thành phố khác. Sau khi được huấn luyện thành người lính chiến, họ không trở nên vô kỹ luật nếu cấp chỉ huy nêu gương cho họ. Thường những tay đi hành quân về ra quán xưng hùm xưng bá, quậy phá lại là những kẻ hèn nhát khi chạm súng. Ngoài mặt trận, khi súng nổ, tôi luôn đảo mắt tìm những tay quậy phá này lật tẩy khi khám phá ra chàng đang trốn chui trốn nhủi. Với giác quan tôi nhận ra ngay những tay gan lì và trung tín ở đơn vị tác chiến. Cho mãi đến nay, hơn 40 năm sau cuộc chiến, tôi rất tự hào và hãnh diện rằng mình luôn lo lắng và che chở cho thuộc cấp và đàn em. Chỉ có mổi vấn đề là hay chống lại cấp trên. Không thượng đội và hạ đạp. Từ Long Thành trở về căn cứ Dỉ An, tôi rủ hai người bạn cùng khóa Võ Bị, vốn là Đại đội trưởng ĐĐ2 và ĐĐ4, ra đường đón xe đò về Sài gòn chơi. Theo bảng cấp số, Đại đội trưởng có cấp xe Jeep. Tiểu đoàn đi hành quân xa chỉ có Tiểu đoàn trưởng và Tiểu đaòn phó được mang xe theo. Bọn chúng tôi cũng không thấy phiền lòng mà vô tư ra đứng đường đón xe. Tất nhiên là trốn cấp chỉ huy và định chỉ đi đến chiều rồi trở về. Kéo nhau vào hẻm Casino ăn rồi ra ngồi Quán Kem Mai Hương nhìn con gái Sai gòn qua lại. Người đẹp nào đi ngang cũng sợ hãi lắm lét. Mới chỉ hơn một năm đi trận mà bọn tội trông già trước tuổi. Lại thêm trách nhiệm chỉ huy gần 140 người lính. Trong ấy, có vài ông Thượng, Trung sĩ bằng tuổi cha của mình. Lang thang một lúc lại vào rạp Lê Lợi xem phim “ Cầu Sông Kwai” về đám lính Đồng Minh bị quân Nhật bắt tù binh đưa sang Miến Điện mở đường Xe Lửa. Ra về, bọn tôi lòng buồn man mác rủ nhau ghé quán ăn rồi lên xe Đò trở về đơn vị.
Vừa đứng lúc, Thiếu tá Nho gọi lên họp hành quân. Tiểu Đoàn 4 TQLC, là đơn vị trừ bị cuối cùng của Quân Đoàn 3, sẽ được Trực thăng Mỹ đổ bộ vào sáng sớm hôm sau để giải tỏa làng Bình Giả và bắt liên lạc với Tiểu đoàn 33 và 38 Biệt Động Quân đang bị VC cầm chân bên ngoài vòng đai Ấp Chiến Lược.
Ngày 28/12/1964, Tiểu đoàn 33 BĐQ được trực thăng vận vào mặt Đông Nam làng Bình Giả sau tin VC đã chiếm đóng. Tin tức từ điện đài dưới hầm bí mật của Cha Xứ Làng Bình Giả đã cho biết quân số VC lên cả Trung đoàn. Nhưng Cấp Trên chẳng ai tin và cũng chẳng ai bận tâm. Quân số BĐQ đổ bộ chỉ hơn 100 tay súng. Cũng chỉ còn sử dụng Garant M1 và Carbine. VC đã đào hầm bố trí quân dọc theo khuôn vườn Chuối nằm giửa khu đất trống làm bải đáp Trực thăng và hàng rào Bình Giả. Ngay sau khi Trực thăng cất cánh, khi BĐQ còn đang lóng ngóng thu quân, VC đã đồng loạt xung kích. Tiểu đoàn 33 BĐQ phải vừa chống trả vừa dạt vào làng. Nhờ sự hổ trợ tích cực và gan dạ của dân làng, BĐQ bám được ngôi Nhà Thờ Chính. Dù với cả trăm tay súng đều bị thương tích nhưng BĐQ đã cầm cự suốt qua đêm, trong khi Tiểu đoàn trưởng và Cố Vấn Hoa Kỳ đều bị thương nặng. Cuộc cầm cự này chính là nhờ sự hổ trợ của dân làng. Họ vừa di tản người bị thương vừa tiếp tế súng đạn bị rơi rớt và tiếp tế thức ăn cho người lính chiến BĐQ.
Giá mà làng nào ở Miền Nam Việt Nam cũng đều mang tinh thần chiến đấu chống Cộng quyết liệt như Bình Giả chắc chắn không còn một mống Cộng sản. Còn nói gì đến ngày mất nước 30 tháng 4 năm 1975.
Ngày 29/12/64, Tiểu Đoàn 38 BĐQ được Trực thăng vận xuống phía Tây Nam của Bình Giả rồi mở cuộc tấn kích bắt tay với TĐ33 BĐQ. Họ đánh nhau trọn ngày nhưng bị địch cầm chân không nối được với TĐ33. Ngày ấy, Pháo binh 150 Ly được đặt mãi tận tĩnh lỵ Phước Tuy nên vô hiệu. Phi cơ không yểm từ Biên Hòa với các Khu trục cánh quạt không làm gì được vì quân bạn quá gần làng dân và VC.
Trước ngày hành quân trực thăng vận vào tiếp cứu Bình Giả, Tiểu đoàn trưởng, theo thông lệ hiện hành, đã cho một số quân nhân đi phép thường niên. Riêng Sĩ quan trong Đại đội, tôi cắt cử Thiếu Úy Trần Xuân Quang, Đại đội phó, và Thiếu Úy Nguyễn Đình Định đi phép. Nhờ đó họ đã thoát trận Bình Giả.
Ngày 29 tháng 12 năm 1964, khi Sài gòn tưng bừng đón Tết Dương Lịch, TĐ 4 TQLC được xe vận tải đưa ra Phi trường Biên Hòa. Phi hành đoàn Trực thăng Hoa Kỳ đã nằm sẳn trên phi đạo. Đại đội 1 của tôi được đáp chuyến đầu tiên để thiết lập an ninh bãi đáp cho Tiểu đoàn, ở phía Tây Bắc của Bình Giả. Mổi đợt chuyển quân chỉ được một Đại đội gồm 120 tay súng. Mổi phi vụ dự trù mất 1 tiếng đồng hồ, từ Biên Hòa bay về Phước Tuy.Như thế, với 5 Đại đội, đơn vị chúng tôi phải chờ cả 5 giờ mới gom quân đầy đủ. Tôi linh cảm trận đánh này sẽ dử dội hơn trước đây. Ngay từ ngày rời Hậu cứ Vũng Tàu vào cuối tháng 11, với cảm quan này, tôi đã ra lệnh cho các SQ, gồm 5 Thiếu úy, đều phải mang khẩu súng Carbine thay vì khẩu Colt 45 như trước đây để ứng phó với trận đánh lớn. Riêng tôi mang khẩu AR15 mới được Phái bộ Cố Vấn TQLCHK đưa xuống thử nghiệm chiến trường.Tại phi trường Biên Hòa, tôi tập họp Đại đội đề cử T/U Võ Văn Song Song kiêm nhiệm chức vụ Đại đội phó. Thiếu Úy Song đã ngã xuống trên chiến trường Bình Giả khi đang cầm khẩu Carbine điều động Trung đội tiến chiếm cao địa trong rừng Cao su Quãng Giao. Ngồi giữa đám lính trên chiếc trực thăng, nhìn xuống cánh rừng xanh thẩm bao la, lòng tôi bỗng rung động khi nhận ra quê hương mình thật đẹp. Tự dưng, tôi nhớ hai câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm :
…” Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Quay nhìn lại những người lính thân thương đang cúi nhìn xuống dưới đất, tôi lại chợt mhớ hai câu thơ của Epicure học được trong giờ Đao đức học do Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Trần Ngọc Huyến dạy:
Tôi chỉ mới là một Sĩ quan mới 24 tuổi đầu đã mang gánh nặng trách nhiệm chỉ huy 120 quân lính. Ai rồi cũng chỉ chết có một lần. Bọn chúng tôi đi vào chiến trận đầy ắp những mẩu chuyện lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn, bài thơ của Thế Lữ, Quang Dũng.
Trực thăng ào ạt đổ Dại đội tôi xuống khu vường chuối nằm ngoài vòng đai ấp chiến lược Bình giả, về phía Tây Bắc. Trong khi, Tiểu đoàn 38 BĐQ đang bám đất phía Tây Nam. Đồng loạt, Đại đội tôi bung ra tứ phía để mở rộng Bãi Đáp. Tôi hạ lệnh hạ cây Chuối và đào hầm phòng thủ. Tuyệt nhiên không thấy dấu hiệu nào của VC. Sau đợt đổ bộ Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn, Phil Brady là Cố Vấn phó chạy lên tìm tôi chuyển lệnh mở đường vào làng. Đúng lúc, một vài thanh niên trong lang chạy ra theo đường mòn xuyên bãi mìn la lớn: “Đừng bắn! Chúng em là dân làng. Việt Cộng đang rút quân!” Chúng tôi chạy vào làng theo sự hướng dẫn của mấy thanh niên, rồi bung rộng cánh quân về hướng Nhà Thờ Chính. Cùng lúc, Biệt Động Quân vượt lên bắt tay với chúng tôi. Từ đây, chúng tôi tiến nhanh qua làng. Tiểu đoàn 33 BĐQ đang cố thủ đã bắt được liên lạc với chúng tôi. Không ai bảo ai, Tiểu đoàn 4TQLC và BĐQ cùng mở rộng cánh quân, lần lượt tái chiếm lại làng Binh Giả. Khộng có sức kháng cự nào của VC. Dân làng túa ra reo hò mừng rở. Theo tin, VC đã lặng lẻ rút lui từ tờ mờ sáng về phía làng Xuân Sơn và vườn Cao Su Quảng Giao.
Trực thăng Mỹ đáp xuống với một đám Phóng viên và Nhiếp ảnh viên chiến trường ngoại quốc. Khi tiến quân lục soát ra phía Bãi Đáp đổ TĐ33 BĐQ đã bị phục kích hôm trước, tôi bàng hoàng khi nhìn thấy một số tử sĩ đã bị lột hết quần áo và giày trận còn nằm ngổn ngang trên chiến địa.Thấy một chàng phóng viên Mỹ đi ngang đưa ống kính náy ảnh lên chụp lia lịa, tôi bỗng nổi nóng đưa tay định gạt phắt. Bỗng Phil Brady chận tay tôi lại và nói: “Để tụi nó làm công việc của tụi nó” Cũng từ dó, danh từ “Business’ theo tâm tư tôi mãi. Sau này, tôi mới thấy ở Mỹ dạy học, hoạt động Hướng Đạo, công tác thiện nguyện, truyền đạo, và làm chiến tranh đều là “Business” cả. Cho mãi đến bây giờ, trên báo chí tiếng Việt trên dất Mỹ, tôi bật cười khi phải đọc đi đọc lại bài viết của những người cứ tự xưng là Phóng viên Chiến trường cho oai. Thật ra, trong suốt cuộc chiến, họ chỉ quanh quẩn, nghe ngóng ở Sài Gòn hoặc cùng lắm ra Pleiku, Đà Nẵng, Huế rồi viết phóng sự đăng báo kiếm tiền. Chắc Phil Brady cũng xúc động mạnh vì lần đầu tiên thấy cảnh chết chóc ngoài mặt trận, từ ngày ra trường Basic của TQLCHK tại Quantico, Virginia.
Sau khi tản thương và cùng dân làng dọn dẹp chiến trường, Tiểu đoàn 4 TQLC đã phối hợp với Tiểu đòan 38 BĐQ rải quân chia nhau cùng dân làng bố trí phòng thủ chờ lệnh.
Nửa khuya ngày 30 tháng 12 năm 1964, chợt tiếng phèng la và còi trống nổi lên vang dậy trong làng. Liền tức khắc, tiếng súng nổ rền từ ngoài phía Đông của Bình Giả. VC bất thần mở trận tấn kích vào làng. TQLC và BĐQ đồng loạt hợp đồng với dân làng tỏa ra bia làng phản công quyết liệt. Một vài căn nhà ở sát hàng rào phòng thủ bị bắn cháy. Dân làng không nao núng hè nhau cứu hỏa trong luồng đạn giao tranh. Trực thăng võ trang của Lục Quân Mỹ từ Vung 4 Tàu bay lên bắn yễm trợ dử dội. Sau gần một giờ giao chiến, VC đã rút lui trong đêm tối. Trực thăng Mỹ truy đuổi theo sát. Do còn thiếu kinh nghiệm chiến trường nên một phi cơ với 4 phi hành đoàn đã bị trúng đạn VC rơi trong khu vườn Cao su Quãng Giao.
NHỮNG SỰ THẬT VỀ TRẬN BÌNH GIẢ
VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH
Một mình với khẩu súng AR15 còn 15 vuên đạn, rạng ngày 3 tháng 1 năm 1965, tôi bò về tới bìa làng Bình Giả. Trên người, tôi bị ba phát đạn K50. Một phát trúng bắp chân và một phát xuyên bắp đùi phải. Loạt đạn “ân huệ” của tên VC tràn lên mục tiêu, khi hắn đạp vào người tôi rồi nổ súng, đã suốt qua ngực trái làm cháy xém áo trận của tôi. Do tập trung ý chí sống còn, tôi không hề thấy đau đớn tí nào cả. Khi gặp lại quân bạn, từ trong làng Bình Giả kéo nhau vào thu lượm xác trên chiến trường Quãng Giao, tôi mới nhìn lại hai vết thương ở chân phải. Giòi bọ và kiến bu lúc nhúc trên hai vết thương đã ung thối. Một số dân làng tình nguyện theo đoàn quân tản thương đã bỏ tôi lên chiếc chỏng tre kiệu vào làng. Binh I Nguyễn Văn Hai, là đệ tử của tôi hốt hải chạy theo, hỏi: “ Sao Mai thấy sao? Có khỏe không? “ Tôi trả lời :” Tao đuối lắm vì mệt và không ăn uống 3 ngày” Hai nhanh nhẩu:” Để tui mua sửa hộp quậy cho Sao Mai uống đở” Chợt nhớ Đại úy Pete Cook tôi quay sang hỏi :” Đại úy Mỹ dâu rồi mà mày còn đây” – “ Dạ, sau khi Sao Mai d8ạn đưa ổng về làng trước, em kè ổng vượt qua vườn cao su rồi băng rừng nhắm hướng Bình Giả. Không ngờ gặp vòng đai VC bên ngoài chận bắt. Ổng bị thương ở đùi nên chịu chết không chạy đi đâu được. Tụi nó trói tay dắt đi. Ổng bị kè lên phía trước một mình. Lợi dụng đêm tối em lủi vào bụi rậm, nằm yên cho tới sáng hôm sau em mới chạy về làng” Trước ngày lâm trận, Pete Cook đã móc ví lấy hình vợ và đứa con gái nhỏ xíu khoe với tôi. Bây giờ, Cook đã rơi vào tay VC với thương tích trên đùi. Mãi đến năm 1972, trong cuộc trao trả tù binh Mỹ, tin tức mới xác nhận Đại Úy, nay đã thăng lên Trung Tá, Peter Cook đã chết trong một trại giam của VC ở gần biên giới Kam Pu Chia, vào năm 1968. Trong Tiểu đoàn TQLC, lính gọi Đại đội trưởng là Sao Mai và Tiểu đoàn trưởng là Đại Bàng.Tôi được chuyển về Bộ Chỉ Huy Hành quân. Đại Tá Nguyễn Thành Yên, Tư lệnh phó Lữ đoàn TQLC từ đâu chạy tới nắm lấy bàn tay tôi lắc lắc nói lập bập:” Em khỏe không” Tôi mỉm cười nhìn ông gật đầu.Trong khi, Binh I Hai đang khấy ly sửa nóng và đút cho tôi uống từng muổng. Tôi nghe tiếng nói bên tai trong tiếng kinh cầu nguyện của người dân làng:” Trung úy này lì thiệt. Ai cũng tưởng ổng chết rồi”. Về sau, tôi mới biết gia đình của tôi trên Đà Lạt đã nhận được tin tôi tử trận từ công điện của Tiểu khu. Ba tôi đã cho dựng rạp trước nhà để chờ mang xác về. Thiếu trưởng Thiếu đoàn Hướng Đạo cũ của tôi cũng cho giăng trướng liễn với người túc trực tại nhà. Ly kỳ hơn nửa là có hai cô gái mắc áo tang ngồi chờ tang lễ. Một cô là người yêư khi còn học Trung học. Một cô mới quen khi còn trong trường Võ Bị Đà Lạt. Bây giờ cả hai cô đều rơi vào dĩ vãng.
Không bao lâu, chiếc trực thăng tản thương Mỹ đáp xuống. Tôi được tản thương về Quân Y Viện Đại Hàn tại Vũng Tàu. Bạn tôi nói sau này là tôi may mắn được chuyện về Vũng Tàu. Nếu về Tổng Y Viện Cộng Hòa, chắ tôi đã bị cưa chân vì vết đạn xuyên đùi đã lở loét thối như mùi chuột chết. Xe cứu thương vừa vào cửa Quân Y viện tôi nhìn nghiêng qua khung cửa đã thấy lố nhố vợ con gia đình bing sĩ chạy theo nhốn nháo: ”Ai vậy? Còn sống hay chết?” Chưa bao giờ lòng tôi thấy chua xót và đau đớn đến thế. Thêm vào đấy là vết thương của tôi gây đau nhức lên tận óc. Những người lính Quân Y Đại Hàn túa ra giăng tay quanh sau cửa xe cứu thưong khi tôi được kéo ra. Tôi nghe tiếng kêu kkóc vang lên của gia đình binh sĩ.Tôi mệt mỏi đưa tay vẩy họ. Sau khi, được đưa vào phòng lạnh, Trung Úy Điều dưởng Chun Do Lin vào xem xét. Tôi ra hiệu xin cô tờ giấy và cấy viết rồi ghi xuống bằng Anh ngữ tên họ và cấp bậc củng đơn vị của tôi để nhờ cô chuyển tin cho đơn vị của tôi bên ngoài. Chuyển tin ra ngoài xong cô Lin nhanh nhẹn trở vào và đẩy tôi sang phòng quang tuyến. Tôi mệt rả rời. Sau ba ngày đêm bò xuyên rừng, bụi gai mắc cỡ đã cào nát khuôn mặt của tôi đến máu khô đen nên chẳng ai nhận ra, kể cả ông Hạ sĩ quan Văn phòng trưởng ở Hậu cứ.Sau khi lột trần tôi ra, Trung úy Chun Do Lin ra sức dùng cồn và xà phòng rửa sạch vết thương mắc cho tôi quằn quại với đau nhức. Vết đạn xuyên qua đùi phải mở rộng bên kia một lổ rộng bằng bàn tay. Sau này, Y Sĩ Đại Úy Kim Ki Young bảo đấy là một phép mầu. Nếu viên đạn nhích lên 1 độ xương đùi của tôi đã gảy nát. Trệch xuống 1 độ, động mạch máu của tôi đã vở ra và tôi đã bị mất máu chết trong rừng. Lạ thêm nửa, vết đạn bắn phá rộng như thế mà tôi không bị đứt gân chân. Tôi đã thoát chết và khộng bị cưa một giò để làm người thương phế binh trở về nhà với đôi nạng gỗ. Viên đạn do VC bắn bồi vào ngực chỉ làm phỏng da bên gực trái gần quả tim. Vết đạn dưới bắp chân trái xuyên qua thịt làm mất luôn một mảng bắp chuối chân.Rõ ràng, người ta sống chết có số cả. Lúc mở đường máu xuyên vòng vây của VC, o83 Bình Giả, chúng tôi, cả thầy lẫn trò, vừa chạy vừa nổ súng và ném cả lựu đạn về phí trước mặt. Trong đêm tối, vết đạn lửa của VC xuyên qua dày đặc như mưa. Thế mà, sau này khi tôi gặp một đệ tử cũ là Hạ sĩ Nguyễn Hiệp mới biết Hiệp bị tất cả 12 phát đạn trên người trong trận Bình Giả. Khi được tản thương về TYV Cọng Hòa, Y tá tưởng Hiệp đã tử trận, do quá nhiều thương binh và tử sĩ chuyển về, nên đã ném Hiệp vào Nhà Xác. Nửa đêm, tĩnh dậy, Hiệp hoảng hốt bò ra ngoài kêu cứu. Thương binh ngồi gần tưởng ma hiện về bỏ chạy cả. Một lúc sau mới có Hạ sĩ quan Quân Y đến đưa Hiệp vào phòng cấp cứu. Sau gần một năm nằm viện, Hiệp được đưa ra Hội đồng Giám định Y Khoa cho giải ngũ và ăn tiền Phế binh. Ở Quân Y Viện Đại Hàn Vũng Tàu, ngày nào tôi cũng được nữ Trung úy Chun Do Lin chăm sóc. Cô nàng mới ngoài 20 tuổi và khá xinh xắn. Chúng tôi trò chuyện bằng Anh Ngữ hạn hẹp nhưng cũng đủ thắm tình. Chiều chiều, tôi còn được nàng cho lên xe lăn đẩy quanh khu vườn dưới sân bệnh viện.Tôi còn dám nghĩ mình là nhân vật lãng mạng trong chuyện “Farewell to Arms” của Hemingway. Tuy thế, vốn là Sĩ quan hiện dịch xuất thân từ Trường Võ Bị tôi đeo đẵng binh nghiệp cho đến ngày thua trận mất nước 30 tháng 4 năm 75.
“ YOU CAN WALK BUT YOU CAN’T RUN”
Tôi được xuất viện với đôi nạng gỗ sau 4 tháng rưởi điều trị. Vết thương đã lành lặn sau nhiều trận cắn răng chịu đựng nằm cho cô Trung úy Chun Do Lin chà rửa và “thông nòng” vết trổ xuyên đùi. Tôi cũng được điều trị vật lý cho cơ bắp chân làm việc trở lại dù đã bị mất 1/3 thịt đùi phải. Khi cho xuất viện, Bác sĩ Kim Ki Young bảo tôi phải cố tập luyện theo phương pháp vật lý trị liệu “Physical Therapy” để khỏi bị đi cà thọt.Ông cười cười và nói tiếng Anh với âm sắc Đại Hàn:” You can walk but you can’t run” Sau khi trở về Đà Lạt nghỉ dưởng thương 1 tháng tôi trở lại Quân Y viện trình diện Hội đồng Giám Định Y khoa. Họ phân tôi thuộc loại 2 tức là không tác chiến.Tôi không vui không buồn, dửng dưng trở về đơn vị. Sau ngày thoát chết trong trận Bình Giả, với đầu óc hay suy nghĩ, tâm tư của tôi tràn đầy uất hận và bất cần đời. Tiểu đoàn của tôi bị tổn thất nặng nề chỉ vì phải xua quân vào tìm xác chiếc Trực Thăng Mỹ bị VC bắn rơi. Ngoài Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn phó và một Đại đội trưởng hy sinh, đơn vị chúng tôi đã mất khá lớn những tay súng dày dạn và thiện chiến nhất thuở ấy. Những Sĩ quan, Hạ Sĩ quan và Binh sĩ gan dạ, kiên cường trên hầu hết các chiến trường Miền Nam chỉ vì sơ suất và vô trách nhiệm của cấp trên. Khi lâm chiến, dù nhận được lệnh từ Sài Gòn, nhưng đơn vị chúng tôi không được phi cơ và Pháo binh yễm trợ. Trong khi, VC đã dùng Pháo nả vào vị trí chúng tôi ít nhất 3 đợt trước khi tấn kích. Quân số VC đã được thông báo lên cả Trung đoàn nhưng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn và Bộ Tổng Tham Mưu không ai tin còn bỏ mặc cho Tiểu đoàn chúng tôi chiến đấu trong vô vọng. Hàng trăm chiến binh đã ngã xuống cho các ông Tướng phè phởn tiệc tùng ở Sài Gòn với đám tay chân bộ hạ theo đốm ăn tàn. Bao nhiêu lý tưởng tróng sáng mang theo từ trường Võ Bị vỡ tan như bong bóng. Dù vậy, tôi cũng không rời cuộc chiến đấu một mất một còn với Việt Cộng. Tôi không chạy được nhưng tôi sẽ vẫn cầm súng đi tới. Với ý chí và quyết tâm thử thách sau 3 ngày đêm bò xuyên rừng với khẩu súng và 3 vết đạn, tôi cố tập đi cho đến lúc không cần đến cặp nạng gỗ nửa. Người ngoài nhìn kỹ mới thấy chân tôi còn bước đi khập khiểng. Đầu tháng 6 năm 1965, tôi được gọi về trình diện Trung tá Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn nguyên là Đại Úy Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của tôi. Tôi ôm cặp nạng và một túi xách quần áo nhỏ gọn ra mua vé xe Đò về Sài Gòn. Tại Bộ Tư Lệnh, trên đường Lê Thánh Tôn, tôi chống cặp nạng gỗ vào cửa Văn phòng Tham Mưu Trưởng. Ông đang chăm chú cúi đầu đọc đống giấy tờ trên bản rồi từ từ ngước nhìn lên với cặp mắt kiếng cận dày cố hữu. Môi của ông chỉ hơi nhếch lên hỏi tôi:” Cậu đã khỏe chưa?” Tôi vẫn chống hai vai trên cặp nạng im lặng. Ông tiếp lời: “ Ông về đây để lập Đại đội 202 Quân Cảnh của TQLC. Vài hôm nữa, ông trở về Vũng Tàu theo học khóa 3 Sĩ quan Căn Bản Quân Cảnh. Thế thôi” Tôi không hỏi gì thêm, đứng thẳng người đưa tay lên chào rồi quay ra ngoài. “You can walk but you can run” Tôi nhất định sẽ không chạy dù phải hứng chịu đạn thù.
Nói đến chuyện súng đạn, tôi lại nhớ ngày còn nhỏ rất thích thú khi xem phim Cao bồi thấy họ rút súng lục rồi vẩy đâu trúng đó. Sự thật đấy chỉ là phim ảnh. Theo phân tích của một số viện nghiên cứu quân sự, từ trận Nội chiến Hoa Kỳ đến Đệ I và II Thế Chiến, quân lính đã phải bắn độ 300 viên đạn mới có 1 người chết. Theo tỷ lệ, cứ một tử thương ngoài mặt trận thường kèm theo 3 người bị thương. Tôi nhớ hồi còn trong Trường Võ Bị, trên Sân Bắn súng trường Garant M1 ở cự ly 200 thước, khi toán tác xạ Sinh viên Sĩ quan đã ở thế nằm và mở khóa an toàn, chợt một con nai lớn không rõ từ đâu phóng chạy dọc theo bờ Bia Giấy.Ngay sau khi nghe lệnh “Bắn” chúng tôi đều hướng súng vào con nai bóp cò. Thế mà nai chạy thoát.
