Tàn cơn binh lửa , lê đức lập , toàn tập .
http://quanvan.net/le-dac-luc-tan-con-binh-lua/
Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc . . . (Lời Mở Đầu Của Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ)
Friday, March 30, 2018
Chiến Trường Bình Định Và Mãnh Sư Nguyễn Mạnh Tường
Trần Thúc Vũ
01:19:am 08/07/10
http://www.danchimviet.com/archives/12987
.
Chiến sử của QLVNCH là một chiến sử oanh liệt với biết bao những chiến công lẫy lừng, hiển hách đã từng được quốc tế ca ngợi là một trong những quân lực thiện chiến hàng đầu trên thế giới, và cũng là một quân lực đầy đắng cay, xót xa, tủi nhục, u hờn và bị bức tử đớn đau nhất. Quân Lực VNCH đã chiến đấu anh dũng với những chiến công lừng danh được đương thời và mãi mãi sau này nhắc đến. QLVNCH đã có những tướng lãnh, những cấp chỉ huy tài ba và mưu lược, can trường và đức độ, liêm khiết, được vinh danh. Có những bậc anh hùng vị quốc tuẫn tiết được phụng thờ hương khói trong lòng dân tộc, và những đơn vị thiện chiến sáng ngời trong quân sử. Những địa danh ,những trận đánh khốc liệt vang dội một thời mà cho đến tận hôm nay, và mãi mãi về sau, vẫn còn âm hưởng.
Thế nhưng, ngậm ngùi thay, còn biết bao nhiêu các chiến sỹ vô danh, đã chiến đấu từng khiến quân thù bạt vía, đã âm thầm hy sinh xương máu để bảo vệ Tự do cho Đất nước, và cả những cấp chỉ huy mưu lược và can trường đã bị lãng quên, bị nhận chìm trong bóng tối của thời gian.
.
Cựu Đại Tá VNCH Nguyễn Mạnh Tường (Bên trái)
http://www.danchimviet.com/wp-content/uploads/2010/07/NMTuong.png
.
Sự bất công vô tình gần như hồn nhiên theo dòng thời gian ấy giống như lòng phụ bạc, có phải chăng chỉ vì họ là những chiến binh được xếp vào hàng thứ yếu so với các lực lượng tổng trừ bị, những sư đoàn Bộ Binh…? Các lực lượng ĐPQ + NQ diện địa, vốn dĩ được trang bị và yểm trợ cũng vào hàng thứ yếu, họ được coi là những đơn vị phụ chiến, nhưng thực tế chính họ lại là những đơn vị nòng cốt và thiết yếu của chiến trường, ngày đêm trực diện với kẻ thù, không một phút giây thảnh thơi được về dưỡng quân nơi hậu cứ phố thị sau những trận đánh như những đơn vị tổng trừ bị đàn anh, được khao thưởng, được chào mừng nồng hậu…
Tội nghiệp thay, chính họ chứ không ai khác, đã phải ngày đêm căng sức giữ vững từng tấc đất mà quên lãng thân mình, thậm chí họ đã từ chối mọi tưởng thưởng, những phần thưởng tinh thần. Một thí dụ điển hình như trường hợp một trung đội trưởng Nghĩa Quân, kiêm nhiệm Xã Trưởng Xã Mỹ Hiệp quận Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định, đã từ chối danh vị chiến binh Anh Hùng vào năm 1973 – Anh đã từ chối phần thưởng được du ngoạn Đài Loan, người Nghĩa Quân ấy năn nỉ với Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường để xin được ở lại giữ thôn ấp. Anh nói:
– “Xin Đại tá cho em được ở lại. Em mà bỏ đi lúc này, xã Mỹ Hiệp sẽ nguy mất!”
Phải nói thêm là bọn Du Kích Xã Mỹ Hiệp nổi tiếng là lỳ lợm và hung bạo, “Nhà Thờ Đá” “Dốc Bà Dần” là những địa danh không xa lạ gì với nhân dân Tỉnh Bình Định, lại do chính sự hung bạo lỳ lợm và của xã đội Du Kích Xã Mỹ Hiệp tạo thành.
.
Một trong những miền đất bị bỏ quên chính là chiến trường Bình Định và những chiến sỹ của miền đất “Tây Sơn, Áo Vải Cờ Đào “. Và bài viết này xin được coi như lời tạ lỗi muộn màng của một người lính chiến ở chiến trường Bình Định còn sống sót, đang viết những dòng này.
.
Chiến trường Bình Định – không phải mãi sau này – mà ngay từ thờ kháng chiến chống Pháp, đã luôn luôn là một chiến trường sôi động. Những địa danh An Khê, Hoài Ân, An Lão . . . mãi mãi là dấu ấn kinh hoàng cho những binh đoàn viễn chinh Pháp, một phần vì địa thế chiến lược của vùng đất này, một phần khác là lòng người. Thời kháng Pháp, quân đội viễn chinh Pháp, dù đã nhiều phen dồn mọi nỗ lực, vẫn không chế ngự và kiểm soát được, và cũng chính vì thế, một số không nhỏ những người yêu nước đã bị cộng sản Hà Nội lừa gạt bởi chiêu bài Dân Tộc trá hình, đã chiến đấu dũng mãnh trong hàng ngũ của họ.
Sau Hiệp định Genève, một số tập kết ra Bắc, một số lớn ở lại âm thầm tạo dựng cơ sở. Dân chúng Bình Định, với truyền thống yêu nước của vùng đất Quang – Trung, đã bị tuyên truyền bịp bợm về ngọn cờ Dân Tộc trá hình, nên một số lớn dân chúng Bình Định hướng về Hà Nội. Thế nhưng, nét đăc thù của người dân Bình Định là phân minh, Quốc, Cộng rạch ròi, chính sự phân định ấy đã đưa đến thảm trạng tương tranh khốc liệt. Biết rõ điều này, Quân khu 5 của Cộng quân luôn coi chiến trường Bình Định là chiến trường chủ yếu mang tính quyết định, nên họ dồn mọi nỗ lực, tuyên truyền, vận động để đẩy rộng thêm sự chém giết tương tàn, gây hận thù chồng chất.
Chiến trường Bình Định luôn có mặt những đơn vị cộng sản thiện chiến nhất của Quân khu 5. Khi Chu Huy Mân nắm quyền Tư Lệnh, y điều động Sư đoàn 3 Sao vàng “anh hùng”, với những Tiểu đoàn quyết tử, Tiểu đoàn 405 trinh sát đặc công được trao tặng cờ đỏ, với Trung đoàn Địa phương và các huyện đội tinh nhuệ được đặt dưới quyền điều động của những cán bộ cuồng tín và tàn bạo bậc nhất, chưa kể đến vào những năm 1965, được tăng cường thêm Trung đoàn Địa phương Phú Yên dưới sự chỉ huy của ‘Tướng độc nhủ Nguyễn thị Lành, được mệnh danh là Nữ hung thần bất tử.”
Chiến trường Bình Định bùng lên mãnh liệt vào những tháng đầu năm 1965, giữa lúc mà cuộc diện chính trị VNCH đa ng nổi trôi trong sự bất ổn, những trận đánh ác liệt diễn ra khắp nơi trải dài từ Phù Ly đến tận Bồng sơn với các mặt trận Phù Ly, Đại Thuận, Phù Mỹ, Đèo Nhông, Diêm Tiêu, Vạn Bảo, Phù Cũ . . . đã mở màn dường như cùng một lúc. Chẳng phải bỗng dưng mà tháng 9/1965 sư đoàn Anh Cả Đỏ (SĐ1 Không kỵ ), rồi lần lượt sư đoàn 101, lữ đoàn 173rd Dù đều là những đơn vị thiện chiến nhất của Hoa Kỳ đã phải thay nhau có mặt tại Bình Định , chế ngự An Khê và mật khu Kon Hanùng. Chẳng phải khi không mà sư đoàn Mãnh Hổ bậc nhất của quân đội Đại Hàn được giao sứ mạng trải dài bảo vệ quốc lộ 19, nhưng vẫn không chu toàn việc bảo vệ trọn vẹn sinh lộ này.
Tỉnh Bình Định là tỉnh được coi là rộng nhất trong toàn quốc với diện tích khoảng 10.000km vuông, chiều dài từ đèo Cù Mông đến đèo Bình Đê là 120km, chiều ngang từ Mũi Phương Mai đến biên giới tỉnh Pleiku là 90 km, với 3/4 là núi rừng trùng điệp, với các mật khu Kon Hanùng phía Bắc quận An Túc, giáp ranh tỉnh Kontum và Quảng Ngải. Mật khu An Lão , mật khu Vân Canh, mật khu Vĩnh Thạnh, căn cứ địa 226 nằm giữa ba quận đông Vĩnh Thạnh, tây Phù Mỹ và Nam Hoài Ân, mật khu mà chúng gọi là khu tam giác sắt vùng núi non Mỹ Thọ của Quận Phù Mỹ, là nơi mà chúng ém quân và xuất phát những cuộc tấn công ác liệt nhất. Dân số được kiểm kê vào tháng 1/1973 là 996.673 người (đây là con số không được trọn vẹn) được chia làm 14 quận: Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù cát, Tuy Phước, Tam Quan, Vân Canh, Nhơn Bình, và Nhơn Định. (Sau này Vĩnh Thạnh, Tam Quan, Vân Canh được đổi thành Nha Phái Viên Hành Chánh, riêng An Lão, nơi diễn ra trận đánh khốc liệt Suối đôi, Đồi Thánh Giá vào năm 1964, An Lão đã không còn kiểm soát được.)
Tính cuối năm 1972 Lực lượng ĐPQ và Nghĩa quân trực thuộc TK/Bình Định gồm hai BCH Liên đoàn 271 và 272, 18 Tiểu đoàn ĐPQ, 12 Đại đôi biệt lập, 620 Trung đội Nghĩa quân ( chưa kể đến quân số thuộc Xây Dựng Nông Thôn và Nhân Dân Tự Vệ). Để tăng viện cho tình hình chiến trường, Sư đoàn 22/BB có 4 Trung đoàn : 40, 41, 42, 47, thì thường xuyên 2 Trung đoàn 40 và 41 phải trấn ngự tại Bính Định. Quân đoàn 2 chỉ còn lại 4 Trung đoàn của Sư đoàn 23 và 2 Trung đoàn của SĐ/22/BB chia đều cho các tỉnh còn lại của Quân khu. Ngoài ra, trong giai đoạn sôi động nhất, Liên đoàn 6 và Liên đoàn 4/BĐQ được tăng cường trấn ngự 3 quận bắc Bình Định. Với một lực lượng lớn như thế, vẫn không đủ để dàn trải, để ổn định.
Vị Tỉnh trưởng dân sự cuối cùng là Ông Bùi Thúc Duyên, đã chuyển tiếp cho các sỹ quan của Quân lực từ cuối năm 1963 : Đại tá Trần Văn Tươi , Đại tá Nguyễn Thanh Sằng , Thiếu tá Trần Đình Vọng, Thiếu tá Thịnh, Trung tá Lê Trung Tường , Trung tá Trần Đình Vọng { lần thứ 2 }, Đại tá Nguyễn Mộng Hùng , Trung tá Phan Minh Thọ, Đại tá Nguyễn Duy Bách, Đại tá Nguyễn Văn Chức, Đại tá Hoàng Đình Thọ và vị Tỉnh trưởng kiêm TK/Trưởng cuối cùng là Đại tá Trần Đình Vỵ.
Đ/Tá Nguyễn Văn Chức, một sỹ quan cao cấp của ngành Công binh chuyên nghiệp nhận chức Tỉmh trưởng kiêm TK/Trưởng vào giữa năm 1971, với Tiểu khu phó là Đại tá Hà Mai Việt (Binh chủng Thiết giáp), Tham mưu trưởng là Trung tá Nguyễn Văn Cừ của Quân cụ. Đây là giai đoạn mà các sỹ quan cột trụ không từng là sỹ quan tác chiến lại phải gánh nhận áp lực nặng nề nhất trên chiến trường Bình Định.
Giữa lúc tình hình sôi động ấy, các chức vụ then chốt vốn là do các sỹ quan đã từng phục vụ tại Tiểu khu Bình Định trên dưới 10 năm, trưởng thành qua những kinh nghiệm chiến trường, biết rành rẽ về hiễm địa và nhân sự… lại bị cho là cấp bậc quá thấp (Thiếu tá), không đủ khả năng chỉ huy và lãnh đạo, nên Đại tá Chức đã xin Bộ TTM bổ nhiệm về Bình Định 50 Trung tá để thay thế các sỹ quan đương nhiệm. Bộ TTM chấp thuận và thuyên chuyển 30 sỹ quan cấp bậc Trung tá về Tiểu khu Bình Định, gồm đủ mọi thành phần. Bộ TTM gởi ra 16 vị ,và BTL/QĐ2 gởi xuống 14 vị để đáp ứng yêu cầu của Đ/tá Chức. Đại đa số các vị sỹ quan trung, cao cấp này khi được tăng cường cho Binh Định đều có vẻ ngao ngán với tâm trạng đi đày trong các chức vụ không tương xứng. Người duy nhất, nhận nhiệm vụ bằng cả tấm lòng, bằng cả trí tuệ và sự nhiệt thành, đó là Trung tá Nguyễn Mạnh Tường. Ông rời chức vụ Giám đốc Trung tâm Hành quân Quân đoàn 2 về làm Tham mưu phó Hành quân Tiếp vận dưới trướng Tham mưu Trưởng Nguyễn Văn Cừ, vị Trung tá Quân cụ, gọi máy PRC25 liên lạc hành quân như gọi điện thoại… May mắn thay, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường đã đến, đáo nhiệm một chức vụ quá khiêm tốn với tài năng và một bộ óc quân sự tuyệt vời, cộng với lòng nhiệt thành và một trái tim trong sáng. Chính vị Trung tá năng động này đã làm nên chiến thắng oanh liệt, cứu nguy cho sự tan nát của Bình Định mỗi lúc một gần kề, khi mà Sư đoàn 3 Sao vàng đã chiếm một cách trọn vẹn 3 quận bắc Bình Định là Tam Quan, Hoài Nhơn, Hoài Ân. Thiếu tá Hồng Bảo Hiền, Quận trưởng Hoài Nhơn tử trận, lực lượng trú phòng của 3 quận rút chạy bằng đường biển vì sức mạnh tổng lực của địch. Tinh thần binh sĩ hoang mang, thành phố Qui Nhơn trống vắng, 70% dân chúng tháo chạy về Nam. Cùng lúc ấy, trận chiến bùng nổ khắp nơi, các Trung đoàn thuộc SĐ/22 từ Đệ Đức (Phù Mỹ) bị điều động tăng cường mặt trận Tân Cảnh, tư lệnh SĐ/22 BB Đại Tá Đạt cùng một số sỹ quan tham mưu bị bắt, tình thế cực kỳ bối rối, thành Phố Qui Nhơn bị pháo kích. Bộ chỉ huy tiểu khu hầu như không có một kế hoạch khả dĩ nào đủ để ứng phó với tình hình mỗi lúc một trở thành nghiêm trọng.
Trung tâm hành quân (TTHQ) Tiểu Khu Bình Định do công binh Hoa Kỳ xây dựng kiên cố như một pháo đài nằm chìm trong lòng đất, đầy đủ mọi tiện nghi, dư khả năng chịu đựng được những cuộc pháo kích của địch kể cả không tập, được bảo vệ cẩn mật, vậy mà bị nội tuyến của địch xâm nhập đánh xập. Thiếu Tá Thái Xuân Lư, và 2 sĩ quan (1 Đại Hàn – 1 Mỹ) tử thương, Đại úy Bùi Trọng Thủy bị thương nặng. Trung Tâm Hành Quân hoàn toàn bị phá hủy.
Trước đây,Trung tâm trưởng TTHQ do trưởng phòng 3 kiêm nhiệm, gồm 1 sĩ quan không trợ kiêm sĩ quan phụ tá , 3 sĩ quan QSV/L 19 và 3 ca trực, mỗi ca trực gồm 1sq+1hsq +1bs. Từ khi TTHQ được xây dựng qui mô, do nhu cầu chiến trừơng, 3 toán cố vấn Mỹ gồm 1 thiếu tá + 3 đại úy +3 hsq + 3 bs chia làm 3 ca trực song song với các toán trực VN, ngoài ra, TTHQ còn được tăng cường 1 toán ALO/FAC cuả không quân, 1 sq hải quân và một hệ thống truyền tin tinh xảo với các toán âm thoại viên dầy kinh nghiệm.
Tôi (kẻ viết bài này) đă làm việc tại TTHQ từ thời chuẩn úy Lê Văn Lộc làm trưởng phòng 3, thiếu úy Hứa làm SQ không trợ, ít lâu sau thiếu úy Hứa thuyên chuyển, tôi được bổ nhiệm thay thế với toán QSV/L19 gồm Tr/u Lía, Th/u Phú, Ch/u Sỹ, Ch/u Tuân. Những ngày ấy, đôi khi Tiểu Khu Trưởng còn là Th/Tá, tiểu khu phó có khi là Đ/úy ( Đ/u Nguyễn Bé ) và các TMT như Đ/u Thái Sanh Thâm, Đ/u Trần Ngọc Điền, Đ/u Đỗ Vũ, Đ/u Trịnh Tiếu. Theo ngày tháng, kinh nghiện mỗi ngày một dầy, cấp bậc theo ngày tháng bò lên từng nấc, chức vụ vẫn y nguyên…
Cuối năm 1971 Trung tá Nguyễn hữu Thông về làm Giám đốc TTHQ/TKBĐ, khoảng chừng 3 tháng sau, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Tr/đ42/SĐ 22BB, ( Đại tá Thông đã tự sát tại bãi biển Qui Nhơn ngày 31/3/75 khi Trung đoàn 42 từ An Túc rút về tử thủ ở chân đèo An Khê, tại đây, Trung đoàn 42 đã đánh bật sư đoàn F.10 Cộng sản không cho tràn xuống từ đèo An Khê, tiêu diệt 600 địch quân . F.10(SĐ.10) phải bọc qua dẫy Nam Triều tràn xuống chiếm Qui Nhơn, Đại tá Thông kết hợp với Trung đoàn 41 của Đại tá Thiều kéo về giải tỏa thành phố, đánh bật F.10 và các lực lượng địa phương CS, và đã ở lại tử thủ Qui nhơn đến viên đạn cuối cùng.)
Nhắc lại, khi Đại tá Thông ra đi, tôi cũng xin thuyên chuyển về làm ĐĐT/ĐĐ/CTCT Bình Định, sang đầu năm 1972 vì tình hình chiến sự, tôi được gọi trở về lại Trung tâm Hành quân, phụ tá cho Thiếu tá Nguyễn Ngọc Xuân, trưởng phòng 3 kiêm Trung tâm Trưởng TTHQ. Công việc của TTHQ là theo dõi tình hình chiến sự, ghi nhận tất cả mọi hoạt động của các lực lượng trú phòng trong tỉnh, xin hỏa châu soi sáng, xin oanh kích khẩn cấp theo nhu cầu chiến trường, xin tản thương.
Chỉ riêng với lực lượng lãnh thổ, với 18 Tiểu đoàn địa phương, 12 Đại đội biệt lập, 620 Trung đội Nghĩa quân, phải nắm vững 3 điểm đóng quân và phục kích cho mỗi trung đội. Như thế có nghĩa là TTHQ phải tiếp nhận báo cáo hàng đêm đã được mã hóa từ các đơn vị trực thuộc, giải mã và ghi chú trên bản đồ “Hoạt động Bạn” với tất cả các diễn tiến mọi cuộc hành quân trong toàn Tỉnh và những tổn thất địch, bạn. Ghi nhận những phi vụ oanh kích khẩn cấp, và dự trù từng chi tiết cho buổi thuyết trình vào sáng sớm ngày hôm sau. Công việc này do sỹ quan trực nhật TTHQ đảm trách và SQ Phụ tá nhận nhiệm vụ thuyết trình phải nắm vững từng chi tiết và phải trả lời một cách chắc chắn mọi sự kiện trong 24 giờ sau. Thậm chí kết quả của những cuộc không tập do Không quân Hoa Kỳ hoặc VN thực hiện, phải ký tên và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mỗi phi vụ oanh kích.
Đó là một thời kỳ đầy sóng gió và phân liệt. Ba vị Thiếu tá Quận trưởng thất trận được điều động về làm 3 SQ trưởng toán trực TTHQ , và những sĩ quan cấp đại úy vốn là các sĩ quan đầy kinh nghiệm và thông suốt nhiệm vụ của mình bị đẩy xuống làm sỹ quan phụ tá trưởng toán. Duy nhất trong 3 vị Thiếu tá này, chỉ có một mình Thiếu tá Thái Xuân Lư và Đại úy Thủy là đảm nhận trách vụ một cách cố gắng và làm tròn, riêng hai vị Thiếu tá còn lại, thường xuyên vắng mặt với những lý do mơ hồ từ tư gia của Đại tá Hà Mai Việt, Tiểu khu phó, và tôi lại phải trực tiếp thay thế các Trưởng toán trực vắng mặt này!
