Người Việt nào cần xấu hổ?
Nguồn : http://luuthuyhuongblog.blogspot.com/2016/12/nguoi-viet-o-uc-co-can-xau-ho.html
Bài viết của Nguyễn Doãn Đôn về các thói hư tật xấu của một bộ phận người Việt ở Đức là một sự thật không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tôi cần phải đính chính với Nguyễn Doãn Đôn và độc giả của anh: "Chữ người Việt mà tác giả đề cập trong bài không là người Việt toàn nước Đức". Xuất xứ, quan điểm và phản ứng của người viết, cũng như tiêu đề "Xin người Việt ở Đức đừng làm người Việt xấu hổ!", hoàn toàn nằm trong khuôn khổ của một người Việt sống ở miền đông nước Đức, chính xác hơn nữa là của một người Việt gốc miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Nằm trong bối cảnh xã hội và chính trị hoàn toàn khác biệt, sự phát triển của hai cộng đồng người Việt bên Đông và bên Tây thế hệ thứ nhất có rất ít điểm tương đồng. Tôi nhấn mạnh "thế hệ thứ nhất" vì đây là thế hệ còn mang nặng di sản văn hóa, chính trị, chủng tộc... sự hội nhập và thành công của họ là tiêu chí để đánh giá mức độ văn minh và tiến bộ của cộng đồng.
Người Việt bên Tây là những người đến từ "nền văn minh" Việt Nam Cộng Hòa, thành phần chủ yếu là sinh viên du học trước 75, thuyền nhân tị nạn chính trị sau 75 và những người sang định cư hợp pháp. Họ có kiến thức - văn hóa, được đào tạo chuyên môn, có ý thức hội nhập và phấn đấu mãnh liệt, dựa trên một thuận lợi rõ ràng là quyền định cư vô thời hạn ở Đức. Họ sớm ổn định cuộc sống, lặng lẽ đi về phía trước và hội nhập tích cực vào xã hội Đức.
Trong khi đó, người Việt bên Đông là những người đến từ "chế độ man rợ" Việt Nam Cộng Sản (""cách dùng từ của Dương Thu Hương). Thành phần chính trước 1989 là người lao động giản đơn (thợ khách), một số ít sinh viên - nghiên cứu sinh diện con buôn. Sau 1989 cộng đồng người Việt miền Đông phát triển nhanh chóng cùng hàng loạt người tị nạn theo đường dây buôn người đổ sang Đông Âu. Không như người Việt bên Tây, người Việt bên Đông không có thuận lợi căn bản cho mục tiêu phấn đấu lâu dài là quyền định cư vô thời hạn, cuộc sống tạm bợ ở Đức của họ hướng đến mục tiêu thủ lợi ngắn hạn bằng mọi cách thức mọi mưu kế. Họ phải lăn lộn mưu sinh và tìm cách bám trụ với vốn kiến thức eo hẹp, ngôn ngữ hạn chế cùng nền văn hóa làng xã. Tiêu chí hội nhập là vấn đề không ai đặt ra trong hoàn cảnh định cư ngắn hạn. Bên cạnh những yếu tố không thuận lợi ngay từ khi khởi đầu, cộng đồng người Việt miền Đông phải tiếp tục gồng mình đón nhận làn sóng nhập cư chui ồ ạt từ những miền quê nghèo Bắc Trung bộ. Những người nhập lậu vào nước Đức này không mang theo kiến thức, khả năng ngoại ngữ và một ý thức để hội nhập, họ mang theo nền văn hóa của một "chế độ man rợ".
Khác hẳn với người miền Nam vốn dĩ thật thà ít bốc phét, người miền Bắc ở Đức hay nói, hay giãi bày và hay đặt mình vào trọng tâm của mọi vấn đề. Nhan nhản trên các trang báo trong và ngoài nước, mỹ từ "kiều bào ở Đức" hay "người Việt ở Đức" phần lớn đều được quan sát, đánh giá từ cái nhìn và trình độ văn hóa của người miền Bắc. Điều này từ lâu được xem như là lẽ đương nhiên. Bởi vì nhà cầm quyền miền Bắc sau 1975 đã ban cho người miền Bắc cái quyền ngồi xổm trên mọi phương tiện truyền thông. Từ phương ngữ, văn hóa, đạo đức, giáo dục... đến chính tả đều lấy phía Bắc làm chuẩn.
