TRẬN M’DRACK CỦA LỮ ĐOÀN 3 DÙ, 5 NGÀY ĐẦU
*( Trích sách Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam của Bùi Anh Trinh )
Tình hình trước khi nổ ra trận M’Drack
Theo hồi ký của Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp, Chính Ủy mặt trận Tây Nguyên, thì quân CSVN bắt đầu tấn công Ban Mê Thuột với 4 sư đoàn Bộ binh, gồm có :
– Sư đoàn 320 CSVN làm chốt chận giữa Pleiku và BMT. Tuy nhiên thực lực của Sư đoàn này chỉ có Trung đoàn 9 là còn nguyên vẹn, còn Trung đoàn 48 và Trung đoàn 64 bị thiệt hại nặng sau trận tấn công Căn cứ Pleime vào tháng 8 năm 1974.
*( Sư đoàn 320 CSVN được tướng Văn Tiến Dũng giao đánh chiếm chi khu Thuần Mẫn vào ngày 8-3-1975, làm chốt chận giữa Pleiku và BMT. Nhưng sư trưởng là Kim Tuấn “mánh” bằng cách đóng quân xa Quốc lộ 5 cây số cho nên chiều ngày 9-3 Liên đoàn 21 BĐQ từ Pleiku về Buôn Hô để tăng cường cho BMT mà quân của Kim Tuấn không chận đánh.
Thậm chí đoàn quân di tản từ Pleiku đi Phú Bổn ngang qua khu vực của sư đoàn 320 CSVN mà Kim Tuấn cũng không hay biết do vì “trốn quá kỹ. Chính vì việc này mà Đại tá Kim Tuấn vẫn phải mang lon Đại tá cho tới ngày về hưu ).
– Sư đoàn 10 CSVN với lực lượng còn nguyên vẹn nhưng Trung đoàn 66 và Trung đoàn 28 bị tổn thất khá nặng khi tấn công Căn cứ Núi Lửa và BCH/Chi khu Đức Lập vào ngày 9-3-1975. Riêng Trung đoàn 24 được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho Sư đoàn 316 CSVN đánh vào trung tâm BMT.
– Sư đoàn 316 CSVN được giao nhiệm vụ làm nổ lực chính tấn công vào thị xã BMT.
*( Sở dĩ tướng Hoàng Minh Thảo giao cho Sư đoàn 316 CSVN làm nổ lực chính vì là sư đoàn tân tuyển, bòn vét thanh niên Nghệ An ở hạng tuổi 16 , chưa đụng trận lần nào cho nên không biết sợ chết là gì. Còn nếu giao cho các sư đoàn 10 hay 320 thì họ thừa kinh nghiệm đánh trận bằng “mánh”; nghĩa là vẫn báo cáo về phía sau giống như họ đang tấn công vũ bão nhưng thực ra họ chỉ tấn công vào những chỗ không có địch; còn chỗ nào có địch thì họ né đi, vờ như đi lạc. Trong khi Trung đoàn bộ và Sư đoàn bộ ở đằng sau xa, ngoài tầm pháo binh và phi cơ ).
– Trung đoàn biệt lập 95 B ( Thuộc sư đoàn 325 B ) cũng là trung đoàn tân tuyển từ Thanh Hóa, cũng ở hạng tuổi 16; được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho SĐ 316 CSVN đánh vào BMT.
– Trung đoàn 95 A biệt lập được giao nhiệm vụ làm chốt chận trên QL.19, giữa Pleiku và Quy Nhơn.
– Trung đoàn 25 biệt lập được giao nhiệm vụ làm chốt chận trên QL.21, giữa BMT và Nha Trang.
*( Đây là trung đoàn chủ lực miền của Mặt trận Tây Nguyên của CSVN, đa số là người Miền Núi, có nhiều kinh nghiệm chiến trường tại khu vực Quốc lộ 21. Nhưng cũng như sư đoàn 10 và 320, hễ khi nào thấy “khó ăn” thì họ biến mất vào núi rừng. Cho nên tốt nhất là cho họ làm chốt chận, nằm chết dí ở một vị trí cố định ).
Rốt cuộc sau 5 ngày chiến đấu tại mặt trận BMT thì sư đoàn 316 CSVN bị pháo binh VNCH tiêu diệt tại Phi trường Phụng Dực. Và sau 5 ngày chiến đấu tại mặt trận Khánh Dương thì Trung đoàn 25/ CSVN và Trung đoàn 95 B/CSVN bị pháo binh và phi cơ VNCH tiêu diệt.
Cho nên sau khi chiếm được quân Khánh Dương vào ngày 22-3-1975 thì thực lực của quân CSVN chỉ còn Sư đoàn 10 CSVN là còn khả năng tiếp tục chiến đấu. Trong khi đó ngày 20-3-1975 Lữ đoàn 3 Dù của VNCH đã khóa đèo M’Drack với 3 tiểu đoàn Bộ binh và 1 tiểu đoàn Pháo binh.
