Thượng Đức : Trận đánh đầu tiên
Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản mới đây mà đã 30 năm. Đối với lịch sử, 30 năm không là gì cả, nhưng đối với một đời người, 30 năm là một quảng thời gia quan trọng, nó dài hơn một phần ba cuộc đời, nhất là khi đó là một phần ba cuối đời!
Cách đây 10 hay 15 năm về trước, một số chính khách miền Nam lưu vong vẫn còn nuôi mộng trở lại nắm một địa vị hay một chức vụ nào đó trên quê hương, trong đó có cả cựu Quốc Trưởng Nguyễn Khánh và cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng lịch sử chẳng chờ ai. Thay vì quay trở lại quê hương, họ đã lần lượt đi vào lòng đất!
Cách đây 10 hay 15 năm về trước, một số chính khách miền Nam lưu vong vẫn còn nuôi mộng trở lại nắm một địa vị hay một chức vụ nào đó trên quê hương, trong đó có cả cựu Quốc Trưởng Nguyễn Khánh và cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng lịch sử chẳng chờ ai. Thay vì quay trở lại quê hương, họ đã lần lượt đi vào lòng đất!
Để góp phần trả lời câu hỏi nói trên, trước hết chúng tôi xin trình bày qua về trận đánh THƯỜNG ĐỨC, một trận đánh mở màn cho cuộc xâm chiếm miền Nam của Hà Nội. Qua trận đánh này, chúng ta sẽ thấy các chiến sĩ VNCH ngoài mặt trận đã chiến đấu rất kiên cường và rất thiện chiến, sẵng sàng hy sinh tất cả cho tổ quốc, trong khi đó các cấp lãnh đạo lại quá yếu kém về cả quân sự lẫn chính trị, lại còn độc đoán và tham những, nên đã đưa miền Nam vào cảnh tang thương chưa từng có trong lịch sử với những hậu quả còn kéo dài đến ngày nay!
SƠ LƯỢC KẾ HOẠCH CỦA HÀ NỘI
Tháng 10 năm 1973, nghĩa là mới 9 tháng sau khi Hiệp Định Paris được ký kết, hội nghị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 21 họp tại Hà Nội đã đưa ra nghị quyết như sau: “Con đường thắng lợi của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, bất cứ trong tình hình nào cũng phải giữ vững đường lối chiến lược tiến công, phải nắm vững thời cơ và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng tiến lên.” Nghị quyết nầy mở màn cho những cuộc tấn công mới chiếm miền Nam sau Hiệp Định Paris.
Để có thể kết thúc chiến trường một cách nhanh chóng, kế hoạch của Cộng Quân là đánh thẳng vào đầu não của miền Nam ở Sài Gòn, bỏ qua các tỉnh miền Trung. Muốn vậy, phải đưa quân vào Phước Long và Bình Long. Muốn đưa quân vào hai tỉnh này, công việc đầu tiên mà Bắc Việt phải làm là hoàn thành con đường Đông Trường Sơn, khúc từ Đông Hà (Quảng Trị) đến Phước Long. Hà Nội cho biết nếu phải vận chuyển bằng con đường Tây Trường Sơn trên đất Lào, từ Nghệ Tĩnh vào đến Pleiku, quân đội Bắc Việt phải mất ít nhất 6 tháng. Trái lại, nếu vận chuyển bằng đường Đông Trường Sơn trên lãnh thổ miền Nam, chỉ mất có một tháng. Vì thế, Hà Nội phải cho làm con đường Đông Trường Sơn bằng mọi giá. Trong cuốn “Đại Thắng Mùa Xuân” xuất bản năm 1976, Tướng Văn Tiến Dũng đã viết:”Một vấn đề then chốt là phải có hệ thống đường cơ động tốt. Công trình xây dựng con đường chiến lược Đông Trường Sơn bắt đầu từ năm 1973, hoàn thành đầu năm 1975 được xúc tiến với nhịp độ hết sức khẩn trương nối liền từ đường số 9 (Quảng Trị) vào đến miền Đông Nam Bộ là công trình lao động của hơn 30.000 bộ đội và thanh niên xung phong, đưa tổng số chiều dài đường chiến lược và chiến dịch, cũ và mới, làm trong suốt cuộc chiến tranh lên hơn 20.000 kilô mét...
”Dọc theo đường chiến lược Đông Trường Sơn là hệ thống 5.000 kilô mét ống dẫn dầu kéo dài từ Quảng Trị qua Tây Nguyên tới Lộc Ninh, vượt cả sông, suối sâu, núi cao, có ngọn hơn 1000 mét, đủ sức tiếp dầu cho hàng chục ngàn xe các loại vào, ra trên đường...”
