Chuyện ít biết về quan hệ Việt - Trung thời chống Mỹ
(TuanVietNam)- Nhân 60 năm nước CHND Trung Hoa, ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu bàn về quan hệ Việt - Trung thời kì chống Mỹ.
Tổng kết sao cho đúng thực chất quan hệ Việt Trung trong 60 năm qua, để từ đó rút ra những bài học bổ ích nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước tiến tới là một vấn đề rất trọng đại, đòi hỏi công sức, trí tuệ của nhiều bậc tài cao đức trọng nhiều thế hệ. Đó là một công việc vô cùng khó khăn, động chạm tới nhiều vấn đề tế nhị, nhạy cảm của tầng lớp lãnh đạo hai nước, tới những người đã khuất và còn sống... chưa biết chừng còn có thể bị “vạ lây” (vì bị cho là không đúng ý ai đó). Biết sức mình có hạn, tôi chọn “Quan hệ Việt - Trung thời kỳ chống Mỹ” để mở đầu cho loạt bài viết về quan hệ hai nước trong 60 năm qua, vì đây là giai đoạn tôi đã có chút trưởng thành, được may mắn chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong mối quan hệ đó cũng như được gặp gỡ trực tiếp một số nhà lãnh đạo hai nước, hoặc được nghe truyền đạt ý kiến cấp trên, hay của người trong cuộc kể lại. Tôi biết đây là một việc làm quá sức mình. Hơn nữa, lúc này tôi chỉ có thể bằng vào trí nhớ để viết nên chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót…, rất mong được bạn đọc rộng lòng tha thứ. Khác biệt nhưng vẫn được ủng hộ Quan hệ Việt Trung có vấn đề từ khi quan hệ Xô -Trung "có chuyện", là điều đã được phía Trung Quốc công khai thừa nhận trong cuốn “Lịch sử ngoại giao Trung Quốc”, nhưng theo tôi, một số bất đồng trong quan hệ hai nước đã xảy ra sớm hơn (sẽ đề cập tới trong bài viết về quan hệ Việt Trung trong thời kỳ trước đó). Chúng ta đều biết giữa Đảng CS và chính phủ Trung Quốc với Đảng CS và chính phủ Liên Xô đã tồn tại từ lâu nhiều mâu thuẫn trong quan hệ hai đảng, hai nước và nhiều bất đồng lớn trong đánh giá tình hình quốc tế. Vì nhiều lý do, lúc đầu những mâu thuẫn, bất đồng đó chỉ âm ỉ tồn tại, nhưng đến đầu năm 1960 của thế kỷ trước chúng đã bùng nổ và dần dần trở nên gay gắt tới mức hai đảng, hai nước coi nhau là kẻ thù: từ luận chiến đến “rút chuyên gia, xé hợp đồng” tới xung đột quân sự tại biên giới (năm 1969). Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau nhưng có một điều có thể khẳng định, việc ban lãnh đạo Trung Quốc không chịu làm “đàn em” của Liên Xô nữa, quyết tâm phá vỡ thế hai cực hình thành từ Yalta và đầu óc nước lớn của một số nhà lãnh đạo Liên Xô đã làm cho mâu thuẫn giữa hai bên không thể điều hòa, dù cả hai đều tự nhận mình là những người trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong “cuộc chiến” đó, ban lãnh đạo Trung Quốc muốn và không ngừng gây sức ép để chúng ta đứng về phía họ. Một ví dụ, năm 1964, ông Đặng Tiểu Bình với tư cách là Tổng Bí thư Đảng CS Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc đã bí mật sang thăm Việt Nam với lời cam kết “sẽ bao toàn bộ viện trợ” của Liên Xô cho Việt Nam, nếu Việt Nam đứng về phía Trung Quốc, nhưng lời đề nghị đó đã bị Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Lãnh đạo Việt Nam khôn khéo nhưng cương quyết từ chối. Tháng 8 năm 1966 cái gọi là “cách mạng văn hóa” của Trung Quốc công khai bùng nổ. Đây là cuộc “nội chiến đẫm máu” kéo dài trong mười năm, gây cho nhân dân Trung Quốc nhiều tổn thất to lớn về người