Còn nói về súng lục lại càng khó trúng mục tiêu nửa. Lúc còn bé, lần đầu tiên được ngồi vào bàn ăn cùng gia đình, tôi vốn thuận tay trái nên cứ tự nhiên cầm đủa lên tay trái. Ba tôi đã đánh vào tay tôi văng cả đôi đủa. Từ đó, tôi phải cố tập tay phải và đã cầm viết bên tay phải. Tuy nhiên, sau này lớn lên, tôi phải cầm búa hay vật nặng bên tay trái mới được chính xác. Nhờ đó, khi trở lại học khóa 3 Sĩ quan C8n Bản Quân Cảnh, ở Vũng Tàu, tôi mới được chấm điểm thiện xạ súng Colt 54. Lúc ấy, tôi nghe nói trong Quân Cảnh có Đại Úy Lê Văn Dần bắn súng Colt bách phát bách trúng. Về sau, khi tìm hiểu, tôi mới biết rõ thêm là Đại Úy Dần đã mài bớt bộ phận nâng cò súng cho nhẹ khi bóp cò mà tránh được lệch lạc. Đối với tạng người lính trung bình Việt Nam, khẩu súng Garant khá nặng và dài. Khẩu súng lục Colt cũng khá nặng so với bàn tay của người Việt. Quả thật sau này người ta mới thấy sự lợi hại của khẩu súng CKC và AK 47 của CS trên chiến trường. Thế mà Quân Đội Cọng Hòa vẫn phải sử dụng súng Garant M1, Tiểu liên Thompson cho mãi đến năm 1968 mới được thay thế. Nếu có ai cầm súng lục rượt đuổi cách xa độ 25 thước, đừng hoãng sợ cứ cuối đầu chạy zích zắc chắc chắn sẽ không bị trúng đạn. Trừ khi, số mạng đã đến. Khẩu súng đã được nâng lên nhằm ngay mục tiêu nhưng khi bóp cò, nòng súng sẽ trệch đi vài phân. Từ đó, viên đạn lệch MT cả hai ba thước tây. Chỉ có phim Ciné mới bắn đâu trúng đó.
Đầu tháng 6 năm 1965, tôi mua vé xe Đò đi Vũng Tàu. Trường Quân Cảnh do Đại Úy Nguyễn Văn Lược làm Chỉ Huy Trưởng, nằm ngay bên hông doanh trại của Tiểu đoàn 4 TQLC. Tôi vào Quân Y viện Đại Hàn xin chiếc gậy chống thay cho cặp nạng gỗ để trình diện nhập học. Khòa học của tôi có khoảng hơn 30 sĩ quan. Đa số là những Chuẩn Úy mới ra Trường Võ Khoa Thủ Đức. Hầu hết gồm những sinh viên tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa, trừ hai vị Đại Úy và tôi mang cấp Trung Úy. Tôi với các bạn cùng khóa rất dể làm thân vì cùng lứa tuổi. Khi họ còn đi học, tôi đã nhập ngũ. Trong số, tôi khá thân với Phạm Dương Hiển. Hiển định giới thiệu em gái đang học Trưng Vương cho tôi nhưng không thành vì tôi “Bụi đời “ quá. Sau này, khi Hiển làm Trung Đội Trưởng Quân Cảnh Tư Pháp ở Gia định. Nhờ tuổi trẻ, tôi vượt qua cuộc khủng hoảng tinh thần sau trận Bình Giả khá dể dàng. Trong khi đó, sau này, tôi mới biết thêm ngưới lính Mỹ chỉ 1 năm quân vụ trên chiến trường Việt Nam đã phải qua các dịch vụ y tế và tâm lý của Bộ Cựu Chiên Binh Hoa Kỳ nhằm giải quyết “ Hội chứng chiến tranh Việt Nam”. Người lính chiến Cọng Hòa thường tự giải quyết lấy cho mình. Kể cả, sau ngày Miền nam sụp đỗ rơi vào tay CS năm 1975. Tại trường Quân Cảnh tôi phải học thêm về Hình Luật và Hình Sự Tố Tụng, ngoài các môn về quân sự. Khóa học kéo dài trong 3 tháng. Sau ngày khảo hoạch Mãn khóa, tôi bỏ ra phố chống nạng đi lòng vòng thăm một số người cũ. Quán Bar cho lính Mỹ mọc lên đầy Bãi Trước, Vũng Tàu. Mấy em trẻ tứ xứ về đây kiếm tiền chẳng mấy ai muốn làm quen với với lính rằn ri. Bất ngờ, có người bạn học cùng khóa thấy tôi lang thang ngoài phố, chạy đến, nói:”Trong Trường họ cho người đi tìm anh quá trời. Nghe nói ông Trung Tá Chỉ Huy Trưởng muốn gặp anh đó” Tôi miển cưởng leo lên chuyến xe Lam Bến Đình về Trường. Ai trong Bộ Chi Huy Trường thấy tôi đều mừng vui ra mặt;” Trời ơi, ông đi đâu tụi này tìm muốn chết” Tôi được đưa vào gặp Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Quân Cảnh. Nghe nói ông từ ngành Gendarmes tức là Hiến Binh chuyển sang. Dáng người ông nhỏ nhắn và giọng Nam rất nhỏ nhẹ. Ông đưa tay chào lại tôi tồi chỉ chiếc ghế cho tôi ngồi đối diện. Ông từ tốn cho tôi biết tôi đã được chấm đậu Thủ khoa khóa 3 SQQC vả hỏi tôi có muốn chuyển ngành về luôn Quân Cảnh không. Tôi đáp rằng tôi được TQLC gởi đi học để về thành lập Đại đội 202 Quân Cảnh sau ngày bị thương ở Binh Giả. Tôi e rằng TQLC sẽ không cho tôi rời khỏi binh chủng vì lúc ấy Trung Tướng Lê Nguyên Khang đã vừa là Tư lệnh TQLC vừa là Tư Lệnh Quân Khu nên thế rất mạnh trong Quân Đội. Trung tá Tòng bảo tôi đã được phân loại 2 khộng tác chiến nên ông sẽ xin can thiệp. Tôi đành trì hoãn với lý do thành lập xong Đại đội Quân Cảnh TQLC 202. Hơn nữa, trong lòng tôi, hình ảnh bạn bè và những người lính TQLC thân thương vẫn còn đậm nét. Về sau này, thêm 10 năm trong binh chủng và hơn 30 năm sau chiến tranh, tôi mới nhận thức ra những Cấp Chỉ Huy trong TQLC đã đối xử với tôi không đẹp như tôi mong ước. Có khi, tôi còn bị chà đạp và bị đẩy vào cửa chết nửa. Khó mà đào tạo được một đội ngũ Quân Đội hoàn chỉnh như Quân Đội Hoa Kỳ. Cho đến khi Quốc Gia nào đó phải thực sự xây dựng trên nền tảng Dân chủ Pháp Trị với nền độc lập và tự do. Quân Đội ấy phải là một đội quân chuyên nghiệp và tinh nguyện.
Ngay từ lúc còn Thiếu Úy mới ra Trường, tôi đã được cấp phát khẩu súng lục Colt 45. Dù vậy, ngay lúc lâm trận, tôi cũng không có dịp rút súng ra khỏi bao nhờ có sự bảo vệ của thuộc cấp. Trừ phi lúc đánh trận Bình Giả, với khẩu AR15 tôi đã phải hạ sát một số VC tấn kích vào vị trí, từ Bộ Chỉ Huy Đại đội nằm phía sau tuyến đầu.
Đại đội 202 Quân Cảnh TQLC bao gồm phần lớn Hạ sĩ quan xuất thân từ các đơn vị tác chiến, như Thượng sĩ Lê Nuôi, Phạm Văn Lợi…Để có thể thi hành nhiệm vụ hữu hiệu, tôi đã yêu cầu tuyển dụng thêm các binh sĩ chọn từ các Tiểu đoàn chiến đấu rồi gởi đi học thêm về ngành Quân Cảnh. Tôi xin thêm 1 HSQ xuất thân từ Quân Cảnh Tư Pháp bổ sung quân số. Ngày 1 tháng 10 năm 1967, tôi được thăng cấp Đại Úy thực thụ. Việc này tôi đã nhờ Thiếu tá Nguyễn Kim Thinh lúc ấy là Trưởng Phòng Tổng Quản trị đã lưu tâm xem xét lại hồ sơ quân bạ của tôi khi không thấy tên tôi trong danh sách đề nghị thăng cấp. Thiếu tá Thinh nguyên xuất thân Á khoa khóa 14 Võ Bị về phục vụ trong TQLC. Ông về làm tham mưu Sư đoàn sau khi bị thương. Chính ông là người đã tiếp nhận tôi khi tôi trình diện nhập học trường Võ Bị. Không ngờ, sau nay, năm 1964, tôi đã đưa Đại đội đến bàn giao vị trí đóng quân của ông ở Thủ Thừa, Long An. Nói như thế nhưng riêng tôi không màng đến cấp bậc. Ngay từ ngày mới làm Trung Đội Trưởng, tôi đã nói trước hàng quân:” Chúng ta hãy sống cho có tình với nhau. Cái Tình mới bền vững theo thời gian. Còn cấp bậc hay chức vụ chỉ là phù du. Có đó rồi mất đó” Quả thật, điều đó đã chứng minh theo thời gian cho đến nay. Đại đội 202 QC phải tăng phái từng Tổ theo các Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn Hành Quân. Vao dịp VC tổn tấn công năm 1968, với kinh nghiệm chiến trận, tôi luôn luôn theo các toán QC hướng dẩn tiếp tế, bổ sung quân số và chuyển tin đến các Tiểu Đoàn TQLC đang hành quân giải tỏa Sài Gòn, Gia Định, xuyên qua những dảy phố vắng đìu hiu, không một bóng người dân trên đường, từ phố xá Chợ Lớn qua Sài Gòn đến Ngả Năm Chuồng Chó, Gò Vấp, Hàng Xanh, cầu Bình Lợi.
Trong thời gian này, tất cả các Tiểu đoàn TQLC đang hành quân xa đều được chuyển vận về để đánh đuổi VC ra khỏi Thủ Đô. Hầu hết, những đơn vị cấp Tiểu đoàn chủ lực của VC đều là quân xâm nhập từ ngoài Bắc vào. Bọn VC nằm vùng hoặc từ các tĩnh lỵ lân cận trách nhiệm dẩn đường làm hướng đạo. Tuy nhiên, ngay từ đầu nhờ phản ứng kịp thời của quân đội Cọng Hòa đồn trú, đa số bọn dẩn đường đã bị tiêu diệt. Từ đó, bọn VC xâm nhập từ Bắc vào lớ ngớ khi Khỉ vào thành, như đám VC trẻ con đi ngơ ngác vào Sài gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tại mặt trận Ngả Ba Cây Thị, Gia Định, TQLC đã tiếp nhận cả 110 tên cán binh CS từ Bắc vào. Tổng thống Thiệu đã sai lầm khi biến cải đám tù binh này thành hồi chánh. Để rồi, từ từ chúng biến mất vào mật khu Miền Đông Nam phần. Sau chiến thắng, Đại đội 202 QC đã được Trung Tá Tôn Thất Soạn, Lữ Đoàn Trưởng đề nghị ban thưởng 5 huy chương Anh Dũng Bội Tinh. Trong ấy, ông đặc biệt dành cho tôi một ADBT với nhành Dương Liễu. Điều này, thêm một lần nữa, cho thấy Đại Tá Soạn sau này là một cấp chỉ huy biết nhìn xuống cấp dưới. Trong khi, sự thực có rất nhiều Cấp Trên chỉ muốn đạp lên đầu cấp dưới để tiến thân, bất chấp cả mạng sống của họ.
Trong khi, bên ngoài các đơn vị tác chiến, bạn bè cùng khóa tôi tiến nhanh trong võ nghiệp. Tự thấy bị kẹt với chức vụ, là một sĩ quan hiện dịch trong Quân Đội, tôi tìm đường thoát. Sau một thời gian ngắn xếp đặt người thay thế là Trung Úy Nguyễn Văn Triệu, nguyên là HSQ QC Tư Pháp theo học khóa Sĩ quan đặc biệt rồi về TQLC ở TĐ6 phục vụ đến ngày bị thương. Tôi xin theo học khóa Chỉ Huy Tham Mưu Trung cấp tại Đà Lạt vào tháng 6 năm 1969. Cầm đầu nhóm theo học là Thiếu tá Lê Văn Hiền, Đại úy Phan Công Tôn, vốn là bạn học cùng lớp Trung Học Quang Trung Ở Đà Lạt với tôi, và Đại Úy Nguyễn Đăng Hòa. Thiếu tá Hiền xuất thân khóa 10 Võ Bị. Ông phục vụ ở Phòng 2 Sư đoàn rồi theo Tướng Nguyễn Ngọc Loan đi làm Cảnh Sát Trưởng Quận 5, Sài Gòn. Khi được trả về TQLC ông được đưa đi học với chúng tôi. Qua những cuộc chuyện trò với ông, lần đầu tiên tôi mới thấy rõ cả một hệ thống mua bán bao trùm của các Tay buôn giàu có người Tàu ở Chợ Lớn. Do chiến tranh và đói kém ở Trung Hoa Lục Địa, người Tàu đã lưu lạc tìm sống ở Việt Nam khá lâu đời, từ Bắc vào tận mủi Cà Mâu. Mãi đến ngày Tộng Thống Ngô Đình Diệm chấp chánh, họ mới buộc phải khai sinh tên họ theo Việt Ngữ. Với tổ chức Bang Hội, họ nắm hết nguồn của cải và tài chánh của Miền Nam Việt Nam cho đến ngày CS chiếm năm 1975.
Trở về Đà Lạt, tôi như con chim sổ lồng. Nơi này chính là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Bây giờ, tôi đã trưởng thành. Trên giấy khai sinh còn đề nơi sinh là Nhà Thương Đà Lạt. Nhà Thương là bệnh viện do các nữ Dòng Tu Domaine de Marie điều hành. Tôi mang ơn họ dù tôi theo Mẹ đi Chùa. Dù sau chiến trận năm 1968, Đà Lạt cũng không mấy thay đổi.Tôi ghé vào thăm Trường cũ và những người bạn cùng khóa đang làm Cán bộ và huấn luyện. Tại trường Chỉ Huy và Tham Mưu, tôi gặp lại Thiếu tá Nguyễn Kiên Hùng là Tiểu Đoàn Trửơng cũ về từ Nam Vang sau ngày 1/11/63, và Thiếu tá Nguyễn Kim Thinh đang làm Huấn Luyện Viên. Nhìn những đàn anh, tôi không khỏi chạnh nghĩ đến số phận của mình. Bạn bè cùng khóa Võ Bị của tôi, khi có dịp gặp nhau tâm sự, chúng tôi mong sớm có thay đổi tốt hơn cho Quân Đội mà chúng tôi đã cam kết phục vụ cho hết trọn đời mình. Nhưng ngày ấy nằm ngoài tầm tay của thế hệ chúng tôi. Người ta đã lợi dụng Quân Đội cho tham vọng cá nhân. Không những thế họ còn bất chấp cả sinh linh của hàng ngàn người lính dưới quyền. Miễn sao họ và gia quyến cùng thân tộc sống phè phởn, no ấm và ngay cả sa hoa trên xương máu của bao nhiêu chiến sĩ ngoài mặt trận giữ yên bờ cỏi cho họ. Chỉ thoáng thấy bất ổn là họ cuốn gói cao bay xa chạy, bỏ mặc cho quân lính như rắn mất đầu.
Dù sao, tôi cũng không rời bỏ quân ngũ. Lòng vẫn tràn đầy hy vọng cho tương lai.
Đà Lạt với những đồi Thông xanh trên những đồi núi nhấp nhô đượm màu cỏ vàng, nằm lọt trong những dảy núi cao màu tím bao quanh vẫn còn yên ả và thơ mộng. Nay ngọn lửa chiến tranh đã lan tới thành phố núi. Một ngày cuối tuần, khi ghé vào quán Cà Phê ở Nhà Thủy Tạ, bên bờ hồ Xuân Hương, mới ngòi vào ghế, tôi chợt nghe tiếng quả đạn VC pháo kích nổ rền. Đám khách trẻ lao nhao, hốt hoảng đứng dậy chạy ra ngoài. Tiếp theo, trong vài phút, một quả đạn nổ bung ngay giửa vườn hoa trước Nhà Thủy Tạ. Tôi đoán VC đang Pháo vào Tòa Thị Chính và Tiểu khu Đà Lạt, tọa lạc trên ngọn núi bên hông Khách sạn Palace. Có lẽ, chúng đạt súng ở Suối Tía. Nơi này, khi còn đi học tôi thường đi cắm trại với Thiếu đoàn Hướng Đạo Quang Trung. Có lẽ, chúng chỉ bắn trộm vài phát rồi chạy nên tôi vẩn bình tĩnh ngồi trong Nhà Thủy Tạ, trong khi khác hàng đã bỏ chạy hết. VC đã bắn quá tầm mục tiêu nên mới lạc ra phía hồ. Trước đây, vào Tết Mậu Thân 1968, VC đã lò mò từ phía Dankia, Núi Bà, kéo về tận khu chợ Hòa Bình, ngoài một vài khuấy rối ở khu vực trường Võ Bị Quốc Gia, gần hồ Than Thở và Ấp Thái Phiên, vốn là nơi định cư của di dân từ Quãng Nam và Quãng Ngãi. Một ngày sau, Quân đội ở Đà Lạt đã đánh đuổi chúng chạy về lại hướng Suối Vàng, Đan Kia.Tôi biết ở thành phố này không có ổ VC nằm vùng nên bọn xâm nhập chỉ trốn quanh trong rừng núi rồi thỉnh thoảng mò về quấy phá, gây bất ổn. Dù vậy, từ đó, trong suốt thời gian theo học khóa 6 CHTM Trung cấp tôi luôn thủ khẩu súng lục để tự vệ về ban đêm. Khóa của tôi còn có Thiếu tá Hồ Ngọc Cẩn vốn xuất thân Thiếu sinh quân, được theo học khóa 2 Sĩ quan Đặc biệt Đồng Đế, Nha Trang rồi về Sư đoàn 21 Bộ Binh. Theo tin tức, Hồ Ngọc Cẩn làm Tĩnh trưởng Chương Thiện và bị VC xử bắn trong tháng 4 năm 1975. Trường Thiếu Sinh Quân là lò đào tạo nhiều anh hùng cho Quân Đội Cộng Hòa, bổ xung quan trọng cho quân đội hiện dịch trong suốt cuộc chiến Việt Nam, Ngày 30 tháng 4 năm 1975, dù vẫn còn là Thiếu sinh quân trong Trường nhưng họ đã anh dũng chiến đấu chống lại quân CS chính qui đánh chiếm Vũng Tàu, trên ngọn Núi Lớn.
Sau khóa học tại Đà Lạt, tôi trở về trình diện Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC vào tháng 9 năm 1969. Ông BTL đã lên tới cấp Đại Tá, cũng với chức vụ Tham Mưu Trưởng. Khi về thành lập Đại đội 202 QC, thật ra tôi thuộc quân số của Tiểu Đoàn Yễm Trợ Thủy Bộ. Trong đơn vị này, lúc ấy, gồm có Đại đội Chỉ Huy và Hành Chánh sau là Tổng hành Dinh, Đại đội Công Binh, Truyền Tin, Quân Xa, Tiếp Liệu. Nhưng khi làm việc, ngoài hệ thống hành chánh, tôi đi thẳng với Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn. Do đó, bên ngoài, có dư luận bảo tôi là “Đệ Tử” của TMT. Điều đó sai sự thật. Lúc nào, tôi cũng chỉ là một “Đệ tử” hết lòng phục vụ cho quân đội và binh chủng TQLC.Nếu không, tôi bám lấy chổ ngồi ở hậu phương thăng quan tiến chức không thua kém ai, lại không cần phải tình nguyện trở ra đơn vị tác chiến dù chân bị thương không chạy được. Trở về tôi không trình diện Tiểu đoàn trưởng TĐ Yễm Trợ Thủy Bộ mà được gọi vào gặp thẳng Đại Tá Bùi Thế Lân, Tham Mưu Trưởng. Lúc nào, ông cũng thế. Chỉ nhếch mép nhưng không bao giờ cười, đón tôi bằng câu :
“ Ông ra bàn giao chức vụ Trưởng Phòng I kiêm Trưởng Phòng Tổng Quản trị với Trung tá Hoàng Ngọc Bảo du học Hoa Kỳ. Có thắc mắc gì ông lên gắp tôi”
Giản dị và ngắn gọn như thế.Phòng I đã có Đại Úy Nguyễn Hữu Nhiên, vốn từ Lữ đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống chuyển về. Trung úy Phan Kế Bạt là phó Trưởng phòng Tổng Quản trị đã thâm niên trong ngành. Ở trường Chỉ Huy và Tham Mưu tôi chỉ được học tổng quát về phần hành tham mưu của Phòng I tức là Nhân Viên. Xuất thân từ đơn vị tác chiến với nghề “Bóp cò” nay tôi phải trở lại với cây bút và bàn giấy. Trước hết, tôi phải đến từng bàn của các vị Hạ sĩ quan làm Trưởng ban để thăm hỏi và làm quen từng người , kể cả người lính. Tôi muốn nghe họ đã làm việc gì, như thế nào cùng gia cảnh của tưng người. Ai cũng đã biết tôi từ ngày tôi chống nạng vào trình diện đơn vị. Sau đó, tôi yêu cầu cho tôi đọc phần hành của từng ban trên một mẫu đánh máy đúc kết. Kế tiếp, tôi nhờ người lên Bộ Tổng tham Mưu xin cho tôi đầy đủ bộ Huấn Thị Điều Hành của Phòng I và Tổng Quản Trị. Một tháng sau, tôi băt tay vào việc khi khám phá ra những khác biệt của Phòng I và Tổng Quản trị của Sư Đoàn với Các Phòng liên hệ trên BTTM. Từ đó, sẽ gặp khó khăn và trở ngại trong việc điều hành. Ngoài ra, với tật cố hữu giữ người để tránh trở ngại công việc nên đa số HSQ và binh sĩ tham mưu không được gởi đi học các khóa chuyên môn khiến cho hiệu quả thấp kém. Cứ thế, tôi mạnh dạn ra tay cải tỗ mà không cần phải trình Tham Mưu Trưởng. Trưởng thành trong phong trào Hướng đạo Việt Nam và được huấn luyện trong một quân trường hiện dịch chuyên nghiệp nên không không biết nịnh bợ và lấy lòng người khác. Nhất là từ khi Mẹ tôi mất khi tôi mới 9 tuổi nên tôi trở thành lầm lì ít nói. Nhân viên dưới quyền cũng vui vẻ với không khí làm việc cởi mở của một đơn vị tác chiến. Tôi lúc nào cũng chịu khó học hỏi, ngay với cấp dưới.
Ngày 1 tháng 1 năm 1970, bỗng dưng tôi được thăng cấp lên Thiếu tá khi vừa tròn 30 tuổi. Dù vậy tôi cũng lò dò theo sau các bạn cùng khóa Võ Bị bên ngoài các Tiểu Đoàn chiến đấu. Lúc ấy, ngoài chiến trường, Thiếu tá Nguyễn Đình Thủy đã tử trận ở đồng bằng Cận Thơ. Số còn lại, từ Nguyễn Xuân Phúc đến Đỗ Hữu Tùng, Nguyễn Đằng Tống, Nguyễn Kim Đễ, Nguyễn Văn Kim, Phạm Văn Sắt, Trần Văn Hiển, Nguyễn Văn Cảnh như giang tay hang ngang tiến lên trong binh chủng với các chức vụ Tiểu đoàn trưởng rồi sau này lên đến Lữ Đoàn Trưởng. Phúc hai lần bị thương. Tống mang vết đạn trên bụng. Sắt bị thương 5 lần. Chúng tôi vẫn giữ tình bạn thân thiết như anh em ruột thịt trong nhà. Vào tuổi này, qua nhiều câu chuyện trao đổi với bạn bè cùng khóa Võ Bị trong binh chủng, tôingày càng mang nặng ưu tư, ngay cả tương lai của chính mình trong Quân Đội. Trong khi ấy, một biến cố đã xảy ra ngay tại Ban Chỉ Huy Đại đội 202 QC do tôi thành lập. Đại úy Nguyễn Đình Huy, Đại đội trưởng từ Tiểu Đoàn 6 TQLC được bổ nhiệm về, đang đứng tựa hành lang đã bị một nhân viên Quân cảnh dưới quyền cầm khẩu M16 lên bắn ngã chết ngay tại chổ. Rồi người lính này cũng đã quay mủi súng tự sát. Nguyên nhân bắt nguồn từ phong cách chỉ huy của Đại Úy Huy. Chính tại nơi này, vào năm 1968, lúc tôi ngồi trong Văn phòng ĐĐ 202 QC, vào một buổi sáng, một quả pháo 122 ly của VC nổ ngoài cửa. Quả đạn pháo khoét sâu một vòng tròn cả chục thước và sâu gần lút đầu người. Khi đi ra xem xét, tôi thấy các Cố vấn Mỹ đang rút xuống tầng nhà dưới. Quả đạn tuy thế không gây thiệt hại và tổn thất. Tôi đoán VC đã đặt dàn pháo 122 ly ở Rừng Sát rồi nhắm bắn vào Dinh Độc Lập. Vì ngắn tầm nên quả đạn rơi vào ngay sân trong Doanh trại TQLC. Cũng vào tháng 5 năm 1968, tôi được giao kiêm nhiệm luôn Đại đội trưởng Đại đội Chỉ Huy và Hành Chánh và Trưởng Trại Lê Thánh Tôn. Lần này, tôi bỏ văn phòng xuống trấn an các anh em trong đơn vị cũ để tránh xáo trộn có thể xảy ra. Vốn là người thích hoạt động bên ngoài nên tôi không khỏi thấy khó chịu và khổ tâm khi phải ngồi dí trong công việc văn phòng, ngày càng chồng chất. Dù hoàn thành nhiệm vụ, tôi càng chán nản khi thấy mình bị vây quanh những mưu đồ đen tối trong ngành bổ dụng khi lệnh tổng động viên thi hành. Với đầu óc chân chất, ngay thẳng, tôi cố tránh né những móc ngoặc tham ô nhũng lạm trong chức vụ. Dần dần, tôi nhận thức ra mình sẽ bị đưa ra làm vật tế thần nếu chuyện đỗ bể. Càng ngày, tôi càng thấy lúng túng trong cảnh mua quan bán tước, làm huy chương “Lèo”, chạy chọt ngay trước mắt. Tôi tìm cách tự giải thoát bằng cách tìm người thay thế sau 2 năm ở chức vụ Trưởng Phòng Tổng Quản trị Sư Đoàn. Tôi đề nghị lấy Đại Úy Nguyễn Văn Diển, nguyên là Trưởng Ban I kiêm Chỉ Huy Hậu Cứ Tiểu Đoàn 2 TQLC về làm phó. Ông xuất thân từ Hạ sĩ quan đi học khóa 2 Đồng Đế Nha Trang rồi trở về lại phục vụ với chức vụ Trung Đội trưởng cho đến ngày bị thương. Đến tháng 6 năm 1971, tôi được đích thân Trung Tướng Lê Nguyên Khang gọi lên trình diện. Lúc này, ông kiêm nhiệm Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô và Tư Lệnh Quân Đoàn III nên ít khi vào BTL /TQLC. Mọi việc ông giao phó hết cho Tham Mưu Trưởng. Để dọn đường, ông TMT đã đẩy Đại Tá Nguyễn Thành Yên, nổi tiếng khi cầm Tiểu đoàn 2 TQLC, ra khỏi binh chủng. Kế tiếp là Đại Tá Tôn Thất Soạn, với chiến tích lẫy lừng từ chúc vụ Đại đội trưởng lên Tiểu đoàn trưởng, Chiến Đoàn và Lữ Đoàn trưởng, phải lìa khỏi TQLC ra Bộ binh. Trong khi ấy, người theo chân Trung Tướng Khang xách cặp Chánh Văn Phòng tư Trung Úy lên đến Trung Tá về ngồi chểm chệ làm Tham Mưu Phó Hành Quân và Tiếp Vận. Ông Tướng Khang gọi tôi lên và giao tôi trách nhiệm thành lập Bộ Chỉ Huy Căn Cứ Sóng Thần để nhận bàn giao căn cứ của Sư Đoàn I Lục Quân Hoa Kỳ, nằm trên lãnh thổ của 3 Quân Thủ Đức, Dỉ An và Lái Thiêu. Thoát khỏi vòng vây, tôi mừng khi sống lại.