Trừ một số rất ít tay viết kỳ cựu và bản lãnh luôn rạch ròi khái niệm Đông - Tây như Phạm Thị Hoài, Lê Minh Hà... người viết bên Đông thường áp đặt quan điểm của mình cho cả cộng đồng bên Tây. Người đọc do thiếu kiến thức lịch sử hay do bất cẩn cũng dễ dàng tin vào những bài viết hay bài nghiên cứu kiểu vơ đũa cả nắm: phần đông người Việt sang Đức đều làm kinh doanh, nhiều người Việt ở Đức có tính "nổ", nước mắt hội nhập của người Việt ở Đức, kiếp hồng nhan người Việt trên nước Đức... Bản thân tôi, khi gắn địa danh Berlin vào những trang viết của mình, tôi cũng thường xuyên được độc giả, bạn văn, nhà nghiên cứu phê bình gán cho lý lịch "người miền Bắc", "dân hợp tác lao động"... Chuyện hiểu lầm về một cá nhân là chuyện nhỏ, chỉ gây cảm giác ngạc nhiên và buồn cười, không cần phải giải thích ra đây. Nhưng chuyện hiểu sai về cả một cộng đồng, một đặc điểm lịch sử, một yếu tố địa lý... thì cũng nên đính chính.
"Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, thành phố đã bị liên quân bốn nước chiếm đóng, và sau đó các khu vực do Anh, Pháp, Hoa Kỳ chiếm đóng được hợp nhất và trở thành Tây Berlin, được bao quanh bởi bức tường Berlin và phần còn lại do Liên Xô chiếm đóng trở thành Đông Berlin (thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Đức). Sau khi nước Đức thống nhất ngày 3 tháng 10 năm 1990, Berlin trở thành thủ đô của toàn liên bang Đức." Wikipedia
Tôi đồng ý với cái nhìn của Nguyễn Doãn Đôn về những mặt tiêu cực của cộng đồng người Việt - Đông Berlin, cảm ơn anh đã nêu ra vấn đề nhằm mục đích "gạn đục khơi trong" cộng đồng của anh. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta cần xem xét bản chất vấn đề một cách nhân đạo hơn. Sản phẩm của "chế độ man rợ" này là hiện thực xã hội mang nguồn gốc sâu xa, không thể một sớm một chiều thay đổi được. Nó vẽ nên một bức tranh buồn bã về những người nhập cư đến từ những vùng quê nghèo đói, những vùng thành thị tha hóa và phải bắt đầu cuộc đời mình ở xứ sở xa lạ trong một điều kiện hoàn toàn khó khăn. Thảm cảnh đó làm người ta thương hại nhiều hơn là căm ghét.
Chúng ta có thể lên tiếng phê phán một sản phẩm kém chất lượng, nhưng xin đừng quên nhìn rõ bản mặt tội ác của những kẻ, những tập đoàn hay một chế độ đã tạo ra sản phẩm đó.
Câu hỏi được đặt ra: "Người Việt (nói chung) có cần xấu hổ về người Việt ở Đức?"
Câu trả lời của riêng tôi là: KHÔNG! Chúng ta đều phải bắt đầu cuộc sống tha phương bằng hai bàn tay trắng, tuy với những thuận lợi khác biệt ở hai miền, nhưng những thành quả mà chúng ta đạt được hiện nay cùng tương lai mà chúng ta đang gây dựng cùng người Đức phải là niềm an ủi, niềm tự hào cho toàn thể cộng đồng người Việt ở Đức. Tôi yêu những người đồng hương của tôi, bất kể bộ áo quần trên người họ dơ bẩn ra sao, bất kể họ ồn ào như thế nào ở chốn công cộng, bất kể chuyện họ phải bỏ làng bỏ xóm sang "ăn nhờ ở đợ" xứ người (!)... Chỉ cần họ đưa tay ra là tôi nắm lấy và mỉm cười: "Em là người Quảng Bình hay Nghệ Tĩnh?"
