Nền giáo dục xhcn bắt đầu từ 1954 ớ miền Bắc với phong trào bổ túc một năm học 3,4 lớp để những người không biết chữ chỉ trong 2 năm sẽ có trình độ lớp 7(cấp 2), rồi cho học sư phạm cấp tốc 7+1; 7+2; 7+3 ( xin nói rõ +1;+2;+3 là 1,2,3 tháng,sau đó mới chuyển từ tháng lên năm,tức là học 1,2,3 năm - từ một người có trình độ bổ túc cấp2 trở thành giáo viên cấp 1; cấp 2; cấp 3 thì đa phần giáo viên trình độ rất hạn chế ( cơm chấm cơm).Năm tháng trôi qua,những thầy, trò của thời bổ túc ban đầu đó trở thành giáo sư ,tiến sĩ cũng nhờ học bổ túc và tại chức ,rồi lãnh đạo ngành giáo dục ( cũng như lãnh đạo nhiều ngành khác...) thì chúng ta hình dung được phần nào kết quả cử nền giáo dục đó...!
FB Bon Pham
Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc . . . (Lời Mở Đầu Của Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ)
Sunday, February 4, 2018
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đâu rồi?
Tiểu Nhi 4.2.18
Bài “GIÁO DỤC VIỆT NAM: NỖI ĐAU NHIỀU KIẾP CHƯA TAN” viết chưa ráo mực, thì được tin ông Mai Sỹ Tuấn, Phó giáo sư – Tiến sĩ, từng là Trưởng khoa Sinh Học – Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ biên sách giáo khoa mới, gộp ba môn Lý-Hóa-Sinh vào một tên gọi “Khoa học tự nhiên” và khẳng định rằng, “cần phải hiểu đây là một môn học, chứ không phải cộng cơ học của 3 môn”, thì đổ bệnh phát ốm (giaoduc.net.vn, 01/02/2018: Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn có dạy được Vật lý, hóa học không? Nếu không, đừng ép).
Phó thủ tướng CP Vũ Đức Đam. Ảnh: internet |
I. THUA XA THỜI GS NGUYỄN VĂN HUYÊN VÀ GS TẠ QUANG BỬU
Vào những năm 50, 60 thế kỷ 20, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã cho dạy môn Khoa học thường thức ở cấp I (lớp 1- 4). Đến cấp 2 ( lớp 5-7), ông đã cho tách các môn chuyên ngành. Dạy các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, để học sinh có cơ hội đi dần vào chuyên sâu. Toán thì tách Số học, Hình học, Đại số. Đó là bước đi rất khoa học.
Vào những năm chiến tranh khốc liệt, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã cho thành lập hệ thống trường chuyên toán tại các trường ĐH Tổng Hợp, ĐH Sư Phạm Hà Nội, ĐH Sư Phạm Vinh (1966-1967). Sau đó, hệ thống trường chuyên toán được mở ở các tỉnh. Nhờ hệ thống trường chuyên toán mà Việt Nam mới có hàng ngàn học sinh giỏi toán, mới có giải thưởng Fields của Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Tầm nhìn của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên và Giáo sư Tạ Quang Bửu là không có so sánh.
Nay các ông Nguyễn Minh Thuyết, Mai Sỹ Tuấn lại nổi danh, làm ngược tiền nhân. Nhập các môn mà GS Nguyễn Văn Huyên đã tách, gộp lại thành Khoa học thường thức để dạy ở cấp II. Ông Mai Sỹ Tuấn còn khẳng định, “cần phải hiểu Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học là một môn!”
Sau năm 1954, do đất nước còn khó khăn, nền giáo dục mới phát triển, nên từ bình dân học vụ – người biết chữ dạy người chưa biết chữ, rồi đến thời kỳ, hết lớp 7 thì đi dạy cấp I. Sau đó đến thời kỳ hết lớp 10 đi học thêm 2 năm để dạy cấp 1 gọi là 10+2. Còn 10+3 thì dạy cấp 2. Cũng vì thiếu giáo viên nên chương trình 10+3 lúc đó mới đào tạo giáo viên Văn – Sử, Toán – Lý, Sinh – Hóa, Sinh – Địa. Đó không phải là nguyên cớ cho một số người biện hộ rằng trước đây chúng ta đã đào tạo gộp các môn, để mà quay lại thời khó khăn ban đầu.