Dư luận bên ngoài, kể cả một vài đàn em, cho rằng tôi thật là ngu dại. Đã bị thương ngoài mặt trận nay được về chổ ngồi béo bở, yên thân lại tìm cách bỏ đi. Có lẽ, tôi đã được dạy dổ và giao dục theo lối gọi là chính thống. Mắt tôi chỉ nhìn thẳng. Đầu óc của tôi chỉ tôn trọng sự trung thực và ngay thẳng. Tôi không thể hình dung ra những mưu đồ đen tối, thủ đoạn xão quyệt và manh mung lươn lẹo vô cùng của một con người. Điển hình nhất hiện nay là Cộng Sản Việt Nam. Chỉ hơn 2 triệu đảng viên mà khống chế cả nmột dân tộc nổi tiếng kiên cường với hơn 80 triệu dân. Phong trào Hướng Đạo Việt Nam đã dạy tôi trở thành một con người luôn giúp ích. Trường Võ Bị , ngoài các môn học quân sự, chỉ dạy cho tôi nặng về các môn Toán và Lý Hóa trong chương trính Văn hóa. Xuất thân là một sĩ quan hiện dịch, tôi không để cho quân bạ của mình vấy bẩn vối các tội tham ô nhũng lạm làm hủy hoại đời binh nghiệp. Hơn nửa, bản thân tôi cũng không đủ khả năng đói phó với cả một tập đoàn trong giai đoạn này. Cùng lúc này, bên ngoài Quân đội, bạn bè cùng khóa Võ Bị của tôi đã cùng vượt lên sau giai đoạn thử thách. Một số bạn đã lên làm Hạm trưởng Hải Quân. Một số giữ chức vụ Phi Đoàn trưởng Trực thăng bên Không Quân rất xuất sắc. Có người đã lên Trung tá làm Trung Đoàn trưởng ở các Sư đoàn Bộ Binh và Liên đoàn trưởng Biệt Động Quân như Nguyễn Thiều, Nguyễn Hữu Thông, Vĩnh Dác, Nguyễn Văn Huy, Đoàn Cư. Tôi cố gắng theo chân các bạn của mình trong quân ngũ.
BỘ CHỈ HUY CĂN CỨ SÓNG THẦN
Theo kế hoạch phát triển binh chủng TQLC, trong chương trình Việt nam hóa chiến tranh của Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon, Bộ Tư Lệnh SĐTQLC và Phái bộ Cố Vấn TQLCHK đã chấp thuận việc thành lập Căn cứ Sóng Thần. Doanh Trai này bao gồm Trung Tâm Huấn Luyện, Bệnh Viện Lê Hữu Sanh, Hậu cứ các Tiểu đoàn Tác chiến, ngoại trừ TĐ 4 TQLC ở Vũng Tàu. Với cắn cứ tiếp nhận từ Sư Đoàn 1 Lục Quân Hoa Kỳ, tiếp giáp 3 Quân Thủ Đức, Dỉ An và Lái Thiêu, trong lãnh thổ có cả một phi trường dã chiến và một căn cứ cho 1 Phi đoàn Trực thăng trú đóng. Do đó, bảng cấp số quy định Chỉ Huy Trưởng Căn cứ Sóng Thần mang cấp bậc Đại Tá. Tôi được lệnh rút một số sĩ quan bị thương trong Khối Bổ Sung để thành lập BCH Căn cứ. Đại úy Tô Văn Cấp, xuất thân từ khóa 19 Võ Bị, đã phục vụ ở Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên và 3 lần bị thương. Danh từ Trâu Điên xuất phát từ trận đánh quyết liệt giữa Tiểu Đoàn 2 TQLC với quân chính qui CS, tại Bồng Sơn, Tam Quan, Bình Định. VC đã gom quân bất ngờ vây đánh vào nửa đêm nhưng bị các chiến sĩ TQLC phản công chop nhoáng và dữ dội khiến cho Cộng quân hoãng chạy và la lên:”Tụi này như Trâu Điên”. Thiếu tá Lê Hằng Minh, nguyên Tiểu Đoàn Trưởng cũ của tôi chỉ huy trận đánh này đã đề nghi lấy tên Trâu Điên cho đơn vị từ đó. Ông đã hy sinh trong trận phản phục kích ở Phong Điền, Huế, sau khi lên cấp Trung tá, năm 1965. Đại Úy Nguyễn Kim Tiền bị trúng đạn gảy chân ở Tiểu đoàn 3TQLC phụ trách Ban Điều Hành và Hành Quân cho BCH căn cứ Sóng thần. Trung úy Cao Quang Đô vốn từ TĐ1 TQLC đãm trách Tiếp vận. Tôi phải phối hợp với Cố Vấn Hoa Kỳ, là Thiếu tá Sinclair, thảo Huấn Thị Điều Hành Căn Cứ để họp bàn giao và tiếp nhận Lữ Đoàn 9 Không Kỵ của Hoa Kỳ từ Lai Khê về đồn trú trước ngày rời Việt Nam. Khi gọi lên giao nhiệm vụ, Trung Tướng Khang nhìn tôi với nét nghiêm trọng và nói giọng chậm rải:” Bên ngoài, các đơn vị khác bị tai tiếng rất nhiều khi tiếp nhận các Căn cứ bàn giao của Hoa Kỳ. Tôi không muốn chuyện ăn cắp xảy ra sau khi bàn giao căn cứ nên đã giao cho ông. Thế thôi!”. Biết trước sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách nhưng tôi không hỏi gì thêm dù lúc ấy không có sự hiện diện của Tham Mưu Trưởng. Bước ra ngoài văn phòng Tư Lệnh, lòng tôi mứng vui tưởng như vừa tìm được lối thoát cho binh nghiệp.Tôi cũng được biết Trung Tướng Khang chắc đã thấy quá đủ với những món quà nặng ký của Tài Phiệt gốc Tàu, trong Chợ Lớn mang đến tận nhà rồi khi ông làm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Khi tập trung đầu óc để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới, tôi chợt nhớ lại chuyến du hành quan sát ở Okinawa, Nhật Bản, năm 1971.
DU HÀNH QUAN SÁT OJT tại Okinawa
Muốn tiến thân trong Võ nghiệp, theo kịp bạn bè cùng khóa, tôi không bỏ lỡ cơ hội xin du học. Sau hơn một năm với chức vụ Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Sư Đoàn, khi đã có Đại Úy Diễn vừa tốt nghiệp Tổng Quản Trị Cao cấp về giúp, tôi xin theo khóa Du hành Quan Sát (OJT) ở Lực Lượng 3 Thủy Bộ Hoa Kỳ tại Okinawa, Nhật Bản. Trận chiến đẫm máu và quyết liệt của TQKCKH tại hòn đão này đã ghi lại trên màn ảnh và sách báo, sau Đệ II Thế Chiến. Nếu không có 2 quả bom Nguyên tử thả xuống tại Hiroshima va Nagasaki chắc chắn quân Mỹ đã phải trả giá rất đắt khi tiến chiếm nước Nhật. Sau đấy, Okinawa một phần đã trở thành căn cứ Quân sự lớn của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương. Lực lượng 3 Thủy Bộ gồm Sư đoàn 3 TQLCHK với các thành phần yễm trợ Hải và Không quân đồn trú. Ngoài một phi trường tầm vóc chiến lược có thế tiếp nhận Phi cơ B52, căn cứ còn bao gồm nhiều doanh trại xây cất tân kỳ , với quân y viện và trường học cho con em gia đình quân nhân trú đóng. Bước chân xuống Cảng hàng không, người ta tưởng chừng như đặt chân trên nước Mỹ đầy đủ tiện nghi hiện đại. Từ phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, tôi đáp chuyến bay PanAm với phần đông hành khách quân nhân Hoa Kỳ về nước. Khi chuyến bay dừng lại tại Naha, Okinawa để đón khách và tiếp nhiên liệu, tôi xuống phi cảng. Đang đứng lớ ngớ chưa biết đi đâu, một chàng Thiếu tá TQKCHK trong quân phục kaki vàng bước tối hỏi tôi:
“ Anh là Thiếu tá Trần Ngọc Toàn, TQLC Việt Nam phải không?” Anh cố phát âm tên tôi nhưng nói là “Nọc” thay vì Ngọc. Tôi đưa tay chào mừng rở gật đầu. Lúc ấy, bên ngoài Trời đã sáng sau chuyến bay đêm. Anh ta tự gới thiệu là Donald Hirsch, Thiếu tá Không quân TQLC Hoa Kỳ có nhiệm vụ tiếp đón và hướng dẩn tôi trong suốt thời gian du hành 3 tuần lễ. Anh đã từng sang Việt Nam và đóng quân ở phi trường Quãng Nam vào năm 1965. Anh tốt nghiệp trường Võ Bị Hải Quân Hoa Kỳ Annapolis và tinh nguyện về phu6c vụ trong Không đoàn Trưc Thăng. Don nói chuyện rất vui vẻ và cởi mở với ánh mắt nhìn quan sát tôi có vẻ tinh nghịch. Vốn Anh ngữ thực hành của tôi không bao nhiêu, lại thêm tính ít nói nên tôi cũng không nhiều lời như người bạn, về sau, tôi mới biết thêm Don Hirsch đã ly dị vợ bên Mỹ và hiện đang theo đuổi một cô giáo người Mỹ dạy học trong Căn cứ tên Mary.
Don Hirsch đưa tôi về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 TQLCHK để gặp Trung Tướng Tư Lệnh. Trước đấy, Don hướng dẩn tôi vào Phòng ăn Sĩ quan để dùng bửa sáng. Với sĩ quan cấp Tá, tôi được ngồi một góc dành riêng và có người phục dịch. Tôi lung túng không biết gọi chọn món gì. Sau cùng, tôi cũng đành ăn theo các món như Don .
Với dáng vẻ nhanh nhẹn và thành thạo Don dẩn tôi đi phon phon vào Bộ Tư Lệnh SĐ3. Vừa đến nơi viên sĩ quan tùy viên đã đón mời vào gặp Trung Tướng Tư Lệnh. Rất tự nhiên và vồn vả, ông Tướng Mỹ đón bắt tay tôi và mời ngồi. Ông bảo ông rất thích TQLCVN và vui mừng để tiếp đón tôi. Thái độ ấy đã khiến tôi vừa bàng hoàng vừa xúc động. Trong khi, mới ngày nào khi ra Trường về trình diện đơn vị, Tiểu đoàn trưởng của tôi chỉ mang cấp bậc Đại Úy mà rất hách dịch và quan liêu. Khi được hỏi nguyện vọng tôi xin ông cho tôi đi thăm đủ các đơn vị thay vì chỉ ngồi trong các văn phòng. Ông Tướng gật gù cười thoải mái chấp thuận. Nhờ đó, suốt thời gian còn lại, sau khi giao tôi đến đơn vị nào là Don Hirsch tha hồ đi hẹn với người tình. Sau này, tôi gặp lại hai người đã kết hôn ở Virginia khi tôi theo học khóa Command & Staff College của TQLCHK, tại Quantico.Mary không còn dạy học nhưng lại dạy lái phi cơ giải trí. Trong dịp ba tuần lễ ở Okinawa, tôi được đưa lên Căn cứ Hỏa Lực kiểu mẫu của Trung đoàn 4 TQLCHK, rồi trải qua một ngày tự tay lái chiếc thiết vận hạm Ontos từ biển vào đất liền. Trong thời gian này, tôi được thu xếp ở một mình trong cư xá sĩ quan cấp Tá thật tiện nghi và dùng bửa tại Phòng ăn Sĩ quan. Tôi được nghe hướng dẩn từng phần hành của các Ban từ Nhân viên, Tình Báo, Tiếp Vận đến Tham Mưu của Trung Đoàn 4 TQLCHK do Đại tá Hancock làm Trung đoàn trưởng.Vào ngày nghỉ cuối tuần tôi mò ra Trạm Xe Buýt trước cửa Trại Hansen đi về tận Thủ Phủ Naha thăm thú một mình.Tuần lễ cuối, tôi được đưa theo một Trung đội Trinh Sát của TQLCHK xuống một chiếc Tiềm Thủy Đĩnh để thực tập đổ bộ thám thính bãi Đổ bộ trên đất liền, từ Tàu Ngầm.
Với bộ chiến phục rằn ri của Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam, tôi xuống chiếc Tiềm Thủy Đĩnh Nguyên Tử của Hoa Kỳ tại bến cảng Naha. Đại tá Hải Quân HK tiếp đón tôi thật trọng hậu dù với vẻ mặt lạnh lùng cố hữu của một Thủy Thủ tàu ngầm. Với một diện tích thu hẹp và thấp nhỏ, tôi cũng được xếp cho một giường tầng nằm với Ham Phó mang cấp Thiếu Tá Hải Quân (Lt Commander). Trong phòng ăn Sĩ quan nhỏ hẹp, tôi được mời ngồi bên tay phải của Ham Trưởng thay chổ của Hạm Phó.Trong những ngày lặn rồi nổi ngoài Thái Bình Dương, tuy ngất ngư với sóng biển, tôi luơn cố gắng theo chân các Toán Trinh sát TQLCHK được thả nổi lên bằng thuyền cao su và xuống tàu ngoài khơi. Khi trở về bờ, tôi tò mò đi dọc theo một chiến hạm của Nhật thả neo bên kia Cầu Tàu. Chợt nhìn lên thấy Thủy thủ Nhật, với quân phục trắng tinh chạy ra dọc Sàn Tàu theo tiếng còi xếp hàng. Khi vừa đến cầu thang lên Tàu, tôi thấy một Sĩ quan vội vã chạy xuống rồi đứng nghiêm đưa tay chào và một tay ra hiệu mời tôi đi lên. Tuy ngạc nhiên nhưng tôi làm tĩnh chào lại và thủng thỉnh đi lên. Sau đó, tôi mới biết là Hạm trưởng Hải Quân Nhật biết được tôi là Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam nên đã có nhã ý mời tôi lên thăm chiến hạm. Tôi thật hãnh diện và xúc động. Ngay từ nhỏ, tôi rất khâm phục tinh thần chiến đấu của quân đội Nhật khi dọc sách báo hoặc xem các tài liệu. Tinh thần Hiệp sĩ đạo thật hiếm có. Họ đã từng chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng và nhất quyết không đầu hàng, tuy cuộc chiến đấu ấy do Lãnh đạo đã không chân chính và phi nghĩa. Khi rời tàu, tôi đã đứng nghiêm đưa tay chào Thủy Thủ Đoàn khá lâu để bày tỏ lòng kính phục.
Lần này trở về nước tôi ôm mộng cùng với bạn bè cùng lứa tuổi xây dựng một Quân Đội thật hùng mạnh và đầy chính nghĩa. Mộng ấy đã không thành và tan vở như bọt nước vào ngày cựu Đại Tướng Dương Văn Minh lấy tư cách Tổng Thống kêu gọi buông súng, vào sang ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Trong buổi họp bàn giao căn cứ Sư đoàn I LQ Hoa Kỳ, người chủ tọa bên phía Mỹ là vị Đại tá Chỉ huy trưởng Tổng hành dinh. Họ cho biết Quân đội Hoa Kỳ đang vận chuyển quân dụng về Căn cứ Long Bình và công tác sẽ hoàn tất trong thời hạn ngắn nhất. Tuy nhiên, thời gian hạn định, có thể họ sẽ trao lại cho TQLCVN 2 bồn chứa nhiên liệu phi cơ, một số vật dụng trang bị doanh trại và hàng ứ đọng trong kho PX và Câu lạc bộ của căn cư. Việc tiếp nhận căn cứ có hiệu lực ngay bây giờ.Ngoài một số Hậu cứ của các Tiểu đoàn tác chiên1 đã sẳn sàng dọn vào, chúng tôi phải nhờ Trung tâm Huấn Luyện TQLC cung cấp vài đơn vị của Khối Bổ Sung để tổ chức ngay việc phòng thủ căn cứ. Doanh trại sẽ chỉ mở 2 cổng ra vào. Một giao cho Quân cảnh Hoa Kỳ trách nhiệm, về hướng Đông. Cổng Nam dành cho các đơn vị TQLC ra vào do Tiểu đội Quân Cảnh 202 kiểm soát. Mọi vật dụng xuất cổng đều phải được đích thân Chỉ Huy Trưởng căn cứ Sóng Thần chấp thuận để tránh thất thoát và trộm cắp. Căn cứ được chia ra từng phần phòng thủ riêng rẻ cho từng Hấu cứ Tiểu đoàn. Trung đoàn 9 Không kỵ do Đại Tá Hanifin chỉ huy cũng được khoanh vùng biệt lập để tránh xâm nhập của đặc công VC. Các Hậu cứ đơn vị bắt tay ngay vào việc trồng cây tươi trong địa phận và trồng cây Tre trên bờ thành phòng thủ của căn cứ để giử vững bờ đất chống lại B40 của VC từ ngoài bắn vào. Ngoài hệ thống liên lạc truyền tin trực tiếp từ các đơn vị đồn trú với Trung tâm Hành quân của Căn cứ, mổi xế chiều, TĐ 9 Không Kỵ còn cung cấp một chuyến bay trinh sát Cobra vòng quanh bên ngoài hàng rào phòng thủ. Huấn thị Điều hành căn bản của Căn cứ Sóng Thần được thảo cả bằng tiếng Việt và Anh ngữ. Việc bàn giao và tiếp nhận diển ra trôi chảy nhờ vào Quân đội Mỹ nóng lòng về nước. Tuy nhiên, sau một tháng rút quân từ Lai Khê về Sóng Thần, một vụ nổ gây hư hại 3 chiếc trực thăng Mỹ xảy ra trong đêm, ngay trong bãi đậu của TĐ 9 Không kỵ. Ngay từ đầu, hàng ngày số lượng công nhân phục vụ cho lính Mỹ, từ Bình Dương, vẩn ra vào căn cứ cả trăm người. Những lao công này lo vệ sinh, nấu ăn, giặt giũ cho lính Mỹ. Chúng tôi đã lo ngại và cảnh báo bên phía Hoa Kỳ về việc đặc công trà trộn nhưng vô hiệu. Sau chiến tranh, theo thống kê, CS Miền Bắc Việt Nam chỉ tốn 14 đồng Đô la Mỹ cho 1 lính VC trong 1 tháng. Trong khi, Quân đội Hoa Kỳ tốn hàng ngàn Đô la cho 1 chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Hơn thế nữa, số tiền chi tiêu này này lại tính vào tiền viện trợ cho Miền Nam Việt Nam. Người lính trận của Miền Nam cũng chỉ tốn súyt soát 14 Đô la cho 1 tháng là nhiều. Lính Nhà Giàu đi đâu cũng có kẻ hầu người hạ. Đi hành quân chỉ phải mang theo trên mình ít đạn dược và lương khô. Mổi ngày, thực phẩm tươi và nóng được chuyển tải ra hành quân bằng trực thăng, luôn cả nước uống với Coca, bia rượu, thuốc lá. Ngoài ra, theo lời một Sĩ quan Mỹ cho biết, khi có lệnh rút quân, Căn cứ đã phải dùng xe máy ủi đất đào một hầm dài sâu để chôn các quân dụng cũ không thể đem về Mỹ được. Không biết sau năm 1975, VC đã đào lên chưa khi chiếm căn cứ Sóng Thần.
Trong thời gian tiếp nhận Căn cứ, Thiếu tá Cố vấn Sinclair luôn mượn cớ đi liên lạc thường về Căn cứ Long Bình hưởng thụ. Tôi không lấy thế phiền lòng. Tuy nhiện, có một hôm, vào khoảng xế trưa, Sinclair vào văn phòng , tôi bảo :”Ông nên thường xuyên làm việc với Bộ Chỉ Huy TĐ 9 Không Kỵ để lưu ý việc dùng nhân công Việt Nam. Tôi sợ VC lợi dụng cho đặ công xâm nhập” Bỗng dưng, Thiếu Tá Sinclair nổi giận trả lời:” God…..Tụi nó toàn là Đĩ điếm” Tôi không kềm được tức giận, phản lại ngay” Tại sao ông chưởi thề với tôi. Từ nay tôi không muốn gặp ông nữa” Sinclair bỏ đi ra. Hai ngày sau, chàng trở về nhưng tôi đã dăn lính gác không tiếp nên chàng bỏ đi. Ngày kế tiếp tôi cũng tránh mặt. Một tuần sau, một Thiếu tá Cố Vấn TQLCHK mang đồ đạc đến cho biết là thay thế Sinclair. Mãi đến nam 1972, trong một buổi họp mặt các cựu Cố Vấn TQLC Hoa Kỳ, được tổ chức tại căn cứ Quantico, Virginia, tôi mới gặp lại Thiếu tá Sinclair. Ống vui vẻ tìm đến bắt tay tôi và nói nhỏ:” Nhớ mày mà tao được sơm về nước và nay đã giải ngũ”
Giửa năm 1971, bạn cùng khóa Võ bị của tôi là Nguyễn Xuân Phúc, vừa được thăng cấp Trung tá ngoài mặt trân, trở về Hậu cứ mới trong căn cứ Sóng Thần sau trận Hạ Lào Lam Sơn 719. Một buổi sáng, tôi vội thu xếp công việc rồi chạy sang thăm bạn. Vốn thân thiết nên tôi cứ thế tìm vào tận căn nhà riêng của Tiểu đoàn trưởng.Bước vào trong phòng khách, tôi khựng lại khi nhín thấy ông Cụ thân sinh của Trung tá Phúc và hai người lạ. Tôi nhanh nhẩu chào cụ và hai khách lạ mà tôi xem như bạn của ông Bố. Thấy Phúc tôi nói lớn:” Nghe mày mới hành quân về nên tìm thăm” Phúc quay sang giới thiêu ông anh rể và “ Cụ Diễn”. Tôi không biết cụ Diễn là ai nhưng chắc là bạn của ông cụ thân sinh của Phúc. Vừa ngồi xuống chiếc ghế bên bàn làm việc của Phúc, bỗng dưng “cụ Diễn bước đến nắm tay tôi rồi nói giọng Bắc đều đều:” Anh trông thế mà đường binh nghiệp coi như đến đây là chấm dứt. Thế trước kia anh có bị một đại nạn không?” Phúc trả lời thay tôi:” Nó bị trận Bình Giả nặng lắm. Mấy ngày sau mới bò về được” Tôi chỉ biêt giương hai mắt nhìn cụ im lặng. Cụ Diễn ôn tồn nói tiếp: “Sắp tới đây anh còn bị một đại hạn lớn lắm. Nếu không chết cũng bị tù đày. Thế anh theo đạo gì?” “ Dạ đạo Phật” “Thế thì hãy xin quy y đi. Luôn cả vợ con nữa. Nếu không họ cũng sẽ bị gánh chịu cho anh đấy” Quá bất ngờ nên tôi không nói gì và cũng không cám ơn ông cụ. Lúc ấy, tôi mới 31 tuổi đời. Tôi đã được thăng cấp Thiếu tá từ ngày 1/1/1970 tuy chậm hơn các bạn cùng khóa. Nhưng tôi lại đang giữ một chức vụ có cấp số Đại tá nửa. Trong công việc phục vụ Quân Đội tôi đã hết lòng hết dạ và cương quyết không làm việc sai quấy làm sao tôi có thể bị tù tội được. Vốn không tin đoán số tử vi tôi lại nghĩ thầm sao ông cụ không quen lại nói như thế với mình tuy tôi không giận trách mà nghiểm nhiên bình chân như vại. Thấy không thuận tiện nên tôi vội từ giả Phúc và hẹn gặp lại sau.
Từ hôm ấy, tôi càng nhất quyết không cho thất thoát vật dụng nhận bàn giao trong Căn cư. Tuy vậy, hầu như mổi ngày, hai người “Đệ tử” của Tướng Khang và Tham Mưu Trưởng luôn tìm gặp tôi để xin chử ký cho xuất trại từng xe hàng “để xây dựng và sửa cửa Trung Tâm Huấn Luyện và Trại Thị Nghè”. Tôi không sao từ chối đươc. Chắc có ngày tôi sẽ bị làm vật tế thần.
Trong thời gian này, bạn cùng khóa của tôi về Không quân đã giữ chức vụ Phi đoàn trưởng Trực Thăng , tại Phi trường Biên Hòa, là Thiếu tá Nguyễn Văn Ức. Bạn đã kể cho tôi nghe những cuộc gặp gở lý thú với các bạn cung 2 khóa Võ Bị ở chiến trường Miền Tây khi các đơn vị hành quận phối hợp. Trên không trung là các phi công trực thăng như Trương Thành Tâm, Trần Châu Rết, Lê Văn Châu, Nguyễn Văn Ức, Nguyễn Minh Châu…dưới bộ là các đơn vị TQLC, Bộ binh như Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Kim Đễ, Đỗ Hữu Tùng, Nguyễn Đằng Tống, Nguyễn Đình Thủy, Trần Văn Hiển, Nguyễn Văn Kim liên lạc chặt chẻ qua hệ thống truyền tin. Tôi càng cảm động khi đích thân Phi đoàn trưởng Trực thăng Nguyễn Văn Ức đã bay từ Biên Hòa sang Căn cứ Sống Thần đón tôi sang dự một cuộc vui mừng chiến thắng của đơn vị. Theo thời gian, vô hình chung, các bạn cùng khóa của tôi, từ các Quân Binh chủng, vun bồi tình thân như anh em trong một đại gia đình. Trong hoàn cảnh nào ai cũng tìm đến thăm nhau, trao đổi tin tức về bạn bè. Những buổi Họp Khóa được những người có điều kiện đứng ra tổ chức hàng năm, ngay tại Sài gòn, từ năm 1965. Chúng tôi dần dần đã trưởng thành trong chinh chiến. Trong khoảng thời gian này, riêng trong binh chủng TQLC, các bạn cùng lhóa của tôi đã nhất tiến đều trong Võ nghiệp, với 2 Lữ Đoàn Phó và 5 Tiểu đoàn trưởng tác chiến. Vào giai đoạn này, cuộc chiến ngày càng hung hãn do quân chính quy CS xâm nhập với vũ khí tối tân của khối Cộng sản tiếp tế cho Miền Bắc Việt Nam tràn vào Miền Nam. Ở Căn cứ Sóng Thần, tôi luôn dỏi mắt trông theo bước chân hành quân của các bạn. Một mặt tôi cố gắng hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của mình. Nhưng, khi tuổi đời đã chin mùi, tôi cảm thấy mình bị lạc lỏng trong một hệ thống bè phái, lỗi thời và nhũng lạm với thái độ ”Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”. Tự nhận thức sẽ bị guồng máy nghiền nát với thái độ dè chừng, tôi tìm con đường tiến thân theo bạn bè. Tôi nhờ vị Sĩ quan Cố Vần Mỹ giúp tìm các tài liệu mới cập nhật để tự rèn luyện Anh Ngữ để chuẩn bị xin du học. Tôi biết rõ mình sẽ không thể ngồi yên nơi này, khi chức vụ vừa mang cấp số Đại Tá lại an nhàn. Trong khi, bên ngoài các đơn vị tác chiến, không ai có năng lực và ham muốn tranh dành các chức vụ đầy hiểm nguy với bạn bè của tôi.
