PHẦN 1 .
Trịnh Y Thư : « Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết miêu tả cảnh nghèo khó, cùng bĩ của một gia đình trí thức Hà Nội vào đầu thập niên 80. Tầm vóc của cuốn tiểu thuyết lớn hơn thế nhiều, bởi nó đã vượt qua đường biên của những tranh chấp chính trị thấp kém, những ý thức hệ ngông cuồng và nhất là nó dám trực diện với cái bản ngã vẫn ẩn nấp trong mỗi chúng ta mà bằng cách này hay cách khác chúng ta chối bỏ ».
Trịnh Y Thư : « Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết miêu tả cảnh nghèo khó, cùng bĩ của một gia đình trí thức Hà Nội vào đầu thập niên 80. Tầm vóc của cuốn tiểu thuyết lớn hơn thế nhiều, bởi nó đã vượt qua đường biên của những tranh chấp chính trị thấp kém, những ý thức hệ ngông cuồng và nhất là nó dám trực diện với cái bản ngã vẫn ẩn nấp trong mỗi chúng ta mà bằng cách này hay cách khác chúng ta chối bỏ ».
Trên đây là nhận xét của nhà thơ Trịnh Y Thư khi viết về cuốn tiểu thuyết đã được Nguyễn Xuân Khánh hoàn tất hơn 30 năm về trước, nhưng mới chỉ chính thức đến được với độc giả vào mua thu 2016.
Tuy là tác phẩm đầu tiên trong số bốn cuốn tiểu thuyết đưa tên tuổi ông đỉnh cao trên văn đàn Việt Nam, song Chuyện ngõ nghèo với cái tên nguyên thủy là Trư cuồng, lại lận đận hơn cả, so với những Hồ Quý Ly (2000), Mẫu Thượng Ngàn(2008) hay Đội gạo lên chùa (2011).
Chuyện ngõ nghèo nói về Hà Nội thời kỳ bao cấp, đầu thập niên 1980, khi mà « cao trào nuôi lợn đang dâng ». Cấu trúc Về hình thức, cuốn tiểu thuyết gồm ba phần : những trang nhật ký mà tác giả gọi là Nhật ký lợn. Phần giữa mang hình thức những truyện ngắn –Hành trình vào Hỗn mang, là những giấc mơ trong cơn mê sảng vật vã suốt thời gian đau ốm của nhân vật ghi chép cuốn nhật ký. Đoạn kết Nhật ký lợn là phần ba cuốn sách.
« Sống với lũ lợn còn thấy vui hơn »
Trịnh Y Thư : « Tôi có cái duyên gặp nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hồi đầu năm 2017 trong dịp về thăm Hà Nội. Dù đang hồi phục sau một ca mổ, ông vẫn niềm nở đón tiếp tôi tại tư gia và qua câu chuyện trao đổi tôi nhận ra ngay đây là một trí thức nhiều tâm huyết, một nhà văn đáng kính phục. Ông kí tặng tôi cuốn tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo mới xuất bản, mà trước đó tôi chỉ đọc loáng thoáng trên báo chí ở hải ngoại.
Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết miêu tả cảnh nghèo khó, cùng bĩ của một gia đình trí thức Hà Nội vào đầu thập niên 80. Kì thực, tầm vóc của cuốn tiểu thuyết lớn hơn thế nhiều, bởi nó đã vượt qua đường biên của những tranh chấp chính trị thấp kém, những ý thức hệ ngông cuồng, những cuộc chém giết bạo tàn, những hận thù chồng chất, và nhất là nó dám trực diện với cái bản ngã vẫn nằm ẩn nấp trong mỗi chúng ta mà bằng cách này hay cách khác chúng ta chối bỏ, không chịu nhìn nhận nó là một phần con người.
Tác giả gọi cái bản ngã ấy là Trư cuồng. Và nếu định nghĩa tiểu thuyết là cuộc truy tìm bản ngã thì cái tố chất lợn cuồng điên ấy đã được Nguyễn Xuân Khánh lật phải lật trái lật ngang lật dọc, đã được đặt dưới ống kính hiển vi cho chúng ta ngắm nhìn, quan sát kĩ càng, tường tận. Không nhìn ra nó, phần lỗi ấy chẳng những bởi thị lực và tâm trí chúng ta yếu kém mà còn vì chúng ta đã tự đóng chốt xây một hàng rào thành kiến che kín lương tri :
“Nhật ký này là của ông Nguyễn Hoàng; ông Hoàng làm nghề viết báo, kiêm nghề nuôi lợn. Có lẽ, khi làm nghề cầm bút, ông đã phạm một cái ‘húy’ gì đó nên bị thất sủng, phải về nghỉ hưu, tuy chưa đến tuổi . . .”
Qua những trang sách sau đó chúng ta biết ông Hoàng sống với mẹ già, vợ và bốn con trong một căn nhà tồi tàn ở ven đô Hà Nội. Nhà ông Hoàng nghèo lắm, và như rất nhiều người dân Hà Nội thời bấy giờ, ông xoay ra nghề nuôi lợn.
Ông Hoàng có hai người bạn thân, ông Lân và ông Tám. Ông Lân là một thương binh, nuôi lợn gần như chuyên nghiệp, chính ông là người chua chát buông câu nói : “Sống với lũ lợn còn thấy vui hơn.”
