Tuesday, February 13, 2018

Bút ký "The Vietcong Massacre at Hue" của nữ bác sĩ Elje Vannema, người gốc Hòa Lan, có mặt tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968, một nguồn chứng cớ quan trọng vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế. Bài viết được Vintage Press, New York công bố năm 1976, sau đó được báo chí Việt ngữ tại Mỹ trích dịch đăng lại dưới tựa đề : Thảm sát Huế Tết Mậu Thân.
Xin phép tác giả và dịch giả được đăng lại, vì sự cần thiết “cung cấp” bằng chứng cho giới “trí thức Việt Nam”, những người tin vàosự "vô tội" Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hy vọng những người này sẽ đọc tài liệu này, để thấy rằng thảm sát Mậu Thân 1968 là chuyện “có thật”. Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân là hai “đồ tể xứ Huế” là chuyện có thật. Thảm sát Mậu Thân 1968 đã diễn ra tại Huế ra sao, ai chịu trách nhiệm?
50 năm sau lịch sử bị bóp méo, chôn vùi bởi tuyên giáo CS. Họ rùm beng ăn mừng chiến thắng Mậu Thân. Nhưng sự thật vẫn còn đó. Những trang bút ký này của bác sĩ Elje Vannema là sự thật, cần thiết cho những người có thiện chí muốn tìm "sự thật".
Sớm tinh sương đã thấy quân Mặt Trận (Giải Phóng Miền Nam) hiện diện trong thành phố. Họ là những người lo mặt chính trị trong cuộc chiếm cứ. Ngày hôm trước, họ vào sổ gần hết mọi người, ghi tên, tuổi, phái tính. Họ quan tâm đặc biệt đối với phái nam, chia những người này ra thành nhiều nhóm: công chức, những người có liên hệ với quân đội cộng hòa, và những kẻ khác. Nhiều trường hợp họ ghi chú đầy đủ cả gia đình, cả tên con cái nữa. Mỗi nhóm họ chỉ định một người đại diện, mang trách nhiệm mọi mặt về tất cả thành viên trong nhóm. Nếu có người thoát thì người đại diện phải lãnh đủ. Dân chúng được lệnh không tụ họp đông người, trừ khi được kêu đi dự mít tinh, không được nghe đài, không được phao tin đồn đãi...
Ngày hôm sau, du kích và nằm vùng địa phương tỏa ra đi tìm những người có tên trong danh sách viết tay nguệch ngoạc. Họ được đưa về Tiểu chủng viện, nơi dựng tòa án nhân dân. Một anh cựu sinh viên chủ tọa phiên tòa với sự hiện diện của một người Bắc Việt và hai sinh viên khác. Hai sinh viên này chúng tôi biết...
Các phiên tòa nhân dân mấy ngày trước đã chấm dứt. Dân chúng hiện diện khá đông tại các phiên tòa ở Tiểu chủng viện, ở Gia Hội bên kia cầu và ở trong thành. Tòa án ở Tiểu chủng viện do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì. Anh này tốt nghiệp đại học Huế và là cựu lãnh tụ sinh viên trong Ủy Ban Phật Giáo chống chính quyền trước đây. Cầm đầu ở Gia Hội là Nguyễn Đắc Xuân, trước kia là một liên lạc viên cộng sản nay đột nhiên lại xuất hiện. Tòa trong thành do hai sinh viên Nguyễn Đọc và Nguyễn Thị Đoan điều khiển. Các phiên tòa vang lên những lời đe dọa với khẩu hiệu tuyên truyền, kết tội, qui chụp. Hầu hết những người bị lôi ra tòa chẳng biết lý do mình bị bắt. Nhưng tất cả đều bị kết tội, một số bị tử hình tức khắc.
Sau hai ngày phiên tòa kết thúc, nhường chỗ cho những công tác khủng bố dân chúng khác. Một người trộm mở nghe đài (radio) bị bắn giữa thanh thiên bạch nhật để làm gương. Một anh sinh viên không tới dự lớp học tập cũng bị bắn công khai. Nguyễn Đọc bắn nhiều người trong đó có người bạn thân đồng lớp là Mu Ty, chỉ vì bạn không chịu hợp tác với y. Bước vào ngày thứ hai bắt đầu kiểm soát lương thực, thực phẩm.
Ngày thứ bốn, vì không tuân hành lệnh cách mạng, một gia đình bị xử. Người chủ gia đình bị bắn tức khắc. Dưới áp lực khủng bố gia tăng nhiều người bỏ trốn, nhưng ít kẻ thoát. Vùng Gia Hội có nhiều người thoát hơn nhờ ban đêm chèo bè qua sông sang làng Đập Đá. Thường bị bắn theo nhưng cố chèo.
Những người nằm vùng xuất đầu lộ diện, ra tay truy lùng nạn nhân. Bộ đội Bắc Việt và quân chính quy Mặt Trận lo chuyện quân sự và chiến lược. Nằm vùng địa phương lo việc chính trị, hành chính, bình định, tuyên truyền, và tiêu diệt kẻ thù. Đám này bắt và giết người bất kể, nhiều khi chỉ vì hiềm thù cá nhân. Cán bộ miền Bắc có mặt ở tòa án nhân dân xem ra ít nắm vững chuyện chính trị và đóng vai trò ít quan trọng trong các bản án. Địa phương quyết định mọi chuyện. Trước khi lên danh sách, thường đám nằm vùng đã quyết định bắt ai rồi. Chỉ còn việc ra lệnh thanh toán những ai họ nhắm nữa mà thôi. Có lẽ họ lý luận rằng, thà giết lầm hơn bỏ sót, vì bỏ sót thì sau này mình sẽ bị nhận diện. Một cách hệ thống, công chức, quân nhân, sinh viên có tinh thần quốc gia, có khả năng lãnh đạo và có thể gây trở ngại cho cách mạng, chính trị gia đối lập, tất thảy đều được đoái hoài. Danh sách bất tận.
Dân chúng tập trung ở nhà thờ chính tòa được lệnh vào bên trong, không ai được đứng bên ngoài. Phụ nữ và trẻ con được lệnh ngồi xuống. Đàn ông và thiếu niên từ 15 tuổi trở lên đứng. Ở bệnh viện, trò tương tự cũng đã diễn ra. Dân quanh vùng, đặc biệt là vùng quanh căn cứ Mỹ, được lệnh tập trung vào bệnh viện vì cộng sản sợ giao tranh có thể xảy ra ở đó. Dân lúc này còn sợ súng máy và hỏa tiễn trực thăng hơn quân chiếm đóng nên ngoan ngoãn làm theo lệnh. Sau ba ngày, đàn bà con nít được lệnh ngồi, đàn ông đứng dậy để hai tên nằm vùng nhận diện, trước mặt hai cán bộ miền Bắc và hai bộ đội Mặt Trận. Hai người nằm vùng này mới được xổ tù khi Việt cộng chiếm thành phố. Cả hai đều là thành viên kỳ cựu của Mặt Trận. Một số người, trẻ có, già có, được cấp thẻ và dẫn về nhà thờ chính tòa.
Bên trong nhà thờ đàn ông và thiếu niên được lệnh sắp thành hàng rồi bước ra ngoài với cán bộ hộ tống. Từ nhà thờ họ băng qua các đường Phủ Cam lên Chùa Từ Đàm. Bị giữ ở đấy một ngày rồi lại tiếp tục đi về phía Nam, hướng Nam Giao. Đàn bà trẻ con nhao lên nhưng được trấn an rằng cha, chồng, con họ phải ra phục dịch bên ngoài thành. Một số bà đi theo xa xa, nhưng rồi bị chặn lại. Trong số người ra đi có anh lính trẻ cộng hòa và Lương (nhân vật kể lại câu chuyện này). Ngày kế tiếp, cuộc hành trình kéo dài suốt chiều tới tối, thoạt tiên rời Từ Đàm đi về hướng Nam rồi bẻ hướng Đông Nam. Sáu cây số đường đi mà Lương nghĩ là một cuộc trường chinh. Không ai nói với ai. Chỉ một lần yên lặng bị cắt đứt bởi một câu hỏi của ai đó "Ta đi mô đây". Có tiếng phụ họa "Lên núi hay tới chỗ chết?".
Bộ đội Mặt Trận nói là họ được đưa đi học tập. Không ai biết mình đi đâu nhưng tự thâm tâm nhiều người tin rằng có lẽ đời mình sắp kết thúc. Ông già đi bên cạnh Lương bổng ngã quỵ. Cho tới lúc đó anh không biết có ông già đi bên mình. "Bắt gió cho ông ta " tiếng ai đó vang lên... Lương ôm lấy ông cho tới khi người canh gác tới.
Mắt ông già hé mở trong chiều xẩm tối. Tiếng nói lạc giọng thều thào. "Xin để tui đi, để tui ở lại đây", ông van xin, bàn tay xương xẩu níu lấy cánh tay người gác. "Tui không đi xa hơn được nữa".
"Đứng dậy ".
Ông già gượng dậy, cố thẳng người thêm được vài bước rồi lại ngã. Người gác đoàn lúc này hết kiên nhẫn, đạp ông ra lề đường rồi bỏ đi. Vài phút sau, một phát súng xé không khí cùng với một tiếng kêu yếu ớt vang lên. Làm thế để chắc ăn, không ai chứng kiến. Xác ông được dập vào một hố gần đó, hai tù nhân được lệnh lấp đất. Một tháng sau xác ông được đồng bào khám phá.
Vô vọng, đoàn người bước đi càng lúc càng chậm, câm lặng uất nén. Người gác càng hối thúc. Rồi có tiếng hô "Dừng lại ". Lương thấy đám người phía trước được lệnh bỏ túi xách xuống và ngồi xuống. Họ đã tới đích. Đám canh gác phía sau miệng hét thúc kẻ này đi nhanh, chân đá vào sườn kẻ khác... Sau này, Lương nhớ lại mình đã đi qua thôn Tu Tay. Theo anh, chừng 18 người đã bị kêu lên phía trước và bị quân Mặt Trận tố có tội ác với nhân dân. Các nạn nhân bị lôi đi ngay. Chả ai biết gì về số phận họ vì chẳng bao giờ gặp lại họ nữa. Những người khác được lệnh đi về phía lăng Đồng Khánh.