(Sở dĩ tôi phải dài dòng như thế để trình bày lý do tại sao tôi có đủ điều kiện và tư cách viết về chiến trường Bình định, và các chiến công của các đơn vị diện địa Nghĩa quân và Địa Phương Quân một cách tương đối chính xác. Và quan trọng hơn, nguyên nhân tôi được may mắn và hãnh diện được đặt trực thuộc dưới quyền của Trung tá Nguyễn Mạnh Tường sau này.)
Trung tá Tường được thuyên chuyển về Bình Định nhận nhiệm vụ mới là Tham mưu phó Hành Quân Tiếp vận kiêm nhiệm Giám đốc TTHQ. Do bản tính năng động và một tinh thần phục vụ vô bờ bến, cộng với tài năng sáng chói đã làm lu mờ các cấp chỉ huy cao hơn, khiến ông bị đày ải: Phải thành lập tức khắc Bộ Chỉ Huy hành quân nhẹ và trú đóng trên đỉnh núi Bà Hỏa tuyệt đường lên xuống, do đó Tr/Tá Tường không có cơ hội điều hành TTHQ thường xuyên. Vậy mà sau khi TTHQ phát nổ, ông đã bị nghi ngờ, bị điều tra. . .
May mắn thay, ông đã thoát được lưỡi gươm sinh tử vì chỉ đã xuống TTHQ không quá một lần duy nhất, chỉ vì tại núi Bà Hỏa, ông đã quá bận rộn với trách nhiệm của mình, không chỉ riêng ông, tôi cũng bị nghi ngờ là tên Cộng sản nằm vùng khi Đại tá Đạt, Tư lệnh SĐ22 bị bắt ở mặt trận Tân Cảnh cùng với một số SQ của Bộ Chỉ huy Tiền phương.
Đại tá Chức vận động để được bổ nhiệm làm Tư lệnh Chiến trường Bình Định, để muốn có được quyền uy điều động toàn bộ lực lượng theo ý mình, do đó Đại tá Chức thường xuyên có mặt ở Bộ Tư lệnh SĐ22 trú đóng ở Bà Di (cách Qui Nhơn khoảng 15 km đường chim bay, trên một ngọn đồi rộng) như tư thế của một Tư lệnh Sư đoàn đích thực. Hôm đó, vào buổi chiều, Qui Nhơn bị pháo kích, gây cho 3 người dân bị thương, tôi đã phải liên lạc trực tiếp với Đại tá Chức đang có mặt tại TTHQ Sư đoàn. Sau khi tôi báo cáo mọi chi tiết, ông ra lệnh cho tôi qua điện thoại Hot Line của TTHQ/SĐ:
– “Gọi cho Thiếu tá Sáng, theo lệnh tôi, rút hai Trung đội Nghĩa quân tại núi Han và Vũng chua để phòng thủ thị xã!”
Bỏ hai vị trí này là để lại cao địa cho cộng sản pháo vào Qui Nhơn. Tôi nghe lệnh ông mà giật bắn người, e rằng mình nghe lầm. Tôi xin ông nhắc lại khẩu lệnh. Một lần nữa Đại tá Chức lập lại lệnh của ông rồi cúp máy. Tôi toát mồ hôi, điện thoại xin gặp Tr/tá Trí(Chí?) hỏi về lệnh cuộc điện đàm vừa rồi, Tr/tá Trí xác nhận là đã đứng cạnh Đ/Tá Chức và nghe rõ mệnh lệnh của Đ/T Chức. Tôi xin Tr/tTrí ghi một cách chi tiết vào sổ trực TTHQ/SĐ, và tôi cũng ghi chi tiết một cách chính xác vào sổ trực TTHQ/TK, đồng thời tôi mời đích thân Th/Tá Sáng xuống TTHQ nhận lệnh, và cùng lúc, tôi yêu cầu Th/tá Sáng liên lạc lần nữa với Đại Tá Chức để xác nhận đầy đủ mọi chi tiết. Sau đó tôi không biết Th/tá Sáng có trực tiếp xác nhận lệnh với Đ/tá Chức về lệnh lạc này hay không, nhưng ngay lập tức tối hôm đó, VC pháo kích vào Qui Nhơn như mưa bấc, vị trí đặt súng của địch chính là Núi Han và Vũng Chua, nơi mà hai Trung Đội Nghĩa Quân trú đóng vừa rút đi theo lệnh của Đại tá Chức. Tôi báo cáo cho Đ/Tá Chức, ông hỏi:
– “Vậy hai Trung Đội Nghĩa Quân ở núi Han và Vũng Chua hiện ở đâu?”
Tôi nhắc lại lệnh của ông vào lúc xế trưa cùng ngày, ông quát trong máy:
– “Tôi không hề ra lệnh cho anh, đó là Việt Cộng đã ra lệnh cho anh!”
Và cúp máy. Không đầy 30 phút sau đó, Trung Tá Điều, Trưởng khu An Ninh Quân Đội đến gặp tôi, và hỏi về điều này, tôi phải trình bầy mọi chi tiết và đưa cho Trung Tá Điều sổ trực TTHQ. Trung Tá Điều phải khẩn cấp lên TTHQ Sư Đoàn so sánh, sau đó, Tr/tá Điều cho tôi biết là Đại Tá Chức xác nhận là đích thân đã ra lệnh ấy, nhưng công việc bận rộn nên quên mất (!)
Đến nay, 30 năm đã trôi qua, tôi luôn luôn ghi nhớ và cảm ơn Tr/Tá TTT/TTHQ/ SĐ22/BB. Tôi không hề có bất sự hiềm khích nào với Đ/T Chức, ngược lại, tôi luôn luôn quý trọng ông, không những thế, tôi còn rất cảm phục tài năng chuyên môn của ông thuộc binh chủng công binh. Sở dĩ tôi nhắc đến để độc giả thương cảm rằng Đ/T Chức đã không được xử dụng đúng tài năng của ông và Tr/t Nguyễn Mạnh Tường đã gặp quá nhiều trở ngại trong trách vụ về mọi mặt. May mắn thay, không lâu sau đó, Đại tá Chức được bổ nhiệm làm Cục Trưởng cục Công Binh, và thăng cấp Chuẩn Tướng, cùng với đa số các sĩ quan cấp bậc Tr/tá do Ch/tướng Chức xin về cũng được “giải thoát”.
Tr/tá Tường được bổ nhiệm về làm TMT trường Đại học CCCT, nhưng ông đã xin được ở lại với chiến trường Bình Định đang cực kỳ sôi động. Đại tá Hoàng Đình Thọ đương kim Tỉnh trưởng Quảng Tín, được thuyên chuyển về nhận chức vụ Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Bình Định. Đại tá Thọ là một sĩ quan kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, từ đó, bộ mặt của Tiểu Khu đổi thay hẳn với thành phần dưới ông: – Tiểu Khu Phó : Trung Tá Nguyễn Mạnh Tường
– Tham Mưa Trưởng : Tr/Tá Nguyễn Đức Trung Trưởng P1: Th/Tá Võ Đức Tín
– T P2: Th/tá Kiều Văn Sâm
– T P3: Th/tá Nguyễn Ngọc Xuân
– T P4: Th/tá Dư Văn Hạ
-TMP/ CTCT: Trung tá Nguyễn Lâm
– Tr/ Phòng Ttin: Thiếu tá Quỳ
Và TTHQ đã được trả lại những ngày ổn định cũ.
Sau những nỗ lực giải tỏa áp lực địch tại các quần phía Nam, tháng 7/1972, cuộc hàng quân tái chiến Bắc Bình Định với Sư Đoàn 22/BB làm nỗ lực chính đã đánh bật Cộng quân ra khỏi 3 quận phía Bắc, cùng lúc Sư Đoàn 2/BB thuộc quân khu với sự tham chiến của Biệt Động quân đã đánh bật Cộng Quân ra khỏi cửa khẩu Sa Huỳnh, tình hình chiến sự đã tương đối lắng dịu. Thế nhưng, với cái nhìn của những nhà quân sự, thì đây là giai đoạn tĩnh lặng trược giông tố, địch đang phối trí và sửa soạn cho một chiến trường khốc liệt khác. Chính vì dự đoán như thế, Trung tướng TL/QĐ 2 Nguyễn Văn Toàn đã đặc biệt triệu tập Đại Tá Hoàng Đình Thọ Tỉnh trưởng kiêm TKT và Trung tá Nguyễn Mạnh Tường tiểu khu phó tại biệt thự Hương Cầm tại Qui Nhơn. Sau những quan ngại về những mưu đồ của địch trong tương lai, ông nói (Theo lời Trung tá Tường thuật lại sau này):
– “Quân Đoàn 2 với một vùng trách nhiệm quá rộng lớn, lại là một vùng với áp lực địch luôn luôn rất nặng, vậy mà dưới tay tôi, chỉ có 2 Sư Đoàn 22 và 23, gần 8 Trung Đoàn BB, riêng Bình Định đã cầm chân thường xuyên 2 Trung Đoàn, với 6 trung đoàn còn lại, phải đảm trách một lãnh thổ quá rộng, với áp lực địch càng lúc càng gia tăng, tôi xin hai anh giúp tôi, bằng mọi cách cố gắng dùng lực lượng ĐPQ và NQ thay thế phần trách nhiệm của hai “thằng” 40 và 41 { Trung đoàn 40 & 41) để tôi có thêm khả năng đối phó với tình hình sắp tới, mà tôi tiên đoán rằng, mỗi lúc một ác liệt. Tôi đề nghị anh Thọ giao trách nhiệm quân sự cho anh Tường, tôi đặt hết niềm tin vào các anh!”
Những tháng ngày kế tiếp sau đó, tôi chưa hề thấy Trung tá Tường có lấy một phút nghỉ ngơi, ngay cả khi phu nhân và các con của Trung tá từ Sài gòn ra Qui Nhơn thăm chồng, bà đã phải chờ đợi suốt cả tuần lễ vẫn chưa được gặp mặt chồng. Người chiến binh tận tụy ấy đã quên cả hạnh phúc cá nhân, quên cả chính thân mình. Ông ăn uống kham khổ cùng với binh sĩ của ông. Ông có mặt khắp nơi, từng đơn vị nhỏ nhất, săn sóc, an ủi, giải quyết những ưu tư của binh sĩ. Ông theo dõi, kiểm tra, lựa chọn, tổ chức, huấn luyện những binh sĩ ĐPQ &NQ, lựa chọn trong số các đơn vị thuộc quyền các chiến binh mà kinh nghiệm cũng như lòng can trường cùng khả năng chiến đấu để thành lập những đơn vị xung kích và trinh sát bằng những khóa huấn luyện đặc biệt. Binh sĩ, qua lớp huấn luyện có thể đảm đương mọi nhiệm vụ đặc biệt được giao phó, kể cả các chiến thuật Diều hâu bằng Trực thăng vận. Liên đội Trinh sát Tiểu khu với hai Đại đội bao gồm các chiến binh can trường và thiện chiến được đặt dưới quyền chỉ huy của Trung úy Khuynh, một trong những sĩ quan ưu tú của quân lực. Liên đội trinh sát ấy đã làm nên những chiến công hiển hách, không phụ tấm lòng kỳ vọng của ông.
Nhờ thế, sau một thời gian ngắn, khí thế của lực lượng ĐPQ & NQ Bình Định đã vươn lên, không hề thua sút bất cứ đơn vị thiện chiến nào. Họ không những bảo vệ an toàn các trục lộ huyết mạch, ngăn chặn một cách hữu hiệu mọi ý đồ của địch, mà còn mỗi lúc mở rộng vùng kiểm soát. Đến cuối năm 1972, tình hình an ninh mỗi lúc một khả quan và tinh thần binh sĩ đã lên cao trông thấy, địch cùng lúc càng bị dồn vào thế co cụm.
Trận đánh giải tỏa Đề Gi
Cứ điểm Đề Gi là một mõm đất, là một cửa biển giáp ranh giữa hai Quận Phù Mỹ và Phù Cát. Nơi này là căn cứ Hải quân quan trọng đặt dưới quyền chỉ huy của Hải quân Thiếu tá Cát. Về phía bắc, qua một lạch nước rộng, thông từ biển vào Đầm Nước Ngọt là Đài Kiểm báo được xây dựng trên một đỉnh núi lẻ. Phía tây của căn cứ là Quốc lộ 1, nối liền với căn cứ từ cầu Phù Ly là tỉnh lộ dài 21km chạy song song với một dòng sông nhỏ, đổ vào Đầm Nước Ngọt, kẹp giữa sườn phía Bắc dẫy núi Bà (còn gọi là Hòn chung). Đề Gi là một cửa khẩu chiến lược với Đài Kiểm báo được trang bị tối tân, có thể kiểm soát cả một vùng biển Đông bao la. Từ cửa khẩu này tiếp nối với căn cứ địa 226 nằm giữa vùng núi non, tiếp giáp 3 Quận Phù Mỹ, Hoài Ân và Vĩnh Thạnh, mở xuống một vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam thuộc các quận Bình Khê, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước.
Từ khi cửa khẩu Sa Huỳnh bị Sư đoàn 2 tái chiếm, cắt đứt mọi khả năng vận chuyển lương thực và vũ khí của địch từ biển đông tiếp vận cho nội địa, Sư đoàn 3 Sao vàng cuống cuồng vì lệnh từ Hà Nội và Quân khu 5 CS, bằng mọi cách phải chiếm được ít nhất một cửa khẩu để dùng làm địa bàn sau khi Hiệp định đình chiến có hiệu lực. Trong khi mọi nỗ lực của Sư đoàn 3 Sao vàng và lực lượng địa phương của chúng hoàn toàn bất lực trong nhiệm vụ nống lấn mở rộng vùng kiểm soát, không những thế, cón bị các lực lượng ĐPQ&NQ đẩy vào thế bị động, luôn luôn bị săn đuổi. Cuối cùng Chu Huy Mân phải chấp nhận kế hoạch Tổng lực do viên Thiếu tá CS là Võ văn Ứng đệ trình. Chu Huy Mân bổ nhiệm Ứng làm Lữ đoàn trưởng thực hiện kế hoạch (mà Ứng đã đệ trình với sự cam kết chiến thắng), Lữ đoàn bao gồm 7 Tiểu đoàn thiện chiến của Sư đoàn 3 Sao vàng gồm:
5 Tiểu đoàn Bộ chiến
1 Tiểu đoàn Đặc công
1 Tiểu đoàn Pháo
Lực lượng tổng lực của Huyện đội Phù Cát
Với một nghiêm lệnh là bằng mọi giá phải chiếm cho bằng được căn cứ Đề Gi, bất kể Hiệp định đình chiến đã có hiệu lực. Cuộc chiến bùng nổ vào rạng sáng ngày 27/1/1973. Đài Kiểm báo do lực lượng của Duyên đoàn 21 Hải quân trấn giữ, bất thần bị Tiểu đoàn Đặc công địch tràn ngập. Núi Gềnh là một mõm núi thuộc dãy Núi Bà nhìn xuống căn cứ Hải quân, trước đây do một đơn vị của Sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn trú đóng, đã âm thầm rút đi, không thông báo, bỏ trống, không bàn giao lại cho lực lượng Việt Nam, bị Huyện đội cộng sản Phù Cát chiếm giữ.
Lúc 8 giờ sáng ngày 27/1/73, phút đầu tiên của Hiệp định đình chiến có hiệu lực, căn cứ Đề Gi bị tấn công bằng tất cả sức mạnh của Lữ đoàn cộng sản. Hỏa lực địch từ Núi Gềnh, từ Đài Kiểm báo với hàng ngàn trái đạn rót vào căn cứ. Căn cứ được phòng thủ bởi lực lượng Hải quân đồn trú, quân số chỉ bằng 1/10 lực lượng địch, anh dũng đánh trả và đẩy lui nhiều đợt xung kích, gây nhiều tổn thất về nhân mạng cho địch. Gặp sức kháng cự mãnh liệt của lực lượng phòng thủ, chúng bắc loa kêu gọi đầu hàng. Qua máy, Thiếu tá Cát lên án hành vi vi phạm Hiệp định đình chiến của chúng, Tên Lữ-đoàn trưởng, Thiếu-tá CS Võ văn Ứng lý luận là theo giờ Hà Nội, lúc này chưa phải đúng giờ đình chiến. Đồng thời y chặt đầu một Nghĩa quân mà chúng bắt được, bỏ cái xác không đầu của người lính tội nghiệp lên xe lam, chở xác người Nghĩa quân đến cổng căn cứ Hải quân, với những lời đe dọa ” Hàng thì sống, chống chặt đầu, quyết không bỏ sót!”
Hành động bạo tàn này đã không làm cho những chiến sỹ trú phòng sợ hãi, ngược lại, càng khiến tăng thêm ý chí quyết chiến đấu trở thành sắt thép hơn, càng quật nát từng đợt tấn công liều chết của địch. Đạn pháo của địch từ hai cao điểm dội xuống như mưa, trực thăng không thể đáp xuống được, cùng lúc, hỏa lực địch từ núi Gềnh và Đài Kiểm báo khống chế toàn vùng biển.
Cuộc tấn công vi phạm Hiệp Định đình chiến của Việt cộng được thông báo cho UB/QT Kiểm soát Đình chiến trú đóng tại TTHL/Phù-cát, và yêu cầu UB/KS/ĐC ký vào biên bản. Trước hành vi bạo ngược của những người Cộng sản anh em, viên trưởng đoàn Ba Lan không thể chối cãi, đành phải ký tên vào biên bản (sau này viên trưởng đoàn Ba Lan bị cách chức!!).
Giữa lúc cộng sản dồn mọi nỗ lực nống lấn, chiếm đất, giành dân trước và cả sau giờ đình chiến, các đơn vị diện địa, lực lượng trú phòng tỉnh Bình Địng nói riêng và trên toàn quốc nói chung, đã phải dàn trải khắp nơi, ngăn chặn không cho Cộng quân thực hiện mưu đồ của chúng. Chúng đã gặp phải sức chiến đấu quyết liệt của các chiến sỹ ĐPQ &NQ, không những đã không thực hiện được ý định, mà còn bị thiệt hại nặng nề trên khắp các mặt trận. Ngay cả những trục lộ giao thông quan trọng : Quốc-lộ 1, từ đèo Cù Mông đến Bình Đê, Quốc lộ 19 từ Bà Di lên đến đèo Măng Giang, các chiến sỹ ĐPQ&NQ diện địa đã bảo vệ an ninh lưu thông một cách tuyệt đối không ngờ .
Đứng trước tình hình ấy, Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH đã khẩn cấp không vận Liên đoàn 7/BĐQ của Trung tá Bùi văn Huấn từ Quân khu 1 vào tăng cường, với chỉ thị xử dụng như một lực lượng trừ bị, không được xử dụng làm nỗ lực tham chiến tiên phong. Quân đoàn 2 đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại Phi trường Phù Cát để đối phó với tình hình, gồm có Tư lệnh Quân đoàn, Trung tướng Nguyễn văn Toàn, Tư lệnh Sư đoàn 22/BB với Thiếu tướng Phan Đình Niệm, Tiểu khu trưởng TK/BĐ, Đại tá Hoàng Đình Thọ, TK phó Tiểu khu Trung tá Nguyễn Mạnh Tường, LĐT/BĐQ Trung tá Bùi văn Huấn, Phụ tá Quân trấn trưởng Qui Nhơn, Trung tá Nguyễn văn Thanh, Quận trưởng Phù Cát Trung tá Đoàn văn Bái, Trung tá Khổng Trọng Huy. . . Cuộc họp để hoạch định kế hoạch hành quân giải tỏa và lựa chọn người chỉ huy cho cuộc hành quân. Giữa lúc ấy, công điện hỏa tốc từ Phủ Tổng thống gởi đến. Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đã chỉ thị trao quyền chỉ huy tuyệt đối cho Trung tá Nguyễn Mạnh Tường và đòi hỏi phải tránh tối đa thiệt hại cho dân chúng trong vùng hành quân.