Nếu ông Mai Sỹ Tuấn đã có bằng tiến sĩ về Sinh học thì ông phải biết ngành Sinh học khi làm tiến sĩ thì được chia ra rất nhiều ngành chuyên sâu. Nhưng các chuyên ngành này đều có gốc rễ chung của khoa học sinh học. Còn Lý – Hoá – Sinh thì không bao giờ có thể là một môn được.
Trong thần thoại Hy Lạp có những con quái thú. Griffin là đầu đại bàng thân sư tử. Sphinx là quái vật đầu người mình sư tử. Centaurus là quái vật đầu ngườ thân ngựa. Minotaur là quái vật nửa người nửa bò.Typhon là quái vật đầu người mình rắn. Harpy là quái vật đầu người mình chim… Các quái vật này là kết hợp hai loài, chứ chưa đến đẳng cấp tổ hợp 3 như Lý- Hoá – Sinh.
Thư giãn một chút để quay lại với chuyên ngành. Dẫu rằng trong một lĩnh vực có nhiều ngành chuyên sâu, nhưng ở Liên xô trước đây, khi bảo vệ luận án tiến sĩ, lĩnh vưc Toán và Lý có chung một tên gọi là Tiến sĩ Toán – Lý. Nó phản ánh một thực tế, rằng người có học vị tiến sĩ rất giỏi về chuyên sâu nhưng cũng rất giỏi trong lĩnh vực khoa học rộng lớn hơn nhiều. Một ông tiến sĩ Toán có thể ngồi ở nhiều hội đồng chuyên ngành, chứ không chỉ trong hội đồng chuyên sâu mà người đó bảo vệ luận án. Vì thế mới có danh từ Bác học.
Ở Việt Nam hiện nay, quan sát thấy khuynh hướng ngược. Một hội đồng khoa học bị chẻ nhỏ quá mức. Chẳng hạn chuyên ngành kế toán thì nhất thiết phải có người bảo vệ ngành kế toán, mà những người giỏi đích thực, có học vị khoa học ở lĩnh vực rộng lớn hơn là Khoa học Kinh tế thì lại không được lựa chọn. Tương tự như vậy là ở các chuyên ngành khác.
Cho nên, tiến sĩ thời này ở nước ta, có khuynh hướng là thợ, mà không phải là thầy. Nhìn các đề tài tiến sĩ trong thời gian vừa qua, trừ các lĩnh vực tự nhiên đòi hỏi công bố trên các tạp chí quốc tế (ISS/Scopus), thì thấy đau khổ cho học vị tiến sĩ nước nhà. Rất vụn vặt.
Tiến sĩ là học vị khoa học. Muốn có học vị tiến sĩ thì trước hết phải là một người học rộng, biết nhiều; phải là một nhà bác học.
Cũng như vậy là học hàm giáo sư.
Cố Giáo sư Tạ Quang Bửu trong thời gian du học ở châu Âu đã lao vào học nhiều ngành mà không đặt mục đích lấy bằng tiến sĩ. Nên kiến thức của Cụ Tạ Quang Bửu mênh mông sâu rộng. Đạo đức và tầm nhìn thì ở mức cao thăm thẳm tầng xanh.
Khác quá xa với các giáo sư tiến sĩ bộ trưởng bây giờ. Họ đeo trên mình lủng củng một xâu chuỗi học hàm, học vị, bằng cấp, chức danh, giải thưởng, huân chương mà kiến thức không có là bao. Thật là, hậu sinh mà không khả úy!