Diễn tiến trận đánh
Năm 1975, ngày 23-3, hồi ký của tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp ghi lại : “Đại đội 5 của Tiểu đoàn 8 do chính trị viên Lê Hải Triều chỉ huy được tăng cường một trung đội ĐKZ 82 ly, 1 trung đội vận tải 1 tổ thông tin 2W được lệnh của Sư đoàn trưởng ( Sư đoàn 10 CSVN ): “hành quân trên đường 21, gặp địch đâu đánh đó” ( trang 437 ).
*( Chính trị viên đại đội mà chỉ huy đại đội thì có nghĩa là Đại đội trưởng không còn. Và Tư lệnh sư đoàn mà ra lệnh cho đại đội trưởng thì có nghĩa là Tiểu đoàn trưởng và Trung đoàn trưởng cũng không còn.
Ông Tư lệnh sư đoàn mà lại ra một cái lệnh “gặp đâu đánh đó” thì ông ta không phải là sĩ quan hay tướng, mà là một ông đội trưởng du kích….Sự thực muốn ra một cái lệnh hành quân thì trước tiên phải biết tình hình địch và ta như thế nào; rồi sau đó phải cho thám báo hay trinh sát đi dọ lại… Đằng này chỉ biết xuỵt chó vô gai, bảo con người ta cứ tiến tới trước, hễ địch đã bỏ đi thì có nghĩa là ông Tư lệnh Sư đoàn đánh thắng, còn lỡ như gặp địch nó bắn cho chết thẳng cẳng thì ông Tư lệnh quay ra tìm súi đứa khác ).
Tướng Hiệp viết tiếp : “Khi đại đội này vừa đến chân đèo, địch phát hiện được, chúng dùng súng 12,8 ly trên xe M.113 bắn xối xả vào đội hình; đồng thời địch cho máy bay đến ném bom….Chỉ huy đại đội 5 bình tỉnh cho bộ đội lợi dụng con suối nhỏ chạy dọc theo đường 21 trụ lại chuẩn bị đánh chiếm đèo”.
*( Bất ngờ bị súng đại liên trên xe tăng bắn như mưa, lại thêm máy bay thả bom; mà lại bình tỉnh trụ lại để chiếm đèo thì quả là điên mất rồi. Địch trên đèo là 1 Lữ đoàn, khoảng 2.000 người, thì 1 đại đội, khoảng 100 người, lấy tư cách gì để chiếm đèo? Trong khi đúng sách vở thì quân tấn công bắt buộc phải gấp 3 quân phòng thủ )
Lại viết tiếp : “Lúc này… ta phát hiện địch đã chiếm đèo Ma Đrắc ( Bây giờ mới biết ! ), liền xin pháo binh bắn chi viện cho Đại đội 5. Ba loạt đạn đầu rơi trúng khu vực đỉnh đèo. Đến loạt đạn thứ tư, 2 quả đạn 155 ly rơi trúng đội hình Đại đội 5 làm cho 19 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hơn 20 đồng chí khác bị thương, gây tổn thất nghiêm trọng cho đơn vị này”
*Chú giải : Chi tiết 2 trái đạn 155 ly khiến cho các nhà quân sự học chú ý : Quân đội CSVN không có súng 155 ly và không biết sử dụng súng 155 ly của VNCH. Trong trang sau đó Tướng Hiệp cho biết kể từ lúc này quân CSVN dùng súng 155 ly tịch thu được tại BMT. Và đạn sử dụng cho súng 155 ly là đạn tịch thu tại kho đạn Mai Hắc Đế, BMT.
Sở dĩ phải dùng súng 155 ly của VNCH vì theo hồi ký của tướng Doãn Tế, chỉ huy trưởng Pháo binh CSVN tại Tây Nguyên, thì trong trận Ban Mê Thuột và trận Khánh Dương 2 trung đoàn pháo chiến dịch (130 ly và 122 ly) đã bắn hết số đạn 11 ngàn viên mà quân CSVN tại Tây Nguyên đang có.
Người ta ngạc nhiên là ngoài 4 khẩu 105 ly tại Phước Long bị lọt vào tay CSVN do bị phản bội, còn lại tất cả các khẩu pháo khác đều bị hủy bằng lựu đạn lân tinh trước khi rút lui. Ở đâu ra các khẩu 155 ly này? Rà lại chiến sự BMT trước đó thì chỉ có 2 khẩu 155 ly của Tiểu đoàn 230 PB nằm tại Phi trường Phụng Dực, nhưng Trung úy Pháo binh Phạm Ngọc Phụng xác nhận 2 khẩu 155 ly này đã được phá hủy cùng với 4 khẩu 105 ly trong ngày 15-3-1975.
Ngoài ra còn có 2 khẩu 155 ly thuộc Tiểu đoàn 63 Pháo binh diện địa đặt tại BCH Chi khu Khánh Dương nhưng hai khẩu này đã được kéo về đèo M’Drack lúc 10 giờ sáng ngày 22-3-1975. Vậy chỉ còn lại hai khẩu 155 ly duy nhất tại BCH Chi Khu Phước An, cũng thuộc Tiểu đoàn 63 Pháo binh diện địa. Có lẽ hai khẩu 155 ly này không được phá hủy khi Phước An tan hàng vào chiều ngày 17-3-1975. Súng không bị phá hủy chứng tỏ sĩ quan Trung đội trưởng hoặc hạ sĩ quan khẩu trưởng bị khống chế bất ngờ.