(Sau này được biết là Nhân dân Quận Phù Mỹ và Phù Cát qua đại diện dân cử, đã đệ đơn yêu cầu xin Tổng thống Thiệu trao trách nhiệm hành quân cho Tr/tá Tường vì lý do: Cuộc hành quân Đại Bàng 800, dân chúng bị tổn thất nặng nề, và sau này lực lượng Đại Hàn hành quân khu vực này, sự tổn thất của dân chúng còn bị nặng nề hơn nữa. Riêng Tr/tá Tường, từ khi về Bình Định, với rất nhiều cuộc hành quân, với nhiều cuộc đụng độ với Cộng sản, nhân dân chưa hề bị tổn hại về sinh mạng lẫn của cải…)
Chính vì sự tin tưởng của dân chúng Bình Định, các cuộc hành quân trước đây đều lấy danh hiệu Toàn Thắng. Danh hiệu các cuộc hành quân giải tỏa Đề Gi của Trung tá Nguyễn Mạnh Tường là An Dân. Với tư cách Tư lệnh hành quân, Trung tá Tường xin phép Trung tướng Tư lệnh QĐ2 được bảo vệ tuyệt mật mọi kế hoạch. (Mãi sau này, mọi ý niệm điều quân, Tr/tá Tường luôn luôn bảo vệ một cách tuyệt mật, ngay cả Trung tâm HQ cũng phải giữ im lặng vô tuyến đến tận lúc chiến thắng.)
Việc bảo mật ấy đã thành công trong một chiến thắng lớn khác: Hạ sát tên Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công 405 Anh hùng, bắt toàn bộ cấp chỉ huy của Tiểu đoàn này, tịch thu rất nhiều vũ khí trong trận đột kích vào sào huyệt của chúng tại ranh giới Bình Định và Phú Yên, bẻ gẫy mũi dùi chúng đang tiến hành tấn công kho xăng và kho đạn của quân khu II tại Đèo Son Bình Định.
Cuộc hành quân này, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường đặc biệt giữ kín, ngay cả Trung Tâm Hành Quân (TTHQ) cũng không hề biết, không một ai hay, thậm chí lực lượng tham dự là các Nghĩa Quân viên được lựa chọn cho cuộc đột kích cũng chỉ được biết vào phút chót. Cho đến khi đích thân Trung Tá Tường lên máy vào lúc 3 giờ sáng, lệnh cho TTHQ gọi ANQD và Quân Cảnh ra phi trường tiếp nhận tù binh và các chiến lợi phẩm.
Ngay cả đến trận phản công giải tỏa Phi trường Phù Cát vào tháng 5/1974 với mưu toan của cộng quân tiêu diệt căn cứ 60 Không quân, cũng bị Trung Tá Tường dùng kỳ binh bất ngờ đánh cho “Sấm sét không kịp bưng tai” khiến Trung Đoàn 2 của sư Đoàn 3 Sao Vàng tan tác.)
Lời yêu cầu được hoàn toàn chấp thuận, và lực lượng được đặt dưới quyền của Tr/tá Nguyễn Mạnh Tường gồm:
LD/7BDQ. QKI làm lực lượng trừ bị
2 Tiểu Đoàn thuộc TR/Đ 4 1/SĐ 22/BB
1 Tiểu Đoàn thuộc TR/Đ 421/SĐ 22/BB
1 Chi Đoàn thiết quận vận M.113
1 Tiểu Đoàn pháo binh
1 Đại Đội Tr/sát
1 Pháo Đội 115 ly.
1 Tiểu Đoàn/ ĐPQ/ Tuyên Đức.
So sánh Tương quan, giữa ta và địch, ta 3, địch 5, tức 3/5. Một cuộc hành quân tấn công giải tỏa với quân số tham chiến yếu hẳn hơn địch, trong lúc địch đã sẵn sàng chờ đợi một mặt trận đã được họ bố trí và lựa chọn trước, quả là điều không mấy sáng sủa. Mà thời gian lệnh ấn định là trong 7 ngày phải thanh toán xong chiến trường.
Trong lúc mọi người đều cho rằng cuộc hành quân khó lòng đạt được thành quả tốt đẹp thì Tr/tá Tường lại tin tưởng sẽ chiến thắng. Với lối đánh bất ngờ, yếu tố bảo mật phải được áp dụng triệt để. Ông xin với Th/tướng Phan Đình Niệm, Tư lệmh SĐ22BB để xin được xử dụng Đại đội trinh sát thuộc SĐ để tốc chiếm Núi Gềnh, và một đại đội thuộc LĐ/7BĐQ chiếm lại Đài Kiểm báo là hai cao điểm do 1 Huyện đội Phù Cát và 1 đơn vị đặc công của SĐ 3 Sao vàng quyết tử chiếm giữ. Th/tướng Niệm đã thoái thác cho rằng Đại đội Trinh sát đang trong thời gian dưỡng quân, khó lòng có thể đảm nhận tốt được trách nhiệm. Thấy vị T/lệnh Sư Đoàn lo ngại sự tổn thất, Tr/tá Tường vui vẻ, nói rằng ông sẽ dùng 1 Đại-đội ĐPQ thay thế Đại đội trinh sát của sư đoàn để thi hành nhiệm vụ vinh dự này.
Không một ai, hay ít ra, trừ viên Tư lệnh Quân đoàn, Tr/tướng Nguyễn văn Toàn, vốn đã biết rõ khã năng điều quân và tài năng của Tr/tá Nguyễn Mạnh Tường, nguyên là Giám đốc Trung tâm Hành Quân/QĐ 2. Th/tướng Niệm tỏ rõ nghi ngờ về khả năng của ĐPQ. Tr/tá Tường khẳng định rằng, một đoàn quân thiện chiến không nhất thiết phải là danh hiệu, mà do được huấn luyện như thế nào, tinh thần binh sỹ ra sao, và cũng còn tùy thuộc vào chính cấp chỉ huy của đơn vị ấy nữa. Ông chỉ xin riêng với Tr/tướng tư lệnh Quân đoàn cặp lon Đại úy để thăng cấp tại chỗ cho viên Trung úy Đại đội trưởng Đại đội Địa phương quân này, và Trung tướng Toàn chấp nhận yêu cầu ấy, nếu đạt được chiến thắng.
Ngay sau khi rời khỏi phòng họp, Tr/tá Tường đã đến Tiểu đoàn 209/ĐPQ do Đ/úy Nguyễn Bá Gạt làm Tiểu đoàn trưởng. Ông gặp riêng Tr/úy Phước, Đại đội trưởng Đ/đội 1/209 và ngỏ ý muốn xử dụng Đại đội này đánh chiếm Núi Gềnh bằng chiến thuật tốc chiến, chỉ xử dụng lựu đạn trong trận đánh, và ông hứa, nếu chiến thắng, ông sẽ tức khắc gắn lon Đại úy ngay tại mặt trận. Tr/úy Phước cũng hứa rằng ông sẽ chiếm Núi Gềnh một cách dễ dàng, không quá 30 phút.
(Tr/úy Phước kể rằng, từ thuở nhỏ, ông thường chăn trâu trong khu vực này nên mọi địa thế của Núi Gềnh ông biết rõ hơn ai hết, và lối tấn công bằng lựu đạn là hiệu quả nhất) Tr/tá Tường bàn thảo việc tiến công với người Sĩ Quan mà ông đã hiểu rõ và đã lựa chọn, duy nhất ông đòi hỏi Tr/úy Phước không được tiết lộ bí mật hành quân với bất cứ ai, ngay cả với những người thân cận nhất.
Ngày N1, trước nửa đêm, 1 Đại đội BĐQ được đổ xuống tấn công sấm sét vào Đài Kiểm báo, chưa đầy nửa tiếng, Đại đội Biệt Động Quân đã làm chủ tình hình, đánh bật lực lượng đặc công của SĐ 3 Sao Vàng ra khỏi mục tiêu, địch để lại nhiều vũ khí cá nhân và xác chết.
Ngày N lúc 5 giờ sáng, ĐĐ1/209 của trung úy Phước đã tiếp cận mặt trận, bất thần tung hàng trăm trái lựu đạn, chỉ 15 phút sau, Huyện đội Phù Cát lớp chết, lớp bị thương, lớp quăng vũ khí tháo chạy, cuộc chiến thắng của ĐĐ 1/209 trọn vẹn và chớp nhoáng đến nỗi không một ai có thể tin được. Về phía bạn, ĐĐ 1/209 chỉ duy nhất 1 binh sĩ bị thương nhẹ vì chính mảnh lựu đạn của mình. Cùng thời gian ấy, Tiểu đoàn của Trung đoàn 42 do đại úy Trí (Năm 1975 là Tr/ Tá) làm tiểu đoàn trưởng, đã từ chân phía Nam Núi Bà, vượt đỉnh núi, tràn xuống đánh như bão táp vào sau lưng địch. Cuộc tấn công bất ngờ đến nỗi tên tư lệnh Lữ Đoàn địch quẳng cả “Xắc-cốt” với toàn bộ tài liệu tháo chạy, 2 Tiểu đoàn của Trung đoàn 41 cũng đồng loạt tràn ngập, địch không kịp phản ứng, bỏ chạy tháo thân.
Cũng ngày N, Chi đoàn M.113 thiết quân vận cũng đổ bộ lên bãi biển cách phía Nam căn cứ vài Km, nhất loạt tấn công hoàn toàn lực lượng địch đang vây hãm căn cứ Đề Gi, gần như toàn bộ pháo binh của địch quẳng lại, chúng đạp lên xác đồng đội mà tháo thân.
Cuộc hành quân truy kích bắt đầu và chỉ đúng 5 ngày sau ngày N, cuộc hành quân đã hoàn toàn chiến thắng, không một tổn thất về phía đơn vị bạn. Cuộc hành quân An Dân 1/73 hoàn tất bao gồm cả nhiêm vụ và công tác An Dân, công tác An Dân 1 ĐĐ SVSQ/CTCT Đà Lạt đảm trách trong giai đoạn thực tập công tác Dân Sự Vụ trước khi mãn khóa khóa 3/SQ/CTCT với 5 ngày vừa chiến thắng, vừa ổn định cuộc sống của nhân dân vùng Phù Mỹ và Phù Cát, không một người dân nào bị thiệt hại về sinh mạng và tài sản, bảo đảm 100% toàn vẹn mệnh lệnh do Phủ Tổng Thống trao phó, xứng đáng với tấm lòng tin tưởng và ưu ái của nhân dân Bình Định ủy thác.
Và ngay hôm sau, Tổng Thống Thiệu mời tất cả các Đại Sứ của các nước đến thăm viếng Đề Gi mới được giải tỏa, với tất cả mọi chứng tích về cuộc vi phạm Hiệp Định Đình Chiến của Cộng Sản VN, và Tổng Thống đãi các đại sứ một bữa gỏi cá cơm nổi tiếng ở Đề Gi, miền đất nổi danh của các chiến sĩ âm thầm, các chiến sỹ Địa phương quân và Nghĩa quân Bình Định…
(Khoảng tháng 6 năm 1973, viên Thiếu tá Võ văn Ứng bất chợt về hồi chánh. Theo lời khai của y, với trận Đề Gi thất bại, 3/4 lực lượng tham chiến thuộc Lữ đoàn CS bị loại khỏi vòng chiến, một số lớn tử thương, không kể bị thương và bị bắt. Sư đoàn 3 Sao vàng rúng động, Quân khu 5 CS ngẩn ngơ, Hà Nội tím ruột. Ứng bị giáng cách tuột xuống chuẩn úy. Khi về hồi chánh, y tha thiết xin được gặp người đã làm cho y thân bại danh liệt: Trung tá Nguyễn Mạnh Tường.
Võ văn Ứng quê ở Hoài Nhơn, Bình Định, một sỹ quan nổi danh của SĐ3 Sao vàng, xuất thân từ hàng ngũ binh sỹ đi lên, chiến trận dạn dày. Trung tá Tường tiếp y với nụ cười ân cần, hiền hòa và bình dị. Y thật lòng thú nhận là y không thể ngờ được có ngày y bị bại trận một cách nhục nhã đến như thế. Tuy nhiên y rất khâm phục về phương cách điều quân lạ lùng và chớp nhoáng mà y không hề nghĩ tới, duy có một điều y bất phục:
– “Thưa ông, nếu tôi là ông, thì hai Tiểu-đoàn còn lại của tôi sẽ không thể nào chạy thoát, sẽ không còn một người nào sống sót, bằng cách xử dụng phi pháo và chặn đánh.”
Trung tá Tường vẫn nụ cười hiền hậu, đưa phóng đồ hành quân ra và nói:
– “Ông hãy xem đây, tôi đã dự tính hơn những điều ông nói, tuy nhiên, nếu tôi thực hiện điều đó, người dân vô tội sẽ tổn thất không nhỏ về nhân mạng và tài sản. Với tôi, dù nếu để tiêu diệt trọn hai tiểu đoàn tẩu thoát của các ông, đổi lại, chỉ một người dân phải chết oan uổng, tôi nhất quyết không làm!”
Ứng không ngờ là trong đời y, y đã gặp được một danh tài quân sự, mà lại càng không ngờ trong đời chiến trận sinh tử lại có một tấm lòng nhân ái đến như thế…
Trận đánh giải tỏa phi trường Phù Cát
Sau trận Đề Gi, tiềm năng quân sự của Sư đoàn 3 Sao vàng bị hao hụt trầm trọng, các hoạt động quân sự của địch hầu như suy giảm hẳn. Hai Liên đoàn 4 và 6 Biệt Động tăng cường chế ngự địch tại hai Quận Hoài Nhơn và Tam Quan. Hoài Ân và một phần quận Phù Mỹ do trung đoàn 41 đảm trách. Tình hình an ninh tương đối ổn định. Quốc lộ 1 và 19 thông suốt, do các lực lượng ĐPQ và Nghĩa quân đảm trách. Bọn Cộng sản gửi văn thư tố giác đích danh Trung tá Nguyễn Mạnh Tường là luôn luôn nống lấn, vi phạm Hiệp định đình chiến. Nực cười là lời tố giác nầy lại đứng trước một thực tế mà viên Trưởng đoàn Kiểm soát đình chiến trú đóng tại TTHL/Phù Cát đã phải thừa nhận là chính cộng sản đã vi phạm . Thêm vào đó, các vị đại sứ của các quốc gia đã đích thân đến thăm căn cứ Đề Gi ngay sau khi quân lực ta tái chiếm, đã là những nhân chứng đáng tin cậy nhất. Do đó, văn thư tố giác Trung tá Nguyễn Mạnh Tường rơi vào khoảng không.
Trong suốt thời gian từ tháng 1/1973 cho đến tháng 4/1974 các ấp an ninh từ loại “V” được dần dần nâng lên loại A càng lúc càng nhiều, khu vực vùng đai an ninh thị xã Qui Nhơn mỗi lúc một mở rộng thêm, dù rằng địch cố gắng giành giật nhưng hầu như hoàn toàn thất bại.
Cũng thời gian này, tuy rằng tình hình quân sự tương đối lắng dịu, lại chính là giai đoạn vất vả nhất đối với Trung tá Tường. Ông thường xuyên có mặt ở khắp nơi, vừa luyện quân, vừa tổ chức, phối trí lại tất cả lực lượng dưới quyền. Một trong những đơn vị mà ông đã bỏ công sức để thành lập, huấn luyện đó là Liên đội Trinh sát của Tiểu khu. Ông đi đến từng các Trung đội ĐPQ và Nghĩa quân, tìm hiểu và lựa chọn đến từng binh sỹ. Ông tìm hiểu hoàn cảnh, đời sống, tâm tư và tình cảm của tất cả các chiến binh, lựa chọn các cấp chỉ huy dũng lược để bổ nhiệm vào các chức chỉ huy từ Tiểu đội trưởng trở lên. Trung úy Khuynh được bổ nhiệm làm Liên đội trưởng Liên đội Trinh sát Tiểu khu, với quân số khoảng 2 đại đội. Sự lao tâm khổ trí của ông đã được đền bù trong trận đánh giải vây căn cứ 60 KQ/Chiến thuật của Đại tá Nguyễn Hồng Tuyền, trú đóng tại Phi trường Phù Cát.
Phi trường Phù Cát là một phi trường quân sự lớn, do Không lực Hoa kỳ xây dựng vào những năm 1966-1967. Căn cứ nằm giữa ranh ba quận An Nhơn – Bình Khê và Phù Cát, kéo dài theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, chạy dài từ núi Vân Sơn, cạnh dòng sông Côn, lên đến tận Núi Một, kế cận cầu Phù Ly thuộc quận Phù Cát. Phi trường Phù Cát rộng lớn, hơn cả phi trường Phú Hiệp (Phú Yên). Tất cả các loại phi cơ phản lực có thể lên xuống một cách dễ dàng. Khi quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam, Đại tá không quân Nguyễn Hồng Tuyền tiếp nhận phi trường và trở thành chỉ huy trưởng căn cứ 60/KQ/CT. Từ căn cứ này xuất phát tất cả mọi loại phi vụ yểm trợ đắc lực nhu cầu chiến trường trong một vùng hoạt động rộng lớn.
Vào một buổi sáng ngày Chủ nhật, tháng 5 năm 1974, Đại tá Hoàng Đình Thọ, Tỉnh trưởng kiêm TKT/TKBĐ đi họp tại SaiGòn, Tr/Tá Tường xử lý thường vụ chức vụ tiểu khu trưởng trong lúc Đại tá Thọ vắng mặt. Trời còn rất sớm, Thượng Sĩ Nguyễn Đình Đốc, một hạ sỹ quan đầy tài năng và kinh nghiệm (hiện Th/Sĩ Đốc đang cư ngụ tại Canoga Park, Nam California) của phòng 2/Tiểu khu trình cho Tr/tá Tường một bản điện văn của địch đã được giải mã, nội dung vỏn vẹn gồm 10 chữ “Quân Át Chủ Bài đã vào vị trí tập kết”. Nội dung ấy nói lên rằng SĐ 3 Sao Vàng của quân khu 5 sắp khai diễn một cuộc tấn công có tầm mức rất quan trọng, tuy nhiên không rõ được mục tiêu mà chúng đã lựa chọn.
Là người chỉ huy luôn luôn nắm vững mọi tình hình lực lượng bạn, với một hệ thống tình báo riêng, ông còn biết rõ địch tình, lực lượng và những thói quen, cùng tích nết của các cấp chỉ huy của Sư đoàn 3 Sao Vàng. Ông theo dõi những chuyển dịch của lực lượng địch một cách cập nhật, với sự thận trọng và khách quan, đồng thời loại bỏ từng mục tiêu cùng khả năng chuyển quân của chúng.
Cuối cùng ông đã khẳng quyết rằng: Mục tiêu của con ” Át chủ bài này chính là căn cứ 60 Không Quân chiến thuật. Lập tức ông điện thoại cho Đại tá Nguyễn Hồng Tuyền, chỉ huy trưởng căn cứ, cũng may Đại tá Tuyền còn tại nhà (căn cứ 60), và ông cho biết là có một chuyện cực kỳ quan trọng cần thảo luận với Đại tá Tuyền và yêu cầu Đại tá Tuyền ở nhà chờ ông, mà vì tính chất quan trọng của vấn đề ông không thể nói trên điện thoại được. Đại tá Tuyền đã khẩn cấp đưa trực thăng đón Trung tá Tường ngay tức khắc.
Để giữ bí mật, chỉ có hai người duy nhất trong cuộc họp mật này. Trung tá Tường cho Đại tá Tuyền biết chỉ trong đêm nay Cộng quân sẽ tấn công căn cứ 60/KQ CT. Lực lượng địch “Con át chủ bài” chắc chắn phải là một lực lượng cực kỳ hùng hậu.
Phòng ngự căn cứ gồm các lực lượng yểm cứ và quân nhân cơ hữu của không quân, ngoài ra từ trước, căn cứ được tăng cường tiểu đoàn 263 ĐPQ do Thiếu tá Phạm Hữu Kỳ làm Tiểu đoàn trưởng với quân số chừng 600 binh sĩ. Tuy nhiên, căn cứ quá rộng, lực lượng phòng thủ phải phân tán quá mỏng. Đường phi đạo nằm dọc theo chiều Bắc Đông Bắc và Nam Tây Nam, do đó căn cứ cũng phải trải dài theo chiều dài phi đạo.
Sườn phía đông của căn cứ là khu dân cư dầy đặc của 3 quận An Nhơn, Phù Cát và Tuy Phước, địch không có khả năng che dấu và di chuyển vũ khí nặng, do đó chắc chắn mũi tiến công của cộng sản từ sườn phía Tây của căn cứ, khu vực thưa thốt dân cư, xa xa ở phía Tây là dẫy Núi Vĩnh Thạnh, trùng điệp tiếp giáp với các mật khu của địch, cánh đồng phía Bắc quận Bình Khê, từ Gò Đề trở lên là khu đất cằn cỗi, do nước lũ từ triền dẫy Vĩnh Thạnh đổ xuống, năm từng năm xoi mòn làm thành những con lươn sỏi đá khô cằn, những con lươn này, là một địa thế lý tưởng cho cuộc chuyển quân, ém kín và tiếp cận mục tiêu của địch từ dẫy núi Vĩnh Thạnh chạy sang phía Đông, tiếp giáng Phi Trường Phù Cát.
