2- Ba lô lính chiến tăng 1972
CCB- Thương binh Lê Anh Dũng, đại đội 3, tiểu đoàn 21 Anh hùng. Ảnh: Song Hà
Chuyện của CCB, thương binh Lê Anh Dũng
Năm 1972, chúng tớ đi hai tiểu đoàn từ Vĩnh Phú, mỗi tiểu đoàn hơn 30 chiếc. Có giai thoại trong lính cứ đồn rằng, đi B2 sâu mút mùa, chẳng biết thế nào, đói lắm. Thế nến, tớ nhớ nhất là lúc trang bị đi B. Bốn thằng, mỗi thằng 12 bộ gabađin, hai bộ phi, hai bộ áo công tác sơn hai chữ KT trên ngực, hai bộ quần áo lính. Mỗi người phải xếp đồ vào ba lô một danh mục... 43 thứ, từ kim tiêm, đá lửa, lưỡi câu, cước đến thuốc, lương khô, tăng, võng, màn….
Đồ ăn nói trước. Biết không, mỗi thằng 40 cân lương khô, một nửa là loại 701, một nửa là 702, mỗi thùng 10 cân. Bốn thằng là 160 cân. Tiếp đó là mỡ nước đựng trong thùng sắt, 10 cân một thùng. Cũng 160 cân thịt hộp, cố mà nhét, một nửa thịt xay, một nửa thịt kho. Rồi sữa bột cũng 160 cân, chia ra làm 320 hộp xanh to, loại 0,5 cân một hộp. Ruốc hành quân cũng 160 kg chia làm 320 gói nửa cân. Đường Cuba một tạ, gồm bốn bao loại 25 kg. Gạo 4 bao loại 70 kg, mỗi bao tính ra là 280 kg mỗi xe. 50 kg miến dong. Muối một tạ. Một con heo 70 kg...
Cuối cùng là 400 đồng tiền miền bắc để mua bán dọc đường trước khi vào Nam. Trị giá thế nào à? Thì cứ tính, lúc đó ăn ở miền Bắc, cứ trung bình một con gà là 5 đồng, từng ấy là mấy đàn gà? Từ Phà Mía - Sơn Tây vào trong, tiền chỉ để mua gà vịt, mua rượu bỏ bi đông. Ngày đầu tiên có tiền mua gà, tớ “làm” bốn con, mỗi con nửa luộc, nửa chiên. Bốn thằng bổ một thùng 10 lít mỡ ra rán. Lần đầu tiên trong đời tớ được rán gà trong mỡ sâu như thế. Bốn con là 16 miếng. Luộc, rán trong nồi quân dụng, rồi còn làm một nồi miến nữa mà bốn thằng ăn gọn.
Ông Lai, tớ còn nhớ là Tham mưu trưởng Trung đoàn 207 Tăng thiết giáp dặn: “Đây là đồ cho các đồng chí ăn trong sáu tháng hành quân vào B2”. Thế làm gì mà chả lắm. Chưa kể thuốc bệnh cấp một thùng đủ dùng cho một trung đội bộ binh. Nào thuốc sốt rét, bơm tiêm rồi vitamin tổng hợp, độ 10.000 viên.
Món bồi dưỡng khi ốm là bột trứng, bốn thùng loại 5 kg/thùng, chỉ cần đổ nước sôi ăn luôn, nếu không thì để đánh tan, rán trứng. Mì chính cũng một thùng sắt nặng 5 kg...
Quan trọng nhất là vũ khí. Pháo 100 ly 36 quả; loại 12ly7 là một vạn viên. Đạn súng máy là khoảng hai vạn nữa. 20 mắt xích thay, một bánh chịu nặng cột trên pháo. Hai phi dầu đằng sau dự trữ. Riêng nhiên liệu thì đi đến đâu, các binh trạm cấp đủ đến đó.
Riêng tớ, càng vào sâu, càng kinh nghiệm. Pháo 100 ly phải xin lên 50 quả. Muốn để đâu thì để, muốn treo đâu thì treo, không xin gì chỉ xin thêm đạn. Chuyện ăn uống cũng phải dạy nhau. Tớ ăn một cân lương khô trong hai phút. Cắn một thanh lại tợp một ngụm nước. Tớ nạt lính trẻ, không biết cách ăn nhanh, vào chiến trường chỉ có chết. Ăn nhanh lấy sức nhanh, nó mà đánh mình đã xong rồi, chiến đấu được. Để đói là chết.