Sau một giờ đi họ lại được lệnh dừng, chia thành hai nhóm nhỏ và bắt đầu được lệnh đào hầm rãnh. Họ đào mồ cho lớp người tới sau, chứ chính họ thì chỉ vài mạng phải nằm ở đây mà thôi. Như một ác mộng kinh hoàng thăm viếng địa cầu, nhưng ác mộng không do quỷ ma nào cả mà do chính con người tạo ra.
Thoạt tiên, Lương nghĩ chắc mình sẽ không qua khỏi. Dù vậy, anh và người lính trẻ vẫn cố tìm cách thoát thân, trong một hoàn cảnh có thể nói là tuyệt vọng. Hai người thất thần nhìn nhau, mắt mở lớn. Chung quanh Lương, đám người đói, lạnh, có kẻ đau, không ai dám quay về nhìn thành phố thân yêu đổ nát đang chìm trong bóng tối sau lưng họ. Họ đào đã hai, ba tiếng, ai nấy im lặng gặm nhấm suy nghĩ của mình. Hố đào là để trú ẩn và làm mương dẫn nước, người ta nói thế. Một tiếng nổ kèm với tiếng la vang lên. Thần chết vây bủa không gian. Tại sao mình ở đây? Đa số họ là công giáo, chả ai quan tâm tới chính trị, một số do hoàn cảnh lịch sử phải bước vào lính như bao nhiêu thanh niên Việt Nam và trên khắp thế giới đến tuổi khác.
Sau khi đào xong một hố rãnh, đám đông được lệnh đi tới một đụn cát để nghỉ đêm. Vài người bị dẫn đi. Một số la thét lên vì sợ. Lương thấy người bạn ở cùng phố mà anh quen từ mấy năm nay bật khóc nức nở. Một người hoảng lên chạy quẩn để rồi bị bắt giữ lại. Lương hoảng hốt. Chân anh như điện giật. Anh nghĩ phải liều ngay. Chung quanh cán bộ gác đầy dẫy, nhưng nếu lao vào được bóng tối thì có cơ thoát. Ác mộng tiếp tục. Người la. Kẻ bị đánh. Người rú lên cười kinh hoàng. Lương ở trong một đám khá đông đang bước đi. Đám người khập khễnh lê lết xuyên qua một đám cây rậm đi xuống đụn cát phía Nam. Khi họ xuống đồi, Lương lách người lao vào bóng tối. Một viên đạn rít bên tai. Anh phóng qua đám rừng, tai vẫn nghe tiếng đạn và tiếng la hét. Chỉ vài phút anh tới một con suối và chạy theo dòng nước hướng về phía Đông. Anh đi suốt đêm, thỉnh thoảng bị khuất động bởi trái sáng thả từ máy bay và tiếng đại bác. Sáng ra thấy mình băng qua một con đường sắt. Từ đó tiếp tục đi tới quốc lộ, lòng mong ngóng sớm thoát được vùng tử địa. Xế chiều anh tới con đường phía Nam cách Phú Bài mấy dặm. Mải tới ngày 16 tháng 2 Lương mới về lại được thành và kể cho chị Kim những gì đã xảy ra...
Người ta đoán rằng đám nạn nhân từ Phú Cam tiếp tục đi nhiều ngày nữa về hướng Nam, xuyên qua một vùng cây cối khó đi. Mải tới trung tuần tháng 9.69 người ta mới tìm thấy xác họ trong một con suối nhỏ, khe Đá Mài, con suối chảy ra khe Đại đổ vào sông Hương... Trong số 428 bộ cốt tìm được ở đó, rất ít được nhận diện. Vì không tìm thấy ở đâu khác, gia đình họ Nguyễn (thân nhân người lính trẻ) tin rằng con mình đã chấm dứt cuộc đời nơi khe suối này...
Mồ Tập Thể
Mồ tập thể được khám phá đầu tiên ở trường trung học quận Gia Hội, nằm bên cạnh khu dân cư. Sở dĩ cư dân gần đó biết được là vì họ nghe tiếng súng và biết ở đó có mở tòa án nhân dân. Một số người sau khi tham dự phiên tòa đầu tiên đã liều trốn và may mắn thoát. Một số khác nhờ bơi qua sông. Trước ngôi trường có tất cả 14 hố gồm 101 tử thi. Sau ba ngày tìm kiếm, người ta khám phá thêm một số hố rải rác trước, sau và bên hông trường, nâng tổng số tử thi lên 203, gồm xác thanh niên, người già và phụ nữ.
Trong số xác trẻ có 18 sinh viên. Một số trong bọn họ là những sinh viên đã bỏ vô bưng theo Mặt Trận sau vụ đấu tranh chống chính quyền, nay trở về bắt các sinh viên khác theo họ. Khi Mặt Trận chuẩn bị rút, các sinh viên được phép chọn hoặc vô bưng hoặc ở lại thành. Kẻ chọn ở lại bị giết và chôn tại trường. Những sinh viên khác của Gia Hội không theo Mặt Trận cũng chịu chung số phận. Có hố vừa chôn được hai hoặc ba tuần; số còn lại rất mới. Những xác đầu tiên được lính Thủy Quân Lục Chiến Cộng Hòa khám phá ngày 26.02.1968.
Trong số nạn nhân có cô Hoàng Thị Tam Tuy (các tên riêng và địa danh nào không đoán được sẽ ghi lại đúng như tác giả đã ghi - Người dịch), 26 tuổi, rất xinh, bán hàng ở chợ, nhà tại đường Tô Hiến Thành, Gia Hội. Bị quân Mặt Trận, theo lời kể của chị/em gái (sister) cô, vào nhà bắt đi đưa vào trường điều tra ngày 22 tháng 2, rồi chẳng thấy trở về. Xác cô chân tay bị trói, miệng nhét đầy giẻ; mình mẩy không thấy một vết thương nào. Xác cô nằm chung với bốn nạn nhân khác, mà hai trong số đó có bà con với chị/em dâu cô. Trong số các nạn nhân khác có bà góa Dương Thi Co, 55 tuổi, nghề bán guốc, 4 con. Bị bắt tại nhà ngày 22.02, đưa vào trường Gia Hội và bắn chết. Xác bà được các con nhận diện ngày 26.02. Người thứ ba là Lê Văn Thắng, 21 tuổi sinh viên ở Gia Hội. Anh bị bắt đi tham dự lớp huấn luyện ngày 14.02. Xác được gia đình phát hiện và nhận diện ngày 16.03, chung hố với hai nạn nhân khác trong khuôn viên trường.
Người thứ tư là Trần Đình Trọng, sinh viên kỹ thuật và mới lập gia đình. Bị bắt ngày 06.02, tìm thấy xác ngày 26.02. Người thứ năm Nguyễn Văn Dong, cảnh sát 42 tuổi, bị bắt ngày 17.02 ở nhà một người quen và bị chôn sống, tay trói tại trường Gia Hội. Tìm thấy xác ngày 26.02. Người thứ sáu là Lê Văn Phú, 47 tuổi, cảnh sát. Bị bắt tại gia ngày 08.02. Vợ con van xin Mặt Trận cho phép chồng ở lại nhà, nhưng tối hôm đó bị hành quyết, bị bắn vào đầu, xác tìm thấy ngày 26.02, ở khuôn viên trường. Người thứ bảy, bà Nguyễn Thi Lao, buôn thúng bán bưng, 48 tuổi. Bị bắt trên đường lộ. Xác tìm thấy ở trường học, tay bị trói, miệng nhét đầy giẻ; mình mẩy không bị một vết thương nào. Có lẽ bà bị chôn sống. Những xác khác tìm thấy gồm một đại úy cộng hòa, hai trung úy, ba trung sĩ và mấy viên chức hành chánh. Bốn xác người của Mặt Trận.
Vùng mồ lớn thứ hai được khám phá gồm 12 hố với 43 tử thi ở Chùa Theravada, thường gọi là Tăng Quang Tự.
Vùng thứ ba tại Bãi Dâu với 3 hố, 26 xác. Trong số nạn nhân ở Chùa có ông Phan Ban Soan, 60 tuổi, sinh tại Phú Vang, Thừa Thiên, nhà ở đường Tô Hiến Thành, có gia đình, 5 con. Ông Soan làm nghề thợ may, trước có tham gia vụ Phật giáo chống tổng thống Diệm. Năm 1961 bị bắt vì chống chính quyền, được thả năm 1967. Bị Việt cộng bắt đi tối 12.02 trên đường Chi Lăng, Gia Hội. Cộng sản phân công ông chôn xác chết và phân phối gạo. Xác ông tay bị trói, bị bắn xuyên đầu, dập cùng hố với 7 người khác.
Một người khác tìm thấy ở Chùa là ông Đặng Cơ, 46 tuổi, nghề thầu khoán, bị bắt tại gia ngày 06.02, tìm thấy xác ngày 26.02. Một người khác nữa là ông Ngô Thông, 66 tuổi, nhân viên hành chánh hồi hưu, bị bắt ngày 08.02, xác dập chung với 10 người khác. Một số tử thi có vết thương, một số tay bị trói giật cánh khỉ bằng dây thép gai, và một số miệng bị nhét giẻ.
Lần đầu tiên nói chuyện với đồng bào trong vùng tôi tưởng chỉ có 16 xác ở Chùa và 3 xác khác ở Bãi Dâu. Nhưng bên hông và sau Bãi Dâu có nhiều hố chôn. Tất cả ở đây chết vì bị trả thù. Một vài người là thành viên Mặt Trận nhưng bị giết vì muốn ở lại thành. Họ đều là dân Gia Hội. Bốn tháng sau, tháng 08.68, tôi trở lại đây để tìm hiểu thêm uẩn khúc của những cái chết. Thân nhân các nạn nhân lẫn dân địa phương đều xác nhận những điểm trên.