Sườn phía Tây có hai ngọn đồi cao, một ở phía Bắc Tây Bắc nằm bên trong vòng đai phòng thủ là ngọn đồi 69, do một trung đội thuộc Tiểu đoàn 263 ĐPQ trấn ngự. Một ngọn đồi khác nằm hướng chính Tây mang tên Đồi 151 nằm cách căn cứ chừng 1 km do 1 Trung đội Nghĩa Quân thuộc chi khu Bình Khê trú đóng.
Muốn tấn công một mục tiêu rộng lớn và quan trọng như căn cứ 60/KQ/CT Phù Cát, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường ứớc tính lực lượng địch phải từ cấp trung đoàn trở lên, được tăng cường lực lượng phòng không, pháo binh, hỏa tiễn nhằm khống chế các phi cơ của căn cứ, không cho cất cánh, đồng thời phá hủy tất cả những kho đạn và những mục tiêu trọng yếu, mà chắc chắn chúng đã có được sơ đồ chi tiết do bọn nội tuyến cung cấp. Đại tá Chỉ huy trưởng căn cứ ra lệnh cắm trại 100% đồng thời mọi kế hoạch phòng thủ được âm thầm tiến hành sẵn sàng chờ địch. Đứng trước tình hình nghiêm trọng ấy, trong tay Trung tá Tường không còn bất cứ một lực lượng trừ bị nào ngoài Liên đội Trinh sát Tiểu khu của Trung úy Khuynh với quân số khoảng 250 binh sĩ. Phòng ngự không để cho địch tràn ngập căn cứ là thiết yếu, nhưng phản công tiêu diệt địch lại là một vấn đề quan trọng hơn.
Giữa lúc ấy, một đoàn xe chở một Tiểu đoàn Biệt động quân về thụ huấn tại TTHL/Lam Sơn, đang di chuyển ngang qua Tỉnh Bình Định,Trung tá Tường, sau rất nhiều khó khăn trong buổi sáng Chủ nhật ấy, mới xin phép được Thiếu tướng Phan Trọng Chinh, để được sử dụng Tiểu đoàn BĐQ này để tăng cường phòng thủ cho phi trường, tuy nhiên không được sử dụng Tiểu đoàn làm lực lượng tấn công, giải tỏa. Biết chắc chắn là với lực lượng còn lại, không đủ khả năng tấn công trực diện địch mà phải sử dụng kỳ binh tốc chiến, tốc thắng, âm thầm đánh vào sườn địch vào giữa lúc bất ngờ nhất, Trung tá Tường đã xin lệnh Quân đoàn được phép xử dụng Chi đoàn Thiết giáp đang trú đóng tại An Khê để bảo vệ trục lộ cho các đoàn xe tiếp tế từ Qui Nhơn lên Pleiku. Tuy nhiên Trung tướng Toàn, Tư lệnh QĐ2 đã đi họp tại Sàigòn, Ch/tướng Cẩm, Tư lệnh phó không có mặt, Sĩ Quan trực TTHQ cho hay không biết Ch/tướng Cẩm ở đâu trong ngày chủ nhật hôm ấy.
Trước tình trạng cấp bách, Trung tá Tường xử dụng trực thăng do Đại tá Tuyền biệt phái, đáp xuống An Khê, gặp Trung úy Mỹ, Chi đoàn trưởng Chi đoàn Thiết giáp, giả lệnh của Quân đoàn, đặt chi đoàn dưới quyền điều động của ông, đồng thời ông cũng ra lệnh đình hoãn tạm thời các đoàn công voa tiếp tế lên Cao nguyên cho đến khi có lệnh mới. Chi đoàn thiết giáp được lệnh đổ đèo An Khê xuống Bình Khê chờ lệnh.
Ông trình bày kế hoạch tấn công, nhiệm vụ của Chi đoàn và Liên đội thám sát Tiểu khu, có trách nhiệm tấn công sườn phía Nam của địch, tuyến xuất phát từ phía Bắc bờ sông Côn khi có lệnh. Kế hoạch của ông là, Liên đội Thám sát tùng thiết đánh thốc từ phía Nam lên với sức mạnh hỏa lực tối đa, với vận tốc tối đa, không được dừng lại để thu nhặt chiến lợi phẩm mà phải chia cắt nát mặt trận của địch. Trong khi ấy, ông sẽ dùng Tiểu đoàn BĐQ giả làm lực lượng tấn công trực diện, với tất cả hỏa lực và những vũ khí cộng đồng để thu hút địch.
Trung tá Tường đáp xuống bờ bắc sông Côn, cách Đền thờ Đức Quang Trung khoảng 50m, dẫn Tr/úy Mỹ và Tr/úy Khuynh cùng ông vào điện thờ làm lễ dâng hương, xin anh linh thần dũng của người Anh hùng năm xưa, đã chớp nhoáng đánh tan 20 vạn quân Thanh vào đầu Xuân năm Kỷ-dậu 1789, phù trợ cho các chiến binh hậu duệ của Ngài. Sau đó ông cùng Tr/úy Mỹ và Tr/úy Khuynh lên trực thăng đi thám sát địa thế, bởi vì địa hình khu vực Bắc Bình Khê, Tây Phù Cát, An Nhơn có nhiều bất lợi cho cuộc tấn công chớp nhoáng bằng thiết giáp, do đó người chỉ huy phải nắm vững địa hình một cách chặt chẽ.
Sử dụng 1 Chi đoàn Thiết giáp với một Liên đội làm mũi nhọn, làm chủ lực tấn công một địch thủ mà quân số và hỏa lực gấp 10 lần là một điều ít ai dám làm, thậm chí không dám nghĩ tới. Thế nhưng trong chiến sử cổ kim và đông tây đã từng xảy ra với các danh tướng đã từng chiến thắng trong mỗi hoàn cảnh với những yếu tố bất ngờ, thần tốc …
Đêm chủ nhật hôm ấy, các chiến binh căn cứ Không Quân/Chiến Thuật trong tư thế sẵn sàng chờ địch. Và quả nhiên, cộng quân mở đầu cuộc tấn công bằng hàng ngàn trái đạn đủ loại. Tiểu đoàn Trinh sát Sao vàng ồ ạt tấn công cao điểm 151 do Trung đội Nghĩa quân thuộc chi khu Bình Khê trú đóng. Đồi 151 bị địch tràn ngập và chiếm ngự, chúng dùng điểm cao nầy để chế ngự phi trường. Riêng ngọn đồi 69 nằm trong vòng đai phòng thủ Bắc Tây Bắc phi trường do một trung đội của Tiểu đoàn 263 tử thủ, đã đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch. Trung đoàn 2 Sao Vàng, Trung đoàn được gọi là “con át chủ bài” nghĩ rằng với yếu tố bất ngờ và với hỏa lực ưu thế, chúng sẽ dễ dàng chọc thủng tuyến phòng ngự và tràn ngập căn cứ một cách dễ dàng. Nhưng chúng không thể ngờ, các chiến sĩ của căn cứ đã chờ đợi chúng và bằng tất cả sức chiến đấu mãnh liệt, từng đợt tấn công của cộng quân đã bị đẫy lui.
Trong lúc ấy, tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn BĐQ được trang bị bằng những vũ khí hạng nặng, khai hỏa ào ạt, được ngụy trang như những chiến xa, lôi kéo hỏa lực địch, chúng nghĩ rằng những chiến xa của ta bắt đầu xung kích… Giữa lúc địch tấn công vào căn cứ, cũng là lúc Chi đoàn thiết giáp chuyển các chiến binh của Liên đội Thám sát Tiểu khu bắt đầu vượt tuyến xuất phát, âm thầm xuất kích đánh vào sườn trái của địch. Trong bóng đêm mịt mùng, mãi mê vì bị lôi kéo, hòng ngăn chặn thiết giáp đánh ra từ căn cứ (do BĐQ ngụy trang), cả Trung đoàn 2 Sao Vàng và các đơn vị tăng cường dồn hết mọi hỏa lực về phia trước. Chúng không ngờ bên sườn trái, tử thần đang từng phút kề cận. Cho đến khi toàn bộ hỏa lực của Chi đội thiết giáp và Liên đội Trinh sát tấn công ào ào như sấm dậy, như sét đánh không kịp bưng tai, nổi kinh hoàng tràn ngập trận tuyến địch, địch không kịp quay súng, từng lớp bị đốn ngã…
Giữa đêm đen, khi đã phát hiện ra lực lượng tập kích sườn trái, từng lưới đạn vẫn ào ào đổ xuống, lớp chết , lớp bị thương, địch bỏ súng tháo chạy, lớp này cuốn theo lớp khác bị bắn hạ. Toàn thể Trung đoàn 2 Sao Vàng “anh hùng” thoắt chốc tan tác, cuống cuồng tháo thân… Tiểu đoàn Trinh sát Sư đoàn 3 Sao Vàng trấn trên đồi 151 không hề hay biết, cho đến lúc một đại đội của liên đội Trinh sát tiểu khu do Tr/úy Khuynh chỉ huy, đánh thốc lên từ sau lưng bằng lựu đạn, tên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát Sao Vàng bị đốn ngã ngay từ phút đầu tiên, cả tiểu đoàn buông súng lao xuống sườn đồi tháo chạy, bất kể phương hướng, chúng kinh hoàng bởi sự đột kích hết sức bất ngờ, tử thần đã từ phía sau ập đến… Xác địch ngỗn ngang trên đồi cao, cùng một số thi thể của các chiến sĩ nghĩa quân đã hy sinh lúc khởi đầu chiến trận. Cuộc tháo chạy kinh hoàng, bỏ lại đủ loại vũ khí trên đường tiến quân của ta. Ngược lại, như một sự linh thiêng mầu nhiệm, lực lượng tấn công của ta hoàn toàn vô sự.
Trung úy Khuynh gỡ chiếc “xà cột”trên vai xác tên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát Sư đoàn 3 Sao Vàng. Mọi ý đồ của địch được ghi chép trong tài liệu bắt được cho thấy trận đánh này chỉ là bước khởi đầu cho một trận tấn công toàn lãnh thổ tỉnh Bình Định. Ý đồ của chúng bị bẻ gẫy, bị đập tan ngay từ bước khởi đầu. Cùng lúc, những tên còn sống sót của Trung đoàn 2 Sư Đoàn 3 Sao vàng cuống cuồng tháo chạy, Chi khu Phù Cát tổ chức cuộc hành quân trực thăng vận khẩn cấp với 2 Trung đội Nghĩa Quân đổ xuống mục tiêu đã được dự trù, tịch thu được 1 khẩu súng “bắn hỏa tiển” loại mới với những trái đạn khổng lồ còn lăn lóc (đây là một loại vũ khí mới nhất của Trung Cộng, súng dùng để bắn hỏa tiễn với máy nhắm hiện đại. Máy nhắm này phía Hoa Kỳ đã xin mượn để nghiên cứu, vì đây là loại súng bắn hỏa tiễn tối tân nhất của Trung cộng, bị tịch thu ở chiến trường miền Nam, với mức độ chính xác gấp nhiều lần so với dàn phóng hỏa tiễn có từ trước). Ngoài ra còn tịch thu được:
– 1 súng cối 120 ly
– 4 đại bác 82 ly
– 1 đại bác 122 ly
Số lượng vũ khí cộng đồng, cá nhân và xác địch quân bỏ lại trên chiến địa không đếm xuể, hầu như toàn bộ lực lượng địch tham chiến bị tiêu diệt gần hết. Một điều kỳ diệu là thiệt hại của lực lượng bạn không đáng kể, ngoại trừ trung đội Nghĩa quân của chi khu Bình Khê trú đóng trên đồi 151 đã hy sinh lúc khởi đầu trận đánh.
Sau chiến thắng, Chuẩn tướng Cẩm, Tư lệnh phó Quân đoàn 2, đề nghị Tướng Toàn phạt Trung tá Nguyễn Mạnh Tường 30 ngày trọng cấm với lý do đã điều động và xử dụng chi đoàn Thiết giáp khi chưa được “ông-tướng-rong-chơi” này cho phép(!!!), trong khi 2 Trung tá Không quân thuộc căn cứ 60/KQ/CT được vinh thăng Đại tá tại mặt trận, một số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ được thăng cấp rất hạn chế… Điều bất công ấy đã khiến cho Đại tá Nguyễn Hồng Tuyền và toàn thể Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và Binh sĩ tham chiến kinh ngạc và phẫn nộ. Ngay cả đến Trung tướng Tư lệnh Không Quân Nguyễn văn Minh cũng tức giận. Trung tướng Minh ra thăm căn cứ K/Q Chiến thuật, cho tổ chức tiệc ăn mừng chiến thắng. Tướng Minh đã ca ngợi và giới thiệu Trung tá Tường với thuộc cấp như vị “ân nhân” của binh chủng Không quân, lệnh cho binh chủng luôn ghi nhớ công sức của người đã cứu nguy và mang lại chiến thắng cho binh chủng, và sẽ luôn phải ưu tiên thỏa mãn cho Tr/tá Tường những nhu cầu công cũng như tư. Đại tá Tuyền từ đó đã dồn mọi ưu tiên không yểm cho Trung tá Tường trong các yêu cầu tại chiến trường. Cũng vì thế, Tư lệnh Sư đoàn 22/BB đã kiện về Bộ Tổng tham mưu về sự ưu tiên nầy. Bộ Tổng tham mưu đã phái một Đại tá ra điều tra sự kiện thưa gởi ấy. Đại tá Tuyền đã trả lời một cách minh bạch:
– “Điều ấy dễ hiểu, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường đã giúp chúng tôi một cách tận lực trong lúc nguy nan, cấp cứu và giải thoát cho những phi đoàn của chúng tôi lúc bị bắn hạ một cách mau chóng. Trong khi ấy, Sư đoàn đã không làm gì trước những yêu cầu như thế. Do đó, chúng tôi phải tận lực yểm trợ cho Trung tá Tường là điều đương nhiên!”
Người chỉ huy và mang lại chiến thắng trong trận Phù Cát, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường, bị đối xử như thế, đã khiến Trung tướng Minh bất bình và không thể im lặng, do đó, trong một cuộc họp các tướng lãnh tại Sài gòn, có mặt Đại tướng Trần thiện Khiêm, đương kim Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Minh đã nêu lên thắc mắc này. Đại tướmg Khiêm đã hỏi Đại tướng Cao văn Viên về sự kiện ấy, ông Viên trình bày là “đã hết cấp số!”. Đại tướng Khiêm lệnh mang hồ sơ của Trung tá Nguyễn Mạnh Tường cho ông đích thân cứu xét, và ngay tức khắc Thủ tướng Đại tướng Trần Thiện Khiêm đã ký nghị định thăng cấp Đại tá thực thụ cho Trung tá Nguyễn Mạnh Tường ngay sau cuộc họp. Đó là vào khoảng tháng 8/1974.
Sau khi được thăng Đại tá, một tưởng thưởng muộn màng, Đại tá Tường được thuyên chuyển về làm Phụ tá Hành quân cho tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5BB. Kể từ ngày ấy, tôi không gặp lại Đại tá Tường, mãi cho đến cuối năm 1977 mới gặp lại ông tại Hoàng Liên Sơn trong một lần đi vác nứa. Tôi đã đứng nghiêm kính cẩn chào ông bằng lễ nghi quân cách với những dòng nước mắt nghẹn ngào. Ông vẫn bình thản như ngày xưa, vẫn đôi mắt và nụ cười thuở trước. Dường như sự đày đọa trong tù ngục không ảnh hưởng gì đến ông. Người chiến binh già ấy đã từng làm cho tôi kính trọng thuở nào, càng làm cho tôi kính yêu hơn nữa trong cung cách thản nhiên chịu đựng sự nhục mạ, sự đọa đày hèn hạ trong chốn lao tù.
Bẳng đi bảy năm sau đó, 1984, tôi được gặp lại ông tại Z30A Xuân Lộc, ông sống âm thầm trong cuộc sống đày ải như một bậc chân tu. Ông dạy tôi về Thiền, về khí công, về cách điều tức “sâu-dài-êm-đềm-chậm”. Thì ra chính Thiền công đã khiến ông vượt qua được tất cả, kể cả mọi bệnh tật cũng không xâm nhập được vào cơ thể người chiến binh năm xưa. Thỉnh thoảng ông mới được thăm nuôi, cuộc sống cực kỳ đạm bạc, thế mà ông vẫn chia xẻ những món quà khiêm tốn, ít ỏi cho những anh em đồng tù bất hạnh, không kể thân sơ, chỉ giữ lại cho mình những hủ tương mặn chát. Trong tù, tôi được nghe nhiều người nhắc đến ông trong thời gian ông về làm Phụ tá hành quân Sư đoàn 5, kể lại cuộc rút quân thần kỳ cuối cùng của cuộc đời binh nghiệp, cùng những đức tính cao quý, không chỉ những sỹ quan thuộc Sư đoàn 5 mà còn rất nhiều người đã sống bên ông trong quãng đời tù đày.
Mãi đến năm 1992, tôi mới gặp lại ông tại Sài gòn. Ông sống một mình trong một con hẻm đường Công Lý. Ngày từng ngày, ông đi chữa bệnh cho những ai cần đến ông. Ông không nhận bất cứ thù lao nào từ những bệnh nhân được ông chữa khỏi. Những lúc rảnh rỗi, ông lên gác chuông chùa Vĩnh nghiêm đọc kinh Phật.
Năm 1993, tôi bị CSVN bắt lại với án tù 12 năm về tội “âm mưu lật đổ chính quyền”, may mắn được Quốc tế can thiệp và được ra khỏi tù cuối năm 1998.
Đầu năm 1999, tôi sang Mỹ theo diện H.O được chiếu cố vì quá muộn màng. Và vui mừng xiết bao vì lại được gặp lại ông. Nhân lời yêu cầu của nhóm nhà văn quân đội chủ trương thực hiện tập “Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử”, tôi xin phép ông cho phép tôi được viết lại một cách khiêm tốn quãng thời gian ông đã tham dự và chỉ huy các trận đánh ở chiến trường gian khổ Bình Định, cùng những chiến thắng lẫy lừng của các chiến sỹ Địa phương quân và Nghĩa Quân âm thầm mà ông chính là người đã, với tài trí và đức độ của mình, đưa đến những chiến thắng thần kỳ trong sự hạn chế và gìn giữ tối đa sinh mạng và tài sản của dân lành vô tội. Ông đã từ chối rất nhiều lần với ý muốn thành khẩn của tôi, khi tôi muốn đưa một tài năng chỉ huy của quân lực vào Quân sử, với lý do là ông đã quên hết trong thế giới của Thiền đạo. Và cũng bởi vì, với kết cuộc thảm khốc của sinh mạng QLVNCH trong tháng Tư đen tối 1975, thì mọi chiến công đã trở thành tận cùng đau đớn, có nhắc lại chỉ thêm đắng cay, mà mỗi người trong chúng ta chỉ nên âm thầm trong sám hối bỡi những hành vi đã có, đóng góp một phần trong cuộc bại trận này.
Theo ông, có 3 đại họa trong thiện hạ là:
1/ Công ít mà bỗng lộc nhiều
2/ Tài mọn mà địa vị cao
3/ Chí nhỏ mà mưu việc lớn.
Tôi hoàn toàn thẩm thấu được nổi đau lòng ấy, nhưng tôi thưa với ông là “VNCH của chúng ta bị bức tử vì nhiều mặt. Tuy nhiên, các chiến-sỹ QLVNCH đã chiến đấu vô cùng anh dũng, biết bao người đã nằm xuống, đã đổ máu xương cho một Việt Nam Tự do, và giờ nầy các chiến binh vô danh cả triệu người đang sống trong tối tăm, trong đọa đày tủi nhục, trong đau đớn ê chề… Vậy thì hãy cất tiếng nói, HÃY TRẢ LẠI DANH DỰ CHO CÁC CHIẾN BINH ÂM THẦM kia, trả lại cho lịch sử mai hậu về một VNCH và một QLVNCH đã có những đứa con xứng đáng trong bất khuất, anh dũng trong hy sinh, vinh hiển trong máu xương oan khuất. Việc nhắc đến, vinh danh những chiến binh đã chiến đấu, đã nằm xuống như dòng nước mát, như nén hương thơm cho Quê Hương Việt Nam thống khổ. Và sau cùng, vì những điều tôi vừa trình bày. Cuối cùng, ông đã đồng ý cho tôi viết những dòng trả lại vinh quang cho những người lính miền Nam.
