Tranh L'origine du monde của Gustave Courtbert .
Bức họa nổi tiếng ‘‘Cội nguồn nhân gian’’ của danh họa Pháp Gustave Courbert một lần nữa lại gây sóng gió. Lần này là với Facebook. Lần đầu tiên tập đoàn tin học Mỹ bị kiện ra tòa án Pháp. Việc Facebook đóng cửa tài khoản của một giáo viên Pháp đưa bức tranh này lên mạng hồi 2011, là nguồn cơn vụ kiện.
Bức họa nổi tiếng ‘‘Cội nguồn nhân gian’’ của danh họa Pháp Gustave Courbert một lần nữa lại gây sóng gió. Lần này là với Facebook. Lần đầu tiên tập đoàn tin học Mỹ bị kiện ra tòa án Pháp. Việc Facebook đóng cửa tài khoản của một giáo viên Pháp đưa bức tranh này lên mạng hồi 2011, là nguồn cơn vụ kiện.
Ông Stéphane Cottineau, luật sư của nguyên đơn đòi Facebook phải bồi thường 20.000 euro tiền bổi thường, giải thích : « Chúng tôi đòi hỏi cụ thể là tài khoản của khách hàng của chúng tôi phải được mở trở lại. Việc này là quan trọng, bởi vì ông ấy đã bị kiểm duyệt, bị loại trừ, và điều này khiến ông ấy rất khổ sở. (…) Ông ấy là một giáo viên, ông ấy yêu thích nghệ thuật, muốn dùng Facebook để chuyển tải niềm đam mê nghệ thuật của ông ấy. Vậy mà, giờ đây ông ấy lại bị gạt sang bên lề, phần nào bị coi như một kẻ làm ảnh khiêu dâm, như là một kẻ bỏ đi, không đáng tin, một kẻ có những sở thích bệnh hoạn. Mà điều này hoàn toàn không phải như vậy.
Khi làm điều này, Facebook đã tấn công vào một nguyên tắc cơ bản với chúng ta, đó là tự do biểu đạt. Mới đây thôi, và điều này thật sự là kỳ quặc, tôi được biết có những người đã bị kiểm duyệt, chỉ vì đưa lên mạng bức tranh ‘‘Tự Do dẫn đường cho nhân dân’’ của Delacroix ».
Bảo vệ triệt để quyền tự do của các cá nhân, nhưng đồng thời làm sao để các hành động ngôn luận tự do không xâm phạm đến người khác luôn là một thách thức kép của nền dân chủ.
Các luật sư của Facebook bác bỏ hoàn toàn động cơ kiểm duyệt, và cho rằng không có bất cứ liên hệ nào giữa việc tài khoản nói trên bị đóng và bức họa của Courbet. Tuy nhiên, tập đoàn tin học Mỹ hết sức tránh đi vào tranh luận về « chính sách điều hòa » thông tin của hãng trên mạng xã hội này.
Chính sách kiểm duyệt của Facebook lâu nay bị khá nhiều chỉ trích, đặc biệt về lĩnh vực tranh ảnh khỏa thân. Trong quy tắc sử dụng mới công bố, Facebook cho biết sẽ dành cho mình quyền xóa bỏ các thông điệp cũng như tranh ảnh kích động bạo lực. Về vấn đề khỏa thân, quy tắc là rất rõ ràng : Không được hở vú, hở các bộ phận sinh dục, và mô tả các hành động tình dục. Trừ trong nghệ thuật.
Ông Zuckerberg cho biết đã tuyển thêm 3.000 điều tiết viên, bên cạnh 4.000 người hiện nay. Các luật sư bên nguyên khuyến nghị các điều tiết viên Facebook nên theo học môn lịch sử nghệ thuật, để phân biệt được nghệ thuật với khiêu dâm khác nhau thế nào.
Ngày 15/03 tới tòa sẽ ra phán quyết về vụ này.
Trung Quốc : Phóng viên tố cáo bị cản trở, chính quyền hỏi : « Ai đồng ý…, giơ tay ! »
Các luật sư chống kiểm duyệt chắc có nhiều việc để làm tại Trung Quốc, nếu như chính bản thân họ không bị nhà cầm quyền ngăn cấm. Tuy nhiên, để ngăn chặn tự do ngôn luận tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh còn có nhiều biện pháp khác ngoài kiểm duyệt.
Hôm thứ Ba 30/01 vừa qua, theo AFP, Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) công bố một điều tra cho thấy điều kiện làm việc trong năm 2017 tại Trung Quốc tồi tệ hơn trước. 72% trong số khoảng 100 phóng viên được phỏng vấn, cho biết ít nhất một lần bị ngăn cản trong công việc bởi công an, viên chức chính quyền hoặc các cá nhân không rõ danh tính. Thậm chí có đến 8% trong số họ bị hành hung.
Theo điều tra này, một thủ đoạn phổ biến là chính quyền đe dọa các phóng viên không gia hạn visa, để buộc họ phải công bố các bài vở có lợi hơn cho Trung Quốc.
Ngay sau khi điều tra được công bố, trong buổi họp báo thường lệ hôm thứ Ba, phát ngôn viên Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) yêu cầu các nhà báo có mặt : « Trong số các vị, ai đồng ý hoàn toàn (cũng hàm nghĩa : nếu đồng ý một phần, không được mời trả lời – người viết) … với bản báo cáo của Câu lạc bộ các phóng viên nước ngoài ? Xin mời giơ tay và cho ý kiến ! ».
Không ai đáp lời. Người phát ngôn Trung Quốc lập tức nói thay : « Như vậy bản báo cáo không đại diện cho quan điểm của hơn 600 nhà báo ngoại quốc tại Trung Quốc ! ».
Về thái độ của đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc, một số người lên án thái độ trơ trẽn, một số khác thì ghi nhận : biến cuộc họp báo chí quốc tế thành một buổi lấy ý kiến trong nội bộ đảng, chính quyền, phát ngôn viên Trung Quốc quả là bậc thầy về nghệ thuật biến có thành không.
No comments:
Post a Comment