II. PHẢI THAY ĐỔI NHẬN THỨC VỀ GIÁO DỤC TRẺ NHỎ: DÀNH ĐIỀU TỐT NHẤT CHO HỌC SINH TIỂU HỌC VÀ THCS
Như người mẹ nuôi con, những thứ ngon nhất, bổ nhất, tốt nhất đều dành cho trẻ nhỏ. Giáo dục cũng vậy.
Trẻ con cảm thụ kiến thức rất nhanh và nhớ rất lâu. Những gì được học từ bé thường hằn sâu suốt cả cuộc đời.
Cho nên, những lời mẹ ru con – qua câu dân ca, ca dao và những bài thơ hay, đã truyền cho người con khả năng cảm thụ văn học và âm nhạc, còn những câu tục ngữ, điển tích thì trở thành giáo lý dạy con nên người.
Cuốn Tam Tự Kinh tuy bé nhỏ mà chứa đựng kiến thức giáo lý ngàn cân. Bởi đó là đúc kết luân lý nhiều đời.
Giáo trình của chúng ta hiện nay làm điều ngược lại. Ở bậc Tiểu học và THCS, học sinh ít được học nhiều những bài thơ, bài văn hay, không được dạy những điển tích kinh điển nhất.
Về các khoa học xã hội, bị chi phối quá nhiều bởi thời cuộc của chế độ hiện tại. Cho nên Văn chưa hay, Sử thì nhạt, Luân lý không bền vững.
Trên tất cả là các em cần được học với các thầy giỏi. Cùng một bài thơ mà được học với thầy giỏi thì sự cảm thụ khác xa với thầy chưa thực giỏi. Các thầy giỏi sẽ tự có giáo trình riêng của mình, phù hợp với từng đối tượng. Hãy lấy thể thao và âm nhạc làm thí dụ. Những thầy giỏi luôn tìm học trò giỏi từ bé. Nhờ đó mới có thiên tài.
Nay áp đặt quan điểm rằng, bậc tiểu học và THCS không cần thầy giáo hiểu biết biết sâu rộng, chỉ cần giới thiệu đại khái, không học điều tinh túy căn bản, tức là sẽ tước đi cơ hội thành nhân tài và siêu nhân của bao thế hệ.
Một quốc gia muốn hùng cường phải có nhiều siêu nhân.
III. SỰ KHÁC BIỆT CỦA THẦY GIỎI
Chắc chắn sẽ có rất nhiều giáo viên muốn được nghe ông Nguyễn Minh Thuyết và ông Mai Sỹ Tuấn giảng Lý – Hóa – Sinh để mà học tập.
Nhưng dạy theo giáo trình được chuẩn bị trước không phải là điều khó. Trả lời học trò và giải các bài tập mới là điều khó. Điều này thì ông Thuyết và ông Tuấn sẽ bị điểm liệt.
Người học rộng, càng học càng thấy mình biết ít. Càng học càng thấy thế giớ bí hiểm và mình dốt.
Vì thế, các thầy giỏi luôn thấu hiểu học trò, sợ học trò phải tốn công tìm hiểu như mình đã từng trải qua, nên tìm cách biến điều phức tạp thành điều đơn giản, với thí dụ rất cụ thể để cho học trò dễ hiểu, mà không sợ bị xem là tầm thường.
Ngược lại, có người biến điều đơn giản thành điều rối rắm, để tự huyễn hoặc là cao siêu.
Người thầy giỏi luôn sợ không đủ kiến thức để truyền dạy cho học trò. Khi thấy học trò xuất sắc, mà mình đã hết kiến thức hoặc không đủ tầm, thì giới thiệu cho người giỏi hơn mình. May mắn cho những ai được học với thầy giỏi. Tầm sư học đạo đã trở thành con đường kinh điển cho những ai muốn tiến xa.
IV. NGUYÊN TẮC KẾ THỪA
Khoa học luôn dựa trên nguyên tắc kế thừa. Muốn cải cách chương trình giáo dục thì phải dựa vào nguyên tắc kế thừa.
