Tuesday, March 20, 2018

Út Bạch Lan- Một thời để nhớ

QUÂN TRƯỜNG VÀ CHIẾN TRƯỜNG

Tôi nhập trường VBĐL tháng 12 năm 1965. Tính đến nay chỉ còn một năm nữa là một phần hai thế kỷ. 2015. Năm mươi năm trôi qua cũng khá dài so với đời của một con người. Chiều dài vừa đủ để ký ức đong đầy ngập tràn những kỹ niệm tưởng đã lãng quên hay nhạt nhòa đâu đó. Nhưng không ! Nó vẫn còn lỡn vỡn quanh đây vô ảnh vô hình, nhưng khi được nhắc đến thì nó lại hiện ra như một đoạn phim sống thực còn lưu trử tận trong tiềm thức của mình. Nữa đời đầy oan nghiệt lẫn lộn tiếc nuối chua xót cho thân phận của một thế hệ " Sinh Bất Phùng Thời "

Hai năm trong Quân Trường, tám năm với Chiến Trường, ba mươi chín năm tù tội và lưu vong, nay Tổ Quốc là tổ quốc của người, Dân Tộc là dân tộc của người, quê hương tổ tiên đất đai mồ mã lạ quắt lạ quơ...Nhưng tôi không mất hết, tôi vẫn còn lại trong tôi Quân Trường và Chiến Trường.
- Quân Trường, nơi đó tôi có đàn anh đàn em ( K21 K22 K23 ) và các Sĩ Quan Cán Bộ, Sĩ Quan Tham Mưu Hành Chánh được gọi là "Đồng Môn" cùng đổ mồ hôi như nhau, cùng dìu dắt nhau trên ngưỡng của binh nghiệp với vô vàn kỹ niệm chắc rằng khó có mấy ai quên.

- Chiến Trường, nơi đó tôi có đồng đội cùng đồng cam đồng khổ với máu và nước mắt, với những tháng năm miệt mài khói lữa mà cái sống và cái chết chỉ cách nhau một sợi chỉ hồng, cái còn cái mất như trong một khoảng cách phù du. Chiến Trường đã in sâu vào tâm thức của tôi như một dấu ấn khằn vết khi tôi nhớ lại những lần vuốt mắt cho bạn bè đồng đội dưới đạn pháo của quân thù.

Quân Trường Đổ Mồ Hôi - Chiến Trường Đổ Máu Mắt
Tháng 12 Năm 1967
Tốt nghiệp K22 VBQGVN, trình diện Bộ Tư Lệnh LLĐB và được bổ nhiệm về TĐ81BCND cùng hai người bạn cùng khóa. Hãnh diện sung sướng biết bao khi trình diện Vị Tiểu Đoàn Trưởng Lê Như Tú Thiếu Tá K11 VBĐL...rồi được giới thiệu TĐP Đại Úy Nguyễn Quang Vinh K14, Đại Úy Bình Ban Ba K17, Đại Úy Táo Ban Truyền Tin K20, Đại Úy Hưởng Ban An Ninh K19, ĐĐT ĐĐ1 Trung Úy Thăng K20, ĐĐ6 Trung Úy Tuấn K20, ĐĐ3 Trung Úy Lâu K21...cón nhiều nữa kể không hết...

Tôi cảm thấy ấm lòng vì ngây thơ với ý nghĩ ngộ nghĩnh may quá mình may mắn về tiểu đoàn khét tiếng này mà Đà Lạt không hà, chắc mẫm thế nào cũng được bao che và nâng đở. Nhưng tôi đã lầm. Dù các Niên Trưởng của mình có   "phe đảng" bao che cho mình thì có tài thánh cũng không bao che được đạn tên vô tình, dù có quyền có thế Niên Trưởng cũng không nâng đở cho mình được nếu mình tỏ ra hèn nhát và khiếp nhược trước quân thù, nhất là trước mặt thuộc cấp trong lúc dầu sôi lữa bỏng.

Chỉ có một tuần lễ sau, đêm giao thừa Tết Mậu Thân (1968)... Thiếu Tá Tú TĐT K11 tử trận, Đại Uý TĐP Vinh K14 bị thương nặng không còn khả năng tác chiến, ba người bạn cùng khóa của tôi Chẩn, Tiễn, Lợi K22 phút chốc đã trở nên người thiên cổ, một ĐĐT tử thương, một cụt chân. Cũng may ĐĐP ĐĐ3 là Niên Trưởng Nguyễn Đăng Lâu K21 thay thế ĐĐT bị cụt chân !!!

Chỉ có bốn tháng kể từ ngày ra trường tôi đã trải qua ba cuộc hành quân chớp nhoáng đẫm máu trên ba vùng chiến thuật, II, I và III.Giải tỏa thị xã Nha Trang. Thung Lũng AshaoAlưới (Vùng địa đầu giới tuyến 17). Giải tỏa mặt trận Cây Quéo Cây Thị (Gò Vấp Gia Định), thay đổi bốn vị ĐĐT và vị ĐĐT thứ năm là: Niên Trưởng Nguyễn Văn Lân K17.



Anh Lân (xin phép tôi gọi bằng Anh) từ trại LLĐB biên phòng Pleimơreng về đây. Dáng người cao dong dỏng, gương mặt trẻ măng như sinh viên đại học dù nước da hơi sạm nắng, ứng xử với ngôn ngữ nhã nhặn dịu dàng lịch sự với cả cấp trên lẫn dưới. Khi nhận bàn giao xong, Anh bảo tôi giới thiệu đơn vị và quân nhân các cấp cho Anh, sau đó gọi tôi vào phòng riêng căn dặn:
- Út đã ở đơn vị này từ ngày ra trường cho đến bây giờ, Út giúp cho Anh trông coi đơn vị,  gì trở ngại hay cần những quyết định quan trọng báo cho Anh biết. Nếu đơn vị dưỡng quân ở hậu cứ, ngày thường Anh tà tà rong chơi, Út cùng anh em sinh hoạt như huấn luyện, chiến tranh chính trị, bảo trì vũ khí quân trang quân dụng...chú trọng vấn đề lãnh đạo chỉ huy cho các cấp trưởng v/v và v/v...Ngày cuối tuần, Anh cho xả trại 100%, riêng Anh thì Anh tự cấm trại 100%...Út có thể xử dụng xe jeep của Anh cùng các sĩ quan đi chơi, nhưng nhớ giữ kỷ luật đừng đánh lộn đánh lạo mang tiếng.

Nhưng rồi "tai nạn" xảy ra. Không đánh lộn mà bắn lộn. Tôi bị mấy đệ tử của Nguyễn Cao Kỳ bắn lộn qua thằng khác, thằng đàn em của "Sáu Vĩnh", tay chân bộ hạ của NCK chuyên đi thâu tiền "khuyển mã" các chị em bán ba Mỹ... Anh Lân nghe báo, vội phóng ra đồn Quân Cảnh Nha Trang thì gặp Ông Đồn Trưởng là Đại Úy Trương Văn Cao K18! Thế là mọi việc êm xuôi như "khỉ có giồng" (khổng có gì) với vài lời khiển trách nhẹ nhàng của hai Niên Trưởng :
 - Mi mới ra trường chưa nứt mắt mà bắt đầu làm trò khỉ rồi...
Tham dự hai cuộc hành quân kế tiếp, xâm nhập chiến khu C-Đ, giải tỏa núi Bà Đen, núi Heo, núi Cậu... Anh Lân đã trao truyền hết cho tôi những kinh nghiệm máu xương của chiến trường. Chính Anh là người đã đúc những viên gạch cho tôi để tôi vững bước trên con đường khói lửa sau này.
  Anh chỉ chỉ huy ĐĐ3BCND chưa đầy một năm, Anh được chỉ định giữ chức vụ TĐP cho Thiếu Tá Trần Phương Quế K10. Một người khác về thay thế Anh Lân, tôi vẫn là ĐĐP. Ba tháng sau, Anh gọi tôi lên Bộ CHTĐ cười cười nói :
-Chuẩn bị tâm tư nhận lệnh phạt đó em !
Anh Lân và các niên trưởng khác đã hết lời thuyết phục TĐT bổ nhiệm tôi quyền ĐĐT/ ĐĐ5/ BCND, khi tôi vừa tròn 23 tuổi, một ĐĐT miệng còn hôi sữa, chưa dày dạn chiến trường so với các ĐĐT khác cùng với một vài phàn nàn dèm pha của  một vài sĩ quan cấp trung úy thâm niên hơn tôi.
"Phe Đảng!" Đảng gì đây? Đảng Tự Thắng !
Nhưng họ hiểu lầm! Bổ nhiệm chức vụ ĐĐT81BCD là của BTLLLĐB qua đề nghị hay "đề bạt" của TĐT
Tháng 10 Năm 1969.
Đơn vị của tôi được cải danh là Đaị Đội II Trinh Sát Nhẩy Dù, thống thuộc quản trị hành chánh của Bộ TLSĐND. Thời gian này LLĐB đang trong tiến trình giải thể.



Sau hai tháng thụ huấn khóa viễn thám Dục Mỹ, TTHL Vạn Kiếp, một số HSQ được gửi đi học mật mã truyền tin, tình báo thì bắt đầu tham dự hành quân cùng với các đơn vị khác.Phương thức và kỹ thuật tác chiến của hai binh chủng có nhiều khác biệt. 81BCD không bao giờ xử dụng pháo yểm mà hoàn toàn lệ thuộc vào không yểm. ND thì phối hợp cả hai trong bất cứ trạng huống nào. Tôi bỡ ngỡ bối rối vì là một đại đội biệt lập, đơn vị trưởng phải phối hợp trực tiếp với LĐ hoặc SĐ lo liệu mọi bề.
May mắn thay, lù khù có Ông Cù độ mạng.Thiếu Tá Trần Đăng Khôi K16, Trưởng ban ba hành quân của LĐIIND.
Anh Khôi trạc trên dưới 30 tuổi, dáng người trang nhã với ống bíp havana trên tay, bụng hơi xệ, nếu nói khẳng khái không nịnh hót thì mọi điều hợp hành quân đều do Anh thiết kế. Tôi tham dự chiến dịch "lùng và diệt địch", kế hoạch của Tướng Westmoreland và Tướng Đỗ Cao Trí. Hành quân "Toàn Thắng" vùng Tây Ninh Phước Long và Campuchia.
Tôi lạng quạng lờ quờ ngu ngơ đến nỗi Anh Khôi phải gọi tôi trình diện riêng trong hầm hành quân của LĐ (TOC), Anh nói từ tốn và chậm rãi cố cho tôi hiểu:
- Báo cáo diễn tiến hành quân, báo cáo tổn thất, báo cáo tình hình địch...v/v.. anh còn quá lượm thượm, nhất là phối hợp pháo binh ND và trực thăng võ trang. Anh nên nhớ rằng có rất nhiều cặp mắt đang nhìn vào anh và họ thèm rỏ dãi chỗ của anh. Điều quan trọng nhất là chúng ta đang phối hợp hành quân với SĐI Không Kỵ Hoa Kỳ ...chỉ một lời báo cáo của cố vấn Mỹ bên cạnh anh thì anh bị trả về đơn vị gốc của anh ngay...
Tôi yên lặng thẫn thờ ngồi nghe nhưng Anh lại tiếp :
- Thôi được... tôi nói sơ sơ rồi ngày mai bay với tôi và Thiếu Tá Tường ( TĐT/TĐ2PBND )
"GAP" chữ viết tắt Ground & Air Preparation. Tức là kỹ thuật dùng pháo binh và hỏa lực không quân cùng một lúc để dọn bãi đáp (LZ) hay bãi bốc (PZ), sơ xuất hay không chính xác (độ chính xác này được tính từng giây) là pháo binh bắn rớt máy bay, hoặc máy bay nã rocket vào đầu quân bộ thì cả đám đi chỗ khác để ngồi chơi sơi nước muôn đời lục quân VN. Anh (Khôi) còn sắp xếp thời giờ tôi gặp trưởng ban bốn tiếp liệu, ban một quản trị quân số, ban hai tình hình địch v/v...để nắm vững dữ kiện trước khi lên C&C thả tóan viễn thám hay trung đội trinh sát.




Như vậy trên những bước đường chập chững của hai binh chủng BCD và ND tôi đã may mắn - quá may mắn - được hai Niên Trưởng đàn anh "đỡ đầu hướng dẫn bao che" cho đến khi đủ lông đủ cánh. Nói lên lời "biết ơn" thì khách sáo quá, tôi chỉ xin hứa cái đầu của tôi là mũ nồi VB, hai cầu vai là Greenberet và Redhat.


Năm 1972 - Đường Vào Binh Lửa
Nhắc đến 1972 là phải nói đến "Mùa Hè Đỏ Lửa". Đã có NT Phan Nhật Nam K18, có NT Đoàn Phương Hải K19, NT Huỳnh Văn Phú K19 viết quá nhiều rồi, lại còn thêm hằng vạn trang sách báo viết về nó bằng máu và nước mắt của tất cả quân binh chủng QLVNCH, nên tôi chỉ gói ghém ngắn gọn những gì tôi còn nhớ, để làm nổi bật "tình tự VB trên những mặt trận khốc liệt nhất " trong thời gian này. Có những bông hồng cho những Huynh Đệ khi nghe tin chiến thắng được tưởng thưởng vinh thăng thì cũng có những vết thương rỉ máu không bao giờ thành xẹo cho những Huynh Đệ vừa xanh cỏ để tôi được đỏ ngực.

Tháng 3 -1972, đơn vị (ĐĐ2TSND) được triệt xuất khỏi đồn điền Memot trở về hậu cứ Long Bình chờ lệnh. Hai ngày sau lên C130 trực chỉ Kontum. Xuống phi trường "tái ngộ" ngay với NT Lân, Anh đang giữ chức vụ LĐP/LĐ81BCD vừa được triệt xuất ra khỏi vùng Tam Biên. Anh kéo tôi ra nói vội vài ba câu trước khi lên C130 về Sài gòn:
-Út...em phải hết sức thận trọng...nhớ và áp dụng kỹ thuật tác chiến của Biệt Cách Dù để tránh tổn thất. Sư Đoàn Thép 320 của chúng nó đã áp sát Kontum với trọng pháo 130 và tăng T54 nữa đó...

Hai ngày sau cả ĐĐ được trực thăng vận ngay trên đỉnh 1049 (CC Delta) cách hơn 10Km về hướng tây căn cứ Võ Định, BCH/LĐ2ND. Bị "phục kích độn thổ" ngay tức khắc. Hand by hand, Đại Úy Budard hét lên trong máy với cấp chỉ huy của hắn. Tôi lại nghe trong máy của tôi tiếng của Thiếu Tá Nguyễn Văn Thành tự là Thành Râu K19 phụ tá hành quân của LĐ từ chiếc trực thăng C&C do Đại Úy Phạm Công Cẩn K21 (Trưởng Trung Tâm Hành Quân PĐ 229, Thiếu Tá Lê Văn Bút K16 PĐTrưởng) đang vần vũ trên không vùng đồi delta:
- Út Bạch Lan...cho tôi biết cái gì đang xảy ra
- Đích thân chờ một chút...tôi bị phục kích độn thổ
Lại có tiếng réo của NT Nguyễn Trọng Nhi K20 Trưởng ban ba LĐ
- Út Bạch Lan...báo cáo tình hình ngay... 207 đang ngồi đây chờ (207 là Đại Tá Trần Quốc Lịch LĐT/LĐ2ND)

Chờ thì chờ, tôi làm gì có thì giờ để báo với cáo. Tay đâu mà ôm hai ba cái ống liên hợp trong khi tôi và mấy ông cố vấn Mỹ đang vật lộn với..vi xi. Ném lựu đạn xuống hầm đếm chưa tới sáu thì nó quăng trở lên, thầy trò bò lăn bò càng...Mọi người sốt ruột lo lắng cho tôi, nhất là NT Thành Râu trên trực thăng C&C 24/24, NT Nhi cứ năm ba phút thì gọi hỏi ra sao rồi, NT Cẩn thì bảo:
-UBL qua tầng số UHF, tôi sẽ cho biết chung quanh của UBL.. .
UBL đang bị bao vây rồi đó. Chúng nó đông như kiến, nói với thằng CV Mỹ xin khẩn cấp trực thăng võ trang (Cobra) trang bị M79, ngồi với tôi có NT Thành, ở dưới đất có NT Nhi lo pháo rồi...
Trước áp lực của địch quân càng lúc càng nặng nề nhưng tôi cảm thấy yên tâm vì trên trời dưới đất lúc nào cũng có những ông thần hộ mạng. Những ông thần đó không ai khác hơn là những NIÊN TRƯỞNG đã một thời là "Hung Thần" hét ra lửa của khóa đàn anh.Trên trời ban ngày thì Thành Râu 19 với Công Cẩn 21, ban đêm thì Thẩm quyền Bút 16. Dưới đất thì Trọng Nhi 20 sáng trưa chiều tối thường trực trên tầng số, kề bên có NT Ngọc Ngà K19 TĐP TĐ2ND, Lê Thơm K22, Nguyễn Hữu Minh K23 ngày đêm ghìm súng chờ giặc từ ngoài bắc...zô đây...zô đây...
Hai ngày sau Delta tạm lắng dịu vì phi pháo. Ngậm điếu thuốc hớp một hớp cà phê tôi chợt nhớ đến NT Khôi. Giờ này TĐ7ND của Anh đang trên đường vào vùng cùng TĐ11ND để tăng cường với TĐ2 và TS2. Nhớ đến NT Khôi vì hôm nay tôi đã phối hợp hữu hiệu với cố vấn Mỹ và pháo binh nhẩy dù áp dụng kỹ thuật " GAP " mà NT Khôi đã chỉ dạy cho tôi hai năm về trước.
Một tuần lễ sau TĐ11 vào thay TĐ2 ở Charlie, cách phía bắc Delta khoảng hơn một cây số... TĐ11ND...TĐT: NT Bảo K14, TĐP: NT MỄ K18, Ban Ba: NT Hải K19, ĐĐT113 Hùng Mập K22, ĐĐT112 Hùng Móm K22, NVN Long K23, ĐĐT 111 Thinh (ĐĐP của TS2) vừa được bổ nhiệm.
- TĐ7 vào thay thế TS2 ở Delta TĐ7ND... TĐT: NT Khôi K16, TĐP: NT Lô K18, Ban 3: NT Em K19, ba ĐĐT nòng cốt Đăng K22, Hải K22, Cao K22, Tưởng văn Quyền K23
Trinh Sát 2 được bốc về căn cứ Võ Định "dưỡng sức" hai ngày dưới giao thông hào tránh pháo 130, sau đó lại được bốc thả vào Charlie tăng cường cho TĐ11. Vừa đặt chân xuống bãi đáp nằm bên cạnh sườn đồi Charlie thì NT Hải (ĐPH) K19 chờ sẵn đórồi :
- Út theo tôi lên gặp đích thân cái đã...
Trong căn hầm tối thui với ánh đèn pin vừa đủ soi bản đồ, NT Nguyễn Đình Bảo nói:
- Út giúp cho tôi tăng cường phía bắc với Hùng Mập, phía nam có Hùng Móm, phía đông có Thinh, phía tây tương đối không lo ngại vì phải qua một khe núi sâu khỏang 100 mét..