Vào đầu năm 1972, khi kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Tổng thống Hoa Kỳ Nixon đang tiến triển, một số các khóa học tại các trường Địa học bên Mỹ được mở ra cho một số tân Sĩ quan vừa tốt nghiệp khóa học 4 năm, như Khóa 22B, của trường Võ Bị Đà Lạt và các SQ trong Quân đội. Bộ Hải Quân Hoa Kỳ đã cấp một học bổng 4 năm cho khóa Kỹ sư Điện tại Mỹ cho Hải quân và TQLC Việt Nam. Chụp cơ hội, tôi lên Phòng 3 Bộ Tư Lệnh SĐTQLC nạp đơn xin. Sau đó, tôi được đưa lên trường Sinh Ngữ Quân Đội, trong Bộ Tổng Tham Mưu, dự thi Anh Ngữ. Trong cả hai đợt thi vòng loại và chung kết, tôi dạt được số điểm 92/100. Một tuần sau, Phái bộ Cố Vấn Hải quân Hoa Kỳ đã gọi tôi lên lập thủ tục du học và được đưa sang Nhà sản xuất Quân phục Phước Hùng thực hiện đầy đủ trang bị. Khi vừa nhận được quân phục du học, tôi được tin bị loại khỏi khóa học do yêu cầu của Tướng Tư Lệnh TQLCVN với lý do “Nhu cầu Sĩ Quan ngoài chiến trường”. Người thay thế tôi là một Hải quân Thiếu tá với kết quả thi Anh Ngữ là 80/100. Vị này chắc chắn đã kẹt lại Mỹ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, gần trọn 4 năm học. Trong thời gian này, bạn cùng khóa với tôi là Trung tá Nguyễn Xuân Phúc, Lữ đoàn phó LĐ369 TQLC được cử đi du học Hoa Kỳ, khóa Chỉ Huy và Tham Mưu của TQLCHK, tại Quan tico, Virginia, cùng với Đại tá Nguyễn Thế Lương, Lữ đoàn trưởng LĐ147 TQLC. Cả hai được rời vùng hành quân Quãng trị về Sài Gòn dự thi Anh Văn để lập thủ tục du học.
Trung tá Nguyễn Xuân Phúc vốn đã có chứng chỉ Toán Lý Hóa (MPC) ở trường Đại học Hoa Học Sài Gòn khi gia nhập khóa 16 của trường Võ Bị Quốc Gia tại Đà Lạt. Tốt nghiệp Á Khoa Phúc đã tình nguyện về phục vụ trong binh chủng TQLC và lăn lộn ngoài chiến trường với ba lần thăng cấp đặc cách ngoài mặt trận và hai lần bị thương, cùng với huy chương đầy ngực. Phúc là một ngôi sao biểu tượng cho một thế hệ chỉ huy chiến trường mới của Quân Đội Cọng Hòa, đầy kiêu dũng, mưu lược và khí phác trong sạch. Hồi tình cờ gặp cụ Diển, tôi cũng không hỏi bạn cụ ấy đã nói gì về Phúc. Cụ Diển vốn là bạn của Ông Cụ phụ thân của Phúa đã nổi danh về Tướng số khi được mời lên xem Tử vi cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiêu. Phải nói rằng người giàu có ở Sài gòn, lúc ấy cũng khó gặp được cụ Diển, dù đã chầu chực tại nhà cả mấy ngày. Sau khi Phúc lên Trung Tá từ chiến trường Hạ Lào trở về, thân sinh đã mời được cụ Diển lên tận Hậu cứ của Phúc trong Căn cứ Sóng Thần để xem giúp về Phong Thủy. Tôi chỉ tình cờ đi thăm bạn mà được gặp. Ông bảo binh nghiệp của tôi coi như đã chấm dứt nên tôi lại càng tìm cách tự giải thoát cho mình. Nhưng rồi tấ cả hầu như đã trở thành sự thật sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.Tôi không tin rồi cũng phải tin ở số mệnh của con người.
Do lăn lộn ngoài chiến trưởng cả gần chục năm liên tục, khi bất ngờ về thi Anh Ngữ, dầu ăn nói trôi chảy, kết quả của Đại Tá Lương và Trung tá Phúc đều bị dưới điểm 60/100. Phái bộ Cố Vấn TQLC Hoa Kỳ cho Tướng Lân biết cấp số cho mổi khóa Chỉ Huy và Tham Mưu TQLCHK, tại Quantico, VA, chỉ có 1 SQ của TQLCVN du học, trong một niên khóa. Nếu không đề cử người đi dư năm nay, có thể sẽ bị cắt giảm vào tài khóa tới. Cuối cùng, Tướng Lân đã đẩy tôi lên thay thế để giử chổ. Dù mất cơ hội theo học khóa 4 năm Đại học Hoa Kỳ, tôi cũng vui mừng chuẩn bị ra đi. Đại úy Tô Văn Cấp nguyên xuất thân khóa đàn em của tôi xử lý thường vụ trong khi tôi nghe nói Trung tá Lê Bá Bình sau này về Bộ Chỉ Huy Căn cứ Sóng Thần do chiến thương. Trung tá Lê Đình Quế vốn làm Chánh Văn Phòng cho Tướng Khang từ hồi còn Trung Úy nay lên tới Đại Tá giữ chức Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn. Kỹ luật quân đội buộc tôi phải chào ông nhưng trong lòng tôi bất phục. Chính ông cũng ngại khi thấy tôi có vẻ ngang tang. Đời binh nghiệp của tôi bắt đầu rẻ vào một bước ngoặt. Dù sao, khóa Chỉ Huy và Tham Mưu của TQLCHK, tại Quantico, Virginia, cũng là một khóa học quân sự đáng kể cho võ nghiệp.Với tất cả thủ tục du học đã sẳn sàng cho khóa Kỹ sư Điện, tôi được thông báo cho biết sẽ lên đường vào tháng 8 năm 1972. Trong khi, ngoài tuyến đầu, các bạn cùng khóa với tôi đang cùng binh chủng TQLC chống giữ phòng tuyến theo sông Mỹ Chánh, Quảng Trị trước sức tấn công của 3 Sư Đoàn quân chính quy Cộng sản tràn vào từ vĩ tuyến 17. Số thương vong của TQLC ngày càng trầm trọng dưới sức tàn phá của đại pháo 130 ly và chiến xa T45 của Nga Xô.Tại Căn cứ Ái Tử, Tiểu đoàn 6 TQLC do Trung tá Đỗ Hữu Tùng đã bắn hạ hàng loạt chiến xa của địch với ống phóng hỏa tiễn M72 mới được Mỹ viện trợ, làm cho CS phải khựng lại. Tiểu đoàn 9 TQLC do Trung Tá Nguyễn Kim Đễ điều động cũng chận đứng sức tiến quân của CS ngay tại sông Mỹ Chánh, trong khi chờ tiếp viện không vận từ Sài Gòn.Số phận của TQLC như dính liền với Huế và Quảng trị. Hồi năm 1966, khi Tiểu đoàn 2 “Trâu Điên” do Trung tá Lê Hằng Minh chỉ huy, bay ra Đà Nẵng dẹp loạn binh rồi tiến ra Huế dẹp bỏ bàn thờ ngoài đường phố, do đám quá khích theo Phật giáo sách động, người dân Huế đã vô tình dùng danh từ của VC gọi TQLC là “Lính Thiệu- Kỳ”. Mãi sau ngày giải phóng Huế, vào Tết Mậu Thân 1968, người Huế mới không còn gọi là “Lính Thiệu Kỳ” nửa. Tội nghiệp cho vong linh của bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ tự do cho Miền Nam Việt Nam. Sau khi hoàn thành công tác dẹp loạn tại Huế, TĐ2 TQLC được lệnh di chuyển ra Đông Hà , Quãng Trị, để tăng phái cho Sư Đoàn 3 Bộ binh. Trung đoàn Trị Thiên của VC được tin đã tổ chức một trận phục kích ngay trên đoạn Quốc Lộ I, ở Phong Điền, Huế. Đoạn đường này tiếp giáp với rừng chồi của Phong điền về hướng Đông nhưng cách rặng núi Trường Sơn, về phía Tây cả một thung lũng cỏ trống độ 5 cây số. Do đó, lực lượng phục kích của VC chỉ tấn công vào Đại đội Chỉ Huy và 2 Đại đội giửa đoàn xe vận tải. Còn 2 Đại đội do Tiểu đoàn phó chỉ huy lọt bên ngoài đã quay lại phản kích khiến VC phải rút quân về hướng Trường Sơn. Vừa lúc ấy, xe Thiết Giáp của TQLC Hoa Kỳ, từ căn cứ Hòa Mỹ (Evans) đã chạy bọc phía thung lũng đất trống đánh tạc ngang gây tổn thất nặng nề cho quân Cộng sản.Trung Tá Lê Hằng Minh trúng đạn tử trận ngay loạt súng đầu tiên của VC.Tiểu Đoàn Phó đã điều động quân phản phục kích nhanh chóng. Ông là Thiếu tá Nguyễn Văn Hai tự “Hai Chùa” vốn xuất thân từ một Tiểu đoàn Cảm tử quân “Commando” của Pháp, trỗi lên từ cấp bậc Binh Nhì đến Trung Tá sau này chỉ dựa trên công trận. Tuy nghe tiếng ông đã lâu nhưng mãi đến cuộc hành quân ở U Minh, Cà Mâu tôi mới diện kiến. Trong khu rừng cây Tràm ngập nước của U Minh, năm 1964, tôi mới được bổ nhiệm làm quyền Đại đội trưởng ĐĐ1 của TIểu đoàn 4 TQLC được lệnh tiến quân lùng địch bên trái Kênh Đào, song song với cánh quân của Tiểu đoàn 2 TQLC bên phải.. Ì ạch trong sình lầy từ sáng sớm đến xế chiều, tôi chợt khám phá ra cánh quân của TĐ2 đâm ngang. Khi đang tìm cách gặp Sĩ quan chỉ huy, tôi bỗng nghe tiếng nói ồm oàm vang dội: ”ĐM sao lại gặp tụi Tiểu đoàn 4 dậy cà”. Nhìn sang, tôi thấy một người cao lớn, vạm vở tay cầm khẩu súng Garant, vai mang Ba Lô. Mấy người lính dưới quyền nhận ra nói” Ông Đại Úy Hai Chùa đó Sao Mai” Tôi lội lên chào ông rồi nói:”Tôi là Đại đội trưởng ĐD1 Tiểu đoàn 4 đây, Đại Úy” “ Dậy hả, ông em đi sao mà đâm ngang dậy?” Tôi trả lời cứng :”Tôi đi theo Phương giác trên bản đồ nên chắc chắn đúng hướng” Ông không nói gì thêm rồi cho quân đổi hướng. Tôi được dịp gặp người bạn cùng khóa đang làm Đại đội phó cho Đại Úy Hai là Nguyễn Văn Kim trao đổi dăm câu thăm hỏi. Nhờ đó, tôi mới biết Ông Hai Chùa không bao giờ dùng bản đồ khi hành quân. Cần phương hướng hay gọi Pháo binh đều giao cho Thiếu Úy Kim.
Dù vốn là Lực lượng Tổng Trừ Bị của Quân Đội nhưng từ sau năm 1970, TQLC đã bị dính chân ở tuyến đầu Quảng trị Ở mặt trận phía Tây của Huế, tiếp giáp với rặng núi Trường Sơn với luơợng quân CS Miền Bắc xâm nhập ngày đêm, Sư Đoàn I Bộ Binh đã giữ vững phòng tuyến, ngăn chặn những mưu toan đánh phá của VC. Trên Vỹ tuyến đình chiến phân ranh Nam Bắc số 17, Sư Đoàn 3 đã được thành lập trấn giử bờ cỏi thay thế cho TQLC Hoa Kỳ đã rút quân về nước đã thường xuyên bị đe dọa tràn ngập. Cho đến tháng 4 năm 1872, CS đã bất chấp Liên Hiệp Quốc và lợi dụng biến động chính trị tại Hoa Kỳ xua quân tràn qua với 3 Sư đoàn cùng Đại pháo 130 ly và Thiết giáp T54 của Nga Xô. Từ đó, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã giao trọn lãnh thổ giới tuyến cho Sư Đoàn TQLC. Thêm nửa, ông Thiệu cũng lo ngại TQLC tham gia vào cuộc lật đỗ chính trị vốn bắt nguồn từ Tướng Lê Nguyên Khang nguyên Tư Lệnh TQLC khá thân với ông Nguyễn Cao Kỳ, từ sau chính biến năm 1963.
Du học Hoa Kỳ
Trong tài khóa năm 1971-72, Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn đã theo học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu của TQLC Hoa Kỳ, tại Quantico, Virginia. Ông là một Sĩ quan TQLC Việt Nam đã từng đến Quantico dự khóa Căn bản(Basic), Chiến tranh Thủy Bộ (Amphibious Warfare) và Chi Huy Tham Mưu. Tôi không có tham vọng gì ngoài ý tưởng tự tìm đường thoát cho binh nghiệp sau ngày bị thương trong trận Bình Giả. Với thế hệ mới của anh em chúng tôi cầm quân chiến đấu từ cấp Trung đoàn đến Tiểu đoàn, chúng tôi chỉ mong sao các vị Tướng Lãnh rảnh trí và sáng suốt chỉ huy để đừng đưa chúng tôi vào chổ chết vô vọng. Tôi cũng mong những điều học hỏi được trong binh chủng lừng danh của TQLCHK sau này sẽ giúp được một chút ít cho bạn bè, trong cuộc chiến trường kỳ chống Cộng sản ở Miền Nam.
Tôi cầm Sự Vụ Lệnh của Quân Đội Hoa Kỳ ra Phi Trường Tân Sơn Nhất đáp chuyến bay bao thuê Pan Am sang Căn cứ Travis ở California, trên đường đến Quantico, Virginia, cung với hầu hết quân nhân Hoa Kỳ hồi hương, vào ngày 21 tháng 8 năm 1972. Lần này, mãi từ ngày mới ra Trường Võ Bị về trình diện TQLC, vào đầu năm 1963, tôi mới mặc lại bộ quân phục đi phố Kaki với chiếc mủ Bê rê màu xanh lục và cấp hiệu màu trắng trên vai.Chiếc va-li mang theo chỉ chứa thêm một bộ chiến phục rằn ri cùgn với đôi giày trận và một vật dụng cá nhân cần thiết. Chuyến bay dài xuyên Thái Bình Dương đã ghé Guam lấy nhiên liêu và dừng tạm ở Honolulu để bay vào nội địa Hoa Kỳ. Trong chuyến bay chỉ có mổi một mình tôi là sĩ quan Việt Nam du học.Khi có Sự vụ lệnh, tôi được đổi 200 Đô la mang theo người theo gia hối doái chính thức.Có lẽ, do tâm lý nóng lòng về lại quê hương và chán nãn với chiến tranh Việt Nam nên hành khách quân nhân Hoa Kỳ rất lạnh lùng và xa cách với tôi trong suốt chuyến bay. Còn tôi mãi đắm chìm trong nổi nhớ nhung quê nhà và trận chiến đầy máu lửa với các bạn bè thân thiết của tôi đang đối đầu ngoài Quãng Trị, trong suốt hơn 20 tiếng trên không trung.Không biết đời tôi sẽ trôi dạt về phương nào. Chí làm trai vẫn còn nung nấu. Bạn bè cùng khóa Võ Bị của tôi ngã xuống ngoài chiến trường đã vượt con số 50 trên 226 Sĩ quan tốt nghiệp. Người Mỹ với hàng chục ngàn quân sĩ tử trận sau một cuộc chiến kéo dài nhất trong quân sử Hoa Kỳ, nay đã chán nản tìm lối thoát trong cuộc chiến chống Cộng sản. Phong trào phản chiến ngày càng dử dội trên cùng khắp nước Mỹ. Thanh niên Mỹ trốn quân dịch GI sang Âu châu và Canada. Kẻ ở lại biểu tình chống chiến tranh và đốt giấy gọi nhập ngũ. Người lính chiến đấu trở về từ Việt Nam bị chưởi bới nhục mạ khác hẳn với chiến binh trở về sau Thế Chiến Thứ II. Đằng sau lưng của tôi là quê hương đắm chìm trong khói lửa chiến tranh. Trước mặt là nước Mỹ tràn đầy khói lựu đạn cay chống biểu tình đòi quân Mỹ bỏ ngay Việt Nam .
Xuống phi trường quân sự Travis, California, vào nửa đêm, tôi lạc lỏng giửa đám quân nhân Mỹ về nước hấp tấp đổi chuyến bay. Khi đến trình giấy Sự vụ lệnh ở một quày vé không vận, tôi được người Hạ sĩ quan Không Quân lạnh lùng chỉ tôi ra ngồi chờ ở Phòng Đợi Lobby. Giật giờ cho đến gần sáng, thấy không ai hỏi gọi, tôi trở lại chổ người HSQ cũ hỏi. Anh chàng ra vẻ bận rộn xem giấy tờ ngước nhìn lên rồi chỉ tay bảo tôi ra Lobby chờ tiếp. Không kềm được tức giận, tôi lớn tiếng, chỉ vào SVL :” Tao đi với SVL của Quân Đội chứ không phải du khách. Mày phải cho tao một phòng trọ để chờ chuyến bay đi Washington DC chớ, Tao ngối chờ 4,5 tiếng đồng hồ rồi” Không nói không rằng, chàng ta quay lưng vói lấy một chìa khóa rồi nói:” Phòng 501, Dảy A’ . Tôi không nghe kịp nhưng chẳng thèm hỏi thêm khi nhìn thấy hàng chử số đính theo chìa khóa. Bên ngoài, gió đêm California lạnh buốt thổi lồng lộng qua ngọn núi cỏ trọc. Tôi mở Vali lấy vội chiếc áo khóac trận ngụy trang choàng vào người rồi lủi thủi đi ra cửa tự tìm đường đến căn phòng trọ, cách nơi này cũng vài trăm thước. Lòng tôi buồn vời vợi và chán nản. Tôi đã từng nghe chuyện kỳ thị về nước Mỹ. Lần đầu tiên tôi va vào sự thật.
Một trong những điều hay tôi học được trong Trường Võ Bị là sự thật thà, ngoài sinh hoạt Hướng Đạo. Ngay từ Năm Thứ Nhất, trong tổ chức Sinh viên Sĩ quan Võ Bị đã có một hệ thống tự chỉ huy và tôn trọng Danh Dự. Trong Câu Lạc Bộ hoặc Phòng Đọc sách, Thư viện đều có trưng bày các tức ăn gói nhẹ như bánh kẹo. SVSQ khi muốn lấy các thức ăn ấy phải tư giác trả tiền vào hộp và không có người thu ngân. Những SVSQ phạm lỗi về Danh dự sẽ bị đưa ra Hội Đồng Danh Dự của SVSQ để xét xử. Biện pháp có thể bị đề nghị ra Trường. Dù vậy, tuy là người lính tôi vẫn luôn luôn lấy 10 điều luật của Hướng Đạo làm kim chi Nam cho mình. Đặt chân lên một nước phồn thịnh như Hoa Kỳ tôi càng tự cảnh giác.
Tìm được căn phòng trọ, trong căn cứ Không Quân Hoa Kỳ Travis, tôi lay hoay lo tắm rửa xong chợt thấy bụng đói cồn cào. Ngại bên ngoài trời lạnh tôi cứ lên giường cố tìm giấc ngủ. Nhưng đầu óc tĩnh như sáo nên mới nhớ ra thời gian thay đổi giửa Mỹ và Việt Nam là ngày và đêm. Khi trời vừa sáng, nghe tiếng gỏ cửa, mở ra mới gặp một lúc 4 Sĩ quan Việt Nam bước vào mang cấp Thiếu Úy. ”Mấy anh từ Việt Nam sang du học hả” Một người trả lời , hơi lúng túng:” Chúng tôi xuất thân khóa 22 B Võ Bị được đề cử đi học Đại Học ở Mỹ”. Tôi vui mừng đáp: “ Tôi là Thiếu Tá Trần Ngọc Tòan Khóa 16 đây” Tất cả vui vẻ ồ lên :”Chào Niên trưởng”. Trưa hôm ấy số 4 tân Sĩ quan này đã rời phòng trọ ra đi. Tôi vào trình diên văn phòng Tiếp Liên Quân Đội Hoa Kỳ và được biết sẽ phải chờ sắp xếp chuyến bay lên Washington, DC. Ra ngoài, tôi thấy một số lính Mỹ kéo nhau lên chuyến xe Bus đi San Francisco. Tôi chạy về phòng lấy một ít vật dụng rồi vội ra cho kịp chuyến xe để làm một chuyến giang hồ vặt thăm chiếc cầu Golden Gate nổi tiếng và thành phố San Francisco được diển tả trong bài ca rất thịnh hành vào thập niên 60. Nhưng rồi suy nghĩ lại tôi không đi mà đi tìm chổ ăn trong Câu lạc bộ. Lúc đang chìm trong giấc ngủ như chết trong phòng trọ, tôi chợt thức tĩnh khi nghe tiếng đập cửa ầm ầm. Tôi được người lính Mỹ cho biết sẽ đáp chuyến bay đêm từ Travis về DC.
Bước ra cổng chuyến bay vào lúc 7 giờ sang hôm sau, tôi còn đang lớ ngớ tìm đường chợy nghe tiếng gọi reo mừng bên ngoài đám người chờ đón. Không rỏ từ đâu, Don Hirsch tươi cười tiến tới nắm lấy tay tôi; Welcome, Tran. Don quay lại giới thiệu hai cậu con trai chừng mười mấy tuổi. Don nói:”Tôi được Quantico liên lạc cho biết anh sẽ đến học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu. Họ hỏi tôi có muốn tiếp đón anh và đưa xuống Trường không. Tôi rất vui mừng được gặp lại anh. Bây giờ, tôi đã đổi về làm việc tại Bộ Tư Lệnh TQLC Hoa Kỳ tại DC. Sáng nay, tôi có rủ Mary cùng đi đón nhưng Mary nói phải sửa soạn và sẽ gặp ở nhà” Tôi thật xúc động và bất ngờ trước sự tiếp đón của Don Hirsch vào buổi sáng tinh sương này. Trong khi, chính tôi cũng lúng túng chưa biết đi đâu giửa nơi xứ lạ quê người này. Lấy hành lý xong, với bộ quân phục kaki worsted vàng và chiếc mủ bê-rê màu xanh lục, tôi lên xe của Hirsch. Từ đó, Thiếu tá Don Hirsch với thường phục đưa tôi và hai đứa con ghé tiêm MacDonald ăn sáng rồi đi thẳng vào Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào thăm Quốc Hội Hoa Kỳ, Bảo Tàng Viện Smithsonian, Phố cổ Alexandria. Sau bửa ăn trưa ngoài phố, Don đưa tôi về nhà ở Vienna, Virginia. Don đã ly dị vợ với hai con trai nay đã kết hôn với cô Mary, vốn gặp ở Okinawa năm 71. Mary cũng ly dị chồng và có hai con trai riêng cùng lứa tuổi với con của Hirsch. Lần đầu tiên, tôi đã tiếp xúc với một gia đình tiêu biểu của người Mỹ. Sau khi chào đón vui vẻ với Mary, tôi được thu xếp cho một căn phòng nhỏ, trong ngôi nhà xinh xắn của Don. Tôi lăn ra ngủ với cả quần áo mà không còn hay biết gì nửa. Hôm nay là ngày Thứ Bảy.
Đến chiều Chủ Nhật, tôi chia tay với gia đình rồi lên xe của Don để xuống căn cứ TQLCHK tại Quantico. Don Hirsch băt tay từ giả tôi và dặn dò” nếu cần gì cứ gọi cho tôi” sau khi lập thủ tục cho tôi vào Cư xá Sĩ quan của Căn cứ. Tôi thầm nghĩ mình bắt đầu một cuộc hành quân trên xứ lạ quê người, một thân một mình.
Khóa Chỉ Huy và Tham Mưu của TQLC Hoa Kỳ tại Quantico, Virginia
Với số tiền trợ cấp 350 Đô la một tháng, tôi được một Trung tá TQLCHK đến Cư xá Sĩ Quan đón tôi ra ngoài. Tại một khu chung cư cho thuê ngay trước cổng chính ra vào của căn cứ Quantico, tôi ký hợp đồng thuê một căn nhà trọ 1 phòng ngủ vói bếp riêng.Từ đây , hàng ngày tôi có thể đi bộ vào trường Chỉ Huy và Tham Mưu của binh chủng lừng danh TQLC Hoa Kỳ, trong suót khóa học từ đầu tháng 9 năm 1972 đến tháng 9 năm 1973.
Tôi khám phá ra Căn cứ Quantico, với diện tích hơn 50 dậm vuông, nằm sát vịnh Cheasepeake mở ra từ hai con sông Potomac và Occoquan, sát nách Thủ Đô Washington, DC, là nơi chứa Trung Tâm Huấn Luyện Sĩ Quan Căn Bản TQLCHK, Trường Chiến Tranh Thủy Bộ (Amphibious Warfare), trường Chỉ Huy và Tham Mưu, cùng với quân số tương đương 1 Trung đoàn TQLC đặc trách bảo vệ Thủ Đô. Ngoài một phi trường chiến thuật, nơi đây còn là Nhà Ga chứa chiếc Trực thăng chuyên chở Tổng thống Hoa Kỳ, bên ngoài Hậu cứ của Trung Đoàn TQLC Danh dự đóng tại bờ Nam sông Potomac, trên địa phận giáp với Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Virginia. Thời gian này, Trung tâm Huấn Luyện của Cơ quan Tình Báo FBI cũng vừa thành hình ngay trong căn cứ Quantico.Chỉ Huy Căn cứ Chuẩn Tướng Similik. Một Tượng Đài Dựng Cờ trên đão Iwo Jima cũng được tái tạo ngay trên đại lộ dẩn vào căn cứ. Trước ngày nhập học, tôi và một số Sĩ quan thuộc các quốc gia không nói tiếng Anh phải trải qua một cuộc khảo lược Anh Ngữ. Sau đấy, chúng tôi được phân toán theo mẫu các trường Đại học với Cố vấn giáo dục và Trưởng Phân khoa.Khoảng 50 khóa sinh Sĩ quan cấp từ Thiếu tá đến Trung Tá của TQLCHK quy tụ về học với một vài SQ Lục quân và 10 SQ từ các nước Đồng Minh của Hoa Kỳ, từ Anh quốc, Úc Đại Lợi, Canada, Do Thái, Ba Tây, Argentina, Nigeria, Đài Loan, Nam Hàn, Việt Nam.Trường Cao đẵng Quân sự này áp dụng phương thức như khuôn mẫu một trường Đại học. Ngoài các môn học chính, khóa sinh phải chọn các lớp phụ và tham gia thuyết trình cũng như thảo luận, với những bài viết biên soạn bắt buộc.