KHÁI LƯỢC VỀ ĐÔNG TRƯỜNG SƠN
Ngày xưa, sau khi chiếm Đông Dương, Pháp đã cho thiết lập một quốc lộ đi nép chân phía đông dãy Trường Sơn trên lãnh thổ Việt Nam, gọi là Quốc lộ 14. Quốc lộ này có tổng chiều dài là 1.380km và đi qua 10 tỉnh: Từ Nghệ An qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Kon Tum, Pleiku, Ban Mê Thuột và Bình Phước. Khi lập con đường này, Pháp nhắm các mục tiêu sau đây:
(1) Bảo vệ an ninh lãnh thổ,
(2) Hành quân thanh toán các tổ chức buôn lậu,
(3) Khai thác lâm sản
(4) Khai triển và xử dụng các sắc tộc thiểu số.
Trong chiến tranh Việt - Pháp từ 1945 đền 1954, con đường này bị bỏ phế vì Pháp không đủ khả năng bảo vệ. Sau Hiệp Định Genève 1954, khi vừa ổn định xong miền Nam, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã nghĩ ngay đến việc làm lại Quốc lộ 14 để bảo vệ lãnh thổ. Công việc này được khởi sự từ năm 1958 và giao cho Liên Đoàn 4 Công Binh phu trách. Liên đoàn này do Trung Tá Trần Văn Kha chỉ huy. Có lần Tổng Thống đã đích thân đến xem xét tại chỗ. Nhưng khi làm đoạn Kontum - Gia Vực, công việc cứ cù nhầy hoài, Trung Tá Kha bị cất chức. Chuyện xây dựng đường 14 chưa hoàn tất thì Tổng Thống Diệm đã bị Mỹ giết.
Trong chiến tranh Việt - Pháp từ 1945 đền 1954, con đường này bị bỏ phế vì Pháp không đủ khả năng bảo vệ. Sau Hiệp Định Genève 1954, khi vừa ổn định xong miền Nam, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã nghĩ ngay đến việc làm lại Quốc lộ 14 để bảo vệ lãnh thổ. Công việc này được khởi sự từ năm 1958 và giao cho Liên Đoàn 4 Công Binh phu trách. Liên đoàn này do Trung Tá Trần Văn Kha chỉ huy. Có lần Tổng Thống đã đích thân đến xem xét tại chỗ. Nhưng khi làm đoạn Kontum - Gia Vực, công việc cứ cù nhầy hoài, Trung Tá Kha bị cất chức. Chuyện xây dựng đường 14 chưa hoàn tất thì Tổng Thống Diệm đã bị Mỹ giết.
Khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, quân đội Mỹ đã cho thiết lập các đồn bót trên con đường 14, từ Khe Sanh ở Quảng Trị đến Ban Mê Thuột, để ngăn chận sự di chuyển của Cộng quân. Vì không thể xử dụng con đường này, Cộng quân phải làm con đường Tây Trường Sơn trên đất Lào để chuyển quân. Tiếc thay, sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam, các nhà lãnh đạo quân sự VNCH không nhận ra được tầm quan trọng của con đường 14 và cũng không có đủ phương tiện để bảo vệ, nên Cộng quân đã biến con đường này thành con đường chiến lược xâm chiếm miền Nam!
Đại khái, lộ trình con đường Đông Trường Sơn do Cộng quân làm lại như sau: Khởi đầu từ Khe Cát thuộc huyện Bố Trạch ở Quảng Bình, vượt sông Bến Hải phía trên nguồn đi qua chiến khu Ba Lòng ở Quảng Trị vào Thừa Thiên, qua A Lưới, A Shau rồi đi nép theo biên giới Việt - Lào phía sau đèo Hải Vân vào Quảng Nam, khi đến Khâm Đức thì vòng lên Ngọc Hồi thuộc Kontum. Đến đây, vì khúc đường 14 từ Kontum đến Ban Mê Thuột đang do quân đội VNCH trến giữ nên Cộng quân phải làm con đường thứ hai lấy tên là đường 14A đi sát biên giới Việt - Lào qua các tỉnh Kontum, Pleiku và Ban Mê Thuột. Tại đây, hai đường Trường Sơn Tây và Trường Sơn Đông gặp nhau rồi đổ xuống Lộc Ninh, Chơn Thành, Bình Long và Phước Thành.