và của. Mặc dù bị “thúc giục ủng hộ” nhưng Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch đã lựa chọn cách làm “không ủng hộ nhưng cũng không phản đối” như những nước xã hội chủ nghĩa khác lúc đó Như vậy là hai vấn đề đối nội và đối ngoại lớn của Trung Quốc trong thời kỳ này đều không được sự đồng tình của Việt Nam Sau mấy năm thi hành hiệp định Geneve, chúng ta biết không thể thống nhất nước nhà bằng con đường tuyển cử tự do. Đảng và chính phủ Việt Nam quyết định chọn con đường đấu tranh vũ trang tại miền Nam Việt Nam. Chủ trương này lúc đầu không được ban lãnh đạo Trung Quốc tán thành. Bằng sức mạnh của dân tộc, chúng ta tự lực tiến hành. Sau khi thấy triển vọng của cuộc đấu tranh và thấy có thể dựa vào đó để “phất cao ngọn cờ chống chủ nghĩa đế quốc “… , ban lãnh đạo Trung Quốc mới từng bước từng bước tích cực ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa này. Sau mấy năm tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, trước phong trào đấu tranh cách mạng tại miền Nam Việt Nam ngày càng phát triển và thu được những thành tựu to lớn và ngày càng được dư luận rộng rãi trên thế giới kể cả một bộ phận nhân dân Mỹ đồng tình v.v., chính quyền Mỹ lúc đó thấy phải thương lượng với ta. Hai bên đã có những cuộc tiếp xúc. Lúc đầu (năm 1967), ban lãnh đạo Trung Quốc phản ứng khá mạnh (ngoài những thể hiện trong nội bộ, Chu Ân Lai công khai phê phán ý định đúng đắn này khi tiếp một số đoàn đại biểu miền Nam tới thăm Trung Quốc,..) Tuy nhiên trước thái độ kiên quyết, đúng mức của Đảng và Bác Hồ, phía Trung Quốc đành phải thay đổi thái độ, chuyển sang ủng hộ chủ trương đàm phán với Mỹ của ta khi họ thấy Việt Nam làm như vậy là đúng và họ cũng có thể có “thu hoạch” trong vấn đề này, Như vậy là hai chủ trương lớn của Đảng và chính phủ ta lúc đầu cũng đều không được ban lãnh đạo Trung Quốc tán đồng và bị gây khó dễ. Nhắc lại mấy việc lớn trên để thấy rõ một điều: dù quan điểm lập trường, đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại…, của hai bên Việt Nam và Trung Quốc có những lúc hoàn toàn khác biệt, trái ngược nhau trong một thời gian khá dài, nhưng nhìn chung phía Việt Nam vẫn tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ rất lớn về nhiều mặt của Trung Quốc (và nhiều nước bạn khác nhất là của Liên Xô) để thực hiện mục tiêu chiến lược cao cả của dân tộc. Những người ở lứa tuổi tôi (và trẻ hơn hai mưoi, hai nhăm tuổi) hiện nay đều không quên những viện trợ to lớn của nhân dân Trung Quốc anh em cho chúng ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Từ vũ khí đạn dược đến gạo ăn vải mặc, từ ô tô, tầu thủy, máy bay đến chiếc xe đạp, máy khâu, từ gói mì chính đến cái kim sợi chỉ…, không sao kể hết. Tôi còn nhớ, từ chiếc mũ cối và đôi dép cao su Việt Nam đưa mẫu sang, các kỹ sư và công nhân Trung Quốc đã chế tạo cho quân đội ta và nhân dân ta những chiếc mũ cối và đôi dép lốp nổi tiếng một thời (mũ cối có thể làm ghế ngồi nghỉ sau một trạm hành quân và dùng làm gầu múc nước tắm, còn dép lốp thì bền tới mức chông sắt đâm không thủng, đi mãi không đứt quai). Nhiều người Việt Nam thời đó từng được ăn nếm những phong lương khô rất ngon của Trung Quốc, nhưng ít ai biết rằng để đảm bảo sức khỏe cho các chiến sĩ ta, một số cán bộ kỹ thuật của nhà máy Ích Dân Thượng Hải đã trực tiếp thử nghiệm