Viết để nhớ 30-4 , trận đánh tại cầu Bà Tồn - Hồ tỉnh Tâm - CCB E 207
Tài Trần : qua bài viết của CCB này , ông cho biết danh sách các LS rất nhiều thiếu sót , đặc biệt là các CCB gốc miền Nam .
Sáng 30 tháng 4(2012), theo thói quen tôi lên mạng đọc báo. Điều quan tâm số 1 của tôi là sự căng thẳng Nam – Bắc Triều và xung đột Biển Đông giữa Trung Quốc – Philippines về biển đảo. Theo tài liệu mà tôi biết, quần đảo Trường Sa rộng 250.000Km2 , với khoảng 130 hòn đảo nhỏ, đảo san hô, các rặng san hô và các mỏm đá ngầm, nơi đang có sự tranh chấp quyết liệt giữa Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Brunei. Về quan hệ Việt - Trung thì thái độ của hai bên về chủ quyền biển đảo đã quá rõ qua các công bố ngoại giao mỗi nước, bởi chủ quyền pháp lý của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa là quá rõ; Trung Quốc dẫu thế nào cũng không thể bao biện được trước công ước quốc tế về biển đảo, bản đồ hình lưỡi bò của họ chỉ là sự ngang ngược của tư tư tưởng bá quyền Đại Hán.
Nhớ sáng 29 tháng 4 bà xã tôi hỏi, 30 tháng tư anh muốn ăn món gì thì nói. Như vậy là bà xã còn nhớ tới tôi với tư cách là cựu chiến binh, nên tôi trả lời, “ăn uống bình thường thôi, có gì vui đâu mà ăn mừng, biết bao nhiêu người chết trong cuộc chiến thì vui cái nỗi gì”. Thế nhưng bà xã vẫn ra chợ tìm mua cho được một con gà mái dầu còn tơ về nấu cháo. Tôi lôi chai rượu ngâm cao ngựa trắng ra, nhưng sau một lúc đắn đo, tôi quyết định đóng nắp chai lại. Nhà chỉ mình tôi là đàn ông thì uống với ai bây giờ. Trà tam rượu tứ, nhà tôi một bà vợ, một bà con, duy mình tôi thủ phận đàn ông, làm sao mở chiến trường. Mời bạn thì nhà nhỏ như bụm tay, lấy đâu ra chỗ mà mời.
Trưa 30 tháng 4, đúng 11g30, giờ mà cách đây 37 năm, tại xã Tân Hiệp huyện Châu Thành- Tiền Giang- tôi nghe tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên Đài phát thanh Sài Gòn, tôi mở danh sách liệt sĩ của trung đoàn ra xem(E207), với hy vọng mình sẽ nhớ ra một vài đồng đội cũ. Danh sách này do Phạm Văn Thông gởi cho tôi, có tất cả 451 liệt sĩ, tính từ năm 1969, thế nhưng trong danh sách, số liệt sĩ trước 1972 chỉ có 6 người (do thất lạc hết), như vậy là từ 1972 trung đoàn tôi có 445 người hy sinh, toàn là người Miền Bắc. Tôi rà đi rà lại mấy lần, chẳng thấy ai là người Miền Nam. Điều này khiến tôi nghi ngờ.
Thứ nhất, anh Hai Mai tiểu đoàn trưởng(D1- E207), hy sinh năm 1974 trong lần điều nghiên chốt Gãy Kinh Nhất là người Đồng Tháp, không có tên trong danh sách.
Thứ hai, anh Biên Chính trị viên phó tiểu đoàn, hy sinh năm 1974 trong tận đánh đồn Cái Xơ ở Tân Thành Hồng Ngự Đồng Tháp cũng không thấy tên.
Thứ ba, trận đồn Cái Xơ, nguyên tổ chống tăng của tiểu đoàn tôi(D1) hy sinh hết, chưa kể anh em ở các đại đội, mà danh sách chỉ có 22 liệt sĩ, lại chỉ ghi là E207, và hy sinh vì tao ngộ, có vẻ như là bị bỏ sót khá nhiều.