Tiết lộ về "mồ chôn tập thể" đầu tiên của chính quyền miền Nam là vào ngày 28.02.68, khi phát ngôn nhân chính phủ cho biết về một hầm "ghê gớm ở Cồn Hến gồm 100 xác công chức và quân nhân bị bắt khoảng đầu tháng". Cũng theo phát ngôn viên, "các nạn nhân bị Việt cộng giết, thân xác họ không được lành lặn". Cồn Hến nằm giữa sông Hương. Lúc đầu Mặt Trận không màng chiếm Cồn. Nhưng sau nó trở thành một vị trí chiến lược cho việc tiến quân và rút quân từ Gia Hội ra vùng cát Đông Nam, vùng họ chiếm từ nhiều năm nay. Chính quyền xác nhận có 101 xác trong hầm. Theo đồng bào chạy thoát từ Cồn thì trong số nạn nhân có nhiều người nam mang quân phục, một vài người bận đồ kaki của Mặt Trận, một số khác bận áo dòng ngắn, một vài người mang quân phục lính cộng hòa và một vài người bận thường phục. Tôi hỏi nhân viên chính quyền địa phương về tên tuổi các nạn nhân thì được trả lời là các tử thi không được nhận diện đầy đủ; họ xác nhận là không thể nào quả quyết tất cả đều bị hành quyết; một vài nạn nhân có thể đã chết trong khi giao tranh và vài xác khác, cũng theo họ, là của quân thù.
Vùng chôn thật sự thứ tư nằm sau Tiểu chủng viện, nơi dựng tòa án nhân dân. Hai hầm chứa xác ba người Việt làm việc cho tòa đại sứ Hoa Kỳ, hai xác người Mỹ: ông Miller và ông Gompertz, nhân viên USOM; và xác một giáo sư trung học người Pháp bị giết vì lầm là người Mỹ. Tất cả đều bị trói tay. Xác tìm thấy và liệm ngày 09.02. Xác hai người Mỹ và người Pháp được đưa về Đà Nẵng.
Quận Tả Ngạn, vùng thứ năm, do một quân nhân người Úc khám phá ngày 10.03.68. Ba hầm rãnh với 21 tử thi, tất cả đều nam giới, tay bị trói, đạn bắn xuyên đầu và cổ. Một hầm khác, vùng thứ sáu, nằm cách Huế 5 dặm về hướng Đông, được khám phá ngày 14.03.68 do một cố vấn quân sự Mỹ cùng toán lính Việt đi kèm. Hai lăm xác, tất cả đều bị bắn vào đầu, tay trói giật cánh khủyu. Nhờ một cánh tay của một nạn nhân nhô ra khỏi mặt đất mà hầm được khám phá.
Phía Nam Huế qua hoàng thành ở Nam Giao là nơi mộ phần của vua Tự Đức và Đồng Khánh. Nơi đây là vùng chôn tập thể thứ bảy. Đây đó trên dưới hai chục hầm, có cái giữa đất bằng, có cái dưới bụi cây, có cái bên bờ suối. Bên cạnh hầm lớn, có những hố nhỏ chứa một, hai hoặc ba xác. Hầm đầu tiên được khai quật ngày 19.03.68, nhưng mãi cho tới tháng 6.69 vẫn còn xác được tiếp tục phát hiện. Ban đầu còn dễ nhận dạng, vài xác mang quân phục, ngoài ra còn lại thường phục. Đặc biệt ở đây không có xác phụ nữ và trẻ con. Càng về sau việc nhận diện trở nên khó khăn. Dù vậy, cuối hè 1969, người ta cũng nhận diện được xác bố của ông thôn trưởng thôn Than Duong. Vì con trai vắng mặt nên cụ già bị bắt thay con. Về sau con đi tìm cha mãi không gặp. Xác cha, đạn xuyên đầu và ót, được tìm thấy tháng 6.69.
Cũng trên đường hướng Nam đó là Tu viện Thiên An, nơi xảy ra trận chiến ác liệt trong thời gian cộng sản tấn công. Khi buộc phải triệt thoái, cánh quân chiếm đóng phía Nam thành phố rút lên núi và chiếm giữ ngôi Tu viện xây cách đây 26 năm, cách Huế 6 cây số hướng Nam, vào ngày 21.02. Lúc đó Tu viện đang là nơi lánh nạn cho hơn 3000 người. Mặc cho các cha dòng van xin, cộng sản đã cho thần hỏa thiêu rụi tòa nhà chính trong vòng hai ngày. Các tòa nhà bên là chỗ sinh kế của nhà dòng cũng bị lửa đạn thiêu hủy. Thư viện gồm những pho thư khố và thủ bút quý thời vua chúa cũng chung số phận.
Cha Dom Romain Guillaume, một trong những linh mục của dòng, bị một lính Việt cộng bắn vào vai lúc rời khỏi tòa nhà cháy sau khi đã di tản hầu hết dân tỵ nạn. Một linh mục người Việt bị bắn vào chân. Khi rút khỏi đống gạch vụn Tu viện ngày 25.02, Cộng quân mang theo trên 200 người, trong đó 2 linh mục người Pháp, cha Urbain, 52 tuổi, và cha Guy, 48 tuổi và một số tu sĩ linh mục, tập sinh và người giúp việc. Những người này bị lọc bắt trong thời gian cộng quân chiếm Nhà dòng và được dẫn đi về hướng Nam. Đa số bọn họ kết liễu cuộc đời gần chỗ lăng các vua. Tới tháng 6.69, tổng cộng 203 xác được khai quật. Trong số nạn nhân ở lăng Tự Đức có Đoan Xuan Tong, 20 tuổi học sinh trung học, nhà ở làng Nguyệt Biểu, quận Hương Thủy. Em biến mất khỏi nhà ngày 06.02.68. Xác em được thân nhân tìm thấy bên cạnh lăng vua ngày 19.03.68, chôn chung với năm người khác cùng làng. Tại lăng Đồng Khánh có xác linh mục Urbain lấp cùng một hố với 10 người khác. Một người Việt khai quật xác cho tôi hay tay linh mục bị trói, mình không có một vết thương, chứng tỏ có lẽ bị chôn sống. Xác ông liệm ngày 23.03.68 và sau đó được một linh mục đồng dòng nhận diện. Vị linh mục này không thể xác nhận được là tay cha Urbain có bị trói hay không. Sự kiện không có xác đàn bà và con trẻ trong các hầm chứng tỏ các nạn nhân đã bị hành huyết dã man chứ không phải chết trong lúc giao chiến. Nếu bị pháo kích hoặc oanh tạc thì chắc chắn đã có người bị thương và sống sót, hoặc có người chết không toàn thây. Và chắc rằng họ không phải bị chôn tại chỗ, bởi theo phong tục người chết luôn được mang về nhà mình để hồn họ khỏi phải vất vưởng muôn kiếp. Vì thế nguyên tắc của đối phương là phải dấu nạn nhân thế nào để không bị khám phá, mà nếu có bị khám phá thì cũng không nhận diện được là ai.
Ngoài thi hài cha Urbain, thi hài cha Guy dòng Thiên An cũng được tìm thấy trong một hầm riêng ngày 27.03.68 gần lăng Đồng Khánh, với vết đạn ở đầu và cổ.
Vùng chôn thứ tám ở cầu An Ninh khám phá ngày 01.03 với 20 xác. Trong số tử thi có ông Trương Văn Triệu, trung sĩ lính Cộng hòa. Trung sĩ Triệu có vợ và 5 con. Du kích cộng sản địa phương bắt ông ở trường mẫu giáo Kim Long, nơi ông ẩn trốn. Bị trói và dẫn đi. Nhờ dân chúng gần đó cho hay Việt cộng có chôn xác người gần cầu nên vợ ông đã tìm được xác chồng sau đó.
Xác ông Tran Hy, thuộc lực lượng Nhân Dân Tự Vệ, có vợ 4 con, cũng được lấp cùng hầm với ông Trieu. Ông bị bắt ngày 20.02 khi đang trốn trong nhà một láng giềng. Tay bị trói cánh khuỷu, người không có vết thương nào.
Vùng chôn thứ chín ở cửa Đông Ba, nơi xảy ra giao tranh lớn. Đây chỉ có một hầm 7 người bị bắt tại gia và giết sau đó. Trong đó có ông Ton That Quyen, 42 tuổi. Có gia đình với 10 người con, bị bắt và dẫn đi hôm 08.02.68. Gia đình tìm được xác ông ngày 05.05.68.
Địa điểm thứ mười là trường tiểu học An Ninh Hạ, một hầm 4 xác, trong đó có cảnh sát Tran Trieu Tuc, 52 tuổi, có vợ 7 con. Ông bị bắt tại nhà và mang đi ngày 05.02.68. Xác tìm được ngày 17.03.68 ở trường, mang vết thương ở đầu và cổ. Ba xác còn lại: một sinh viên, một quân nhân và một cảnh sát.
Địa điểm thứ mười một là trường Van Chi, một hầm 8 xác. Trong đó có anh Le Van Loang, thợ máy, 35 tuổi, có vợ 6 con. Theo lời chị Loang, anh bị bắt đi dự lớp huấn luyện ngày 06.02. Khi bị dẫn đi, chị và các cháu chạy theo van xin nhưng vô hiệu. Họ ra lệnh mẹ con chị phải quay trở về. Xác anh được những gia đình đi tìm xác người thân tìm thấy ngày 10.03.68 gần trường. Một vài xác bận quân phục, 4 xác chắc chắn là thường dân, trong đó có một sinh viên.
Địa điểm thứ mười hai ở chợ Thông, cách nội thành 2 cây số về hướng Tây. Tìm được 102 xác. Trong đó có ông Nguyen Ty, 44 tuổi, thợ xây gạch, có vợ 6 con. Bị bắt ngày 02.02.68 và có lẽ bị giết ở chợ cùng với nhiều nạn nhân khác. Tìm được xác ngày 01.03, tay bị trói, một viên đạn từ ót bung ra cửa miệng. Nhiều người khác cũng bị bắn, tay trói. Có nhiều xác đàn bà nhưng không có trẻ con.
Địa điểm thứ mười ba là vùng lăng Gia Long, ở Thiện Hàm bên bờ sông Hương, cách thành phố khoảng 16 cây số hướng Nam và cách Đàn Nam Giao cỡ 13 cây số Tây Nam. Gần 200 xác được tìm thấy dưới các đám cây và bụi rậm, gồm học sinh, sinhviên, nhân viên hành chính, quân nhân và nhiều phụ nữ. 27 người thuộc làng lân cận. Sau khi an ninh tạm vãn hồi, các bà đi tìm chồng đã khám phá ra địa điểm này. Lúc đầu, họ không dám đi quá xa. Nhưng hai ngày sau, 25.03.68, họ đụng vào một miếng đất mới đào trên triền một trong nhiều thung lũng nhỏ trong vùng. Xác người thân họ nằm nơi đây, tay bị trói cánh khủy, đạn bắn từ sau cổ xuyên qua miệng. Có nhiều rãnh hầm nối nhau với nhiều xác. Một số nạn nhân từ nội thành, những người khác từ các làng lân cận. Một số là sinh viên từ Huế về nhà ăn tết.