Kể từ cuối năm 1973, các không ảnh chụp được cho thấy nhiều khúc đường 14 từ Thừa Thiên đến Ban Mê Thuột đang được Cộng quân sửa chửa hoặc chuyển quân. Cạnh con đường đó, có một hệ thống ống dẫn dầu chằng chịt. Biệt kích đã được thả xuống nhiều nơi để thám sát hoặc phá vỡ. Các phi cơ A.37 được gọi đến để oanh tạc những đoàn xe đang chạy trên đường 14 hoặc các toán nhân công đang làm đường, nhưng phá xong thì chỉ ít lâu sau, Cộng quân đã làm lại. Chỉ có B.52 mới có thể phá sập những hệ thống đường và ống dẫn dầu rộng lớn. Nhưng lúc đó B.52 không còn!
Tuy nhiên, trên con đường 14 có hai cái chốt do Quân lực VNCH trấn giữ, Cộng quân không thể đi qua được, đó là THƯỜNG ĐỨC ở phía tây Đà Nẵng và ĐỨC LẬP ở phía tây Ban Mê Thuột. Vậy muốn thông con đường Đông Trường Sơn, Cộng quân phải thanh toán THƯỜNG ĐỨC và ĐỨC LẬP bằng mọi giá. Điều đáng tiếc và cả Tổng Thống Thiệu lẫn các Tướng Lãnh VNCH đã không nhận ra được chiến lược và chiến thuật của địch, nên không có các biện pháp bảo vệ hữu hiệu.
KHÁI LƯỢC VỀ THƯỜNG ĐỨC
Thường Đức (có sách viết là Thượng Đức, nhưng không đúng) thuộc tỉnh Quảng Nam, nằm ở phía tây Đà Nẵng, cách Đà Nẵng khoảng 60 cây số và cách biên giới Việt - Lào khoảng 50 cây số. Để giúp độc giả dễ nắm vững hơn những trận đánh được mô tả trong bài này, trước tiên chúng tôi xin mô tả qua về địa thế tỉnh Quảng Nam và vị trí quận Thường Đức trong tỉnh này.
Lãnh thổ miền Trung khi đi qua ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên thì thu nhỏ lại, có nơi bề ngang chỉ 50 cây số, nhưng khi qua khỏi đèo Hải Vân đi vào tỉnh Quảng Nam, lãnh thổ bung rộng ra. Vì thế, tỉnh Quảng Nam rất lớn, có diện tích đến 11.043 cây số vuông. Tuy nhiên, 72% lãnh thổ tỉnh này là núi rừng, trong đó có rất nhiều đỉnh núi rất cao như đỉnh Lam Heo 2.045m, đỉnh Tion 2.032m, v.v. Có nhiều khu rừng nguyên sinh chưa khai phá như rừng Phước Sơn. Chỉ khoảng 25% lãnh thổ là đồng bằng. Vì thế, việc bảo vệ Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 1962, để bảo vệ an ninh lãnh thổ và phát triển, chính phủ Ngộ Đình Diệm đã ban hành sắc lệnh chia tỉnh Quảng Nam ra thành hai tỉnh: tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Tín. Tỉnh Quảng Nam từ đèo Hải Vân đến sông Rù Rì và tỉnh Quảng Tín là phần đất còn lại.
* Quảng Tín gồm 6 quận: Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Hiệp Đức, Hậu Đức và Lý Tín.
* Quảng Nam được chia ra 9 quận: Đức Dục, Quế Sơn, Thường Đức, Hiếu Đức, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang và Hiếu Nhơn.
Thường Đức là một quận mới được thành lập năm 1962, tách ra khỏi quận Đức Dục cũ, nằm sâu vào trong núi. Từ quận Điện Bàn nằm trên Quốc lộ 1 có Liên tỉnh lộ 4 chạy nép theo sông Vu Gia dẫn vào Thường Đức dài khoảng 40 cây số, nhưng đường sá rất hiểm trở. Thường Đức nằm ở ngã tư Liên tỉnh lộ 4 và Quốc lộ 14. Sở dĩ chính phủ Ngô Đình Diệm cho thành lập quận này là để cắt đứt con đường 14, không cho Cộng quân di chuyển vào Nam. Vùng chung quanh đường 14 có bộ lạc Katu sinh sống.
Con đường 14, khi qua khỏi phía sau đèo Hải Văn thì gặp Hiên, người Pháp gọi là Prao, nằm cách Đà Nẵng khoảng 90 cây số, sau đó đi xuống thung lũng sông Vu Gia, nơi có bến Giằng nằm trên nhánh sông Cái và quốc lộ 14. Thung lũng này không rộng lắm. Tại đây có một đồn biên giới của Pháp ngày xưa và có một số làng Việt Nam sống bên ngoài thung lũng. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã dùng nơi đây làm quận lỵ Thường Đức.