Thứ tư, trận chống càn tại bờ bao xã Mỹ Hòa, theo danh sách tiểu đoàn tôi hy sinh 13 người thì có vẻ quá xa với thực tế, bởi lúc đó tôi là trợ lý quân lực tiểu đoàn, hầu như đêm nào tôi cũng cùng trinh sát vượt vòng vây đem thương binh và tử sĩ về cứ trung đoàn tại Kinh Chuối, rồi ngay trong đêm lại chở đạn dược về cho tiểu đoàn, tôi nhớ như in là trước khi vào trận, tiểu đoàn tôi còn 203 người, và lúc được lệnh phá vây rút về Kinh Chuối, tiểu đoàn tôi chỉ còn 103 người, như vậy nếu trừ thương binh thì số hy sinh cũng phải vài chục người mới đúng, bởi ròng rả gần một tháng, tiểu đoàn tôi ngày nào cũng bị mưa pháo 105 và 155 ly vài trận, chưa kể bị máy bay ném bom, trực thăng sút rốc két, bị bộ binh trung đoàn 10 có xe tăng yểm trợ tấn công, bộ đội hy sinh nhiều lắm. Bản thân tôi cũng dính miễng pháo lăm nhăm phần mềm. Có lần bị đứt mạch máu chủ dưới gan bàn chân, máu ra nhiều tới hoa cả mắt. Tôi nhớ trong trận Mỹ Hòa này, chỉ thương binh quá nặng mới được đưa về tuyến sau, bởi việc thoát vòng vây ra ngoài là cực kì nguy hiểm.
Như vậy, số danh sách liệt sĩ hy sinh của E207 trong một thời gian dài, mà chỉ có 551 người thì không thể là số chính xác được, mà rất có thể chỉ là số nhỏ liệt sĩ mà ta còn giữ được danh sách, bởi vì như vụ Hoành B hỏa lực của tiểu đoàn tôi hy sinh lúc làm nhiệm vụ bám lộ khi có sự biến ném lựu đạn vào nhà dân tại Vàm Cống- Lấp Vò- Đồng Tháp- sau 30.4.1975 , tôi cũng không thấy trong danh sách. Và sáng 30 tháng tư năm 1975, một chiến sĩ thuộc trung đội do tôi chỉ huy , được phân công ở lại giữ đồ trong trận đánh cường tập ban đêm tại ấp 4 xã Phú Nhuận Đông- Cai Lậy- Tiền Giang, bị dính mảnh pháo vào sọ não hy sinh, cũng không thấy trong danh sách, nhưng trung đội trưởng Nguyễn Văn Thơ(cùng C3 với tôi) hy sinh trong trận này lại có tên trong danh sách. Và năm 1977, anh Trường (C trưởng- người cùng học khóa huấn luyện hạ sĩ quan với tôi ở Mai Sưu) hy sinh ở biên giới Tây Nam- đâu đó bên bờ sông Trăng- Hồng Ngự- Đồng Tháp- tôi cũng không thấy tên trong danh sách.
Vẫn biết chiến tranh ác liệt, việc quản lý hồ sơ sổ sách rất khó, nên danh sách liệt sĩ mà Phạm Văn Thông gởi cho tôi, tôi cũng chỉ biết có được như vậy là may lắm; chỉ thương cho anh em mình đã nằm xuống mà thôi.
Thú thật là càng đọc danh sách liệt sĩ tôi càng buồn, vì trong mấy trăm liệt sĩ, tôi chỉ còn nhớ mặt được vài người, như Nguyễn Xuân Kiệm, Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Văn Mỹ; vì họ là những người rất gần với tôi trong những năm tháng chiến trận, cùng đồng cam cộng khổ với nhau. Sự ra đi vào cõi vĩnh hằng của họ, tôi đều đã viết, nhưng khi đọc danh sách liệt sĩ, thấy tên tuổi của họ đập vào mắt, tự nhiên tôi muốn nhắc lại vài chi tiết, để ai đọc mà biết về họ, có thể hiểu thêm được phần nào.
