Cận cảnh trận phản kích Phước An-Nông Trại-Chư Cúc
Sau khi giải quyết xong cơ bản nhiệm vụ tác chiến, đánh chiếm thị xã Buôn mê Thuột, sân bay Hòa Bình, BCH chiến dịch Tây Nguyên đã tính trước việc địch nhất định sẽ tổ chức phản kích chiếm lại. Tuy nhiên, do ta đã sớm “ gạn lọc” tình huống, cắt đứt các đường huyết mạch lên cao nguyên, như đường 19, 21. Chiếm giữ các địa thế hiểm yếu dọc trục giao thông đường 14, nối Nam với Bắc Tây Nguyên, nên ta phán đoán lúc này địch chỉ có thể đổ quân bằng trực thăng (là chủ yếu).
Trên địa bàn rộng, dự kiến địch đổ quân ở đâu, phía đông hay Tây Buôn Mê Thuột? Đó là cả một nghệ thuật phán đoán, tiên lượng và dự kiến. Với đường kính hàng trăm cây số, chọn điểm chặn kích không “trúng” sẽ nguy hại bởi tổ chức tác chiến sẽ chuyệch choạc, phối hợp hỏa lực với bộ binh, bộ binh với bộ binh khó khăn, lại còn việc khóa vùng trời của phòng không… Địch ở gần tiến hành phản kích là ai, nhiều khả năng là hai trung đoàn từ Plei-cu về! Liệu sư đoàn dù ở Vùng 1 chiến thuật có đổ về đây phản kích không? Đó cũng là dự báo xa của cấp chiến dịch, chiến lược. Tuy nhiên về mặt chiến lược, Tổng hành dinh đã phối hợp chiến trường Trị Thiên rất nhịp nhàng, khiến sư đoàn dù phải sa lầy, “treo chân” ở vùng 1 chiến thuật, ít có khả năng trở về.
Vừa đánh địch, tiến công căn cứ Đức Lập, với khoảng 5 cụm cứ điểm lớn, ngày 11-3, sư đoàn 10 Quân giải phóng lập tức phải cơ động về gần Buôn Mê Thuột làm nhiệm vụ dự bị chiến dịch, sẵn sàng đánh địch phản kích. Một lực lượng thiết giáp, pháo binh cùng trung đoàn 48 bộ binh của sư 10 (thiếu), được lệnh gấp gáp tiến về phía đông Buôn Mê Thuột.
Ta dự kiến đón lõng ở quanh Phước An, Nông Trại, Tại sao không là nơi khác? Nơi đây là hậu cứ cũ của hai trung đoàn chủ lực thuộc sư đoàn 23 Ngụy, có cấu trúc công sự sẵn, có hậu cần, kho đạn…cạnh đó có điểm cao 581, khoảng cách cơ động phản kích hợp lý với quy mô trung đoàn…
Ngày 11 tháng 3 trong khi các trận đánh trong thị xã còn tiếp diễn, tiểu đoàn 6, trung đoàn 24 (sư đoàn 10) đã tấn công cứ điểm Chư Nga và căn cứ 45 phía Đông thị xã. Việc để mất căn cứ 45 và cứ điểm Chư Nga đã buộc các trung đoàn 44 và 45 QLVNCH không có lựa chọn nào tốt hơn phải đổ quân đến Nông Trại – Phước An !!! Sau này, tài liệu của các sĩ quan QLVNCH cũng thừa nhận, các căn cứ quanh Buôn Mê Thuột đã vào tay đối phương, đổ quân xuống đây là “hợp lý”.
Quả nhiên tin tình báo có sớm: Ngày 12-3, Tướng Phú, Tư lênh quân đoàn 2 chủ trương: Điều động toàn bộ hai trung đoàn còn lại của sư đoàn 23 (44 và 45) dùng trực thăng vận đổ bộ xuóng khu vực Nông Trại – Phước An (phía Đông Buôn Ma Thuột), hình thành cánh quân phản kích chủ yếu đánh thẳng vào thị xã.
Sử dụng liên đoàn 21 biệt động quân (thiếu) phối hợp với số quân còn lại của trung đoàn 53 tại trại B50 (hậu cứ sư đoàn 23) hình thành một cánh quân tại chỗ để phản kích
Huy động tối đa các sư đoàn không quân, sư đoàn 6 (thuộc Quân đoàn II), sư đoàn 1 (tại Đà Nẵng), sư đoàn 4 (tại Cần Thơ) yểm trợ tối đa cho cuộc hành quân.
Trận phản kích được mô tả: Chiều ngày 12 tháng 3, sau trận oanh kích dọn bãi của 81 máy bay cuờng kích A-1, A-37, F-5; hai tiểu đoàn của trung đoàn 45 và một đại đội thám báo của sư đoàn 23 do trung tá Phùng Văn Quang, trung đoàn truởng chỉ huy, đổ quân xuống Phước An.
Trực thăng của các sư đoàn không quân QLVNCH đổ quân
Hơn 100 máy bay trực thăng đủ loại, kể cả CH-47 Chinook đuợc huy động cho cuộc chuyển quân. Lúc 13 giờ 10 phút chiều 12 tháng 3, đích thân thiếu tướng Phạm Văn Phú bay trên phi cơ hạng nhẹ U-17 lên vùng trời Buôn Ma Thuột chỉ huy cuộc phản kích. Từ trên máy bay, tướng Phú điện cho trung tá Võ Ấn đang chỉ huy các lực lượng giữ sân bay Hòa Bình biết cuộc đổ quân xuống Phước An – Nông Trại đã bắt đầu và động viên các đơn vị này cố gắng giữ vững.