Địa điểm thứ mười bốn nằm ở giữa Chùa Tăng Quang và Tường Vân, 2,5 cây số Tây Nam Huế. Ở đó có xác 4 người Đức, 3 bác sĩ và một bà vợ, tìm thấy ngày 02.04.68.
Địa điểm mười lăm ở Đông Gi, 16 cây số phía đông Huế trên đường ra bờ biển, tìm thấy ngày 01.04.68. 101 xác, đa số bị trói và miệng nhét đầy giẻ. Tất cả đều nam giới,trong đó có15 sinh viên, nhiều quân nhân và nhân viên hành chính, già lẫn trẻ. Một vài xác không thể nhận diện được.
Tới tháng 05.68, tổng cộng có trên 900 xác người bị coi là mất tích đã được tìm thấy. Dĩ nhiên còn nhiều người chưa được tính... Đầu năm 1969 nhiều địa điểm khác được khám phá.
Điểm chôn thứ mười sáu: Đầu tiên ở làng Vinh Thái. Địa điểm thứ hai ở làng Phú Lương. Địa điểm thứ ba ở làng Phú Xuân, tất cả thuộc quận Phú Thứ. Tất cả được tìm thấy trong khoảng từ tháng 01 tới tháng 08.69. Quận này với quận kế bên bị cộng sản chiếm nhiều năm và nơi đây xảy ra nhiều cuộc không tập kéo dài nhiều tháng. Mải tới đầu năm 1969 quân Cộng hòa mới tiến vào được vùng này...
Ba làng này cách thị xã Huế chừng 15 cây số về các hướng Đông và Đông Nam, cách bờ biển từ 3 tới 5 cây. Theo các viên chức địa phương trên 800 xác được tìm thấy trong các vùng trên trong vòng 6 tháng. Có hầm đào sâu, có hầm cạn. Nhiều xác chôn lâu rồi, quần áo đã mục... Trong số nạn nhân người ta nhận diện được 16 học sinh trung học, theo học ở Huế nhưng về quê ăn tết. Cả nhân viên hành chính, đàn ông, đàn bà, trẻ em, già lẫn trẻ. Một số tay bị trói, đa số đều chôn cùng một hố. Vùng làng Vinh Thái đào được 135 xác; làng Phú Lương 22; và làng Phú Xuân đợt đầu 230, đợt sau, khám phá vào cuối năm 69, 375 xác. Dù thời gian qua lâu, nhưng nhờ lượng muối cao của đất vùng này giữ, đa số tử thi hãy còn có thể nhận diện được. Nhiều nhân viên hành chính và quân nhân, bị bắn ở cổ và đầu. Đa số nạn nhân thuộc nam giới. Một vài phụ nữ và trẻ em và một vài người mang nhiều loại vết thương. Có các linh mục, tu sĩ và chủng sinh của các làng lân cận mất tích từ hơn 20 tháng kể từ biến cố tháng 02.68. Trong số 357 xác có cha Bửu Đồng, một cha sở quận Phú Vang và 2 chủng sinh. Cha Đồng dấu được trong túi sau bộ đồ ngủ đen trên người một hộp mắt kính trong đó có ba bức thư tiếng Việt. Một trong ba lá thư này, có bản chụp trưng bày ở nhà thờ chính tòa Huế, ông viết cho bổn đạo mình (thư tìm thấy trên thi thể ngày 8.11.69).
Các con cái yêu dấu:
Đây là bút tích cuối cùng để nhắc cho các con ghi nhớ bài phúc âm thánh Phêrô trên thuyền bão táp... (3 chữ đọc không ra) đức tin. Lời cầu chúc của Cha ngày đầu xuân cho mọi công việc Tông đồ của Cha giữa chúng con, nhớ.. (hai chữ đọc không ra) khi sự sống của Cha sắp kết liễu theo ý chúa.
Hãy mến Mẹ sốt sắng lần hột, tha mọi lỗi lầm của Cha, xin cám ơn Chúa với Cha, xin Chúa tha tội cho Cha và tận tình thương nhớ cầu nguyện cho Cha được sống trong tin tưởng, kiên nhẫn, trong khắc khổ để kiến tạo hòa bình của Chúa Kitô và phục vụ tinh thần Chúa và mọi người trong Mẹ Maria. Xin cầu nguyện cho Cha bình an sáng suốt và can đảm cùng mọi sự đau khổ tinh thần, thể xác và gởi mạng sống cho Chúa qua tay Đức Mẹ.
Hẹn ngày tái ngộ trên nước Trời.
Chúc lành cho chúng con.
(Chữ ký Cha Đồng)
Điểm chôn thứ mười bảy ở làng Thượng Hòa, quận Nam Hòa, bên bờ sông Tả Trạch, một phụ lưu sông Hương phía Nam lăng Gia Long. 11 xác được tìm thấy giữa các lùm cây trong tháng 07.69. Chỉ có ba xác nhận diện được là người của làng bên cạnh. Tất cả đều mang vết thương cổ và đầu, dấu chỉ của sự hành quyết.
Điểm thứ mười tám ở Thúy Thạnh, quận Hương Thủy, tìm thấy tháng 04.69, và ở làng Vinh Hưng, quận Vinh Lộc, tìm thấy tháng 07.69. Cả hai làng nằm trong vùng bị cộng sản chiếm từ lâu... Trên 70 xác, nhiều xác không còn nhận diện được nữa, đa số là đàn ông, vài đàn bà và trẻ con. Họ được nhận diện là người của các làng lân cận và vài người có thể bị chết vì chiến cuộc bởi mình họ mang nhiều vết thương và xác không toàn vẹn. Các nạn nhân khác bị bắn ở cổ và đầu.
Điểm thứ mười chín tìm thấy vào tháng 09.69 ở Khe Đá Mài, quận Nam Hòa, một con suối nhỏ chảy vào Khe Đại, phụ lưu sông Hương. Khe chứa đầy xương người, có xương đủ bộ, có chỗ xương nằm riêng, sọ nằm riêng; tất cả được nước suối mài trắng tinh. Dân đi cưa gỗ tìm thấy địa điểm này. Nạn nhân có lẽ đã được chôn bên bờ suối trong mùa mưa và nước suối đã dần soi mòn đất để lộ xác ra, cũng có thể là nạn nhân bị vứt xuống suối, chứng cớ là các mảnh quần áo được tìm thấy dọc bờ hoặc ngay dưới khe, thì việc chôn lấp nạn nhân có lẽ xảy ra trong các tháng mùa mưa (tháng hai, ba, tư). Và điều này có nghĩa là nạn nhân đã được dẫn thẳng tới đây hoặc được mang tới đây sau khi bị bắt một thời gian ngắn. Nếu chôn trong mùa suối khô, thì sự kiện xảy ra trong khoảng từ tháng 06 tới 10.
Có lẽ để giữ bí mật khi rút lui Việt cộng đã thanh toán vội vàng các nạn nhân tại đây. Theo luật thông thường, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, kẻ thù thường chôn cất xác đồng đội đàng hoàng. Tuy nhiên cũng có thể đây là xương và sọ của lính Mặt Trận và Bắc Việt. Như vậy thì số phận nào cho những người Phú Cam bị mất tích?
Nghiên cứu các phúc trình quân sự Mỹ thì không thấy có một cuộc không tạc lớn hoặc của máy bay B 52 nào ở vùng trên, ngoại trừ trận chiến gần Lộc Sơn vào hạ tuần tháng 04.68, một địa điểm cách xa nơi đó chừng 10 cây số. Vả lại lập luận mang người bị chết vì bom B 52 băng qua vùng đất gập ghềnh để đưa về chôn ở suối này quả không vững. Đường lên núi dễ dàng hơn nhiều. Cũng vậy, nếu kẻ thù bị thiệt hại nặng ở trận Lộc Sơn và, theo thói quen sẵn có, đã mang xác 500 đồng đội đi thì hẳn lộ trình phải là hướng núi, gần và dễ di chuyển hơn nhiều, chứ làm sao mà chọn băng qua cánh rừng dày đặc khó xuyên qua được này.
Trong thời gian cuộc tấn công của cộng sản có xảy ra giao tranh lớn kéo dài từ Huế qua Bến Ngự, cầu Nam Giao tới gần và trong Nhà dòng Thiên An. Nhưng đã không có tiếp tục đánh nhau lớn về mạn Nam, khi quân thù chọn đường rút lui lên núi, hướng trái với Đá Mài. Khe Đá Mài nằm cách thành phố 40 cây số về hướng Nam, bên ngoài vùng lăng tẩm; nơi nầy được coi là vùng không người, chỉ có cộng quân lai vãng. Khe chứa 500 sọ. Địa thế cách trở, cách xa mọi văn minh bởi rừng đồi vách đá cho thấy người ta không muốn để số xác kia (xác của những người mang từ Huế ra) bị phát hiện, mà nếu có phát hiện thì cũng không nhận diện được. Nằm lẫn với xương là các mảnh quần áo thường, không phải kaki hay vải màu xanh bộ đội miền Bắc hoặc quân phục Mặt Trận. Các sọ vỡ xương trán, tất thảy cho thấy bị đánh bởi một vật gì nặng. Một số sọ khác không thấy vết tích gì ở xương, đây có thể là nạn nhân chết trong lúc giao tranh. Lần lượt tất cả hài cốt được chuyển về thành phố, nơi họ ra đi và tống táng trong an bình... Sau khi Đá Mài được khám phá, vẫn còn vài trăm người mất tích. Trong số đó có một số sinh viên, điển hình là các anh Ngô Anh Vũ, Nguyễn Văn Bích. Cả hai bị bắt ở nhà thờ Phủ Cam. Những người khác, viên chức hành chánh, thành viên chính đảng, thanh niên công giáo, Phật giáo, tu sinh, giáo chức và quân nhân. Họ bị bắt đi, biệt tăm tin tức.
Bên cạnh các hầm chôn tập thể, còn có các nạn nhân lẻ tẻ, bị giết tức tưởi. Có khi cả gia đình bị tiêu diệt như gia đình ông Nam Long, thợ buôn, bị bắn cùng vợ và 5 con tại nhà. Ông Ngô Bá Nhuận bị bắn dã man trước rạp chiếu bóng địa phương và ông Phan Văn Tường, lao công, bị giết ngoài nhà ông cùng với bốn đứa con...
Elje Vannema
The Vietcong Massacre at Hue. Vintage Press, New York, 1976
Video thảm sát Mậu Thân
MỐI QUAN HỆ TAY BA TRUNG-MỸ-XÔ TRONG XUNG ĐỘT BIÊN GIỚI TRUNG-VIỆT NĂM 1979