Nguyễn Văn Mỹ hy sinh ở bờ bao Mỹ Hòa, thuộc xã Mỹ An tỉnh Kiến Phong cũ, trong trận chống càn ròng rả một tháng trời, vào khoảng thời gian tháng 9 năm 1974. Lúc đó Mỹ là A trưởng thông tin vô tuyến điện của tiểu đoàn (trước đây tôi nguyên là A trưởng- B thông tin của D1- E207), hầm chữ A của Mỹ rất gần hầm chữ A của tôi, và miệng hầm hình chữ Z nơi Mỹ ngồi trực máy PRC25 mở về hướng miệng hầm của tôi. Buổi sáng cánh sườn hướng ra ngoài rừng tràm ngập nước, phía cánh đồng đưng rộng ngút ngát nối tới cứ trung đoàn ở kinh Chuối, nơi K bộ chúng tôi cố thủ(vốn là cánh yếu nhất, vì chỉ có các trợ lý tài vụ, trợ lý quân khí, trợ lý dân vận, trợ lý quân nhu, trợ lý quân y, trợ lý chính trị, trợ lý tác chiến, và vũ khí thì chỉ có tiểu liên AK với lựu đạn), bất ngờ bị một đơn vị lính biệt kích trung đoàn 10 đột kích. Tôi nhớ là mới mờ sáng, tôi cầm nắp bình toong inox ra bờ bao phía hướng về cánh rừng tràm ngập nước múc nước đánh răng, khi nhìn lên, tôi thấy có ba tên lính cầm tiểu liên cực nhanh xuất hiện trong rừng. Chúng bị nước ngập tới ngực, nên tên nào cũng phải cầm súng cao trên đầu, nòng súng hướng lên trời. Cả ba có vẻ đang lần tới hướng có hầm cố thủ của tiểu đoàn trưởng, nên chúng không phát hiện ra tôi. Nhờ vậy tôi vòng theo mấy bụi hoa mua, nhoài được về hầm của mình, lấy súng và bắn xối xả hàng loạt. Các hầm khác của các trợ lý cũng lập tức nổ súng về hướng súng của tôi. Toán lính đang tìm cách đột kích của sư 7 hoàn toàn rơi vào thế bị động bất lợi, vì chúng phải lội trong nước ngập, nên phải lùi lại chống trả. Chúng tôi tuy ít người, nhưng lại toàn là lính thiện chiến, nên hầu như anh em chỉ bắn nhịp hai, nên đối phương dễ nhận ra là đã đụng với những người đã từng trải chiến trận(vì lính mới thường bắn nhịp dài nhiều viên đạn, và nhịp bắn không đều do thiếu kinh nghiệm, có khi còn bắn tắc cú từng viên một). Hình như Mỹ biết lực lượng K bộ của tiểu đoàn quá mỏng, nên đã gọi C2 chi viện. Bởi vậy khi nghe trung liên RBD khạc đạn xối xả, cùng với tiếng nổ chát chúa của B40, toán lính đột kích đã phải rút lui, gọi pháo 105 và hỏa lực của M113, M48 bắn vào chúng tôi như dội bão. Đến khoảng 9h00 sáng thì trận địa hoàn toàn yên tỉnh. Mỹ ngồi cầm tổ hợp ở miệng hầm, nhìn tôi cười rất tươi, với nụ cười sáng lóa đầy rạng rỡ mà tôi sẽ không bao giờ quên được. Bất chợt tụi phản lực F4 ào ào kéo tới, chúi xuống bờ bao nơi K bộ của tiểu đoàn chốt giữ dội bom. Ngay loạt bom đầu, tôi thấy Mỹ đang ngồi chồm hổm bổng lật ngược, hai ống chân bị mảnh bom tiện đứt đưa lên trời, máu xối ra phùn phụt. Dứt loạt bom, tôi nhào sang với Mỹ thì anh đã tắt thở, có lẽ vì choáng mạch máu quá nhanh. Bàn tay trái của Mỹ lúc đó vẫn cầm chắc tổ hợp, máy PRC25 vẫn đang trong chế độ liên lạc với các đại đội. (Xin nói rõ là lúc này Nguyễn Văn Thơ, quê Yên Giã- Quế Võ- Hà Bắc, vẫn còn là trợ lý tài vụ của tiểu đoàn, hầm cố thủ cách tôi hai hầm, và sát với hầm của tiểu đoàn trưởng Hai Mai). Còn Mỹ, tức Nguyễn Văn Mỹ, sinh 1955 ở Đại Hóa, Tân Yên- Hà Bắc. Anh ra đi khi chỉ mới 19 tuổi.