Lính ta sáng tạo lắm. Chả có đâu, nước nào, bánh xích dự trữ dắt vào tháp pháo. Thịt hộp nhiều thế, 160 kg mỗi xe, tới 12 ba lô thịt trong xe, mấy thằng tính toán, quyết định tháo sàn xe đủ vừa lỗ đặt. Thế là diện tích sàn 3,2 mét x 6 mét, xếp hết thịt hộp, rồi hành quân trên Trường Sơn, đồ hộp cho cả vào pháo 100 ly. Cứ đồ nào ngon, hàng chiến lược cho vào xe, đồ nào tầm tầm bỏ ra ngoài xe. Vào Nam, cũng lính tăng cũ hỏi : “Sao chúng mày được cấp nhiều thế”, tớ bảo “Đâu biết. Trên cấp là chở đi thôi”. Năm đó, có vẻ chuẩn bị đánh lớn. Dốc toàn lực. Xe tăng càng được ưu tiên, chắc thế!
Chiến trường, ngẫm lại
Từ 1972, đánh Lộc Ninh, rồi An Lộc, tăng thiết giáp của ta hao hụt lớn. Riêng An Lộc tôi nghe gần 100 liệt sĩ. Ở đó có bia liệt sĩ riêng của lính tăng thiết giáp. Theo tớ, là cái thằng lính chiến, đánh nhiều trận rồi, điểm yếu nhất là xe tăng không kết hợp tốt với bộ binh. Cho đến tận 1977-1978 đánh Tây Nam tớ góp ý nên có hệ thống thông tin sao đó để xe tăng nói chuyện thẳng với chỉ huy bộ binh. Chứ kiểu liên lạc như thời đánh Mỹ hồi ở An Lộc, xe lên không thấy bộ binh đâu; điện đài bộ binh theo mã số bộ binh, xe tăng theo mã số xe tăng, đợi khi gọi về tuyến sau, chỉ huy gọi được lên điều hành xe phối hợp thì đã chậm mất thời gian độ 10 quả đạn pháo rồi. Tớ nói không ngoa là sau 1973 với Hiệp định Pari, Mỹ nó phải rút, chứ cứ thực tiễn chiến trường mà nói, nó đánh xe tăng khá lắm. Mà nếu mình đánh nó không phát huy được phương tiện do trình độ có hạn thì tổn thất ghê gớm.
Theo tớ đánh tăng của ta những trận thắng lớn là Làng Vây, Lộc Ninh, Phước Long. Còn thiệt hại nặng nề, phải nói đến Cửa Việt, An Lộc. Đánh An Lộc cũng vậy.
Thứ hai, kinh nghiệm xương máu của tớ là lính tăng càng được học văn hóa cao càng tốt. Hồi chúng tớ, ít nhất là lính lớp 10 thì mới sử dụng phát huy tương đối tốt. Sinh viên đại học vào sau càng tốt. Cùng với cán bộ thì phải có chính sách cán bộ tốt. Tớ nói thật thế này, bao nhiêu trận đánh thua, thiệt hại xe và người nặng nề đều do công tác cán bộ. Chính trị viên đa số chỉ làm tốt công tác chính trị thôi. Thiếu người, bắt họ chỉ huy xe là chệch choạc. Cán bộ kỹ thuật cũng vậy.
Chuyện khó tin hậu chiến
Ngày 18-11-2011, Đoàn đặc công 429 đi cải táng một liệt sĩ ở miền Tây (Có một thời gian, do đặc thù, bộ đội tăng thiết giáp Miền Đông Nam bộ được biên chế trong Đoàn đặc công 429). Đến nơi, tớ trèo lên thắp nhang cho Lê Văn Quyền, pháo thủ 2 hy sinh ở xe mình. Rồi đến ông thứ hai hy sinh là Nguyễn Văn Thuyết, trung sĩ trưởng xe khác. Bỗng ở đâu, một con ong phóng lên, đốt thẳng vào tai đau buốt. Tớ xuống đồi, liền gọi ngay cho một thằng bạn biết xem Kinh Dịch hỏi. Nó gieo quẻ, phán: “Thứ nhất, mày không phải chỉ đi thắp nhang cho hai mộ mà là đi làm cho bẩy mộ. Thứ hai, con ong đốt mày là vì mày thắp cho ông quân hàm bé, binh nhất trước, rồi mới đến ông trung sĩ. Ổng giận, xúi ong đốt. Quẻ nói vậy”. Tôi bảo liền : “Để tao quay lên, nói lại với chúng nó”.
Tôi làm nắm nhang nữa, lại leo lên khấn tiếp: “Nếu bảo người lên biên giới này thắp nhang cho thằng Quyền và mày, thì tao là đứa lên nhiều nhất. Thằng Quyền ngồi xe tao, gắn bó hơn, tao lại thấy mộ nó trước nên tao thắp trước. Chân tao, đánh nhau biên giới Tây Nam, Pôn Pốt nó lấy một cẳng rồi, bước thấp bước cao, không quỳ được, mày phải thông cảm cho tao chứ! Chúng mày giận gì mà xúi ong đốt tao?”.