Qua khỏi Thường Đức, đường 14 đi vào mật khu Hiệp Đức của Cộng quân, chạy dọc phía trên các quận Đức Dục, Tiên Phước, Hiệp Đức và Hậu Đức, vào đến Khâm Đức thuộc Phước Sơn rồi quẹo lên Kontum.
DỨT ĐIỂM THƯỜNG ĐỨC
Tỉnh Quảng Nam là vùng xôi đậu. Dựa trên tài liệu “Việtnam from Cease-Fire to Capitulation” (Từ Đình Chiến đến Đầu Hàng) của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ do Đại Tá William E. Le Gro biên soạn, và dựa trên sự tường thuật của nhiều nhân chứng, chúng tôi xin tóm lược về trận Thường Đức như sau:Trong thời gian 1973 và 1974, phía Việt Nam Cộng Hòa có Sư Đoàn 3 Bộ Binh trấn giữ tỉnh Quảng Nam và một phần tỉnh Quảng Tín. Sư đoàn này có ba trung đoàn cơ hữu là Trung Đoàn 2, Trung Đoàn 56 và Trung Đoàn 57. Trung Đoàn 2 phụ trách khu vực Gò Nồi và quận Đức Dục. Trung Đoàn 56 chịu trách nhiệm về hai quận Quế Sơn và Thăng Bình. Trung Đoàn 57 là trung đoàn trừ bị.
Hai nơi hiểm yếu và chịu áp lực nặng nhất là Nông Sơn và Thường Đức, được giao cho Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân. Liên đoàn này có 3 tiểu đoàn là 77, 78 và 79. Tiểu Đoàn 78 đóng ở Nông Sơn và Tiểu Đoàn 79 đóng ở Thường Đức. Quận lỵ Thường Đức vốn do một tiểu đoàn Địa Phương Quân bảo vệ. Vào giữa tháng 6 năm 1974, khi được tin Cộng quân có thể tấn công Thường Đức, Tiểu Đoàn 79 mới được đưa từ Quảng Ngãi về trấn giữ vị trí này.
Phía Cộng quân có Sư đoàn 711 và Trung Đoàn 52 biệt lập. Sư đoàn 711 có các trung đoàn 31, 38 và 270. Ngoài ra, Cộng quân còn có Tiểu Đoàn 10 Đặc Công. Sư Đoàn 711 đặt bản doanh tại mật khu Hiệp Đức nằm khoảng giữa Nông Sơn và Hậu Đức thuộc tỉnh Quảng Tín, và khống chế toàn bộ con đường 14 trong lãnh thổ tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, vì kẹt đồn Thường Đức, Cộng quân không thể khai thông đường 14 được. Tháng 6 năm 1974, Hà Nội ra lệnh dứt điểm Thường Đức, trước là để khai thông con đường Đông Trường Sơn, sau là thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ.
Trong năm 1972, Sư Đoàn 711 đã chiếm quận Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam và Tiên Phước của tỉnh Quảng Tín. Tháng 7 năm 1972, Sư Đoàn 3 VNCH và Biệt Động Quân đã chiếm lại hai quận này, sau đó mở cuộc hành quân Quang Trung 81 tiến từ Quế Sơn vào mật khu Hiệp Đức. Sư Đoàn 711 bị thiệt hại nặng, Trung Đoàn 270 của sư đoàn này phải bị giải thể. Đến năm 1974, Sư Đoàn 711 được đổi tên thành Sư Đoàn 2 và bắt đầu hoạt động trở lại với ba Trung Đoàn 1, 31 và 38. (Xin đừng lầm lẫn Sư Đoàn 2 này với Sư Đoàn 2 Sao Vàng đã bị B-52 tiêu diệt trong trận Kontum năm 1972 và sau đó phải giải thể).
Vào khoảng tháng 6 năm 1974, kẻ viết bài nầy có đi với một phái đoàn báo chí ra Đà Nẵng và được đưa lên Thường Đức bằng trực thăng để quan sát mặt trận. Chúng tôi được nghe thuyết trình về các hoạt động của Cộng quân chung quanh quận Thường Đức và cho biết Cộng quân sắp tấn công Thường Đức. Như vậy Quân Đoàn I đã nắm rất vững kế hoạch tấn công của địch và sau đó đã đưa Tiểu Đoàn 79 BĐQ về trấn giữ ở đây.