trong hơn hai mươi ngày liền chỉ ăn những phong lương khô đó trên đường hành quân mang nặng như các chiến sĩ ta. (Tôi may mắn được đến thăm nhà máy này ba lần và nếm thủ lương khô tại chỗ). Ít người Việt Nam được biết những con tầu Giải phóng tải trọng chỉ có 50 tấn nhưng dùng động cơ mạnh tới 800 mã lực(nghĩa là có tốc độ rất nhanh) để có thể từ một cảng miền Bắc chở vũ khí, lương thực... vào cập bến tại một nơi ở vùng giải phóng miền Nam rồi trở lại ngay miền Bắc trong đêm đã được các kỹ sư và công nhân một nhà máy đóng tầu Trung Quốc thiết kế và chế tạo xong trong một thời gian ngắn kỷ lục theo yêu cầu của chúng ta. Tôi cũng không thể nào quên những ngày nhiều công dân Trung Quốc sôi nổi gửi tiền ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc kinh và vẫn còn nhớ nhiều vở kịch lấy đề tài từ cuốn “Những lá thư miền Nam” được các nghệ sĩ Trung Quốc chuyển thể thành các vở diễn mang tên “Những bức thư tiền tuyến” công diễn tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Không bao giờ chúng ta quên sự giúp đỡ to lớn, nhiệt tình đó của nhân dân Trung Quốc. (Nói như vậy không phải là xem nhẹ sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và các nước anh em khác.Một ví dụ: tên lửa SAM và Mig-21 đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không). Độc lập mà không chống Một câu hỏi được đặt ra là: vì sao có những bất đồng về nhiều mặt lớn như vậy mà ban lãnh đạo Trung Quốc vẫn viện trợ cho chúng ta? Có thể đưa ra một số nguyên nhân, nhưng trong bài viết ngắn này tôi chỉ muốn nhấn mạnh một ý, đó là: "Đảng ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Ban lãnh đạo Trung Quốc tin chắc là trong bất kỳ tình huống nào Việt Nam cũng không bao giờ chống hoặc đi với ai để chống Trung Quốc, chống những lợi ích chính đáng của họ dù chủ trương lớn của hai bên có khi khác biệt.” Điều này đã được thể hiện rất rõ trong cuộc họp các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới nhân dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng mười (1957) và một số hội nghị quốc tế, khi đại biểu Trung Quốc bị công kích thì đại biểu Việt Nam đã khôn khéo kiên cường bảo vệ bạn. Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh Ngoài ra cần nhấn mạnh thêm, trong thời gian đó, chúng ta may mắn có được sự lãnh đạo, dìu dắt chỉ bảo của trí tuệ sáng ngời, bản lĩnh vững chắc và nghệ thuật tài tình Hồ Chí Minh. Có thể đưa ra rất nhiều ví dụ để chứng minh. Ở đây tôi xin phép nêu một vài. Tôi được một vị trong cuộc, nói cho biết, khi Trung Quốc phát động cái gọi là “cách mạng văn hóa”, trong Trung ương đảng ta đã có một số đồng chí tỏ ý đồng tình và một số đồng chí tỏ ý phản đối. Cả hai phía đều muốn đảng ta tỏ thái độ. Với sự hiểu biết sâu sắc về Trung Quốc, Bác Hồ đã có chủ kiến: đây là cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ, sẽ mang lại tai họa cho nhân dân Trung Quốc, chúng ta không thể ủng hộ, nhưng cũng không thể khuyên can vì dù có khuyên can họ cũng không nghe. Bác chỉ hỏi: "Ở đây có đồng chí nào hiểu Trung Quốc bằng Bác không?” Tất nhiên chẳng vị nào dám nói mình hiểu Trung Quốc hơn Bác. Thấy mọi người im lặng, Bác nói tiếp: “Hiện giờ Bác cũng chưa biết “cách mạng văn hóa” là cái gì? Đã chưa biết, chưa hiểu thì chưa nên bầy tỏ thái độ!” Câu nói ngắn gọn đó đã trở thành chủ trương của Đảng và