Chuyện có thật mà như là ma trơi. Thằng bạn tôi còn cam đoan “ Thứ ba, quẻ này nói, mày không có tiền đâu!” Mà đúng phóc không à! Ở ngay đó, tớ đi khắp bốn bàn, bốn ông bán vé số mà không tìm được một tờ nào có số con ong (số 56). Về thị xã Tây Ninh, tớ lùng sục thử mua số 56 mà cũng không hề gặp. Quyết thử dò đến cùng, tớ gọi cho thằng bạn ở Long An bảo tìm mua “con 56” “đánh khá khá” lên một chút. Nó bảo hết tiền, chỉ còn đúng 3.000. Thế mà được 210.000 ngay đấy. Vậy mà riêng tôi lùng không được. Vì quẻ bảo là “không có tiền”.
Chuyện lính tăng, nhiều cái không biết thế nào. Tin quá thì lại có khi là mê tín. Mà không tin không được. Hồi ở ngoài Bắc, có ông tự nhiên nhòm tớ bảo : “Khoảng 26-27 tuổi dính nạn binh đao, thập tử nhất sinh, ông bà cứu, đồng đội cứu, may sống!” Cụt lủn, nguyên văn từng chữ vậy. Đấy là năm 1970, trước khi vào lính. Lão còn bảo tiếp: “Tao thấy cái sống, chết của mày lúc ẩn lúc hiện. Nhưng giờ, rõ là sống rồi”.
Bẵng đi chả nhớ làm quái gì. Linh tinh hơi đâu nhớ! Đánh miết đến 1975 chiến thắng. Ai ngờ ! Tớ sinh năm 1952, đến 1975 là 23 tuổi. Hóa ra đến năm 1978-1979 lại binh đao tiếp thật, chả 26-27 tuổi rồi là gì. Ngày 27-9-1977, vừa mở mắt đã thấy bốn chiếc xe Hồng Hà lên sớm thế. Ông phụ trách tập hợp, đọc tên từng thằng đi nhận nhiệm vụ mới. Ngày 28-9-1977, họp tiếp. Trung đoàn trưởng thông báo: “Samát đã chiến tranh. Xe bọc thép, xe bánh lốp lên bị diệt hết rồi. Trên điều tăng T59 đi chiến đấu”
Thế là cái xe đi cùng đời binh nghiệp chống Mỹ của tôi T59 biển số B 366 tiếp tục lên đường (biển đầu 3 , 4 là dòng T59 thí dụ cùng loại với xe B 390 húc đổ Dinh độc lập; biển đầu 8, 9, 7 thí dụ xe 843 húc đổ Dinh độc lập, là T54)
Tớ không quên một kỷ niệm buồn. Vừa hối hận và tiếc. Khó tin là sao hồi đó mình lại làm vậy? Chị em thanh niên xung phong hồi đó khổ lắm, áo quần rách tơi tả hết. Vậy mà hồi đó, xe đi qua trọng điểm, tớ chỉ tặng chị em thực phẩm lương khô, quần áo thì chỉ dám cho đồ lót mà không tặng quần áo dài trong khi mình có tới mười mấy bộ.
Khổ! Hồi đó còn trẻ, nghe bảo “vào B2 khổ lắm”, lính miền Đông Nam Bộ vào sâu lắm, không biết sống chết thế nào, nên cứ lo chết đói, chết rét không có tiếp tế. Mình trang bị tận răng, thanh niên xung phong có gì đâu, thế mà…! Vào đó, trà Lăngcôbơ, thuốc lá Chim Chơrao, thuốc Miên, thuốc lá rơm (rế) xài thoải mái, đồ có dùng đâu, chỉ rặt quần cộc áo bà ba, khăn rằn, biết thế, tớ đã tặng hết ngoài này rồi. Mà họ trần lưng làm đường, phá bom, dẫn lối cho mình. “Cậu biết không, vào B2, trung bình cứ 100 chiếc xe tăng thì bị hỏng, bị bom đánh, bị rơi xuống vực …đủ loại mất khoảng 10 chiếc. Thế mà mình có cái quần áo dài, cho còn tiếc. Nếu bảo chiến tranh có gì hối tiếc, thì chuyện đó, càng nghĩ càng tự hận mình lắm.”
Tôi chuyển ngành về làm truyền hình ở phía nam, bộ phận tổ chức cán bộ. Có người bảo “màu mỡ tha hồ mà ăn!” .Vớ vẩn! Hồi đánh nhau, mình vác bao nhiêu thương binh, liệt sĩ ra vòng ngoài, đâu có ngã giá “tao mang mày ra, mày sống trả tao mấy chỉ, mấy cây !” Các “chú” này nhầm to, chả hiểu đếch gì lính chúng tớ! Các “chú” vào mà “ăn”!
Lính tráng trước sau vẫn thế. Đến giờ vẫn thế. Mình còn sống là may mắn hơn đồng đội lắm rồi. Vẫn nhớ bạn bè chiến đấu lắm. Làm con người phải thanh thản. Có làm có hưởng. Nhưng mình không phải có làm có lộc mà không biết chia nhường, san sẻ. Chỉ có đừng ăn bẩn.
(Còn nữa)