Nếu thiếu sót phần hành, vào ngày mãn khóa người ta chỉ nhận một chứng chỉ theo học thay vì cấp bằng tốt nghiệp. Nhiều khóa sinh ngoại quốc do trình độ Anh Ngữ, trước đây, đã chỉ nhận chứng chỉ theo học. Nghĩ đến các bạn cùng khóa đang ngày đêm ngoài trận địa ác liệt chống Cộng sản, tôi tự quyết tâm phải tốt nghiệp dù phải ra công sức học ngày đêm.
Trong khóa học, tôi đã được hướng dẩn từ việc điều hành Tham mưu cấp Trung đoàn cho đến tổ chức hành quân hỗn hợp Thủy bộ, giữa Hải quân, Không quân, TQLC trong các Lưc lượng Thủy Bộ lên cấp Sư đoàn. Những bài học rút tỉa từ các trận đánh, từ Thế Chiến Thứ I đến Thế Chiến Thứ II, nhất là chiến trường Thái Bình Dương, cho đến cuộc chiến giải phóng Nam Hàn 1955 với các trân đỗ bộ và rút quân chiến lược Inchon. Tuy nhiên, vào ngày nghỉ cuối tuần, Nhà Trường khuyến cáo tôi không nên mặc quân phục khi lên viếng Washington, DC do những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ngày càng dữ dội của nhóm phản chiến. Ngày nào xem tin tức trên TIVI cũng thấy cảnh đám phản chiến cầm cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và ngay cả cờ của CS Miền Bắc trên nước Mỹ bị Cảnh sát và Vệ binh Hoa Kỳ giải tán bằng võ lực. Thỉnh thoảng, ông Ngoại trưởng nói tiếng Anh giọng Pháp Kissinger xuất hiện nói về cuộc đàm phán với Bắc Việt với giọng điệu đầy vẻ tôn trọng về đám Voệt Cộng như Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ…Trong lòng tôi không sao kềm được tức giận và khinh bỉ đối với con người luôn được gọi là Tiến sĩ vốn gốc người Do Thái. Khi trò chuyện với người bạn cùng khóa là một Trung tá Nhảy Dù của Quân Đội Do Thái, tôi hình dung ra ông Kissinger này đang tìm cách đem quân Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam để sẵn sàng đối phó với Iraq khi nước này vừa ký kết hiệp ước bất tương xâm với Nga Xô. Nếu quân Ả Rập đồng loạt tấn công Do Thái, chắc chắn quân Mỹ phải ở tư thế nhập cuộc chống trả khi không còn dính dáng đến Việt Nam.Một trong những bài tập quân sư, trong lớp Chỉ Huy và Tham Mưu là soạn thảo một kế hoạch thủy bộ khi quân CS Băc Việt tràn xuống Vỹ tuyến 17. Sư đoàn 3 TQLCHK ở Okinawa sẽ đổ bộ lên Vinh rồi thiết lập lâi khu Phi chiến. Mãi cho đến ngày Tổng thống Nixon bị buộc phải từ chức sau vụ Watergate, tôi mới tin chắc rằng Mỹ sẽ bỏ Việt Nam. Trong khi ấy, ngày 15 tháng 9 năm 1972, từ Quantico, tôi nhận được tin TQLC Việt Nam đã tái chiếm Quảng trị và dựng ngọn cờ Vàng trên Cổ Thành, bên này bờ sông Thạch Hãn. Cuộc tái chiếm đầy máu lửa và ác liệt này đã gây tổn thất cho quân Nhảy Dù, Biệt cách Nhảy Dù và TQLC cả ngàn tử vong và thương tích. Về sau, tìm hiểu thêm, qua các tin tức của CS và Quốc gia, trong cuộc tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, mổi một thước dất là một người lính ngã xuống. Khối Bổ Sung của TQLCVN, từ Trung Tậm Huấn Luyện có khi phải chuyển vận nguyên cả 1 Đại đội từ Nam ra để bù đắp vào tổn thất. Nhân dịp Nhà Trường tổ chúc lễ Sinh Nhật cho binh chủng TQLCVN, như các Đồng Minh khác, tôi đã xoay sở xin được những hình ảnh mới nhất trong trận tái chiếm Quảng trị, để làm một buổi thuyết trình về cuộc chiến đấu anh dũng của Quân Đội Miền Nam sau ngày quân Mỹ đã rút lui. Cử tọa gồm cả Đại Tướng Tư Lệnh TQLCHK đã vổ tay nồng nhiệt. Nhưng cả nước Mỹ đã reo mừng và không còn biểu tình khi lần lượt các Phi công Tù Binh Hoa Kỳ đã được trở về, như Đại Úy John McCain, được thăng lên cấp Trung tá sau 6 năm tù, nay đã là Ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ. Người bạn cùng chiến đấu với tôi trong trận Bình Giả, là Đại Úy Pete Cook, cũng được thăng lên Trung Tá nhưng đã từ trần trong một Trại giam của VC trong Nam vào năm 1968, theo tin của CS Bắc Việt. Tôi ý thức được người Mỹ sẽ bỏ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu còn viện trợ Hoa Kỳ, tôi tin Miền Nam sẽ còn đứng vững. Quân đội CS Bắc Việt trên đầu đội nón, mặc quấn áo, vai mang Ba lô và đi giày của Trung Cộng với AK từ Trung Cộng.Đại pháo và Xe Tăng tư Nga Xô chuyển qua. Một Tiểu đoàn VC không sao đánh lại 1 Tiểu đoàn TQLC của Miền Nam. Nhưng Lãnh Đạo của Miền Nam quá yếu hèn đối với quyết tâm thôn tính Miền Nam của bọn CS rất lớn. Mang nặng niềm tư duy ấy, tôi cũng vẫn nóng lòng trở về quê hương để phụ giúp giữ vững Miền Nam.
Do thiếu điều chuẩn an ninh Quốc phòng, vào các tuần lễ được nghe thuyết trình về các vấn đề bảo mật, các khóa sinh ngoại quốc được cho đi du hành quan sát. Chúng tôi được đi thăm Cơ quan Nasa ở Florida, Trại Huấn Luyện Tân Binh TQLC ở Georgia, Trại Thiết Giáp Fort Knox ở Louisville, Kentucky, trận địa chiến Nam Bắc Hoa Kỳ ở Gettysburg. Pennsylvania, Trường Võ bị Hải Quân Annapolis, Maryland. Tại đây, tôi được biết con của Đề Đốc Trần Văn Chơn là Trần Văn Trung đã được Đô Đốc Zumwalt giới thiệu theo học. Khi lên thăm trường Võ Bị Lục Quân Westpoint, ở New York, chúng tôi được mời dư một bửa ăn trưa với Trung đoàn Sinh Viên Sĩ Quan. Với độ 2 nàn SVSQ tiến vào phòng ăn và suốt thời gian dùng gửa, bên trong thật yên lặng. Chỉ nghe tiếng nhạc Cổ điển mà không có một tiếng động dao muổng, bàn ghế xê dịch và tiếng người nói chuyện. Chỉ từng ấy người ta có thể thấy ngay đây là một Quân trường kỹ luật không đâu sánh bằng. Tôi cũng được biết có 1 SVSQ khóa 19 của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đang theo học tại đây, theo chương trình Việt NamHóa. Nhân một tuần trên thành phố New York, tôi đã mò mẫm tìm đến Khu phố Tàu vì quá thèm thức ăn Á Đông sau gần một năm dùng thức ăn Mỹ.
Trong thời gian theo học Khóa CH&TM, ở Quantico, tôi đã kết thân với Trung Tá Joey Strickland, nguyên là một Tiểu Đoàn Trưởng Trinh Sát của TQLCHK, do nhiều lần được giao công tác chung trong giáo trình. Nhờ Joey tôi hiểu biết thêm nhiều về người Mỹ, lại thêm việc thích xem Dã Cầu và Túc cầu Football sau khi nghe dẩn giải. Vào dịp cuối tuần, tôi một mình lên xe bus và Xe Hỏa, từ Woodbridge lần mò về thăm Thủ Đô Washington, DC và Cả Baltimore. Qua chương trình của đài Phát thanh địa phương, tôi cũng được hai gia đình người Sĩ quan Hoa Kỳ lấy vợ Việt mời đến nhà dùng bửa. Thèm thức ăn Việt quá, tôi tìm đến các Cảng bán Tôm cua và cá mua về nấu lấy. Gạo đều có bán trong Quân Tiếp vụ của Căn cứ. Đặc biệt tôi thèm Nước Mắm quá nên lùng khắp các Chợ Tàu đều không có. Bởi lẽ giản dị là người Tàu chỉ dùng xì dầu.
Vào đầu tháng 4 năm 1973, người chị họ chú bác với tôi chuyển đến Arlington, Virginia do chồng được bổ nhậm làm Bí Thư Thứ I của Tòa Đại Sứ Việt Nam Cọng Hòa, tại DC. Chị ấy đã xoay sở đem theo 2 đứa con sang dạy tiếng Việt cho Quân Đội Mỹ, sau vụ Tết Mậu Thân 1968, do quá sợ VC. Từ đây, tôi thường ghé thăm chị cho đở nhớ nhà. Là người am hiểu tường tận tình hình chính trị giửa Hoa Kỳ và Việt Nam, chị khuyên tôi nên ở lại luôn bên Mỹ sau ngày mãn khóa. Sớm muộn gì Miền Nam cũng mất. Tôi phản đối kịch liệt và không lên thăm chị nửa. Mãi cho đến ngày mãn khóa, vào cuối tháng 8 năm 1973, chị đã tự lái xe về tận Trường dự lễ. Lần này, chị không nói gì thêm về chuyện ở lại vì tôi cho làm như thế là Đào ngũ. Chị trao cho tôi 1 lá thư tay do ông anh rể viết gởi cho Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm đang làm Bộ Quốc Phòng bên Việt Nam. Mở ra đọc sau đấy tôi mới biết anh gởi gấm tôi cho Tướng Đạm. Tôi cất giữ trong tay cho đến ngày mất nước 30.4.75. Chị tôi nay không còn trên cỏi đời này nửa nhưng tôi cũng đã thầm cám ơn tấm lòng của chị.Tôi nhất quyết trở về quê hương dù cho phải sống còn. Trước lễ mãn khóa học một tuần, viên Trung Tá Trưởng phòng du học đã mời tôi lên văn phòng cho biết tôi sẽ được cấp Văn bằng tốt nghiệp và họ đề nghị thưởng cho tôi 1 tháng du hành quan sát trên Đệ VI Hạm Đội Hoa Kỳ tại Địa Trung Hải trước khi về nước. Tôi tỏ lời cương quyết từ chối trước đôi mắt nhìn vừa ngạc nhiên vừa thương hại của ông ta.Tôi xin về nước càng sớm càng tốt ngay sau ngày mãn khóa. Trong khi Thiếu tá Don Hirsch, bạn tôi, lại vừa ly dị với cô vợ thứ hai và ghé rủ tôi đi nhậu dưới phố Frederickburg. Chàng ta bảo người Mỹ chắc chắn sẽ bỏ Việt Nam nên khuyên tôi nên liệu thân khi về nước. Tôi tự thấy mình già đi trước tuổi với trăm mối ngổn ngang trong lòng. Nhưng nhất quyết tôi không rời bỏ Quê hương.
Trong giáo trình của Trường CH&TM của TQLCHK có phần thực tập Thuyết trình ngắn (Briefing) với 3 phút, tường trình quân sự 15 phút do từng khóa sinh thực hiện với đề tài do mình chọn, qua sự chấp thuận của Cố vấn. Chiến thuật du kích của VC và Vai trò Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa(VNCH) trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968 là hai đề tài do tôi đãm trách. Đó cũng là 2 bài khảo luận phải nạp cho Trường đánh giá. Về phần khảo luận chung dành riêng cho các khóa sinh SQ ngoại quốc là “ Những thế lực nào đã tạo nên xu hướng chính trị của Hoa Kỳ”. Ba nhân vật then chốt trong việc hoàn thành Khảo luận này là một Trung tá Quân Đội Úc Châu, một Trung tá Nhảy Dù của Do Thái và một Thiếu tá của Cảm tử quân (Commando) của Hoàng Gia Anh.Trong các buổi thảo luận, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ các SQ Đồng minh khác. Đặc biệt tôi đã nhìn ra tầm ảnh hưởng rất lớn của hơn 8 triệu người Mỹ gốc Do Thái, đang năm trong tay hầu hết ngành truyền thông, tài chánh, y khoa của Quốc gia Hoa Kỳ. Thêm nửa, tổ chức Cộng đồng Do Thái ở Mỹ rất chặt chẻ, hợp nhất và rất tích cực. Tôi nhìn thấy rồi Mỹ cũng sẽ bỏ Miền Nam VN như Đài Loan. Nhưng nhờ đâu Đài Loan vẩn còn đứng vững cho đến nay, dù eo biển giửa Trung Hoa Lục Địa và Đài Loan không quá tầm Đạn pháo 130 ly. Mang niềm tin Miền Nam sẽ không dễ dàng đỗ vở, tôi xôn xao trở về Quê hương.Tại phi trường Không Quân Travis, ở California, tôi gặp 4 Thiếu Úy Nữ quân nhân VNCH mới ra Trường được Không Quân gởi sang Mỹ học ngành Điều Dưởng tại một trường Đại Học ở Florida. Thấy họ phờ phạc và lúng túng, tôi cố giúp họ lo thủ tục rồi chia tay. Chắc chắn 4 cô này đã kẹt lại Mỹ sau ngày 30.4.75 và không biết số phận của họ ra sao. Khi ra Phi cảng lập thủ tục lên máy bay về nước, tôi thấy một anh có vẻ mặt người Á Đông, mừng quá tôi vội chạy đến hỏi thăm. Chàng ta trả lời bằng Anh ngữ và chỉ vào bảng tên. Tôi đọc được:” HAKYLIEM. Không Quân Hoàng Gia Lào”. Sang Mỹ, sống và đi học một mình nên tôi nhớ quê hương và con người Việt vô cùng. Suốt ngày, từ sáng đến tối tôi chỉ nghe tiếng Mỹ. Thèm nghe tiếng Việt quá tôi đã phải vừa xem Tivi vừa nói cho tư mình nghe. Những người qua Mỹ sau năm 1975, tôi mang tâm trạng này. Ai ngờ, một lúc sau, chàng người Lào chạy sang gặp tôi nói tiếng Việt ngon lành:” Tôi là Đại Úy Hà Kỳ Liêm, người Việt sinh trưởng bên Lào và đi học Trực Thăng nay về nước. Tôi cũng ghé Sài Gòn trước khi qua Vientane. Hành Lý tôi mang quá tải, anh giúp tôi được không?
Tôi nhìn anh ta vừa tức cười vừa chế nhạo:” Ồ, thì ra thế!” “Sao tôi hỏi anh tiếng Việt anh không thèm trả lời”
“Thôi được rồi, anh thừa bao nhiêu pound” Anh ta cười hể hả đáp :”Tôi mua thêm quà cho gia đình ấy mà. 20pounds.” Do quy chế du sinh Sĩ quan cấp Tá, tôi được mang 70 cân Anh hành lý thay vì 50. Tôi còn dư hơn 20 cân nên cũng vui vẻ dành cho người đồng hương lớn lên bên xứ Lào
Cuối tháng 8 năm 1973, Chuyến bay của Hàng Không Hoa Kỳ đã đưa tôi về nước xuyên qua biển Thái Bình Dương với những trạm dừng tại Honolulu, Guam. Khi chiếc phản lực cơ xuống thấp từ Phi Luật Tân, tôi bồi hồi nhận diện ra miền đất quen thuộc của quê hương với những đồng lúa trải dài. Tôi càng xúc động hơn khi nhìn ra dải đất từ bờ biển Cam Ranh dẩn vào Sài Gòn. Bước xuống phi cảng Tân Sơn Nhất vào khoảng 10 giờ sáng, tôi kéo chiếc va li ra ngoài mà lòng ngấy ngất trong tâm trạng người trở về sau một thòi gian dài xa cách. Với bộ quân phục đi phố thời bình màu kaki và chiếc mủ bê rê xanh, tôi vượt qua cổng Quan thuế rồi đi thẳng ra ngoài bải đậu xe. Một người Tài xế Tắc xi trẻ chạy theo hỏi: “ Ông anh Lính Thủy Đánh Bộ đi về đâu đây?”
Ngạc nhiên, tôi quay lại nhìn anh, hỏi:” Sao anh gọi tôi là Lính Thủ Đánh Bộ thay vì TQLC?” Anh vui vẻ đáp:”Thì sau vụ Tái chiếm Quảng Trị nghe tụi VC gọi mấy anh là Lính Thủy Đánh Bộ mà” Tôi cũng sởi lởi lên xe của anh về nhà. Sau cuộc Tổng tấn công nắm 1972 đến nay, dù ở nơi đồng quê hẻo lánh và chốn rừng sâu xa cách, ngày đêm vẫn còn có bao nhiêu chiến sĩ cầm súng ngoài chiến tuyến hi sinh đền nợ nước nhưng ở Sài Gòn người ta vẫn dửng dưng ăn chơi, biểu tình chống đối chính quyền thậm thụt tranh dành quyền lợi phe nhóm và tham ô nhũng lạm. Tôi cũng đã có dịp nhìn ra không một quốc gia nào nghèo khổ. Chỉ có những kẻ cầm quyền và chính quyền mới đưa người dân vào tăm tối, đói khổ. Nhưng tôi chỉ là một Sĩ quan hiện dịch được đào tạo ra để phục vụ cho Quân Đội. Tôi đã sẳn sàng để trở về với Quân Đội.
TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG
Vào đầu tháng 9 năm 1973, tôi vào trình diện Bộ Tư Lệnh SĐTQLC, tọa lạc trong Trại Lê Thánh Tôn, với mãnh bằng tốt nghiệp trường CH&TM của TQLCHK. Mãnh bằng này được tôi cất dấu sau ngày 30.4.75 và mang theo mình khi vượt biên sang Mỹ được giữ cho đến nay. Gặp lúc Chuẩn Tướng BTL về họp ở Saigòn, tôi được lệnh đáp cùng chuyến bay với ông ra Huế hai ngày sau đó. Trên chuyến bay độ 1 giờ từ Sài Gòn ra Phú Bài của Hàng Không Việt Nam, ông chỉ trao đổi tôi về một năm du học và tuyệt nhiên không nói tôi sẽ làm gì ngoài hành quân. Chuyến trực thăng của Tư Lệnh đưa tôi vào Hương Điền là nơi đóng quân của BTL/SĐ Hành quân. Tướng Lân gọi Thiếu tá Đặng Văn Học thu xếp cho tôi một chổ ở. Thiếu tá Học nguyên xuất thân là Chuẩn Úy Trưởng Ban Nhân Viên của Tiểu đoàn 4 TQLC khi ông Lân còn là Đại Úy Tiểu đoàn trưởng. Chuẩn Úy Học vốn là Hạ sĩ quan theo học khóa 2SQ Đặc biệt ở Đồng Đế, Nha Trang rồi về làm Trưởng Ban I ở Hậu cứ TĐ4 TQLC cho đến ngày lên Thiếu tá dưới tàn dù che chở của ông Lân. Do nhu cầu chiến trường, Quân Đội đã mở ra nhiều khóa đào tạo SQ Đặc biệt. Nhiều cựu Thiếu Sinh Quân đã được thăng tiến qua quân trường này và chính họ đã tạo nhiều chiến công lẫy lừng cho Quân Đội.
Ngày hôm sau, Đại úy Đan là Tùy viên của Tư lệnh đến bảo tôi được lệnh tháp tùng với Tư Lệnh đi thăm các đơn vị trên chạm tuyến. Sau này , Đan lên Thiêu tá vốn xuất thân từ khóa 21 Võ Bị Quốc Gia. Đan nói:” Ông Tướng bảo sẽ giữ Niện trưởng làm Chánh Văn phòng thay chổ cho Trung tá Tống” Tôi đáp:” Tánh tôi không làm Chánh Văn Buồng được đâu. Thế nào cũng xảy ra nhiều đụng chạm” Đan cười nói :” Thì NT nói với ông Tướng chứ đàn em chỉ biết thế thôi.” Tôi bồi thêm vì biết thế nào Đan cũng nói lại với Tư Lệnh:” Dù có phải trở ra tác chiến tôi cũng chấp nhận, chứ làm nghề xách cặp tôi không làm đâu”. Trên nguyên tắc tôi vẫn là một quân nhân bị thương nặng ở đùi và chân được phân loại 2 không tác chiến. Có thể tôi bị đẩy ra làm Tham Mưu ở Lữ Đoàn. Như thế càng tốt. Tôi chẳng phải quỵ lụy ai. Bạn cùng khóa Võ bị của tôi đều đã lên cấp Trung Tá với 2 người làm Lữ Đoàn Phó và 5 người giử chức vụ Tiểu Đaòn Trưởng ở 5 Tiểu đoàn tác chiến. Khi gặp nhau, Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc với hổ danh Robert Lửa đã nói :” Mày cứ ra ngoài tác chiến với tụi tao cho vui. Tội gì mà phải cúi đầu làm gia nhân” Hơn nửa, trong lòng tôi cũng bất phục dù phải tuân hành theo kỹ luật của Quân Đội. Có lẽ, về sau, đã đến lúc tôi phải gải bày tại sao tôi bất phục mà không tổn thương đến đời tư riêng của người khác. Tôi vẫn im lặng tiếp tục theo chân Tư lệnh bay đi ra tiền tuyến thăm các đơn vị.Nhờ đó, tôi được dịp gặp lại nhiều bạn bè cũ như Hồ Quang Lịch nay đã mang cấp Trung Tá làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ5TQLC, Trần Văn Hợp nguyên là đàn em cùng trường Trung học ở Đà Lạt và Khóa 19 Võ Bị Quốc Gia đang giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 2 Trâu Điên. Hơn một tuần lễ sau, một buổi sáng sớm, Sĩ quan Tùy Viên của Tư Lệnh đến nơi tôi tạm trú bảo tôi cùng lên Trực thăng đi “Đón Bà Tướng”. Tôi bực mình nói:” Ê, làm gì có Bà Tướng ở đây, cậu. Chỉ có vợ ông Tướng chớ không có Bà Tướng nào hết” Đại Úy Đan giả lả:” Vâng đúng rồi nhưng gọi Bà Tướng cũng đâu có sao” “ Sao lại không. Bà Tướng là người đàn bà lên Cấp Tướng như bên Mỹ. Đây chỉ là vợ của ông Tướng thôi”
Tôi cũng cam lòng lên phi cơ bay ra Phú Bài chờ đón người vợ của Tư Lệnh sẽ xuống từ chuyến Hàng Không Air Vietnam. Được vài ngày sau, Đại tá Phạm Văn Chung là Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn Hành Quân cho người gọi tôi vào, nói:” Ông Tướng bảo cậu ra ngoài Phòng 3 làm việc với Trung Tâm Hành Quân. Tôi vui vẻ sang trình diện Trung Tá Đỗ Kỳ. Tôi biết rõ lai lịch của bà vợ ông Tướng nên chẳng cần nói gì thêm. Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn bảo tôi :”Anh chuẩn bị tài liệu và bài vở để đến các Lữ Đoàn huấn luyện về hành quân thủy bộ cho các Đại Đội Trưởng các Tiểu đoàn tác chiến” Thật ra, với kiến thức của mình tôi chỉ có thể nói cho họ nghe nhưng nguyên tắc căn bản về các cuộc hành quân thủy bộ, phối hợp giửa TQLC và Hải Quân. Sau 3 ngày hướng dẩn huấn luyện tại 3 Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn trên tuyến đầu Quảng Trị, tôi chợt gặp lại Trung Tá Joey Strickland. Joey là bạn học cùng khóa CH&TM TQLCHK với tôi tại Quantico, vừa tình nguyện sang Việt Nam và làm Trưởng khối DAO của TQLCHK bên cạnh Sư đoàn TQLCVN. Joey tìm gặp tôi rồi cùng tôi đi lên thăm sông Thạch Hãn. Nhờ đó, tôi có còn được bức ảnh chụp chung với Joey nay còn chưng bày trong Bảo tàng viện của TQLCHK tại Quantico, Virginia.Tôi và Joey đã kết thân ngay tư hồi còn trong Trường. Trước khi chia rtay, Joey đã cho tôi một hệ thống riêng để giữ liên lạc với nhau thường xuyên.
Vài ngày sau, ngày 1 tháng 10 năm 1973, tôi được Đại Tá Chung gọi lên bảo:” Ông lên xe xcủa Phòng 3 lên Chợ Cạn, Quãng Trị, bàn giao Tiểu Đoàn 4 TQLC với Trung Tá Tống, theo lệnh của ông Tướng. Tống sẽ lên làm Lữ Đoàn Phó LĐ147 TQLC”
Tôi vui mừng như thoát nợ, mang túi xách tay lên xe trực chỉ Thành phố Quãng Trị trong cảnh trời còn mưa dông dài sau hơn một tuần lễ không dứt hột. Qua tin trên Trung tâm Hành quân, nơi đóng quân của TĐ4 TQLC, ở Chợ Cạn , Quãng Trị, đang chìm trong biển nước lũ tràn về từ Trường Sơn.
Sau cuộc tổng tấn công,qua vỹ tuyến Đình chiến 1954, Cộng sản Bắc Việt đã lợi dụng sự ấm ớ của Chính phủ Hoa Kỳ, để lại Miền Nam Việt Nam cả 100 ngàn quân , dưới dạng trá hình Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Chúng đã bị thiệt hại nặng nề trước cuộc phản công của Nhảy Dù và TQLC sau khi chúng bị đánh bật ra khỏi Cổ Thành và Thành Phố Quãng Trị.Dù vậy, ngay trong ngày ký kết đình chiến tại Paris, năm 1972, chúng đã dùng Thiết giáp và Bộ binh lấn tràn qua Cửa Việt. Do đó, ngoài phần chạm tuyến dọc theo sông Thạch Hãn, chúng đã lấn một phần đất nằm sát biển Đông của quận Triệu Phong, Quãng Trị.Trong đó có thôn Bích la là quê quán của Lê Duẩn. Trên phần dất của Chợ Cạn, nằm phía Đông Bắc của Triệu Phong, tuyến đóng quân phòng thủ giửa TQLC và CSBV sát kề với nhau chỉ độ vài thước đất. Hai bên có thể nói chuyện được với nhau.Bên phía CS, thường chúng tiếp tế lương thực cho quân lính bằng ghe xuồng trưng dụng của dân chúng địa phương.Vào mùa nước lớn, không rỏ tại sao, có khi những bao tải gao bọc kín trong bọc ni-lông trôi giạt về phía TQLC. Cẩn thận mở ra mới được biết chứa gạo xấy và thịt heo đóng hộp của Trung Cộng. MỘt lần nủa cho thấy, trong suốt cuộc chiến Việt Nam, gần 20 năm, từ đầu đến chận của lính Miền Bắc mang toàn tiếp liệu của Trung Cộng. Trong khi, ở Miền Nam, Hoa Kỳ khúc mắc từng Đô la viện trợ . Dù nguồn viện trợ này không chỉ dành cho Quân Đội VNCH mà cho cả Quân Mỹ tham chiến tại Miện Nam. Tướng Tư Lệnh một Sư Đoàn Mỹ có riêng một chiếc phản lực cơ nhỏ 11 chổ ngồi để đi lại. Chi phí này tính vào viện trợ Hoa Kỳ. Chưa kể đến việc lính Mỹ đi nghỉ phép giải trí R&R ở Thái Lan, Hong Kong.Tuy có học vị Tiến Sĩ nhưng Henry Kissinger không có đầu óc mưu mô xão quyệt và gian trá như bè lũ Lê Đức Thọ. Chẳng có gì khôi hài hơn chuyện Kissinger và Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hòa Bình.Trong khi, sau ngày ký kết đình chiến, CS mở rộng thêm đường mòn Trường Sơn Đông, thêm vảo Trường Sơn Tây, để ngày đêm chúng ố ạt chuyển quân và vũ khí hạng nặng như Thiết giáp T54, Đại Bác 130 ly vào Nam, ngay trước mủi của cái gọi là Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến Quốc Tế với Ba Lan Cộng Sản và Nam Dương, Canada.