Nguyễn Văn Thơ, sinh Năm 1950, quê Yên Giã- Quế Võ- Hà Bắc, hy sinh trong trận đánh ấp Trung (ấp 4), xã Phú Nhuận Đông- Cai Lậy- Tiền Giang, ngày 19 tháng 4 năm 1975, lúc đang giữ chức B trưởng B2 thuộc C3- D1 do anh Tùng làm chính trị viên đại đội. Lúc tôi còn làm trợ lý tác chiến kiêm trợ lý quân lực thì Thơ là trợ lý tài vụ của tiểu đoàn. Thời kỳ cắm trụ ở bờ bao Mỹ Hòa, có lần tôi đã cùng về bờ bao kinh Chuối nạp báo cáo cho E bộ chung với Thơ- và đây là lần đầu tiên tôi được biết thế nào là bia con cọp(tiger), do Thơ chiêu đãi. Khi vào chiến dịch Hồ Chí Minh, cả tôi và Thơ đều được điều về C3 làm trung đội trưởng- Thơ là B trưởng B2, tôi là B trưởng B1. Trong trận đánh ấp Trung, theo phương án tác chiến ban đầu, trung đội của tôi đánh vòng ngoài, trung đội của Thơ đánh thọc sâu; nhưng khi tiền nhập sát cánh quân trung đoàn 10 bộ binh sư 7 đóng giã ngoại ở ấp Trung, vào khoảng gần 11h00 đêm, dưới trời mưa lâm râm, anh Tùng đổi phương án, chuyển trung đội của tôi sang đánh thọc sâu, trung đội của Thơ đánh vòng ngoài, vì Thơ cận nặng tới 7 đi ốp, sợ không thấy đường dẫn trung đội đánh thọc sâu. Không may là đội hình C2 do du kích dẫn đường bị lạc, đã tiền nhập ngay sau lưng C3 của chúng tôi. Theo phương án tác chiến chung, khi các cánh quân đã tiếp cận đối phương ở ấp Trung, nếu phát hiện mục tiêu thì tấn công ngay, không chờ pháo lệnh, các cánh quân còn lại, nghe tiếng sung thì tấn công thẳng vào mục tiêu đối phương đang giã ngoại tại ấp Trung. Bởi vậy trong đêm mùa mưa tối hù tối hịt, khi C2 phát hiện sự di chuyển của trung đội Thơ đang triển khai bao vây vòng ngoài, họ lập tức nổ súng, vì lầm tưởng là đối phương vận động. Lúc tiếng súng vang lên, pháo lệnh của trung đoàn cũng điểm hỏa sáng rực trên trời. Tất cả các cánh quân hiệp đồng chiến đấu của sư đoàn đều đồng loạt nổ súng, nhắm thẳng trung tâm ấp Trung tấn công. Mũi đánh thọc sâu của trung đội tôi, nong theo con mương cạn tiến thẳng vào đội hình đóng giã