Nay chương trình của ông Thuyết và ông Tuấn không những không kế thừa, mà còn đi ngược lại với chương trình của các bậc tiền nhân, ngược với cấu trúc tự nhiên và tiến bộ nhân loại. Loại bỏ nguyên tắc kế thừa là vi phạm tiên đề.
Một bộ giáo trình không có kế thừa, chắc chắn sẽ vô số sai sót. Sẽ tốn công sức biên soạn. Sẽ mất nhiều tiền cho sách giáo khoa.
Nhớ lại, cũng những năm 60 của thế kỷ 20, anh em trong một nhà học chung một bộ giáo trình từ lớp 1 đến lớp 10 mà không phải mua sách mới. Nay thì năm nào cũng in sách giáo khoa mới với những bổ sung liên tục. Bổ sung toàn vặt vạnh. Nhưng học trò thì buộc phải bỏ tiền mua sách mới. Làm điêu đứng các gia đình nghèo. Làm lãng phí bao tiền bạc của cả xã hội.
Kế thừa là nguyên tắc đá tảng của tiến bộ nhân loại. Người sau tiếp theo người trước mà đặt lên một viên gạch mới. Tự cho mình tài năng, xóa bỏ công sức tiền nhân, làm lại từ đầu, là sự mê muội.
V. SAO CỨ TỰ LÀM NGHÈO MÌNH NHƯ THẾ NÀY?
Khi được biết Bộ GD&ĐT có dự án vay 100 triệu USD để đào tạo lại giáo viên dạy Lý – Hóa – Sinh và Sử – Địa, đào tạo cán bộ phục vụ chương trình cải cách giáo dục, thì thất kinh.
Không biết thời Cụ Nguyễn Văn Huyên biên soạn chương trình giáo dục phổ thông thì mất bao nhiêu tiền? Chắc chắn là không đến 1% số tiền nêu trên. Sẽ có người tin rằng, lấy bộ giáo trình thời Cụ Nguyễn Văn Huyên mà điều chỉnh thì còn tốt hơn bộ giáo trình mà ông Nguyễn Văn Thuyết đang làm tổng chủ biên. Vừa tốt về nội dung vừa đỡ lãng phí không biết bao nhiêu tiền bạc cho nhân dân.
Cho nên cải cách giáo dục hiện nay đang ngả về hướng vẽ ra dự án để tiêu tiền. Đau xót thay, đây là tiền đi vay. Rồi chúng ta phải đóng thêm thuế, và con cháu chúng ta phải nai lưng trả nợ.
Nếu không phải độc quyền, mà cho phép có các chương trình khác, thì giáo viên không phải đào tạo lại, chẳng những không phải vay 100 triệu USD này, mà quan trọng hơn là con cháu chúng ta được học một chương trình tốt hơn. Đó là điều chắc chắn.
VI. TẠI SAO PHẪN NỘ?
Chúng ta tranh luận, thảo luận, nhưng không chỉ trích, không chưởi bới, không mạt sát.
Vâng, đó văn hóa tối thiểu của nhà giáo, của người làm khoa học. Nhưng văn hóa đó chỉ dành cho học thuật. Văn hóa đó không dành cho sự độc quyền áp đặt thực thi chương trình giáo dục quốc gia, ảnh hưởng đến bước tiến của một dân tộc.
Hấp tấp vội vã; làm ngược với tiền nhân; hoang phí tiền bạc của nhân dân; kéo thụt lùi nền giáo dục nước nhà; làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của thế hệ trẻ; làm chậm bước tiến của dân tộc, thì không chỉ phẫn nộ mà phải căm thù.
Đối với những người ngồi trên trọng trách, nhưng không cẩn trọng để đến nỗi mang tai họa về cho đất nước, thì chưởi bới hay mạt sát không có ý nghĩa, mà phải áp dụng hình phạt, nếu hành động của họ làm tổn hại to lớn đến quốc gia, dân tộc. Để ngăn chặn một hành động tai họa, thì không chỉ là thảo luận đề đạt, mà cần thiết còn phải ngăn chặn, phản kháng, nổi dậy.
