Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước “dân chơi” thứ dữ
Ở các nước có nền tài khóa minh bạch thì ngân hàng phá sản trước, doanh nghiệp phá sản sau vì ngân hàng không tạo ra thặng dư. Việt Nam nằm ngoài quy luật ấy với cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà nội |
Có người gọi ông Đoàn Ngọc Hải là “dân chơi Sài Gòn” khi nói dọn vỉa hè là đập thềm, cẩu xe lập biên bản ngay. Ổng “từ quan” đúng như tuyên bố nếu không làm được dứt điểm chuyện dọn dẹp vỉa hè Sài Gòn. “Từ quan” chưa đủ, ổng từ chối luôn cuộc họp từ quan.
Nhưng so với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thì ông Hải chỉ là “dân chơi” cấp quận. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mới là “dân chơi” thứ dữ. Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định cho vay lãi suất 0% với Ngân hàng “bị kiểm soát đặc biệt”.
Đại án Ngân hàng xây dựng cũng bắt đầu từ việc ngân hàng này bị “kiểm soát đặc biệt” trước đó. Và các ngân hàng dạng này đều có vấn đề về kinh doanh khi càng cho vay càng… lỗ. Và đều liên quan đến một nhóm lợi ích nào đó.
Ngân hàng thì không tạo thặng dư như doanh nghiệp mà được vay lãi suất 0%. Doanh nghiệp được vay 0% chỉ có doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) nhưng có vô số điều kiện rào cản theo thông tư 14/2016 của Bộ KHCN. Doanh nghiệp bình thường phải chịu lãi suất từ 6,8-9%/năm.
Điều hành Ngân hàng như thế vừa duy ý chí vừa phản khoa học và sai nguyên tắc tài khóa làm ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước. Ví dụ phần lãi suất ưu đãi ấy cho ngân hàng “bị kiểm soát đặc biệt” mà có thì Ngân sách (thuế dân) không phải gánh hậu quả từ việc điều hành dòng vốn của các cá nhân lãnh đạo Ngân hàng làm lợi cho nhóm lợi ích.
80-85% vốn BOT từ ngân hàng. Bất động sản cũng không kém. Và dân thì gánh lãi suất trên vé qua trạm BOT hay mua nhà của dự án bất động sản còn ngân hàng làm ăn thua lỗ lại được “bảo kê” về lãi suất như vậy hỏi công bằng ở đâu?
Dân thì được lợi ích nào đâu khi ngân hàng bị “kiểm soát đặc biệt” được hưởng lãi suất 0%!
Đất nước được lợi ích nào đâu khi doanh nghiệp, người dân vò đầu, bứt tai tìm vay lãi suất thấp bởi vô số chướng ngại về thủ tục!
Chỉ nhắc lại là ở các nước có nền tài khóa minh bạch thì ngân hàng phá sản trước, doanh nghiệp phá sản sau vì ngân hàng không tạo ra thặng dư. Việt Nam nằm ngoài quy luật ấy với cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước?
Mỹ giám sát ngân hàng bằng cơ quan CAMELS, là viết tắt của các từ tiếng Anh gồm: C – Capital (Vốn); A – Asset Quality (Chất lượng tài sản có); M – Management (Quản lý); E – Earnings (Lợi nhuận); L – Liquidity (Thanh khoản); S – Sensitivity to market risk (Độ nhạy cảm với rủi ro thị trường, đặc biệt là rủi ro lãi suất). 6 cấu phần này là cơ sở để thanh tra viên kiểm tra từng phần một, sau đó tiến hành đánh giá (Ratings) với 5 mức độ từ 1 – 5.
Ngân hàng Nhà nước giám sát các ngân hàng Việt Nam cũng trên nguyên lý cơ sở này vậy mà vẫn xảy ra đại án và có lãnh đạo phụ trách thanh tra giai đoạn tiền đại án về hưu an toàn.
Tôi tự hỏi nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoặc Thanh tra Chính phủ áp dụng nguyên lý CAMELS thì điều gì sẽ xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước?
Một giải Ig Nobel (ngược với giải Nobel) chăng? Vì từ khi cuộc chống tham nhũng diễn ra đến nay đã có không ít “dân chơi” giờ ngồi chăn kiến trong khám rồi!
Mai Quốc Ấn
(FB Mai Quốc Ấn)
No comments:
Post a Comment