Ba lô súng đạn lên đường gặp Hùng Mập ngồi chàng hảng dưới gốc cây bên cạnh hố cá nhân. Thằng ma cà rồng này cùng ĐĐE22 với tôi, nó là dân Bắc Kỳ di cư nên địt bố địt cụ lia chia, tôi hỏi nó :
- Đồi này tên gì vậy ?
- Đồi Bắc...đồi bên kia (Charlie) là đồi 1515...
Tôi cho lệnh nghĩ ngơi ăn uống đồng thời ba toán viễn thám chuẩn bị sẽ đi ăn đêm... đêm nay. Thằng Hùng mập cười khình khịch trong cuống họng, đầu lắc qua lắc lại có ý chế diễu :
- Địt mẹ. .tăng nó nằm ở dưới chân đồi mấy ngày nay, tao không hiểu sao nó đéo thèm bò lên...nghe mày nói các toán viễn thám của mày sẽ đi ăn đêm tao tức cười...mày ngồi đây với tao chưa chắc mày có thời giờ ăn ngày nữa nói chi ăn đêm... chờ một chút đi... nó đút cơm cho con ăn liền đó con ạ !!!

Đúng như lời Hùng Mập bông đùa chiều nay, đêm hôm đó ba toán VT báo cáo y chang với vài tấm ảnh T54 chụp được bằng máy hình hồng ngoại tuyến. Tôi được lệnh trở lại Charlie để qua hướng tây. Một ngọn đồi thấp hơn Charlie về phía tây khoảng 150 mét nhưng qua đó phải vượt qua khe núi đá dựng đứng sâu 100 mét. Phải mất 3 tiếng đồng hồ tòan bộ Đại Đội mới lên được đỉnh đồi vì hai tóan viễn thám đã thám sát trước. Không nghỉ ngơi được chút nào, chưa kịp bố trí quân thì bị "táp bi" ngay...Đại Úy Budard ( CVTS2 ) hét trong máy với Đại Úy Muffy ( CV TĐ11 ) :
- Help..Help..Do or die...Do or die
Đại Tá Mike ( CV LĐ2 ) xen vào tầng số :
-Budard..listen to me... calmdown..I give you somthings rightnow...calmdown...ok...ok..
Chúng nó tràn lên như kiến, tôi hét Budard :
- Becarefull...don't shoot to my pepoel's back
Năm phút sau John Paul Van (CV QĐ2) với chiếc LOH và chiếc C&C của NT Cẩn cùng Đại Tá Lịch và NT Thành đã có mặt trên không phận. Lệnh của ĐT Lịch :
-UBL..step by step Romeo-Juliet...you understand what I mean ???
- I got it !!!

Tôi áp dụng "rút lui nhẩy cóc" vì rút lui đồng loạt là bị tràn ngập ngay, mặc cho cấp trên điều động thế nào tôi không "quởn" nghĩ tới, chỉ thấy sau lưng của tôi là một biển lửa với tiếng gầm thét của phản lực Hoa Kỳ hòa lẫn với tiếng hô "xung phong, xung phong... Út Bạch Lan hàng sống chống chết ..."  giống như trong phim " We are the soldier ". Bom napal.
Bỏ lại hai toán VT và hơn 20 HSQ-BS. Một số chết tại chỗ một số bị thương nặng nhẹ. Thôi đành xin lỗi các bạn. Không phải tại anh cũng không phải tại em, tại trời xui khiến nên chúng mình... xa nhau'
Mình cùng thức giữa đêm gọi rừng cùng thức
Lửa đạn thù đốn ngã từng thân cây
Xương với thịt nơi tận cùng mơ ước
Còn thấy mặt trời là còn thấy ngày mai
(Dấu giày chinh chiến - Trạch Gầm)

Ngày hôm sau TS2 được bốc ra khỏi Charlie sau một đêm cùng TĐ11 nằm vắt giò lên miệng hầm nghe tiếng bom rơi từ hai pass B52 cách Charlie chừng 300 mét. Điều này xảy ra đã phá lệ quy định, duy nhất chỉ ở Charlie vì khoảng cách an toàn cho B52 tối thiểu phải 1000 mét. Tôi ngồi trên chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng rời Charlie, không một vẫy tay chào, không một lời giã từ "Đồi Bắc" nơi đó có Hùng Mập E22, "Đồi 1515" nơi đó có các NT thân yêu của tôi mà chỉ cách đây hai tuần lễ ăn nhậu mệt nghỉ tại CLB-TĐ11ND...NT Bảo, NT Mễ, NT Hải, Hùng Móm, Thinh..

Hai ngày hôm sau số phận Charlie kết thúc, để người Anh đáng kính của căn cứ Nguyễn Huệ Long Bình có tên "Người ở lại Charlie" qua giòng nhạc xót xa tiếc nuối của Nhật Trường cùng bao  nhiêu anh em bạn bè khác.
"Anh nằm xuống...không bạn bè, không có ai, không có ai đời đời ru Anh ngũ vùi trong cánh rừng già chỉ có loài chim thôi "

Tưởng như vậy là xong, nhưng có bao giờ Nhẩy Dù biết đến hai chữ "chấm hết", chỉ trừ phi nhắm mắt ngủ giấc ngủ nghìn thu. Có lệnh LĐ2ND được Galaxy C5 tại phi trường Pleiku không vận về Sài gòn khẩn cấp để "trên đường ra Quảng Trị..." Trước khi rời khỏi Kontum, QĐ2 "cân hồ" xử dụng ND theo kiểu vơ vét cú chót. TĐ7 và TS2 lại được có vé " trực thăng " của Thiếu Tá Lê Văn Bút K16 và Đại Úy Phạm Công Cẩn K21 PĐ 229 "tham quan" đỉnh Chupao trước khi về phi trường Pleiku. Lại một lần nữa, ngó qua ngó lại, ngó lên ngó xuống sao mà Đàlạt không zầy nè. NT Lô18 cùng Đăng 22, Hải 22 đằng vân hạ thổ ngay trên đỉnh Chupao, NT Khôi16, NT Em19 cùng Cao 22 "tam bộ nhất... Bắn" xuôi nam, UBL nhẩy xuống phía tây nam dưới chân đồi. NT Cẩn (C&C) ban ngày, NT Bút ban đêm. Mạnh ai nấy lo trong tình huống tứ bề thọ địch giông giống như Quan Vân Trường đang đi trên Hoa Dung Lộ trong khi Triệu Tử Long múa thương trường bản trên đỉnh Chupao. Rồi nhiệm vụ nào cũng mission accomplet.

Đứng sắp hàng chờ lên C5 (lần đầu tiên ND được không vận bằng C5 của Mỹ) ở phi trường Pleiku, từ thầy đến trò, từ anh xuống em nhìn nhau với ánh mắt không nói nên lời vì đã bỏ lại sau lưng bao nhiêu đồng đội cùng thành phố Kontum với giòng sông PoKo đang dậy sóng, có cô sơn nữ phà ca mang gùi đi đổi muối tủm tỉm cười.
Đường Vào Quảng Trị.
Có thể ví von là "Phái Đoàn Đà Lạt" du ngoạn Quảng Trị !!!.
LĐ2ND là mũi dùi chính trên đường chiếm lại cổ thành Đinh Công Tráng. Thành có dạng hình vuông. Sông Thạch Hãn bao bọc phía tây uốn quanh một phần phía bắc. Đông là Làng Tri Bưu, Hạnh Hoa Thôn nơi đóng quân của BTL SĐ304 CSBV, phía nam là nhà thờ La Vang và ngã ba Long Hưng.
Phái đoàn du ngoạn của Đà Lạt gồm có:
TĐ5ND: NT Hiếu K14, NT Quyền K16, NT Chí K20, TĐSĩ K21, NTViệt K23
TĐ7ND: NT Khôi K16, NT Lô K18, NT Em K19, ba ĐĐ nòng cốt Đăng, Hải, Cao K22, TV Quyền K23
TĐ11ND: NT Mễ K18, NT Thành K19, NT Hải K19, Hùng Móm K22, NVN Long K23
Tăng cường:
TĐ6ND: NT Đỉnh K15, NT Tùng K19, Lý Văn Phúc K23
Hai Biệt Đội 81BCD dưới quyền chỉ huy của NT Lân K17..
Phái đoàn du ngoạn này không gọi là "Phái đoàn Đà Lạt.." thì gọi phải gọi là phái đoàn gì đây?
TĐ7+TS2 đi bằng xe "Ngựa" của  công ty LĐI KỴBINH vào Long Hưng TĐ5+TĐ11 đi máy bay của air VN đến làm lễ ở nhà thờ La Vang
Hai mươi bảy (27) ngày đêm phái đoàn được đón tiếp bằng pháo bông liên tù tỳ rực rỡ không thua gì đêm pháo bông Tết Tây ở Time Square New York, chỉ có điều trớ trêu là phái đoàn thưởng lãm pháo bông dưới giao thông hào hay hố cá nhân ngập nước. Chỉ ăn uống cầm chừng vì đã no bụng với 130ly xào tỏi ớt, 122ly hầm với SA7, gỏi T54 trộn với PT76. Một kỷ niệm khó quên. Khi tôi đã xâm nhập vào được Quận châu thành Mai Lĩnh, nín thở ém quân chờ TĐ7 còn đang khựng lại ở ngã ba Long Hưng, đêm hôm sau nửa đêm về sáng, Sông Lô TĐP một mình với hai HSQ mang máy vượt một đoạn đường gần một cây số để bắt tay với TS2 trong khi chiến xa của VC đang tuần tiễu trên đoạn đường này. Khóa 18 ôm Khóa 22 cười khằng khặc:
- Mạ mi, ta không ngờ mi mò vô tới đây.
- Chuột mà...niên trưởng! (Huy hiệu TS Dù là con Hải Sư tác giả là NT Cứ Thế Hoài K14.. nhưng khi in ra giống con chuột y chang, lại có ba tia sét màu đỏ trước miệng nên "tụi nhỏ" chọc quê là con chuột hộc máu )
Khi vào Tri Bưu, từng bước từng bước thầm... mò mẫm lên Hạnh Hoa Thôn tìm người tình bắc kỳ 304 (SĐ Điện Biên), tôi bị nó tạt một trái át xít B41 vào mặt tưởng trở về trình diện NT Bảo ở charlie rồi, cũng may chỉ ngũ một giấc "dăm ba phút trở về chốn cũ..." và nhận được tiếp viện khẩn.. trà rượu, cam táo của Tố Quyên K16, Minh Hiếu K14 gọi vấn an và cho biết UBL sẽ có ngay "Silver Star & V" vào vài ngày tới.

Vì "Danh Dự, Trách Nhiệm, Tổ Quốc" ...mà đàn anh đàn em  cùngmột trường Mẹ ...rủ nhau lao vào những cuộc chơi bằng máu và nước mắt. Tôi đã mất đi một NT Tùng K19, một thằng bạn cùng khóa Hùng Móm K22, một đàn em NVN Long K23... còn bao nhiêu nữa đã bị loại ra khỏi vòng chiến làm sao mà nhớ hết để kể lại ra đây?
Có rất nhiều "Cây Viết có tầm cỡ..." mô tả lại Kontum, An Lộc và Quảng Trị với nhiều công sức truy tầm nghiên cứu trên tài liệu sách báo, nhưng chắc không diễn đạt hết những cực kỳ man rợ tàn khốc của cái sống và cái chết trên chiến trường. An Lộc là Tử Thủ. Quảng Trị là Tử Chiến. Một là thủ hai là công, hai cái khác biệt nhau nhiều lắm. Cho nên dù là TQLC hay ND, BĐQ, 81BCD,  Bộ Binh, Thiết Giáp, Không Quân... đã có không biết bao nhiêu đứa con yêu của trường Mẹ nói riêng và của Tổ Quốc nói chung đã một mai rơi rụng như chiếc lá lìa cành dưới những tràng "pháo bông" và tiếng xích sắt của những "xe hoa" không tương nhượng của bọn khát máu đồng bào và anh em cùng sinh ra một bọc Âu Cơ. Cớ chi giờ đây phải so bì hơn kém, công tội, hay dở... khi trò chơi bằng máu của hằng triệu người VN máu đỏ da vàng đã kết thúc.
Thua cuộc hay thắng cuộc? Tôi còn nhớ trong Đệ Nhất Thế Chiến khi Danh Tướng FOX đi ngang ngôi mộ của Napoleon có ghé lại chào và viết một câu trên bia:
 "Công danh sự nghiệp của một con người không phải là lúc khởi đầu mà là lúc kết thúc... "
Hay câu viết của NT Lâm Quang Thi:
 "Chúng ta thua một trận chiến, chứ chưa phải thua một cuộc chiến...".
Trải qua bao thế sự thăng trầm, sau nửa đời người một phần hai thế kỷ, ngày nay kẻ còn người mất, kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn có khác gì nhau khi đã mang chung một giòng máu "Võ Bị", cùng tung cánh dù lộng gió khỏi cửa phi cơ (ND), cùng nhẩy ào ra khỏi lòng trực thăng (BĐQ) hay nhẩy ùm xuống bờ biển nông lõm bõm lội vào bờ trước họng súng đang chờ của cọng nô (TQLC), hay lắc cánh "né đạn" dày đặc phòng không mà không biết hông, đuôi của mình lủng thủng lỗ đạn (KQ) hay đang ngồi trên pháo tháp chiến xa chợt nghe tiếng cà xịch cà xịch của SA7 đang ngoằn ngoèo lao tới vội phóng mình xuống đất (TG)...v/v và v/v...
Năm mươi năm rồi có khi nào Thầy giở sỗ
Ngồi điểm danh lại...mấy đứa học trò xưa
Những đứa học trò đi vào khói lửa
Vắt tương lai trong bom đạn mịt mờ
 ( Trạch Gầm)
Quân trường chỉ có đổ mồ hôi, nhưng chiến trường đổ tới ba thứ: mồ hôi, máu và nước mắt. Các cấp Tướng lãnh, các Đại Niên Trưởng thì... thì...đổ mồ hôi " hột "nhiều hơn, bởi... "Nhất Tướng Công Thành..." cũng phải lau giọt lệ khi nghe tin một khóa đàn em hay một học trò của mình vừa nằm xuống, hay vừa bị mất một quận một tỉnh nào đó. Không biết giọt mồ hôi hột đó có nóng hơn giọt máu đào hay không?!
 "Nỗi nhớ ngập tràn qua ly rượu
Ngồi mênh mang tưởng lại nẽo đường về
Đường Kontum bỏ lại sau lưng bao niên trưởng?
Vào An Lộc nằm xuống mấy bạn "đồng môn" ?
Ra Quảng Trị chôn vùi bao thân bách chiến?
Đoạn đường nào đốt cả quảng trời xanh ?
Màu xanh đó...
Màu xanh của chiếc áo dài Võ Bị
Màu gợi nhớ...
Niên Trưởng Niên Đệ trên khắp nẻo chiến trường

Út Bạch Lan K22
Tháng Giêng Năm 2014


Bị Gạt


Chúng ta đã sinh ra lầm thế kỷ
Nước mắt, nụ cười gian dối gạt lừa nhau.
Và hạt cát cũng căng đầy thù hận
Tri kỷ gì thứ tình nghĩa đã chia ly…?! 


"Văn Chương Miệt Vườn" thành danh, thành điển tích như cụ Đồ Chiểu đã hoa gấm đi vào Văn Học Sử thênh thang rất đáng kính cẩn và trân trọng... còn thứ "văn tri chướng; cà chớn hạng" của tôi đọc "dễ hiểu" chỉ để tiêu khiển "một vài trống canh", lại có đôi chút "gút mắc" với một số "nhân vật chí" hiện thân, hiện thời đang sinh hoạt chìm nổi tại xứ người tự do, hành sự khuất tất phía sau hậu trường "cung đình Đỏ" rối như mớ bòng bong… Quả thật là không đơn thuần giản dị chút nào, là thật sự "khó tiêu" và đáng tiếc vô song! Vì "cánh màn nhung" của vở bi hài kịch có vô số thân xác, máu xương, da thịt người Việt làm "phân bón" cho loài "cây" gian độc rúc rỉa sinh sống, đơm hoa kết trái vật chất, tiền tài, tích sản là thành quả của trí "khôn" gian trá vô lượng đã "biết" thức thời vụ với "đại âm mưu" là "đại biện chứng" mà thành "gian nhân hiệp đảng" mặc tình lấy cường bạo thịnh thời vung tay bẩn mà che cao xanh, lấy vải ác độc mà bịt nhân đức… hỏi được bao lâu "con rắn hồng lột xác" vẫn chưa xong và chưa chung cuộc hý trường… như tôi viết ở khoảng không "du du bỉ phương" và "thiên võng khôi khôi sơ nhi bất thất…" giữa hai hàng chữ không giản dị chút nào và đáng tiếc …?! Mong quý độc giả độ lượng tha thứ. 

"Bên thắng cuộc" hay thực sự bị thua cuộc? Thắng trận hay thua trận, nay đã trở thành một "mặt trận" văn chương chữ nghĩa trong cộng đồng người Việt Tự Do tị nạn Cộng Sản tại hải ngoại và cũng tự tranh biện, bênh và chống mà "cái" hay, tốt đẹp của Hoa Tự Do được đơm hoa, kết trái ở trú xứ Tự Do đưọc thể hiện và minh chứng với tiến trình lịch sử loài người tiến hoá không ngừng cho đến nay… và mai hậu làn gió Tự Do - Dân Chủ sẽ thổi vào Việt Nam thành bão lửa là quy luật chính trị: "nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh"… và thứ "văn hoá theo lề phải" là thứ đứng lại, nghịch triều lưu sẽ bị nhận chìm và chết tiệt! Tôi đọc riết rồi bị động não, mang tâm bịnh nhớ dai, càng nhớ dai càng thêm khổ lụy cho bản thân mình...! Nghĩ cho cùng "kẻ thiệt" chính là "ta" cưu mang thành nặng gánh u hoài! 

Thôi hãy gấp lại những bài vở mang mang và những trang sách đã rách "giữ lấy lề" nệ cổ của Thư Cưu thời quá vãng … đành viết chuyện " Tôi Bị Gạt " góp "mặt" với làng Văn có lẽ bằng hữu và độc giả đọc không vui cũng lượng thứ? 

Bị Gạt:

Ngày 30-4-75 là ngày đã ngã ngũ thắng hay thua? Một lằn ranh của kẻ thắng trận và người bại trận đã được chế độ mới vạch ra rõ ràng bằng mực đỏ! Kẻ thắng trận tiểu nhân đắc chí hoạch định sách lược cường quyền "xử lý": bắt bớ, giam cầm, đày đoạ, trả thù, nô lệ hoá toàn thể Quân Dân miền Nam là người bại trận.... trong những người bại trận đó có tôi và đương nhiên với "mệnh Nước vận Nhà" đành câm nín, âm thầm nhẫn chịu, ta thán có ích gì …! Nhưng có điều chua xót đớn đau phải ghi tâm khắc cốt... Đó là tôi bị gạt để đời, môn học mà trường lớp thời niên thiếu với Thầy, Cô lòng son và phấn bảng không dạy bao giờ. "nó" chỉ có ở trường đời biển lận mà thôi!

Bị Gạt Lần Thứ Nhất: 

Sau 30- 04-1975, tan hàng…! Phút chốc công danh sự nghiệp trở thành mây khói, nhà cửa "tài sản" chỉ còn lại vài bộ áo quần dân sự... thắng về nội thối về ngoại, Tôi dắt díu vợ con tá túc nhà ngoại, tâm trạng như kẻ mất hồn, chạy đầu này tìm người này, chạy đầu nọ tìm người kia… họ cũng như tôi tâm trạng rối bởi chẳng khác gì nhau! Nghe tin tức trên đài phát thanh: "Tất cả sĩ quan cấp Úy trở lên trình diện học tập cải tạo... nhớ mang theo tiền ăn cho 10 ngày...". Tưởng bở, tôi từ giã vợ con với lời nhắn nhủ: " Em gắng chờ anh về... mình sẽ về Mỹ Tho xin ông nội vài sào đất, cất một cái chòi, trồng trọt nuôi con ăn học nhé..."! 