Tháng 10 năm 1973, từ Huế ra Quãng Trị, trời mưa không ngớt. Lụt Tháng 10 như tái diển. Nước lũ tư trên rặng núi Trường Sơn ào ạt đổ xuống khoảng đồng bằng nhỏ hẹp của Miền Trung, ngày và đêm. Nước đục ngầu màu đất như muốn nuốt trửng rẻo đất quanh con Phá Tam Giang. Đầu hôm thấy nước lũ chỉ lấp xấp dưới chân, nửa đêm chợt tĩnh giấc khi nước đã chạm lưng chiếc ghế bố nhà binh. Và nước tiếp tục dâng cao dù nơi đóng quân nằm trên ngôn đồi cát.
Chiếc xe jeep do 1 người lính tài xế của Phòng 3 Sư đoàn chở tôi chạy ngược về Cửa Thuận An, qua Phà rồi hướng ra Huế để theo Quốc lộ I lên Quãng Trị.Tôi dừng ghé thăm Thiếu Tá Nguyễn Văn Kim, là bạn cùng khóa Võ Bị, đang làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ7TQLC trú đóng ngay khu vực La Vang. Tôi và Kim khá thân với nhau. Kim vui mừng nói:
“ Đúng rồi, mày ra ngoài này với tụi tao vui hơn.Thấy mày miễn cưởng theo chân ông Lân mà tội nghiệp.Sống chết có số hết mày ơi. Vào nhận Tiểu đoàn đi. Hôm nào rảnh tao vào đón mày ra Huế chơi”
Sau năm 1975, Kim chạy thoát qua Mỹ rồi đi học lại trên Pennsylvania, Hoa Kỳ. Sau ngày lấy được Cao học về Khoa học, Kim được giới thiệu làm về hệ thống điện toán cho Bank of America tại San Francisco. Khi tôi vượt biên qua Mỹ, năm 1984, Kim là người bạn cùng khóa Võ Bị tìm gặp tôi trước nhất và từ đó hết lòng giúp cho tôi làm lại cuộc đời. Kim bảo” Vào ngày 30 tháng 4, tao có gặp một số lính của Tiểu đoàn 4 ở Hàng Xanh, Xa Lộ hỏi thăm về mày. Có đứa nói mày đã tự tử chết trong căn cứ Sóng Thần. Sao đó, tao nghe mày bị đi tù Cải tạo ra Bắc, tao nghĩ chắc mày chết rồi chứ không ngờ còn được gặp lại mày bên Mỹ.” Tôi vẫn còn đây nhưng Kim đã mệnh một sau một cơn bạo bệnh vào thập niên 1990. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của Kim:” Tụi VC gọi mình là Ngụy Quân. Thật ra tụi nó mới là Ngụy quân. Tụi mình là thứ thiệt. Học hành đâu ra đó. Một Tiểu đoàn VC làm sao đánh lại một Tiểu Đaòn TQLC được.”
Sau khi tạm chia tay Kim , tôi lên xe chạy lên thành phố hoang tàn Quãng Trị rồi rẻ trái vào Chợ Cạn. Khi vừa lên chiếc cầu sắt ngang con sông Vĩnh Định, phía trước mặt tôi là cả một vùng ngập nước mênh mông do cơn mưa lũ kéo dài cả tuần qua.Chỉ còn lốm đốm những ngọn bụi tre và ngôi mộ đắp cao giửa biển nước vàng đục. Từng đàn chim Le Le không rỏ từ đâu kéo bầy quần quanh trên vùng nước lụt như đàn ong vở tổ. Trên xe tôi đi không có máy truyền tin nên tôi bảo người lính dừng đậu xe dưới chân cầu và thủ sẳn khẩu súng đề phòng. Con đường đất nhỏ xuyên đồng ruộng đã chìm ngập trong nước. Xe khọng thể chạy vào Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn được. Tôi đứng ngóng chờ người từ đơn vị ra đón vì biết chắc bạn tôi đã biết. Chỉ độ 5 phút sau, tôi nghe tiếng máy của Thiết vận xa M113 nổ rền rồi xuất hiện sau lũy tre. Tôi nhìn ra Trung Tá Nguyễn Đằng Tống đang đứng trên nóc chiếc xe Thiết giáp đưa cao tay vẩy chào tôi. Chẳng mấy chốc chiếc xe tiến sát đến bên kia cầu. Tôi quay lại bảo ngưới Tài xế quay xe về lại cho sớm. Tống nhanh nhẹn nhảy xuống chiếc Thiết Vận Xa M113, miệng cười toét:” Mày lên xe vào Tiểu Đoàn đi. Tao phải theo xe Jeep ra ngay Phú Bài cho kịp chuyến bay về Sài Gòn để lo cưới vợ. Tao không cần bàn giao gì hết. Tụi nó trong Tiểu Đoàn đều biết mãy. Tiểu đoàn Phó là Phạm Văn Tiền Khóa 20. Ban 3 là Nguyễn Tri Nam Kháo 22. “ Tống tươi cười đưa tay bắt tay tôi rồi nói tiếp:” À, quên.Đây là số tiền tao cho mày dùng lúc đầu” Tống móc trong xách tay ra một xấp tiền giấy loại $500 đưa tôi rồi vội vả đi nhanh qua cầu nhưng cũng quay đầu lại nói đùa:” Thôi tao đi nghe Cao Bồi Toàn” Tôi đứng lặng dỏi mắt nhín theo bạn cho đến khi chiếc xe Jeep khuất nẻo đường. Miệt mài mgoài chiến trận suốt bao nhiêu năm đến nay lên cấp bậc Trung Tá Tống mới được dịp lập gia đình. Tống đã được thăng cấp Trung Tá ngoài mặt trận với Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huận Chuơng sau ngày tái chiếm Cổ Thành Quãng Trị. Sau ngày kết hôn, Tống sẽ được bổ nhiệm làm Lữ Đoàn Phó LĐ147 TQLC. Sau này, khi Đại Tá Nguyễn Thế Lương đi học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại Long Bình, một người bạn cùng khóa Võ Bị của chúng tôi là Trung Tá Đỗ Hữu Tùng sẽ lên giữ quyền Lữ đoàn Trưởng LĐ147. Với một người làm Trưởng Phòng 3 Hành quân Sư Đoàn, Khóa của chúng tôi trong TQLC gồm có 1 Lữ Đoàn Trưởng, Lữ Đoàn Phó Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Đằng Tống với các Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 3,4,6 và 7 TQLC cùng một thời gian.
Các người bạn thân thiết sống chết bên nhau nay không còn mấy ai. Tôi leo lên chiếc M113 lội nước vào nhận đơn vị. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn trú đóng trong một khu làng với lũy tre dày đặc vây quanh, trên một gó đất cao nhô trên mặt bằng ruộng lúa. Đại Úy Nguyễn Tri Nam vốn xuất thân từ Khóa 22 Võ Bị mặc chiến phục chỉnh tề đứng tươi cười đón tôi.Khi tôi xuống xe, Nam chạy đến đưa tay chào:” Chào Niên trưởng. 416 (Danh hiệu truyền tin của Tống ngoài hành quân) có dặn tôi lo bàn giao đầy đủ cho Niên trưởng” Lúc ấy, Trung úy Trần Kim Tài vội vả bước tới đưa tay chào và nói :” Đại bàng, tôi là Trần Kim Tài Đại đội trưởng Đại đội Chỉ Huy. Cần gì Đại bàng gọi tôi.”
Nhìn quanh thấy lính lấp ló tò mò nhìn, tôi bảo Nam tôi cần một chiếc Ca- nô với 2 người lính mang theo máy truyền tin để tôi lên thăm Tiểu Đoàn Phó là Thiếu Tá Phạm Văn Tiền cùng các Đại đội đang năm trên chạm tuyến, sát với VC.Nam cho biết các Đại đội đang bám theo các lũy tre. Tiểu đoàn đang chờ Công Binh đưa xuống máy lên bổ sung cho tuyến đầu. Trong khi VC đã trưng dụng ghe xuồng của dân chúng địa phương. Thế là tôi bắt tay vào việc.Trong dàn Đại đội trưởng, tôi cón có Đại Úy Dương Công Phó từ khóa 22 Võ Bị và Dương Tấn Tước, Mai Văn Hiếu từ Khóa 23 Võ Bị. Tôi phải tìm thăm họ ngay lúc này. Tôi còn một Đại đội trưởng xuất sắc xuất thân từ quân trường Thủ Đức là Đại úy Tô Thanh Chiêu.
Từ nay, ám danh và ám số đàm thoại truyền tin của tôi là Tây Sơn 816. Á khoa Khóa 16 Võ Bị là Nguyễn Xuân Phúc lấy ám số 216. Nguyễn Đằng Tống là 416. Tôi nhận luôn “Đệ tử” của Tống là Hạ sĩ Nguyễn Văn Sơn theo làm cận vệ mãi đến ngày cuối cùng 30 tháng 4 năm 75. Từ sau ngày ra khỏi Trại Tù Cải Tạo, tôi luôn tìm cách liên lạc với đứa em trung tín này nhưng đến nay vẫn chưa ra tung tích, cùng với Trung sĩ Nhất Lê Văn Quận đã từng sống sót trong Đại đội của tôi trong trận Bình Giả, khi còn là Binh Nhất. Tôi ước mong được gặp lại họ. Hạ sĩ Sơn mang súng cùng với một người lính mang máy truyền tin xuống chiếc xuống máy chạy lên tuyến đầu của Tiểu đoàn. Trời vẩn còn mưa nhẹ hạt. Tiểu đoàn phó Phạm Văn Tiền nằm ngay trên chạm tuyến với Đại đội I của Dương Công Phó, bám theo lũy tre mà gốc đã chìm trong biển nước lụt. Từ bên này nhìn qua có thể thấy rỏ quân lính CS ngồi gác phía bên kia. Đối đầu với địch quân kề cận, ngày đêm, trong cơn lũ lụt, người lính không tỏ vẻ một chút sờn lòng, vẫn cười cợt vui đúa, xoay sở nấu cơm trên những chiếc nón sắt với những cành tre hoặc cây khô còn ló trên mặt nước. Thiếu tá Tiền nhất quyết giữ chặt phần dất và tuyên bố: ” Tụi VC lợi dụng nước lũ dùng ghe muốn lấn qua nhưng tôi ra lệnh cho lính nổ súng ngay.” Vừa đúng lúc, trưa hôm ấy, Công Binh của Sư đoàn đã chuyển lên tuyến đầu một số xuồng máy làm chổ cho quân bám trụ. Tôi bắt tay hai người Sĩ quan Khóa đàn em trong trường Võ Bị. Do truyền thống, họ vẫn gọi tôi là niên trưởng thay vì cấp bậc. Với dáng dấp bậm trợn to con, Đại Úy Dương Công Phó nói vói giọng người Huế:’ Tui có nghe tiếng Niện trưởng khi về Tiểu đoàn 4 trong trận Bình Giả. Niên trưởng cứ yên chí đi. Tui không ba gai như tụi nó nói đâu.”
Khi tôi chống xuồng qua phòng tuyến của Đại đội 2 do Đại úy Tô Thanh Chiêu chỉ huy, bất ngờ tôi gặp lại người lính cũ trong Đại đội. Binh I Lệ Văn Quận đã sống sót trong trận Bình Giả, từ năm 1965, nay đã là Trung sĩ Nhất làm Trung Đội phó. Tôi vừa vui mừng vừa xúc động khi thấy Quận vẫn còn sống suốt bao nhiêu trận mạc dữ dội. Sau khi hội ý với Đại Úy Chiêu, tôi ngỏ ý xin Quận về đi với tôi như cận vệ. Từ đó, hai thầy trò tôi không rời khỏi nhau cho đến ngày đơn vị phải rả ngũ ở Căn cứ Sóng Thần, sau lời kêu gọi buông súng của ông Dương Văn Minh. Đếm hôm ấy, trong căn hầm trú ẩn, tôi lay hoay suốt đêm vì nước lũ dâng lên ngang lưng chiếc ghế bố nhà binh. Sáng hôm sau, trời tạnh hẳn mưa. Mặt trời chói lọi lên cao. Chung quanh vị trí đóng quân của Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn cả một vùng nước ngập trắng xóa. Đại đội địa phương quân biệt lập, tăng cường phòng thủ, đang hè nhau bủa lưới bắt vịt nước ngoài cánh động ngập nước. Họ phải xoay sở kiếm sống do đồng lương quá ít ỏi. Họ dùng những cây tre cao ngọn móc lưới đánh cá rộng lớn bủa ra một khoảnh mặt nước giửa đồng trống. Rồi một số chèo ghe xua đuổi đàn le le về hướng bẫy xập. Chờ đúng lúc đàn vịt nước đáp xuống, họ buông lưới ngả xuống rồi ập vào bắt sống. Không rỏ từ đâu, sau cơn lụt, khi nước ngập tràn lan ngoài đồng, vịt trời tập trung cả một đàn lớn đến nổi làm tối cả một vùng trời khi bay ngang. Nhiều vô số kể. Tôi lên ca-nô chèo ra xem và được biết họ bắt được cả một đàn chứa đầy khung sau của chiếc xe Dodge 4 để đem ra chợ bán. Đệ tử của tôi nhận quà vài con về nấu cháo. Cũng phải 2 ngày sau nước lụt mới rút hết ra biển. Cả Tiểu đoàn lại băt tay vào việc củng cố tuyến phòng thủ.Phía bên kia chiến tuyến, bọn VC đã treo lên lại cả một dảy cờ của Mặt trận giải phóng. Trong khi, bọn lính trông rất trẻ nói đặc giọng Miền Bắc.Bên này, không có gí khác chúng tôi phải bỏ tiền ra mua sơn về vẻ lá cờ Vàng với ba sọc đỏ lên những tấm tôn nhặt được giửa thành phố đỗ nát Quãng Trị. Ngày đêm, VC cho phát thanh rầm rỉ qua các loa phóng thanh đến nổi tôi phải cho lệnh bắn tỉa phá loa mặc cho chúng phản đối. Ngày nào, tôi cũng chịu khó lặn lội đi dọc theo phòng tuyến thăm lính để tạo sự cảm nhận gắn bó giửa họ và người chỉ huy. Tôi cũng phải thu xếp về Huế là nơi trú đóng của Tiền trạm Tiểu đoàn.Nhóm quân tiền trạm chỉ gồm khỏng 10 người nhưng lo tiếp tế, cung cấp thực phẩm cho đơn vị hành quân, tiếp nhận quân số bổ sung, bảo toàn quân xa, quân dụng cơ hữu ngoài hành quân. Tiền trạm năm trong phạm vi của Trại Mang Cá Nhỏ của Sư đoàn I Bộ binh ở Huế. Khi nắm vững được tình hình đơn vị, tôi phải thu xếp về trình diện Đại Tá Ngô Văn Định là Lữ đoàn trưởng LĐ369 TQLC, đóng tại Mỹ Thủy. Bạn cùng khóa Võ Bị với tôi là Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc làm Lữ đoàn phó. Chúng tôi cũng phải giữ ý khi gặp nhau trước công chúng bởi cấp bậc và chức vụ. Nơi riêng tư, Phúc là người rất cởi mở, vui tính và tận tình với bạn. Tiếc thay, người anh hùng kiệt xuất của Quân Đội đã sinh bất phùng thời.
Một buổi sáng sớm, hai tuần sau khi tôi nhận đơn vị, Tùy viên Tư lệnh gọi máy cho biết ông Tướng sẽ ghé thăm. Tôi chuẩn bị phòng hội và cho lệnh đặt đơn vị trong tình trạng báo động ngừa bất trắc, rồi đích thân mang máy truyền tin và quả đạn khói màu xanh chờ đón ngoài khoảnh đất trống sát cạnh Bộ Chỉ Huy.
Vào khoảng 9 giờ 30 sáng, khi nghe tiếng cánh quạt Trực thăng sành sạch gần kề, tôi chạy ra bãi đấy trống, một tay cầm ống liên hợp máy truyền tin PRC25, một tay cầm quả lựu đạn khói màu xanh.Cũng cần nói rỏ là vị trí đóng quân của đơn vị tôi nằm kế cận một ngôi Nhà Thờ Thiên Chúa đã bị đỗ tháp chuông. Trong khi, tương tự phía bên quân CS cũng có một ngôi Nhà Thờ gảy đỗ tháp chuông. Vẫn nghe tiếng Trực thăng trên đầu, tôi nhìn quanh không thấy bóng dáng đâu cả. Chợt tôi phát giác ra chiếc Trực thăng đang hướng về phía ngôi Nhà Thờ bên phía địch quân. Tôi vôi bấm máy, nói lớn” Anh đổi hướng 6 giờ ngay lập tức. Chi tiết cho anh biết sau” Tôi ném ngay quả lựu đạn khói xuống bãi trống vừa khi chiếc Trực thăng chở Tướng Lân quay đầu lại. Vừa lúc, máy bay hạ cánh do bay thấp ngang ngọn tre. Tiểu đoàn của tôi đang còn trong tình trạng báo động. Đại úy Đan, Tùy viên, nhảy vội xuống Trực thăng. Tiếp sau là Tướng Bùi Thế L. trong cặp kiến cận dày cợm. Ông quay sang đá vào người Đại Úy Đan rồi quay sang hướng tôi đứng nghiêm chào. Ông móc bao thuốc Lucky ra rút một điếu g8án lên môi.Tay ông cầm bật lửa rung quá không sao lên lửa được. Thấy linh tráng quanh Bộ Chỉ Huy rình mò nhìn quan sát, tôi vội đưa tay mời ông vào căn hầm trú ẩn đạn pháo kế cận, rồi bật lửa mồi điếu thuốc cho ông.Tôi không ngạc nhiên lăm khi thấy ông mất bình tĩnh. Ngay lập tức, ông bảo tôi lấy chiếc xe Jeep ra với âm thoại viên và cận vệ rồi ra lệnh cho tôi đích thân lái xe chở ông về Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 369, qua con đường tắt băng đồng cát về Mỹ Thủy.Trong khi, chiếc Trực thăng chở Tư lệnh năm nguyên tại chổ chờ lệnh. Khi xong, tôi mới nghĩ ra ông e ngại VC pháo kích sang Bộ Chỉ Huy khi thấy có Trực thăng của ông đáp xuống nên rời ngay vị trí bằng xe thay vì lên may bay cất cánh. Lúc ấy, tôi nghĩ chắc bây giờ ông lên Tướng rồi nên thủ cẳng. Không lẽ, ông không có cái “DŨNG” tôi thiểu của một Sĩ quan TQLC. Từ đó, tôi lại càng bất phục trong lòng dù phải tuân hành lệnh trong Quân Đội. Dù sao, xuất thân là một SQ hiện dịch được đào tạo từ trường Võ Bị Đà Lạt, tôi biết tôn trọng triệt đễ kỹ luật của Quân Đội.
Được một tháng sau, theo kế hoạch chuyển quân tránh bị địch điều nghiên, đơn vị tôi bàn giao vị trí cho Tiểu đoàn khác. Sau khi 3 Đại đội tiền tuyến bản giao xong, tôi cho lệnh 2 Đại đội rút ra trước và chuyển bộ qua các đồi cát về hướng Mỹ Thủy.Tôi và Đại đội Chỉ Huy đi sau với 1 Đại đội tác chiến. Tiểu đoàn chúng tôi được lệnh bố trí dọc theo bờ biển Mỹ Thủy, làm Trừ bị cho Lữ Đoàn. Về đây coi như tạm nghỉ. Lo ngại nhất cho Tiểu đoàn trưởng là nằm gần hàng quán nhỏ của dân chúng đại phương và gần Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn, lính tráng bày trò nhậu nhẹt say sưa lại sanh chuyện rắc rối. Tuy dặn dò các Đại đội trưởng rồi nhưng tôi phải cho BCH tổ chức một toán tuần tiểu thường trực ngày đêm ngoài khu vực kế cận nơi đóng quân. Ai biết suy nghĩ cũng thấy người trai trẻ đã tình nguyện vào TQLC chắc cũng có máu ngông ngênh gì đó.Quan trọng nhất là cấp chỉ huy phải nêu gương và cứng rắn. Thượng bất chánh hạ tắc loạn. Dù sao, tôi cũng nhìn ra rằng dù là lính của một đơn vị thiện chiến, đàn em của tôi không phải là binh sĩ vô kỹ luật. Tuổi trẻ lại kề cận sống chết không biết lúc nào và xa gia đình, xa quê hương nên đôi khi đã hành động nông nổi thôi. Vì thế, tôi luôn luôn tìm cách sống thật gần với họ và chia sẻ tâm tình với họ hơn là lớn tiếng giáo điều.
Không biết bắt nguồn từ đâu, tôi chợt khám phá ra đám lính đặt cho tôi hổ danh Hitler khi tôi bất chợt ghé vào quán khi thấy một đám lính của mình đang ồn ào nhậu nhẹt.Họ chợt tung ra bỏ chạy ra cửa sau và la lớn :”Hitler tới !”
Sau độ 2 tuần lễ đóng quân tại cửa Gia Đẵng, Mỹ Thủy, một sáng sớm, lính gác báo động cho biết thấy một chiếc tàu sắt chở hàng của VC đang lơ lửng ngoài cửa biển. Tin được báo lên Lữ Đoàn ngay lập tức.Vài phút sau, từ Bộ Chỉ Huy LĐ ở Mỹ Thủy, một chiếc Thiết giáp, do Lữ đoàn 1 Kỵ binh tăng phái chạy ra sát bờ biển. Theo tin đã được phối kiểm, đây là một tàu của Hải quân VC không rỏ lý do gì trôi dạt vào vùng trách nhiệm của duyên hải do Hải Quân Cộng Hòa trách nhiệm, cùng với Hạm Đội 7 Hoa Kỳ trên Biển Đông. Đại pháo từ trên pháo tháp của chiếc thiết giáp M48 đã bắn trực xạ vào tàu địch khá gần bờ. Tàu bị trúng đạn bốc cháy và dang bị chìm. Từ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn ở Hương Điền, Huế, toán Người Nhái TQLC mới thành lập đã được trực thăng võ trang đưa lên cửa biển chỉ trong vòng 15 phút sau. Đồng thời, một tuần duyên của Hải quân từ Thuận An cũng mở tốc lực chạy lên. Hóa ra đó là một tàu chở hàng tiếp tế lương thực cho VC đóng quân bên kia bờ Bắc sông Thạch Hãn, bị hư máy trôi dạt về Nam. Ngoài việc cưu vớt một số Thủy thủ đoàn sống sót, hàng tấn gạo và thịt heo hộp đã được kịp thời vớt lên tàu. Sau đó, Tiểu đoàn chúng tôi cũng được phân phối một số hộp thịt heo kho tàu và gạo của Trung Cộng mới tịch thu.
Sau ngày ký kết đình chiến, viện trợ Hoa Kỳ đã cắt giảm thấy rỏ tư lương khô đến xăng dầu và đạn dược. Đạn pháo bắn yễm trợ chỉ giới hạn vài ba quả. Xăng dầu chạy xe chỉ còn 1/3 so với trước đây. Tất cả mọi thứ tiếp liệu cho Quân đội điều bị cắt giảm gần như tê liệt. Hơn bao giờ hết, cấp chỉ huy phải tập họp lính để giảng giải cho họ biết giữ gìn và cần kiệm với những trang bị đang có trong tay. Chắc chắn sẽ còn một trận đánh quyết liệt nửa.Hiện tại, trên lưng người lính gày gò mang thực phẩm cho 3 ngày và 300 viên đạn trong Ba-lô.Trên vai, họ còn quày 1 ống Phóng chống xe Tăng M72 với 6 quả lựu đạn M26 gài quanh thắt lưng. Sau hơn 30 năm qua, với công tâm, tôi dám quả quyết một Tiểu đoàn VC không thể đánh lại một Tiểu đoàn TQLC được, trong thế trận địa chiến.
Cũng trong kế hoạch hóan chuyển quân trên tuyến đầu, một tháng sau, Tiểu đoàn 4 TQLC được lệnh nhập Quân Trường Đống Đa, gần Phú Bài, để huấn luyện bổ túc và chỉnh đốn hàng ngũ. Về đây, đơn vị được xem như dưởng quân nhưng cũng chính là lực lượng trừ bị cho Sư đoàn. Thời gian này, do kế hoạch được TQLC Hoa Kỳ chấp thuận, từ việc tái tổ chức Quân Đội, một số đơn vị Lực lượng Đặc biệt Biên Phòng, An Ninh Thiết Lộ và Quân cảnh được giải tán và bổ sung cho TQLC nhằm thành lập thêm một Lữ Đoàn lấy tên LĐ468TQLC. Mổi Tiểu đoàn phải lập thêm 1 Đại đội thứ 5 để chuẩn bị chuyển giao cho Tiểu Đoàn 14, 16 và 18 tân lập, dự trù hoàn tất vào đầu năm 1975. Như vậy, vào đầu tháng 3 năm 1975, quân số của Sư Đoàn TQLC lên hơn 16 ngàn tay súng.Một tháng huấn luyện bổ túc tại Trung Tâm Đống Đa là dịp tôi kết liền với đơn vị và tạo một mối gắn bó chặt chẻ giửa các cấp trong Tiểu đoàn.Ngoài giờ huấn luyện, đơn vị phải tăng cường kiểm soát an ninh và tuần tiểu để tránh linh tráng gây rắc rối với dân chúng địa phương. Trước năm 1968, do tuyên truyền của VC, người dân ở Huế gọi TQLC là “Lính Thiệu Kỳ”. Nhưng sau ngày TQLC góp công trong cuộc đánh đuổi CS ra khỏi Huế, vào Tết Mậu Thân, họ không còn gọi chúng tôi như thế nửa.Thật ra, chúng tôi là lính Việt Nam Cộng Hòa chứ không thể là “Lính Thiệu Kỳ” được.
Tôi nhớ thời gian này, tháng 1 năm 1974, Tôi chợt được tin Trung Cộng đã đánh chiếm đão Hoàng Sa, trước mủi Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ và trước cuộc phản công mãnh liệt nhưng vô vọng của Hải Quân Việt Nam Cọng Hòa. Vốn chỉ được giao những chiến hạm duyên hải sót lại từ thời Đệ II Thế Chiến có tầm hoạt động nắn và trang bị sơ sài, Hải Quân VNCH đành gánh chịu tổn thất và bó tay trước chiến thuyền của Trung Cộng, dù Hải quân Trung Cộng thuộc loại kém trên thế giới. Không nén được tức giận và căm thù, tôi đã dùng loa phat thanh trong quân trường thông tin và kêu gọi lòng yêu nước của họ trước sự xâm lăng của Tàu.