Tuy Thường Đức chỉ do Tiểu Đoàn 79 BĐQ và một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân trấn giữ, nhưng các Tướng của Cộng quân đã cho rằng “đánh Thường Đức còn khó hơn đánh Quảng Trị”, vì vị thế của Thường Đức rất hiểm trở. Vì thế, Bắc Việt phải huy động gần 3 sư đoàn để đánh Thường Đức: Sư Đoàn 2, Sư Đoàn 304, Trung Đoàn 29 của Sư Đoàn 324B và Trung Đoàn 36 của Sư Đoàn 308.
Ở đây chúng tôi cũng xin mở một dấu ngoặc: Sư Đoàn 308 là một sư đoàn thiện chiến của Bắc Việt, đã từng gây kinh hoàng cho Sư Đoàn 3 VNCH trong Mùa Hè Đỏ Lữa ở Quảng Trị. Nhưng trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào, Sư Đoàn 308 đã bị B-52 tiêu diệt, chỉ còn lại khoảng một trung đoàn, tập hợp là thành Trung Đoàn 36. Phải chăng trong trận này, Cộng quân muốn dùng cái tên Sư Đoàn 308 để uy hiếp tinh thần của Sư Đoàn 3 VNCH?
Sư Đoàn 2 CQ và Trung Đoàn 36 của Sư Đoàn 308 có nhiệm vụ chận các đường tiếp viện. Trung Đoàn 29 thuộc Sư Đoàn 324B và Sư Đoàn 304, một sư đoàn thiện chiến của Bắc Việt, mở cuộc tấn công thẳng vào Thường Đức. Mặt trận do Tướng Hoàng Đan, Quân Đoàn Phó Quân Đoàn 2 của Cộng Quân làm Tư Lệnh.
Trước khi đánh Thường Đức, ngày 18.7.1974 Cộng quân cho Trung Đoàn 36 của Sư Đoàn 308 đánh chiếm Nông Sơn, nơi đang do Tiểu Đoàn 78 BĐQ trấn giữ. Cụm phòng thủ Nông Sơn “ Trung Phước nằm hai bên bờ sông Tỉnh Yên, cách quận lỵ Đại Lộc chỉ 16 cây số. Với sự tăng cường của 2 tiểu đoàn thuộc Sư Đoàn 2 CQ và Tiểu Đoàn 10 Đặc Công, vào trưa 18.7.1974, Cộng quân đã tràn ngập căn cứ Nông Sơn. Sư Đoàn 3 VNCH liền đưa Trung Đoàn 2, một pháo đội 155 ly, một pháo đội 175 ly và một chi đoàn của Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh đánh chiếm lại, nhưng không tái chiếm được và bị thiệt hại nặng. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 VNCH phải huy động Liên Đoàn 12 BĐQ (gồm ba tiểu đoàn 21, 37 và 39) vào thay Trung Đoàn 2 mới tái chiếm được.
Ngày 29.7.1974, Cộng Quân mở cuộc tấn công vào quận Đức Dục do Tiểu Đoàn 21 BĐQ trấn giữ và bắn pháo vào phi trường Đà Nẵng, đồng thời cho Trung Đoàn 29 tấn công vào Chi Khu Thường Đức do Địa Phương Quân trấn giữ. Thông tin với Chi Khu bị mất liên lạc. Từ Đồi 52 gần Đại Lộc, Cộng quân đã pháo kích rất chính xác vào các vị trí phòng thủ của Tiểu Đoàn 79 BĐQ. Hai tiền đồn BĐQ ở phía tây bị mất liên lạc.
Sáng 30.7.1974, Chi Khu Phó Chi Khu Thường Đức bị thương do pháo kích, nhưng các cuộc tấn công của Cộng quân đều bị đẩy lui. Sau đó, phi cơ quan sát của Không Quân nhìn thấy một đoàn xe của Cộng quân đang di chuyển trên Liên tỉnh lộ 4 ở phía tây Thường Đức, liền gọi phi cơ đến oanh tạc, phá hủy được 3 chiến xa của Cộng quân và nhiều xe vận tải khác. Cũng trong ngày 30.7.1974, Biệt Động Quân đã bắt được một tù binh của Cộng quân và biết được lực lượng của Cộng quân đang mở cuộc tấn công là Trung Đoàn 29 của Sư Đoàn 324B.