Sau 10 ngày ở trại "giam" Hốc Môn (Thành Ông Năm) với các bữa ăn do các nhà hàng nổi tiếng ở Chợ Lớn như: Đồng Khánh, Bát Đạt, Soái Kinh Lâm...cung cấp và chờ đợi rồi dần sau đó cũng bắt đầu với những bữa ăn "thanh đạm" với rau muống, rau lang luộc cùng đậu hủ trắng… cho đến tháng thứ ba, quản giáo xuống "khối" của tôi gọi tên ba người và ra lệnh: "Các anh chuẩn bị đồ đạc để về với gia đình... Đại Úy Bác Sĩ Trương Thìn, Thiếu Tá Bác Sĩ Trần Đông A, Đại Úy Bác Sĩ Trần Văn Thành"... và còn nhiều nữa. Cả trại xôn xao trong nỗi mừng vui khôn xiết vì tưởng rằng rồi nay mai cũng sẽ tới phiên mình!!! Nhưng tất cả đều bị gạt. Những người được "tha" về, đều nằm trong danh sách đặc biệt của "bên thắng trận". Rồi thời gian bị giam cầm chầm chậm trôi qua trong chờ đợi mòn mỏi của tù nhân! Những chứng bịnh như: phù thủng, đau ruột, đau gan, đau bao tử… xuất hiện, không thuốc thang chữa trị! Tôi bắt đầu bẫy chuột, chuột gì cũng bắt hết ráo trọi, chuột chù, chuột cống, chuột nhắt … dưới bàn tay "tài hoa ngự thiện phòng" chế biến món ăn của tôi đã trở thành "cao lương mỹ vị", và tôi còn thu lượm những cọng rau muống già đã được nhà bếp vất đi, chẻ ra từng sợi nhỏ rồi chế biến thành "thượng phẩm", giúp cho những người thiếu chất đạm đang bị phù thủng ăn cho có chất dinh dưỡng. Ban đầu họ lợm giọng không dám ăn! Nhưng rồi vì muốn được khoẻ mạnh đành phải ăn để sống, sau dần dà họ cám ơn những tên tù bất kham như tôi đã "khổ" công thức đêm rình mò bẫy chuột, cung cấp cho họ món ăn "thuốc" thịt chuột, "nguồn" bổ dưỡng cứu sống mạng người đang vật vã vì bệnh tật trong trại giam… Nên đêm đêm nằm kế bên nhau, họ ngâm khe khẽ cho tôi nghe bài thơ "Hổ Nhớ Rừng - Thế Lữ" nghe qua sao lòng quặn thắt đớn đau như thọc mũi dao nhọn vào nách con chuột, moi cục hạch hôi ra và thân đau tê tái "Hổ" nhớ rừng gặm nhấm mối hờn trong cũi sắt, rồi nhớ thuở tung hoành hiên ngang tang bồng hồ thỉ trong khắp Bốn Vùng Chiến Thuật với tay súng dài XM18, súng ngắn Colt 45 dẫn quân lên Slick trực thăng ầm ĩ tiếng cánh quạt phành phạch xé gió của những hoa tiêu "Bảo Quốc Trấn Không" không bỏ anh em, không bỏ bạn bè bay xông vào trận mạc với hai hàng Gunship hùng hổ hộ tống sẵn sàng khạc từng tràng đạn và phóng nện rocket như thiên lôi giáng vào đầu quân địch… Nhưng nay thân đành thúc thủ, bị giam cầm, bẫy chuột, nhặt rau thừa độ nhật cho qua ngày đoạn tháng kéo lê lết một năm tù… cho đến khoảnh khắc quyết định sinh tử: "tự do hay chết"? Chứ ở tù như hiện tại không biết đến ngày nào được thả ra và "cái" chết đều đồng nghĩa như nhau! Tôi đã đánh cuộc với định mệnh lấy cái chết của mình để tìm tự do, tôi vượt ngục đào thoát được khỏi nhà tù nhỏ và bây giờ bị sống trong nhà tù lớn VC bủa vây! Tôi đi về đâu? Về thành chăng? "Hổ" phải về rừng cớ sao lại phải về thành và về thành rồi sẽ không chóng thì chầy cũng bị bầy lang sói khát máu tươi đang chực chờ cấu xé phanh thây Người chiến bại từng ngày, từng giờ, từng giây phút…thiên la, địa võng thần chết quỉ đỏ bủa vây, phủ chụp xuống thân phận Quân - Dân hiền hoà miền Nam trong tuyệt vọng thế cô! Kinh qua những "quốc sách" bọn quỉ đỏ Việt Cộng (VC) đã "xử lý" người dân Việt tại miền Bắc trước 1954 và Quân - Dân miền Nam Việt Nam sau 30-04-1975 đã nói lên tính chất khác biệt với toàn thể Dân Việt có nền tảng Văn Hiến giàu lòng Nhân Ái ở mọi mặt, luôn cả đối xử tử tế độ lượng với giặc thù ngã ngựa thua trận bị khuất phục trong lịch sử thời qua, và ngay cả trong cuộc chiến Quốc - Cộng 21 năm dài, chúng ta luôn đối xử Nhân Đạo với cán binh VC bị thương hay bắt giữ tại chiến trường, có luật lệ và toà án xét xử nghiêm túc và với Quốc Sách Chiêu Hồi ban hành để cải thiện, giúp người cán binh VC có cơ hội sinh sống bình đẳng mưu cầu hạnh phúc trong thể chế tự do miền Nam. Những ai là Quân - Dân miền Nam lạm sát tù binh VC hoặc thân nhân của họ sẽ bị pháp luật trừng trị rõ ràng nghiêm chỉnh. Tôi quyết định về rừng và bị gạt lần thứ hai.

Bị Gạt Lần Thứ Hai: 

Thoát được nhà tù nhỏ, tôi đang bươn chải sống trong nhà tù lớn. Ở nhà tù lớn cái gì cũng: "Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân"... mà "dân" chỉ là tầng lớp nô lệ bị "Bắc Bộ Phủ" đô hộ cai trị còn khắc nghiệt hơn bọn rợ nhà Chu (Zhou Ye) tàn sát và cai trị nhà Thương (Shang Yin) 1040 BC, triều đại Tần Thuỷ Hoàng (259 BC) đốt sách chôn học trò, Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan 1162) rợ Mông Cổ với: "Vó ngựa của Đại Hãn đi tới đâu nơi đó không còn cỏ mọc"… có tàn bạo như thế nào đi nữa cũng chỉ là đối xử với người khác chủng tộc và ở thời đại con người chưa được mấy văn minh và "từ vượn lên người phải mấy triệu năm"? Ngày nay đương thời đồ đểu VC ác độc ngự trị "từ Người xuống vượn chỉ cần một vài năm" thôi! Bọn cán bộ có quyền thế trong tay đang tiến nhanh, tiến mạnh chụp giật, vơ vét chiến lợi phẩm không chỉ là của cải, tài sản, xe cộ, vàng ngọc, đôla (dollar), bất động sản mà còn là thân thể phụ nữ xinh đẹp là vợ con của tù nhân Quân - Dân miền Nam… mà cả đời mơ ước của tên cán cuội bần nông quanh năm, suốt tháng phải trốn chui, trốn nhủi lẩn tránh trong xó rừng âm u cây lá thiếu ánh sáng mặt trời triền miên, đói cơm, sốt rét ngã nước thiếu thuốc và thèm khát hơi hám đàn bà lâu năm mà thành chứng bệnh "cà hước" di căn mang về thành trả thù trên thân thể phụ nữ đã chiếm đoạt! Thành trì Ngũ Luân đạo lý của dân miền Nam đang bị thách đố và có cơ huỷ hoại! Người dân hiền hoà miền Nam bị bao vây kinh tế, cuộc mưu sinh khốn khó để sống còn tất tả như vật vã bơi lội trong cơn hồng thuỷ … nên giả dối, tráo trở, gạt lừa đã có "mặt" trong gia đình, xã hội, học đường và khắp cùng mọi lãnh vực đời sống là thể hiện "Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa Cộng Sản"… từ đám quyền bính chóp bu "Bắc Bộ Phủ" chí cho đến bọn "cán ngố lý trưởng" quê một cục tha hồ lập mưu gian "qui định" để giết người cướp của là Cộng tài Sản của dân lành miền Nam vào kho của cải thủ đắc của chúng. Trong bối cảnh này, tôi phải luôn cảnh giác, không dám tiếp xúc với bất cứ ai ngay cả vợ con mình, sống lang thang không cửa không nhà, không một hào dính túi! "Hổ" sút móng lang thang đầu đường xó chợ, chạnh thân nhớ nhà, thèm bữa cơm no lòng đầm ấm đoàn viên! Phố xá quanh đây mà ta sao trơ trọi, hiểm nguy rình rập không lường, rừng đâu mà nhớ?! Tôi đánh bạo tìm cách liên lạc với Cha Mẹ đang sinh sống trên mảnh vườn cằn cỗi ở ngã ba Trung Lương, Mỹ Tho xin tiếp tế. Cha Mẹ tôi có năm đứa con "đi quân đội đã lâu rồi". Sau ngày 30-4-1975, bà như chết đi nửa đời người còn lại, khóc cạn nước mắt rồi kham nhẫn chịu đựng đau khổ cầu Trời, khấn Phật xin gia hộ cho tất cả năm đứa con đang thân bị giam cầm tù tội được bình yên. Nghe tin tôi vượt ngục bà hối thúc cha tôi phải tìm gặp "thằng Út" cho bằng được, và thế là tôi được giấu diếm tá túc ở nhà, dưới sự che chở của Cha Mẹ. Tôi đào một cái hầm dưới đáy tủ quần áo, phòng khi công an hay du kích xã Đạo Thạnh khám xét nhà thì tôi tức khắc chui vào tủ, rúc xuống hầm ẩn trốn. Trước kia ở thời Việt Nam Cộng Hoà thì bọn VC chui rúc xuống hầm hố nguỵ trang trốn tránh. Nay thời của quỉ đỏ thì tôi lại là kẻ trốn tránh. Ôi thôi, thế sự thật bồng bềnh khéo trêu người! 

Vài ngày sau đó, người cậu thứ tư tên Trương Văn Thân nguyên trước đây là Trưởng Ty Nông Nghiệp Tỉnh Định Tường ghé nhà thăm qua sự sắp xếp của cha tôi, ông nói:

Con yên tâm tịnh dưỡng sức khoẻ, mọi việc đã có cậu và cậu Năm (Trương Văn Phước) lo liệu. Đây là quyết định của cấp trên, cậu giao lại cho con…? 

Quyết Định của cấp trên là một tờ giấy đánh máy, bổ nhiệm cho tôi giữ chức vụ Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn II Sư Đoàn Tiền Giang với ám danh UBL45, ấn ký của Trung Tướng Ngô Quang Truởng Tư Lệnh Quân Đội Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà. Trời hỡi?!!! Cậu Tư của tôi chỉ là một công chức hành chánh mà nay là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Tiền Giang, Cậu Năm của tôi vốn là một Y Tá đỡ đẻ nay đang là Quận Trưởng Quận Châu Thành, Mỹ Tho?! Chết rồi, tôi không biết cha mình đang giữ chức vụ gì đây, mẹ tôi là giao liên cấp độ nào trong cái "Tổ Chức Kháng Cộng" này, không khéo là chết hết cả nhà? Tôi rơi vào tình trạng tiến thối lưỡng nan, làm thinh chịu trận! Trung Đoàn Trưởng mà chẳng có thằng lính nào trong tay, lại phải móc nối tìm kiếm ba "ông" Tiểu Đoàn Trưởng còn đang trốn chui trốn nhũi như Việt Cộng khi xưa nghe lính Cộng Hòa hành quân bố ráp. Bố khỉ! 

Rồi chuyện gì tới phải tới. Vào một đêm tối trời vào khoảng 5 giờ sáng, tất cả đều bị Công An Chấp Pháp Mỹ Tho vây bắt không sót một móng nào, chỉ có mình tôi nhờ cái hầm dưới đáy tủ quần áo mà thoát nạn. Cậu Tư bị án xử tử hình, cậu chết trong thời gian bị VC tra tấn cực hình để khai thác thêm những người liên hệ, cậu Năm bị tù 20 năm khổ sai, cha mẹ tôi già cả yếu đuối, cũng may vì không nhận chức vụ gì nên bị thẩm vấn liên tục rồi bị xử quản thúc tại gia, còn hằng trăm người khác trong "tổ chức" bị bắt số phận của họ như thế nào dưới chế độ VC "thà giết lầm hơn bỏ sót" chúng ta đã có nghe và biết qua rồi! Riêng tên Tư Lệnh Sư Đoàn Tiền Giang là một cựu Trung Sĩ Nhất của Tiểu Đoàn 11 Nhẩy Dù, nhận chỉ thị từ quan thầy Ty Công An Chấp Pháp Mỹ Tho, bủa một mẻ lưới gom tất cả trọn cả bầy cá ngát ngây thơ muốn vượt "Vũ Môn" bất thành để rồi bị xử bắn thân xác vùi dập bụi bờ hoang dại đâu đó hay đã thả trôi theo dòng chảy của nhánh Tiền Giang cuồng nộ xuôi về biển Đông và dưới dòng nước phù sa trộn mầu đỏ thắm có lẫn máu tươi của đồng bào sinh trưởng và lớn theo con sông Tiền, sông Hậu… nghe buồn não nuột! (Đây là chuyện thật, người thật, việc thật. Nếu quí Độc Giả muốn biết rõ tường tận chi tiết xin hỏi cựu Dân Biểu Lê Tấn Trạng đang sống ở San Diego, California USA và người con trai của cậu Tư của tôi).

Hò… lơ… Sông Cửu Long xuôi dòng rẽ nhánh
Thành sông Tiền, sông Hậu có trước có sau
Mặc cho thuỷ triều lên xuống, gợn sóng lao xao
Tình người Mỹ Tho sâu thẩm như đáy sông…ơ… hò
Hò… lơ… Em mua lúa Hồng Đào bán ra chợ Gạo
Ven sông tần tảo nuôi bậu học hành
Bậu mần quan mần Trạng
Rạng danh thành "Dân Biểu Bến Tranh"…ơ…hò
Hò…lơ… ai ngờ vận nước tanh bành…!
Trạng manh tâm đưa bạn lên đàng chết oan …ơ …hò
Con chim Uyên Ương lẻ bạn
Con chim Nhạn lạc bầy đàn
Ai bày, ai vẽ nên Sư Đoàn Tiền Giang …ơ…hò?
Hò…lơ… nước phù sa Tiền Giang đỏ thắm!
Vì có máu người Trung Lương pha lẫn nước sông
Dòng Tiền Giang cuồng nộ, làm sạt lỡ đôi bờ…
Chứa bao nhiêu xương trắng sông Tiền lạnh không…ơ …hò!

(Câu Hò Tiền Giang) 

Như vậy là tôi đã bị gạt lần thứ hai sau ngày "bên thắng cuộc" cai trị đất nước Việt Nam, và không phải chỉ có riêng tôi, mà còn bao nhiêu oan hồn uổng tử cùng với gia đình họ chịu trăm ngàn đắng cay bên phía "người thua cuộc" bị lừa gạt để tróc nã, đào tận gốc bốc tận rễ và giết hại! Không biết phải dùng ngôn từ gì để diễn tả "quốc sách" phi dân tộc như thế! Bao nhiêu giấy mực để phải viết ra đây phân trần, than thân trách phận ư? Hay nung nấu một nỗi căm hờn nghiến cả hai hàm răng để khỏi bật ra tiếng khóc ai oán tang thương! 

Bị Gạt Lần Thứ Ba: 

Bị gạt lần thứ hai, thoát được thân cũng do số trời định đoạt, nào tôi có muốn như vậy đâu? Vì kháng chiến chống chế độ VC đương quyền là một trò đùa với tử thần, biết như vậy, nhưng lúc đó tôi chẳng có một sự chọn lựa nào khác, cứ mặc kệ đời trôi nổi tới đâu hay tới đó… Cũng may hôm đó chúng không xét nhà, chỉ bắt và dẫn cha mẹ cùng đứa em trai của tôi về chấp pháp. Tôi chờ mãi đến tối ngày hôm sau, chị Tư của tôi nhòm trước, ngó sau canh chừng động tĩnh an toàn cho tôi rời khỏi nhà, ra đến quốc lộ 4 đón xe về Sài Gòn, với một ít tiền độ đường mà chị tôi vừa khóc vừa dúi vào túi áo! "Hổ" lại trở về thành. Thành phố Sài Gòn rực một màu đỏ, trên dưới xa gần, nhà cửa, phố xá, xe cộ, cột điện... đều màu đỏ của máu tươi! Xuống bến xe cảng miền tây, nhảy đại lên một chiếc xe lam sắp rời bến không biết điểm đến nơi nao, xe ngừng ở ngã ba Trần Quốc Toản và Nguyễn Thiện Thuật, tôi nhảy vội xuống xe, đi lang thang với những bước chân vô định, cứ đi, muốn đi thẳng thì đi, muốn quẹo trái, quẹo phải thì quẹo, muốn tới đâu thì tới... tới sân đá banh Cộng Hòa gần nhà một người bạn rất thân cùng Khoá 22 Võ Bị Đà Lạt (Trong truyện ngắn này,tôi không thể viết chi tiết và danh tánh vì có liên hệ đến rất nhiều bằng hữu còn đang sống tại Việt Nam và Mỹ! Nhưng Họ mãi là nhân chứng sống cho câu chuyện "Bị Gạt" của tôi). Kéo cái mũ xùm xụp xuống gần mí mắt, tôi gỏ cửa nhà, "bà Chị"(vợ của người bạn thân cùng khóa ) mở cửa, sau phút định thần, với đôi mắt gần như trợn trừng ngạc nhiên chị thảng thốt: "Ôi…Trời ơi!... Anh... Anh... hả "?!!! 

Chị không dám gọi tên tôi vì đã biết mọi chuyện. Chồng chị đã hy sinh trong mặt trận Quảng Trị, chị ở vậy với một đứa con gái nuôi vài ba tuổi và có một người anh họ trước 1975, làm thư ký trong tòa Đại Sứ Mỹ, ông không muốn đi Mỹ, dù có tên trong danh sách di tản sang Mỹ. Chờ khóa cửa xong, chị hỏi thăm năm ba điều rồi dặn dò: "Ngày mai, đúng 9 giờ sáng, anh tới quán cà phê vỉa hè đối diện với nhà thờ Huyện Sĩ, tôi có nhiều chuyện cần nói với anh"! Lại tiếp tục lang thang, đêm đó tôi ngủ trên chiếc chiếu thuê ở bến xe An Đông. 

Đến 8 giờ sáng hôm sau, tôi tìm chỗ khuất sau cây dù của quầy pha cà phê vỉa hè đối diện nhà thờ Huyện Sĩ, chờ đến 9 giờ cũng chưa thấy chị, tới 9 giờ 45, một người đàn ông xa lạ bước đến kéo cái ghế thấp ngồi kế bên tôi và kêu một ly cà phê sữa nóng xong gật đầu chào xã giao và hỏi: 

- Anh Út hả? 

Một cơn chấn động ớn lạnh dữ dội chạy khắp thân thể gần như không còn giữ được bình tỉnh, hai bàn tay nắm chặt vào nhau và để lên bàn, không dám nhìn thẳng vào mặt ông ta, tôi nói: 

- Vâng thưa anh! Nếu anh là công an theo dõi tôi…thì tay tôi đây, anh cứ còng! 