ngoại của lính trung đoàn 10. Trên đầu các loại đạn nhọn réo rít veo véo như xé gió. Nghe cả tiếng B40 nổ chát chúa. Tôi biết ngay là quân ta đang nện vào lưng C3 chúng tôi, và trung đội Thơ đánh vòng ngoài sẽ lãnh đủ, nên tôi nói với Phương(Hà Tây) đi máy PRC25 cùng trung đội tôi, kêu C2 dừng nổ súng, nong theo con mương cùng trung đội tôi đang đánh thọc sâu mà tiến. Thế nhưng Phương loay hoay mãi vẫn không bắt được liên lạc. Vốn là A trưởng thông tin vô tuyến điện của Phương, biết chàng tân binh đang rối trí, tôi nói phương đọc mật mã số nhà để tôi bẻ cò lên máy, vì đêm tối mò mò, lại tiếng súng đạn gầm thét, chớp nhoáng loa lóa, Phương là lính mới nên rất thiếu kinh nghiệm. Bắt được sóng máy đi theo C2 tôi hét lên, “C2 đang vỗ lưng C3, chuyển sang thọc sâu đi!”. Tất cả chỉ hơn 10 phút, nhưng chừng đó cũng đã quá đủ. Đến khoảng 5h00 sáng, trung đội tôi giáp mặt một tốp bộ đội của trung đoàn 24, tại một ngôi nhà dân, trong nhà vứt lỏng chỏng mấy cái ba lô của lính. Một anh bộ đội E24 nói với tôi, dưới gầm giường có hầm, có thể lính E10 sư 7 trốn dưới đó, để anh ném lựu đạn xuống tiêu diệt. Nghi dưới hầm có dân, nên tôi nói bừa rằng, tôi là mũi trưởng mũi thọc sâu của D1, để tôi quyết định. Quả nhiên khi tôi gọi, thì dưới hầm lủ khủ ngoi lên hơn sáu, bảy người gì đó, có hai vợ chồng và mấy đứa con nhỏ, họ cho tôi biết lính trung đoàn 10 chạy hết rồi. Cùng lúc đó Phương cũng cho tôi biết, đã có lệnh rút khỏi ấp Trung để tránh phi pháo và bom ném hủy diệt.
Trên đường rút ra ngoài, ngang qua một cây dừa cụt ngọn, tôi nhìn thấy Thơ nằm úp sấp dưới gốc dừa, hai tay vả xuống mặt đất, khẩu AK nằm ngay bên cạnh. Cúi xuống, tôi thấy bụng Thơ rách toang, toàn bộ ruột gan tim phổi mất sạch. Xốc Thơ lên lưng, tôi cõng anh chạy ra ngoài. Chàng trai Hà Bắc béo tròn vốn nặng hơn 60 kg, bây giờ nhẹ hẩng, máu nhểu xuống người tôi từng giọt. Khi giao Thơ cho dân công, anh vẫn còn đeo cái kính cận dày cộp trên mắt. Lúc ấy Thơ đã 25 tuổi.