Vậy, ai là kẻ cần thấy xấu hổ? Đó là những kẻ đã đẩy hàng trăm ngàn người vô tội ra biển, mưu đồ chiến tranh - bần cùng hóa đất nước, bán rẻ biển đảo quê hương, đầu độc đời sống người dân, đánh đuổi người nghèo ra khỏi mảnh đất của ông bà tổ tiên.
Lưu Thủy Hương
Người Việt bên Tây là những người đến từ "nền văn minh" Việt Nam Cộng Hòa, thành phần chủ yếu là sinh viên du học trước 75, thuyền nhân tị nạn chính trị sau 75 và những người sang định cư hợp pháp. Họ có kiến thức - văn hóa, được đào tạo chuyên môn, có ý thức hội nhập và phấn đấu mãnh liệt, dựa trên một thuận lợi rõ ràng là quyền định cư vô thời hạn ở Đức. Họ sớm ổn định cuộc sống, lặng lẽ đi về phía trước và hội nhập tích cực vào xã hội Đức.
Trong khi đó, người Việt bên Đông là những người đến từ "chế độ man rợ" Việt Nam Cộng Sản (""cách dùng từ của Dương Thu Hương). Thành phần chính trước 1989 là người lao động giản đơn (thợ khách), một số ít sinh viên - nghiên cứu sinh diện con buôn. Sau 1989 cộng đồng người Việt miền Đông phát triển nhanh chóng cùng hàng loạt người tị nạn theo đường dây buôn người đổ sang Đông Âu. Không như người Việt bên Tây, người Việt bên Đông không có thuận lợi căn bản cho mục tiêu phấn đấu lâu dài là quyền định cư vô thời hạn, cuộc sống tạm bợ ở Đức của họ hướng đến mục tiêu thủ lợi ngắn hạn bằng mọi cách thức mọi mưu kế. Họ phải lăn lộn mưu sinh và tìm cách bám trụ với vốn kiến thức eo hẹp, ngôn ngữ hạn chế cùng nền văn hóa làng xã. Tiêu chí hội nhập là vấn đề không ai đặt ra trong hoàn cảnh định cư ngắn hạn. Bên cạnh những yếu tố không thuận lợi ngay từ khi khởi đầu, cộng đồng người Việt miền Đông phải tiếp tục gồng mình đón nhận làn sóng nhập cư chui ồ ạt từ những miền quê nghèo Bắc Trung bộ. Những người nhập lậu vào nước Đức này không mang theo kiến thức, khả năng ngoại ngữ và một ý thức để hội nhập, họ mang theo nền văn hóa của một "chế độ man rợ".
Khác hẳn với người miền Nam vốn dĩ thật thà ít bốc phét, người miền Bắc ở Đức hay nói, hay giãi bày và hay đặt mình vào trọng tâm của mọi vấn đề. Nhan nhản trên các trang báo trong và ngoài nước, mỹ từ "kiều bào ở Đức" hay "người Việt ở Đức" phần lớn đều được quan sát, đánh giá từ cái nhìn và trình độ văn hóa của người miền Bắc. Điều này từ lâu được xem như là lẽ đương nhiên. Bởi vì nhà cầm quyền miền Bắc sau 1975 đã ban cho người miền Bắc cái quyền ngồi xổm trên mọi phương tiện truyền thông. Từ phương ngữ, văn hóa, đạo đức, giáo dục... đến chính tả đều lấy phía Bắc làm chuẩn.