Ông ta dáng người nhỏ tầm thước, gương mặt bình thản không có một chút sát khí nào, móc túi lấy bao thuốc Samit, châm lửa rồi đưa sang cho tôi xong ông nói một cách chậm rãi: 

- Tôi tên H là anh của bà A. Tôi đến đây để giúp anh và anh phải đi ngay! Anh sẽ đến một nơi tôi nghĩ sẽ thích hợp và an toàn cho anh hơn, tin hay không tùy anh. 

Tin hay không? Chỉ có Thượng Đế mới có thể giúp cho tôi lúc này để trả lời tin hay không! Không tin thì tôi phải làm gì và nói gì trong lúc này? Tin thì tôi phải đến nơi nào do ông ta quyết định? Sao định mệnh cứ mãi đưa đẩy thân tôi vào những canh bạc thắng thua bằng chính mạng sống của mình?! Và rồi đến 2 giờ chiều cùng ngày tôi được thu xếp lên chuyến xe đò đi Long Khánh với lời căn dặn:"cho đến khi nào anh lơ xe vỗ vai ra dấu thì anh xuống xe…". Xe chuyển bánh lên đường chạy bình yên cho đến khi đậu lại ven đường, anh lơ xe la lớn: "Bà con cô bác ai muốn đi tiểu tiện hay mua cà phê nước uống thì xuống xe, chúng ta sẽ nghỉ 10 phút" … cùng với cái vỗ nhẹ vào vai tôi. Tôi xuống xe và nơi đây là Ấp Bảo Bình, Xã Bảo Liệt, Huyện Thống Nhất, Tỉnh Long Khánh. Cái quán bên vệ đường là một trạm "giao liên" của tổ chức "kháng chiến" mà họ đưa tôi lên đây. Tôi chỉ biết theo lời hướng dẫn của họ. Người chủ quán pha cho tôi một ly cà phê đá và nói nhỏ: "chờ xe chạy có người nói chuyện với anh sau...". "Người" Z20 là ám danh của một cựu Trung Sĩ Pháo Binh thuộc Tiểu Khu Phước Tuy, mà cũng là chỉ huy trưởng đơn vị kháng chiến hiện tại mang tên: "Trung Đoàn Cơ Động Tỉnh Long Khánh". Tôi được bổ nhiệm làm Trung Đoàn Phó cho anh ta (thằng đang giăng câu). Mẹ kiếp! Thôi cũng đành nhắm mắt đưa chân, tôi cố ngậm miệng để không bật ra tiếng chửi thề. Suốt đêm đó di hành gần 15 cây số vào tới mật khu Mây Tào của VC trước kia, xa xa nữa là núi Chứa Chan. Khi trời vừa hừng sáng, Z20 ra "lệnh" cho tôi nghỉ ngơi, chờ đến 2 giờ trưa sẽ giới thiệu đơn vị. Thôi thì cũng một chút niềm vui len lén vào hồn, kháng chiến hay khiến chán cũng là một nơi tạm dung thân ít ra "Hổ" cũng được về rừng! Buổi trưa, Z20 giới thiệu với tất cả "kháng chiến quân" hiện diện, hắn chỉ định tôi là Z21 Chỉ Huy Phó của Trung Đoàn (?), sau đó giới thiệu vài người thân cận sẽ làm việc bên cạnh tôi, rồi nói sơ qua cho biết:" Hiện nay Đại Tướng Ngô Quang Trưởng đang là Tổng Tư Lệnh Quân Đội Giải Phóng Việt Nam (TTLQĐGPVN), Trung Tướng Bùi Thế Lân Tư Lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến (TQLC) đang ở núi Chứa Chan, Đại Tá Lê Văn Mễ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù (TLLĐND) ở núi Bà Rá… Anh ta nói liên miên không ngượng miệng, không có bản đồ, cũng chẳng có một chứng từ gì để trao lại cho Trung Đoàn Phó của anh ta tức là tôi ( sic )! Nghe tới đây tôi rởn tóc gáy, chợt nghĩ đến chỉ trong một đêm cả Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Tiền Giang bị VC hốt trọn ổ?! Chỉ có thế, rồi anh ta rời "mật khu kháng chiến" vội vã trở ra cái quán bên vệ đường Quốc Lộ 1 với lý do đi liên lạc với cấp trên để cho tôi toàn quyền quyết định mọi việc! Quyết định cái gì? "Trung Đoàn" chỉ có 67 "nhơn" mạng: 63 nam, 4 nữ, hầu hết không quá 30 tuổi và một số là dân phạm pháp trốn vào "bưng", vũ khí chỉ có 7 súng M16, mỗi khẩu có một băng đạn không tới 20 viên đạn, không bản đồ, không máy truyền tin, tình hình "địch" và "bạn" chung quanh vài cây số cũng mù tịt, không có thuốc men khi bệnh hoạn hay ngộ độc thì sẽ làm sao cứu chữa? Ẩm thực mỗi ngày, mỗi người chỉ ăn được hai bữa vài ba chén cháo với cá khô..! Kháng chiến kiểu này là tự sát theo thời gian! Tôi đâm ra khiến chán, và những mối nghi ngờ càng ngày càng tích lũy âm thầm trong lòng càng gia tăng. Bài học mới đây với Sư Đoàn Tiền Giang, Sư Đoàn Rạch Giá, vụ án nhà thờ Vinh Sơn chưa ráo mực, chắc chắn rồi mình lại bị gạt rõ ràng như hai cộng với hai là bốn. Cố giữ bình thản giấu đi ánh mắt và những lời nói vô tình làm lộ ý nghĩ trong đầu. Ba ngày trôi qua không có mặt của tên đầu sỏ Z20, đêm đến tôi không ngủ chỗ của mình mà ôm tấm chăn chui vào bụi rậm gần đó, nửa thức, nửa ngủ chờ sáng… đến ngày thứ tư, tôi ra lệnh cho Tập và Quang (hai người này đang sinh sống tại Mỹ) theo tôi thám sát chung quanh vùng, nhưng thật sự là để dò tìm con đường an toàn trở ra QL1. Ngày hôm sau tôi âm thầm lặng lẽ rời bỏ họ. Tôi vẫn ngậm ngùi nghĩ tới họ, nhất là bốn cô gái chỉ vừa tuổi đôi mươi, những "chiến hữu" bất đắc dĩ nầy không biết rõ vì hoàn cảnh nào đưa đẩy họ vào đây? Nhưng chắc chắn là họ không thể sống bình thường với gia đình nơi sinh ra và lớn lên, và chắc chắn hơn nữa họ không có một khái niệm sơ đẳng nào về việc họ đang làm rất nguy hiểm sẽ đưa đến cái chết oan uổng khi bị VC bắt và xử bắn. Thật tội nghiệp cho họ! Nhưng biết làm sao hơn, vì ngay cả bản thân của tôi cũng đã và đang lâm nguy như cá nằm trong rọ chờ giờ bị tóm cổ! Tôi âm thầm lặng lẽ rời bỏ họ trên đường trốn chạy tử thần, trong khi họ tin tưởng và hy vọng ở nơi tôi, một cựu Đại Úy Nhẩy Dù tác chiến thứ thiệt, và chắc chắn là chỉ huy kháng chiến "thứ thiệt" vì do cấp trên bổ nhiệm. Tôi bây giờ như con cua bị bẻ hết càng, thân bất độ, độ chi tha nhân, chắc gì cứu lấy được mình, nào dám hé môi nửa lời cứu lấy thân họ, lại nữa biết ai giả ai thật, trí trá vàng thau lẫn lộn, tai vách mạch rừng … đành để họ buông theo số mệnh an bày cho những người "Bạn" trẻ ngây thơ như nai tơ trước đàn sài lang hung dữ, ác độc thèm máu tươi và "năng nổ" lập công, thành tích để trồi đạp lên nhau mà tiến thân rồi mặc sức tha hồ giết người cướp của, thời điểm hưng thịnh bạo ngược là "bình minh cộng sản" (không viết Hoa)...! Rồi từ đó về sau tôi không biết tin tức gì của họ nữa, mãi đến năm 1987, tức 11 năm sau, chị A từ Boston gọi điện thoại cho tôi biết anh H vừa sang Mỹ định cư ở Richmond, Virginia. Tôi tức tốc đến thăm gia đình anh, rồi được anh kể lại cho tôi nghe với những giọt nước mắt lưng tròng:

- Sau khi anh Út đi khỏi "chiến khu" rồi, chỉ vài tuần sau đó VC kéo cả một Tiểu Đoàn Bộ Đội và Thiết Giáp càn quét vào đó, tất cả những người đang ở trong "chiến khu" bị giết hoặc bị bắt đi, chỉ có vài ba người trốn thoát được vì đang ở Bảo Bình chờ nhận tiếp tế! Tôi đã bị VC gạt và kéo anh vào cuộc bị gạt luôn với 60 sinh mạng bị bắn giết ở tuổi ngây thơ chưa biết gì về sự tàn ác của VC!

Đêm đó tôi thức suốt đêm với anh H, uống hết chai beer này đến chai beer khác, beer trộn lẫn với nước mắt nuốt vào cổ họng nghẹn ngào bi thương… làm sao quên được những đôi mắt ngây thơ tin yêu có chút lãng mạn chuyện đội đá vá trời của những "kháng chiến quân" trong mật khu Mây Tào bị "gài độ" và giờ đây thân xác của họ bị vùi lấp đâu đó nơi xó rừng hoang vu lạnh lẽo, nào ai biết, nào ai hay để thắp vài nén hương sưởi ấm oan hồn! Đêm đã gần sáng mà những câu chuyện bị gạt bi thương, đau đớn gần như bất tận!

Bị Gạt Lần Thứ Tư: 

Nay "Hổ" trốn chui trở lại về "thành Hồ" và đã bị sút móng, như mèo bị cắt tai hoặc thành "cái" con chi chi cũng mặc…gặp ai nói, ai bảo gì cũng đành phải dạ thưa để tìm chỗ dung thân! Ấy vậy mà vẫn còn bị gạt dài dài! Giấc mơ "Hổ Nhớ Rừng" tự hứa từ đây sẽ chôn xuống gốc cây bụi cỏ nào đó cùng với lý lịch "oan khiên" Út Bạch Lan (danh hiệu truyền tin gần như huyền thoại mà cấp Chỉ Huy và bạn bè thân thương "ban" tặng như pháo, càng nổ to tiếng thì tan tành xác pháo thôi) rồi bắt đầu chuyển hướng tìm phương cách vượt biên. "Vượt Biên" là ngôn ngữ thời thượng trong khoảng thời gian từ năm 1977 - 1980, nhà nhà vượt biên, người người vượt biên. Các hũ vàng chôn dưới nền nhà, chôn dưới cây khế sau nhà, dưới nền chuồng heo, chuồng gà lần lượt được moi móc lên để dâng cúng cho những tay trùm quỷ đỏ qua trung gian của không biết bao nhiêu kẻ chạy cò, móc nối gian manh lường gạt ngay cả thân nhân ruột thịt của mình! Gia đình tôi là một trong những gia đình nạn nhân trong "quốc sách" bán bãi thu vàng, dollar, tịch thu tài sản của người vượt biên đó! Cả gia đình người cô ruột của tôi gồm 16 nhân mạng đã chìm sâu dưới giòng sông Cát Lái sau khi đã gom góp tất cả tài sản để đánh đổi với hai chữ "Tự Do", mà chính họ cùng lơ mơ không hiểu "Tự Do" là gì khi chiếc xà lan nổ tung dìm thân xác họ xuống lòng sông là chứng nhân vô tình, nước vẫn chảy xuôi dòng, cát vẫn trôi lăn vô định. Còn lại bao tiếc thương của những thân nhân họ hàng rơi lệ dầm bâu rồi lại lăn săn lục lạo tìm đường vượt biên! Năm 1979, một chiếc xà lan chứa cả hơn ngàn nhân mạng được tàu VC kéo ra khơi vượt biên, sau đó trôi dạt vào Pulau Bidong chỉ còn vài chục xác chết! Không biết những giây phút cuối cùng cận tử có ai không trong số đồng bào vượt biên phát giác âm mưu gian trá của quỉ đỏ giết người cướp của mà gào thét: "bọn quỉ đỏ đã lừa gạt đồng bào" và còn nhớ đã chung bao nhiêu cây vàng cho đám công an tổ chức?! 

Giấc mơ "Hổ Nhớ Rừng" nay mồ đã xanh cỏ, giấc mơ vượt biên như ở đâu đó còn xa xăm ngoài tầm tay với. Đường bộ ngã Châu Đốc qua Campuchia cũng phải chung vàng, bán chính thức giá mỗi đầu người bốn cây, đi chui thì tệ lắm cũng hai cây. Mở miệng ra nói tới chuyện vượt biên là cây với cây! Với ba lần bị gạt như kính cung chi điểu, con chim bị tên thấy cành cây cong đã hoảng sợ, bây giờ nghe nói đến cây cây là còn lo sợ hơn! Bài tính tích phân với ba bốn con ngỗng của Thầy Nguyễn Khắc Thuận (VBDL) cứ nhẩy múa trong đầu và tìm đâu ra đáp số. Cha Mẹ ơi, Thầy ơi! Đang trong khi vợ con còn ăn uống chưa no bụng, thì làm sao mà có vàng để vượt biên? Một buổi trưa đang lang thang ở chợ trời Tân Định, tôi bị một cái vỗ vai thật mạnh gần chúi nhũi, ngó lại thì là chị Mai vợ của anh Nguyễn Văn Chộ (F21). Anh Chộ tướng đô con, trắng trẻo, đẹp trai, ra trường vào Không Quân, chị Mai là Tiếp Viên Hàng Không của Air Việt Nam, nổi tiếng đẹp nhất trong số các "Phu Nhân" của Võ Bị Đà Lạt. Chị gọi tôi:

- Anh Út,... lại đây... lại đây! 

Chị kéo tôi đến cái sạp bán quần áo cũ của chị. Nét đẹp diễm kiều và quí phái không thay đổi nhiều nhưng phảng phất có đôi chút phong trần. 

- Anh uống cà phê không, cà phê cứt chồn ngon lắm? 

Không đợi tôi trả lời, chị nhờ cô bé chạy hàng rong gọi hai ly cà phê sữa đá thêm chút bơ. Chị nói huyên thiên chuyện gia đình, chuyện anh Chộ và cuối cùng: 

- Tôi nghe bà xã của anh kể lại chuyện về anh… Thật không ngờ gặp được anh ở đây. Thôi tóm tắt như thế nầy... 

Nghe qua, tôi được biết người tình hờ của chị là một người Hoa có hai lò đường ở Củ Chi, đang tổ chức một chuyến vượt biên ở Sa Đéc, có tay trong là tên tài công từ ngoài Bắc vô, đang là thuyền trưởng một trong những tàu đánh cá quốc doanh Phú Quốc. Chị nói tiếp: "Tên tài công này đồng ý đưa mình đi, nhưng hắn muốn có một ít tiền để lại cho gia đình ở Ninh Bình, điều kiện là hai cây đầu người... nếu anh kiếm được 10 người thì anh sẽ được đi không tốn tiền..". Nghe qua hấp dẫn vô cùng và tự khoái chí: "ờ há chỉ có con đường này may ra..."!!! Sau này biết mình bị gạt, tôi tự đấm vào đầu và tự nhủ: "Sao mầy có thể ngu đần như vậy, không nghĩ "thằng" tổ chức là ai, "nó" chính là "đầu não" quyết định, "thằng tài công từ ngoài Bắc" vào… và cũng chỉ vì giấc mộng vượt biên mà u mê đến độ không suy nghĩ đắn đo phân hư thật cứ lao đầu vào sự lường gạt"! Sau vài lần tiếp xúc, tôi dần dần tin tưởng ở chị Mai, mỗi lần gặp chị bảo tôi ngồi ở phía sau cái sạp bán quần áo cũ của chị nhìn ông đi qua bà đi lại, lắm khi chị giao sạp cho tôi trông coi, còn chị chạy vòng vòng đâu đó mua bán trao đổi quấn áo cũ, khi trở về chị mua cho tôi đĩa cơm tấm sườn. Sự tin tưởng nơi chị gia tăng tới mức tôi nhờ chị liên lạc với gia đình. Một ngày, người đàn ông lạ mặt xuất hiện, chị giới thiệu là anh Chín, ông chủ lò đường ở Củ Chi, không nói tôi cũng biết là người tình hờ của chị, nhưng nào phải chuyện của mình thắc mắc làm gì, họ trao đổi gì với nhau tôi cũng làm ngơ, nhưng thoang thoáng cũng biết được chuyện tiền nong cho chuyến vượt biên sắp tới. Chờ cho người đàn ông đi rồi, chập sau chị mới nói với tôi:

- Anh Út à! Tôi phải năn nỉ hết lời ông ấy mới thuận, tôi nói với ổng anh là anh em cột chèo với anh Chộ, nên ổng đồng ý cho anh đi, nhưng cũng phải đưa trước hai cây. 

"Phải năn nỉ hết lời" mà phải đưa trước hai cây?!... Sao lúc đó tôi ngu ngơ khờ khạo đến nỗi không nghĩ ra cái mâu thuẫn hắc bạch phân minh này?! Ngu nên bị gạt là đáng kiếp! Trông cậy và nhờ vả vào ai đây để đào ra hai cây vàng giao cho họ, cũng đồng nghĩa giao tính mạng mình cho họ? Nếu là một người dân bình thường có hộ khẩu, có gia đình, đi lại bình thường may ra còn có thể xoay sở được, nếu thoát được thì nói gì, còn nếu bị "dính cựa" thì cũng còn mái ấm gia đình mong ngày trở về. Còn tôi chỉ có đường đi tới, không trở lui được là thế bối thủy. Như một kẻ đã bị dồn vào chân tường, giống như ngày còn cầm quân nơi trận địa rơi vào hoàn cảnh chống cũng chết mà hàng cũng chết! Lại nữa tôi tin ở chị Mai cũng như tôi tin ở chị A vì chỗ thân quen, ân tình nghĩa lụy với nhau trong những tháng năm còn tại ngũ. Tôi nghĩ đến mẹ tôi. Người mẹ chỉ biết chắt chiu dành dụm từng đồng và ăn chay trường từ ngày sinh người con thứ tám. Hy vọng mong manh may ra thoát được cái thiên la địa võng cô nghiệt này. Tôi viết một bức thư kín đáo cho Mẹ tôi và không quên dặn dò cách thức gặp gỡ. Đúng ngày, đúng giờ, đúng địa điểm chị Tư của tôi dẫn hai đứa con lang thang trong sở thú Sài Gòn, tôi nhìn theo dõi ở xa xa… chưa dám tiếp xúc, rồi sau cùng nhận thấy khá an toàn tôi giả vờ như người chăm sóc cây kiểng đến gần gặp chị. Chị lo âu vội vã nói: "Trong cái túi giấy có ổ bánh mì, cá nục kho của Má làm cho em sáng nay, một cái bọc vải và cái thư của Má. Thôi chị đi...". Chị vội vàng quay đi với hai đứa cháu và gương mặt đầm đìa nước mắt! Tôi tìm chỗ kín đáo mở "quà" và đọc thơ của Mẹ tôi viết: "Con của Má, Má có bao nhiêu gom hết cho con, có phần phụ thêm của chị Hai và chị Tư... Con nên bảo trọng lấy thân, Ba Má vẫn đọc kinh cầu nguyện Phật Trời phù hộ cho con và anh em của con hằng đêm…"! Trong bọc vải có một sợi giây chuyền, ba chiếc nhẫn, một tấm lắc đeo tay, một cái kiềng đeo tay, một đôi bông tai, một vòng cẩm thạch màu tím thẫm, tất cả đều là vàng y. Tôi nào biết định giá nó là bao nhiêu, tương đương với mấy cây cũng không biết! Với niềm hy vọng và tin tưởng không một chút thắc mắc nào, tôi giao hết cho chị Mai ngay buổi chiều ngày hôm đó. Tôi đã giao cho chị Mai tất cả huyết lệ của Mẹ và chị tôi, đã cần kiệm để dành chút vốn của cải cất dấu cả đời người tần tảo nay đem cho hết những mong tôi sẽ được vựợt biên bình an suông sẻ! Cứ mỗi ngày theo lời dặn của chị Mai, tôi ghé gánh cơm "xích lô phu khuân vác" xeo xéo sạp quần áo của chị để chờ tin. Thời gian và đợi chờ là hai khắc tinh "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại", ngày qua tháng lại chỉ chờ, chờ, chờ cho đến một hôm kinh hoàng như bị thiên lôi giáng một búa xuống đầu mình, miệng há hốc mà không thốt ra được một lời, thân chết đứng khi nghe chị Mai thông báo: 

Tôi đã giao hết cái của anh cho anh Chín lò đường, cả mấy tuần nay tôi nhắn hoài mà không thấy anh ấy liên lạc, mới vừa nghe tin anh ấy đã cùng gia đình vượt biên rồi. Bây giờ mình chỉ còn nước đi thưa với công an mà thôi"! 

