Saturday, May 19, 2018

Người Bình Long – Chốt chặn (blocking positions) Tân Khai – An Lộc / 1972

Tháng 5 –1972, Trung đoàn 209/VC được lệnh tức tốc chuyển về thay thế Trung đoàn 165 (hai TRĐ này đều thuộc Sư Đoàn 7 quân CSBV xăm nhập, giả danh là quân giải phóng của MTGPMN, Ghi chú) chốt ở khu vực Cống Ông Tề, Tàu Ô, xóm Ruộng. Khẩu hiệu là: “Chốt cứng, chặn đứng, không cho 1 xe, 1 tên địch qua trận địa, từ Bình Long chạy về Sài Gòn và ngược lại”.
Tại sao lại chọn khúc Tàu Ô?
VC giải thích và quyết thực hiện bằng được lệnh: “Không cho 1 xe, 1 tên địch qua trận địa. Bởi khu vực Tàu Ô, phía bắc chi khu quân sự Chơn Thành 3km, có con suối chảy từ tây sang đông, đường rộng 20 – 30 mét, nước nông nhưng là vật cản thiên nhiên tốt. Hai bờ bắc, nam của con suối là những vạt đồi thoải, quá trình mở rộng đường 13, địch san ủi vẫn còn những ụ đất cao từ 1 đến 1,5 mét, lâu ngày đất rắn, có thể cải tạo thành những ụ chiến đấu tốt. Nam suối Tàu Ô khoảng 500 mét có cống Ông Tề rộng 8 mét. Địa thế khu vực này tương đối cao, càng về phía nam địa thế càng thấp dần, đứng ở Tàu Ô ta có tầm nhìn khống chế được phía nam”(Theo hồi ký của Nguyễn Thế Trị, cựu cán bộ chính trị của TRĐ209; Vũ Việt Hồng là TRĐT)
1Trong 150 ngày đêm chốt chặn trên Quốc lộ 13 là 150 ngày đọ sức giữa QLVNCH và quân CSBV, cũng là nổi ám ảnh, sợ hãi cùng cực của dân BL chạy nạn từ AL về Chơn Thành. Nếu nói dân chạy nạn trong AL là chạy chết (vì bom đạn) thì ở Tân Khai là chạy thoát (vượt qua đựợc làn đạn hai bên giao tranh).
Mặc dù thiệt hại nhân mạng rất lớn, 1.062 cán binh ( theo báo cáo TRĐ 165+209, thuộc Sư đoàn 7/VC) đã hy sinh. Nhưng họ cố bám giữ chốt chặn này, để cản ngăn các đơn vị của QLVNCH từ Chơn Thành lên giải tỏa cho AL. Không cho dân chúng BL chạy thoát về Chơn Thành, từ đây xe chuyển về trại tiếp cư Phú Văn Bình Dương.
Theo luận điểm chính trị của VC: “Trước khi quân địch rút chạy khỏi Bình Long, chúng thăm dò, điều tra trận địa của ta ở khu vực chốt, bằng cách cho một số vợ con sĩ quan ngụy quân và ngụy quyền vờ tháo chạy qua trận địa chốt. Chúng dụng ý, nếu ta nổ súng thì lập tức vu cáo quân giải phóng bắn vào dân thường… Nếu ta để họ đi qua sẽ lộ trận địa chốt. Lúc này, ngoài chốt gọi điện về xin ý kiến. Tôi và anh Hồng trao đổi gấp và quyết định cho lực lượng trinh sát và trợ lý địch vận chặn họ trước trận địa, giải thích cho họ rằng có mìn phía trước, rất nguy hiểm và dẫn họ đi vòng qua bên sườn chốt về hậu cứ”.( hồi ký Nguyễn Thế Trị)
Hậu cứ của họ lúc đó là đưa ngược dân lên Lộc Ninh, sau khi giam giữ và thanh lọc dân ra nhiều thành phần đối tượng:” ngụy quân ngụy quyền ác ôn xữ tử tại chỗ, bắt tù binh khai thác tình báo, bắt thanh niên bổ sung vào bộ đội, dân thường lùa về Lộc Ninh để có dân chúng ra mắt Chính Phủ MTGPMN”.