Tướng Hiệp ghi nhận có tất cả 4 loạt đạn nhưng 3 loạt đạn đầu rơi trên đỉnh đèo, còn loạt đạn thứ 4 lại trúng ngay vào quân CSVN, và mỗi loạt chỉ có 2 trái; chứng tỏ chỉ có 2 khẩu chứ không hơn. Tới đây thì vấn đề là ai đã bắn hoặc chỉ cho CSVN cách sử dụng 2 khẩu súng đó ?
Chỉ có sĩ quan trung đội trưởng hoặc hạ sĩ quan khẩu đội trưởng mới có thể lấy yếu tố tác xạ bắn chính xác lên đỉnh đèo ngay loạt đạn đầu. Như vậy loạt đạn thứ 4 là loạt đạn được điều chỉnh lần thứ 3 thì chắc chắn phải rơi chính xác… nhưng lại là chính xác ngay đội hình của quân CSVN (!). Chứng tỏ người lấy yếu tố tác xạ lẫn người quay nòng súng đều là quân VNCH.
Những xạ thủ VNCH đã bất thần điều chỉnh cho đạn rơi vào quân CSVN thay vì vào quân VNCH. Trước đó họ bị buộc phải bắn dưới sức ép của những họng súng kê sau ót. Nhưng họ đã quyết định chết chứ không thể nào giết chiến hữu của mình, ngược lại họ đổi mạng họ với 1 đại đội quân CSVN.
Ngày 24-3, lúc 11 giờ sáng, quân Dù tại đỉnh đèo M’Drack phát hiện 5 xe tăng của quân CSVN đang di chuyển từ Khánh Dương đến M’Drack, pháo binh Dù tại giữa đèo bắn chận, phi cơ A.37 bắn hạ 3 chiếc tăng. Đồng thời phi cơ quan sát phát hiện một ổ phòng không địch bắn lên từ khu vực Rẫy Ông Kỳ, cách M’Drack 20 cây số. Phi cơ A.37 lên oanh kích, hạ 2 vị trí phòng không.
Đây là lần đầu tiên súng cao xạ của CSVN xuất hiện sau trận Ban Mê Thuột từ ngày 10 đến ngày 13-3. Kể từ ngày đó các khẩu phòng không của CSVN im tiếng, ngoại trừ 1 loạt đạn phòng không bắn trúng trực thăng chở Tướng Lê Trung Tường vào ngày 16-3. Chứng tỏ quân CSVN cũng không còn đạn phòng không, có lẽ giờ đây đạn phòng không ở ngoài Bắc mới chuyển đến kịp. So lại với các sách vở của hai bên nói về cuộc di tản 8 ngày trên LTL.7 thì quả nhiên không hề có một khẩu phòng không nào xuất hiện. Quân VNCH hoàn toàn làm chủ trên LTL.7.
Ngày 25-3, lúc 4 giờ 30 sáng, quân CSVN pháo kích quân Dù tại đầu đèo M’Drack, trận pháo kéo dài khoảng 20 phút.
Lúc 5 giờ sáng, quân bộ binh CSVN tấn công Đại đội 53 Dù tại đầu đèo. Pháo binh Dù bắn yểm trợ quân phòng thủ . Lúc 6 giờ 15 sáng quân CSVN rút lui, phía Dù có 1 chết, 7 bị thương.
Lúc 7 giờ sáng, xe tăng của quân CSVN bắt đầu tiến tới đầu đèo M’Drack với quân bộ binh theo sau. Hỏa tiễn Tow của quân Dù bắn hạ 2 tăng, đại bác 106 ly không giật của quân Thiết giáp VNCH bắn hạ 1 tăng.
Lúc 8 giờ 30, quân CSVN rút lui, quân Dù đếm được 20 xác, thu 10 vũ khí. Phía Dù có 2 chết 11 bị thương.
Ngày 27-3, lúc 7 giờ sáng, quân CSVN pháo 130 ly vào khu vực đỉnh đèo, làm hư 2 khẩu 105 ly của pháo binh Dù. 4 khẩu pháo còn lại được lệnh rút về giữa đèo. Phi cơ A.37 tấn công pháo binh CSVN tại khu vực phi trường Khánh Dương.
Lúc 5 giờ chiều, 1 phi cơ A.37 bị bắn rơi tại khu vực đầu đèo M’Drack, phi công nhảy dù xuống khu vực kiểm soát của quân Dù.
BÙI ANH TRINH
(1)- BCH/ chi khu Khánh Dương.
(2)- Đồn Mdrack, đầu đèo.
(3)- Đồn Phụng Hoàng, giữa đèo.
(4)- Đồn Cầu 24, cuối đèo.