Luật ANM: Khái niệm “Điện toán đám mây”
Nhân chuyện tướng Việt vừa phát biểu trước QH yêu cầu “dịch chuyển điện toán đám mây” về VN, HM Blog xin cung cấp vài thông tin phổ thông để hiểu nôm na về Điện toán đám mây (ĐTĐM) hay Tính toán đám mây cũng là một.
HM Blog chỉ dừng ở đoạn các công ty “dịch chuyển điện toán đám mây” về VN. Hiểu nôm na, ý tướng Việt muốn bảo, mây (mưa) đâu thì mây (mưa), dữ liệu người dùng tại VN phải nằm trong tầm ngắm/tay của CA VN, kiểu như ban TG quản hơn 800 tờ báo “cho nói được nói, bắt im phải im.”
1. Định nghĩa: ĐTĐM (tiếng Anh: Cloud Computing) là một xu hướng xuất hiện từ hơn một thập kỷ qua nhằm tối ưu việc dùng máy chủ, lưu trữ dữ liệu, cơ sở dữ liệu, mạng, phần mềm v.v trên Internet được gọi ngắn là Cloud (“đám mây”, “mây”).
2. Cloud Providers: Các công ty cung cấp dịch vụ “Cloud” này được gọi là nhà cung cấp đám mây (Cloud Providers) và giá cước được tính như dân dùng điện hay nước tại nhà, dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít, thậm trí mua gói trả trước dùng thoải mái.
3. Máy chủ thật. Thí dụ, một tổ chức hay công ty có 100 VP đại diện/chi nhánh tại 100 quốc gia. Mỗi VP đại diện phải có ít nhất 2 máy chủ – server, 01 dùng cho email (email server), 01 để lưu trữ dữ liệu (file server), để nhân viên dùng hàng ngày. Các server này nối với nhau thông qua đường truyền riêng (leased line) hoặc kết nối Internet băng thông rộng (broadband Internet) về trung tâm tính toán ở tổng hành dinh (headquarter), thí dụ là ở California hay đâu đó. Để an toàn mỗi chi nhánh/VP phải mua thêm hai máy chủ dự phòng. Vận hành, bào trì cũng như sao lưu, bảo vệ dữ liệu cho 400 máy chủ trên toàn thế giới ngốn một lượng tài nguyên rất lớn về người và của. Công ty cần duy trì một đội quản trị hệ thống hùng hậu hàng ngày truy nhập vào 200-400 máy chủ để kiểm tra các vấn đề về phần cứng, phần mềm. Thay máy chủ mới, bảo hành, bảo trì, trả lương nhân viên vô cùng tốn kém. Đấy là chưa kể chi phí nhà cửa, điện nước cho các máy này.
4. Dung lượng lưu trữ cao, tốc độ xử lý nhanh, băng thông internet rộng giúp các công ty cung cấp máy chủ thay vì đưa máy đến từng chi nhánh/văn phòng, họ tạo một trung tâm phân phối dữ liệu và dịch vụ, tựa như tổng kho cho thuê. Người dùng (cá nhân/tổ chức/công ty…) thuê chỗ và trả tiền. Đó là máy chủ ảo hay còn gọi là Cloud Server. Gọi là ảo nhưng thật. Ảo là vì người dùng chả thấy và cũng chả biêt máy ở đâu, thật là vì có hệ thống máy thật.
5. Máy chủ ảo. Khi máy chủ thật tốn kém và không hiệu quả, VP trên chuyển sang Cloud. Email dùng Outlook của Microsoft – là Cloud. File server cũng thuê Cloud và trả phí hàng tháng như điện, nước. Đội quản trị thay vì phải xem phần cứng hay phần mềm hỏng hóc ra sao giờ chỉ lo đảm bảo dữ liệu được an toàn.
6. Toàn cầu. Máy chủ của các công ty dịch vụ được đặt tại nhiều địa điểm trên khắp thế giới gọi là máy chủ ảo – virtual server, và thường những địa điểm này không được biết rộng rãi. Hợp đồng được ký kết là tuyệt đối không lộ bí mật thông tin của khách hàng trên máy chủ. Bảo vệ thông tin là yếu tố sống còn của một công ty. Làm lộ thông tin khách hàng dẫn đến uy tin công ty bị ảnh hưởng chưa kể nhiều khả năng bị kiện và bồi thường có thể dẫn đến phá sản, thậm chí tù tội. Mới có chuyện FBI không thể ra lệnh cho iPhone mở khóa chiếc điện thoại của một tội phạm.