(Không có tên tác giả)

Người dịch: Trung Thuần

19.8.2010
Nguồn: Báo Hoàn cầu TQ: 1979年中越边境冲突中的美中苏三角关系
http://history.huanqiu.com/txt/2010-08/1029158.html

Trong khoảng thời gian từ 1969-1979, thông qua sự tiếp xúc và đàm phán với Mỹ, Trung Quốc đã kết thúc được sự đối kháng và nghi ngờ từ nhiều năm giữa Trung Quốc và Mỹ, thúc đẩy tiến trình lịch sử bình thường hóa quan hệ giữa hai bên, đồng thời dùng đó làm đột phá khẩu để mở con đường thông sang các nước phương Tây như Tây Âu, Nhật Bản…, từ đó mà làm tăng thêm không gian hoạt động cho ngoại giao Trung Quốc, nâng được địa vị quốc tế của Trung Quốc, điều này giúp ích cho việc cải thiện môi trường an ninh của Trung Quốc, đồng thời cũng ngăn chặn được sự mở rộng của Liên Xô ở một chừng mực nhất định, có tác dụng quan trọng trong việc tránh được cuộc chiến tranh quy mô lớn, bảo vệ hòa bình thế giới. Nhưng sáng kiến chiến lược mang ý nghĩa bước ngoặt này trong ngoại giao Trung Quốc đã không thể duy trì tiếp được mối quan hệ hữu hảo lâu dài với Việt Nam. Sau khi quan hệ Trung-Xô được dịu bớt, Trung Quốc đã thực hành chiến lược “một tuyến” là liên minh với Mỹ để chống lại Liên Xô, còn Việt Nam thì ngày càng ngả về Liên Xô, tới mức liên minh với Liên Xô để ứng phó lại với Trung Quốc và Mỹ. Xung đột biên giới Trung-Việt năm 1979 xảy ra trong bối cảnh ấy thực tế là một trận đối đầu mang ý nghĩa chiến lược giữa một bên là Trung-Mỹ với bên kia là Xô-Việt.

1. Nhân tố Việt Nam trong mối quan hệ chiến lược tay ba Trung-Mỹ-Xô

Xét từ quá trình bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ ở thập kỷ 70 của thế kỷ 20, tầng ra quyết sách của Trung Quốc về mối quan hệ với Mỹ đã chớp lấy thời cơ, đưa ra phán đoán, nắm vững chừng mực, áp dụng mọi biện pháp, giành lấy thế chủ động, xử trí ở mọi khâu về cơ bản là phù hợp; nhưng về mặt xử lí vấn đề quan hệ với Liên Xô một cách đồng thời thì lại quá nhấn mạnh đến mặt đấu tranh, nên có đôi phần cứng nhắc trong chính sách. Khi ấy, sự ước đoán của tầng ra quyết sách về mối uy hiếp quân sự từ Liên Xô đối với nền an ninh Trung Quốc là quá cao, vì thế mà đã có những phản ứng quá độ, thiếu độ linh hoạt với vấn đề ngoại giao và chuẩn bị chiến tranh của Liên Xô, ở một chừng mực nào đó còn ảnh hưởng cả đến địa vị của Trung Quốc vẫn còn chưa được ngã giá trong mối quan hệ tay ba Trung-Mỹ-Xô. Nhất là sau khi Nixon đi thăm Moskva, Mỹ đã uống “rượu Mao đài” rồi lại còn uống cả “vodka” (tuy cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Liên Xô chưa hề vì thế mà chấm dứt, nhưng đã không còn ở thế kiếm tuốt cung giương nữa), đã dần chiếm được vị trí tương đối lợi thế trong mối quan hệ tay ba Trung-Mỹ-Xô.

Trong tình hình chiến lược của cục diện quốc tế, mối quan hệ tay ba Trung-Mỹ-Xô ở thập kỷ 70 của thế kỷ 20 từng phát sinh sự thay đổi chóng mặt, trong quá trình ấy, nhân tố Việt nam đóng vai trò tương đối quan trọng. Đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, Trung Quốc từng lấy việc Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam làm một trong những điều kiện quan trọng để làm dịu mối quan hệ Trung-Mỹ: “Chính phủ Trung Quốc chủ trương lực lượng vũ trang Mỹ cần rút khỏi 3 nước Đông Dương, Triều Tiên, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á để bảo đảm hòa bình ở Viễn Đông”. Mặc dù Trung Quốc đã xem xét đầy đủ đến lợi ích của Việt Nam trong đàm phán với Mỹ, nhưng mối quan hệ Trung-Mỹ dịu đi vẫn tạo thành sự tấn công tương đối lớn vào phương diện quan hệ Trung-Việt, điều này có thể là để thực hiện được mục tiêu chủ yếu khi ấy, Trung Quốc đã buộc phải trả giá (đương nhiên việc vận dụng chính sách một cách thỏa đáng sẽ có thể giảm bớt được sự trả giá ở mức thấp nhất). Ngay từ khi Kissinger kết thúc chuyến đi thăm Trung Quốc rồi ra “Tuyên bố chung Trung-Mỹ” năm 1971, tờ “Nhân dân” của Việt Nam đã từng đăng một bài xã luận có nhan đề “Học thuyết Nixon chắc chắn bị phá sản”, ám chỉ tới cuộc hội đàm Trung-Mỹ. Chu Ân Lai nói với những người nắm giữ báo chí truyền thông Trương Xuân Kiều và Diêu Xuân Nguyên về việc này: “Bài này cho thấy sự lo lắng và tính toán của các đồng chí Việt Nam”, “tôi cho là có thể đăng toàn văn, chứ đừng trích, để chứng tỏ thái độ trọng danh dự của mình”. Chu Ân Lai chỉ rõ: “Cả tiến trình biến động có thể chứng minh được rằng Trung Quốc, với sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, trước sau vẫn ủng hộ nhân dân 3 nước Đông Dương kháng chiến tới cùng”. Nhưng sự thật sau đó cho thấy, Việt Nam đã không hiểu được nỗi khổ tâm của Trung Quốc, mà lại cứ luôn găm mãi trong lòng việc này.

Năm 1975, sau khi Việt Nam thực hiện thống nhất Bắc Nam, Việt Nam đã thay đổi phương châm “Trung-Xô đoàn kết, “giữ trung lập” như đã áp dụng trước đây, bắt đầu ngả về Liên Xô, vì thế mà làm tăng thêm trọng lượng cho Liên Xô trong mối quan hệ tay ba của các nước lớn. Cùng năm, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đi thăm Liên Xô, hai bên ra bản “Tuyên bố Việt-Xô”, xác định hai nước hai Đảng cần tiến hành hợp tác toàn diện, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế. Năm đó, số vụ Việt Nam gây hấn ở biên giới Trung-Việt đã lên tới 439 lần. Cuối năm 1975, có sự thay đổi quyết liệt trong đấu trường chính trị của Trung Quốc, tình thế chính trị quay ngoắt sang tả. Năm 1976, đầu tiên là Chu Ân Lai qua đời, tiếp đó là Đặng Tiểu Bình lại một lần nữa bị đánh đổ, vấn đề bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ thực tế đã bị gác lại. Nhưng cho dù là như vậy, hai nước Trung-Mỹ vẫn có một điểm chung về việc ứng phó với mối uy hiếp Liên Xô. Ngày 9.9.1976, Mao Trạch Đông qua đời, Liên Xô một mặt chìa cành ôliu cho Trung Quốc, do báo “Pravda” đứng ra đăng bài kêu gọi cải thiện mối quan hệ Trung-Xô, bày tỏ Liên Xô không có dã tâm đối với Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ; mặt khác lại tiến hành uy hiếp trắng trợn đối với Trung Quốc, ngày 14.10, nhà báo Liên Xô Victor Lui (Виктор Луи) trong một bối cảnh đặc biệt đã có một bài phát biểu ở Paris nói rằng, ngoại trừ Trung Quốc trong vòng 1 tháng áp dụng được chính sách hòa dịu hơn với Liên Xô, còn nếu không thì sẽ buộc lãnh đạo Liên Xô phải áp dụng một vài “quyết định không thể nghịch chuyển được” nào đó. Về chuyện này, Mỹ đã có phản ứng ngay lập tức. Ngày 15.10, Kissinger bình luận, nếu Trung Quốc phải “chịu sự uy hiếp từ một nước lớn bên ngoài”, thì Mỹ sẽ cho đó là “sự kiện nghiêm trọng”. Trong một lần đàm thoại khác, ông ta đã nêu rõ ràng hơn: “Đối với bất cứ mưu đồ làm loạn cục diện thế giới nào bằng cách phát động cuộc tiến công quy mô lớn đối với Trung Quốc, Mỹ cũng không thể không có sự ứng đối thực sự”. Điều này chứng tỏ mối quan hệ hai nước Trung-Mỹ đã được thiết lập, đồng thời đang duy trì mối quan hệ chiến lược ở một mức độ nhất định, vẫn có một ý nghĩa quan trọng về phương diện bảo vệ và ổn định hòa bình thế giới.

Tháng 7.1978, Đại hội IV Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu chiến lược mới thông qua bản “Nghị quyết về tình hình mới và nhiệm vụ mới”. Nghị quyết chỉ rõ: “Kẻ thù căn bản, lâu dài của Việt Nam tuy là đế quốc Mỹ, nhưng kẻ thù trực tiếp lại là Trung Quốc và Campuchia”; “dựa hơn nữa vào sự ủng hộ của Liên Xô, giành thắng lợi về chính trị và quân sự ở phía tây nam (chỉ Campuchia), phòng ngừa sự uy hiếp từ phương bắc, chuẩn bị tác chiến với Trung Quốc”. Sau đó, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ra chỉ thị cho các lực lượng quân đội, các tỉnh và thành phố: “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp nhất, nguy hiểm nhất, là đối tượng tác chiến mới của Việt Nam, phải áp dụng chiến lược tấn công, tiến hành phản kích và tiến công ở vùng biên giới”, dẫn tới các vụ xung đột liên tục ở biên giới Trung-Việt.