Trừ một số rất ít tay viết kỳ cựu và bản lãnh luôn rạch ròi khái niệm Đông - Tây như Phạm Thị Hoài, Lê Minh Hà... người viết bên Đông thường áp đặt quan điểm của mình cho cả cộng đồng bên Tây. Người đọc do thiếu kiến thức lịch sử hay do bất cẩn cũng dễ dàng tin vào những bài viết hay bài nghiên cứu kiểu vơ đũa cả nắm: phần đông người Việt sang Đức đều làm kinh doanh, nhiều người Việt ở Đức có tính "nổ", nước mắt hội nhập của người Việt ở Đức, kiếp hồng nhan người Việt trên nước Đức... Bản thân tôi, khi gắn địa danh Berlin vào những trang viết của mình, tôi cũng thường xuyên được độc giả, bạn văn, nhà nghiên cứu phê bình gán cho lý lịch "người miền Bắc", "dân hợp tác lao động"... Chuyện hiểu lầm về một cá nhân là chuyện nhỏ, chỉ gây cảm giác ngạc nhiên và buồn cười, không cần phải giải thích ra đây. Nhưng chuyện hiểu sai về cả một cộng đồng, một đặc điểm lịch sử, một yếu tố địa lý... thì cũng nên đính chính.
"Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, thành phố đã bị liên quân bốn nước chiếm đóng, và sau đó các khu vực do Anh, Pháp, Hoa Kỳ chiếm đóng được hợp nhất và trở thành Tây Berlin, được bao quanh bởi bức tường Berlin và phần còn lại do Liên Xô chiếm đóng trở thành Đông Berlin (thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Đức). Sau khi nước Đức thống nhất ngày 3 tháng 10 năm 1990, Berlin trở thành thủ đô của toàn liên bang Đức." Wikipedia
Tôi đồng ý với cái nhìn của Nguyễn Doãn Đôn về những mặt tiêu cực của cộng đồng người Việt - Đông Berlin, cảm ơn anh đã nêu ra vấn đề nhằm mục đích "gạn đục khơi trong" cộng đồng của anh. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta cần xem xét bản chất vấn đề một cách nhân đạo hơn. Sản phẩm của "chế độ man rợ" này là hiện thực xã hội mang nguồn gốc sâu xa, không thể một sớm một chiều thay đổi được. Nó vẽ nên một bức tranh buồn bã về những người nhập cư đến từ những vùng quê nghèo đói, những vùng thành thị tha hóa và phải bắt đầu cuộc đời mình ở xứ sở xa lạ trong một điều kiện hoàn toàn khó khăn. Thảm cảnh đó làm người ta thương hại nhiều hơn là căm ghét.
Chúng ta có thể lên tiếng phê phán một sản phẩm kém chất lượng, nhưng xin đừng quên nhìn rõ bản mặt tội ác của những kẻ, những tập đoàn hay một chế độ đã tạo ra sản phẩm đó.
Câu hỏi được đặt ra: "Người Việt (nói chung) có cần xấu hổ về người Việt ở Đức?"
Câu trả lời của riêng tôi là: KHÔNG! Chúng ta đều phải bắt đầu cuộc sống tha phương bằng hai bàn tay trắng, tuy với những thuận lợi khác biệt ở hai miền, nhưng những thành quả mà chúng ta đạt được hiện nay cùng tương lai mà chúng ta đang gây dựng cùng người Đức phải là niềm an ủi, niềm tự hào cho toàn thể cộng đồng người Việt ở Đức. Tôi yêu những người đồng hương của tôi, bất kể bộ áo quần trên người họ dơ bẩn ra sao, bất kể họ ồn ào như thế nào ở chốn công cộng, bất kể chuyện họ phải bỏ làng bỏ xóm sang "ăn nhờ ở đợ" xứ người (!)... Chỉ cần họ đưa tay ra là tôi nắm lấy và mỉm cười: "Em là người Quảng Bình hay Nghệ Tĩnh?"
Vậy, ai là kẻ cần thấy xấu hổ? Đó là những kẻ đã đẩy hàng trăm ngàn người vô tội ra biển, mưu đồ chiến tranh - bần cùng hóa đất nước, bán rẻ biển đảo quê hương, đầu độc đời sống người dân, đánh đuổi người nghèo ra khỏi mảnh đất của ông bà tổ tiên.