1
Đến tháng 6-72, đoạn QL13 này mới được QLVNCH giải tỏa cho dân chúng bị kẹt giữ, trong các khu vực Tân Khai, Đức Vinh (Xa cát) chạy thoát thân về Chơn Thành; có người bị giam hay đưa đi từ những ngày đầu cuộc chiến tháng 4-72.
Với âm mưu thâm độc đó, dân BL bị giữ lại từ ấp Chà Là đến ấp Tân Khai do bộ đội địa phương (dân nằm vùng) gọi là Công Trường (SĐ)Bình Long; họ là giao liên vận tải lương thực, dân vận chỉ điểm, đề lô chấm tọa độ pháo binh, dẫn xe tăng vào thành phố …
Không biết bao nhiêu là những câu chuyện thương tâm, đau xót của dân lành vô tội, cho đến ngày nay vẫn còn âm ỉ, âm thầm oán hận kể lại cho người thân, bạn đồng hương, bạn cũ mới trong ngoài nước, mỗi khi nhắc lại chiến cuộc BL 72.
(hình trên  internet)
(hình trên internet)
Xin kể lại một trường hơp thương tâm( một trong những câu chuyện có thật) mà những vị viết sử, sách về AL,BL trong mùa hè đỏ lửa 72 cũng cần nên tham khảo thêm về tính nhân bản trong chiến tranh, không vì nặng phần chính trị tuyên truyền cho chế độ, hay cường điệu đề cao chiến trận quân sự. Trong cuộc chiến tương tàn, dù bên nào thắng trận, người dân vẫn là người thua trận của cả hai bên ngay từ phút đầu.
“Chuyện của Ba tôi”:
Cuối cùng ba tôi quyết cả gia đình đi bộ và bị bắt ngay tại Chà Là.
Trước đó, Bình Long bị pháo kích quá nhiều nên ba tôi phải làm 2 cái hầm , một hầm chìm và một hầm nổi. Hầm chìm đào sâu dưới đất, tráng xi-măng, và trên gác nhiều thanh đà ngang chất mấy chục bao cát.
Nhiều lần, đạn 122 ly trúng xung quanh hầm nhưng không hề gì. Những ngày tháng 4/72 bị pháo kích nhiều quá, gia đình tôi ở luôn dưới hầm, vứa bớt pháo lên nấu cơm.
Khoảng một tuần chịu không nỗi vì sợ sập hầm nên gia đình kéo nhau xuống nhà ở Chợ Mới ngay đại lộ Hoàng Hôn mà ở. Được vài ngày cũng không yên lại không gạo ăn.
Cuối cùng ba tôi đi bộ lên Tiểu Khu xin cho gia đình tá túc ở dinh tỉnh trưởng. Được bằng lòng và gia đình đi bộ lên và ở đó. Nơi đây cũng bị pháo kích quá, nhưng cũng nhờ lính tiếp tế đồ ăn nên tạm sống qua ngày.
Khoảng 10 ngày không chịu nỗi pháo nên cả gia đình nhất quyết đi bộ theo dân tìm đường sống.
Lúc đó cả gia đình tôi có ba người bị bệnh nên gia đình phải thay phiên nhau bồng bế nhau; thật hết sức cực khổ vô cùng. Ba tôi vì ba người con mà phải đi bộ theo sống chết có nhau.
Đi đến Chà Là thì một nhóm người đến chặn ba tôi lại (dân địa phương) và bắt ba tôi đi. Mấy mẹ con than khóc quá nhưng họ không tha, cuối cùng phài đi bộ về tới Tân Khai.
Ở đó cũng khổ vô cùng vì có gạo mà không có muối, nước uống phải vét nước sình mà uống. Ăn nằm ngoài trời, chưa yên được nửa tháng thì Chơn Thành pháo kích, lại một phen hãi hùng. Cũng may Phật thương nên gia đình không sao cả.
Ở gần một tháng thì Sư Đoàn 21, kéo đến rất đông giải cứu đồng bào và cho máy bay trực thăng bốc về Lai khê. Sau đó họ chở chúng tôi(trừ Ba tôi bị giữ lại) về trại tạm cư Phú Văn, nhập trại lãnh gạo, được chính phủ cưu mang cho đến ngày 30/4.