Tháng 11.1978, Lê Duẩn lại đi thăm Liên Xô, Việt Nam ký kết bản Hiệp ước hữu nghị và hợp tác trong thời hạn 25 năm với Liên Xô. Trong đó quy định: “Khi một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công, hai bên ký kết phải lập tức trao đổi với nhau để loại trừ sự đe dọa ấy, đồng thời áp dụng những biện pháp hữu hiệu thỏa đáng để bảo đảm hòa bình và an ninh cho hai nước”. Từ đó, Việt Nam đã ném mình vào vòng tay của Liên Xô. Đúng như Lê Duẩn nói là sau khi chiến tranh kết thúc, đã giữ lại được một đội quân lớn với hàng triệu người để ứng phó với Trung Quốc. Như vậy, Liên Xô đã hoàn thành được nguyện ước lấp vào những khoảng chân không còn lại khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, hơn nữa lại còn buộc Trung Quốc phải đối mặt với những uy hiếp và khiêu khích từ đồng minh Xô-Việt. Hành động phản Hoa, bài Hoa của Việt Nam không ngừng leo thang, năm 1978, Việt Nam đã gây nên một loạt vụ xung đột có vũ trang ở biên giới Trung Quốc, lên tới hơn 1108 lần. Ngoài ra, Việt Nam còn tạo ra nhiều vụ đuổi người Hoa và Hoa kiều, miệt thị Trung Quốc “che chở” các nhà tư sản Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam, lợi dụng Hoa kiều làm “Đội quân thứ 5” “thực hiện chủ nghĩa bành trướng, chủ nghĩa bá chủ” ở Đông Nam Á. Đến cuối năm 1978, tổng cộng có 28 vạn người Hoa và Hoa kiều bị đuổi. Với sự ủng hộ và xúi giục của Liên Xô, Việt Nam còn công khai xuất quân xâm lược Campuchia vào 12.1978, đồng thời coi Trung Quốc là trở ngại lớn nhất đối với việc thực hiện chủ nghĩa bá chủ ở khu vực của mình. Tất cả những điều đó không thể không dẫn đến mối quan tâm đặc biệt từ phía Trung Quốc.

Về phía Mỹ, do một loạt hành vi bành trướng rõ rệt của Liên Xô, Tổng thống Carter đã quyết định áp dụng thái độ cứng rắn đối với Liên Xô, tăng cường thêm mối quan hệ với Trung Quốc. Tháng 12.1978, Trung Quốc và Mỹ tuyên bố thiết lập mối quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ mang ý nghĩa lịch sử, hai bên nhắc lại: “Không bên nào được mưu đồ làm bá chủ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và bất cứ khu vực nào trên thế giới, cả hai bên đều phản đối nỗ lực làm bá chủ của bất cứ quốc gia hoặc tập đoàn quốc gia nào”. Điều khoản chống bá quyền này mang tính nhằm trúng rất mạnh trong bối cảnh quốc tế đặc biệt khi ấy, nó hết sức khéo léo, nhưng lại đã thể hiện được rõ ràng cho toàn thế giới biết rằng hai bên Trung-Mỹ sẽ không hề mơ hồ trong việc chống lại mọi nỗ lực mưu đồ làm bá chủ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Xô hoặc tập đoàn Liên Xô. Như vậy, đồng thời với việc bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ, ở Đông Á đã hình thành nên hình thế chiến lược liên minh Trung-Mỹ đối đầu với đồng minh Xô-Việt, lãnh đạo hai nước Trung-Mỹ bắt đầu ấp ủ việc thiết lập mối quan hệ quân sự. Tháng 1.1979, khi tiến hành hội đàm không chính thức với Anh, Đức, Pháp ở Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Guadeloupe, Tổng thống Mỹ Carter đã bày tỏ Mỹ không phản đối phương Tây áp dụng thái độ linh hoạt trong vấn đề bán vũ khí cho Trung Quốc. Đây là một tín hiệu quan trọng.

  2. Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ, tuyên bố phải “dạy cho Việt Nam một bài học”

Đồng thời với việc thiết lập ngoại giao với Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình… xuất phát từ toàn cục chiến lược đã quyết định “dạy cho Việt Nam một bài học” một cách có hạn độ, nhằm ngăn chặn cái đà bành trướng của nước này. Do ông chủ hậu đài của ViệtNamlà Liên Xô, cho nên dạy cho Việt Nam một bài học thực tế cũng là một đòn giáng vào chiến lược mở rộng toàn cầu của Liên Xô. Ngày 31.1.1979, trong thời gian ở thăm Mỹ, Đặng Tiểu Bình khi ăn trưa cùng với các phóng viên Mỹ đã nói: “Chúng ta có thể làm một sự kiện là Liên Xô ra tay ở đâu, chúng ta sẽ ngăn chặn luôn để đánh bại sự gây rối ở bất cứ nơi nào trên thế giới của họ”. Khi phóng viên hỏi về vấn đề Việt Nam xâm lược Campuchia, Đặng Tiểu Bình nói: “Việt Nam đã đạt được bản hiệp định cùng với Liên Xô mang tính chất đồng minh quân sự, Việt Nam khuấy động cuộc xâm nhập vũ trang quy mô lớn, đồng thời đang gây hấn ở vùng biên giới Trung Quốc. Tác động do Việt Nam gây ra còn tệ hại hơn cảCuba, chúng tôi coi Việt Nam là Cuba của phương Đông. Ứng xử với loại người như vậy, nếu không dạy cho một bài học cần thiết thì e rằng bất kỳ một phương thức nào khác cũng sẽ không có hiệu quả”.

Dạy cho Việt Nam một bài học còn có mối quan hệ tương đối chặt chẽ với lợi ích của Mỹ. Bởi vì Liên Xô lợi dụng sự bành trướng mà Việt Nam đã tiến hành nên đã bộc lộ thế tranh giành khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương với Mỹ, đe dọa đến lợi ích của Mỹ. Mỹ cũng hết sức quan tâm đến điều này. Chính vì thế mà trong thời gian Đặng Tiểu Bình ở thăm Mỹ, vấn đề Việt Nam xâm lược Campuchia cũng là một trọng điểm của cuộc hội đàm Trung-Mỹ.

Trong hai cuộc hội đàm được tổ chức vào trưa và chiều 29.1, hai bên chủ yếu trao đổi về tình hình quốc tế. Đặng Tiểu Bình nêu rõ với Carter: Việt Nam xâm lược Campuchia, đó là một vấn đề nghiêm trọng, là một phần trong sự bố trí chiến lược của Liên Xô. Cách làm của Liên Xô ở khu vực này giống như một quả tạ tay, một đầu thông qua Việt Nam để thò tay vào Đông Dương, thực hiện hệ thống Yaan (Яань системы), một đầu thông qua việc khống chế Afghanistan, Iran, vịnh Persique ở namẤn Độ, Liên Xô cũng đang tìm cách khống chế cả eo biển Malacca nối liền hai bên. Như vậy, sự bành trướng của Liên Xô ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương sẽ kết thành một khối. Kiểu bố trí chiến lược này của Liên Xô nếu như không phá tan, thì sẽ tạo nên nỗi phiền phức lớn hơn.

Dã tâm thành lập Liên bang Đông Dương của Việt Nam có từ đã lâu. Suy xét từ toàn cục chiến lược, cần thiết phải dạy cho cái dã tâm điên cuồng này của Việt Nam một bài học. Chỉ cần bước đi thỏa đáng và có chừng mực, thì chúng tôi ước đoán rằng Liên Xô sẽ khó lòng có được sự phản ứng lớn. Ngay cả suy xét từ phương diện tồi tệ nhất, Trung Quốc cũng vẫn chịu đựng được”. Về vấn đề này, Carter bày tỏ, đây là vấn đề rất nghiêm trọng, ông muốn sau khi đã cùng nghiên cứu bàn bạc với cố vấn của mình đã rồi mới phát biểu.

Đặng Tiểu Bình cho rằng, “thế giới ngày nay rất không yên ổn, đang tồn tại nguy cơ chiến tranh, mà nguy cơ chủ yếu tới từ Liên Xô. Thế giới thứ ba và thế giới thứ hai cần liên kết lại để chống đế quốc. Trận tuyến thống nhất chống bá chủ này, thẳng thắn mà nói bao gồm cả Mỹ trong đó. Ứng phó với việc Liên Xô muốn làm bá chủ thế giới, Mỹ đương nhiên là một lực lượng chủ yếu, nhưng trong một thời gian tương đối dài, Mỹ đã có một số thiếu sót nào đó về phương diện cần làm hết trách nhiệm của mình. Liên Xô bành trướng ở các nơi trên thế giới, nhất là lợi dụng Cuba để thò tay vào Châu Phi, ủng hộ Việt Nam xâm lược Campuchia mà không phải chịu sự ngăn chặn và trừng phạt cần có. Kết quả là, tình hình thế giới có thể nói mỗi năm một căng thẳng thêm. Liên Xô rút cuộc là muốn phát động chiến tranh. Nếu chúng ta làm cho tốt, thì rất có thể sẽ trì hoãn được chiến tranh nổ ra, còn nếu không làm nên được một việc gì thì tình hình sẽ càng phức tạp thêm. Chúng tôi hi vọng sẽ cùng với Mỹ xuất phát từ góc độ của từng bên mà làm những gì mình cho là cần làm”.

Carter thừa nhận từ Đông Nam Á đến Ấn Độ Dương đến Châu Phi, tình hình ở rất nhiều khu vực không ổn định, lực lượng quân sự của Liên Xô tăng lên nhanh chóng, tất cả những điều này là những nhân tố bất lợi cho tình hình quốc tế. Ông ta cũng đồng ý rằng Trung-Mỹ cần tăng cường hợp tác, cùng phối hợp hành động ở những khu vực rắc rối. Nhưng ông nhấn mạnh Mỹ cùng các lực lượng Khối NATO đang được tăng cường, Liên Xô phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bị rơi vào thế cô lập hơn trên trường quốc tế. Hai bên Trung-Mỹ còn thảo luận về các vấn đề Nam Á, Trung Đông, Đông Dương, Triều Tiên và cuộc hội đàm về hạn chế vũ khí chiến lược Mỹ-Xô…

Đặng Tiểu Bình bày tỏ mong Mỹ viện trợ Pakistan một cách chắc chắn để họ khỏi cảm thấy bị cô lập mà đi vào con đường dựa Liên Xô; giúp Sadat ở Trung Đông, gây áp lực vừa phải cho Ixrael để cho Liên Xô khỏi nhè vào sơ hở mà khiến cho Algeria, Syria, Iraq gần gũi hơn với Liên Xô; tạo điều kiện cho toàn bộ quân Mỹ rút khỏi Nam Triều Tiên, khôi phục lại đàm phán Nam – Bắc Triều Tiên. Về cuộc hội đàm hạn chế vũ khí chiến lược Mỹ-Xô, Đặng Tiểu Bình nói: “Chúng tôi không phản đối Mỹ-Xô ký kết hiệp định này, nhưng chúng tôi cho rằng nó sẽ không quản được Liên Xô, không tin rằng nó có thể ràng buộc được chính sách bành trướng của Liên Xô. Điều quan trọng là phải làm việc một cách chắc chắn, có nghĩa là Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Tây Âu hãy liên kết lại với thế giới thứ ba để phá vỡ chương trình chiến lược của Liên Xô.