"Thưa Công An"? Tôi đã rơi vào bẫy sập với cái giá mồ hôi và nước mắt của Mẹ và chị tôi. Nỗi uất nghẹn từ trong tim trào dâng, ngăn giòng lệ không ứa tuôn ra ngoài mà phải ém để chảy ngược vào bên trong tâm tan nát! Tôi lầm lũi bước đi với những bước chân vô hồn, bên tai vẫn còn nghe tiếng bà Ba gánh cơm xích lô: "bữa nay có thịt kho tàu với dưa chua, dưa giá…" và dư âm lời của chị Mai: "…mình chỉ còn nước đi thưa Công An mà thôi"! Tôi tự hỏi chị Mai hay thằng Ba Tàu chủ lò đường kiêm người tình "30 tháng tư" của chị manh tâm gạt tôi?! Những ngày sau, tôi lén trở lại sạp vải thấy tên Chín lò đường vẫn ngồi với chị Mai sau cái sập bán quần áo cũ và họ hiên ngang chờ tôi đến để "đi thưa Công An". Tôi âm thầm gạt lệ, có nỗi xót xa đau đớn nào hơn hoàn cảnh này hỡi Trời…?!

Bị Gạt Lần Thứ Năm: 

Trời cao không phụ lòng người, sau cùng tôi vượt biên thành công. Một tháng rưỡi ở trại tị nạn Pulau Bidong, sáu tháng ở GaLang II chờ học ESL rồi cuối cùng cũng được đặt chân lên đất nước Mỹ tháng 12 năm 1982, Tôi phải đối diện với cuộc sống mới, làm lại từ khởi đầu với hai bàn tay trắng và mớ vốn kiến thức nửa nạc nửa mỡ, nửa thầy nửa thợ, bỏ lại sau lưng những nhục nhằn của cái thiên đường xạo hết chỗ nói (xã hội chủ nghĩa) chỉ có mánh mung và lường gạt! Khi còn ở trại tị nạn, vài nhân viên người nước ngoài trong phái đoàn phỏng vấn hỏi tôi:

- Anh có dự tính sang Mỹ sẽ làm gì hay không? 

Tôi trả lời ngay không do dự:
- Lái taxi.

Khi sang đến Mỹ, bạn bè khuyến khích tôi nên đi học trở lại trong khi đang hưởng trợ cấp xã hội. Tôi cười:

- Trời đất, bao năm chinh chiến chỉ biết cắc bùm, nhiều năm trốn chui trốn nhũi, sách vở văn chương chữ nghĩa đã trả lại cho Thầy, lại nữa tiếng Anh tiếng U nói bằng tay múa bằng chân thì học cái gì? 

Họ trấn an:

- Tụi tao học được thì mày cũng học được, học không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang... 

Thế là tôi cũng phải đi học mong kiếm tờ giấy "bằng cấp" lộn lận lưng để đi xin việc làm.

30-4-1983: "Ngày Đại Hội Chính Nghĩa của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam" - Hoàng Cơ Minh tại Thủ Đô Washington: 

Người bạn thân của tôi là Cựu Đại Úy Quân Y Nhẩy Dù Trần Công Hoàng (Florida) đang là Xứ Bộ Trưởng X202 của Mặt Trận vùng Đông Bắc Mỹ, Cựu Trung Tá Bác Sĩ Quân Y Sư Đoàn Nhẩy Dù Trần Đức Tường (France) đang là Đại Diện cho Khu Bộ Âu Châu của Mặt Trận... giới thiệu tôi với Đề Đốc Hoàng Cơ Minh (HCM) qua thành tích trốn trại và tham gia "kháng chiến" ở VN trước khi qua Mỹ. Trong căn phòng nhỏ hẹp vùng Maryland, bên ngoài được canh phòng an ninh chặt chẽ, BS Trần Đức Tường nghiêm chỉnh trình diện Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh rồi dõng dạc giới thiệu:

- Xin trân trọng giới thiệu với Đề Đốc... đây là Đại Úy Trương Văn Út tự là ÚtBạchLan... mà tôi đã trình bày với Đề Đốc cùng Đại Tá (PVL) hai ngày hôm trước. 

BS Tường bước ra ngoài. đóng cửa, trong phòng riêng thì chỉ còn có ba người với ánh sáng lờ mờ chỉ có ánh đèn bật sáng trên một bản đồ khá lớn đang trải rộng trên bàn. Ông Hoàng Cơ Minh cũng biết tôi vừa từ VN đến Mỹ vài tháng qua nên ân cần: 

- Anh Út, tốt lắm! Tôi và Đại Tá Liễu được BS Tường kể hết thành tích (?) của anh... Sẵn đây, anh có thể cho chúng tôi biết khái quát về tình hình ở VN qua phóng đồ hành quân này và cho chúng tôi biết nhận định của anh. 

Trên bản đồ, những chấm xanh đánh dấu vị trí các đơn vị của "Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam" - Hoàng Cơ Minh, chấm đỏ là các đơn vị trú phòng của QĐNDVC... Liếc qua vùng IV của mình ngày xưa, rồi vùng bắc, đông bắc Saigon với chấm xanh chấm đỏ chen lẫn chằng chịt… khiến tôi chóng mặt?! Tất cả lực lượng của Mặt Trận đang dưới quyền "Tư Lệnh" Trung Tá Lê Hồng (truớc 1975 là Lữ Đoàn Phó LĐIND) nay đang mang cấp bậc Thiếu Tướng là "Thiếu Tướng Đặng Quốc Hiền"! Cả hai "Ông" đều im lặng trong khi tôi quan sát trên bản đồ và cũng im lặng. Chợt nhớ tới những lời của tên Z20 ở Long Khánh trước đây và tôi cố giữ bình tĩnh để tiếng "xạo" không thoát ra cửa miệng. Một lúc lâu ông Hoàng Cơ Minh hỏi thúc: 

- Anh thấy sao? Tôi thực tình trả lời:

- Thưa Đề Đốc, tôi chỉ biết vào khoảng năm 1976 ở Mỹ Tho có Sư Đoàn Tiền Giang nhưng không có quân! Ở Long Khánh có một nhóm khoảng trên dưới 60 người lại không có cấp chỉ huy! Tôi chỉ biết có thế.

- Thôi được, bây giờ anh đang làm gì?

- Dạ, tôi đang đi học.

- Tôi có bàn với anh Bẩy (TVL) là kết nạp anh ngay và sẽ đưa anh sang Thái Lan để giúp cho anh Chính "Tư Lệnh Lực Lượng Võ Trang" (TT/ĐQH tức TrT/ LH) hoặc ở lại đây vừa đi học vừa giúp chúng tôi thành lập Biệt Đội Công Tác Đặc Biệt (tiền thân của K9 sau này)... Anh nghĩ sao cho chúng tôi biết ngay bây giờ? 

Tôi rơi ngay vào tâm trạng bối rối vì những cái chấm xanh chấm đỏ trên bản đồ. Thật xạo hết chỗ nói (XHCN) lại bị gạt nữa hay sao? Ba lần bốn lượt bị gạt còn chưa tởn hay sao mà nay lại còn ngần ngừ muốn bị gạt nữa chăng? Không gật đầu cũng không lắc đầu tôi từ tốn lịch sự trả lời: 

- Thưa ĐĐ và ĐT... Tôi đã ghi danh đi học, thời gian chưa biết bao lâu, xin cho tôi thời gian suy nghĩ, khi nghe và nói được tiếng Anh lưu loát hơn tôi sẽ trả lời sau. Dù thế nào việc trở về VN lật đổ CSVN vẫn là giấc mơ chẳng phải của riêng tôi mà là của hầu hết mọi người Việt trong và ngoài nước. 

- Vậy cũng được, anh Bảy sẽ chỉ thị trực tiếp cho X202 (TCH) giúp đỡ cho anh trong thời gian đi học, liên lạc thường xuyên với X202, cần gì thì nói với X202 và báo cáo thẳng cho tôi hoặc anh Bảy. Trong thời gian này nếu có thể được, anh liên lạc với GS Cao Thế Dung nhận một ít tài liệu về đọc và nghiên cứu để hiểu biết thêm tình hình chính trị hiện nay. 

Tịnh Hô (cận vệ của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan trước 1975) lái xe đưa tôi trở về nhà "anh Đại" Trung Tá Phán (TQLC). Nơi đây đã "tập họp" trên 20 người ăn nhậu và đấu khẩu ỏm tỏi Hình như họ đã biết chuyện tôi gặp gỡ HCM chiều nay cho nên khi bước vào nhà, Tịnh Hô la lớn tiếng:

- ÚtBạchLan về tới... sau khi được phong chức Công Công!!! 

Mọi người cười ồ! Họ là những Sĩ Quan cấp Tá, đàn anh của tôi trong giới "giang hồ" ăn chơi ở SaiGon trước 1975. Họ tụ tập về đây tham dự "Đại Hội Chính Nghĩa" của Hoàng Cơ Minh. Họ không phải là cán bộ hay thành viên, đoàn viên của Mặt Trận mà chỉ vì tò mò về đây để "xem sự thể như thế nào" thế thôi! 

Tôi mới đặt chân lên đất Mỹ vài ba tháng (1983) trong khi họ đã đến đây từ 1975. Sự am tường hiểu biết của tôi so với họ chỉ là con số không và họ đã được ông Hoàng Cơ Minh chiếu cố vận dụng, chiêu mộ trước tôi xa lắc xa lơ. Ba người trong số là cựu TrT/ TQLC Nguyễn Văn Phán, cựu TrT/ HQ Trần Đức Cử, cựu TrT/BĐQ Nguyễn Thừa Dzu nói với tôi: 

- Mầy mới qua nên lo đi học rồi kiếm việc làm, ba cái chuyện này để mấy thằng anh mày lo, bao nhiêu cạm bẫy trùng trùng lớp lớp trước mặt, lỡ bước sang ngang con đò lật úp thì không ai cứu mày được. ĐHCN của HCM hôm nay là dấu hiệu kết thúc đó, tụi tao không cần giải thích nhiều! Nên nghe lời "Qua" đi em! 

Ngay sau đó, với sự vận động của "anh Đại" Phán, mọi người đóng góp tại chỗ được 3,800 dollars để cho tôi mua chiếc xe Nissan Sentra 1983 hai cửa mới toanh để đi học, và sau này cũng chính Anh Phán là người tìm việc làm cho tôi!. Đứng giữa hai sự chọn lựa, một là "danh vọng, địa vị" với Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, hai là tấm thạnh tình của những đàn anh chí tình chân thật? Lần nầy bởi nhìn được thấu đáo sự thật và nhiệt tình giúp đỡ của quí anh trưởng thượng, tôi né tránh được bị gạt lần thứ năm. Tôi từ chối những tấm check vài ba trăm hằng tháng của X202 nói rằng từ trung ương gửi cho tôi. Tôi biện giải khéo vì đã có Wellfare và Foodstamp đủ để đi học rồi và dứt khoát bỏ ngoài tai những mật ngọt vẫn tiếp tục gọi hằng ngày cùng những lời tâng bốc của các bạn cùng trường. Họ là những đoàn viên trung kiên của Mặt Trận trong đó có rất nhiều cựu SVSQVB với bộ đồng phục quần xám, áo nâu hoạt động quên cả ăn học! Tội nghiệp! Tôi vẫn âm thầm tiếp tục việc học và cũng may, nếu vì "nổ" và hám danh, háo vị… thì thân xác tôi giờ đây đã rã mục oan uổng đâu đó trong vùng thâm lâm Thái Lào cùng với Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh hoặc bị vùi dập dưới gốc tre bụi chuối nào đó bênh cạnh "Trại Kháng Chiến Quân" cùng "Thiếu Tướng Tư Lệnh Đặng Quốc Hiền", hay như GS Cao Thế Dung phải sống trong lo âu sợ hãi khi ly khai và lột mặt nạ gia đình đầu nậu "kháng chiến Phở Bò" họ Hoàng?! 

Lần bị gạt này sở dĩ mà "né" được là nhờ kinh nghiệm những lần bị gạt trước kia và sự nhiệt tình cảnh báo của một đa số "đàn anh" đến Mỹ năm 1975. Trong khi đó không biết bao nhiêu bạn bè thân thiết của tôi thân bại danh liệt, tán gia bại sản vì cái danh vị và quyền lợi nhất thời này. Lẽ nhiên tôi không dám nói tới những "Anh Hùng" thực sự có hùng tâm với đất nước nhưng thiểu trí đã thực sự tin tưởng và dấn thân trong "Mặt Trận Kháng Chiến" Hoàng Cơ Minh, những mong quang phục nước nhà Tôi thành kính phân ưu! Xét cho cùng ai gạt ai và ai bị gạt? Hạ hồi phân giải. 

Lần Thứ Mấy Rồi Hỡi Em? 

Rồi chuyện bút nghiên nhắm mắt qua cầu cũng xong cùng lúc với Phạm Quảng Thành và Dương Hiển Tòng. Đúng như lời Dương Hiển Tòng đã nói: "Học không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang". Ra trường có việc làm như ai, lai rai kiếm tiền bắt đầu gửi trả báo đền những ân tình với ân nhân ngày trước. Thời gian cuối 1984 đầu 1985 là thời gian "an cư lạc nghiệp" của tôi: đi làm chỉ mong cuối tuần để gặp Nguyễn Như Lâm, Lạc Minh Châu, Nguyễn Hữu Cầu, Mai Vĩnh Phu, Đỗ Đức Thắng... Không Washington DC thì Maryland, không Philadelphia thì NewYork... Mong đầu tháng hay giữa tháng lãnh cái check chạy vội ra tiệm vải của người VN mua một thùng trị giá 200 dollars cho vợ con, một thùng 200 dollars cho Cha Mẹ, chỉ biết trả tiền hàng hoá do tiệm đóng thùng gởi về VN với hoá đơn đàng hoàng, trên đường lái xe về nhà lòng thơi thới hân hoan vui sướng vì nghĩ Cha Mẹ, vợ con sẽ mừng rỡ khui thùng hàng nhận được quà là những xấp vải, mấy cái quần Jean Levis thứ thiệt, mấy hũ thuốc trị bịnh phổi cho Cha, chỉ thiếu trầu cau cho Mẹ nữa thôi! Tôi biết Mẹ chỉ cần tin tôi đã thật sự thoát ra khỏi địa ngục VC và đang sống trên thiên đàng tự do Mỹ quốc là Bà mừng vui không có niềm vui nào hơn thế nữa! Một hôm tôi nhận được thư vợ: "Anh à, em nói anh đừng nổi nóng nghe! Anh xem lại, anh nói thùng quà trị giá $200USD mà thật ra chỉ trị giá khoảng $50 mà thôi… vì hàng "dzõm" không hà! Ba Má nhờ em thanh toán dùm, có bao nhiêu em giao lại cho Ba Má bấy nhiêu, bây giờ em lại mang tiếng là: "con dâu ăn chận"…"! 

Tôi chưỡi thề: "mẹ kiếp lại bị gạt"! Cái này thì ai gạt ai đây? Thằng chủ tiệm vải hay vợ tôi trong vụ mánh mung này? Tôi mang mấy chục cái hóa đơn ra hỏi thằng chủ tiệm vải thì nó chứng minh rành mạch rõ ràng: "…theo đơn đặt hàng... 100$ là như thế này, 200$ là như thế này và 500$ là như thế này... giá cả ở Mỹ là thế này, còn cái giá ở VN làm sao tôi biết được"? Tôi quíu lưỡi! Đi thưa kiện nó à? Con kiến đi kiện củ khoai đành ngậm bồ hòn lủi thủi về nhà lòng buồn rười rượi! Cũng may bên cạnh còn có Trần Thị Thanh Hà người vợ chưa bao giờ cưới mới vừa "ký giao kèo" sống chung, sống vui, sống không càm ràm với tôi khoảng một năm nay, gọi cho chị Mai vợ Nguyễn Như Lâm tâm sự "khúc nôi" thì được chị cho biết: "Trời ơi,… Tôi biết thằng khốn nạn đó mà, nhiều người bị nó gạt 1001 kiểu, không kiểu nào giống kiểu nào? Ông Út bị nó gạt là phải rồi, nói với ông Út đừng gửi theo kiểu thùng quà nữa mà gửi xe Honda Cup chắc ăn và có lời hơn…". 

Xe Cup hay Cub gì đó, ông cố nội tôi cũng không biết là cái giống gì, giá cả $1225USD? Khi người nhận ở VN chiếc xe này trị giá khoảng từ 5 đến 7 cây vàng, lời chán. Tôi bỏ cái vụ thùng quà, gom góp tiền dành dụm được ba tháng đem "nộp mạng" (?) cho một văn phòng đại diện hãng Honda Nhật Bản vùng Maryland, giấy tờ ký xong xuôi tổng cộng hóa đơn là $1,287USD. Trong vòng một tháng hàng sẽ chuyển từ Nhật về đến VN, như vậy gia đình tôi sẽ có ít nhất là 5 cây. "Vợ nhỏ" đánh điện tín cho "vợ lớn" báo tin và nhắn: " Chị nhớ lời anh Út dặn: khi nhận được xe trao đổi có tiền phải đi tìm mua ngay cái kiềng vàng cho Má, đó là cái kiềng vàng đính hôn của Má, mà Má đã cho Anh Út để đóng tiền vượt biên...". 