Ngày 31.7.1974, Cộng quân bắt đầu cho bộ đội tấn công vào Thường Đức. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 79 BĐQ gọi pháo binh bắn trọng pháo vào ngay Bộ Chĩ Huy của tiểu đoàn. Điều này chứng tỏ Công quân đã tràn ngập Bộ Chỉ Huy của tiểu đoàn. Được tin này, Tướng Nguyễn Duy Hinh quyết định cho Trung Đoàn 2 thuộc Sư Đoàn 3 đang ở phía tây Đại Lộc tiến theo LTL 4 đến giải cứu Thường Đức, nhưng không tiến được. Tướng Hinh phải đưa đại bác 175 ly vào Hiếu Đức để bắn yểm trợ cho Thượng Đức, trong khi đó Không Quân đến oanh tạc vòng đai quanh Thượng Đức, gây tử thương cho 13 Cộng quân và 45 bị thương.
Tiểu đoàn 79 BĐQ có nhiều người bị thương nên đã yêu cầu cho trực thăng đến chuyển thương, nhưng Không Quân trả lời rằng chỉ khi nào diệt xong các ổ súng phòng không của Cộng quân quanh Thường Đức, trực thăng mới có thể hạ cánh được.
Khi thấy tình hình nguy ngập, Tướng Ngô Quang Trưởng đã ra lệnh cho một Chi Đội Thiết Giáp M-48 đang đóng ở Tân Mỹ, Thừa Thiên, di chuyển ngay vào Đà Nẵng để giải cứu Thường Đức. Ngày 1.8.1974, khi Chi Đội M-48 vừa đến Đà Nẵng, Tướng Hinh liền cho thiết lập một lực lượng đặc nhiệm gồm có Trung Đoàn 2 Bộ Binh và Thiết đoàn 11 Kỵ Binh đi tái chiếm Thường Đức, nhưng lực lượng này không tiến lên được.
Ngày 4.8.1954, Biệt Động Quân tìm thấy 53 xác Cộng quân bị máy bay oanh tạc chết ở những ngọn đồi phía tây nam Thường Đức.
Ngày 5.8.1974, Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 2 bắt được một tù binh. Tù binh này khai thuộc Trung Đoàn 29 và cho biết trung đoàn này đang đóng giữa Thường Đức và Đồi 52. Tướng Hinh liền cho Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 2 và Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 57 tiến chiếm Đồi 52, nhưng khi còn cách đồi này khoảng 4 cây số thì phải dừng lại vì pháo của Cộng quân quá mạnh.
Trong khi đó, Trung đoàn 66 của Sư Đoàn 304 bắt đầu tấn công vào Thường Đức. Tiểu đoàn 79 BĐQ cho biết đạn dược và lương thực bắt đầu cạn. Máy bay đã đến thả đạn dược và lương thực xuống cho Tiểu Đoàn 79, nhưng không may tất cả đã rơi ngoài vòng rào, vì máy bay không dám bay thấp.
Ngày 6 và đêm 7.8.1974, Cộng quân pháo khoảng 1200 trái pháo vào căn cứ Thường Đức, sau đó cho bộ binh tràn vào. Lúc 8 giờ 30 sáng ngày 7.8.1974, Tiểu Đoàn 79 BĐQ thông báo không còn giữ căn cứ được, phải rút lui và cắt đứt liên lạc. Thường Đức hoàn toàn bị thất thủ.
LỰC LƯỢNG DÙ THAM CHIẾN
Năm 1973, sau khi Hiệp Định Paris được ký kết, cuộc chiến Việt Nam tạm ngưng, nhưng hai sư đoàn tổng trừ bị là Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến vẫn còn được Tướng Ngô Quang Trưởng lưu giữ tại Quân khu I.
Ngày 7.8.1974, sau khi Thường Đức bị chiếm và áp lực của Cộng quân đè nặng ở phía tây Đà Nẵng, Tướng Ngô Quang Trưởng quyết định đưa Lữ Đoàn 1 và Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù từ Thừa Thiên vào Đà Nẵng để tái chiếm Thường Đức.
Ngày 8.8.1974, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù gồm 3 tiểu đoàn trực thuộc đã được vận chuyển đến Đại Lộc ở phía đông Thường Đức. Ngày 11.8.1974, Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù được di chuyển bằng phi cơ xuống phi trường Đà Nẵng sau khi bàn giao khu vực trách nhiệm cho Liên Đoàn 15 BĐQ. Sau đó, Tướng Lê Quang Lưởng cho di chuyển Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù vào đặt bản doanh gần bờ biển Non Nước, phía đông nam thành phố Đà Nẵng để chỉ huy.