Hoàn tất thời gian huấn luyện hâm nóng, ở Trung Tâm Đống Đa, đơn vị tôi quay ra mặt trận Quảng trị. Khi về nằm ở Gia Đẵng, suốt ngày tôi xua quân mở rộng lục soát quanh khu vực về phía núi.Một đêm, toán phục kích ngoài ngọn núi cỏ trọc đã chận bắn hạ một toán VC xâm nhập với cả một túi đựng đầy tiên giấy 500 Đồng. Tôi chắc là bọn kinh tài đang len lỏi thu tiền dân chúng trong làng Hải Lăng. Từ đó, tin tức cho biết bọn VC tập kết sau năm 1968 đang dẩn bọn cán bộ Miền Bắc hàng đêm xâm nhập qua phòng tuyến của TQLC. Với quân sồ trải mỏng ra trên một địa thế rộng lớn, về đêm, việc kiểm soát rất khó khăn.Lúc ấy, Hoa Kỳ cũng đưa ra nhiều toán Kiểm Thính Truyền Tin mới được huấn luyện, để theo dỏi tin tức địch qua hệ thống máy liên lạc.Giửa tháng 4 năm 1974, do kế hoạch dưởng quân của Bộ Tổng Tham Mưu, các Tiểu đoàn tác chiến được luân phiên hoán chuyển về Hậu Cứ chỉnh trang. Lần này, tôi trở về Vũng Tàu hai tuần lễ với tư cách một Tiểu đoàn trưởng. Tăm thoát đã hơn 10 năm, khi tôi mới chân ướt chân ráo ra Trường Võ Bị về trình diện đơn vị mới.
Trong buổi tiệc khao quân ở Hậu Cứ, tôi kêu gọi mới tất cả những Thương Phế Binh gốc Tiểu đoàn 4 vào tham dự. Người bạn cùng học khóa Command & Staff ở Quantico là Trung Tá Joey Strickland, nay như Cố vấn trưởng Sư đoàn cũng mặc chiến phục TQLCVN đi xe xuống với chúng tôi. Tuy nhiên, khi chia tay, Joey cho biết đã nhận lệnh trở về Mỹ và khuyên tôi nên thu xếp cho gia đình vì chắc chắn Mỹ sẽ bỏ rơi Việt Nam.
Tuy biết thế nhưng trách nhiệm đơn vị của tôi vẩn còn đó. Tôi không làm gì được chỉ khuyên vợ con ở Sài Gòn cố gắng tự lo liệu. Do tỏ thái độ bất mãn khi trở về Bộ Tư Lệnh TQLCHK, tại Washington DC, Joey đã bị buộc phải giải ngũ rồi trở lại Trường Đại học ở Hawai nhờ vào quyền lợi của Sắc luật Động viên GI. Từ sau năm 1972, Tổng thống Thiệu đã giao hẳn TQLC cho Quân Khu I ngoài Quãng trị dù TQLC là một Sư đoàn Tổng trừ Bị của Quân Đội. Ngoài ra, do mối liên hệ giủa Tướng Khang cựu Tư Lệnh TQLC và Tướng Nguyễn Cao Kỳ, ông Thiệu cũng không muốn bất cứ Tiểu đoàn TQLC nào quanh quẩn ở Sài Gòn e ngại việc đão chánh. Về chiến lược, nếu Quân đội cứ dàn quân mỏng để giử lãnh thổ mà không có lực lượng trừ bị ứng chiến thì quả là một sai lầm quá lớn. Là lính chiến, chúng tôi chỉ tuân lệnh cấp trên, dù tốt hay xấu.
Trở ra vùng hành quân, Tiểu đoàn 4 TQLC được đưa vào chân núi Trường Sơn bàn giao tuyến phòng thủ. Nơi đây một cao địa được TQLCHK đặt tên là căn cứ Barbara còn in đầy dấu tích những cuộc chạm súng dữ dội từ năm 1971 và quân Nhảy Dù vào năm 1972.Phòng tuyến này nằm sát Trường Sơn, giáp với sông Mỹ Chánh về phía Bắc, nhìn thấy rỏ bằng mắt thường con đường xâm nhập từ Miền Bắc mới mở vào Nam, được VC gọi là Trường Sơn Đông.
Qua khỏi chiếc cầu bắt ngang sông Mỹ Chánh, Quãng Trị, về phía Bắc, con đường trải đá từ Quốc Lộ I chạy ngoằn ngoèo qua những ngọn núi cỏ trọc về hướng Tây dẩn vào chân rặng núi Trường Sơn, còn lưu lại đầy dấu tích chiến tranh sau trận chiến khốc liệt năm 1972. Khi cho quân mở rộng tầm lục soát quanh vị trí phòng thủ, trên một chỏm núi chỉ toàn cỏ tranh cao ngang ngực người lớn, một Tiểu đội CS nằm chết còn nguyên đội hình đã được khám phá. Thoạt nhìn vào, xác chết còn đủ quân phục màu xanh của Trung Cộng và vũ khí. Có lẽ, toán quân này bị phi cơ bắn hạ tại chổ, vào năm 1972. Khi tôi cầm chiếc gậy đụng nhẹ vào xác chết, mãnh quần áo đổ vụn xuống thành tro bụi. Vào sát chân núi, trong khu rừng rậm, cả một đoàn xe 4 chiếc Molova bị băn cháy dọc theo một khe suối chỉ còn sườn sắt chơ vơ. Quan sát kỷ cây cối trong rừng, hầu như thân cây nào cũng ghim đầy mủi tên sắt nhỏ dài chừng 2 phân được bắn ra từ quả bom thả xuống từ máy bay. Cả một khu rừng già khô héo vì thuốc khai quang rải xuống. Tiểu đoàn 4 TQLC, với quân số tham chiến gần 750 tay súng, được trải quân dài theo phòng tuyến đối diện với quân CS nhìn thấy được bằng mắt thường. Thiếu tá Phạm Văn Tiền, Tiểu đoàn phó phải lên nằm với một Đại đội tác chiến ngay trên ngọn núi Barbara. Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn trấn đóng trên một ngọn núi cỏ trọc phía sau, cách chạm tuyến non nửa cây số, gần một Pháo Đội 155 ly của TQLC. Với cường độ gia tăng xâm nhập quấy rối, sau lưng phòng tuyến về đêm, ngoài việc gia tăng tuần tiểu và phục kích, Tiểu Đoàn 4 còn được tăng phái Đại đội Địa phương quân 110 Biệt lập của Huế để bảo vệ lộ trình từ Quốc Lộ I vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn. Do quân số cơ hữu đã được dàn ra trên phòng tuyến, tôi quyết định giao cho Đại đội 110 ĐPQ chịu trach nhiệm giữ an ninh trục lộ, từ Quốc lộ I vào đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn.Gần đây, toán quân mở đường hang ngày đã khám phá ra vài gói mìn chôn vội trên đường, được bọc kín trong một gói ny-long đen sản xuất từ Trung Cộng. Rỏ ràng, trong đêm tối VC đã xâm nhập, lén lút chôn mìn phá rối. Khi đến thanh tra Đại đội 110 tôi mới khám phá ra quân số tham chiến không đến 60 người. Hỏi ra mới biết, tuy trên giấy tờ quân số hơn 100 nhưng một số không hiện diện theo yêu cầu của Tiểu khu phó, Tham Mưu Trưởng Thừa Thiên.Nói vắn tắt là lính ma, lính kiểng do tham ô nhũng lạm. Không làm sao hơn, tôi cho biết họ nằm bên trong phòng tuyến của TQLC nên không lo ngại bị tấn kích lớn nên có thể linh động bố trí quân và tổ chức tuần tiểu và phục kích ban đêm chỉ ngừa bọn VC xâm nhập đặt mìn trên trục lộ. Một lần, trên đường đi họp vào buổi sáng, tôi kịp thời khám phá ra một gói mìn bọc kín bao ny-long, dấu chìm dưới vủng nước đọng trên đường sau một đêm mưa. Tôi bảo tài xế dùng một cây que dài với đoạn kẻm móc ra lề đường rồi dùng súng phá nổ, khiến cho Trung Úy Đại đội trưởng ĐPQ thất kinh sợ quở trách. Vào khoảng tháng 6 năm 1974, cũng một buổi sáng trời nắng tốt chợt Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn, năm phía Bắc sông Mỹ Chánh, bên cạnh QL I bị CS pháo tuy chưa gây tổn thất. Nghĩ ngay đến việc có thể CS đã cho Toán Tiền sát Pháo nằm sau lưng diều chỉnh pháo kích, TĐ4 TQLC lập tức cho quân lục soát ngôn núi cỏ trọc về phía Tây. Không bao lâu, trong tiếng đạn pháo vẩn nổ gần cầu Mỹ Chánh, lính TQLC đã bắn hạ một toán 3 tên VC tiền sát nằm ẩn trên đĩnh núi. Trong ấy, có cả một Thiếu Úy với giấy tờ của quân chính quy Bắc Việt và một máy truyền tin Trung Cộng còn mới nguyên. Lúc ấy, Pháo của CS mới ngưng bắn, từ phía chân núi Trường Sơn. Là lính chiến tuy không biết nhiều về cái gọi là chính trị nhưng để tự bảo vệ mình chúng tôi biết là khọng thể tin vào Hiệp định Paris và Ủy Hội Kiểm Soát Đình chiến. Từ đĩnh núi trêb căn cứ Barbara, ngày đêm bằng mắt thường TQLC chứng kiến từng đoàn người và xe cùng Đại pháo từ phía Bắc lũ lượt và ngang nhiên kéo vào Nam. UH Quốc Tế KSĐC chẳng có hành động gì dù được báo cáo. Tôi nhớ Henry Kissinger thường dùng chử Fair Play khi nói về trận chiến Việt Nam. Hóa ra ông quá ngu ngơ hay cố tình ngu ngơ để chơi công bằng với CS đầy gian trá quỹ quyệt. Trong bàn cờ Tướng chỉ có đám con Chốt thí mạng. Anh em chúng tôi chính là những con Chốt không hơn không kém. Có lần, tôi và bạn tôi là Nguyễn Đằng Tống, nay là Lữ Đoàn Phó LĐ147, đã chuyện trò với nhau về cuộc chiến. Anh em tôi nhất quyết đánh cho tới cùng, dù phải rút quân về tận Đồng bằng Sông Cửu Long hay chạy ra tới Phú Quốc. Nhưng có quá mhiều việc ngoài tầm tay của anh em chúng tôi. Giờ này, chúng tôi không còn có ai hơn ngoài những người lính TQLC gan dạ và trung kiên ngoài trận địa ngày một ác liệt. Ác liệt hơn cả những gì người ta thực hiện trên màn ảnh chiếu phim. Tôi luôn tìm cách sát cánh bên người lính để họ vững tay súng.
Điều làm cho chúng tôi lo ngại nhất, trong cuộc đụng độ sẽ đến, là trận địa pháo của CS. Với đại bác 100 ly, 120 ly và 130 ly đặt trên chiến xa lưu động, chúng có thể tập trung hỏa lực trên một diện tích 100 thước vuông, cùng một lúc với 3 loại đạn nổ chụp, chạm nổ và nộ chậm. Gần như không cần đợi nhắc nhở, người lính đào bới cẩn thận hầm hố và giao thông hào dọc theo phòng tuyến. Có lúc, anh em chúng tôi chợt tĩnh nhận thức ra bỗng dưng mình trở thành Địa phương quân từ sau năm 1972, trong khi TQLC vốn là một lực lượng Tổng trừ Bị của cả Quân Đội. Đa số lính TQLC xuất thân từ Miền Nam. Cường độ VC xâm nhập vào Quãng Trị và Huế ngày càng tăng thấy rỏ.Các đơn vị Địa phương quân đang được nâng lên cấp Liên Đoàn nhưng chưa hữu hiệu trong việc bảo vệ lãnh thổ, sau lưng phòng tuyến của TQLC, chỉ tạo cơ hội cho một số người chụp cơ hội thăng quan tiến chức.
Vào những thập niên năm 1980 và 90, ở trên đất Hoa Kỳ, tôi cùng nhiều người đã được xem một loạt phim và truyền hình với nhân vật điện ảnh RAMBO. Tất cả đều chỉ như giả tưởng.Một điều có thể đoan quyết là nếu thực sự Mỹ có một nhân vật Rambo, anh ta sẽ là người ngã xuống đầu tiên khi đi vào chiến địa do đạn bắn tỉa của VC vì dáng vẻ “Kiến càng” và hoa lá cành của anh ta. Chỉ có những ai đánh giặc mồm mới thích tự nhận mình là Rambo. Từ đây, tôi chợt nhớ câu chuyện của một người lính TQLC trong trận Bình Giả. Một năm sau ngày nổ ra trận Bình Giả, tôi đang làm Đại đội trưởng Đại đội 202 Quân Cảnh TQLC tại Trại Lê Thánh Tôn, ở Sài Gòn. Hạ sĩ Nguyễn Hiệp nguyên phục vụ trong Đại đội của tôi đánh trận Bình Giả, tìm đến thăm tôi. Anh vừa được Hội Đồng Y Khoa của Tổng Y Viện Cọng Hòa phân loại cho giải ngũ. Anh kể chuyện đại ý là anh đã bị trúng tất cả 12 phát đạn của VC trong trận đánh. Do đạn không trúng yếu huyệt nên anh không chết. Ngày hôm sau trận đánh, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù đã được trực thăng vận vào Bình Giả. Họ đã phối hợp với quân số còn lại của Tiểu đoàn 4 TQLC trở vào trận địa cứu người bị thương và lấy xác tử sĩ. Sau đó, Hiệp được trực thăng di tản về Quân Y Viện Cọng Hòa cùng với một số thương binh. Do số thương binh quá nhiều, Hạ sĩ Hiệp đã bị ngất xỉu khi về đến Quân Y Viện. Toán Lựa thương thấy thân thể Hiệp đầy vết đạn tưởng đã chết nên đem bỏ vào Nhà Xác. Nửa đêm, quá lạnh, Hiệp thức tỉnh rồi rang sức bò ra ngoài cửa Nhà Xác. Đám lính thương binh đang đứng tán gẫu nhìn thấy ngỡ ma bỏ chạy hết. Mãi một lúc sau, mới có Y Tá trở lại mới biết Hiệp chưa chết vội khiêng vào Phòng Cấp Cứu. Với 12 phát đạn trên người khó có thể sống được nhưng Hiệp đã sống còn rồi được chửa trị gần một năm. Hiệp ghé tăm tôi để từ giả trở về quê ở Trị Tâm , Bình Dương, với tinh thần vẫn còn đầy lạc quan và vui vẻ. Thêm một lần nửa, cho thấy sức mạnh của ý chí con người khi cần có thể vượt qua những trở lực về thể chất.
Trong thời gian giử phòng tuyến dưới chân rặng núi Trường Sơn, cách Quốc Lộ I về phía Tây độ 5 cây số, một buổi sáng, sau 8 giờ, đột nhiên tôi nhận được lệnh sẳn sàng tiếp Tư Lệnh ghé thăm Bộ Chỉ Huy. Vừa lúc đã chuẩn bị đơn vị trong tư thế báo động, VC bỗng dưng câu pháo vài trái vào phòng tuyến Đại đội 1, cách Bộ chỉ huy Tiểu đoàn chừng 2 cây số đường chim bay. Tôi lập tức báo cáo cho Tùy Viên Tư Lệnh và Lữ Đoàn. Lúc này việc phản pháo bằng Pháo binh do Lữ Đoàn quyết định.Tôi nhất quyết không chịu trận nên ra lệnh cho Súng cối 81 ly cơ hữu bắn trả lại vào vị trí đóng quân của VC có thể nhìn thấy với mắt thường. Do cẩn tắt Tư lệnh chuyển hướng Trực thăng đi nơi khác. Chỉ vài ngày sau, vào khoảng 10 giờ sáng, vừa được tin từ Sĩ quan Hành Quân của Tiểu đoàn cho biết Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I sẽ ghé thăm đơn vị. Vừa mặc trọn vẹn chiến phục, tôi đã thấy chiếc trực thăng của Trung Tướng Trưởng đáp xuống ngay bãi đáp. Vội vàng chạy ra, tôi đứng nghiêm đưa tay chào thì Trung Tướng Tư Lệnh ngoắc tôi lên phi cơ. Chiếc trực thăng cất cánh bay sà vế hướng chạm tuyến. Trung tướng Trưởng đầu đội nón sắt, nai nịch súng đủ bộ quay nhìn tôi hơi nhếch mép cười và đưa tay vổ lên vai tôi như trấn an và tỏ thân tình. Với tốc độ của trực thăng, chỉ trong vài phút, máy bay đã vượt qua phòng tuyến của Tiểu đoàn tôi. Tôi vội nói lớn với :” Thưa Trung Tướng, mình đã bay qua vùng đất của địch” Trung Tướng Trưởng vẩn bình thản gầt đầu nhìn xuống. Phía dưới đất, tôi thấy bọn VC chạy lăng xăng. Vừa lúc, chiếc Trực thăng chở Trung Tướng Trưởng đã vòng trở lại phòng tuyến của TQLC. Tôi không tỏ ra sợ sệt vì đang ngồi chung trên chiếc phi cơ của Trung Tướng Trưởng. Nhưng tôi thấy trong lòng dâng lên niềm cảm phục. Người làm Tướng tối thiểu phải có cái Dũng, nhất là một vị Tướng đã từng cầm quân một Tiểu đoàn Nhảy Dù thiện chiến. Tuy chỉ là một Tiểu đoàn trưởng TQLC nhỏ nhoi so với một vị Tư Lệnh Quân Đoàn nhưng tôi biết chắc rằng nếu Quân Đội gồm toàn những vị Tướng dũng mãnh như Trung Tướng Ngô Quang Trưởng dù có bỏ thây nơi chiến địa tôi cũng cam lòng. Đấy là lần đầu tiên tôi được gặp Trung Tướng Trưởng. Lần sau, tôi gặp lại ông trong cuộc lui binh đầy bi thảm và khốc liệt trên bờ biển Non Nước ở Đà Nẵng, ngày 29 tháng 3 năm 1975.Khi định cư ở Virginia, tôi thăm gặp ông hai lần tại nhà riêng ở Falls Church, Virginia, với dụng ý tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy để Quân Đoàn bị tan rả. Nhưng ông luôn gạt đi cho đến ngày ông từ giả cỏi trần
Sau đó, một đêm tối trời, VC bất thần xua quân đánh tràn qua phòng tuyến của Tiểu Đoàn 6 TQLC, nằm ở phía Nam sông Mỹ Chánh, dọc theo chân núi, giáp với phòng tuyến của Tiểu đoàn 4. Chúng khai chiến bất ngờ vào nửa đêm, dù lệnh ngưng chiến chưa ráo mực. Trong vài tiếng đồng hồ sau , lực lượng chính quy của CS bị đẩy lui bỏ lại một số vũ khí. Tiểu đoàn 6 bị tổn thất nhẹ. Có lẽ, VC muốn đánh thăm dò nhưng không ngờ gặp sức phản công nhanh lẹ. Nếu không chúng cũng lấn chiếm được một phần lợi thế chiến thuật. Anh em chúng tôi không ai buồn bận tâm đến chuyện gì đang xảy ra ở Sài Gòn nhưng biết chắc sẽ đánh nhau quyết liệt.
Lúc này, Đại Tá Nguyễn Thế Lương, Lữ đoàn trưởng đi học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại Long Bình, Biên Hòa. Hai người bạn cùng khóa Võ Bị với tôi lên nắm quyền chỉ huy. Trung tá Đỗ Hữu Tùng giử chức vụ Lữ Đoàn Trưởng và Lữ đoàn Phó là Trung Tá Nguyễn Đằng Tống. Trong công vụ tôi biết tôi phải xử sự với họ như hai cấp chỉ huy. Do tình bạn đã vun bồi đậm đà từ ngày còn trong trường Võ Bị cho đến lúc sống chết bên nhau nên nơi riêng tư chúng tôi thân nhau như anh em ruột thịt. Trở lại chiến trường sau nhiều năm phục vụ ở hậu phương, ngoài kiến thức về tham mưu tôi cần phải học hỏi thêm nhiều tư người lính trở lên. Cường độ chiến tranh nay đã tăng lên khốc liệt. Ngoài việc đối đầu với quân chính qui CS trang bị vũ khí tối tân của khối CS Quốc tế gồm Đại pháo 30 ly với tầm xa hơn 20 cây số và Thiết giáp T54, đơn vị còn phải ngày đêm truy lùng bọn VC xâm nhập lén lút quấy rối, đặt mìn bẩy.Rõ ràng, dưới chế độ kềm kẹp thẳng tay của CS Miền Bắc, quân lính VC chỉ có mổi một con đường là lao vào Miền Nam dù phải bỏ thây nơi rừng thiêng nước độc.
Trong khi, các Tiểu đoàn Địa phương quân đã được nâng lên cấp Liên đoàn nhưng chẳng giúp ích gì được phần lãnh thổ nằm sau phòng tuyến của TQLC.
Vào khoảng tháng 6 năm 1974, kế hoạch thành lập thêm Lữ Đoàn 468 TQLC được chấp thuận. Ngoài quân số 870, mổi Tiểu đoàn tác chiến trách nhiệm thành lập thêm 1 Địa đội thứ 5 để chuyển giao cho Tiểu đoàn tân lập. Trung tá Nguyễn Văn Cảnh xuất thân khóa 16 Võ Bị, bàn giao Tiểu đoàn 3 cho Thiếu tá Nguyễn Văn Sử, Khóa 20 Võ Bị để lập Tiểu đoàn 14 TQLC. Thiếu Tá Đinh Xuân Lãm, Khóa 17 VB giao Tiểu đoàn 5 cho Thiếu tá Phạm Văn Tiền Khóa 20 VBnguyên là Tiểu đoàn phó TĐ4TQLC. Người Sĩ quan Hành quân Huấn Luyện xuất sắc của Tiểu đoàn 4 là Đại Úy Nguyễn tri Nam được thăng cấp Thiếu tá lên thay Thiếu tá Tiền. Nam xuất thân từ khóa 22 Võ Bị. Theo kế hoạch, Thiếu tá Lãm thành lập Tiểu đoàn 16 TQLC. Hai Tiểu đoàn này đã thành hình tại Căn cứ Sóng Thần ở Thủ Đức. Tôi được lệnh sẽ bàn giao đơn vị cho Thiếu Tá Đinh Long Thành gốc Khóa 19 VB để thành lập Tiểu đoàn 18 TQLC. Riêng trong binh chủng TQLC, tiếp theo chân của các cựu Sinh viên sĩ quan Võ Bị khóa 16 lại là khóa 20, gồm các Thiếu Tá Phạm Cang, Phạm Văn Tiền, Lê Quang Liễn, Nguyễn Cao Nghiêm, Nguyễn Văn Sử.
Cũng trong thời gian này, trong một buổi nghe thuyết trình về “Kế hoạch diệt Chốt VC” tại Bộ Chỉ Huy của một Trung Đoàn của Sư Đoàn I Bộ binh, chợt có một Sĩ quan trẻ mang lon Trung Tá đến đứng nghiêm đưa tay chào tôi. Tôi vội đưa tay chào lại vừa nghe vị Sĩ quan này nói lớn :”Chào Niên Trưởng, tôi là Hoàng Mão Khóa 20” Trung tá Hoàng Mão là Trung đoàn Trưởng nhưng vẩn giữ truyền thống khóa đàn em và khóa đàn anh của Võ Bị khiến cho các Sĩ quan khác vừa ngạc nhiên vừa thầm phục.
Bây giờ, khi đánh giặc chúng tôi thường nhận ra nhau. Trên không trung có Trung tá Cao Quãng Khôi của Phi đoàn 213 Trực thăng. Ngoài biển có Hạm trưởng Nguyễn Duy Long, Nguyễn như Phú, Nguyễn Hồng Diệm, Hoàng Viết Thanh.Bên Lực lượng Nhảy Dù, có Lữ đoàn trưởng Lê Minh Ngọc, Trần Đăng Khôi, Tiểu đoàn trưởng Bùi Quyền nguyên Thủ Khoa khóa 16, Phạm Kim Bằng, Trần Như Tăng. Anh em chúng tôi chia nhau gánh nặng của cuộc chiến trên đôi vai.
Theo thời hạn , Tiểu đoàn 4 TQLC bàn giao tuyến phòng thủ để di chuyển về Phong Điền, Huế đặt dưới quyền của Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù. Trung Tá Nguyễn Thu Lương được đưa đi học Khóa CH&TM ở Long Bình nên Trung Tá Lê Minh Ngọc xuất thân Khóa 16 Võ Bị lên thay thế.Tiểu đoàn 4 TQLC được tăng phái Tiểu đoàn 130 Địa Phương Quân Huế để giữ phòng tuyến phía Tây của Cây số 17, từ bờ Bắc con sông Bồ lên tiếp giáp với Tiểu đoàn 7TQLC. Bên bờ Nam của sông Bồ là tuyến phòng thủ của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù dưới quyền chỉ huy của Trung tá Bùi Quyền nối với Sư đoàn I Bộ binh. Phía Bắc sông Bồ là phòng tuyến của Tiểu đoàn 5 TQLC tiếp giáp với TĐ4 TQLC. Sau năm 1972, thực tế Sư Đoàn Nhảy Dù là lực lượng Tổng Trừ Bị duy nhất của Quân Đội, trừ Lữ đoàn 3 ND tăng phái cho Sư Đoàn TQLC. Nay Lữ đoàn 3 cũng chỉ còn Tiểu đoàn 5 ND do tình hình căng thẳng ở mặt trận Thường Đức tại Đà Nẵmg. Nhìn chung, các Đại đơn vị của Việt Nam Cọng Hòa đều bị căng ra trên suốt lãnh thổ để ngăn quân CS lấn chiếm, như chúng đã xua cả một Sư đoàn chính qui được tăng cường Thiết giáp T54 cố chiếm An Lộc.Ngay cả lực lượng Tổng Trừ bị vốn đã ít ỏi lại phải phân tán nhỏ chống đở các mặt trận An Lộc, Thường Đức. Quân CS với nguồn tiếp vận gần như vô hạn từ Nga và Trung Cộng đã ngang nhiên lấn chiếm những cứ điểm trọng yếu chiến thuật, trước sự bất lực của Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến Quốc Tế và quay lưng của nước Mỹ đồng minh đã mệt mỏi. Do kinh nghiệm máu xương trong trận chiến năm 1972, dù đã hồi cư phần nào, nhưng người dân Quãng Trị vẩn còn ở thế chân trong chân ngoài. Dấu vết tang thương của “Đại lộ Kinh hoàng” vẩn còn sờ sờ trước mắt và còn mãi đến nagỳ nay và mai sau. TQLC đã phần nào đem đến cho người dân sự an tâm khi họ còn hiện diện. Bỗng dưng, TQLC trở thành một lực lượng diện địa, mất khả năng lưu động của một Đại đơn vị Tổng trừ bị với quân số đến 16 ngàn tay súng.