Chờ một rồi hai ba tháng chẳng thấy tin từc gì, "vợ lớn" ở Sài Gòn đi vay nợ sống lất lây qua ngày tháng để chờ cái chiếc xe mắc dịch này tới bến và chắc có lẽ cái tàu chở chiếc xe Cub của tôi bị chìm mẹ nó ở biển khơi hay bị hải tặc cướp mất rồi! Lại mất toi hơn ngàn bạc bằng mồ hôi nước mắt của mình đem giao cho bọn gian thương lường gạt. Tôi đến văn phòng đại diện của hãng Honda hỏi sự tình và được biết "Văn Phòng" đã đóng cửa, không ai biết "nó" đã đi về đâu?! Thật là thiệt thòi mà! Không có cái ngu nào giống cái ngu nào! Tôi "bị" ngu đủ kiểu biết trách ai bây giờ?! Cho nên tương lai còn bị gạt dài dài! Mình ngu và đần thì cứ nhận là ngu như …như vậy! Lần ngu và bị gạt này gây tai hại tinh thần cho gia đình tôi còn nặng nề hơn gắp trăm lần cái ngu và bị gạt mấy lần trước! Sự ngờ vực và nghi kỵ lẫn nhau trong thân tộc nội ngoại ở VN cũng chỉ vì đồng dollar của "khúc ruột ngàn dặm" mà tan vỡ thành từng mảnh vụn! Bao nhiêu giấy mực để có thể phác họa một bức tranh cho con cháu mình hiểu được sự băng hoại của một xã hội không còn nhân luân cương thường chỉ vì đồng tiền mà nên nông nỗi: Cha Mẹ chồng nhìn con dâu với bao nỗi ngờ vực, chị em dâu vay qua mượn lại không sòng phẳng để anh em cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở, có gặp nhau cũng ơ thờ nhạt như bát nước ốc! Cha Mẹ mong đợi tin tức của tôi, cả nhà reo vui như chợ tết mỗi khi nhận được điện tín của thằng Sáu, nhưng bên cạnh lại có những giọt lệ tủi thân âm thầm vì kẻ có người không, kẻ nhiều người ít cũng chỉ vì cái "xe Cup" không bao giờ cập bến để người nhận chờ hoài đi vay tiền trả lãi xài trước, rồi mang nợ. Vậy thì ai gạt ai đây? Gạt có hệ thống, gạt giây chuyền hàng dọc, hàng ngang, nhưng khổ nỗi vì thống khổ biết bị gạt mà lau những giọt lệ chấp nhận bị gạt như hằng vạn cô gái thanh xuân từ những thôn vườn rời bỏ Mẹ Cha, Anh Em làng xóm hân hoan lên máy bay chấp nhận kiếp sống của "nàng Kiều" trước mắt là một khoảng trời vô định, hạnh phúc ở tận chân mây! 

Vào cuối năm 1984, một hôm cánh tay trái của tôi bỗng đau buốt tê rần, vài ngày đầu cứ tưởng trái gió trở trời nên vậy, uống thuốc Advil không bớt nên phải đi bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ là một người bạn không thân nhưng quen biết rất nhiều, anh ta là một BS/TQLC (PNV) vừa mới tốt nghiệp và mở phòng mạch tư ở FairFax, VA. Chồng làm BS, vợ tính tiền, không hiểu sao hễ cái gì nói đến tiền là dính ngay đến cái vụ gạt! "Check in", bà ta hỏi tôi:

Anh có bảo hiểm sức khỏe không?

Dạ có, hai cái lận, một là American Express hai là Blue Cross - Blue Shield...

Tốt, tốt lắm! 

Bước vào phòng khám bệnh, chờ khoảng 10 phút thì hắn bước vào bắt tay hỏi lia chia chuyện bá vơ rồi bắt đầu hỏi bệnh. Nắn bóp tay chân trái, rồi gắn mấy cái cục cao su vào ngực tôi với giây nhợ lòng thòng (EKG) trông có vẻ là một phòng khám bệnh "hại điện" rồi hắn bắt đầu mở máy "nổ" giải thích bệnh trạng của tôi với nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh với âm điệu Khờme nghe điếc con ráy! Và với một hũ thuốc Tylenol về nhà, tay vẫn còn y nguyên đau nhức dữ dội! Tôi phải xin nghỉ việc vài hôm rồi gắng đi làm trở lại, vì gắng quá sức nên một hôm tôi phải vào bệnh viện cấp cứu vì cánh tay trái không còn cử động được nữa! Vào bệnh viện FairFax. được Bác Sĩ Mỹ chẩn bệnh xong, Ông ký rẹt rẹt năm ba tờ giấy gì đó, hai tiếng đồng hồ sau y tá đẩy giường bệnh của tôi đi làm Scan Xray đốt xương sống C7. Tôi vào phòng mổ sáng ngày hôm sau. Cuối cùng mọi sự an toàn và tôi trở lại làm việc bình thường một tuần sau đó. 

Một tháng sau nhận được cái bill $3897 USD từ Blue Cross Blue Sield đã thanh toán cho văn phòng thằng "bác sĩ" PNV miệt vườn ăn lường nói gạt, (không phải của Bệnh Viện Mỹ) lại thêm một cái bill tôi phải trả riêng cho "nó" thêm $450USD. Tức cành hông, tôi ngây thơ gọi điện thoại gọi cho văn phòng "bác sĩ" PNV khiếu nại và được vợ "nó" trả lời: " Vâng thưa Ông,... Đúng đó là chi phí cho lần khám bệnh của Ông vừa rồi". Mẹ kiếp "nó" chỉ có rờ tay rờ chân, làm cái test EKG mà gần 5000 dollars mất không tới 15 phút, Tôi tức giận gọi điện thoại cho văn phòng Bác Sĩ Louis check lại và được trả lời: 

- Vâng thưa ông,... ca mổ của ông đã được thanh toán tốt đẹp. Không có gì ông phải quan tâm. 

Bác Sĩ Việt Nam như tên PNV trị bệnh, tiền mất tật vẫn mang!

Bác Sĩ Mỹ... Tiền chưa mất đã hết bệnh …!!! 

Trong văn hóa Việt Nam, Cụ Nguyễn Văn Vĩnh có viết: "Người Việt Nam ta cái gì cũng cười"! Nếu bây giờ Cụ sống lại chắc có lẽ Cụ phải sửa lại là: "Người Việt Nam ta ngày nay cái gì cũng gạt cũng lừa"! Từ một tên tiểu thương bán vải quần áo, đến một "đại gia" với những công ty liên hành tinh, đến một "bác sĩ" cũng gạt người! Vậy thì: Luật Sư, Trí Thức, Khoa Bảng, Công Hầu KhanhTướng, Đảng Phái, Đảng Bè, Chính Khách, Chính Phủ: Đào Minh Quân, Nguyễn Hữu Chánh, Lê Minh Đảo, Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Ngọc Bích, hai ba cái Cộng Đồng NVQG vũ trụ... liệu có gạt người hay lại bị gạt hay không? Cho nên tôi bị gạt cũng chỉ là lẽ bình thường và rất thường! Mỗi lầm lỡ là thêm lần đau khổ! Biết vậy làm sao và làm thế nào khi trí khôn của "người" có giới hạn. Ngoài thế giới rộng lớn kia có biết bao nhiêu "Đại Nhân" với "Đại Trí" là "Yếu Nhân Đối Trọng" vẫn bị tang thương bi thảm vì bị gạt đến nước mất nhà tan! Khi cần chống và ngăn chận khối Cộng Sản phát động cuộc cách mạng như làn sóng đỏ đang bành trướng trên thế giới. "Người Mỹ" đã "chọn" Việt Nam làm chiến trường để "Gạt" và phân hoá Nga - Tàu, Tổng Thống Ngô Đình Diệm là nhân tuyển được "Thế" của Mỹ đưa về Việt Nam rồi tạo "Lực" thành lập Chính Phủ nền Đệ Nhất Cộng Hoà để thi hành kế sách đã được hoạch định. Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát! TT Nguyễn Văn Thiệu với nền Đệ Nhị Cộng Hoà là giai đoạn tiếp nối. Hồ Chí Minh với Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Bắc Việt đã "năng nổ" tận sức lực xua hằng triệu thanh niên "sinh Bắc tử Nam" đã "Giúp" cho "Uncle Sam" mau chóng thu hoạch thành quả trước thời gian quy định và cuộc "Bàn Giao" miền Nam cho "Khối Cộng Sản" qua tay Bắc Việt đã thực hiện đúng theo quy trình bài bản và cuộc tháo chạy có dự mưu thành công mỹ mãn, "trang sử Việt Nam đã được giở qua", Kissinger lẻo mép: "nước Mỹ còn nợ Việt Nam một cơ hội thịnh vượng" và "sao chúng không chết ngay cho rồi"! 
Hollywood Part 2: Thắng thế, được đà… Con "gấu Nga" được "Nữ Thần Tự Do" tiếp móng vuốt sắc bén hung hăng cắn xé từng mảng từ Nam Mỹ Châu đến Trung Á chí cho đến Phi Châu… và sau những thực tế phũ phàng giấc mộng "Đại Nga" đã tan tành theo mây khói, Soviet Union đã rã ra từng mảnh co lại như miếng da lừa! Thế giới Tây Phương bị gạt, Thiên Triều Roma bị gạt! Nay con "sư tử Hán" cũng được "nhà đen" sau lưng "Nhà Trắng" gắn móng vuốt sắc bén nên "hùng cường" hồ bởi cúc cung vắt kiệt sức lao động rẻ tiền của con dân với nền "kỹ nghệ gia dụng" biến thành mật thành hoa, thành chỉ tệ, thành dollar… cống hiến cho "Nữ Thần" quơ đuốc chỉ nhà Bank "hảo lớ… hảo lớ" ký thác và đi hia bẩy dậm đưa "thuyền buồm" lấn chiếm biển Đông. Những diễn tiến chính trị có khác chi luật tắc và hệ nhân quả ở trường thiên thời gian và trớ trêu thay bánh xe sau đi vào vết xe trước là định mệnh do "Nữ Thần Quơ Đuốc" chỉ đường chăng? Phúc và Hoạ thật không lường! Trên đỉnh cao của Kim Tự Tháp là điểm hội tụ của Trí Tuệ có thể phóng viễn kiến vào vũ trụ để tìm kiếm gì khi nhân loại tưởng là thật văn minh mà vẫn còn "ăn thịt" nhau, tân kỳ nhưng man rợ. Các đấng giáo chủ đã "trăn trối" nhiều lời "chân lý" mà sao con người hôm nay như đang "mùa" khủng hoảng đức tin, mọi giá trị tốt đẹp xây dựng con người đang phải xét lại và bị thách đố trước phù hoa vật chất. Còn phải có bao nhiêu cuộc cách mạng nữa để con Người sống hạnh phúc hài hoà với nhau? Như vậy, cả thế giới nầy bị gạt, thì xá gì tôi bị gạt, nhỏ quá nhầm nhò gì ba cái lẻ tẻ mà hèn mọn một đời người, thế giới nầy có lắm người đại trí, còn riêng tôi phải biết nói năng gì: 

Chúng ta từ đâu đến cuộc đời nầy?
Như côn trùng hoang thiếu cánh…!
Bưới móc kiếm ăn trong niềm vinh, nỗi nhục!
Tìm được gì năm tháng rớt quanh đây?
Buổi chiều nhìn nắng vàng qua cửa
Phút thanh xuân thoáng đã tà huy.

(TGĐ) 

Tôi tự nhủ thầm: "Kệ mẹ, ai nói chi thì nói, mình cứ để cho bị gạt, chỉ mong được nhảy ra khỏi đáy giếng không còn là con ếch nữa mà trở thành con gì cũng được, miễn sao không là "ếch ngồi đáy giếng là được".. Cái "ngu" triệt để của tôi là ở chỗ đó có khác người không? Đáng tiếc!

Trương Văn Út (Mũ Đỏ Út Bạch Lan)

****************************************************

Trại Gia Binh Và
Thương Phế Binh Của Tôi
Hồi ức của Mũ Ðỏ Út Bạch Lan (cựu SVSQ/Khoá 22/TVB/QGVN).


Có người hỏi tại sao là Trại Gia Binh và Thương Phế Binh của tôi. Tại sao là Của Tôi.
Xin thưa: Vâng, đúng! Nó chính là của Tôi.
Chắc có lẽ, trong Quân Lực VNCH, không có đơn vị nào giống như đơn vị của tôi.
Đại Đội 5 Biệt Cách Nhảy Dù (ĐĐ5BCD )... cuối năm 1969 trở thành Đại Đội 2 Trinh Sát Nhẩy Dù (TS2ND). Nó không giống ai và đặc biệt ở chỗ được lệnh thuyên chuyển từ Nha Trang về Sài Gòn mà phải mang theo cả đại gia đình "Khu Gia Binh"... nam phụ lão ấu, đàn bà con nít, chó, mèo, gà vịt. Trời hỡi có gia đình mang cả heo con, sau khi đã ăn thịt con heo mẹ trước khi xuống Tàu.Chiếc Dương Vận Hạm 505 rít lên ba hồi còi Vĩnh Biệt Nha Trang, đâu đó, từ một máy phát thanh nào đó tiếng hát Khánh Ly với..."Nha Trang ngày về, trên bãi khuya....". Tôi ngồi trên mũi boong tàu, nhìn xuống lòng tàu... đơn vị của Tôi đó, gia  đình cha mẹ vợ con của họ đó, trách nhiệm của Tôi quá nặng nề, vì Tôi biết Tôi phải lo cho họ trăm bề như tình phụ mẫu sau này. Tương lai, ngày mai nào ai biết được, khi khói lửa chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, đối với chúng Tôi thì quá dễ, chỉ một cái ba lô, trong đó một cái poncho, cái võng ny lông, cái mền ny lông, nó là mái nhà ấm cúng quá rồi còn muốn cái gì nữa, nếu có muốn thì chỉ muốn ước là liệu có thì giờ căng võng và lôi cái mền ra khỏi balô để úm hay không, còn đối với đàn bà trẻ con, và ông già bà lão…thì trong lúc này tôi không tiên đoán tính toán được gì cả.

Đồi Long Bình ... Ðây không phải căn cứ Long Bình của Quân Đội Mỹ...
Đồi Long Bình với cao độ khỏang 100 mét, nằm phía Nam sông Đồng Nai và cách xa lộ Biên Hòa chừng một cây số, chúng ta có thể định vị nơi này một cách dễ dàng nhất... Đồi  Long Bình và Nghĩa Trang Quân  Đội đối diện nhau qua Xa Lộ... Ban đêm  đứng trên cao  điểm nhất, nhìn về phía Bắc sẽ thấy  ánh đèn rực sáng của căn cứ Long Bình Mỹ... Phía Nam với những ngọn nến leo lét của Nghĩa Trang...
Thôi đừng nhìn đâu xa, hãy nhìn xuống chân đồi phía Bắc, giòng sông hiền hòa Đồng Nai lấp lánh ánh đèn phản chiếu từ  căn cứ Mỹ... Nó không thơ mộng như giòng Hương Giang, nhưng nó là giòng sông chuyên chở bao nhiêu kỷ niệm của LĐIIND, TĐ11ND, TĐ2PBND,  ĐĐ2TSND... Đơn vị về hậu cứ dưỡng quân hả ??? , lại phải đi  đâu cho xa, các sĩ quan độc thân thì... muốn đi đâu thì đi, còn ai có gia đình đang ở "Trại Gia Binh" thì chỉ hô một tiếng SQ, HSQ, BS tập họp chỉ trong vòng 5 phút tấn công lò gạch Sáu Sồi, nơi có vườn cây ăn trái sát bên bờ sông  Đồng Nai ... thịt nai nướng xả, thịt heo rừng xào lăn, thịt thỏ nấu rượu chát đỏ ... đi đâu lanh quanh cho đời mỏi mệt (Ở Houston này còn Thiếu Tá Triệu PB2ND, Thiếu Tá Vinh Con TĐP/TĐ/16/ND  và ... và ...  còn nhiều nữa đang sống trên đất Mỹ này ...) .... cho đã rồi, gần cả trăm thầy trò, đã đến lúc gần như bất tri hà sự, lếch thếch trở về trại ..."Nào bao thằng say tiến lên.... nhà cửa đang chờ ta quét rác..." 
Ôi hạnh phúc biết bao khi trở về căn nhà Gia Binh, con vợ  đang cầm cái khăn ướp đá và một ly trà nóng chanh đường thay vì cây chổi chà như trong văn chương. Tôi đã đọc được đâu đó...”Lè lẹ đi anh ...canh ba giờ tý rồi đó...
Trên đỉnh đồi là các đơn vị trú phòng, triền đồi phía nam là trại gia binh sĩ quan, dưới chân đồi là trại gia binh của Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ...trong đó Trinh Sát 2ND của tôi được cấp 50 căn... không  đủ, tôi xin thêm, lý do là vì hầu hết cả đơn vị tôi bồng bế nhau từ Nha Trang về đây, nên được cấp thêm 30 căn nữa, như vậy tổng cộng 80 căn nhà Gia binh không  điện, không nước, không nền nhà, không trần nhà, Trinh Sát 2...đã chiếm gần 50% tổng số gia  đình trong trại Gia Binh này...    Đây là bài toán Tôi giải không nổi, có khi phát khùng, vì Tôi đang kiêm Đại Đội Trưởng  để chỉ vài năm sau con số  50% đó trở thành 50% cô nhi quả phụ với những vành khăn trắng rợp trời trại gia binh Trinh Sát 2ND, 50% thương phế binh với xe lăn nạng gỗ, thằng đui cõng thằng cụt... con cái chạy lúp xúp theo sau... Không phải của Tôi thì của ai, ai có thể gánh trách nhiệm này thay Tôi ???!!!