Lãnh đạo hai nước Trung-Mỹ qua cuộc hội đàm 2 ngày đã công bố bản “Thông cáo báo chí chung” ngày 1.2.1979. Thông cáo nêu rõ “hai bên xin nhắc lại sẽ chống lại mưu đồ làm bá chủ hoặc chi phối nước khác của bất cứ quốc gia và tập đoàn quốc gia nào, quyết tâm góp phần vào việc bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới và độc lập dân tộc”. Do bản Thông cáo này có câu chống lại mưu đồ “làm bá chủ” hoặc “chi phối” nước khác nên đã dẫn đến sự quan tâm trên nhiều phương diện. Từ “làm bá chủ” (tiếng Anh: hegemony) được đưa vào theo yêu cầu từ phía Trung Quốc. Trong các từ ngữ ngoại giao ở thời kì ấy, từ này đã trở thành từ thay thế cho việc Trung Quốc chỉ trích Liên Xô thực hiện chính sách bành trướng, Mỹ đã chấp thuận việc sử dụng từ đầy nhạy cảm này trong thông cáo, chứng tỏ giữa Mỹ và Trung Quốc có một điểm chung trong việc chống chủ nghĩa bá chủ của Liên Xô. Còn từ “chi phối” là được thêm vào câu này theo yêu cầu từ phía Mỹ, từ này đi song song với từ “làm bá chủ”, mở rộng phạm vi của câu này đánh động tới cả bất kỳ nước nào có ý đồ xâm lược bành trướng. Sau khi bản thông cáo được công bố, có người hỏi liệu việc sử dụng “làm bá chủ – chi phối” ở cùng một chỗ là chỉ vượt quá cả Liên Xô, phù hợp cả với khi Việt Nam dùng quân đội của mình xâm lược Campuchia hay không, quan chức Nhà trắng đã khéo léo trả lời: “Tôi muốn nói rằng chiếc giày này ai đi vừa thì tức là chỉ người ấy”. Khi lại có người hỏi liệu Moskva có có phản ứng bất lợi gì với chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình hay không, quan chức Nhà trắng nói chắc như đinh đóng cột: “Không được để cho nỗi lo ngại về phản ứng của Nga chi phối chính sách đối ngoại. Nếu như tình trạng là như thế thì việc bảo hiểm kết cục của nó sẽ đầy thảm hại”.

Lúc này, Trung Quốc đã tập kết quân ở biên giới Trung-Việt chuẩn bị đánh nhau với Việt Nam, để phòng ngừa phản ứng quá khích của Liên Xô, một bộ phận sư đoàn tác chiến Trung Quốc của khu vực “Tam bắc”[i] cũng tiến vào các khu vực chờ thời, chuẩn bị phản công lại những cuộc tấn công quân sự và những hành động kiềm tỏa quân sự có thể xảy ra từ quân đội Liên Xô.
 

 3. Thái độ và phản ứng của Mỹ và Liên Xô đối với chiến tranh biên giới Trung-Việt

Sau khi Đặng Tiểu Bình kết thúc chuyến thăm Mỹ, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã công bố bản “Thông báo về tiến hành cuộc chiến đấu phản kích tự vệ với Việt Nam, bảo vệ vùng biên giới” vào 14.2.1979, nêu rõ: “Mục đích của việc chúng ta tiến hành phản kích tự vệ là để có được hòa bình và yên ổn ở vùng biên giới nước ta, giúp ích cho việc tiến hành thuận lợi 4 hiện đại hóa. Cả khu vực, thời gian và quy mô chiến đấu đều hết sức hạn chế”. Từ 17.2.1979, bộ đội biên phòng Trung Quốc bắt đầu xuất kích ở Long Châu, Tịnh Tây thuộc Quảng Tây và Hà Khẩu, Kim Bình thuộc Vân Nam, Trung Quốc, thực hiện trận đánh mang tính hủy diệt vào các cứ điểm quân sự ở biên giới Trung-Việt mà Việt Nam dùng để gây hấn với Trung Quốc. Hôm đó, Tân Hoa xã đã phát đi lời tuyên bố theo lệnh của chính phủ Trung Quốc nêu rõ: Nếu hành động xâm lược của Việt Nam không dừng lại, thì chắc chắn sẽ gây nguy hiểm đến cả hòa bình và ổn định ở phía đông Đông Nam Á, thậm chí là toàn bộ khu vực Châu Á. Tuyên bố nói: “Sau khi tiến hành sự đánh trả cần có đối với quân xâm lược Việt Nam, bộ đội biên phòng Trung Quốc sẽ giữ nghiêm biên giới của tổ quốc”.

Sau khi nổ ra cuộc chiến đấu phản kích tự vệ đối với Việt Nam, dư luận quốc tế đã có phản ứng hết sức nhanh, nhìn chung là có lợi cho Trung Quốc. Ngoài tập đoàn Liên Xô-Đông Âu giận dữ chửi rủa ra, phần lớn các nước đều thể hiện thái độ trung lập và chủ trương giải quyết bằng đàm phán, nhiều nước trong số đó bề ngoài thì tỏ ra trung lập, nhưng thực tế lại ngả về và đồng tình với phía Trung Quốc, đồng thời cũng lo Liên Xô dính líu vào sẽ khiến cho xung đột loang rộng. Tiêu điểm chú ý của cộng đồng quốc tế là mối quan hệ tế nhị tay ba Trung-Mỹ-Xô.

Mỹ thực ra đã được thông báo rằng Trung Quốc sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học” ngay trong thời gian Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, nên đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu. Trợ lý vấn đề an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Brzezinski đã bắt đầu xem xét đến đối sách của Mỹ ngay sau khi Đặng Tiểu Bình kết thúc chuyến thăm. Để tránh tình hình Mỹ dưới áp lực của dư luận quốc tế lên án Trung Quốc là kẻ xâm lược, Brzezinski đã nghĩ ra một điểm, đó là: Mỹ vừa chỉ trích hành động quân sự của Trung Quốc, lại vừa lên án Việt Nam xâm lược Campuchia, đồng thời yêu cầu hai bên Trung Quốc, Việt Nam rút quân. Do lường trước Việt Nam và Liên Xô sẽ không tiếp nhận lời đề nghị ấy, nên sự tính toán này sẽ yểm trợ cho Trung Quốc về mặt ngoại giao mà không dính dáng gì đến Mỹ. Sau khi cuộc chiến tranh Trung-Việt nổ ra, Tổng thống Mỹ Carter lập tức triệu tập cuộc họp Ủy ban an ninh quốc gia để bàn bạc, đồng thời thông qua phương án của Brzezinski, đó là: Yêu cầu Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam cần móc nối với cả việc yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia; đồng thời phát đi một thông điệp tới Liên Xô, kêu gọi họ không được áp dụng những hành động có thể dẫn đến tình hình nghiêm trọng, nhất là những hành động quân sự điều binh khiển tướng hoặc dưới mọi hình thức khác. Trong cuộc họp, Brzezinski còn cố thêm vào một câu trong thông điệp, bày tỏ Mỹ cũng sẵn sàng có thái độ kiềm chế tương tự, ông giải thích, phải để cho Liên Xô hiểu được ở đây là ngang cơ (câu này ngầm ra ý là nếu như Liên Xô ra tay, thì Mỹ cũng sẽ có phản ứng quân sự).

Ngày 18.2, tờ “The New York Times” của Mỹ đưa tin về “Các nguyên tắc chỉ dẫn chính phủ Mỹ” đã được bàn định trong cuộc họp là: “Mỹ không trực tiếp dính líu vào cuộc xung đột vũ trang ở Châu Á giữa các quốc gia cộng sản; lợi ích trước mắt của Mỹ, an ninh của Liên minh Châu Á không hề chịu sự đe dọa của cuộc xung đột này, nhưng nếu cuộc xung đột loang rộng thì sẽ là nguy hiểm; Mỹ sẽ dùng mọi biện pháp mà mình có thể áp dụng được để khuyến khích nên có thái độ kiềm chế, đồng thời ngăn chặn không để cho chiến tranh loang rộng tới mức Liên Xô cũng dính líu vào; Mỹ sẽ không thay đổi mối quan hệ với Trung Quốc do cuộc xung đột này”.

Từ đó có thể thấy, thái độ chung của Mỹ đối với cuộc chiến tranh Trung-Việt là không trực tiếp dính líu, đồng thời kêu gọi Liên Xô không dính líu, cố gắng không để xung đột loang rộng, đồng thời bảo đảm mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ không vì thế mà bị ảnh hưởng. Khi tỏ thái độ công khai, Mỹ có chỉ trích Trung Quốc về mặt hình thức, tức vừa lên án Việt Nam xâm lược Campuchia, lại vừa lên án cả Trung Quốc đánh trả Việt Nam, nhưng thực ra là trợ giúp Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc và Việt Nam “đồng rút quân” khỏi Campuchia đồng thời tích cực thúc giục Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp để thảo luận toàn bộ tình hình Đông Dương, để lấy đó làm áp lực với Việt nam và Liên Xô.

Trong thời gian này, Brezhnev thông qua đường dây nóng đã gửi cho Tổng thống Carter một bức thư với lời lẽ cứng rắn, nhưng Tổng thống Carter không hề xúc động gì trước bức thư ấy mà ra lệnh cho Vance và Brzezinski tiếp tục làm theo phương châm đã định. Carter còn bày tỏ trong thư gửi Brezhnev rằng nếu Liên Xô “sử dụng hành động quân sự đối với Trung Quốc, thì Mỹ sẽ đánh giá lại tình trạng an ninh ở vùng Viễn Đông, đồng thời sẽ có phản ứng về mặt quân sự”.

