Cũng như bao nhiêu người Việt Nam yêu nước, tôi luôn xem Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm.
Nhưng tôi vẫn muốn kể câu chuyện sau đây, một câu chuyện nằm ngoài lòng thù hận.
Năm 2010, tôi có một số công việc phải đi Thượng Hải, một thành phố lớn nhất của Trung Quốc với dân số hơn 23 triệu người.
Anh hướng dẫn viên du lịch cho biết, Thượng Hải vào những năm 90 trở về trước là một thành phố khá tồi tệ. Cũng dân nhập cư tràn lan, cũng nhà ổ chuột, cũng nạn kẹt xe tàn khốc, cũng nạn mua gánh bán bưng lấn chiếm long lề đường xô bồ, loạn xạ.
Từ năm 1992, Thượng Hải bắt đầu xây dựng chiến lược lặp lại trật tự đô thị và phát triển văn minh đô thị. Tất cả dường như phải làm lại từ đầu bằng một chiến lược hơn 10 năm với những lộ trình phân khúc. Chiến lược ấy được khởi đầu bằng một công cuộc chỉnh trang đô thị rầm rộ. Người ta san bằng hết những khu nhà cấp 4, nhà ổ chuột để thay bằng những tòa nhà chọc trời. Người dân bao đời sống trong hẻm hóc với những căn nhà tạm bợ được đưa vào căn hộ hiện đại rộng hơn, tiện nghi hơn. Đường xá rộng thênh thang, vỉa hè thông thoáng, những chiếc cầu vượt chồng lên nhau, xóa đèn xanh đàn đỏ ở những giao lộ. Bên cạnh đó, Thượng Hải xây dựng 23 tuyến tàu điện ngầm với 5 tầng chồng lên nhau trong lòng đất. Chấm dứt nạn kẹt xe. Thượng Hải ban hành hai lệnh cấm: Thứ nhất, cấm xe gắn máy lưu thông trong nội thành; Thứ hai, cấm buôn bán trong khu dân cư. Thượng Hải quy hoạch nhiều trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ, khu vực chợ trời . . . mỗi trung tâm đều có bãi xe ô tô rộng lớn.
Chúng tôi thử đi vài tuyến tàu điện ngầm, anh hướng dẫn viên nói, bây giờ giả như không cấm xe gắn máy thì người ta vẫn không đi, bởi đi học, đi làm bằng tàu điện ngầm luôn chính xác giờ giấc, lại ngồi trong toa tàu mát lạnh, sạch sẽ và nhanh chóng.
Hỏi, san bằng nhà trệt của dân để đưa họ lên chung cư, ngân sách nào gánh nổi ? Người ta nói đó là dự án của doanh nghiệp, sau khi trả căn hộ đền bù cho dân, họ vẫn có lời. Như vậy, người dân có lợi, doanh nghiệp có lời, xã hội được ổn định.
Lại hỏi, TQ cũng là nước xhcn, nhưng sao kiến trúc đô thị ở Thượng Hải giống hệt phương Tây. Người ta nói rằng, sau thời kỳ mở cửa, nạn kẹt xe và tình trạng mất trật tự đô thị ở TQ trở thành quốc nạn. Ông Đặng Tiểu Bình cho nhiều đoàn cán bộ chuyên ngành đi Mỹ và châu âu nghiên cứu, học tập và trở về tổ chức hội thảo, xây dựng đề án, vân vân và vân vân.... Vì thế, không riêng gì Thượng Hải mà hầu hết các thành phố lớn ở TQ đều được chỉnh trang, quy hoạch phát triển như nhau.
Lại nhớ, lúc mình còn làm ở báo Người Lao Động, chị Hằng Nga có cho xem một tài liệu nói rằng, năm 1973, ông Thiệu đã thuê nhóm chuyên gia người Mỹ sang quy hoạch Sài Gòn với tầm nhìn đến năm 2010 là 25 triệu dân. Trong khi vào thời điểm đó cả miền Nam chỉ có 14 triệu dân.
Trộm nghĩ, trên đời nầy, phàm khi muốn làm bất cứ việc gì dù lớn hay nhỏ, điều trước hết phải có là ý tưởng và giải pháp, nếu thiếu hai yếu tố hàng đầu ấy, mọi hành động đều sẽ trở thành hoang tưởng hoặc điên rồ.
No comments:
Post a Comment