1970-1971-1972-1973
Cuối năm 69, đơn vị Tôi hoàn tất các khóa học đặc biệt cho Trinh Sát Nhẩy Dù và bắt đầu lâm trận mạc.. Trên phần đất Cao Miên tôi kiếm được chút cháo...  4 cây CKC và hai khẩu K54... mấy thằng cố vấn Mỹ thấy thèm rỏ dãi... "Tôi nói với nó Tao  không báo cáo, Tao dấu để làm quà tặng cho tụi Mày . OK ...OK .... Mày muốn gì Tụi Tao (6 thằng)  sẽ lo.... Tôi nói... "Tao chẳng cần gì cả ...Tôi làm bộ gãi đầu như khó xử và than ... Tao tội nghiệp cho lính của tao, nó chết sống khổ cực gì thì Mày cũng biết rồi....  nhưng vợ con nó ở nhà còn khổ hơn...     Thế là tôi khảy đúng chỗ ngứa chúng nó, vì truyền thống dân Mỹ là Family first...
Thế là với 4 CKC và 2 K54  tôi có 200 bao xi-măng và hai palett ván ép để lo cho 80 trong khu Gia Binh lầy lội bùn sình... của cái của nợ mà tôi mang từ Nha Trang về  đây...
Hành Quân vượt biên giới Cam Pu Chia, Hạ Lào Lam Sơn 719, Tây Nguyên với Mùa Hè Đỏ Lửa, nhào vào Quảng Trị như  đùa giỡn với tử thần..Qua các trận chiến này, khu Gia Binh của tôi ngày càng có thêm tiếng khóc, càng thêm màu trắng  đau buồn trộn lẫn nỗi lo âu..  ngày sau biết ra sao... xe lăn nạng gỗ... càng ngày càng càng nhiều…
Trại Gia binh của Đại Đội 2 Trinh Sát Nhẩy Dù nay gần như là làng Thương Phế Binh Cô Nhi Quả Phụ của đơn vị. Cứ sáu tháng tôi được bốn ngày phép... hai ngày đường chỉ còn hai ngày quấn quít với vợ con trong căn khu Gia binh nghèo nàn ọp ẹp với Thiếu Tá Triệu/ Pháo Binh ND, Thiếu Tá Minh,  Thầy Chùa, Long Mặt Mụn .... họ .. những quả phụ Trinh Sát 2 ND,  đến thăm Tôi với các đứa con với những vành tang trắng ... Đến thăm nhưng Tôi phải hiểu ...Tôi phải hiểu ..xin lặp lại hai lần... Tôi phải làm gì giúp họ, vì họ không có lối thóat. Họ trở về Nha Trang không đất đai nhà cửa, không có công ăn việc làm, họ rời trại Gia Binh Trinh Sát 2 ND họ đi đâu? Họ dẫn con  đi  ăn mày  à... ??? !!! ...
Tôi trở ra hành quân. Sau vài  đêm suy nghĩ, tôi đã  đi một quyết định vô cùng táo bạo, táo bạo còn hơn vỗ vai pilot trực thăng Thần Tượng 215....  “Xuống...Xuống...Xuống ngay đó cho Tôi”.
Xuống rồi mới thấy mình ngu bỏ mẹ, xuýt chút nữa giết cả phi hành đoàn với mình... May là Thần Hộ Mạng của tôi là Quan Vân Trường, Việt Cộng  đang ở dưới hầm thấy Quan Vân Trường mặt  đỏ gay cứ tưởng Bác xuống với cờ đỏ nên không khai hỏa.... khai hỏa thì làm gì còn có bài viết này!
Sau nhiều lần sinh hoạt Tứ  Đại Công Khai theo sự hướng dẫn của Tổng Cục/Chiến Tranh Chính Trị với sự Cố Vấn của  Đại Tá Nguyễn Phẩm Bường Trưởng Phòng Thanh Tra Sư Ðoàn Nhẩy Dù, Thiếu Tá Trần văn Trực Trưởng Phòng /An Ninh Quân Ðội /Sư Ðoàn ND...... Tôi thong dong quyết  định...
Thứ Nhất: Tất cả Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ  độc thân nhường phần Quân Tiếp Vụ cho Cô Nhi Quả Phụ Trinh Sát 2 Nhẩy Dù.
Thứ Hai: Đơn Vị được hưởng 30 ngày thực phẩm vô thường  (lương khô do Mỹ cung cấp), có nghĩa là ăn không phải trả tiền, tiền lương không sứt mẻ ... vậy từ nay để cùng chia sẽ ngọt bùi với những người bạn đồng đội bất hạnh đang là Thương phế binh ở trại Gia Binh Trinh Sát 2 Nhẩy Dù.
Tôi quyết định dành 10 ngày lương khô cho Thương Phế Binh Trinh Sát 2 Nhẩy Dù... Có nghĩa là mọi quân nhân tại ngũ của Trinh Sát 2 ND phải hy sinh 10 phần lương khô mỗi tháng của mình cho những đồng đội bất hạnh của mình..
Tôi thở phào nhẹ nhỏm, như Bao Chuẩn, Bao Thiên Thanh vừa gõ cái mõ lệnh xuống bàn một cái cóp....
Đơn Vị vẫn vui tiếp tục những ngày chinh chiến, tiếp tục thêm những vần khăn sô ướt đẫm nước mắt, tiếp tục phải đón tiếp những bậc cha mẹ khóc lóc thảm thương cho đứa con trai duy nhất của mình vừa nằm xuống ở lứa tuổi trăng tròn...
Ngày Quân Lực 19/6/1973.... Đơn vị đang đóng quân ở Làng Cổ Bi Hiến Sĩ, dù có lệnh ngưng bắn, nhưng nó vẫn cà chớn, mầy chọc Ông thì Ông cũng dập mầy ... có lệnh triệt thoái về phía Nam sông Bồ, cầu An Lỗ, quê hương Bún Bò của Gia Đình Mê Linh K/18/ÐL... nhận được công  điện  KHẨN... Giao đơn vị cho ĐĐ Phó, trình diện Phòng I Tổng Quản Trị Sư Ðoàn Nhẩy Dù ngày 15/6/ 1973... Trình Diện ...Thiếu Tá Nhu (K/20 ÐL) Trưởng Phòng Tổng Quản Trị/Sư Ðoàn Nhẩy Dù
-"Anh chuẩn bị ngày QL 19/6 ở đường Trần-Hưng Đạo... Tổng Thống sẽ gắn Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương  cho Anh, đáng lẽ theo chương trình, sau đó Anh đi Đài Loan, nhưng Lê Lợi (tư lệnh Lê Quang Lưỡng) cần Anh và muốn Anh có mặt hành quân càng sớm càng tốt .... Thôi cứ như vậy đi... Nhớ có mặt hành quân ngày 22/6/1973...."
Như vậy là sau khi gắn huy chương xong, tôi chỉ có hai (2)  ngày phép ngắn ngủi phù du...  nào bạn nào bè, nào con nào cái nào ái nào ân...
Sau đêm ngày QL/73 19/6... Tôi ngất ngư như con tàu đi... sáng ngày 20/6 lúc khoảng 10:00 giờ, vợ tôi đánh thức ....
-Anh gọi cho văn phòng ngay, Trung Úy Thông (Chỉ huy hậu cứ) đang chờ.
Tắm rửa vội vàng, tôi tàng tàng lên văn phòng hậu cứ. Mẹ! Ðang nghỉ phép có mấy ngày chẳng có gì quan trọng hết ... Ở ngoài kia, ngưng bắn rồi, nó sợ mình, mình đếch sợ nó ... cũng một giòng sông, mày đóng phía bắc, tao đóng phía nam, nhưng mày đéo dám xuống sông tắm giặt, vì mày mò xuống là ăn ngay M79 ra phan của Trinh Sát 2 Nhẩy Dù.. . còn tụi tao thì tha hồ ném lựu đạn hay C4 bắt cá ăn thả dàn.... Ê !!! Nam quốc Nam Hà Thiên Đế  mà....
Khi tôi bước xuống xe Jeep trước cửa văn phòng, tôi hơi ngờ ngợ, một chiếc Peugoer 404 láng cóong đang đậu trước văn phòng... Một người đàn Ông trung niên với trang phục sang trọng đang chờ trong phòng...  Sau vài câu xã giao, ông ta đi thẳng vào vấn đề không một chút ngập ngừng ... "Thưa Đại Úy, Tôi là Nguyễn-Tấn-Đạt, Giám Đốc hãng Dệt Vimitex ở ngã ba An Sương... Tôi có đứa con trai là Nguyễn-Tấn-Thịnh vừa ra trường  Đồng  Đế và  đã trình diện Đại Úy cách đây vài tuần ở sông Bồ....Huế..."  Ông móc trong cạt táp một bao thơ giầy cộm, để lên bàn và  nhè  nhẹ  đẩy đến trước mặt tôi.... Tới  đây thì tôi hiểu Ông muốn gì... Một chút suy nghĩ tôi hỏi ông ... "Bao nhiêu trong đó vậy ??? "
Ông nhanh nhẩu trả lời ..."Một trăm ngàn chỉ biếu cho  Đại Úy cà phê cà pháo thôi .. . nếu... nếu....con Tôi được Đại Úy gíúp  đỡ thì còn chiếc HONDA trên  đường từ Nhật đến, cháu nó sẽ mang lên đây tặng cho bà nhà, không cần phiền phức xử dụng công xa ..." ...Tôi bỗng chân lân hụt hẫng... như một kẻ nghèo hèn  đói khát gặp phải chiếu manh...  Tôi hỏi ..."vậy Bác muốn Tôi phải làm gì..." ... "Xin Đại Úy giúp cho cháu nó công việc gì gần gũi với vợ chồng già tôi, chúng tôi xin  đội  ơn... "....Mặt trận Quảng Trị  đã kết thúc, hiệp  định ngưng bắn đã ban hành, nhưng những quấy nhiễu xẩy ra hằng ngày ...vẫn còn những dấu hiệu cho biết, chúng tôi vẫn phải còn đương đầu với một trận chiến mới... chưa biết cường độ như thế nào... Nhưng ngay trước mắt, tháng vừa qua, sau lệnh ngưng bắn hai tháng...Cộng quân đánh chiếm một  đồn  Địa Phương Quân ở Cổ Bi Hiền Sĩ, phía tây bắc An Lỗ chừng hai cây số...  Trinh Sát 2 ND và Tiểu Đoàn 3ND phải vượt sông Bồ chiếm lại Đồn này bằng Máu....Ô hay... Ngưng Bắn...Ngưng Bắn... mà .... Trại Gia Binh của tôi lại thêm cả chục vành khăn tang trắng, lực lượng sáng đi xe lam, chiều đón xe lam về đi kiếm nơi cấm dùi theo lời xúi dại của Nguyễn-cao-Kỳ-Cục hay Kỳ Duyên nào ai biết.... Tôi từ tốn  đẩy bì thư trở lại trước mặt  Ông Giám Đốc VIMITEX và thưa ..."Tôi có thể  giúp Ông Bà, nhưng Tôi không nhận những thứ này... xương và máu của  đồng  đội tôi không thể trả bằng những thứ này... " .. nhưng Tôi vẫn là một con người, thấy cái lợi trước mắt mà không thèm muốn trong bối cảnh nhiễu nhương này thì chỉ có trong sách vở... hiện nay tôi có hơn 10 thương phế binh đang sống cơ cực với vợ con họ ở trại gia binh dưới kia, đó là một trăn trở hằng đêm ngày cho chính bản thân tôi... Thôi được, Tôi cố gắng giúp tới đâu hay tới đó.. ....Ngày 21/6 , 22/6 ....Tôi ra lệnh cho Trung Úy Chỉ Huy Hậu Cứ làm ơn cho tôi xin ít chút yên bình.... Đừng ai quấy nhiễu tôi với những giây phút thóang chốc của Hạnh Phúc và Tự Do....

Trở ra hành quân, tôi đóng bờ Nam, Sư Đoàn 225B Bắc Việt bờ Bắc .. của sông Bồ hay sông An Lỗ... cách phía bắc thành phố Huế khỏang 16 cây số, mỗi ngày nó cứ bắt loa dọng sang bên này: các bạn đã vi phạm lệnh ngưng bắn trầm trọng đấy nhé, kệ mẹ nó, bên này tụi Tôi cố tình chọc giận chúng nó .. cả Trung Đội trần truồng của chúng Tôi nhẩy múa hát vang vang.." cái nhà là nhà của Tao, ông cố ông cha tao lập ra ....rồi cuối cùng xuống câu dọng cổ hợp xướng .. cớ sao nghịch lỗ sang xâm chiếm mà tan nát cả sơn.....hà hà hà....".. trong khi các Trung Đội khác chuẩn bị. M72 và M79.... có gì đâu, mỗi lần cha con nó mò xuống bờ sông tắm giặt là ăn ngay mấy chục M79 hoặc M72... còn tụi tui thì tha hồ bắt cá mò tôm...cũng chẳng có gì là thần thánh...vì hễ nó trả đũa...một trận TOT của Pháo Binh Nhẩy Dù, Trinh Sát Nhẩy Dù nhào qua sông trong tích tắc thì thằng nào vi phạm ngưng bắn đây, chuyện  đó để phái đoàn Liên Hiệp Quân Sự ba hay bốn bên gì đó giải quyết, còn cái chuyện phải trái ngay tại chỗ bắt cá bắt tôm hay tắm giặt này thì mày gọi viên chính ủy Sư Ðoàn mày ra “noái chẹn” với thằng xạ thủ “em bửa chín” ( M79 ) của tau...

Tôi nhận được bức thư của  Ông Giám Đốc Nguyễn-tấn-Đạt “Kính Đại Úy Đại Ðội Trưởng Ðại Ðội 2 Trinh Sát Nhẩy Dù . . saungày gặp gỡ Ðại Úy ..Tôi trở về nhà, có vài điều tâm sự với vợ Tôi, và hôm sau Tôi có vài điều tâm sự với Ban quản Trị của Công Ty... về việc con trai của tôi đang hành quân  ở  đơn vị của Đại Úy...Tôi vẫn theo dõi chiến sự qua thư từ của Nguyễn-Tấn-Thịnh, thật tình thưa với Đại Úy, vợ chồng tôi không thể sống được nếu mất nó ....Tôi đã năn nỉ Hội Ðồng Quản Trị  của Vi Mi Tex  về việc Đại Úy đề cập đến  hơn 10 thương phế binh  của đơn vị của Đại Úy ... Họ đã quyết định sẽ phải giúp đỡ cho họ, tôi đang chờ biểu quyết chung... chúng tôi xin chờ quyết định của  Đại Úy"
Tới đây thì canh bạc trong tay tôi....Tôi đã phạm một lỗi lớn, vì đã lợi dụng một trong ngũ giới nhân luân... tình phụ tử ...... để ra giá trả treo cho một mạng sống của một con người....

Kết thúc câu chuyện:
Tôi xin Phòng Thể Dục Thể Thao Sư Ðoàn Nhẩy Dù, cho Nguyễn-tấn-Thịnh theo học khóa  Thái Cực Đạo, điều đó có nghĩa rằng Nguyễn Tấn Thịnh không bao giờ hành quân tác chiến.... Từ đai trắng lên đến đai đen ít nhất năm năm... Đai đen rồi thì là Huấn Luyện Viên Thái Cực Ðạo muôn năm...
Để đổi lại, Ông Nguyễn Tấn  Đạt, cha của Nguyễn Tấn Thịnh, Giám Đốc Hãng Dệt  VIMITEX giúp cho năm (5) thương  phế binh Trinh Sát 2 ND làm an ninh cho công ty này, đồng thời mười hai (12) quả phụ Trinh Sát 2 ND được nhận  làm công nhân chính thức của hãng dệt, mỗi sáng có xe bus hãng đưa đón đi làm trong đó có hai quả phụ Sĩ Quan, Thiếu Úy Thới, Thiếu Úy Oanh... trở thành những Manager xuất sắc nhất của hãng.... cho đến ngày mạnh ai nấy chạy ... thân Tôi còn lo chưa xong, trời hỡi tôi còn lo cho Ai... Xạo... .Ngày nay, khi ngồi hồi tưởng lại những hình ảnh bao nhiêu vải khăn  sô, vành tang trắng .. của những gia  đình  đồng  đội thủ túc của mình dù đã qua đi ngày xưa, dưới chân đồi trại gia binh, với vô vàng kỷ niệm,  bên kia là ngọn  đồi mà họ đã nằm xuống, Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa . . . ngày nay thân xác họ bị móc lên dập xuống dời đi chỗ này di chuyển chỗ kia  nào ai biết để nhỏ một giọt nước mắt xót thương... Hay….ngày nay, xin ai  đó đừng nhắc lại HỌ... bằng những cân  đai,  áo mão xênh  xang Hoàng Triều với những chức vị  Tam Công hay Tứ Trụ Triều Đình với những cuốc xe Tứ Mã... không những làm họ tủi lòng không siêu thoát, mà còn làm cho gia đình họ, trong đó có cả.... Tôi...... đau lòng con quốc quốc, chẳng thèm mỏi miệng cái gia gia....
Mùa Thu Năm 2009
UBL

**************************************************

Một Đời Binh Nghiệp Hai Màu Mũ
Trương Út (Khoá 22/TVB/QGVN)

Buổi xế chiều ngày 15 tháng 10 năm 1970 là một buổi chiều chia ly ngậm ngùi với những lời giã từ không thành lời. Bầu trời Nha Trang quang đãng, với sóng biển hiền hòa hết đợt này đến đợt khác, tiếp tục xô vào bờ cát trắng chảy dài từ biệt điện đến Xóm Bóng. Cơn gió nhẹ từ biển khơi phây phất lá cờ VNCH trước sân trại Hải Quân Tây Kết, phía sau là trại Hoàng Diệu, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù - Lực Lượng Đặc Biệt – QL/VNCH .
Chiếc Dương Vận Hạm 505 (thường gọi là tàu há mồm) rúc lên ba hồi còi luì dần ra biển khơi, trên bãi vẫn còn lố nhố người. Trên đường Duy Tân vẫn còn một dọc xe Jeep, Dodge, GMC, và không biết có bao nhiêu bàn tay vẫn còn vây vẩy tiễn đưa.
Trên tàu là ĐĐ 5/TĐ81 BCD và ĐĐ 6/TĐ81 BCD cùng với gia đình cha mẹ vợ con của binh sĩ. Xin giả từ Nha Trang. Xin giã từ quán cơm bình dân Chợ Đầm, Bar số 1, 2, 3, 4, 5, phở Chụt, phở Gà số 1, quán cơm Thanh Phong, nhà hàng Nautique, Hotel Nha  Trang, Cafe Thu, quán rượu, Bar Mỹ, Tháp Bà, Hòn Chồng, Cầu Đá. Xin vẫy tay lần cuối Thiếu Tá Nguyễn-văn-Lân (K/17Đà Lạt) Tiểu Ðoàn Phó, người đã lót những viên gạch đầu đời binh nghiệp cho tôi, Đại Úy Bùi-Ngọc-Bích (Khoá11/TĐ) Chỉ Huy Hậu Cứ, người đã tận tình giúp đỡ chăm sóc vợ con tôi, khi Tôi hành quân. Xin vẫy tay lần cuối với tất cả quân nhân của Tiểu Đoàn 81BCD, những người còn ở lại, đang đứng trên bờ cát trắng Nha Trang mang vô vàn kỹ niệm thời chinh chiến. Xin giã từ, không phải giả biệt, vì sau này chúng ta còn hội ngộ trên những chiến trường khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh cận đại. An Lộc, Kontum, Quảng Trị, Thường Đức .

Mới sáng nay, trên sân cờ tiểu đoàn, khi tôi (Đại Ðội Trưởng /ĐĐ5), Đại Úy Nguyễn-Chí-Thanh (K/12TĐ, ĐĐT/ĐĐ6) trao trả Hiệu Kỳ đơn vị cho Thiếu Tá Trần-Phương-Quế (K/10 Đà Lạt TĐT), tôi thoáng thấy nét buồn buồn trên gương mặt và đôi mắt của ông. Nét buồn buồn đó phảng phất một nỗi niềm của một người Cha hay một người Mẹ đang mất hai đứa con trong sáu đứa con mà Ông đã nuôi dưỡng dạy dỗ với tất cả tâm huyết trộn lẫn nước mắt của chính ông, Ông trao lại hai hiệu kỳ cho Thiếu Tướng Tư Lệnh Nguyễn-văn-Phú. Ban quân nhạc Bộ Tư Lệnh trổi lên khúc nhạc "ò e rô be đánh đu, tạc zăng nhảy dù ...", tất cả đơn vị trên sân cờ như rơi vào những giây phút lắng đọng nghẹn ngào không thành tiếng. Có giây phút chia ly nào mà không ngậm ngùi? Ngậm ngùi như tiếng kêu thất thanh của con chim Đa Đa sao không lấy chồng gần mà phải đi lấy chồng xa, để lại cha mẹ già biết bao giờ gặp lại .
Trên con tàu há mồm gần 800 nhân mạng, gồm Sĩ quan, Hạ Sĩ quan, binh sĩ và gia đình của hai  Đại Ðội 5 và Ðại Ðội 6 của đơn vị 81BCD đang xuôi Nam

Như thường lệ hằng năm, cứ vào khoảng tháng 11 các phái đoàn Quân Binh Chủng của QLVNCH lên truờng Võ B ị QG Ðà Lạt đê thuyết trình về cơ cấu tổ chức, cơ cấu nhân sự, phương tiện và kỹ thuật hành quân tác chiến cho các SVSQ sắp s ửa tốt nghiệp. Cũng giống như tâm trạng các bạn cùng khóa, tôi chỉ ngồi trong Hội Trường mà đầu óc cứ nghĩ vẫn nghĩ  cái gì đâu đó:
Muốn "Trong lang miếu ra tài lương đống " thì chọn Công Binh, Quân Nhu, Quân Cảnh, Quân cụ...
- Muốn "Biên thùy rạch mũi can tương " thì chọn Nhảy Dù, TQLC, BĐQ, Lực Lượng Ðặc Biệt, các Sư Đoàn BB tinh nhuệ...
Muốn "Hối tàng nơi bồng tất " thì chọn An Ninh QĐ, Đơn Vị 101, Cảnh Sát Đặc Biệt, Biệt phái ngoại ngạch...
Sao có nhiều cái "muốn" quá vậy?. Một SVSQ Đà Lạt khi nhập trường cho đến khi tốt nghiệp đều "ÔM " một giấc mộng như nhau:
"Làm sao bách thế lưu phương
"Trước là Sĩ sau là Khanh Tướng "
Cho nên khi tốt nghiệp cũng cùng một quan niệm như nhau: "Hoặc xanh cỏ hoặc đỏ ngực"Chẳng có ai nghĩ rằng cũng chẳng xanh cỏ, cũng chẳng đỏ ngực, mà phút chốc có một ngày nào đó không xa mà rất gần, trở thành què cụt đui mù để trở thành kẻ báo cô cho gia đình và thân nhân. Và cũng chẳng có ai nghĩ rằng, cơn đại họa của Mệnh Nước Vận Nhà đổ ập xuống như cơn thác lũ, phải vất kiếm cung, cởi bỏ chiến bào cùng nhau lũ lượt rũ nhau vào tù, để sống những tháng năm dài bất tận thìên thu trong nỗi uất nghẹn của kẻ bại trận. Và cũng chẳng có ai nghĩ rằng, bỗng một buổi sáng hay một buổi chiều, mình phải lìa bỏ quê cha đất tổ, lìa bỏ cả cha mẹ vợ con gia đình để bắt đầu sống một cuộc sống lưu vong ê chề tủi nhục của một kẻ tha phương cầu thực .