© Trần Thúc Vũ
Trần Thúc Vũ
01:19:am 08/07/10
http://www.danchimviet.com/archives/12987
.
Chiến sử của QLVNCH là một chiến sử oanh liệt với biết bao những chiến công lẫy lừng, hiển hách đã từng được quốc tế ca ngợi là một trong những quân lực thiện chiến hàng đầu trên thế giới, và cũng là một quân lực đầy đắng cay, xót xa, tủi nhục, u hờn và bị bức tử đớn đau nhất. Quân Lực VNCH đã chiến đấu anh dũng với những chiến công lừng danh được đương thời và mãi mãi sau này nhắc đến. QLVNCH đã có những tướng lãnh, những cấp chỉ huy tài ba và mưu lược, can trường và đức độ, liêm khiết, được vinh danh. Có những bậc anh hùng vị quốc tuẫn tiết được phụng thờ hương khói trong lòng dân tộc, và những đơn vị thiện chiến sáng ngời trong quân sử. Những địa danh ,những trận đánh khốc liệt vang dội một thời mà cho đến tận hôm nay, và mãi mãi về sau, vẫn còn âm hưởng.
Thế nhưng, ngậm ngùi thay, còn biết bao nhiêu các chiến sỹ vô danh, đã chiến đấu từng khiến quân thù bạt vía, đã âm thầm hy sinh xương máu để bảo vệ Tự do cho Đất nước, và cả những cấp chỉ huy mưu lược và can trường đã bị lãng quên, bị nhận chìm trong bóng tối của thời gian.
.
Cựu Đại Tá VNCH Nguyễn Mạnh Tường (Bên trái)
http://www.danchimviet.com/wp-content/uploads/2010/07/NMTuong.png
.
Sự bất công vô tình gần như hồn nhiên theo dòng thời gian ấy giống như lòng phụ bạc, có phải chăng chỉ vì họ là những chiến binh được xếp vào hàng thứ yếu so với các lực lượng tổng trừ bị, những sư đoàn Bộ Binh…? Các lực lượng ĐPQ + NQ diện địa, vốn dĩ được trang bị và yểm trợ cũng vào hàng thứ yếu, họ được coi là những đơn vị phụ chiến, nhưng thực tế chính họ lại là những đơn vị nòng cốt và thiết yếu của chiến trường, ngày đêm trực diện với kẻ thù, không một phút giây thảnh thơi được về dưỡng quân nơi hậu cứ phố thị sau những trận đánh như những đơn vị tổng trừ bị đàn anh, được khao thưởng, được chào mừng nồng hậu…
Tội nghiệp thay, chính họ chứ không ai khác, đã phải ngày đêm căng sức giữ vững từng tấc đất mà quên lãng thân mình, thậm chí họ đã từ chối mọi tưởng thưởng, những phần thưởng tinh thần. Một thí dụ điển hình như trường hợp một trung đội trưởng Nghĩa Quân, kiêm nhiệm Xã Trưởng Xã Mỹ Hiệp quận Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định, đã từ chối danh vị chiến binh Anh Hùng vào năm 1973 – Anh đã từ chối phần thưởng được du ngoạn Đài Loan, người Nghĩa Quân ấy năn nỉ với Đại Tá Nguyễn Mạnh Tường để xin được ở lại giữ thôn ấp. Anh nói:
– “Xin Đại tá cho em được ở lại. Em mà bỏ đi lúc này, xã Mỹ Hiệp sẽ nguy mất!”
Phải nói thêm là bọn Du Kích Xã Mỹ Hiệp nổi tiếng là lỳ lợm và hung bạo, “Nhà Thờ Đá” “Dốc Bà Dần” là những địa danh không xa lạ gì với nhân dân Tỉnh Bình Định, lại do chính sự hung bạo lỳ lợm và của xã đội Du Kích Xã Mỹ Hiệp tạo thành.
.
Một trong những miền đất bị bỏ quên chính là chiến trường Bình Định và những chiến sỹ của miền đất “Tây Sơn, Áo Vải Cờ Đào “. Và bài viết này xin được coi như lời tạ lỗi muộn màng của một người lính chiến ở chiến trường Bình Định còn sống sót, đang viết những dòng này.
.
Chiến trường Bình Định – không phải mãi sau này – mà ngay từ thờ kháng chiến chống Pháp, đã luôn luôn là một chiến trường sôi động. Những địa danh An Khê, Hoài Ân, An Lão . . . mãi mãi là dấu ấn kinh hoàng cho những binh đoàn viễn chinh Pháp, một phần vì địa thế chiến lược của vùng đất này, một phần khác là lòng người. Thời kháng Pháp, quân đội viễn chinh Pháp, dù đã nhiều phen dồn mọi nỗ lực, vẫn không chế ngự và kiểm soát được, và cũng chính vì thế, một số không nhỏ những người yêu nước đã bị cộng sản Hà Nội lừa gạt bởi chiêu bài Dân Tộc trá hình, đã chiến đấu dũng mãnh trong hàng ngũ của họ.
Sau Hiệp định Genève, một số tập kết ra Bắc, một số lớn ở lại âm thầm tạo dựng cơ sở. Dân chúng Bình Định, với truyền thống yêu nước của vùng đất Quang – Trung, đã bị tuyên truyền bịp bợm về ngọn cờ Dân Tộc trá hình, nên một số lớn dân chúng Bình Định hướng về Hà Nội. Thế nhưng, nét đăc thù của người dân Bình Định là phân minh, Quốc, Cộng rạch ròi, chính sự phân định ấy đã đưa đến thảm trạng tương tranh khốc liệt. Biết rõ điều này, Quân khu 5 của Cộng quân luôn coi chiến trường Bình Định là chiến trường chủ yếu mang tính quyết định, nên họ dồn mọi nỗ lực, tuyên truyền, vận động để đẩy rộng thêm sự chém giết tương tàn, gây hận thù chồng chất.
Chiến trường Bình Định luôn có mặt những đơn vị cộng sản thiện chiến nhất của Quân khu 5. Khi Chu Huy Mân nắm quyền Tư Lệnh, y điều động Sư đoàn 3 Sao vàng “anh hùng”, với những Tiểu đoàn quyết tử, Tiểu đoàn 405 trinh sát đặc công được trao tặng cờ đỏ, với Trung đoàn Địa phương và các huyện đội tinh nhuệ được đặt dưới quyền điều động của những cán bộ cuồng tín và tàn bạo bậc nhất, chưa kể đến vào những năm 1965, được tăng cường thêm Trung đoàn Địa phương Phú Yên dưới sự chỉ huy của ‘Tướng độc nhủ Nguyễn thị Lành, được mệnh danh là Nữ hung thần bất tử.”
Chiến trường Bình Định bùng lên mãnh liệt vào những tháng đầu năm 1965, giữa lúc mà cuộc diện chính trị VNCH đa ng nổi trôi trong sự bất ổn, những trận đánh ác liệt diễn ra khắp nơi trải dài từ Phù Ly đến tận Bồng sơn với các mặt trận Phù Ly, Đại Thuận, Phù Mỹ, Đèo Nhông, Diêm Tiêu, Vạn Bảo, Phù Cũ . . . đã mở màn dường như cùng một lúc. Chẳng phải bỗng dưng mà tháng 9/1965 sư đoàn Anh Cả Đỏ (SĐ1 Không kỵ ), rồi lần lượt sư đoàn 101, lữ đoàn 173rd Dù đều là những đơn vị thiện chiến nhất của Hoa Kỳ đã phải thay nhau có mặt tại Bình Định , chế ngự An Khê và mật khu Kon Hanùng. Chẳng phải khi không mà sư đoàn Mãnh Hổ bậc nhất của quân đội Đại Hàn được giao sứ mạng trải dài bảo vệ quốc lộ 19, nhưng vẫn không chu toàn việc bảo vệ trọn vẹn sinh lộ này.
Tỉnh Bình Định là tỉnh được coi là rộng nhất trong toàn quốc với diện tích khoảng 10.000km vuông, chiều dài từ đèo Cù Mông đến đèo Bình Đê là 120km, chiều ngang từ Mũi Phương Mai đến biên giới tỉnh Pleiku là 90 km, với 3/4 là núi rừng trùng điệp, với các mật khu Kon Hanùng phía Bắc quận An Túc, giáp ranh tỉnh Kontum và Quảng Ngải. Mật khu An Lão , mật khu Vân Canh, mật khu Vĩnh Thạnh, căn cứ địa 226 nằm giữa ba quận đông Vĩnh Thạnh, tây Phù Mỹ và Nam Hoài Ân, mật khu mà chúng gọi là khu tam giác sắt vùng núi non Mỹ Thọ của Quận Phù Mỹ, là nơi mà chúng ém quân và xuất phát những cuộc tấn công ác liệt nhất. Dân số được kiểm kê vào tháng 1/1973 là 996.673 người (đây là con số không được trọn vẹn) được chia làm 14 quận: Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù cát, Tuy Phước, Tam Quan, Vân Canh, Nhơn Bình, và Nhơn Định. (Sau này Vĩnh Thạnh, Tam Quan, Vân Canh được đổi thành Nha Phái Viên Hành Chánh, riêng An Lão, nơi diễn ra trận đánh khốc liệt Suối đôi, Đồi Thánh Giá vào năm 1964, An Lão đã không còn kiểm soát được.)
Tính cuối năm 1972 Lực lượng ĐPQ và Nghĩa quân trực thuộc TK/Bình Định gồm hai BCH Liên đoàn 271 và 272, 18 Tiểu đoàn ĐPQ, 12 Đại đôi biệt lập, 620 Trung đội Nghĩa quân ( chưa kể đến quân số thuộc Xây Dựng Nông Thôn và Nhân Dân Tự Vệ). Để tăng viện cho tình hình chiến trường, Sư đoàn 22/BB có 4 Trung đoàn : 40, 41, 42, 47, thì thường xuyên 2 Trung đoàn 40 và 41 phải trấn ngự tại Bính Định. Quân đoàn 2 chỉ còn lại 4 Trung đoàn của Sư đoàn 23 và 2 Trung đoàn của SĐ/22/BB chia đều cho các tỉnh còn lại của Quân khu. Ngoài ra, trong giai đoạn sôi động nhất, Liên đoàn 6 và Liên đoàn 4/BĐQ được tăng cường trấn ngự 3 quận bắc Bình Định. Với một lực lượng lớn như thế, vẫn không đủ để dàn trải, để ổn định.
Vị Tỉnh trưởng dân sự cuối cùng là Ông Bùi Thúc Duyên, đã chuyển tiếp cho các sỹ quan của Quân lực từ cuối năm 1963 : Đại tá Trần Văn Tươi , Đại tá Nguyễn Thanh Sằng , Thiếu tá Trần Đình Vọng, Thiếu tá Thịnh, Trung tá Lê Trung Tường , Trung tá Trần Đình Vọng { lần thứ 2 }, Đại tá Nguyễn Mộng Hùng , Trung tá Phan Minh Thọ, Đại tá Nguyễn Duy Bách, Đại tá Nguyễn Văn Chức, Đại tá Hoàng Đình Thọ và vị Tỉnh trưởng kiêm TK/Trưởng cuối cùng là Đại tá Trần Đình Vỵ.
Đ/Tá Nguyễn Văn Chức, một sỹ quan cao cấp của ngành Công binh chuyên nghiệp nhận chức Tỉmh trưởng kiêm TK/Trưởng vào giữa năm 1971, với Tiểu khu phó là Đại tá Hà Mai Việt (Binh chủng Thiết giáp), Tham mưu trưởng là Trung tá Nguyễn Văn Cừ của Quân cụ. Đây là giai đoạn mà các sỹ quan cột trụ không từng là sỹ quan tác chiến lại phải gánh nhận áp lực nặng nề nhất trên chiến trường Bình Định.
Giữa lúc tình hình sôi động ấy, các chức vụ then chốt vốn là do các sỹ quan đã từng phục vụ tại Tiểu khu Bình Định trên dưới 10 năm, trưởng thành qua những kinh nghiệm chiến trường, biết rành rẽ về hiễm địa và nhân sự… lại bị cho là cấp bậc quá thấp (Thiếu tá), không đủ khả năng chỉ huy và lãnh đạo, nên Đại tá Chức đã xin Bộ TTM bổ nhiệm về Bình Định 50 Trung tá để thay thế các sỹ quan đương nhiệm. Bộ TTM chấp thuận và thuyên chuyển 30 sỹ quan cấp bậc Trung tá về Tiểu khu Bình Định, gồm đủ mọi thành phần. Bộ TTM gởi ra 16 vị ,và BTL/QĐ2 gởi xuống 14 vị để đáp ứng yêu cầu của Đ/tá Chức. Đại đa số các vị sỹ quan trung, cao cấp này khi được tăng cường cho Binh Định đều có vẻ ngao ngán với tâm trạng đi đày trong các chức vụ không tương xứng. Người duy nhất, nhận nhiệm vụ bằng cả tấm lòng, bằng cả trí tuệ và sự nhiệt thành, đó là Trung tá Nguyễn Mạnh Tường. Ông rời chức vụ Giám đốc Trung tâm Hành quân Quân đoàn 2 về làm Tham mưu phó Hành quân Tiếp vận dưới trướng Tham mưu Trưởng Nguyễn Văn Cừ, vị Trung tá Quân cụ, gọi máy PRC25 liên lạc hành quân như gọi điện thoại… May mắn thay, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường đã đến, đáo nhiệm một chức vụ quá khiêm tốn với tài năng và một bộ óc quân sự tuyệt vời, cộng với lòng nhiệt thành và một trái tim trong sáng. Chính vị Trung tá năng động này đã làm nên chiến thắng oanh liệt, cứu nguy cho sự tan nát của Bình Định mỗi lúc một gần kề, khi mà Sư đoàn 3 Sao vàng đã chiếm một cách trọn vẹn 3 quận bắc Bình Định là Tam Quan, Hoài Nhơn, Hoài Ân. Thiếu tá Hồng Bảo Hiền, Quận trưởng Hoài Nhơn tử trận, lực lượng trú phòng của 3 quận rút chạy bằng đường biển vì sức mạnh tổng lực của địch. Tinh thần binh sĩ hoang mang, thành phố Qui Nhơn trống vắng, 70% dân chúng tháo chạy về Nam. Cùng lúc ấy, trận chiến bùng nổ khắp nơi, các Trung đoàn thuộc SĐ/22 từ Đệ Đức (Phù Mỹ) bị điều động tăng cường mặt trận Tân Cảnh, tư lệnh SĐ/22 BB Đại Tá Đạt cùng một số sỹ quan tham mưu bị bắt, tình thế cực kỳ bối rối, thành Phố Qui Nhơn bị pháo kích. Bộ chỉ huy tiểu khu hầu như không có một kế hoạch khả dĩ nào đủ để ứng phó với tình hình mỗi lúc một trở thành nghiêm trọng.
Trung tâm hành quân (TTHQ) Tiểu Khu Bình Định do công binh Hoa Kỳ xây dựng kiên cố như một pháo đài nằm chìm trong lòng đất, đầy đủ mọi tiện nghi, dư khả năng chịu đựng được những cuộc pháo kích của địch kể cả không tập, được bảo vệ cẩn mật, vậy mà bị nội tuyến của địch xâm nhập đánh xập. Thiếu Tá Thái Xuân Lư, và 2 sĩ quan (1 Đại Hàn – 1 Mỹ) tử thương, Đại úy Bùi Trọng Thủy bị thương nặng. Trung Tâm Hành Quân hoàn toàn bị phá hủy.
Trước đây,Trung tâm trưởng TTHQ do trưởng phòng 3 kiêm nhiệm, gồm 1 sĩ quan không trợ kiêm sĩ quan phụ tá , 3 sĩ quan QSV/L 19 và 3 ca trực, mỗi ca trực gồm 1sq+1hsq +1bs. Từ khi TTHQ được xây dựng qui mô, do nhu cầu chiến trừơng, 3 toán cố vấn Mỹ gồm 1 thiếu tá + 3 đại úy +3 hsq + 3 bs chia làm 3 ca trực song song với các toán trực VN, ngoài ra, TTHQ còn được tăng cường 1 toán ALO/FAC cuả không quân, 1 sq hải quân và một hệ thống truyền tin tinh xảo với các toán âm thoại viên dầy kinh nghiệm.
Tôi (kẻ viết bài này) đă làm việc tại TTHQ từ thời chuẩn úy Lê Văn Lộc làm trưởng phòng 3, thiếu úy Hứa làm SQ không trợ, ít lâu sau thiếu úy Hứa thuyên chuyển, tôi được bổ nhiệm thay thế với toán QSV/L19 gồm Tr/u Lía, Th/u Phú, Ch/u Sỹ, Ch/u Tuân. Những ngày ấy, đôi khi Tiểu Khu Trưởng còn là Th/Tá, tiểu khu phó có khi là Đ/úy ( Đ/u Nguyễn Bé ) và các TMT như Đ/u Thái Sanh Thâm, Đ/u Trần Ngọc Điền, Đ/u Đỗ Vũ, Đ/u Trịnh Tiếu. Theo ngày tháng, kinh nghiện mỗi ngày một dầy, cấp bậc theo ngày tháng bò lên từng nấc, chức vụ vẫn y nguyên…
Cuối năm 1971 Trung tá Nguyễn hữu Thông về làm Giám đốc TTHQ/TKBĐ, khoảng chừng 3 tháng sau, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Tr/đ42/SĐ 22BB, ( Đại tá Thông đã tự sát tại bãi biển Qui Nhơn ngày 31/3/75 khi Trung đoàn 42 từ An Túc rút về tử thủ ở chân đèo An Khê, tại đây, Trung đoàn 42 đã đánh bật sư đoàn F.10 Cộng sản không cho tràn xuống từ đèo An Khê, tiêu diệt 600 địch quân . F.10(SĐ.10) phải bọc qua dẫy Nam Triều tràn xuống chiếm Qui Nhơn, Đại tá Thông kết hợp với Trung đoàn 41 của Đại tá Thiều kéo về giải tỏa thành phố, đánh bật F.10 và các lực lượng địa phương CS, và đã ở lại tử thủ Qui nhơn đến viên đạn cuối cùng.)
Nhắc lại, khi Đại tá Thông ra đi, tôi cũng xin thuyên chuyển về làm ĐĐT/ĐĐ/CTCT Bình Định, sang đầu năm 1972 vì tình hình chiến sự, tôi được gọi trở về lại Trung tâm Hành quân, phụ tá cho Thiếu tá Nguyễn Ngọc Xuân, trưởng phòng 3 kiêm Trung tâm Trưởng TTHQ. Công việc của TTHQ là theo dõi tình hình chiến sự, ghi nhận tất cả mọi hoạt động của các lực lượng trú phòng trong tỉnh, xin hỏa châu soi sáng, xin oanh kích khẩn cấp theo nhu cầu chiến trường, xin tản thương.
Chỉ riêng với lực lượng lãnh thổ, với 18 Tiểu đoàn địa phương, 12 Đại đội biệt lập, 620 Trung đội Nghĩa quân, phải nắm vững 3 điểm đóng quân và phục kích cho mỗi trung đội. Như thế có nghĩa là TTHQ phải tiếp nhận báo cáo hàng đêm đã được mã hóa từ các đơn vị trực thuộc, giải mã và ghi chú trên bản đồ “Hoạt động Bạn” với tất cả các diễn tiến mọi cuộc hành quân trong toàn Tỉnh và những tổn thất địch, bạn. Ghi nhận những phi vụ oanh kích khẩn cấp, và dự trù từng chi tiết cho buổi thuyết trình vào sáng sớm ngày hôm sau. Công việc này do sỹ quan trực nhật TTHQ đảm trách và SQ Phụ tá nhận nhiệm vụ thuyết trình phải nắm vững từng chi tiết và phải trả lời một cách chắc chắn mọi sự kiện trong 24 giờ sau. Thậm chí kết quả của những cuộc không tập do Không quân Hoa Kỳ hoặc VN thực hiện, phải ký tên và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mỗi phi vụ oanh kích.
Đó là một thời kỳ đầy sóng gió và phân liệt. Ba vị Thiếu tá Quận trưởng thất trận được điều động về làm 3 SQ trưởng toán trực TTHQ , và những sĩ quan cấp đại úy vốn là các sĩ quan đầy kinh nghiệm và thông suốt nhiệm vụ của mình bị đẩy xuống làm sỹ quan phụ tá trưởng toán. Duy nhất trong 3 vị Thiếu tá này, chỉ có một mình Thiếu tá Thái Xuân Lư và Đại úy Thủy là đảm nhận trách vụ một cách cố gắng và làm tròn, riêng hai vị Thiếu tá còn lại, thường xuyên vắng mặt với những lý do mơ hồ từ tư gia của Đại tá Hà Mai Việt, Tiểu khu phó, và tôi lại phải trực tiếp thay thế các Trưởng toán trực vắng mặt này!