Lưu Thủy Hương
*
* *
Xin người Việt ở Đức đừng làm người Việt xấu hổ !
Tác giả Nguyễn Doãn Đôn
Gần đây nhiều bài báo trên mạng đã dám mạnh dạn đề cập đến những mặt trái của một số ít người Việt sống ở đất nước văn minh này. Họ là số ít nhưng hệ lụy lại lớn lao khôn lường.
Chẳng hạn trong khu chợ Đồng Xuân, ngày càng có nhiều khách người Đức và người nước ngoài vào mua bán. Ở đây, mặc dù ban quản lý chợ đã có nhiều cố gắng trong khâu chấn chỉnh trật tự và vệ sinh, nhưng người Việt vẫn vứt rác hôi thối và đổ nước bẩn ra quanh khu nhà. Xe đỗ thiếu ý thức làm tắc nghẽn giao thông; Hội hè tổ chức thì quá đông, ồn ào, thiếu văn minh và bất lịch sự, vì tưởng lầm như thế là oai, là hay, là đàn anh, đàn chị…
Trên tầu xe, thì người Việt nói tiếng Việt oang oang, nói tẹt ga cho sướng cái mồm, nói như ở chỗ không người. Tư thế ngồi không ngay ngắn, quấn áo lôm nhôm, giày dép bẩn, có người còn đi nhầm đôi tất không đồng màu, để lộ rõ, chân bốc mùi hôi hám, làm cho khách ngồi cạnh phải bịt mũi quay đi, hay lánh sang chỗ khác ngồi. Có người còn cho tay lên ngoáy tai, ngoáy mũi, sì mũi không có khăn, ho nhiều lần không bịt miệng, bắn nước miếng vào người khác, mở nhạc và nói chuyện trên điện thoại quá to. Có rất nhiều cái xấu nhãn tiền mà không giấy bút nào tả cho thấu và cho hết được. Nhục và xấu hổ lắm !
Một số bà mẹ trẻ thì rủ nhau đẩy xe trẻ con, hai cái xe đã to và cồng kềnh lại đi dạo thành hàng ngang, sóng đôi choán hết phần đường của người đi xe đạp và đi bộ. Đã vậy họ còn nói chuyện và cười to vang cả một vùng. Cứ làm như đây là „Nam quốc sơn hà Nam Đế cư“ vậy.
Đi làm giấy tờ trong công sở, tiếc tiền không thuê phiên dịch, tiếng Đức đã kém, không biết cách trình bày, cộng thêm sự không hiểu biết, tính khí nóng nảy, cái đầu lại quay quay nên dẫn tới nhiều trường hợp chửi nhau với nhà chức trách và nghiêm trọng hơn còn đánh họ gây thương tích. Thật là ngu ngốc, tàn bạo và là sự nhục nhã, xấu hổ cho cộng đồng.
Nước mình có, không ở, sang nước người ta, ăn nhờ, ở đợ vào xã hội tươi đẹp của họ, do ông cha họ tạo dựng nên từ bao nhiêu thế kỷ; Thế mà không biết điều. Nhiều trường hợp, nếu dùng từ cho chuẩn là họ đang ăn bám.
Một số người tự hành nghề, khi nộp thuế tự khai đã không chính xác, họ làm mấy chục năm mua bao nhiêu đất ở Việt Nam, chưa bao giờ nộp thuế thu nhập cá nhân, ấy vậy đến lúc bất đắc dĩ phải nộp vài trăm thuế doanh thu đã huênh hoang, lên mặt, vỗ ngực là ta đây có công đóng góp to lớn cho nhà nước Đức, rồi tiếc mấy đồng thuế đó tìm cách này, cách khác để lấy lại.
Một số người tận dụng „hết công suất“ của xã hội, cố tìm và moi móc ra những kẽ hở để khai thác và lợi dụng. Lòng tham ở một số người thật vô đáy, vô cùng.
