Saturday, February 24, 2018

Plato: Ngụ ngôn về cái hang

Posted by admin on June 1, 2016
Nguồn : http://sieusangtao.net/2016/06/01/plato-ngu-ngon-ve-cai-hang/

“Điều gì đã hoàn thành rồi sẽ bắt đầu lần nữa, điều gì đã được làm xong rồi sẽ được làm xong lần nữa; dưới ánh mặt trời, không có thứ gì hoàn toàn mới.”-- Vua Solomon 


Plato (Athen- Hi Lạp 427 TCN – 347 TCN) được xem là triết gia có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến nền văn minh phương Tây. Ông là học trò của Socrates, và nhờ ông chúng ta có những thông tin quan trọng về Socrates. Ông đã thành lập trường đại học đầu tiên – Academy. Aristotle cũng là một học sinh của học viện này. Công trình nổi tiếng nhất của Plato là cuốn “Cộng Hòa”, trong đó ông viết về mô hình của một xã hội lý tưởng được điều hành bởi những nhà triết học. Plato đã để lại dấu ấn sâu sắc lên sự phát triển của rất nhiều tư tưởng sau ông. Và điều đó còn kéo dài đến tận ngày nay ở xã hội phương Tây hiện đại.

Ngụ ngôn về cái hang
Plato đã giải thích tri thức của mình bằng câu chuyện ngụ ngôn về một cái hang. Chuyện ngụ ngôn này được tìm thấy trong cuốn thứ bảy của tác phẩm “Cộng Hòa”. Nó rất sống động và thường được trích dẫn như một ví dụ quan trọng.
Plato bảo chúng ta hãy tưởng tượng ra một cái hang. Bên trong, có nhiều người đang bị xiền xích, bọn họ chỉ nhìn vào vách đá trước mặt và không thể xoay người để nhìn qua hướng khác. Bởi vì những sợi xích, họ không thể nhìn thấy bất kỳ ai ở bên cạnh cũng như lối ra của cái hang ở ngay sau lưng mình. Nguồn sáng duy nhất bên trong hang là một đám lửa trại. Ở giữa mọi người và đám lửa có một màn che, phía sau màn che, những người khác đang qua lại như thể làm việc gì đó. Những người này mang theo nhiều bức tượng như tượng đàn ông, đàn bà và các loại thú vật được tạo ra từ đá và gỗ. Một số trong bọn họ cũng nói chuyện với nhau trong khi bước đi. Những người đang bị xích nhìn thấy bóng của chính họ và những gì đang diễn ra sau lưng mình trên vách đá trước mặt. Và vì âm thanh giọng nói vang dội bên trong hang động, họ nghĩ rằng những cái bóng là thực thể và chúng còn đang nói chuyện với nhau. Vì không có gì làm ngoại trừ việc nói về những cái bóng, những người đang bị xích tìm cách đoán xem hình ảnh nào sẽ diễn ra tiếp theo, và chúng diễn ra theo thứ tự nào. Những ai dự đoán chính xác hơn đều nhận được sự ngưỡng mộ, tôn trọng và tiếng hoan hô từ những người khác.
plato-allegory-of-the-cave
Nguồn : Bài Allegory of the Cave of Plato trên wiki 