Biết Quân Lực VNCH sẽ tìm cách chiến lại Thường Đức, Cộng quân cho Trung đoàn 29 chiếm giữ những ngọn đồi thấp ở phía nam của dãy núi núi cao chạy dọc theo sông Vu Gia và Liên tỉnh lộ 4, ngăn chận con đường gồ ghề và ngoẳn nghèo đi vào Thường Đức. Điểm cao nhất của dãy núi nầy là đỉnh 1235 cách Liên tỉnh lộ 4 khoảng 6 cây số về phía bắc. Đỉnh thứ hai là đỉnh 1062 nằm ở phía nam cách đỉnh 1235 khoảng 2 cây số. Cộng quân đã chiếm đỉnh 1062 để có thể kiểm soát đoạn đường từ Đại Lộc đến Thường Đức. Cộng quân cũng cho các tiền sát viên điều chỉnh pháo binh bắn chính xác vào các đơn vị của VNCH ở Đại Lộc. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên của hai Lữ Đoàn Dù là phải chiếm đỉnh 1062 bằng mọi giá.
Trước hết, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù được giao phó nhiệm vụ ngăn chận địch xâm nhập vùng quận Hiếu Đức. Ngày 18.8.1974, khi ba Tiểu đoàn 1, 8, và 9 Nhảy Dù vừa tiến quân thì đụng đầu ngay với các đơn vị của Trung đoàn 29 ở phía đông đồi 52 gần xã Hà Nha. Sau một tháng đánh nhau, hai bên đều bị thiệt hại nặng. Cộng quân phải điều Trung đoàn 31 thuộc Sư Đoàn 2 vào Thường Đức thay thế Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304 để Trung Đoàn 66 phụ lực với Trung đoàn 29 chống lại các đơn vị Nhảy Dù.
Vì Cộng quân đã cho làm các hầm hố kiên cố quanh đỉnh 1062 bằng những thân cây rừng to lớn nên pháo binh và không quân của VNCH không thể phá vỡ được. Do đó, Lữ Đoàn Dù đã phải quyết định phóng lựu đạn cay và bình E8 để buộc địch phải chui ra khỏi các hầm trú ẩn rồi xin máy bay thả bom lửa Napalm đốt. Nhưng Lữ Đoàn Dù vừa chiếm được các vị trí quan trọng quanh đỉnh 1062 được ít lâu, Cộng quân đã dùng một lực lượng đông đảo hơn để chiếm lại. Hai bên bị tiêu hao rất nặng.
Vào đầu tháng 9/1974, Cộng quân cho thêm Trung Đoàn 24 của Sư Đoàn 304 đến trợ chiến với Trung Đoàn 29 và Trung Đoàn 66. Nhưng vào chiều ngày 19.9.1974, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù báo cáo đã chiếm được đỉnh 1062.
Ngày 2.10.1974, Tiểu đoàn 2 và Thiểu Đoàn 9 Nhảy Dù mở cuộc lục soát ở khu vực quanh đồi 1062 và dãy Sơn Gà, khám phá ra khoảng 300 xác địch và bắt sống được 7 tù binh thuộc Sư Đoàn 304. Một tuần sau, Sư Đoàn 304 lại mở cuộc tấn công tái chiếm đỉnh 1062. Nhưng nhờ pháo binh và phi cơ yểm trợ, các đơn vị Dù vẫn giữ vững đồi 1062.
Tính đến trung tuần tháng 10/1974, sau gần 2 tháng quần thảo với Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 304 của Cộng Quân, Lữ Đoàn 1 Dù gồm 4 tiểu đoàn đã bị tổn thất khoảng 500 chiến sĩ vừa chết vừa bị thương. Phía Cộng quân bị thiệt mất trên 1200 người và 14 người bị bắt làm tù binh.
Ngày 29 tháng 10 năm 1974, Trung đoàn 24 của Sư Đoàn 304 đã dùng súng phóng hỏa đốt đồi 1062 khiến các lực lượng Dù phải rút khỏi đỉnh đồi. Ngày 1.11.1974 Cộng quân lại chiếm giữ đồi 1062 một lần nữa.
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng liền ra lệnh cho Tướng Lê quang Lưỡng, Tư Lệnh Sư Đoàn Dù, phải lấy lại đồi 1062 với bất cứ giá nào. Ngày 8.11.1974, lực lượng Dù lại bắt đầu mở cuộc phản công và 3 ngày sau đã chiếm lại được đồi 1062,
Kể từ ngày 11.11.1974, Lực Lượng Dù đã ngự trị trên toàn ngọn đồi máu 1062 ở phía đông Thường Đức và thành lập tuyến phòng thủ trên các triền núi quanh đồi này. Công quân bị tiêu hao quá nhiều, không dám trở lại tấn công nữa. Tuy nhiên, Sư Đoàn 304 và Trung Đoàn 29 của Cộng quân đã thành lập một hệ thống phòng thủ vững chắc quanh Thường Đức để bảo vệ con đường 14, Quân Lực VNCH không thể tái chiếm Thường Đức được.