(Sở dĩ tôi phải dài dòng như thế để trình bày lý do tại sao tôi có đủ điều kiện và tư cách viết về chiến trường Bình định, và các chiến công của các đơn vị diện địa Nghĩa quân và Địa Phương Quân một cách tương đối chính xác. Và quan trọng hơn, nguyên nhân tôi được may mắn và hãnh diện được đặt trực thuộc dưới quyền của Trung tá Nguyễn Mạnh Tường sau này.)
Trung tá Tường được thuyên chuyển về Bình Định nhận nhiệm vụ mới là Tham mưu phó Hành Quân Tiếp vận kiêm nhiệm Giám đốc TTHQ. Do bản tính năng động và một tinh thần phục vụ vô bờ bến, cộng với tài năng sáng chói đã làm lu mờ các cấp chỉ huy cao hơn, khiến ông bị đày ải: Phải thành lập tức khắc Bộ Chỉ Huy hành quân nhẹ và trú đóng trên đỉnh núi Bà Hỏa tuyệt đường lên xuống, do đó Tr/Tá Tường không có cơ hội điều hành TTHQ thường xuyên. Vậy mà sau khi TTHQ phát nổ, ông đã bị nghi ngờ, bị điều tra. . .
May mắn thay, ông đã thoát được lưỡi gươm sinh tử vì chỉ đã xuống TTHQ không quá một lần duy nhất, chỉ vì tại núi Bà Hỏa, ông đã quá bận rộn với trách nhiệm của mình, không chỉ riêng ông, tôi cũng bị nghi ngờ là tên Cộng sản nằm vùng khi Đại tá Đạt, Tư lệnh SĐ22 bị bắt ở mặt trận Tân Cảnh cùng với một số SQ của Bộ Chỉ huy Tiền phương.
Đại tá Chức vận động để được bổ nhiệm làm Tư lệnh Chiến trường Bình Định, để muốn có được quyền uy điều động toàn bộ lực lượng theo ý mình, do đó Đại tá Chức thường xuyên có mặt ở Bộ Tư lệnh SĐ22 trú đóng ở Bà Di (cách Qui Nhơn khoảng 15 km đường chim bay, trên một ngọn đồi rộng) như tư thế của một Tư lệnh Sư đoàn đích thực. Hôm đó, vào buổi chiều, Qui Nhơn bị pháo kích, gây cho 3 người dân bị thương, tôi đã phải liên lạc trực tiếp với Đại tá Chức đang có mặt tại TTHQ Sư đoàn. Sau khi tôi báo cáo mọi chi tiết, ông ra lệnh cho tôi qua điện thoại Hot Line của TTHQ/SĐ:
– “Gọi cho Thiếu tá Sáng, theo lệnh tôi, rút hai Trung đội Nghĩa quân tại núi Han và Vũng chua để phòng thủ thị xã!”
Bỏ hai vị trí này là để lại cao địa cho cộng sản pháo vào Qui Nhơn. Tôi nghe lệnh ông mà giật bắn người, e rằng mình nghe lầm. Tôi xin ông nhắc lại khẩu lệnh. Một lần nữa Đại tá Chức lập lại lệnh của ông rồi cúp máy. Tôi toát mồ hôi, điện thoại xin gặp Tr/tá Trí(Chí?) hỏi về lệnh cuộc điện đàm vừa rồi, Tr/tá Trí xác nhận là đã đứng cạnh Đ/Tá Chức và nghe rõ mệnh lệnh của Đ/T Chức. Tôi xin Tr/tTrí ghi một cách chi tiết vào sổ trực TTHQ/SĐ, và tôi cũng ghi chi tiết một cách chính xác vào sổ trực TTHQ/TK, đồng thời tôi mời đích thân Th/Tá Sáng xuống TTHQ nhận lệnh, và cùng lúc, tôi yêu cầu Th/tá Sáng liên lạc lần nữa với Đại Tá Chức để xác nhận đầy đủ mọi chi tiết. Sau đó tôi không biết Th/tá Sáng có trực tiếp xác nhận lệnh với Đ/tá Chức về lệnh lạc này hay không, nhưng ngay lập tức tối hôm đó, VC pháo kích vào Qui Nhơn như mưa bấc, vị trí đặt súng của địch chính là Núi Han và Vũng Chua, nơi mà hai Trung Đội Nghĩa Quân trú đóng vừa rút đi theo lệnh của Đại tá Chức. Tôi báo cáo cho Đ/Tá Chức, ông hỏi:
– “Vậy hai Trung Đội Nghĩa Quân ở núi Han và Vũng Chua hiện ở đâu?”
Tôi nhắc lại lệnh của ông vào lúc xế trưa cùng ngày, ông quát trong máy:
– “Tôi không hề ra lệnh cho anh, đó là Việt Cộng đã ra lệnh cho anh!”
Và cúp máy. Không đầy 30 phút sau đó, Trung Tá Điều, Trưởng khu An Ninh Quân Đội đến gặp tôi, và hỏi về điều này, tôi phải trình bầy mọi chi tiết và đưa cho Trung Tá Điều sổ trực TTHQ. Trung Tá Điều phải khẩn cấp lên TTHQ Sư Đoàn so sánh, sau đó, Tr/tá Điều cho tôi biết là Đại Tá Chức xác nhận là đích thân đã ra lệnh ấy, nhưng công việc bận rộn nên quên mất (!)
Đến nay, 30 năm đã trôi qua, tôi luôn luôn ghi nhớ và cảm ơn Tr/Tá TTT/TTHQ/ SĐ22/BB. Tôi không hề có bất sự hiềm khích nào với Đ/T Chức, ngược lại, tôi luôn luôn quý trọng ông, không những thế, tôi còn rất cảm phục tài năng chuyên môn của ông thuộc binh chủng công binh. Sở dĩ tôi nhắc đến để độc giả thương cảm rằng Đ/T Chức đã không được xử dụng đúng tài năng của ông và Tr/t Nguyễn Mạnh Tường đã gặp quá nhiều trở ngại trong trách vụ về mọi mặt. May mắn thay, không lâu sau đó, Đại tá Chức được bổ nhiệm làm Cục Trưởng cục Công Binh, và thăng cấp Chuẩn Tướng, cùng với đa số các sĩ quan cấp bậc Tr/tá do Ch/tướng Chức xin về cũng được “giải thoát”.
Tr/tá Tường được bổ nhiệm về làm TMT trường Đại học CCCT, nhưng ông đã xin được ở lại với chiến trường Bình Định đang cực kỳ sôi động. Đại tá Hoàng Đình Thọ đương kim Tỉnh trưởng Quảng Tín, được thuyên chuyển về nhận chức vụ Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Bình Định. Đại tá Thọ là một sĩ quan kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, từ đó, bộ mặt của Tiểu Khu đổi thay hẳn với thành phần dưới ông: – Tiểu Khu Phó : Trung Tá Nguyễn Mạnh Tường
– Tham Mưa Trưởng : Tr/Tá Nguyễn Đức Trung Trưởng P1: Th/Tá Võ Đức Tín
– T P2: Th/tá Kiều Văn Sâm
– T P3: Th/tá Nguyễn Ngọc Xuân
– T P4: Th/tá Dư Văn Hạ
-TMP/ CTCT: Trung tá Nguyễn Lâm
– Tr/ Phòng Ttin: Thiếu tá Quỳ
Và TTHQ đã được trả lại những ngày ổn định cũ.
Sau những nỗ lực giải tỏa áp lực địch tại các quần phía Nam, tháng 7/1972, cuộc hàng quân tái chiến Bắc Bình Định với Sư Đoàn 22/BB làm nỗ lực chính đã đánh bật Cộng quân ra khỏi 3 quận phía Bắc, cùng lúc Sư Đoàn 2/BB thuộc quân khu với sự tham chiến của Biệt Động quân đã đánh bật Cộng Quân ra khỏi cửa khẩu Sa Huỳnh, tình hình chiến sự đã tương đối lắng dịu. Thế nhưng, với cái nhìn của những nhà quân sự, thì đây là giai đoạn tĩnh lặng trược giông tố, địch đang phối trí và sửa soạn cho một chiến trường khốc liệt khác. Chính vì dự đoán như thế, Trung tướng TL/QĐ 2 Nguyễn Văn Toàn đã đặc biệt triệu tập Đại Tá Hoàng Đình Thọ Tỉnh trưởng kiêm TKT và Trung tá Nguyễn Mạnh Tường tiểu khu phó tại biệt thự Hương Cầm tại Qui Nhơn. Sau những quan ngại về những mưu đồ của địch trong tương lai, ông nói (Theo lời Trung tá Tường thuật lại sau này):
– “Quân Đoàn 2 với một vùng trách nhiệm quá rộng lớn, lại là một vùng với áp lực địch luôn luôn rất nặng, vậy mà dưới tay tôi, chỉ có 2 Sư Đoàn 22 và 23, gần 8 Trung Đoàn BB, riêng Bình Định đã cầm chân thường xuyên 2 Trung Đoàn, với 6 trung đoàn còn lại, phải đảm trách một lãnh thổ quá rộng, với áp lực địch càng lúc càng gia tăng, tôi xin hai anh giúp tôi, bằng mọi cách cố gắng dùng lực lượng ĐPQ và NQ thay thế phần trách nhiệm của hai “thằng” 40 và 41 { Trung đoàn 40 & 41) để tôi có thêm khả năng đối phó với tình hình sắp tới, mà tôi tiên đoán rằng, mỗi lúc một ác liệt. Tôi đề nghị anh Thọ giao trách nhiệm quân sự cho anh Tường, tôi đặt hết niềm tin vào các anh!”
Những tháng ngày kế tiếp sau đó, tôi chưa hề thấy Trung tá Tường có lấy một phút nghỉ ngơi, ngay cả khi phu nhân và các con của Trung tá từ Sài gòn ra Qui Nhơn thăm chồng, bà đã phải chờ đợi suốt cả tuần lễ vẫn chưa được gặp mặt chồng. Người chiến binh tận tụy ấy đã quên cả hạnh phúc cá nhân, quên cả chính thân mình. Ông ăn uống kham khổ cùng với binh sĩ của ông. Ông có mặt khắp nơi, từng đơn vị nhỏ nhất, săn sóc, an ủi, giải quyết những ưu tư của binh sĩ. Ông theo dõi, kiểm tra, lựa chọn, tổ chức, huấn luyện những binh sĩ ĐPQ &NQ, lựa chọn trong số các đơn vị thuộc quyền các chiến binh mà kinh nghiệm cũng như lòng can trường cùng khả năng chiến đấu để thành lập những đơn vị xung kích và trinh sát bằng những khóa huấn luyện đặc biệt. Binh sĩ, qua lớp huấn luyện có thể đảm đương mọi nhiệm vụ đặc biệt được giao phó, kể cả các chiến thuật Diều hâu bằng Trực thăng vận. Liên đội Trinh sát Tiểu khu với hai Đại đội bao gồm các chiến binh can trường và thiện chiến được đặt dưới quyền chỉ huy của Trung úy Khuynh, một trong những sĩ quan ưu tú của quân lực. Liên đội trinh sát ấy đã làm nên những chiến công hiển hách, không phụ tấm lòng kỳ vọng của ông.
Nhờ thế, sau một thời gian ngắn, khí thế của lực lượng ĐPQ & NQ Bình Định đã vươn lên, không hề thua sút bất cứ đơn vị thiện chiến nào. Họ không những bảo vệ an toàn các trục lộ huyết mạch, ngăn chặn một cách hữu hiệu mọi ý đồ của địch, mà còn mỗi lúc mở rộng vùng kiểm soát. Đến cuối năm 1972, tình hình an ninh mỗi lúc một khả quan và tinh thần binh sĩ đã lên cao trông thấy, địch cùng lúc càng bị dồn vào thế co cụm.
Trận đánh giải tỏa Đề Gi
Cứ điểm Đề Gi là một mõm đất, là một cửa biển giáp ranh giữa hai Quận Phù Mỹ và Phù Cát. Nơi này là căn cứ Hải quân quan trọng đặt dưới quyền chỉ huy của Hải quân Thiếu tá Cát. Về phía bắc, qua một lạch nước rộng, thông từ biển vào Đầm Nước Ngọt là Đài Kiểm báo được xây dựng trên một đỉnh núi lẻ. Phía tây của căn cứ là Quốc lộ 1, nối liền với căn cứ từ cầu Phù Ly là tỉnh lộ dài 21km chạy song song với một dòng sông nhỏ, đổ vào Đầm Nước Ngọt, kẹp giữa sườn phía Bắc dẫy núi Bà (còn gọi là Hòn chung). Đề Gi là một cửa khẩu chiến lược với Đài Kiểm báo được trang bị tối tân, có thể kiểm soát cả một vùng biển Đông bao la. Từ cửa khẩu này tiếp nối với căn cứ địa 226 nằm giữa vùng núi non, tiếp giáp 3 Quận Phù Mỹ, Hoài Ân và Vĩnh Thạnh, mở xuống một vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam thuộc các quận Bình Khê, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước.
Từ khi cửa khẩu Sa Huỳnh bị Sư đoàn 2 tái chiếm, cắt đứt mọi khả năng vận chuyển lương thực và vũ khí của địch từ biển đông tiếp vận cho nội địa, Sư đoàn 3 Sao vàng cuống cuồng vì lệnh từ Hà Nội và Quân khu 5 CS, bằng mọi cách phải chiếm được ít nhất một cửa khẩu để dùng làm địa bàn sau khi Hiệp định đình chiến có hiệu lực. Trong khi mọi nỗ lực của Sư đoàn 3 Sao vàng và lực lượng địa phương của chúng hoàn toàn bất lực trong nhiệm vụ nống lấn mở rộng vùng kiểm soát, không những thế, cón bị các lực lượng ĐPQ&NQ đẩy vào thế bị động, luôn luôn bị săn đuổi. Cuối cùng Chu Huy Mân phải chấp nhận kế hoạch Tổng lực do viên Thiếu tá CS là Võ văn Ứng đệ trình. Chu Huy Mân bổ nhiệm Ứng làm Lữ đoàn trưởng thực hiện kế hoạch (mà Ứng đã đệ trình với sự cam kết chiến thắng), Lữ đoàn bao gồm 7 Tiểu đoàn thiện chiến của Sư đoàn 3 Sao vàng gồm:
5 Tiểu đoàn Bộ chiến
1 Tiểu đoàn Đặc công
1 Tiểu đoàn Pháo
Lực lượng tổng lực của Huyện đội Phù Cát
Với một nghiêm lệnh là bằng mọi giá phải chiếm cho bằng được căn cứ Đề Gi, bất kể Hiệp định đình chiến đã có hiệu lực. Cuộc chiến bùng nổ vào rạng sáng ngày 27/1/1973. Đài Kiểm báo do lực lượng của Duyên đoàn 21 Hải quân trấn giữ, bất thần bị Tiểu đoàn Đặc công địch tràn ngập. Núi Gềnh là một mõm núi thuộc dãy Núi Bà nhìn xuống căn cứ Hải quân, trước đây do một đơn vị của Sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn trú đóng, đã âm thầm rút đi, không thông báo, bỏ trống, không bàn giao lại cho lực lượng Việt Nam, bị Huyện đội cộng sản Phù Cát chiếm giữ.
Lúc 8 giờ sáng ngày 27/1/73, phút đầu tiên của Hiệp định đình chiến có hiệu lực, căn cứ Đề Gi bị tấn công bằng tất cả sức mạnh của Lữ đoàn cộng sản. Hỏa lực địch từ Núi Gềnh, từ Đài Kiểm báo với hàng ngàn trái đạn rót vào căn cứ. Căn cứ được phòng thủ bởi lực lượng Hải quân đồn trú, quân số chỉ bằng 1/10 lực lượng địch, anh dũng đánh trả và đẩy lui nhiều đợt xung kích, gây nhiều tổn thất về nhân mạng cho địch. Gặp sức kháng cự mãnh liệt của lực lượng phòng thủ, chúng bắc loa kêu gọi đầu hàng. Qua máy, Thiếu tá Cát lên án hành vi vi phạm Hiệp định đình chiến của chúng, Tên Lữ-đoàn trưởng, Thiếu-tá CS Võ văn Ứng lý luận là theo giờ Hà Nội, lúc này chưa phải đúng giờ đình chiến. Đồng thời y chặt đầu một Nghĩa quân mà chúng bắt được, bỏ cái xác không đầu của người lính tội nghiệp lên xe lam, chở xác người Nghĩa quân đến cổng căn cứ Hải quân, với những lời đe dọa ” Hàng thì sống, chống chặt đầu, quyết không bỏ sót!”
Hành động bạo tàn này đã không làm cho những chiến sỹ trú phòng sợ hãi, ngược lại, càng khiến tăng thêm ý chí quyết chiến đấu trở thành sắt thép hơn, càng quật nát từng đợt tấn công liều chết của địch. Đạn pháo của địch từ hai cao điểm dội xuống như mưa, trực thăng không thể đáp xuống được, cùng lúc, hỏa lực địch từ núi Gềnh và Đài Kiểm báo khống chế toàn vùng biển.
Cuộc tấn công vi phạm Hiệp Định đình chiến của Việt cộng được thông báo cho UB/QT Kiểm soát Đình chiến trú đóng tại TTHL/Phù-cát, và yêu cầu UB/KS/ĐC ký vào biên bản. Trước hành vi bạo ngược của những người Cộng sản anh em, viên trưởng đoàn Ba Lan không thể chối cãi, đành phải ký tên vào biên bản (sau này viên trưởng đoàn Ba Lan bị cách chức!!).
Giữa lúc cộng sản dồn mọi nỗ lực nống lấn, chiếm đất, giành dân trước và cả sau giờ đình chiến, các đơn vị diện địa, lực lượng trú phòng tỉnh Bình Địng nói riêng và trên toàn quốc nói chung, đã phải dàn trải khắp nơi, ngăn chặn không cho Cộng quân thực hiện mưu đồ của chúng. Chúng đã gặp phải sức chiến đấu quyết liệt của các chiến sỹ ĐPQ &NQ, không những đã không thực hiện được ý định, mà còn bị thiệt hại nặng nề trên khắp các mặt trận. Ngay cả những trục lộ giao thông quan trọng : Quốc-lộ 1, từ đèo Cù Mông đến Bình Đê, Quốc lộ 19 từ Bà Di lên đến đèo Măng Giang, các chiến sỹ ĐPQ&NQ diện địa đã bảo vệ an ninh lưu thông một cách tuyệt đối không ngờ .
Đứng trước tình hình ấy, Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH đã khẩn cấp không vận Liên đoàn 7/BĐQ của Trung tá Bùi văn Huấn từ Quân khu 1 vào tăng cường, với chỉ thị xử dụng như một lực lượng trừ bị, không được xử dụng làm nỗ lực tham chiến tiên phong. Quân đoàn 2 đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại Phi trường Phù Cát để đối phó với tình hình, gồm có Tư lệnh Quân đoàn, Trung tướng Nguyễn văn Toàn, Tư lệnh Sư đoàn 22/BB với Thiếu tướng Phan Đình Niệm, Tiểu khu trưởng TK/BĐ, Đại tá Hoàng Đình Thọ, TK phó Tiểu khu Trung tá Nguyễn Mạnh Tường, LĐT/BĐQ Trung tá Bùi văn Huấn, Phụ tá Quân trấn trưởng Qui Nhơn, Trung tá Nguyễn văn Thanh, Quận trưởng Phù Cát Trung tá Đoàn văn Bái, Trung tá Khổng Trọng Huy. . . Cuộc họp để hoạch định kế hoạch hành quân giải tỏa và lựa chọn người chỉ huy cho cuộc hành quân. Giữa lúc ấy, công điện hỏa tốc từ Phủ Tổng thống gởi đến. Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đã chỉ thị trao quyền chỉ huy tuyệt đối cho Trung tá Nguyễn Mạnh Tường và đòi hỏi phải tránh tối đa thiệt hại cho dân chúng trong vùng hành quân.