Sang ngày 13 tháng 3, có 145 chiếc trực thăng đã đổ trung đoàn 45, pháo đội 232 và tiểu đoàn còn lại của trung đoàn 44 xuống khu vực điểm cao 581, Nông Trại, Phước An, Chư Cúc dọc đường 21.
Từ chiều 13 tháng 3, các trung đoàn 24 và 28 (sư đoàn 10) được tăng cường hai đại đội xe tăng và một tiểu đoàn pháo binh đã hành quân suốt đêm và áp sát quận lỵ Phước An vào rạng sáng. 7 giờ 7 phút sáng 14 tháng 3, trong khi các đơn vị của hai trung đoàn 44 và 45 QLVNCH còn chưa triển khai đội hình, trung đoàn 24 (sư đoàn 10 ) có hai tiểu đoàn của trung đoàn xe tăng 273 yểm hộ đã từ hai phía nổ súng tấn công trung đoàn 45 tại điểm cao 581.
Đến 12 giờ trưa ngày 14 tháng 3, các tiểu đoàn 1 và 2 của trung đoàn 45 cùng tiểu đoàn bảo an tại điểm cao 581 hầu như bị đánh tan. Tiểu đoàn còn lại vừa đánh vừa lùi về khu vực Nông Trại. Bây giờ thì nhiệm vụ trước mắt của trung đoàn 44 (sư đoàn 23 QLVNCH) chưa phải là giải toả Buôn Ma Thuột mà là ứng viện cho trung đoàn 45 đang bị vây ép. Kẻ đi phản kích lại bị chính đối phương vây ép!
Ngày 15 tháng 3, cánh quân còn lại của sư đoàn 23, trong đó có Sở chỉ huy nhẹ của sư đoàn đổ quân xuống Phước An. Ngày 16 tháng 3, cả hai cụm quân của sư đoàn 23 tại Phước An và Nông Trại cùng lúc bị tấn công. Đến 8 giờ 15 phút, tiểu đoàn 3, đơn vị cuối cùng của trung đoàn 45 (sư đoàn 23 QLVNCH) bị áp lực, tan rã, trung tá Phùng Văn Quang và toàn bộ ban chỉ huy trung đoàn bị bắt làm tù binh cùng với chiếc trực thăng đã nổ máy định bốc họ lên không.
Ngày 17 tháng 3, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên điều tiếp trung đoàn 28 (sư đoàn 10) và tiểu đoàn xe tăng còn lại của trung đoàn 273 tăng cường cho trung đoàn 24 tấn công Phước An. Cùng ngày, trung đoàn 66 (sư đoàn 10) và trung đoàn đặc công 198 mở đợt tổng công kích vào cụm quân còn lại của trung đoàn 53 và liên đoàn 21 biệt động quân tại sân bay Hòa Bình (Phụng Dực). 11 giờ 30 sáng 17 tháng 3, sân bay Hòa Bình bị chiếm. Trung đoàn 53 bị xóa sổ.
Trong ngày 17 tháng 3, trung đoàn 44 bị tấn công liên tục tan rã tại Phước An. Đại tá Đức (tư lệnh mới của sư đoàn 23) đưa sở chỉ huy nhẹ sư đoàn và hơn 700 quân còn lại về Chư Cúc. Ngay lập tức, ngày 18-3 xe tăng, pháo binh ta mãnh liệt tiến đánh trị trấn này. Sức tiến công áp đảo cộng uy lực lớn từ xe tăng đột phá các cứ điểm,của trung đoàn 28 (sư đoàn 10) và một tiểu đoàn của trung đoàn xe tăng 273 trở thành một mũi tiến đánh rất mạnh, gần 12 giờ tàn quân phải bỏ Chư Cúc chạy về Pleiku. Sư đoàn 10 bắt tại đây hơn 1500 lính. Trận phản kích của QLVNCH với ý định tái chiếm Buôn Ma Thuột thất bại.
* * *
Điều gì quân đội VNCH không lường được trong phản kích, cho dù họ biết rõ đối phương sẽ quyết liệt “chống phản kích”. Đó là sư đoàn 10 lập tức quay trở lại, trở thành lực lượng dự bị chiến dịch mạnh. Sư đoàn này có pháo chiến dịch yểm trợ, có xe tăng đột kích tiến đánh. Bản thân họ chiếm thêm 14 khẩu pháo từ trận Đức Lập trước đó vài ngày. Đạn pháo dồi dào. Họ có cơ giới hành quân công khai ban ngày….
Pháo binh của Quân Giải phóng có thêm đạn bổ sung, lại linh hoạt tổ chức nhiều trạm quan sát, thực hành bắn nhiều mục tiêu đột xuất, chia cắt đội hình phản kích, uy hiếp tinh thần binh lính. Trong khi lực lượng phản kích không có thiết giáp mạnh che chắn, việc chế áp hỏa lực đối phương của pháo binh QLVNCH hầu như không làm được.
Máy bay chiến đấu là thế mạnh của bên phản kích, nhưng bị lực lượng phòng không khống chế bằng pháo cao xạ, tên lửa vác vai A-72, do vậy chi viện không hiệu quả cho bộ binh.
Có xe tăng, thiết giáp làm lực lượng đột kích. Có xe cơ giới chở quân, có cao xạ khóa bầu trời, sư đoàn 10 tiến đánh các mục tiêu theo phương thức hành tiến, thọc sâu, áp đảo…Nên hiệu suất chiến đấu cao.
No comments:
Post a Comment