Còn ông Tám là một giáo viên dạy sinh vật cấp ba, nhưng tính tình ông gàn bướng, thậm chí hơi bất thường. Đang dạy học, ông xin nghỉ ngang nằm nhà viết sách về lợn mà ông gọi là Bách khoa lợn. Ông Hoàng thi thoảng nhận được một trích đoạn Bách khoa lợn mà càng đọc ông càng khiếp hãi ».
RFI : Nếu như chuyện nuôi lợn của ông Hoàng chỉ có thế thì chắc chẳng có gì đáng nói. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh là cuốn tiểu thuyết đa tầng : ở tầng thứ nhất là cảnh nghèo, nhưng chúng ta nên đọc nó như thế nào để thấu triệt được những điều tác giả muốn nói đến ở tầng cao hơn ?
Trịnh Y Thư : « Thưa đúng vậy, tác giả ở đây đã không cho phép chúng ta lười lĩnh tự ru ngủ với một câu chuyện tuy thương cảm, bi thiết nhưng nói cho cùng chẳng qua chỉ là chuyện thời cuộc thế gian xoàng xĩnh. Tác giả không dừng ở đấy, ông bắt chúng ta phải trực diện một vấn nạn gai góc, khó nhằn hơn nhiều: cái bản ngã lợn hay Trư cuồng, nói theo ngôn từ của ông.
Câu chuyện nuôi lợn của ông Hoàng bắt đầu đi vào giai đoạn có nhiều biến cố từ khi ông mua thêm một con lợn con có đôi mắt như mắt bò và lớp lông màu hung vàng như “cỏ tranh vàng khô vào mùa lá rạc ở Tây Bắc” mà ông đặt tên là Lợn Bò.
Ông đã có sẵn trong chuồng ba con lợn ỉn. Lúc mới về Lợn Bò chịu lép vế ba con lợn ỉn, không dám tranh ăn, khi nằm ngủ phải tìm góc chuồng dơ bẩn, thậm chí còn bị ba con kia cắn tai, húc mõm vào bụng. Nhưng con Lợn Bò ăn hăng lắm, nó tận tình vét máng mỗi lần ăn và nhờ thế tăng trọng nhanh chóng hơn ba con kia. Một hôm khi đã to khỏe đủ, nó đánh lại ba con lợn ỉn và cuộc chiến tranh trong chuồng lợn bùng nổ » .
Từ chuồng lợn đến vai trò của người nắm quyền lực
Trịnh Y Thư : « Cái chuồng lợn nhà ông Hoàng không khác cuộc đời ngoài kia bao nhiêu, nó là sân khấu chính trị, với tất cả những đấu tranh hận thù tàn bạo mà kẻ mạnh có toàn quyền “cắt tiết” những kẻ yếu hơn mà không chịu suy tôn thần phục chịu làm nô lệ cho mình. Ông Hoàng suy ngẫm. Thoạt tiên là ý nghĩ về từ “đồ tể.” Qua những trang viết rời từ cuốn Bách khoa lợn không bao giờ xuất bản của ông Tám, ông Hoàng nghiệm ra ý nghĩa khiếp hãi của vai trò người nắm quyền lực trong tay:
“Tìm từ nguyên của từ ‘đồ tể’ thấy gồm hai thành tố: tiền tố ‘đồ’ và hậu tố ‘tể’. Riêng hậu tố ‘tể’ chỉ thấy hiện diện trong hai từ khác: chúa tể và tể tướng. Hóa ra anh làm nghề giết lợn lại có họ hàng gần với những bậc chí cao: ông vua và quan đại thần tột bậc.
Họ gần gũi nhau ở điểm gì? Xét cả ba nghề làm vua, làm quan, giết lợn, thì thấy cả ba giống nhau ở chỗ đều có quyền giết chóc kẻ khác. Vua và tể tướng có quyền giết dân, đồ tể có quyền giết lợn. Giết người là một quyền uy to lớn nhất, tối cao nhất trong mọi quyền. Suy cho cùng, có thể nói nghề vua quan cũng là một thứ nghề đồ tể; chỉ có khác, đối tượng giết ở đây là con người.”
« Trong tim ai cũng có sẵn một anh đồ tể »
Trịnh Y Thư : « Qua con Lợn Bò, ông Hoàng bắt đầu nhìn thấy hình ảnh của Trư cuồng. Đây là ẩn dụ chính trong cuốn tiểu thuyết nhiều ẩn dụ này. Hình như bất cứ ai cũng có thể là một anh đồ tể, trong tim ai cũng lấp ló một anh đồ tể sẵn sàng chém giết không gớm tay. Cái xấu, cái ác tràn ngập thế gian. Tuy vẫn còn u minh mờ mịt, ông mơ hồ cảm nhận được trong con người ông “thiếu vắng một cái gì rất cơ bản mà ông không sao xác định nổi.” Ông run rẩy vì “chợt có lúc thoáng thấy nỗi sợ hãi của phi nhân…” Ông vẫn yêu thương cuộc đời, vẫn yêu hình ảnh con sông Đuống mộng mơ của bạn ông, hay những dãy phố cổ nghiêng nghiêng trong tranh người bạn khác, nhưng ông muốn “vươn khỏi cái hạn hẹp để hành trình đến cái đích thực nhân đạo.” Mơ hồ nhưng day dứt, ông bị điều ấy hành hạ ngày đêm ».
Trong chương trình kỳ tới, RFI Việt ngữ xin được tiếp tục nói chuyện với nhà thơ Trịnh Y Thư về Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh, để tiếp tục khám phá thêm những ẩn dụ khác từ « chuồng lợn » lan ra xã hội bên ngoài.
No comments:
Post a Comment