Trong ẩn dụ của mình, Plato so sánh con người chúng ta với những kẻ bị xích trong cái hang này. Ông chỉ ra rằng chúng ta tin tưởng mình thấy được thực tại bằng cách nhìn vào những cái bóng trên vách đá. Ông nhấn mạnh, chúng ta nên xem xét khả năng có một người có thể thoát khỏi xiền xích để đứng lên và nhìn thấy ánh sáng nơi cửa hang. Ánh sáng mặt trời đó có thể gây tổn hại đến anh ta vì anh đã quá quen với bóng tối. Vì vậy, anh ta không thể có cái nhìn rõ ràng. Tuy nhiên, nếu anh ta trở nên quen với ánh sáng đó và nhìn thấy những gì thật sự diễn ra đằng sau màn che, một sự thấu suốt về những ảo tưởng sẽ đến- Một ánh sáng rực rỡ của sự hiểu biết.
Ngụ ngôn về cái hang của Plato được dùng để diễn tả cuộc đời của mỗi cá nhân. Chúng ta dành cả đời để học tập và hiểu biết bằng cách sử dụng những giác quan nhưng cuối cùng lại bị chính các giác quan này giới hạn và không thể nhìn thấy thực tại như nó vốn là. Thoát khỏi cái hang có nghĩa là sự vươn lên của tư tưởng để thoát khỏi thế giới giáo điều và để tiếp xúc với những nguồn ý tưởng độc đáo và hoàn toàn mới lạ. Điều này có thể đạt được bằng quá trình học tập có chính kiến và một tư tưởng nhận thức rõ ràng về các ảo tưởng.
Plato kết thúc câu chuyện ngụ ngôn bằng các câu hỏi: Liệu điều gì sẽ xảy ra cho anh chàng đã thoát khỏi xiền xích, ra ngoài hang và nhìn thấy mặt trời? Điều gì xảy ra tiếp theo khi anh ta cố gắng giải thích cho những người đang bị xích điều thực sự đang diễn ra – hình dáng thật sực của thực tại. Có vẻ như những người bị xích sẽ không thể hiểu nổi sự thấu suốt đó – họ sẽ xem anh ta là một kẻ điên. Và có thể một nổ lực nhằm mang những người này ra khỏi hang sẽ dẫn đến cái chết cho anh chàng hiểu biết đó. Plato sử dụng câu chuyện ngụ ngôn này nhằm đề cập đến số phận của người thầy –Socrates – người đã bị thành Athen hành quyết bằng một chén thuốc độc.

Cái hang ở thế kỷ 21

Bây giờ, chúng ta hãy tiếp cận chủ đề này từ một góc nhìn khác – một góc nhìn của thế kỷ 21. Liệu câu chuyện ngụ ngôn về cái hang có còn phù hợp trong thời đại của chúng ta?
Câu trả lời là chắc chắn nó còn phù hợp. Vua Solomon từng nói “Điều gì đã hoàn thành rồi sẽ bắt đầu lần nữa, điều gì đã được làm xong rồi sẽ được làm xong lần nữa; dưới ánh mặt trời, không có thứ gì hoàn toàn mới.”
Câu hỏi bạn cần đặt ra là liệu bạn là kẻ bị xiền xích hay là người “thấy” những thứ đang trói buộc mình? Cho dù bạn “thấy” những xiền xích, nếu  trên vách hiện ra những hình ảnh vô cùng rực rỡ của một cuộc đời hoàn hảo, liệu bạn có muốn tin đó chỉ là ảo ảnh? Và đây là câu hỏi khác – bạn có muốn thay đổi? Bạn có đủ can đảm để bước một bước táo bạo ra khỏi vùng thỏa mái của bản thân?
Luôn luôn có một lối ra khỏi hang dành cho những người dũng cảm và táo bạo. Tuy nhiên, thật không may, điều này không đơn giản như cách nhân vật Neo trong bộ phim Ma Trận uống viên thuốc màu đỏ. Nó là một quá trình tự thử thách, tự hoàn thiện của mỗi cá nhân. Nhờ hàng  giờ tìm kiếm, học tập, kiểm chứng và mang kiến thức mới tìm được áp dụng vào thực tế. Mọi kiến thức đều vô dụng nếu nó không được dùng bền bỉ và có mục đích.
Bước đầu tiên là tự đánh giá. Nhìn thấy và chấp nhận tất cả những khiếm khuyết và vấn đề trong tính cách. Tiếp theo, loại bỏ và kiên trì tiết chế các ham muốn vật chất. Bước thứ ba là dành cái nhìn khiếm tốn và nhẹ nhàng cho tất cả các tạo vật và biến cố trong cuộc đời. Tính cao thượng sẽ theo đó mà nảy sinh. Bước thứ tư là hãy yêu quý từng khoảnh khắc được tồn tại và làm cho từng khoảng khắc đó trở nên độc nhất. Bước thứ năm – Tôi sẽ dành để bạn tự khám phá …
Hãy bước ra khỏi chiếc hang để đắm mình trong ánh sáng và đừng bao giờ ngừng kể cho người khác những điều bạn trãi nghiệm ở bên ngoài. Thay đổi bản thân và rồi bạn sẽ thay đổi thế giới.
(learning-mind.com – Dịch: Viết Nguyên- Ảnh nguồn Internet)

Mời bạn share bài viết
TwitterFacebookGoogle+

No comments:

Post a Comment