nhân dân ta trong suốt thời gian Trung Quốc tiến hành công việc trên. Thế là chỉ bằng vào trí tuệ siêu phàm của Hồ Chí Minh, Đảng ta đã tránh sa vào “những rắc rối” và những hậu quả sau này của cuộc “nội chiến đẫm máu” đó, đã chứng tỏ rằng việc chúng ta không ủng hộ “cách mạng văn hóa” nhưng cũng không phản đối là vô cùng chính xác. Sau khi thuyết phục và gây sức ép yêu cầu Đảng ta từ bỏ Liên Xô đi theo Trung Quốc không được, Đặng Tiểu Bình rất bực bội. Buổi ông ta rời Hà Nội, Bác và mấy đồng chí đến tiễn tại nhà khách. Lúc Bác tới ông Đặng đang ngồi trên ghế, nhưng khi thấy Bác vào ông ta không đứng dậy theo phép lịch sự. Mấy đồng chí đi theo Bác không ngờ lại có chuyện đó, trong khi chưa biết xử trí ra sao thì thấy Bác nhanh nhẹn bước tới chỗ ông Đặng ngồi, một tay chìa ra bắt tay ông Đặng, một tay vỗ nhẹ mấy cái vào vai ông ta rồi từ từ kéo ông ta đứng đậy. Tất nhiên là ông Đặng phải đứng lên theo. Cần phải nói thêm kẻo một số bạn trẻ không rõ, đối với người Việt Nam (và Trung Quốc), chỉ có những bậc bề trên, hoặc nhiều tuổi hơn mới được quyền vỗ nhẹ vào vai người được coi như bậc dưới hoặc ít tuổi hơn. Hành động nhỏ này thể hiện rõ bản lĩnh, nghệ thuật ứng xử tuyệt vời của Hồ Chí Minh. Mặc dù ngay từ đầu chúng ta đã tỏ rõ thái độ là “không ủng hộ nhưng cũng không phê phán "cách mạng văn hóa” nhưng ban lãnh đạo Trung Quốc(chủ yếu là phái tạo phản) vẫn không ngừng yêu cầu chúng ta chí ít cũng phải có sự ủng hộ về dư luận. Để giải tỏa vấn đề, Bác Hồ đã có một cử chỉ tuyệt vời nữa. Ngày 26 tháng 12 là sinh nhật của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Đúng ngày 26/12/1967 trên trang đầu và ở vào vị trí trang trọng của Nhân dân nhật báo Trung Quốc đã đăng mấy dòng chữ viết tay bằng chữ Hán của Bác chiếm chỗ khoảng bằng một danh thiếp: “Kính chúc Mao Chủ tịch vạn thọ vô cương”. 26/12/1967. Hồ Chí Minh”. “Vạn thọ vô cương” là mấy từ mà các tiểu tướng Hồng vệ binh Trung Quốc hồi đó thường xuyên hô lớn tại bất kỳ cuộc họp nào, nhất là trong dịp được Chủ tịch Mao tiếp kiến, nay Hồ Chí Minh cũng dùng nó để chúc thọ "người cầm lái vĩ đại" thì còn có sự ủng hộ nào bằng. Sức ép hầu như không còn! ... Nhân dịp này tôi muốn nói thêm: người Việt Nam luôn luôn tôn trọng vai trò nước lớn của Trung Quốc và mong sống bình yên hòa thuận với người láng giềng khổng lồ này. Trong quá trình xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước, chúng tôi đã đang và sẽ không bao giờ gây cản trở cho các bạn hoặc đi với người khác để làm phiền các bạn. Chúng tôi chỉ có một yêu cầu, xin các bạn hãy để cho chúng tôi được yên, đừng ép buộc chúng tôi phải theo ý các bạn. Trong quan hệ hai nước hiện nay đang nổi lên vấn đề biển, đảo. Giải quyết vấn đề này rất khó nhưng không phải là không có biện pháp. Rất khó là nếu cả hai cứ khăng khăng ý mình, còn chìa khóa để giải quyết vấn đề là cả hai đều phải tỉnh táo kiềm chế và có sự nhân nhượng lẫn nhau đúng mức. Phương châm là “không thể để Biển Đông nổi sóng” . Dương Danh Dy Một ngày thu tháng chín năm 2009 Lưu ý: sau khi Bác Hồ mất về cơ bản ban lãnh đạo Đảng ta vẫn duy trì được quan hệ với Trung Quốc. Nhưng từ đầu những năm 70, những bất đồng giữa hai bên đã dần gay gắt lên. Dịp khác xin đề cập. Mời các bạn đón đọc phần 2: Quan hệ Việt - Trung trong chống Pháp
No comments:
Post a Comment