(Sau này được biết là Nhân dân Quận Phù Mỹ và Phù Cát qua đại diện dân cử, đã đệ đơn yêu cầu xin Tổng thống Thiệu trao trách nhiệm hành quân cho Tr/tá Tường vì lý do: Cuộc hành quân Đại Bàng 800, dân chúng bị tổn thất nặng nề, và sau này lực lượng Đại Hàn hành quân khu vực này, sự tổn thất của dân chúng còn bị nặng nề hơn nữa. Riêng Tr/tá Tường, từ khi về Bình Định, với rất nhiều cuộc hành quân, với nhiều cuộc đụng độ với Cộng sản, nhân dân chưa hề bị tổn hại về sinh mạng lẫn của cải…)
Chính vì sự tin tưởng của dân chúng Bình Định, các cuộc hành quân trước đây đều lấy danh hiệu Toàn Thắng. Danh hiệu các cuộc hành quân giải tỏa Đề Gi của Trung tá Nguyễn Mạnh Tường là An Dân. Với tư cách Tư lệnh hành quân, Trung tá Tường xin phép Trung tướng Tư lệnh QĐ2 được bảo vệ tuyệt mật mọi kế hoạch. (Mãi sau này, mọi ý niệm điều quân, Tr/tá Tường luôn luôn bảo vệ một cách tuyệt mật, ngay cả Trung tâm HQ cũng phải giữ im lặng vô tuyến đến tận lúc chiến thắng.)
Việc bảo mật ấy đã thành công trong một chiến thắng lớn khác: Hạ sát tên Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công 405 Anh hùng, bắt toàn bộ cấp chỉ huy của Tiểu đoàn này, tịch thu rất nhiều vũ khí trong trận đột kích vào sào huyệt của chúng tại ranh giới Bình Định và Phú Yên, bẻ gẫy mũi dùi chúng đang tiến hành tấn công kho xăng và kho đạn của quân khu II tại Đèo Son Bình Định.
Cuộc hành quân này, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường đặc biệt giữ kín, ngay cả Trung Tâm Hành Quân (TTHQ) cũng không hề biết, không một ai hay, thậm chí lực lượng tham dự là các Nghĩa Quân viên được lựa chọn cho cuộc đột kích cũng chỉ được biết vào phút chót. Cho đến khi đích thân Trung Tá Tường lên máy vào lúc 3 giờ sáng, lệnh cho TTHQ gọi ANQD và Quân Cảnh ra phi trường tiếp nhận tù binh và các chiến lợi phẩm.
Ngay cả đến trận phản công giải tỏa Phi trường Phù Cát vào tháng 5/1974 với mưu toan của cộng quân tiêu diệt căn cứ 60 Không quân, cũng bị Trung Tá Tường dùng kỳ binh bất ngờ đánh cho “Sấm sét không kịp bưng tai” khiến Trung Đoàn 2 của sư Đoàn 3 Sao Vàng tan tác.)
Lời yêu cầu được hoàn toàn chấp thuận, và lực lượng được đặt dưới quyền của Tr/tá Nguyễn Mạnh Tường gồm:
LD/7BDQ. QKI làm lực lượng trừ bị
2 Tiểu Đoàn thuộc TR/Đ 4 1/SĐ 22/BB
1 Tiểu Đoàn thuộc TR/Đ 421/SĐ 22/BB
1 Chi Đoàn thiết quận vận M.113
1 Tiểu Đoàn pháo binh
1 Đại Đội Tr/sát
1 Pháo Đội 115 ly.
1 Tiểu Đoàn/ ĐPQ/ Tuyên Đức.
So sánh Tương quan, giữa ta và địch, ta 3, địch 5, tức 3/5. Một cuộc hành quân tấn công giải tỏa với quân số tham chiến yếu hẳn hơn địch, trong lúc địch đã sẵn sàng chờ đợi một mặt trận đã được họ bố trí và lựa chọn trước, quả là điều không mấy sáng sủa. Mà thời gian lệnh ấn định là trong 7 ngày phải thanh toán xong chiến trường.
Trong lúc mọi người đều cho rằng cuộc hành quân khó lòng đạt được thành quả tốt đẹp thì Tr/tá Tường lại tin tưởng sẽ chiến thắng. Với lối đánh bất ngờ, yếu tố bảo mật phải được áp dụng triệt để. Ông xin với Th/tướng Phan Đình Niệm, Tư lệmh SĐ22BB để xin được xử dụng Đại đội trinh sát thuộc SĐ để tốc chiếm Núi Gềnh, và một đại đội thuộc LĐ/7BĐQ chiếm lại Đài Kiểm báo là hai cao điểm do 1 Huyện đội Phù Cát và 1 đơn vị đặc công của SĐ 3 Sao vàng quyết tử chiếm giữ. Th/tướng Niệm đã thoái thác cho rằng Đại đội Trinh sát đang trong thời gian dưỡng quân, khó lòng có thể đảm nhận tốt được trách nhiệm. Thấy vị T/lệnh Sư Đoàn lo ngại sự tổn thất, Tr/tá Tường vui vẻ, nói rằng ông sẽ dùng 1 Đại-đội ĐPQ thay thế Đại đội trinh sát của sư đoàn để thi hành nhiệm vụ vinh dự này.
Không một ai, hay ít ra, trừ viên Tư lệnh Quân đoàn, Tr/tướng Nguyễn văn Toàn, vốn đã biết rõ khã năng điều quân và tài năng của Tr/tá Nguyễn Mạnh Tường, nguyên là Giám đốc Trung tâm Hành Quân/QĐ 2. Th/tướng Niệm tỏ rõ nghi ngờ về khả năng của ĐPQ. Tr/tá Tường khẳng định rằng, một đoàn quân thiện chiến không nhất thiết phải là danh hiệu, mà do được huấn luyện như thế nào, tinh thần binh sỹ ra sao, và cũng còn tùy thuộc vào chính cấp chỉ huy của đơn vị ấy nữa. Ông chỉ xin riêng với Tr/tướng tư lệnh Quân đoàn cặp lon Đại úy để thăng cấp tại chỗ cho viên Trung úy Đại đội trưởng Đại đội Địa phương quân này, và Trung tướng Toàn chấp nhận yêu cầu ấy, nếu đạt được chiến thắng.
Ngay sau khi rời khỏi phòng họp, Tr/tá Tường đã đến Tiểu đoàn 209/ĐPQ do Đ/úy Nguyễn Bá Gạt làm Tiểu đoàn trưởng. Ông gặp riêng Tr/úy Phước, Đại đội trưởng Đ/đội 1/209 và ngỏ ý muốn xử dụng Đại đội này đánh chiếm Núi Gềnh bằng chiến thuật tốc chiến, chỉ xử dụng lựu đạn trong trận đánh, và ông hứa, nếu chiến thắng, ông sẽ tức khắc gắn lon Đại úy ngay tại mặt trận. Tr/úy Phước cũng hứa rằng ông sẽ chiếm Núi Gềnh một cách dễ dàng, không quá 30 phút.
(Tr/úy Phước kể rằng, từ thuở nhỏ, ông thường chăn trâu trong khu vực này nên mọi địa thế của Núi Gềnh ông biết rõ hơn ai hết, và lối tấn công bằng lựu đạn là hiệu quả nhất) Tr/tá Tường bàn thảo việc tiến công với người Sĩ Quan mà ông đã hiểu rõ và đã lựa chọn, duy nhất ông đòi hỏi Tr/úy Phước không được tiết lộ bí mật hành quân với bất cứ ai, ngay cả với những người thân cận nhất.
Ngày N1, trước nửa đêm, 1 Đại đội BĐQ được đổ xuống tấn công sấm sét vào Đài Kiểm báo, chưa đầy nửa tiếng, Đại đội Biệt Động Quân đã làm chủ tình hình, đánh bật lực lượng đặc công của SĐ 3 Sao Vàng ra khỏi mục tiêu, địch để lại nhiều vũ khí cá nhân và xác chết.
Ngày N lúc 5 giờ sáng, ĐĐ1/209 của trung úy Phước đã tiếp cận mặt trận, bất thần tung hàng trăm trái lựu đạn, chỉ 15 phút sau, Huyện đội Phù Cát lớp chết, lớp bị thương, lớp quăng vũ khí tháo chạy, cuộc chiến thắng của ĐĐ 1/209 trọn vẹn và chớp nhoáng đến nỗi không một ai có thể tin được. Về phía bạn, ĐĐ 1/209 chỉ duy nhất 1 binh sĩ bị thương nhẹ vì chính mảnh lựu đạn của mình. Cùng thời gian ấy, Tiểu đoàn của Trung đoàn 42 do đại úy Trí (Năm 1975 là Tr/ Tá) làm tiểu đoàn trưởng, đã từ chân phía Nam Núi Bà, vượt đỉnh núi, tràn xuống đánh như bão táp vào sau lưng địch. Cuộc tấn công bất ngờ đến nỗi tên tư lệnh Lữ Đoàn địch quẳng cả “Xắc-cốt” với toàn bộ tài liệu tháo chạy, 2 Tiểu đoàn của Trung đoàn 41 cũng đồng loạt tràn ngập, địch không kịp phản ứng, bỏ chạy tháo thân.
Cũng ngày N, Chi đoàn M.113 thiết quân vận cũng đổ bộ lên bãi biển cách phía Nam căn cứ vài Km, nhất loạt tấn công hoàn toàn lực lượng địch đang vây hãm căn cứ Đề Gi, gần như toàn bộ pháo binh của địch quẳng lại, chúng đạp lên xác đồng đội mà tháo thân.
Cuộc hành quân truy kích bắt đầu và chỉ đúng 5 ngày sau ngày N, cuộc hành quân đã hoàn toàn chiến thắng, không một tổn thất về phía đơn vị bạn. Cuộc hành quân An Dân 1/73 hoàn tất bao gồm cả nhiêm vụ và công tác An Dân, công tác An Dân 1 ĐĐ SVSQ/CTCT Đà Lạt đảm trách trong giai đoạn thực tập công tác Dân Sự Vụ trước khi mãn khóa khóa 3/SQ/CTCT với 5 ngày vừa chiến thắng, vừa ổn định cuộc sống của nhân dân vùng Phù Mỹ và Phù Cát, không một người dân nào bị thiệt hại về sinh mạng và tài sản, bảo đảm 100% toàn vẹn mệnh lệnh do Phủ Tổng Thống trao phó, xứng đáng với tấm lòng tin tưởng và ưu ái của nhân dân Bình Định ủy thác.
Và ngay hôm sau, Tổng Thống Thiệu mời tất cả các Đại Sứ của các nước đến thăm viếng Đề Gi mới được giải tỏa, với tất cả mọi chứng tích về cuộc vi phạm Hiệp Định Đình Chiến của Cộng Sản VN, và Tổng Thống đãi các đại sứ một bữa gỏi cá cơm nổi tiếng ở Đề Gi, miền đất nổi danh của các chiến sĩ âm thầm, các chiến sỹ Địa phương quân và Nghĩa quân Bình Định…
(Khoảng tháng 6 năm 1973, viên Thiếu tá Võ văn Ứng bất chợt về hồi chánh. Theo lời khai của y, với trận Đề Gi thất bại, 3/4 lực lượng tham chiến thuộc Lữ đoàn CS bị loại khỏi vòng chiến, một số lớn tử thương, không kể bị thương và bị bắt. Sư đoàn 3 Sao vàng rúng động, Quân khu 5 CS ngẩn ngơ, Hà Nội tím ruột. Ứng bị giáng cách tuột xuống chuẩn úy. Khi về hồi chánh, y tha thiết xin được gặp người đã làm cho y thân bại danh liệt: Trung tá Nguyễn Mạnh Tường.
Võ văn Ứng quê ở Hoài Nhơn, Bình Định, một sỹ quan nổi danh của SĐ3 Sao vàng, xuất thân từ hàng ngũ binh sỹ đi lên, chiến trận dạn dày. Trung tá Tường tiếp y với nụ cười ân cần, hiền hòa và bình dị. Y thật lòng thú nhận là y không thể ngờ được có ngày y bị bại trận một cách nhục nhã đến như thế. Tuy nhiên y rất khâm phục về phương cách điều quân lạ lùng và chớp nhoáng mà y không hề nghĩ tới, duy có một điều y bất phục:
– “Thưa ông, nếu tôi là ông, thì hai Tiểu-đoàn còn lại của tôi sẽ không thể nào chạy thoát, sẽ không còn một người nào sống sót, bằng cách xử dụng phi pháo và chặn đánh.”
Trung tá Tường vẫn nụ cười hiền hậu, đưa phóng đồ hành quân ra và nói:
– “Ông hãy xem đây, tôi đã dự tính hơn những điều ông nói, tuy nhiên, nếu tôi thực hiện điều đó, người dân vô tội sẽ tổn thất không nhỏ về nhân mạng và tài sản. Với tôi, dù nếu để tiêu diệt trọn hai tiểu đoàn tẩu thoát của các ông, đổi lại, chỉ một người dân phải chết oan uổng, tôi nhất quyết không làm!”
Ứng không ngờ là trong đời y, y đã gặp được một danh tài quân sự, mà lại càng không ngờ trong đời chiến trận sinh tử lại có một tấm lòng nhân ái đến như thế…
Trận đánh giải tỏa phi trường Phù Cát
Sau trận Đề Gi, tiềm năng quân sự của Sư đoàn 3 Sao vàng bị hao hụt trầm trọng, các hoạt động quân sự của địch hầu như suy giảm hẳn. Hai Liên đoàn 4 và 6 Biệt Động tăng cường chế ngự địch tại hai Quận Hoài Nhơn và Tam Quan. Hoài Ân và một phần quận Phù Mỹ do trung đoàn 41 đảm trách. Tình hình an ninh tương đối ổn định. Quốc lộ 1 và 19 thông suốt, do các lực lượng ĐPQ và Nghĩa quân đảm trách. Bọn Cộng sản gửi văn thư tố giác đích danh Trung tá Nguyễn Mạnh Tường là luôn luôn nống lấn, vi phạm Hiệp định đình chiến. Nực cười là lời tố giác nầy lại đứng trước một thực tế mà viên Trưởng đoàn Kiểm soát đình chiến trú đóng tại TTHL/Phù Cát đã phải thừa nhận là chính cộng sản đã vi phạm . Thêm vào đó, các vị đại sứ của các quốc gia đã đích thân đến thăm căn cứ Đề Gi ngay sau khi quân lực ta tái chiếm, đã là những nhân chứng đáng tin cậy nhất. Do đó, văn thư tố giác Trung tá Nguyễn Mạnh Tường rơi vào khoảng không.
Trong suốt thời gian từ tháng 1/1973 cho đến tháng 4/1974 các ấp an ninh từ loại “V” được dần dần nâng lên loại A càng lúc càng nhiều, khu vực vùng đai an ninh thị xã Qui Nhơn mỗi lúc một mở rộng thêm, dù rằng địch cố gắng giành giật nhưng hầu như hoàn toàn thất bại.
Cũng thời gian này, tuy rằng tình hình quân sự tương đối lắng dịu, lại chính là giai đoạn vất vả nhất đối với Trung tá Tường. Ông thường xuyên có mặt ở khắp nơi, vừa luyện quân, vừa tổ chức, phối trí lại tất cả lực lượng dưới quyền. Một trong những đơn vị mà ông đã bỏ công sức để thành lập, huấn luyện đó là Liên đội Trinh sát của Tiểu khu. Ông đi đến từng các Trung đội ĐPQ và Nghĩa quân, tìm hiểu và lựa chọn đến từng binh sỹ. Ông tìm hiểu hoàn cảnh, đời sống, tâm tư và tình cảm của tất cả các chiến binh, lựa chọn các cấp chỉ huy dũng lược để bổ nhiệm vào các chức chỉ huy từ Tiểu đội trưởng trở lên. Trung úy Khuynh được bổ nhiệm làm Liên đội trưởng Liên đội Trinh sát Tiểu khu, với quân số khoảng 2 đại đội. Sự lao tâm khổ trí của ông đã được đền bù trong trận đánh giải vây căn cứ 60 KQ/Chiến thuật của Đại tá Nguyễn Hồng Tuyền, trú đóng tại Phi trường Phù Cát.
Phi trường Phù Cát là một phi trường quân sự lớn, do Không lực Hoa kỳ xây dựng vào những năm 1966-1967. Căn cứ nằm giữa ranh ba quận An Nhơn – Bình Khê và Phù Cát, kéo dài theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, chạy dài từ núi Vân Sơn, cạnh dòng sông Côn, lên đến tận Núi Một, kế cận cầu Phù Ly thuộc quận Phù Cát. Phi trường Phù Cát rộng lớn, hơn cả phi trường Phú Hiệp (Phú Yên). Tất cả các loại phi cơ phản lực có thể lên xuống một cách dễ dàng. Khi quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam, Đại tá không quân Nguyễn Hồng Tuyền tiếp nhận phi trường và trở thành chỉ huy trưởng căn cứ 60/KQ/CT. Từ căn cứ này xuất phát tất cả mọi loại phi vụ yểm trợ đắc lực nhu cầu chiến trường trong một vùng hoạt động rộng lớn.
Vào một buổi sáng ngày Chủ nhật, tháng 5 năm 1974, Đại tá Hoàng Đình Thọ, Tỉnh trưởng kiêm TKT/TKBĐ đi họp tại SaiGòn, Tr/Tá Tường xử lý thường vụ chức vụ tiểu khu trưởng trong lúc Đại tá Thọ vắng mặt. Trời còn rất sớm, Thượng Sĩ Nguyễn Đình Đốc, một hạ sỹ quan đầy tài năng và kinh nghiệm (hiện Th/Sĩ Đốc đang cư ngụ tại Canoga Park, Nam California) của phòng 2/Tiểu khu trình cho Tr/tá Tường một bản điện văn của địch đã được giải mã, nội dung vỏn vẹn gồm 10 chữ “Quân Át Chủ Bài đã vào vị trí tập kết”. Nội dung ấy nói lên rằng SĐ 3 Sao Vàng của quân khu 5 sắp khai diễn một cuộc tấn công có tầm mức rất quan trọng, tuy nhiên không rõ được mục tiêu mà chúng đã lựa chọn.
Là người chỉ huy luôn luôn nắm vững mọi tình hình lực lượng bạn, với một hệ thống tình báo riêng, ông còn biết rõ địch tình, lực lượng và những thói quen, cùng tích nết của các cấp chỉ huy của Sư đoàn 3 Sao Vàng. Ông theo dõi những chuyển dịch của lực lượng địch một cách cập nhật, với sự thận trọng và khách quan, đồng thời loại bỏ từng mục tiêu cùng khả năng chuyển quân của chúng.
Cuối cùng ông đã khẳng quyết rằng: Mục tiêu của con ” Át chủ bài này chính là căn cứ 60 Không Quân chiến thuật. Lập tức ông điện thoại cho Đại tá Nguyễn Hồng Tuyền, chỉ huy trưởng căn cứ, cũng may Đại tá Tuyền còn tại nhà (căn cứ 60), và ông cho biết là có một chuyện cực kỳ quan trọng cần thảo luận với Đại tá Tuyền và yêu cầu Đại tá Tuyền ở nhà chờ ông, mà vì tính chất quan trọng của vấn đề ông không thể nói trên điện thoại được. Đại tá Tuyền đã khẩn cấp đưa trực thăng đón Trung tá Tường ngay tức khắc.
Để giữ bí mật, chỉ có hai người duy nhất trong cuộc họp mật này. Trung tá Tường cho Đại tá Tuyền biết chỉ trong đêm nay Cộng quân sẽ tấn công căn cứ 60/KQ CT. Lực lượng địch “Con át chủ bài” chắc chắn phải là một lực lượng cực kỳ hùng hậu.
Phòng ngự căn cứ gồm các lực lượng yểm cứ và quân nhân cơ hữu của không quân, ngoài ra từ trước, căn cứ được tăng cường tiểu đoàn 263 ĐPQ do Thiếu tá Phạm Hữu Kỳ làm Tiểu đoàn trưởng với quân số chừng 600 binh sĩ. Tuy nhiên, căn cứ quá rộng, lực lượng phòng thủ phải phân tán quá mỏng. Đường phi đạo nằm dọc theo chiều Bắc Đông Bắc và Nam Tây Nam, do đó căn cứ cũng phải trải dài theo chiều dài phi đạo.
Sườn phía đông của căn cứ là khu dân cư dầy đặc của 3 quận An Nhơn, Phù Cát và Tuy Phước, địch không có khả năng che dấu và di chuyển vũ khí nặng, do đó chắc chắn mũi tiến công của cộng sản từ sườn phía Tây của căn cứ, khu vực thưa thốt dân cư, xa xa ở phía Tây là dẫy Núi Vĩnh Thạnh, trùng điệp tiếp giáp với các mật khu của địch, cánh đồng phía Bắc quận Bình Khê, từ Gò Đề trở lên là khu đất cằn cỗi, do nước lũ từ triền dẫy Vĩnh Thạnh đổ xuống, năm từng năm xoi mòn làm thành những con lươn sỏi đá khô cằn, những con lươn này, là một địa thế lý tưởng cho cuộc chuyển quân, ém kín và tiếp cận mục tiêu của địch từ dẫy núi Vĩnh Thạnh chạy sang phía Đông, tiếp giáng Phi Trường Phù Cát.