Cũng có dư luận bảo rằng do cựu Tư lệnh TQLC là Trung Tướng Lê Nguyên Khang có mối liên hệ chặt chẻ với Tướng NC Kỳ, từ sau ngày 1/11/63, nên Tổng thống Thiệu không muốn có đơn vị TQLC lanh quanh gần Sai Gòn vì sợ bị đão chánh. Sau ngày TQLC tái chiếm Cổ thành Quãng Trị, vào ngày 15/9/1972, việc trao phó trấn giữ vùng địa đầu là “Danh chính ngôn thuận” Trên thực tế, hành động này nông cạn và thiếu tầm nhìn chiến lược. Ngay một cấp chỉ huy cấp nhỏ cũng nhận thức được. Đánh trận lớn hay nhỏ gì cũng phải có trừ bị để ứng phó với những tình huống trên chiến trường.
Tiểu đoàn 4 TQLC với TĐ130 ĐPQ Huế tăng phái đóng một phòng tuyến trải dài trên một dải địa hình cao nhìn về chân rặng núi Trường sơn, qua một khe đồng bằng rộng độ 500 thước, giáp với xóm làng dọc con sộng Bồ. Từ Huế đi ra Quãng Trị, sau khi vượt cầu bắt ngang sông Bồ, con đường Quốc lộ I quanh lên ngọn đồi cao với đường sắt song song phía bên phải. Bộ Chỉ Huy TĐ4 chế ngự ngay trên đĩnh với hệ thống giao thông hào và hầm tránh pháo kích lệch về phía bình nguyên Phong điền nối ra Quãng điền vốn là nơi còn lăng mộ của Triều Chúa Nguyễn. Chính trên dải đất này, vào tháng 5 năm 1966, Trung tá Lê Hằng Minh với Tiểu đoàn 2 “TRâu Điên” đã bất ngờ bị VC phục kích. Do địa hình trống trải, chỉ có đồng cỏ lác và bụi cây lấp xấp hai bên trục lộ, Tiểu đoàn VC đã bị phản phục kích quyết liệt do 3 Đại đội tác chiến lọt ngoài vòng phục kích. Số quân VC rút chạy về núi Trường sơn đã bị xe Thiết vân Ontos của TQLC Hoa Kỳ từ căn cứ Hòa Mỹ bọc vòng hạ sát không còn một mống. Trung tá Lê Hằng Minh ngồi trên chiếc xe Jeep chạy giửa đoàn xe với mui mở trần còn treo vòng hoa ngay đầu xe cùng cới cặp lon Trung Tá TQLC màu bạc trắng hiển nhiên đã trở thành mục tiêu cho các họng súng phục kích nhắm vào. Tiểu đoàn phó là Thiếu tá Nguyễn Văn Hay, tự Hai Chùa, đã điều động quân phản công lấy lại thế chủ động chỉ trpng vòng nửa giờ giao chiến. Trung tá Lê Hằng Minh khi hy sinh đền nợ nuớc chỉ mới vừa ngoài 30 tuổi đời và còn độc thân, đã dành trọn đời mình trên khắp các mặt trân với nhiuề chiến công hiển hách. Chính ông là người chỉ huy Tiểu đoàn 2 TQLC đánh cho một Tiểu đoàn VC tan rả ở Phù Cát, Tam Quan, Bình Định khiến chúng hoãng sợ gọi là “Trâu Điên”. Dù là Trung Tá Tiểu đoàn trưởng, tài sản của ông không có gì ngoài chiếc đản Guitar và vài bộ chiến phục so với những ông Trung Tá ở hậu phương có nhà lầu, xe hơi, tiền của rủng rỉnh.
Giai đoạn này, Tiểu đoàn 4 TQLC phải lo an ninh sau lưng ngoài trận tuyến đối đầu với CS phía trước. Việc đầu tiên tôi phải làm là xuống tận phòng tuyến của các Tiểu đội để xem xét và nắm vững địa thế. Từ sáng, tôi cung với hai “Đệ tử” mang máy truyền tin và cận vệ lội bộ xuống nơi đóng quân của Tiểu đoàn 135 ĐPQ Huế rồi đi dọc theo phòng tuyến của các Đại đội cơ hữu, vừa quan sát vừa thăm hỏi từng người lính. Nơi đóng quân của họ, qua tháng năm dài trên tuyến đầu, không có gì nhiều ngoài chiếc võng treo trên hai thân cây cạnh giao thông hào bới lên chỉ toàn đá sỏi và chiếc ba- lô với nồi niêu cũng treo trên cành cây. Hàng tuần, Tiền trạm của Tiểu đoàn mua thực phẩm tươi từ Huế mang ra với gà vịt sống và rau tươi. Có người lính buồn tình mua một con vịt về cột giây ngay bên võng nằm. Hàng ngày, chàng ta cầm sẻng đi trước cuốc xuống đất bới trùn, con vịt lẹt bẹt chạy theo sau mổ rỉa lia lịa. Con vịt mập tròn khiến anh Y Tá Đại đội nẩy ra sáng kiến dùng kim chích rút máu từ cánh vịt ra làm tiết canh.Chổ nằm của Sĩ quan Đại đội trưởng cũng không hơn gì, ngoài chiếc băng ca thay giường năm cho thẳng lưng. Vào mùa mưa lũ, nấu ăn giửa rừng không dùng được bếp đào dưới đất phải treo trên ba cây que rồi mhóm lửa dưới tấm poncho. Vào mùa Hè, gió nóng từ Lào thổi qua hừng hực lại thêm muổi và bù mắt sinh sôi bám theo hơi người. Đời người lính chiến thật đầy gian khổ và sống chết cận kề.
Tuy trong Quân đội có cấp bậc và kỹ luật sắt thép nhưng người chỉ huy phải tự tạo ra mối gắn bó thân tình và uy thế lãnh đạo với thuộc cấp bằng chính trong lòng của mình, từ quả tim và khối óc. Các buổi sinh hoạt và huấn luyện hàng ngày sẽ giúp cho đơn vị sống động và luôn ở tư thế sẵn sàng. Ngoài các vị trí tác xạ chuẩn bị trước của Pháo Đội 105 ly TQLC, các đơn vị Súng Cối 81 và 60 ly cơ hữu của Tiểu đoàn cũng phải điều chỉnh sẵn trên các mục tiêu ngay trước phòng tuyến của các Đại đội.
Lúc này, hầu như ban đêm đơn vị phải đặt các tổ phục kích và gài mìn Claymore trên những đường mòn để chận đứng VC xâm nhập. Có đêm, sau tiếng mìn nổ vang dội là tiếng la khóc của nữ VC lén lút về Quãng điền tư trên núi. Từ khoảng tháng 6 năm 1974, có rất nhiều dấu hiệu VC hoạt động gia tăng. Bất ngờ thêm một lần nửa chúng đánh tràn qua tuyến phòng thủ của Tiểu Đoàn 5 TQLC sát bờ sông Bồ nhưng chúng bị đẩy lui ngay trong đêm. Bọn Tiền sát Pháo của VC từ trên núi cao, thỉnh thoảng đã bắt đầu nả pháo vào vị trí của Tiểu đoàn 4 TQLC. Nhờ giải mã được thông tin trên máy truyền tin của VC, ngay khi bị pháo, Tiểu đoàn đã dùng Cúng Cối 81 ly băn vào những điểm khả nghi của bọn Tiền sát khiến chúng phải ngưng ngay pháo kích. Đặc biệt, xóm làng của cố Tướng VC Nguyễn Chí Thanh bên bờ sông Bồ bị lảnh đạn khói cảnh cáo trước.
Từ trung tuần tháng 3 năm 1975, với khối lượng vũ khí của CS Nga và Tàu tràn ngập xuống Miền Nam trên hai trục lộ Đông và Tây Trường Sơn, được mệnh danh là đường mòn Hồ Chí Minh, CS Bắc Việt đã không ngần ngại ngày đêm nả pháo liên tục vào các vị trí đóng quân của TQLC cũng như Thiết Đoàn I Kỵ Binh và Tiểu Đoàn 175 ly ở phía Nam sông Bồ. Chúng đã dùng sức dân công và cơ giới đào móc vào chân núi những hầm chứa Khẩu đội Đại bác 130 ly. Súng được kéo ngay vào hầm sau khi tác xạ để tránh phản pháo.Do kinh ngiệm từ trận chiến tháng Tư năm 1972, nơi đóng quân của TQLC đều được đào hầm cẩn thận từ hố cá nhân đến hầm Bộ Chỉ Huy. Tuy nhiên, lần này VC sử dụng cả 3 loại đạn pháo kích, từ cở 100 ly đến 120 và 130 ly, loại nổ chụp từ trên không xuống, chạm nổ ngay trên mặt đất và nổ chậm sau khi đầu đạn chui sâu xuống lòng đất. Khi hai đơn vị chạm súng trên chiến tuyến, người lính còn biết cách né tránh. Nhưng khi nghe tiếng nổ khởi động, người ta vẫn quen gọi là tiếng “Đề Pa” theo Pháp ngữ, khó có thể lường được quả đạn rơi nơi nào. Lại còn quả đạn loại gì: nổ chụp, chạm nổ hay nổ chậm. Quả đân pháo cũng dể gây chấn động tâm lý hơn là đạn súng nhỏ. Khi nghe tiếng “ụt…ụt” dưới đất mới biết quả đạn nổ chậm. Tiếng nổ sâu dưới lòng đất làm rung chuyển như bị động đất. Từ cao điểm An Lỗ, tôi ngồi chứng kiến VC dập cả ngàn quả đạn pháo lên vị trí doanh trại của Tiểu đoàn Pháo Binh 175ly, trong khi Đài Phát thanh BBC của Anh quốc loan báo là 4 ngàn quả đạn pháo. Nhờ khẩu Pháo đặt trên xe bánh xích nên họ đã kịp thời di chuyển ra ngoài phạm vi doanh trại, trong khi VC cứ tiếp tục san bằng mục tiêu. Nhờ Đại đội phía trước báo cáo kịp thời, Pháo Binh của TQLC đã tập nả phản pháo nhanh chóng, khi Pháo 130 ly của VC còn nằm ngoài hầm trú ẩn, với những loạt đạn TOT( Target On Time). Tức là dùng cả 3 loại đạn Pháo tính toán làm sao cho nổ cùng một lúc trên mục tiêu. Hơn nửa, Pháo của VC luôn phải nhờ vào Tiền sát viên điều chỉnh nên suy đoán được vị trí khả hữu của Tiền sát viên cũng giúp giải quyết được trân địa Pháo như đơn vị đã diệt được 1 toán TSV VC ở bờ Bắc Sông Mỹ Chánh trước đây.
Dù sao, khi VC bắt đầu trân địa Pháo để cướp tinh thần và gây tỗn thất, chúng tôi cũng biết nằm chờ cuộc tấn kích trên bộ. Sau ngày Hoa Kỳ ngưng viện trợ, việc tiết kiệm đạn dược càng trở nên quan trọng. Tất cả mọi nguồn tiếp vận đều bị hạn chế đến mức khôi hài. Chẳng khác nào người Vỏ sĩ bị trói 1 tay khi giao đấu với địch thủ. Từ người khinh binh cũng phải được dạy không được xiết cò súng khi chạm địch mà phải biết nẩy cò từng 3 viên thật hiệu quả..Trên lưng một chiến binh TQLC, vào lúc này, ngoài ngoài quân trang và thực phẩm đủ ăn trong 3 ngày, còn phải mang 300 viên đạn M16 rời, từ 4 đến 6 quả lựu đạn và 1 ống phóng chống Tăng M72. Tổng cộng cũng đến gần 50 kí lô trên lưng 1 người lính nhỏ thó khiến cho người lính Mỹ to con rất ngạc nhiên. Sau năm 1972, người lính TQLC rất tự tin khi sử dựng ống phóng chống xe Tăng M72.Thẳng thắn mà nói, một Tiểu đoàn VC không thể đánh thắng một Tiểu Đoàn TQLC được, về mặt chiến thuật. Về chiến lược, TQLC là một Đại đơn vị Tổng trừ Bị của cả Miền Nam, bị đem ra tận giới tuyến sử dụng như một lực lượng địa phương rõ ràng là một thất sách. Không ai có thể tưởng tượng nỗi, sau năm 1975, Sư Đoàn TQLC vào tháng 3 năm 1975, quân số lên đến độ 16 ngàn tay súng. Khi thi hành lệnh di tản từ Quãng Trị về Đà Nẵng rồi bỏ Đả Nẵng về Cam Ranh, rồi Vũng Tàu, vào đầu tháng 4 năm 1975, trước được bổ sung dưa lên phòng thủ chiến tuyến Long Thành –Hố Nai, Biên Hòa, chỉ còn lại hơn 3 ngàn chiến binh mà chẳng trải qua một trận chiến nào.Do đó, một lần nửa xác nhận câu nói của nhà Binh thư Clausewitz :’ Chính trị quyết định quân sự”. Bất chiến tự nhiên thành. Ngư Ông hưởng lợi.Đau đớn thay choc ho số phận những Con Chốt. Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng người ta ước tính có đến 300 ngàn người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hi sinh ngã xuống cho lý tưởng Tự do và Độc lập cho Miền Nam Việt Nam trước hiểm họa khủng khiếp chưa từng có của Cộng Sản. Ngày nay, trên khắp nơi trên Thế giới Tự Do, hàng Triệu người Việt tự do có mấy ai quan tâm đến sự hy sinh cao cả của hàng trăm ngàn Người Lính ở Miền Nam Việt Nam trước đây, trong ấy có biết bao nhiêu Anh Linh Hào Kiệt và Nhân Tài.Xin các Tổ chức, Đoàn thể, Đảng phái không Cộng Sản hảy dành chút nỗ lực đễ đem lại Danh Dự cho Chiến binh của Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh đền nợ nước, từ khắp các nơi Định cư của Cộng Đồng Người Việt Không Cộng Sản. Và xin hãy nhắc nhở với con cháu mình phải nhớ đến ơn của những Tử Sĩ này mà họ có được cuộc sống như ngảy hôm nay.
Nhật Ký Hành Quân
Ngày 1 tháng 4 năm 1975: Cơ xưởng hạm 802 được lệnh từ Phủ Tổng Thống ghé bến Rạch Dừa đổ quân TQLC di tản từ Cam Ranh lên Vũng Tàu. Quân số còn sót lại của Sư Đoàn TQLC chỉ còn khoảng 3 ngàn súng kể cả Tư lệnh. Tôi được lệnh trở lại Hậu cứ của Tiểu đoàn 4 TQLC tại Trại Hoàng Hoa Thám trên đường Lê Lợi, xéo Trường Thiếu Sinh Quân, nhìn vào chân Núi Lớn. Với lưng 2 Đại đội tân lập, rút từ Tiểu đoàn 3 và 4 TQLC để thành lập Tiểu đoàn 18 TQLC theo kế hoạch năm 1974, tôi được lệnh thành lập lại Tiểu đoàn 4 TQLC khi đơn vị cũ của tôi bàn giao cho Thiếu tá Đinh Long Thành, xuất thân từ Khóa 19 Võ Bị, đã bị bỏ rơi trên bờ biển Thuận An, Huế, vào ngày 23 tháng 3 năm 1975.
Do Tư lệnh tạm trú tại cư xá của Tiểu đoàn trưởng, tôi cùng đám tùy tùng lăn vào khu tạm trú và Câu lạc bộ. Sau hơn 1 tháng dài mất ngủ từ Quãng trị, tôi mặc nguyên chiến phục ngả người xuống tấm nêm êm ái, dù không có tấm trải, thiếp đi như chết.
Rạng sáng ngày 2 tháng 4 năm 1975, tôi bị một người giật mạnh hai vai cố đánh thức tôi dậy. Mãi một lúc sau tôi mới tỉnh ngủ và nhận ra người bạn cùng khóa Võ Bị mặc chiến phục Bộ binh với cấp hiệu Trung tá. Hồ Văn Hòa vẫn giử chặt một tay tôi, nói lớn: “Toàn Cao Bồi! Tao là Hồ Văn Hòa đây” Thảo nào lính gác TQLC đã cho Hòa vào tận giường ngủ của tôi. Tôi cố trấn tĩnh: “ Ừ, tao biết rồi. Mày đi đâu lạc vào đây?” Hòa nói giọng sang sảng:” Tao chạy từ Nha Trang về đây. Mày cho tao mượn một chiếc xe Jeep để về Sài Gòn” Tôi ngồi thẳng lên, trả lời:” Tình hình bây giờ biến động không ngừng, mày biết rồi. Tao sẽ bảo Chỉ Huy Hậu cứ cho mày mượn một chiếc xe Jeep. Nhưng mày phải hứa với tao là cho xe về lại Vũng Tàu ngay trong ngày. Còn nếu mày không giữ lời thì nhớ từ nay đừng thấy mặt tao nửa.” Hòa cười đáp:” OK nghe rỏ 5/5 rồi.” Nửa tiếng đồng hồ sau, Hòa tươi tĩnh bắt tay tư giả tôi lên xe về Sài Gòn.Từ đó, tôi không gặp lại Hồ Văn Hòa mãi đến năm 1990 ở Nam California. Hòa nổi danh trong trận đánh VC ở Chợ Lớn vào Tết Mậu Thân 1968 khi chỉ huy Tiểu đoàn 35 Biệt Động Quân rồi sau đó lên như diều gặp gió.
Khối Bổ Sung của TQLC đã đưa xuống Hậu Cứ TĐ4 TQLC từng đơn vị cấp Đại đội để nhanh chóng tái lập Tiểu Đoàn 4 TQLC. Lập tức đơn vị nhận lệnh lập Chốt kiểm soát tại Cầu Cây Khế để thanh lọc vô số quân lính di tản về từ Miền Trung với vũ khí nhưng không còn đơn vị.
Ngày 3 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn 4 TQLC tân lập nhận lệnh phối trí quân phòng thủ Vũng tàu, từ Bãi Dâu đến Bến Đình. An ninh và trật tự đã vãn hồi sau nhiều đợt người chạy giặc từ Miền Trung vào.
Ngày 4 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn 4 TQLC tiếp tục nhận thêm quân số bổ sung cùng với một số lính và Sĩ quan tản lạc thoát về từ Đà Nẵng.
Ngày 5 tháng 4 năm 1975, quân số tham chiến của Tiểu đoàn 4 TQLC đã vượt lên con số 700 với trang bị đầy đủ. Trong khi, tin tức ghi nhận Nha Trang đã lọt vào tay Cộng Sản.
Ngày 6 tháng 4 năm 1975, tin tức từ thân nhận ở Sài Gòn cho biết Mỹ đang chuẩn bị di tản ra khỏi Việt Nam. Một Sĩ quan TQLC Hoa Kỳ mang cấp Trung Tá từ Ham Đội 7 bay vào gặp các đơn vị trưởng TQLC để lấy tin tức về cuộc di tản ở Quãng trị và Đà Nẵng. Ông ta chú trọng đến việc cư xử của CS với tù binh.
Tin tức cho biết, từ Văn phòng Cố Vấn TQLC Hoa Kỳ ở Sài Gòn, Trung tá Joey Strickland đã bàn giao và trở về Mỹ.
Ngày 7 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn 4TQLC được lệnh bảo vệ chiếc tàu buôn neo ngoài khơi cửa Cần Giờ khi lương thực được Tiếp vận của Sư Đoàn TQLC thực hiện.Nghe nói chiếc tàu này do người cha của Trung Úy Nguyễn ngọc Toàn, Biệt đội Quân Báo Sư đoàn làm chủ.
Ngày 8 tháng 4 năm 1975, tin tức từ Bưu điện Vũng Tàu cho thấy mổi ngày các Thành phố Qui Nhơn, Nha Trang, Phan Rang đã rơi vào tay Cộng Sản. Tình hình chính trị ở Sài Gòn ngày cang rối beng.
Lữ đoàn 468 Trừ với Tiểu đoàn 14 và 16 TQLC đang hành quân diệt địch ở Long An.
Ngày 14 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn 14 TQLC do Trung tá Nguyễn Văn Cảnh chỉ huy từ Thủ Đức di chuyển về Vũng tàu để bàn giao vị trí phòng thủ với Tiểu đoàn 4 TQLC.
Ngày 15 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn 4 TQLC được lệnh lên xe đi Biên Hòa đặt dưới quyện của Lữ Đoàn 147 TQLC do Đại Tá Nguyễn Năng Bảo chỉ huy.
Tiểu đoàn 4 TQLC được phối trí trên một hương lộ từ Quốc lộ I vào bờ sông Đồng Nai, tiếp giáp với Tiểu đoàn 2TQLC phía Tây Bắc và Tiểu đoàn 6 TQLC phía Đông Nam. Trấn giữ trên trục lộ QL I là Tiểu đoàn 6 TQLC dưới quyền Trung tá Lê Bá Bình. Chỉ Huy Tiểu đoàn 2 TQLC “ Trâu Điên” là Thiếu tá Trần Văn Hợp.
Ngày 16 tháng 4 năm 1975, Phối trí lực lượng dọc theo tuyến phòng thủ, phối hợp hàng ngang với Tiểu đoàn 2 TQLC sát bờ sộng Đồng Nai, hướng về phía cánh đồng cỏ vốn được mệnh danh là Hố Nai. VC pháo vào Phi trường Biên Hòa và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 147 TQLC. Tầm đạn pháo trệch ra ngoài cả cây số với hàng chục quả pháo nổ vào khu dân cư Công giáo di cư năm 1954.
Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn tiếp nhận 4 tân Thiếu Úy tốt nghiệp khẩn cấp từ Khóa 28 và 29 của Trường Võ Bị Quốc Gia đã di tản khỏi Đà Lạt về Long Thành. Là khóa đàn anh, Tiểu đoàn trưởng phải nói rỏ tình hình chiến sự cho đàn em và nhắc họ luôn bám sát theo đơn vị dưới mọi tình huống. Bốn tân Sĩ quan được phân phối đến 4 Đại đội tác chiến
Ngày 18 tháng 4 năm 1975, một số hỏa tiển TOW được đưa đến Tiểu đoàn để tăng cường hỏa lực chống xe Tăng T54 của CS. Tiếp tế từ Hậu cứ Vũng Tàu lên cho biết Sư đoàn 18 Bộ binh đang bị áp lực nặng của 3 Sư đoàn CS Miền Bắc từ Cao nguyên Ban Mê Thuột và Phan Rang đang tháo lui về Phước Tuy.
Ngày 19 tháng 4 năm 1975, tin tức cho biết Không quân Việt Nam đã thả xuống vùng Dầu Giây 2 quả bom CBU của Mỹ sót lại tiêu diệt cả Trung đoàn CS.
Ngày 20 tháng 4 năm 1975, Thiết giáp T54 của CS mon men xuống từ Túc Trưng ngay trên Quốc Lộ I đã bị Tiểu đoàn 6 TQLC bắn hạ 2 chiếc khiến địch quay đầu chạy ngược về hướng Bắc. Không thấy quân bộ tùng thiết. Có lẽ, CS nghe tin quân đội Cộng Hòa đã tan rả .
Ngày 22 tháng 4 năm 1975, tin tức cho biết Pnom Penh của Cao Miện đã rơi vào tay Kmer Đỏ. Khi cùng Thiếu tá Trần Văn Hợp ra Ngà Ba Tam Hiệp ghé một Tiệm Mì đã gặp Nhiếp ảnh viên chiến trường Sean Flynn cho biết đã thoát hiểm về Sài Gòn. Được biết Sean Flynn là con trai của tài tử Hollywood Erol Flynn ghé vào mượn xe lên Dầu Giây săn ảnh. Theo Flynn, Kmer Đỏ đã tàn sát dân Miên không gớm tay với cuốc xẻng, mã tấu khi chiếm được Nam Vang nhưng chàng ta không tin CS Việt Nam sẽ tắm máu Miền Nam do hiệp ước với Hoa Kỳ.
Gia đình từ Sài Gòn chạy lên thỉnh cầu bỏ đơn vị để về Sài Gòn di tản theo đề nghị của Trung Tá Strickland. Thà chết chứ không đào ngũ và yêu cầu gia đình tự lo lấy.
Ngày 23 tháng 4 năm 1975, Thiết đoàn 3 Kỵ Binh và một số quân của Sư đoàn 18 BB đã rút về Long Bình.Phòng tuyến của TQLC từ Long Thành đến Hố Nai vẫn còn nguyên vẹn với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC do Đại Tá Nguyễn Thành Trí Tư Lệnh Phó chỉ huy trấn đóng tại Long Bình.
Ngày 24-25-26-27-28 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn đật trong tình tráng báo động nhưng tuyệt nhiện không thấy bóng dáng VC, ngoại trừ pháo dằn mặt hàng đêm.
Ngày 29 tháng 4 năm 1975, vào lúc 4 giờ chiều nhận lệnh rút quân theo Quốc Lộ I và tập trung tại cầu Đại Hàn Biên Hòa chờ lệnh. Đơn vị dừng tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoản III hoàn toàn bỏ trống. Văn phòng của Tư Lệnh vẫn con nguyên với đèn sáng và Cờ hiệu 3 sao cùng với bảng tên Trung tướng Nguyễn Văn Toàn. Phía bên kia đường QLI, Trung Tá Nguyễn Lô, với danh hiệu truyền tin “Sông Lô” đã gọi máy liên lạc hàng ngang và cho biết sẽ rút theo hướng cầu Sắt Biên Hòa về Sài Gòn. Trọn một đêm thức hành quân bộ về tới chân cầu Đại Hàn.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đại Tá Tư Lệnh Phó họp các Đơn vị trưởng phia bên kia cầu với lệnh rút quân về Căn cứ Sóng Thần. Với 5 chiếc quân xa điều động được, các đơn vị luân phiên lên xe về Thủ Đức. Số còn lại tiếp tục mở đường bộ dọc theo Quốc Lộ I. Lúc 10 giờ, Hạ sĩ Nguyễn Văn Sơn cầm chiếc máy Radio nhỏ chạy tới nói cà lăm: “Ông Dương Văn Minh kêu gọi buông súng, Đại bàng ơi” Nổi điên, Tiểu Đoàn trưởng gạt phắt la: ”Dẹp đi. Tiếp tục về Căn cứ Sóng Thần rồi tính sau” Đoàn quân tiếp tục về tới Căn cứ Sóng Thần ở Thủ Đức.
Đứng trước hàng quân, Tiểu đoàn trưởng nói:” Bây giờ chúng ta không còn cấp chỉ huy nửa. Các anh em hảy bỏ súng xuống trong Trại rồi ra về. Nhớ mang theo đầy đủ thực phẩm và quần áo. Ai ở vùng quê đừng vội về nhà vì bọn du kích rất nguy hiểm. Ai muốn mang vũ khí thì hảy nhớ dấu cho kỷ. Thày trò nhìn nhau ngơ ngẩn rồi âm thầm chia tay trong tiếng súng và Đại bác vọng lại từ hướng Lái Thiêu. Đám đệ tử của Tiểu đoàn trưởng đã nhanh chân tìm đâu ra bộ quần áo dân sự cho “Đại Bàng” thay ra. Đại bàng thủ khẩu súng Colt 45 sau lưng để ngừa bất trắc. Thế là hết.
Trần Ngọc Toàn Cựu SVSQ/Khoá 16 TVBQGVN
No comments:
Post a Comment