Vào cuối tháng 11 năm 1967. Phái đoàn Lực lượng Ðặc Biệt đến thuyết trình. Cơ cấu tổ chức và nhân sự, sao mà quá nhiêu khê không giống như Nhảy Dù, BĐQ , TQLC , Sư đoàn Bộ Binh v.v. và v..v...Cái gì đâu là A Team, B, C, CIDG, MIKE Force, Delta, 91 Bi ệc C ách D ù...Xem một đoạn phim chiếu lại trận Pleime đẫm máu thấy toàn hình ảnh các chiến sĩ anh dũng Yra , Yđê , Ysàriêng, Thạch Khương, Thạch Phịch gì đâu không hà .
Nói thì nói vậy, chứ tôi đã mê cái binh chủng này từ lâu rồi.
Khi còn ở Trung Học, tôi nói dối Ba tôi cho tiền mua quyển sách đề thi Toán của giáo sư Nguyễn-văn-Phú và Đàm-Quang-Hưng, để đi xem ba xuất ci-nê cuốn phim " Les canon des Navaron ".

Trong phim mô tả lại cuộc xâm nhập của một toán Ranger của Liên Đoàn II Lực Lượng Ðặc Biệt Mỹ (tài tử Geogry Peck đóng vai Thiếu Tá trưởng toán, nhằm phá hủy những cỗ đại pháo cực kỳ tối tân của quân Đức Quốc Xã (Gun Battery) tại Point Du Hoc, chỉ cách nơi đổ bộ trên bờ biển Normandie một cây số bên trong đất liền. Nếu nhiệm vụ của toán này thất bại thì không có một chiếc tàu đổ bộ nào của quân đội Đồng Minh đặt chân lên bãi Omaha và Utah Beach .
   Trung tuần tháng 12 năm 1967,  trước ngày chúng tôi mãn khoá 2 tuần lễ, phái đoàn thứ hai của  Bộ Tư Lệnh, LLĐB đến trường để chọn tân Thiếu Úy. Chỉ có 27 SVSQ Khoá /22 tham dự, lần lượt tôi cũng được gọi tên phỏng vấn. Đại Úy Bác Sĩ Trần-văn-Út là người trưởng phái đoàn
-Chào Bác Sĩ
-Ngồi xuống đi. Tên Anh là Trương-văn-Út hả ?
-Dạ vâng!
-Tại sao anh thích Lực Lượng Đ ặc Bi ệt?
-Dạ, tôi không biết.
-Tại sao cha Anh họ Trần mà anh là họ Trương ?
-Da, tôi cũng không biết nữa!
Câu hỏi lãng xẹt khiến tôi gần nỗi dóa, định đứng dậy chào rồi đi ra .
Nhưng:
 Bác Sĩ nhìn Em Bác Sĩ cười
Em nhìn Bác Sĩ mộng hoa tươi
Sau này màu Mũ lá xanh đó
Bốn phương tám hướng mặc tung hoành

Thêm chú thích
Ông Thượng Sĩ phòng Tổng Quản Trị  đọc tuyên ngôn :
 - Kính quí vị, ai có tên trong danh sách này xin ngồi lại, không có tên xin trở về doanh trại. Cám Ơn
Chỉ có tám (8) người còn ngồi lại, trong đó có tên tôi. Cũng dễ hiểu thôi, vì danh sách này đã có trước từ BTL, truớc khi phái  đoàn (select team) đến trường. Anh cột chèo chú bác ruột của tôi là Bác Sĩ Ngô-vi-Dương đang kiêm Y Sĩ Trưởng Bộ Tư Lệnh, LLĐB . 
Tám Tân Thiếu Úy Khoá 22 Võ Bị Ðà Lạt trình diện Phòng Tổng Quản Trị BTL/LLĐB ở Nha Trang, sau 15 ngày nghỉ phép.
- Trần-văn-Ni vác hành trang trình diện BTL/SĐ1BB...vì an ninh lý lịch
- Xường, Chân, Xinh... trình diện BCH C4
- Út, Chẩn, Tiễn... trình diện BCH/TĐ 91 Biệt Cách Dù
- Đặng-văn-Lợi... trình diện Bộ Chỉ Huy TĐ MikeForce
 Ở Nha Trang chỉ còn lại tôi, Chẩn, Tiễn và Lợi hưởng được những ngày cuối năm của Tết Mậu Thân. Tiếng pháo giao thừa trộn lẫn tiếng AK, B40, Beta. Tôi bị thương, nằm bệnh xá Bộ Tư Lệnh ba ngày, đơn vị của Chẩn và Lợi được ném xuống Khe Xanh. Họ không bao giờ trở về với bông mai vàng vẫn còn óng ánh trên vai áo trận giặt ủi hồ thẳng nếp. Có cái đơn vị nào kỳ cục bằng đơn vị này. Thiếu Úy "sữa" vừa ra trường, vừa trình diện Đại Ðội thì có lệnh đi Gác Hòm cho vị ĐĐT của mình (Đại Úy Nghi ĐĐT/ĐĐ3 ) vừa tử trận ở Kontum trước Tết chỉ hai tuần lễ , bây giờ phải đi gác hòm cho cố Trung Tá Lê-Như-Tú (TĐT/TĐ91 BCD) vừa ngã gục trong đêm Giao thừa Tết Mậu Thân trên phố Độc Lập, Nha Trang, với những giòng nước mắt tưởng nhớ hai người bạn cùng Khoá, chỉ cách đây một tuần ngồi uống bia với những con ốc buơu luộc chấm nước mắm gừng ở quán số 5 ven bờ biển.

Số mệnh an bài nghiệt ngã chưa chịu dừng lại ở đây. Hai tháng sau, trên mặt trận Cây Quéo, Cây Thị trong đợt tổng công kích đợt hai, tôi ôm xác Huỳnh Kim Tiễn mà không có thủ cấp. Một trái không giật đã lấy đi gương mặt hiền hòa cùng bộ não thông minh của người bạn cùng khoá còn lại của tôi, cùng TĐ 91 BCD. Tiễn chết không nhắm mắt, bởi còn mắt đâu mà nhắm,  nhưng nụ cười hiền hoà như vẫn còn vương đọng trong tôi như một lời nhắn nhủ "Tao đã đền xong nợ nước thù nhà " .
Thời gian trôi qua như một giấc mơ. Chỉ hơn hai năm tôi phục vụ TĐ 91/ BCD (sau này đổi thành TĐ81 BCD vì xui quá chết như rạ) mà đã trải qua sáu (6) vị ĐĐT: Trần-Hoạt-Thành , Nguyễn-đăng-Lâu, Huỳnh-văn-Thanh, Ngô-Tùng-Lam, Nguyễn-văn-Lân, Phạm-Châu-Tài.
Một binh chủng như thế, một đơn vị như thế có xứng đáng để người đời ca tụng :
"Kinh Luân Khởi Tâm Thượng, Binh Giáp Tàng Hung Trung ".....


Ngồi trên mũi boong tầu Dương vận hạm 505. Tầu đang xuôi Nam, điểm đến là quân cảng Bạch Đằng. Ngày mai sẽ ra sao? Nào ai biết ra sao?! Bên cạnh tôi là Đại Úy Nguyễn-chí-Thanh (ĐĐT/ ĐĐ 6/TĐ 81 BCND) Trung Úy Hồng-Quang-Bảo (ĐĐP), Trung Úy Nguyễn-văn-Thinh (ĐĐP) của tôi. Bên dưới lòng tàu lô nhô nam phụ lão ấu chen chút nhau với rương hòm, valy, túi xách, lẫn lộn với ba-lô nón sắt súng đạn cùng hai chiếc xe Jeep của hai Đại Ðội. Trong lòng mỗi người, chắc hẳn đều có một suy tư riêng và cũng chắc rằng chẳng có suy tư nào giống suy tư nào. Những quân nhân và gia đình sinh quán ở Nha Trang mang một nỗi buồn mênh mang xa xứ.Những người gốc gác Sài Gòn, Gia Định, miền Đông, miền Tây tự an ủi mình: thôi gần gia đình sẽ có dịp thăm viếng nhiều hơn. Chắc có lẽ, không có ai trong số người đang nằm đang ngồi,  hoặc đi tới đi lui dưới lòng tàu kia nghĩ rằng: "Ngày mai hay ngày mốt còn nhìn thấy chiếc mũ Green Beret ngạo nghễ trên vầng trán của mình hay không ??? ".  Một binh chủng đi đông về ít, đi ít về không... hoặc đi luôn không thèm về nữa " .






Ngày xưa trước khi Kinh Kha sang sông Dịch, còn được Thái Tử Đan khoản đãi yến tiệc linh đình với cung tần mỹ nữ. Ngày nay chúng tôi sang sông Dịch không kèn không trống, chỉ có chút ít thời gian ôm vợ con hôn từ giã với câu hỏi:
- Mẹ con mày còn đủ gạo ăn tháng này hay không ?
 Hòm gỗ cài hoa đã có Tiểu đoàn Chung Sự lo toan. Còn khăn sô áo tang xelăn, nạng gỗ, không biết mẹ mày liệu có lo toan được hay không?
Tôi quay sang hỏi Thanh:
- Anh đang nghĩ gì vậy?
Trước khi về TĐ 81 BCD, anh là Trung Úy, Tóan Trưởng Biệt Hải, xâm nhập bờ biển Hải Phòng năm 1966 bằng tàu đánh cá cải trang của Hải Quân QLVNCH. Toán bị " bể ", được cứu thoát khi cánh tay phải của Anh lặt lìa, cũng may nhờ Quân Y của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ chắp vá cho nên cánh tay phải vẫnhoạt đông bình thường..
Vẫn cái giọng nói, cái giọng cười khàn đục của Anh, với cánh tay thương tật vung vẫy:
-Mẹ! Từ Biệt Hải, tự ái không thèm giải ngũ, lại về Biệt Cách, bây giờ về Trinh Sát Dù. Thôi cũng được, chứ đưa tao về Biệt Ly là tao Biệt Kinh Kỳ ngay .
Trung Úy Thinh hỏi:
-Biệt Ly là cái gì vậy Đại Úy?
-Là ĐĐT Chung Sự Nghĩa Trang Biên Hòa chứ còn con mẹ gì nữa .
Thanh thò tay móc bi đông mở nắp, hớp vài hớp, đưa sang cho tôi. Tôi cũng làm một hớp. Trời đất "Ông già đi bộ " (Jonhny Walker ). Tôi giao bi- đông cho Hồng-Quang-Bảo, rồi cho Thinh.
Bảo tư lự chẳng nói năng gì, nhìn bâng quơ vào khoảng trời xanh vô tận. Chắc anh đang nghĩ đến giòng họ nhà Hồng Quang của Anh đang ở Đài Loan cùng với gia đình nhà họ Tống. Thinh nắm lấy tay tôi :
-Trung Úy! Có Tôi bên cạnh đây!


Rồi thời gian cũng qua mau như là một giấc mơ...
- ĐĐ5/81BCD...cải danh là ĐĐ2 Trinh Sát ND
- ĐĐ6/81BCD...cải danh là ĐĐ3 Trinh Sát ND
Mang cái tên Trinh Sát ND nhưng thịt xương máu huyết là 81 Biệt Cách Dù
Trận Lam Sơn 719 Hạ Lào (1971). Thân xác của Đại Úy Nguyễn-chí-Thanh đã được gởi trọn ở một vùng đất xa lạ nào đó, không phải quê cha đất tổ của Anh. Anh không bị thuyên chuyển về Biệt Ly mà lần này là Biệt Xứ, Biệt Hải, Biệt Cách, Biệt Ly.
   Biệt Xứ hay Biệt Biệt gì chăng nữa cũng là Vĩnh Biệt. Hồng Quang Bảo cũng theo anh. Thân xác dù được đồng đội gói ghém nhiều lần trong poncho rách tả tơi, mà vợ con gia đình không nhìn mặt được lần cuối. Có lẽ giờ đây thân xác các anh đã hòa tan vào những vùng đất phì nhiêu màu mở của núi đồi phía Tây Khe Sanh, Lao Bảo, trên dãy Trường Sơn trùng điệp ngút ngàn Hạ Lào xa lạ.
Charlie - Mùa Hè Đỏ Lửa - (1972). Mặt trận Tây Nguyên, Liên Đoàn  81 BCD, triệt xuất vùng Tam Biên, ĐĐ2 Trinh Sát ND (tiền thân của ĐĐ5-BCD) xâm nhập để đương đầu với SĐ Thép 320 của CS Bắc Việt,  cùng với trọng pháo 130 ly, hỏa tiễn 122,  xe tăng T-54. Nguyễn-văn-Thinh lúc ấy là ĐĐT/ĐĐ 111 của TĐ 11 ND (Song Kiếm Trấn Ải).
Khi Cộng quân tràn ngập Charlie, Thinh như một Rambo. Giầy saut, quần trận, áo thun ba lỗ, đầu chít khăn Viễn thám, ngực quấn đầy dây đạn, hai tay với khẩu M-60 quạt trái, quạt phải, đứng sừng sững trên giao thông hào,  miệng không ngớt:
-ĐM chúng mày lên đây... lên đây!
Rồi thân xác của Thinh cũng rả rời từng mãnh vụn bởi hằng trăm nhát mã tấu thù hận của quân khát máu. Sau này tôi có dịp trở lại Nha Trang. Người mẹ già gầy rọp thân thể của Thinh hỏi tôi, tôi chỉ biết nghẹn ngào trả lời:
-Thinh vẫn còn ở lại Charlie với Trung Tá Nguyễn-đình-Bảo .
Trận Hạ Lào Lam Sơn 719... ĐĐ 3 Trinh Sát ND (ĐĐ6/ 81BCD) xem như xóa sổ!
Kontum kiêu hùng, Quảng Trị vùng lên... ĐĐ2Trinh sát ND (ĐĐ5/81BCD) thân xác còn đó, nhưng thịt xương rã rời, máu huyết tan loãng.

*
Tôi không thể nhớ hết, sao tôi còn có thể nhớ hết được khi thời gian quá ngắn, mà trang sử thì quá dài . Đã có bao nhiêu đồng đội thân thương của mình, cùng chung một chuyến tàu há mồm xuôi Nam, giã biệt trại Hoàng Diệu đã nằm xuống, mà tôi vẫn còn đây. Họ nằm xuống, xanh cỏ...để tôi được Đỏ Ngực. Đỏ Ngực vì Huy Chương đầy ngực hay đỏ ngực vì tim tôi rỉ máu. Bao nhiêu tháng năm qua, mỗi khi nhớ đến Họ .
Thượng Sĩ, Trung Sĩ Nhất, Trung Sĩ, Hạ Sĩ Nhất, Hạ Sĩ... Họ là những quân nhân ưu tú nhất của QLVNCH, Họ là những bậc thầy của Tôi, hướng dẫn, chỉ bảo, trao truyền kinh nghiệm chiến trường cho tôi trong những bước chân đầu đời binh nghiệp. Có một lần đơn vịtrực thăng vận vào mục tiêu Asha, Alưới. Chân chạm đất là chạm địch ngay, Hạ Sĩ Nhất tên Minh, mang máy PRC25, nắm cổ áo tôi vật ngã xuống đất và hét:
- ĐM! Thiếu Úy Đà Lạt gì mà ngu thấy mẹ!. Cứ la xung phong, xung phong. Ðưa ngực cho nó phạng, chết mẹ hết ráo còn lấy ai xungphong !!

Họ là những người lính già không bao giờ chết. Họ chỉ nhạt nhòa đâu đó, trong tim Tôi, trong óc Tôi, chung quanh Tôi, mờ mờ nhân ảnh ... Anh không chết đâu Anh, Anh chỉ vừa bỏ cuộc hôm qua… Hôm nay còn lại gì? Có còn chăng chỉ còn tình Huynh Đệ mong manh như những hạt mưa bong bong. Dễ kết dễ ly. Dễ hợp dễ tan. Cố gìn giữ được cái gì hay cái đó, ngày nào hay ngày đó."Quân Tử Chi Giao Đạm Nhược Thủy". Tình Huynh Đệ hôm nay không cần vồn vập sôi nỗi, mà cần lắng kết vào bên trong, thông cảmtha thứ cầu mong điều lành cho nhau, sẵn sàng cứu giúp dù phải phá chấp hy sinh, không ra ngoài mục đích hài hòa những mối tương giao tình tự "Một ngày Lính là một đời Lính" Mũ Đỏ, Mũ Xanh, Mũ Nâu, Mũ Đen, Mũ Vàng, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Dân Vệ, Võ Trang Tuyên Truyền... cũng giống như nhau, cũng cùng phơi thây nơi chiến địa dưới họng súng xâm lăng của quân thù không còn nhân tính. Nhưng tiếc thay hôm nay có những Huynh Huynh Tỷ Tỷ quên lãng đi, hay cố tình quên lãng đi"Nhất Tướng Công Thành Vạn Cốt Khô”

Họ quên đi thời thế thế thời đã đổi thay. Họ vẫn xênh xang áo mão hoàng triều, huy chương đầy ngực, lon lá lé l ói xum xoe trong những lễ hội hoa đăng. Nhưng Họ có bao giờ nghĩ rằng bao nhiêu linh hồn uổng tử đang ở bên cạnh Họ và nguyền rủa Họ.
Có những kẻ lúc nào cũng xum xoe khúm núm Đệ Đệ Muội Muội để trở thành "Thời Lai Đồ Điếu Thành Công Vị ". Dậu đổ bìmleo. Họ leo lên những bậc thang Danh Vị của Họ giống như những Công Công của thời vua chúa quân chủ đời nhà Tống, nhà Minh bên Tàu. Họ đạp thẳng chân, thẳng tay, vào mặt những người đàn anh của Họ, mà đáng lý ra Họ phải tôn kính và nhớ ơn.
Ngày nay, trong một cuộc sống quá xô bồ, hối hả, căng thẳng với gia tốc của nhu cầu vật chất, tôi được quyền có những giây im lặng, trầm tĩnh trong cuộc sống hằng ngày, để tự lắng vào bên trong, để có dịp gặp lại những hình ảnh thân thương của đồng đội, trên chiếc tàu há mồm xuôi Nam để từ mũ Xanh thành mũ Đỏ. Màu gì cũng là màu, nhưng màu Máu của con người không ai thay được .
ĐĐ5/81 BCD và ĐĐ2Trinh Sát ND, chỉ là Một
Trương Út tc Út Bạch Lan
(Khoá 22/TVBQGVB)



Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen



No comments:

Post a Comment