Từ 24.2 đến 4.3 năm 1979, Bộ trưởng tài chính Mỹ Blumenthal cùng phu nhân đã thực hiện chuyến đi thăm Trung Quốc trong tiếng pháo của cuộc chiến tranh Trung-Việt. Đây cũng là đoàn đại biểu chính phủ Mỹ đầu tiên đi thăm Trung Quốc kể từ sau khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, mang một ý nghĩa không bình thường. Liên Xô rất tức giận khi thấy quan chức cấp cao các nước phương Tây như Mỹ… đến thăm Trung Quốc theo dự kiến ở thời điểm như thế này, đã công kích phương Tây “vỗ về” Trung Quốc, đồng thời chỉ trích Mỹ dung túng và thông đồng với Trung Quốc “xâm lược Việt Nam”. Liên Xô lúc này cũng chẳng còn làm được gì đối với Trung Quốc, đã để lộ rõ bản chất miệng hùm gan sứa. Chính phủ Liên Xô từng ra tuyên bố vào ngày 18.2, nói rằng Trung Quốc “xâm lược” Việt Nam và thực hiện “chủ nghĩa bá chủ”, tuyên bố Liên Xô sẽ thi hành “nghĩa vụ” của mình căn cứ theo bản Hiệp ước Liên minh Xô-Việt. Nhưng giọng điệu thì hàm hồ, lại không có được bao nhiêu bước đi thực tế, ngoài việc điều một vài chiếc tàu tới tuần tra ở Biển Đông và chuyển tới bằng đường hàng không một ít vật tư ra, không hề có cử chỉ manh động nào ở biên giới Trung-Xô.

Bộ đội biên phòng Trung Quốc tuy đã phải trả giá và hi sinh nhất định vì cuộc phản kích Việt Nam, nhưng từ 27.2.1979 đã liên tục tấn công hơn 20 thị trấn thành phố và yếu điểm chiến lược của Việt Nam như Lạng Sơn, Đồng Đăng, Lộc Bình, Cao Bằng, Phúc Hòa, Thất Khê, Quảng Uyên, Hạ Lang, Thoát Lãng, Hòa An, Đông Khê, Trùng Khánh, Trà Linh, Thông Nông, Sóc Giang, Lào Cai, Cam Đường, Mạnh Khang, Bát Xắc, Sapa, Phố Lu, Phong Thổ…, giáng cho Việt Nam một đòn nặng nề, về cơ bản đã đạt được mục tiêu dự định. Ngày 5.3.1979, bộ đội biên phòng Trung Quốc bắt đầu rút ra khỏi những khu vực nói trên. Về việc này, Tân Hoa xã đã ra lời tuyên bố theo lệnh của chính phủ Trung Quốc: “Chính phủ Trung Quốc xin được nhắc lại, chúng tôi không cần một tấc đất của Việt Nam, nhưng cũng quyết không cho phép kẻ khác xâm phạm lãnh thổ của mình. Điều chúng tôi muốn chỉ là biên giới hòa bình và yên ổn. Chúng tôi mong lập trường chính nghĩa này của chính phủ Trung Quốc sẽ giành được sự tôn trọng của chính phủ Việt Namvà chính phủ các nước trên thế giới. Chúng tôi nghiêm khắc cảnh cáo nhà cầm quyền Việt Nam rằng sau khi bộ đội biên phòng Trung Quốc rút khỏi, không được tiến hành bất cứ một cuộc khiêu khích vũ trang và hoạt động xâm nhập nào ở biên giới Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc trịnh trọng tuyên bố, nếu xuất hiện những tình hình nói trên, phía Trung Quốc sẽ bảo lưu quyền tiếp tục đánh trả tự vệ”.

Đến 16.3, bộ đội biên phòng Trung Quốc đã rút toàn bộ về trong địa phận Trung Quốc. Tới đây, cuộc chiến tranh phản kích Việt Nam của Trung Quốc đã kết thúc, tầm ảnh hưởng của nó là lớn lao và sâu sắc. Khí thế xâm lược của chủ nghĩa bá chủ ở khu vực Việt Nam vâng theo ý đồ của chủ nghĩa bá chủ toàn cầu Liên Xô đã bị giáng một đòn nặng nề, đã buộc phải rút một ít quân ra khỏi Campuchia, tình hình Campuchia cũng dẫn đến sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã nêu ra phương án giải quyết tình hình ở Đông Dương, yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam. Do Trung Quốc đã nói là thực hiện, nên sau khi dạy xong cho Việt Nam một bài học đã rút quân khỏi Việt Nam, còn Việt Nam thì lại nán ở Campuchia, với sự chỉ trích của dư luận quốc tế đã bị rơi vào thế hết sức bị động.

Sự thực cho thấy, Việt Nam có dựa vào Liên Xô cũng chẳng nổi, còn mối quan hệ hiệp đồng chiến lược Trung-Mỹ được phát triển nhanh chóng kể từ sau chuyến thăm Mỹ của Đặng Tiểu Bình thì lại chịu được thử thách gay gắt trong khói lửa chiến tranh. Ngày 16.4.1979, Đặng Tiểu Bình bày tỏ: “Khi chúng tôi dạy cho Việt Nam một bài học, chúng tôi thấy hài lòng trước lập trường và thái độ thể hiện của chính phủ Mỹ, nghĩa là đề xuất Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, thái độ này khiến cho chúng tôi hài lòng. Chỉ cần Mỹ tiếp tục sử dụng lập trường này về mặt đạo nghĩa, về mặt chính trị, thì chính đó là sự ủng hộ của Mỹ đối với Campuchia”.

Ngày 19.4.1979, Đặng Tiểu Bình lại trình bày về ý nghĩa của việc dạy cho Việt Nam một bài học từ tầm cao của chiến lược toàn cầu. Ông nói: “Khi ở Mỹ, tôi nói với Tổng thống Carter rằng chúng tôi phải dạy cho Việt Nam một bài học, tuy chủ đề của chúng tôi khi ấy chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới Trung-Việt, nhưng thực tế lại không phải là xem xét vấn đề này từ góc độ hai nước Trung-Việt, cũng không phải là từ góc độ toàn bộ chiến lược toàn cầu”. Ngày 16.1.1980, trong cuộc hội nghị cán bộ do Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc triệu tập, Đặng Tiểu Bình nói rõ hơn: “Cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ đối với Việt Nam đã giành được thắng lợi cả về mặt quân sự lẫn về mặt chính trị, không chỉ đối với tình trạng ổn định của Đông Nam Á, mà cả đối với cuộc đấu tranh chống bá chủ của thế giới cũng có một tác dụng quan trọng, sau này vẫn còn có tác dụng”.

Xét từ hiệu quả của việc dạy cho Việt Nam một bài học, phía Trung Quốc với sự phối hợp của Mỹ về cơ bản đã đạt được mục đích như dự định, trận đánh này đã đập tan được sự triển khai mở rộng của chủ nghĩa bá chủ lớn nhỏ, bảo vệ đắc lực cho sự ổn định của khu vục Châu Á-Thái Bình Dương, Liên Xô không dám phản ứng gay gắt. Hơn nữa, bằng hành động chiến lược này, mối quan hệ tay ba Trung-Mỹ-Xô tế nhị lại nghiêng về thế có lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho Liên Xô. Cách nhìn của Tổng thống Carter về Liên Xô có được sự nhận thức sâu sắc hơn, sau đó đã đưa ra “Học thuyết Carter” là “sử dụng tất cả mọi biện pháp cần thiết kể cả lực lượng quân sự” để ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô. Lúc này, ngày càng có nhiều người trong chính giới Mỹ hiểu được rằng, một nước Trung Quốc lớn mạnh về quân sự là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ, tăng cường hợp tác với Trung Quốc về mặt quân sự là cần thiết và hữu hiệu đối với cuộc tấn công chống trả lại sự hùng hổ của Liên Xô. Tháng 1.1980, bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ lần đầu tiên đến thăm Trung Quốc. Trước khi khởi hành Brzezinski bày tỏ, Liên Xô xâm nhập vũ trang Afghanistan đã trao cho sứ mệnh của Brzezinski một “hàm nghĩa mới”, thắt chặt thêm mối quan hệ an ninh với Trung Quốc là “biện pháp chủ yếu” để Mỹ có thể ra phản ứng với những hành vi của Liên Xô. Điều này cho thấy, mục đích chuyến thăm Trung Quốc của Brzezinski là nằm ở chỗ tạo một nền móng vững chắc cho sự hợp tác tích cực hơn về mặt quân sự giữa hai nước Trung-Mỹ, để ứng phó với sự khiêu khích của Liên Xô. Như vậy, mối quan hệ an ninh mới giữa hai nước Trung-Mỹ đã bắt đầu xuất hiện.

Ngày 5.1.1980, kể từ ngày nước Trung Quốc mới được thành lập, bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ đầu tiên đến thăm Trung Quốc đã tới Bắc Kinh, đánh dấu sự thiết lập quan hệ của giới quân sự Trung-Mỹ. Sau khi đã tiến hành một loạt hội đàm có hiệu quả cao với lãnh đạo Trung Quốc, Brzezinski cho rằng các cuộc hội đàm giữa hai bên Mỹ-Trung thẳng thắn mà nói là giàu hiệu quả, những lĩnh vực mà giữa Mỹ-Trung có cùng mục tiêu chiến lược ngày càng nhiều. Trong thời gian ở thăm Trung Quốc, ông đã nhận lời cung cấp vệ tinh tài nguyên trái đất có thể dùng vào lĩnh vực quân sự cho Trung Quốc.

Sau khi Brzezinski rời Trung Quốc, ngày 24.1.1980, Bộ quốc phòng Mỹ đã ra tuyên bố, Mỹ sẵn sàng bán cho Trung Quốc một số thiết bị quân dụng phụ trợ một cách có lựa chọn, trên cơ sở xử lý từng hạng mục. Ngày 25.4.1980, Tổng thống Mỹ Carter tuyên bố xếp riêng Trung Quốc vào cụm T trong Nhóm kiểm soát xuất khẩu, bắt đầu bán cho Trung Quốc các sản phẩm và kỹ thuật dân dụng kiêm quân dụng trên cơ sở thẩm tra từng hạng mục. Tháng 4.1980, Bộ quốc phòng Mỹ phê chuẩn bán cho Trung Quốc các thiết bị quân dụng phụ trợ bao gồm radar phòng không, thiết bị viễn thông và máy bay trực thăng quân dụng…, đồng thời căn cứ theo bản hiệp định đã thỏa thuận năm 1979, đặt hai trạm giám sát ở Tân Cương Trung Quốc, do phía Mỹ cung cấp thiết bị, dân Trung Quốc thao tác, để giám sát thử nghiệm hạt nhân của Liên Xô. Mối quan hệ quân sự hai nước Trung-Mỹ đã có được bước tiến dài.

(http://history.huanqiu.com/txt/2010-08/1029158.html)
Ảnh minh họa : Mao trạch Đông và TT Mỹ Nixon ngày 29/2/1972.