Xin kể tiếp về ba tôi: Ba tôi lúc bị bắt họ đưa vào Minh Đức (Xa cam) và sau đó đưa ba tôi ra tòa án nhân dân. Họ hỏi dân, ba tôi có ác ôn không? Dân trả lời ông nầy rất hiền từ, thương dân. Thế rồi họ tha, nếu chỉ cần nói ba tôi ác ôn thì sẽ bị xử bắn ngay.
Họ bắt ba tôi vẽ sơ đồ các cơ quan quân sự, ba tôi nói: tôi là dân sự không phải là lính nên không biết vẽ. Tạm yên, nhưng họ xiềng tay chân ba tôi lại, nói ra đau lòng lắm!
Thế rồi, sau đó họ đã đưa ba khi khắp nơi trong rừng, có khi lên tận chiến khu Dương Minh Châu. Đến năm 1973 nghe nói thả tù binh, má và tôi lên tận Biên Hòa và Lộc Ninh nhưng không thấy, họ chỉ thả những người không có chức quyền.
Sau này, còn nghe ba nói ở trong rừng thiếu thốn đủ bề; ba tôi suýt chết mấy lần vì bệnh. Cũng may trời Phật còn thương nên vẫn còn sống. Sau 1975 họ đưa ba tôi về giam tại trại giam Chí Hòa, đến 1976 do người bạn cho biết địa chỉ nên ba tôi liên lạc được với gia đình.
Từ đó hàng tháng gia đình đi thăm nuôi. Đến cuối năm 1977 ba tôi được tha về với giấy ra trại ghi : “ngụy quyền, làm tay sai cho Mỹ ngụy “. Chính mấy dòng chữ này làm cho ba tôi và gia đình khốn đốn, khổ sở vô cùng.
Chế độ mới theo dõi ba tôi từng ngày, khoảng một tuần/lần; ban đêm họ xét nhà. Mỗi tháng phải làm bản tự khai đem nộp cho công an. Quản lý hơn 6 tháng thì họp tổ dân phố; lúc đó ba tôi mới được trả quyền công dân, và sau đó được nhập hộ khẩu theo gia đình.
Về nhà ba tôi phụ với gia đình buôn bán sống qua ngày. Cho đến khi nghe tin có chương trình đi HO; lúc đầu ba tôi sợ không dám nộp đơn, vì lúc đó các con đang đi làm phải bị nghỉ việc(?)
Chần chừ mãi đến năm 1990 ba tôi mới nộp hồ sơ xin đi theo diện HO. Chính phủ VN căn cứ vào giấy ra trại, vì từ lúc bị bắt cho đến khi thả ra là 5 năm, 9 tháng, 11 ngày nên họ đã cấp cho ba tôi HO25(tính đến ngày 12/1990).
Sau đó Mỹ có mời lên phỏng vấn, họ quay ba tôi 45 phút. Cuối cùng họ nói ba tôi không đủ điều kiện đi tỵ nạn, họ giải thích thời gian chỉ tính từ 5/1975 nên ba tôi không đủ 3 năm. Còn thời gian làm tù binh họ không tính? Thế là vỡ mộng phải ở lại!
Buồn đau vô cùng; ba tôi thì chỉ mong đem con cái theo để có tương lai, nào ngờ, ba buồn đến sanh bệnh nhiều năm liền.
Ba tôi thì biết nước Mỹ rồi, trong năm 1966 ba tôi được Tỉnh đề nghị đi Mỹ tham quan về hành chánh địa phương trong 3 tháng, tất cả chính phủ đài thọ. Ba tôi đi được 25 thành phố trong đó có cả Cali, nên ba tôi biết nước Mỹ một phần nhỏ.
Nằm nhà mãi thất chí ba tôi chỉ biết than : đời lên voi rồi xuống chó. Rồi thời gian cứ trôi qua, ba tôi bị bệnh rất nhiều, tuổi già sức yếu nên ba tôi qua đời…..
Người Bình Long
(Trích Biên Khảo Tỉnh Bình Long)

No comments:

Post a Comment