Giáo dục quốc gia không phải là tài sản riêng của ông bộ trưởng bộ GD&ĐT hay của một nhóm người. Cất tiếng nói và hành động là nghĩa vụ của mọi công dân.
VII. PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM CẦN LÊN TIẾNG
Khi mà ông bộ trưởng Bộ GD&ĐT không ngăn cản được mà thậm chí còn thúc đẩy một chương trình giáo dục tốn kém nguy hại, thì đó là lúc ông Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực giáo dục cần phải hành động. Bởi vì:
1. Cải cách giáo dục kiểu vừa viết giáo trình vừa triển khai là có tội.
2. Cải cách giáo dục chỉ độc quyền có một chương trình của một nhóm người là không cạnh tranh nên không thể có chương trình tốt.
3. Cải cách giáo dục bắt những người lớn tuổi, đã dạy lâu năm một chuyên môn phải đi học chuyên môn khác để dạy, là phản giáo dục.
4. Cải cách giáo dục với quan điểm rằng học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở không cần giáo viên giỏi, chỉ cần dạy đại khái, là thảm họa.
5. Cải cách giáo dục phải đào tạo lại giáo viên, viết lại chương trình với chi phí hàng trăm triệu đô la là hoang phí tiền bạc của nhân dân.
6. Cải cách giáo dục bác bỏ đúc kết của tiền nhân và tiến bộ nhân loại là phản khoa học.
VIII. HÃY DỰA VÀO DÂN
Lúc nào khó hãy hỏi dân.
Vì thế, nếu còn băn khoăn hay do cơ chế không cho phép hành động, thì ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hãy dựa vào đội ngũ giáo viên.
Ông hãy cho hỏi ý kiến giáo viên phổ thông trên toàn quốc về chương trình cải cách này. Cụ thể hơn, ông hãy hỏi:
1. Đồng ý hay không đồng ý môn học gộp Lý – Hóa – Sinh cho THCS.
2. Đồng ý hay không đồng ý chương trình vay 100 triệu đô la để đào tạo lại giáo viên dạy chương trình mới?
Câu trả lời chỉ có thể là CÓ hoặc KHÔNG, chứ không có lựa chọn khác. Lúc đó ông sẽ thấy trí tuệ của quần chúng giáo viên.
Đừng nói rằng họ không đủ trình độ để trả lời. Cũng đừng quy kết rằng họ sợ trách nhiệm phải đi học mà phản đối. Họ là đội ngũ thầy cô giáo, có kiến thức và có trách nhiệm với học trò của mình.
Ông cũng phá thế độc quyền chương trình cải cách giáo dục bằng câu hỏi cho tất cả giáo viên đại học rằng:
1. Đồng ý hay không đồng ý chỉ độc quyền một bộ chương trình cải cách giáo dục do ông Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên?
2. Đồng ý hay không đồng ý tạm dừng chương trình cải cách giáo dục phổ thông để chờ những giải pháp khoa học hơn?
Câu trả lời cũng chi là CÓ hoặc KHÔNG, mà không có sự lựa chọn nào khác. Lúc đấy ông Phó Thủ tướng sẽ có cơ sở để mà nói chuyện với bộ GD&ĐT, với Chính phủ và với Quốc Hội.
Ông có thể thay đổi cách thu nhận ý kiến cũng như quyết định mà không cần viện đến những điều trên. Đây là thời điểm mà ông Phó Thủ tướng phụ trách giáo dục cần thể hiện chính kiến dứt khoát của mình vì nền giáo dục nước nhà. Đó là trách nhiệm của ông trước nhân dân. Sự dĩ hòa vi quý – không thể có trong trường hợp loại trừ (alternative), không bao giờ là sự lựa chọn của bậc hào kiệt.
Nguyễn Ngọc Chu
(FB Nguyễn Ngọc Chu)
Subscribe to:
Posts (Atom)