7. Tiện ích có nhiều. Ngoài chuyện máy chủ ảo/thật, thì phần mềm và dịch vụ cũng được lưu trên Cloud thay vì nằm trên từng máy PC hay thiết bị cầm tay, họ chỉ kết nối và sử dụng khi cần. Google rất mạnh về Cloud nhưng chưa chắc họ đã sở hữu các máy chủ thật mà có thể một số dịch vụ lại thuê của bên khác, thông tin các tài khoản không biết nằm server vật lý nào và ở đâu trên thế giới vì là Cloud…đám mây.
8. Tác dụng của ĐTĐM khỏi cần bàn cãi vì thế giới kết nối bằng internet băng thông rộng, sắp tới bằng vệ tinh phủ toàn cầu thì lúc đó có đám mây thật.
9. Đặt server tại VN không có tính khả thi cao vì server vật lý cần rất nhiều và các công ty cung cấp dịch vụ Cloud chỉ đặt các server thật tại những quốc gia có an ninh cao, tin cậy, tôn trọng chủ quyền của công ty và nhất là bảo vệ bí mật riêng tư của khách hàng. Thiệt thòi ở đây lại chính là người dùng.
10. AN VN chỉ quan tâm đến Google và FB vì theo họ, hai anh đầu trò này làm rối loạn xã hội. Chỉ cần nói linh tinh, alo cho Google và xóa, thế là OK. Nhưng còn Twitter, Viber, SnapChat… đang ngoi lên thì sao.
11. Trung Quốc có nền tảng Cloud riêng (mà trên thực tế là gần như một Internet riêng), cắt đứt internet liên hệ với thế giới. Họ có thể quản lý hơi thở của 1,4 tỷ dân nhưng mở rộng ra biên giới thì chắc chắn là khó trừ phi quốc gia nào muốn “hội nhập” với TQ.
Các chuyên gia IT góp ý thêm, Xôi Thịt (Nguyễn Đức Dũng ) phần trên và Danh Nguyên phần dưới. Cảm ơn hai bạn.
a) Máy chủ của các công ty lớn như Amazon, Google, Microsoft … tập trung ở các data centers (trung tâm dữ liệu). Mỗi data centers có thể có hàng trăm ngàn máy được tổ chức, sắp xếp một cách đặc biệt sao cho hiệu quả nhất, tốn ít năng lượng nhất, tính toán nhanh nhất.
b) Các data centers được đặt nhiều nơi trên thế giới, thường ở các quốc gia dân chủ, ổn định, luật lệ nghiêm minh, ít thiên tai, có hạ tầng cơ sở kỹ thuật tân tiến. Ví dụ, ở châu Á Google có data centers ở Đài Loan, Singapore, Hongkong )không biết có dời đi chưa).
c) Data ở trên Cloud không tập trung theo vị trí địa lý của người chủ. Thí dụ, ông A và bà B cùng ở Việt nam, nhưng Facebook của ông A có thể nằm ở Đài Loan, và FB của bà B có thể nằm ở Singapore. Rắc rối hơn nữa, có khi FB posts (VN mình hay gọi là status) của anh C nằm ở Đài Loan, nhưng các comments lại nằm ở Singapore. Vì thế “Dịch chuyển đám mây” về Ba Đình khá…mệt mỏi.
d) Vì lý do an toàn, các công ty thường có nhiều sao chép (copies) của dữ liệu, để nếu như một data center bị tê liệt, thì người sử dụng cũng không bị ảnh hưởng, và các copies thường giữ ở các data centers cách xa nhau để tránh bị ảnh hưởng chùm. Thí dụ, nếu có tsunami ở Thái Bình Dương, thì các data centers ở Đài Loan, Singapore có thể bị ảnh hưởng. Do đó các data centers này phải có copies ở Châu Âu chẳng hạn
Vài lời với các cụ, nhờ các bạn IT chính hiệu thêm thông tin và tri thức để bà con ta hiểu luật ANM sắp có hiệu lực. Nếu ai vào QH mà bấm nút thì cũng nên hiểu chút chút.
HM. 13-6-2018
No comments:
Post a Comment