Sườn phía Tây có hai ngọn đồi cao, một ở phía Bắc Tây Bắc nằm bên trong vòng đai phòng thủ là ngọn đồi 69, do một trung đội thuộc Tiểu đoàn 263 ĐPQ trấn ngự. Một ngọn đồi khác nằm hướng chính Tây mang tên Đồi 151 nằm cách căn cứ chừng 1 km do 1 Trung đội Nghĩa Quân thuộc chi khu Bình Khê trú đóng.
Muốn tấn công một mục tiêu rộng lớn và quan trọng như căn cứ 60/KQ/CT Phù Cát, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường ứớc tính lực lượng địch phải từ cấp trung đoàn trở lên, được tăng cường lực lượng phòng không, pháo binh, hỏa tiễn nhằm khống chế các phi cơ của căn cứ, không cho cất cánh, đồng thời phá hủy tất cả những kho đạn và những mục tiêu trọng yếu, mà chắc chắn chúng đã có được sơ đồ chi tiết do bọn nội tuyến cung cấp. Đại tá Chỉ huy trưởng căn cứ ra lệnh cắm trại 100% đồng thời mọi kế hoạch phòng thủ được âm thầm tiến hành sẵn sàng chờ địch. Đứng trước tình hình nghiêm trọng ấy, trong tay Trung tá Tường không còn bất cứ một lực lượng trừ bị nào ngoài Liên đội Trinh sát Tiểu khu của Trung úy Khuynh với quân số khoảng 250 binh sĩ. Phòng ngự không để cho địch tràn ngập căn cứ là thiết yếu, nhưng phản công tiêu diệt địch lại là một vấn đề quan trọng hơn.
Giữa lúc ấy, một đoàn xe chở một Tiểu đoàn Biệt động quân về thụ huấn tại TTHL/Lam Sơn, đang di chuyển ngang qua Tỉnh Bình Định,Trung tá Tường, sau rất nhiều khó khăn trong buổi sáng Chủ nhật ấy, mới xin phép được Thiếu tướng Phan Trọng Chinh, để được sử dụng Tiểu đoàn BĐQ này để tăng cường phòng thủ cho phi trường, tuy nhiên không được sử dụng Tiểu đoàn làm lực lượng tấn công, giải tỏa. Biết chắc chắn là với lực lượng còn lại, không đủ khả năng tấn công trực diện địch mà phải sử dụng kỳ binh tốc chiến, tốc thắng, âm thầm đánh vào sườn địch vào giữa lúc bất ngờ nhất, Trung tá Tường đã xin lệnh Quân đoàn được phép xử dụng Chi đoàn Thiết giáp đang trú đóng tại An Khê để bảo vệ trục lộ cho các đoàn xe tiếp tế từ Qui Nhơn lên Pleiku. Tuy nhiên Trung tướng Toàn, Tư lệnh QĐ2 đã đi họp tại Sàigòn, Ch/tướng Cẩm, Tư lệnh phó không có mặt, Sĩ Quan trực TTHQ cho hay không biết Ch/tướng Cẩm ở đâu trong ngày chủ nhật hôm ấy.
Trước tình trạng cấp bách, Trung tá Tường xử dụng trực thăng do Đại tá Tuyền biệt phái, đáp xuống An Khê, gặp Trung úy Mỹ, Chi đoàn trưởng Chi đoàn Thiết giáp, giả lệnh của Quân đoàn, đặt chi đoàn dưới quyền điều động của ông, đồng thời ông cũng ra lệnh đình hoãn tạm thời các đoàn công voa tiếp tế lên Cao nguyên cho đến khi có lệnh mới. Chi đoàn thiết giáp được lệnh đổ đèo An Khê xuống Bình Khê chờ lệnh.
Ông trình bày kế hoạch tấn công, nhiệm vụ của Chi đoàn và Liên đội thám sát Tiểu khu, có trách nhiệm tấn công sườn phía Nam của địch, tuyến xuất phát từ phía Bắc bờ sông Côn khi có lệnh. Kế hoạch của ông là, Liên đội Thám sát tùng thiết đánh thốc từ phía Nam lên với sức mạnh hỏa lực tối đa, với vận tốc tối đa, không được dừng lại để thu nhặt chiến lợi phẩm mà phải chia cắt nát mặt trận của địch. Trong khi ấy, ông sẽ dùng Tiểu đoàn BĐQ giả làm lực lượng tấn công trực diện, với tất cả hỏa lực và những vũ khí cộng đồng để thu hút địch.
Trung tá Tường đáp xuống bờ bắc sông Côn, cách Đền thờ Đức Quang Trung khoảng 50m, dẫn Tr/úy Mỹ và Tr/úy Khuynh cùng ông vào điện thờ làm lễ dâng hương, xin anh linh thần dũng của người Anh hùng năm xưa, đã chớp nhoáng đánh tan 20 vạn quân Thanh vào đầu Xuân năm Kỷ-dậu 1789, phù trợ cho các chiến binh hậu duệ của Ngài. Sau đó ông cùng Tr/úy Mỹ và Tr/úy Khuynh lên trực thăng đi thám sát địa thế, bởi vì địa hình khu vực Bắc Bình Khê, Tây Phù Cát, An Nhơn có nhiều bất lợi cho cuộc tấn công chớp nhoáng bằng thiết giáp, do đó người chỉ huy phải nắm vững địa hình một cách chặt chẽ.
Sử dụng 1 Chi đoàn Thiết giáp với một Liên đội làm mũi nhọn, làm chủ lực tấn công một địch thủ mà quân số và hỏa lực gấp 10 lần là một điều ít ai dám làm, thậm chí không dám nghĩ tới. Thế nhưng trong chiến sử cổ kim và đông tây đã từng xảy ra với các danh tướng đã từng chiến thắng trong mỗi hoàn cảnh với những yếu tố bất ngờ, thần tốc …
Đêm chủ nhật hôm ấy, các chiến binh căn cứ Không Quân/Chiến Thuật trong tư thế sẵn sàng chờ địch. Và quả nhiên, cộng quân mở đầu cuộc tấn công bằng hàng ngàn trái đạn đủ loại. Tiểu đoàn Trinh sát Sao vàng ồ ạt tấn công cao điểm 151 do Trung đội Nghĩa quân thuộc chi khu Bình Khê trú đóng. Đồi 151 bị địch tràn ngập và chiếm ngự, chúng dùng điểm cao nầy để chế ngự phi trường. Riêng ngọn đồi 69 nằm trong vòng đai phòng thủ Bắc Tây Bắc phi trường do một trung đội của Tiểu đoàn 263 tử thủ, đã đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch. Trung đoàn 2 Sao Vàng, Trung đoàn được gọi là “con át chủ bài” nghĩ rằng với yếu tố bất ngờ và với hỏa lực ưu thế, chúng sẽ dễ dàng chọc thủng tuyến phòng ngự và tràn ngập căn cứ một cách dễ dàng. Nhưng chúng không thể ngờ, các chiến sĩ của căn cứ đã chờ đợi chúng và bằng tất cả sức chiến đấu mãnh liệt, từng đợt tấn công của cộng quân đã bị đẫy lui.
Trong lúc ấy, tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn BĐQ được trang bị bằng những vũ khí hạng nặng, khai hỏa ào ạt, được ngụy trang như những chiến xa, lôi kéo hỏa lực địch, chúng nghĩ rằng những chiến xa của ta bắt đầu xung kích… Giữa lúc địch tấn công vào căn cứ, cũng là lúc Chi đoàn thiết giáp chuyển các chiến binh của Liên đội Thám sát Tiểu khu bắt đầu vượt tuyến xuất phát, âm thầm xuất kích đánh vào sườn trái của địch. Trong bóng đêm mịt mùng, mãi mê vì bị lôi kéo, hòng ngăn chặn thiết giáp đánh ra từ căn cứ (do BĐQ ngụy trang), cả Trung đoàn 2 Sao Vàng và các đơn vị tăng cường dồn hết mọi hỏa lực về phia trước. Chúng không ngờ bên sườn trái, tử thần đang từng phút kề cận. Cho đến khi toàn bộ hỏa lực của Chi đội thiết giáp và Liên đội Trinh sát tấn công ào ào như sấm dậy, như sét đánh không kịp bưng tai, nổi kinh hoàng tràn ngập trận tuyến địch, địch không kịp quay súng, từng lớp bị đốn ngã…
Giữa đêm đen, khi đã phát hiện ra lực lượng tập kích sườn trái, từng lưới đạn vẫn ào ào đổ xuống, lớp chết , lớp bị thương, địch bỏ súng tháo chạy, lớp này cuốn theo lớp khác bị bắn hạ. Toàn thể Trung đoàn 2 Sao Vàng “anh hùng” thoắt chốc tan tác, cuống cuồng tháo thân… Tiểu đoàn Trinh sát Sư đoàn 3 Sao Vàng trấn trên đồi 151 không hề hay biết, cho đến lúc một đại đội của liên đội Trinh sát tiểu khu do Tr/úy Khuynh chỉ huy, đánh thốc lên từ sau lưng bằng lựu đạn, tên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát Sao Vàng bị đốn ngã ngay từ phút đầu tiên, cả tiểu đoàn buông súng lao xuống sườn đồi tháo chạy, bất kể phương hướng, chúng kinh hoàng bởi sự đột kích hết sức bất ngờ, tử thần đã từ phía sau ập đến… Xác địch ngỗn ngang trên đồi cao, cùng một số thi thể của các chiến sĩ nghĩa quân đã hy sinh lúc khởi đầu chiến trận. Cuộc tháo chạy kinh hoàng, bỏ lại đủ loại vũ khí trên đường tiến quân của ta. Ngược lại, như một sự linh thiêng mầu nhiệm, lực lượng tấn công của ta hoàn toàn vô sự.
Trung úy Khuynh gỡ chiếc “xà cột”trên vai xác tên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát Sư đoàn 3 Sao Vàng. Mọi ý đồ của địch được ghi chép trong tài liệu bắt được cho thấy trận đánh này chỉ là bước khởi đầu cho một trận tấn công toàn lãnh thổ tỉnh Bình Định. Ý đồ của chúng bị bẻ gẫy, bị đập tan ngay từ bước khởi đầu. Cùng lúc, những tên còn sống sót của Trung đoàn 2 Sư Đoàn 3 Sao vàng cuống cuồng tháo chạy, Chi khu Phù Cát tổ chức cuộc hành quân trực thăng vận khẩn cấp với 2 Trung đội Nghĩa Quân đổ xuống mục tiêu đã được dự trù, tịch thu được 1 khẩu súng “bắn hỏa tiển” loại mới với những trái đạn khổng lồ còn lăn lóc (đây là một loại vũ khí mới nhất của Trung Cộng, súng dùng để bắn hỏa tiễn với máy nhắm hiện đại. Máy nhắm này phía Hoa Kỳ đã xin mượn để nghiên cứu, vì đây là loại súng bắn hỏa tiễn tối tân nhất của Trung cộng, bị tịch thu ở chiến trường miền Nam, với mức độ chính xác gấp nhiều lần so với dàn phóng hỏa tiễn có từ trước). Ngoài ra còn tịch thu được:
– 1 súng cối 120 ly
– 4 đại bác 82 ly
– 1 đại bác 122 ly
Số lượng vũ khí cộng đồng, cá nhân và xác địch quân bỏ lại trên chiến địa không đếm xuể, hầu như toàn bộ lực lượng địch tham chiến bị tiêu diệt gần hết. Một điều kỳ diệu là thiệt hại của lực lượng bạn không đáng kể, ngoại trừ trung đội Nghĩa quân của chi khu Bình Khê trú đóng trên đồi 151 đã hy sinh lúc khởi đầu trận đánh.
Sau chiến thắng, Chuẩn tướng Cẩm, Tư lệnh phó Quân đoàn 2, đề nghị Tướng Toàn phạt Trung tá Nguyễn Mạnh Tường 30 ngày trọng cấm với lý do đã điều động và xử dụng chi đoàn Thiết giáp khi chưa được “ông-tướng-rong-chơi” này cho phép(!!!), trong khi 2 Trung tá Không quân thuộc căn cứ 60/KQ/CT được vinh thăng Đại tá tại mặt trận, một số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ được thăng cấp rất hạn chế… Điều bất công ấy đã khiến cho Đại tá Nguyễn Hồng Tuyền và toàn thể Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và Binh sĩ tham chiến kinh ngạc và phẫn nộ. Ngay cả đến Trung tướng Tư lệnh Không Quân Nguyễn văn Minh cũng tức giận. Trung tướng Minh ra thăm căn cứ K/Q Chiến thuật, cho tổ chức tiệc ăn mừng chiến thắng. Tướng Minh đã ca ngợi và giới thiệu Trung tá Tường với thuộc cấp như vị “ân nhân” của binh chủng Không quân, lệnh cho binh chủng luôn ghi nhớ công sức của người đã cứu nguy và mang lại chiến thắng cho binh chủng, và sẽ luôn phải ưu tiên thỏa mãn cho Tr/tá Tường những nhu cầu công cũng như tư. Đại tá Tuyền từ đó đã dồn mọi ưu tiên không yểm cho Trung tá Tường trong các yêu cầu tại chiến trường. Cũng vì thế, Tư lệnh Sư đoàn 22/BB đã kiện về Bộ Tổng tham mưu về sự ưu tiên nầy. Bộ Tổng tham mưu đã phái một Đại tá ra điều tra sự kiện thưa gởi ấy. Đại tá Tuyền đã trả lời một cách minh bạch:
– “Điều ấy dễ hiểu, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường đã giúp chúng tôi một cách tận lực trong lúc nguy nan, cấp cứu và giải thoát cho những phi đoàn của chúng tôi lúc bị bắn hạ một cách mau chóng. Trong khi ấy, Sư đoàn đã không làm gì trước những yêu cầu như thế. Do đó, chúng tôi phải tận lực yểm trợ cho Trung tá Tường là điều đương nhiên!”
Người chỉ huy và mang lại chiến thắng trong trận Phù Cát, Trung tá Nguyễn Mạnh Tường, bị đối xử như thế, đã khiến Trung tướng Minh bất bình và không thể im lặng, do đó, trong một cuộc họp các tướng lãnh tại Sài gòn, có mặt Đại tướng Trần thiện Khiêm, đương kim Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Minh đã nêu lên thắc mắc này. Đại tướmg Khiêm đã hỏi Đại tướng Cao văn Viên về sự kiện ấy, ông Viên trình bày là “đã hết cấp số!”. Đại tướng Khiêm lệnh mang hồ sơ của Trung tá Nguyễn Mạnh Tường cho ông đích thân cứu xét, và ngay tức khắc Thủ tướng Đại tướng Trần Thiện Khiêm đã ký nghị định thăng cấp Đại tá thực thụ cho Trung tá Nguyễn Mạnh Tường ngay sau cuộc họp. Đó là vào khoảng tháng 8/1974.
Sau khi được thăng Đại tá, một tưởng thưởng muộn màng, Đại tá Tường được thuyên chuyển về làm Phụ tá Hành quân cho tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5BB. Kể từ ngày ấy, tôi không gặp lại Đại tá Tường, mãi cho đến cuối năm 1977 mới gặp lại ông tại Hoàng Liên Sơn trong một lần đi vác nứa. Tôi đã đứng nghiêm kính cẩn chào ông bằng lễ nghi quân cách với những dòng nước mắt nghẹn ngào. Ông vẫn bình thản như ngày xưa, vẫn đôi mắt và nụ cười thuở trước. Dường như sự đày đọa trong tù ngục không ảnh hưởng gì đến ông. Người chiến binh già ấy đã từng làm cho tôi kính trọng thuở nào, càng làm cho tôi kính yêu hơn nữa trong cung cách thản nhiên chịu đựng sự nhục mạ, sự đọa đày hèn hạ trong chốn lao tù.
Bẳng đi bảy năm sau đó, 1984, tôi được gặp lại ông tại Z30A Xuân Lộc, ông sống âm thầm trong cuộc sống đày ải như một bậc chân tu. Ông dạy tôi về Thiền, về khí công, về cách điều tức “sâu-dài-êm-đềm-chậm”. Thì ra chính Thiền công đã khiến ông vượt qua được tất cả, kể cả mọi bệnh tật cũng không xâm nhập được vào cơ thể người chiến binh năm xưa. Thỉnh thoảng ông mới được thăm nuôi, cuộc sống cực kỳ đạm bạc, thế mà ông vẫn chia xẻ những món quà khiêm tốn, ít ỏi cho những anh em đồng tù bất hạnh, không kể thân sơ, chỉ giữ lại cho mình những hủ tương mặn chát. Trong tù, tôi được nghe nhiều người nhắc đến ông trong thời gian ông về làm Phụ tá hành quân Sư đoàn 5, kể lại cuộc rút quân thần kỳ cuối cùng của cuộc đời binh nghiệp, cùng những đức tính cao quý, không chỉ những sỹ quan thuộc Sư đoàn 5 mà còn rất nhiều người đã sống bên ông trong quãng đời tù đày.
Mãi đến năm 1992, tôi mới gặp lại ông tại Sài gòn. Ông sống một mình trong một con hẻm đường Công Lý. Ngày từng ngày, ông đi chữa bệnh cho những ai cần đến ông. Ông không nhận bất cứ thù lao nào từ những bệnh nhân được ông chữa khỏi. Những lúc rảnh rỗi, ông lên gác chuông chùa Vĩnh nghiêm đọc kinh Phật.
Năm 1993, tôi bị CSVN bắt lại với án tù 12 năm về tội “âm mưu lật đổ chính quyền”, may mắn được Quốc tế can thiệp và được ra khỏi tù cuối năm 1998.
Đầu năm 1999, tôi sang Mỹ theo diện H.O được chiếu cố vì quá muộn màng. Và vui mừng xiết bao vì lại được gặp lại ông. Nhân lời yêu cầu của nhóm nhà văn quân đội chủ trương thực hiện tập “Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử”, tôi xin phép ông cho phép tôi được viết lại một cách khiêm tốn quãng thời gian ông đã tham dự và chỉ huy các trận đánh ở chiến trường gian khổ Bình Định, cùng những chiến thắng lẫy lừng của các chiến sỹ Địa phương quân và Nghĩa Quân âm thầm mà ông chính là người đã, với tài trí và đức độ của mình, đưa đến những chiến thắng thần kỳ trong sự hạn chế và gìn giữ tối đa sinh mạng và tài sản của dân lành vô tội. Ông đã từ chối rất nhiều lần với ý muốn thành khẩn của tôi, khi tôi muốn đưa một tài năng chỉ huy của quân lực vào Quân sử, với lý do là ông đã quên hết trong thế giới của Thiền đạo. Và cũng bởi vì, với kết cuộc thảm khốc của sinh mạng QLVNCH trong tháng Tư đen tối 1975, thì mọi chiến công đã trở thành tận cùng đau đớn, có nhắc lại chỉ thêm đắng cay, mà mỗi người trong chúng ta chỉ nên âm thầm trong sám hối bỡi những hành vi đã có, đóng góp một phần trong cuộc bại trận này.
Theo ông, có 3 đại họa trong thiện hạ là:
1/ Công ít mà bỗng lộc nhiều
2/ Tài mọn mà địa vị cao
3/ Chí nhỏ mà mưu việc lớn.
Tôi hoàn toàn thẩm thấu được nổi đau lòng ấy, nhưng tôi thưa với ông là “VNCH của chúng ta bị bức tử vì nhiều mặt. Tuy nhiên, các chiến-sỹ QLVNCH đã chiến đấu vô cùng anh dũng, biết bao người đã nằm xuống, đã đổ máu xương cho một Việt Nam Tự do, và giờ nầy các chiến binh vô danh cả triệu người đang sống trong tối tăm, trong đọa đày tủi nhục, trong đau đớn ê chề… Vậy thì hãy cất tiếng nói, HÃY TRẢ LẠI DANH DỰ CHO CÁC CHIẾN BINH ÂM THẦM kia, trả lại cho lịch sử mai hậu về một VNCH và một QLVNCH đã có những đứa con xứng đáng trong bất khuất, anh dũng trong hy sinh, vinh hiển trong máu xương oan khuất. Việc nhắc đến, vinh danh những chiến binh đã chiến đấu, đã nằm xuống như dòng nước mát, như nén hương thơm cho Quê Hương Việt Nam thống khổ. Và sau cùng, vì những điều tôi vừa trình bày. Cuối cùng, ông đã đồng ý cho tôi viết những dòng trả lại vinh quang cho những người lính miền Nam.
© Trần Thúc Vũ
Subscribe to:
Posts (Atom)