Nguyễn Xuân Kiệm, sinh 1953 tại Cao Xá- Tân Yên- Hà Bắc, hy sinh ngày 10 tháng 4 năm 1975, tại ấp 7 xã Mỹ Thành Nam- Cai Lậy- Tiền Giang, trong trận đánh cầu Bà Tồn. Kiệm trúng đạn 12ly7 của xe nồi đồng, và ra đi ngay trước mắt tôi, nên tôi rất nhớ. Trong trận đánh cầu để ngăn không cho sư 21 lên tăng viện cho Sài Gòn, trung đội của tôi được lệnh bám sát quốc lộ 4, yểm trợ cho đặc công phá cầu. Trong trận này, tiểu đoàn chúng tôi bị pháo các loại của đối phương dập rất dữ vào đội hình. Riêng trung đội tôi được lệnh bám mặt lộ, nên hầu như tất cả chúng tôi đều phơi lưng dưới mưa pháo. Nhưng khổ nhất là khi đụng hai chiếc xe nồi đồng tới chi viện, thi nhau xối trọng liên ằng ặc như điên như cuồng. Lúc này Kiệm đang giữ một khẩu DKZ57 chúng tôi thu được của đối phương, nên tôi lệnh cho Kiệm tiếp cận sát mặt lộ để diệt xe. Kiệm ôm súng bám sát mặt lộ dưới sự bắn yểm trợ của cả trung đội, nhưng có lẽ do vị trí nằm thấp, nên viên đạn đầu tiên bắn ra đã bay vọt trên đầu xe, thấy rõ lửa đạn vút sáng rực cao hơn xe cả gang tay. Khi chiếc xe thứ hai lao tới, rút kinh nghiệm lần trước, Kiệm ngồi hẳn dậy trong tư thế quỳ bắn. Lúc này đèn dù và pháo sáng của đối phương sáng rực cả một vùng hai bên quốc lộ, bởi vậy chiếc xe thứ nhất khi quay lại đã nhìn thấy Kiệm ngồi cao ngời ngợi, bắn xối vào anh cả tràng trọng liên 12ly7. Đạn của lính chốt đầu cầu cũng bắn xối về phía Kiệm như vãi trấu. Tôi thấy rất rõ Kiệm bị hất lên cao, ngã vật sang một bên. Khi chúng tôi đem được Kiệm ra khỏi mép quốc lộ, cũng là lúc chúng tôi nhận được lệnh rút lui, vì có lệnh cấp trên dừng lại không phá cầu, để xe tăng của ta có thể tiến về giải phóng Miền Tây. Tại điểm tập kết, chúng tôi mượn chiếu của một gia đình nông dân, đặt kiệm nằm giữa sân, lúc này hình như đã hơn 2h00 sáng gì đó, tôi nhìn rõ một viên 12ly7 bắn xuyên qua ngực phải của Kiệm, nổ trổ ra sau lưng vết toác to như miệng chén. Tôi và anh Thái chính trị viên tiểu đoàn ngồi quỳ xuống bên Kiệm, Kiệm từ từ mở mắt nhìn lên, và nói thều thào rất nhỏ, “liệu em có được kết nạp vào Đảng không anh Thái”. Anh Thái vừa khóc vừa nói, “đồng chí là đảng viên của Đảng”. Kiệm nghe xong, cả hai mắt đều ứa lệ, đầu ngật sang một bên, rồi ra đi vĩnh viễn. Lúc đó, Kiệm đã vào tuổi 22, tuổi rất đẹp của đời người.
danh sách liệt sĩ E207 trong trận đánh cầu Bà Tồn lộ 4
1- Nguyễn Văn Quyết E 207 - sinh 1952 – xã Ngọc Vân - Tân Yên Hà Bắc, hy sinh 10/04/1975 tại ấp 7, Mỹ Thành Nam Cai Lậy Bắc Mỹ Tho
2- Nguyễn Xuân Kiệm D1,- E 207- sinh 1953 - xã Cao Xá -Tân Yên - Hà Bắc hy sinh 10/04/1975 tại ấp 7, Mỹ Thành Nam Cai Lậy Bắc Mỹ Tho
3- Đỗ Lê Văn D1,- E 207- sinh 1955 - Thường Tín - Hà Tây- sau trận chiến tại lộ 4 bà Tồn không về, mất tích
4- Ngô Văn Long D1,- E 207- sinh 1955 - xã Tô Hiệu - Thường Tín - Hà Tây sau trận chiến tại lộ 4 bà Tồn không về, mất tích
Nói thêm về trận đánh cầu Bà Tồn .
Nhiệm vụ đại đội trưởng phân công cho trung đội 1 của tôi là bám sát mặt quốc lộ 4, tìm cách đánh chặn xung lực tăng viện từ Cai Lậy hoặc từ Đồng Tâm xuống, bảo vệ cho đặc công bám phía dưới hai trụ cầu giữa sông đặt bộc phá.