Vào cuối năm 1974, Lực Lượng Dù chỉ để lại trên đồi 1062 Tiểu Đoàn 1 và Tiểu Đoàn 7, và đặt Bộ Chỉ Huy tại đỉnh Đông Lâm cách đồi 1062 khoảng 4 cây số về phía đông, để ngăn chận không cho Cộng quân tái chiếm đồi 1062.
KẾT QUẢ TRẬN CHIẾN THƯỜNG ĐỨC
Những trận đánh ác liệt quanh Thường Đức kéo dài từ ngày 18.7.1974 đến ngày 11.11.1974 đã đem lại những kết quả như sau:
Về nhân mạng: Theo sự ước tính của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, khoảng 2000 Cộng quân đã bị thiệt mạng và 5000 bị thương. Về phía VNCH, Tiểu Đoàn 79 BĐQ không còn nữa. Lực lược Nhảy Dũ cả chết lẫn bị thương gần đến 50%.
Về lãnh thổ: Lực Lượng Nhảy Dù đã chiếm lại được đồi 1062 ở phía đông Thường Đức, nhưng không tái chiếm được Thường Đức.
Năm 1965 cũng đã xẩy ra một trận đánh lớn ở đây. Cộng quân đã tập trung một lực lượng khá lớn để mở cuộc tấn công vào quận Thường Đức. Lực lượng này gồm có Mặt Trận 44 Quảng Đà, Trung Đoàn Q.82 và Nông Trường 2 Sao Vàng. Trận đánh diễn ra tại Ba Khe, Hà Nha và đồi Tétonon (1062). Trung Đoàn 51 Bộ Binh biệt lập của Việt Nam Cộng Hòa phải chiến đấu một cách anh dũng và vất vả mới có thể giữ được phần đất này. Sau trận đánh đó, hầu hết nhà cửa trong quận đều bị thiêu rụi, xác chết trôi đầy sông. Những trận đánh lớn như thế lại tiếp diễn vào tháng 1 năm 1972. Nhưng chưa lần nào Thường Đức bị mất hẵn vào tay Cộng quân như lần này.
KHÔNG TRI BỈ TRI KỶ
Ngày xưa, khi đến cai trị Đông Dương, người Pháp đã nhận ra ngay tầm quan trọng của cái chốt Thường Đức trên đường 14, nên đã lập một đồn tại đó để kiểm soát. Chính phủ Ngô Đình Diệm cũng đã nhận ra tầm quan trọng của Thường Đức trên đường tiến quân của Bắc Việt, nên đã biến Thường Đức thành một quận và hình thành Chi Khu Thường Đức để trấn giữ. Mỹ can thiệp vào Đông Dương cũng đã đánh giá cao tầm quan trọng của Thường Đức, nên đã tìm cách khóa chặt chốt này, không cho Cộng quân di chuyển xuống miền Nam. Cộng quân phải xử dụng con đường Tây Trường Sơn trên đất Lào rất vất vã.
Điều đáng tiếc là sau khi cuộc chiến được “Việt Nam hóa”, các nhà lãnh đạo quân sự của miền Nam đã không nhận ra được tầm quan trọng của cái chốt Thường Đức, không thấy được chiến lược và chiến thuật của Cộng quân là khai thông đường Đông Trường Sơn để đưa quân xuống đánh thẳng vào Sài Gòn, nên không quan tâm đến Thường Đức.
Nếu các tướng lãnh VNCH nhận ra được tầm quan trọng của Thường Đức, đưa khoảng một Liên Đoàn Biệt Động Quân đến thiết lập những nút chặn quanh Thường Đức, Cộng quân khó có thể khai thông con đường Đông Trường Sơn được.
Tướng Ngô Quang Trưởng chẳng những không nhận ra được tầm quan trọng của việc cắt ngang con đường Đông Trường Sơn ở Thường Đức mà còn muốn mở thông con đường này cho Cộng quân chuyển xuống miền Nam để Vùng I của ông khỏi bị áp lực nặng!
http://www.maplandia.com/vietnam/quang-nam-da-nang/dai-loc/thuong-duc/
Tân Sơn Hòa chuyển