Người Việt mới sang chúng ta còn châm chước, nhưng một số vị sang Đức này „ từ lúc tóc còn xanh, nay họ đã phơ phơ đầu bạc“. Họ đã thành „cộng mốc“ lâu rồi mà xem chừng chỉ vì say mê đào tiền quá mà „bao năm rồi tiếng cuốc vọng năm canh“ hai chữ hội nhập vẫn mơ màng, chưa tỉnh ngộ.
Có người trả bảo hiểm cho cửa hàng vài năm, không bị phá, bị cháy. Lẽ ra phải mừng mới phải, đằng này họ lại tiếc, cho là mình trả bảo hiểm phí quá !!!???. Sao họ không nghĩ là nếu họ ốm đau phải qua một ca mổ tốn kém đến vài trăm nghìn, mà trong khi đó bảo hiểm ốm đau, họ chỉ phải trả có vài trăm hay vài chục và thậm chí không phải trả vì do ăn theo hoặc có thu nhập thấp?
Con người hơn con vật là do có ý thức về Xã hội và cộng đồng. Người Đức họ hơn ta phải chăng họ có „Đức tính“ còn chúng ta có „VIỆT TÍNH“ chăng?
Tôi thiết nghĩ đã đến lúc cộng đồng ta phải chấn chỉnh ngay những điều không đẹp mắt và những việc làm xấu của một số người. Ngay từ khi nước Đức thống nhất, chúng ta đã mang tiếng xấu liên quan tới „mafia thuốc lá“, người Việt giết người Việt. Giờ đây lại thêm người Việt trồng cần sa, buôn ma túy, người Việt đánh hay giết người Đức nữa; Một số người Đức còn cho rằng: Người Việt buôn bán trốn thuế nên vào chợ Đồng Xuân thấy nhiều xe sang đỗ khắp nơi…Chỗ nào cũng nhan nhản quán xá của người Việt, làm ăn nhỏ lẻ, chộp giật mà thuế nộp quá là “khiêm tốn.”
Trước đây đất nước ta trải qua chiến tranh khốc liệt, người Đức nhất là phía Đông Đức đã giúp đỡ rất nhiều và cũng rất có cảm tình với người Việt chúng ta. Họ thương chúng ta vì chúng ta nghèo và hiền lành…
Tại sao giờ đây họ lại giảm yêu, tăng ghét với người mình? Dù chúng ta có ngụy biện thế nào đi chăng nữa là do điều kiện khách quan hay chủ quan thì theo tôi, lỗi lớn vẫn là do từ phía mình là chính. „Tiên trách kỷ, hậu trách nhân“.
Mong cộng đồng chúng ta hãy gạn đục khơi trong, để lấy lại thiện cảm của người dân bản xứ. Hãy cùng nhau đấu tranh và góp ý về những việc làm ảnh hưởng xấu đến bộ mặt của người Việt, nếu không thì „con sâu làm rầu nồi canh“, từng người trong cộng đồng chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn vì những ảnh hưởng xấu đó.
Chúng ta có điều bất lợi là một số không ít người Đức, khi đọc trên báo hay nhìn thấy những điều chướng tai gai mắt nào đó của người Việt gây ra là y như rằng họ „vơ đũa cả nắm“. Người châu Âu với nhau, về hình thức còn khó phát hiện là người nước nào. Còn người Việt Nam mình, do ngoại hình và màu da, màu tóc, nên cái hay hoặc cái dở bị họ phát hiện ngay từ xa và rất nhanh. Khi vào „bộ nhớ“ của họ rồi thì rất khó mà tẩy xóa được.
Mong mọi người đừng để LÒNG THAM vô đáy và cái VÔ MINH của mình gây ảnh hưởng xấu người khác. Đó là bổn phận của từng người dân sống ở nước ngoài. Vì ta không phải chỉ sống một mình.
Nguyễn Doãn Đôn, Thoibao.de
Nguồn : http://luuthuyhuongblog.blogspot.com/2016/12/nguoi-viet-o-uc-co-can-xau-ho.html
Nguồn : http://luuthuyhuongblog.blogspot.com/2016/12/nguoi-viet-o-uc-co-can-xau-ho.html