Theo phương án tác chiến ban đầu, đối phương chỉ có một đơn vị bảo an đóng ở hai đầu cầu, nhưng khi chúng tôi tiếp cận mục tiêu, lại chạm trán với trung đoàn 10 sư 7 vừa thua trận ở đâu đó, kéo về hai đầu cầu đóng giã ngoại trong nhà dân. Bởi vậy, để bám được mặt quốc lộ, chúng tôi đã phải nổ súng đánh địch ngay từ khi tiếp cận với khu vực có nhà dân ở cả hai đầu cầu. Do vậy khi chúng tôi ra được quốc lộ, thì dân ở cả hai bên đầu cầu đều đã chạỵ hết. Lính trung đoàn 10 cũng rút hết sang bên kia lộ, bắn trả lại chúng tôi rất quyết liệt. Hai chiếc xe nồi đồng mà trung đội tôi được lệnh bắn diệt, rất có thể là xe tại chỗ của trung đoàn 10. Vì mặt lộ cao hơn mặt đất nhà dân rất nhiều, nên đạn nhọn của cả hai bên đều rất khó bắn được vào nhau. Chủ yếu chúng tôi phải chịu đựng hỏa lực của pháo 105 ly và 155 ly, cùng đạn trọng liên bắn ra từ hai chiếc xe nồi đồng, cùng hỏa lực từ lô cốt đầu cầu của lính bảo an.
Ở cấp độ trung đội, tôi không biết được cục diện toàn bộ của trận đánh, chỉ biết khi tôi cho người lên kéo được Kiệm đang bị thương nặng từ sát mép lộ xuống nơi chúng tôi chốt giữ trước nhà dân, thì có lệnh ngừng bắn, tìm cách đưa bộ đội rút nhanh về điểm tập kết. Cả tiểu đoàn phải rút ra ngoài trong mưa pháo bắn xối xả. Tuy nhiên số thương vong thì tôi không nắm được cụ thể. Tôi chỉ biết, xác của Kiệm sau đó được giao cho dân công, và dân công dùng xuồng chở đi đâu đó, còn chúng tôi lại lui về đóng quân sát chốt Gãy Kinh Nhất, trên bờ hữu ngạn kinh Cổ Cò.
Admin: Kính Thưa anh Hồ Tĩnh Tâm, thưa bạn đọc,
Danh sách Liệt sỹ chúng tôi hiện có là tài liệu báo cáo thương vong theo từng tháng của trung đoàn báo cáo về quân khu (viết tay), hiện còn lưu lại tại Phòng chính sách quân khu 9. các bạn cũng biết, trong chiến tranh, sau mỗi trận đánh, các đại đội làm danh sách gửi về tiều đoàn, rồi tiểu đoàn gửi về trung đoàn, trung đoàn tập hợp rồi gửi về cấp trên. đơn vị tôi hoạt động trên địa bàn rrộng lớn gồm các tỉnh Đồng tháp, Long an, Tiền giang, do vậy việc báo cáo quân số thương vong, không đầy đủ hoặc thất lạc, do vậy đến nay , tài liệu lưu tại Phòng Chính sách quân khu 9 chỉ có vậy thôi, chúng tôi cũng đang tiếp tục sưu tầm qua các đồng đội còn sống sót đến ngay nay.
Một điều nữa là các đồng chí quê ở phía nam trong trung đoàn rất ít, chủ yếu lá các đồng chí chỉ huy từ cấp tiểu đoàn trỡ lên được đào tạo từ ngoài Bắc đưa về, còn chiến sỹ thì rất ít. Mặt khác, các đồng chí quê ở phía Nam, thường thì chỉ có tên và chức vụ, quy định là không ghi quê gốc, đề phòng danh sách lọt vào tay địch, chúng sẽ trả thù gia đình và người thân đồng chí đó. vì thế trong danh sách, các bạn chỉ thấy tên tuổi, ngày hy sinh mà không có quê quán.