Tuesday, February 12, 2019

Một thời bay đêm - Phạm Văn Cần

Posted by   December 20, 2018  1167
Một thời bay đêm - Phạm Văn Cần
Thời gian chồng chất có lúc tưởng như đã quên đi tất cả quá khứ vui buồn chờ đợi ngày trở lại với cát bụi. Dầu vậy như người nào đó đã nói “Người ta có thể đem tôi ra khỏi quân đội nhưng không thể đem quân đội ra khỏi tôi“. Tôi không thể nào quên Không Quân. 

Khi con trai tôi còn nhỏ tôi thường dẫn nó lên Phi Đoàn những ngày nó nghỉ học. Trong khi tôi làm việc thì nó lang thang chơi trong hangar và trong bãi đậu phi cơ C-7A Caribou trước phi đoàn. Lúc đó khoảng 1973 viện trợ Mỹ đã giảm. Rất nhiều phi cơ bị đình động vì không còn đủ nhiên liệu và phụ tùng thay thế. Tôi còn nhớ có một lần tôi đi bay test một phi cơ đã được thay hai máy mới. Tôi ra xe đi bay thằng con đòi theo. Tôi chiều nó dẫn nó đi. Khi ra phi cơ tất cả phi hành đoàn đều mang dù theo chỉ trừ một mình tôi vì mang theo con trai cho nên tôi không thể đem dù. Nếu có chuyện gì thì thôi không có chọn lựa nào khác mà phải đem phi cơ về đáp an toàn. Chuyện qua quá lâu nhưng vì thương con nên đã phạm luật an phi cũng may mắn là đã không gặp chuyện gì rắc rối. 

Nhưng có lẽ vì thế mà đã vô tình gieo hạt giống Không Quân vào trong lòng con lúc nào không biết, để gần 40 năm sau nó vẫn nhớ và muốn nghe chuyện Không Quân tôi kể. Trong những bữa ăn họp mặt ở nhà con trai lớn. Chúng tôi thường bàn đủ chuyện thế sự thăng trầm của đất nước Việt Nam và thế giới. Nó vẫn thường hỏi tôi về chuyện bay bổng trong Không Quân. Hôm nay ráng xoá lớp bụi thời gian tôi viết lại đây một trong những mẫu chuyện kỷ niệm tôi còn nhớ của khoảng đời Không Quân mà tôi đã kể cho nó nghe. Những gì tôi kể lại đây có gì thiếu sót xin các niên trưởng, bạn hữu bổ túc vì hơn 40 năm đã qua trí nhớ cũng suy mòn dần. 

Tôi mê Không Quân từ khi còn đi học. Ngoài giờ rảnh rỗi, các bạn tôi thường rũ nhau đi xem đá banh, bơi lội. Còn tôi thì thích lên phi trường Tân Sơn Nhứt nhìn từ ngoài hàng rào kẽm gai những phi cơ C-47 mang cờ tam tài xanh trắng đỏ, hoặc Air France đáp và di chuyển về bến đậu. Nhìn những pilots bước ra khỏi phi cơ, trước mắt tôi họ như những thiên thần mới từ trên trời xuống. Giấc mơ của tôi trở thành một phi công lúc đó sao mà như đội đá vá trời. Bẵng đi một thời gian cuối cùng rồi giấc mộng thành phi công cũng thành sự thật. Năm 1962 tôi mãn khóa pilot bay T-28. Từ Mỹ trở về nước tôi được Bộ Tư Lệnh Không Quân chọn phục vụ trong phi đoàn 413 bay C-47. 

Trung Tá Nguyễn Cao Kỳ lúc đó là chỉ huy trưởng của Liên Phi Đoàn Vận Tải gồm ba phi đoàn. 

Phi Đoàn 413, Phi đoàn trưởng Đại Úy Lý Tri Tình. Phi đoàn 415, Phi đoàn trưởng Đại úy Phạm Ngọc Trọng. 

Phi Đoàn 314 (VIP), Phi đoàn trưởng Thiếu Tá Phạm Ngọc Sang sau này là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 6 KQ. Phi Đoàn trưởng sau của 314 cùng là Trung Tá Đặng Ngọc Hiển. 413, 415, 314 là ba phi đoàn vận tải đầu tiên. Gồm có khoảng 30 phi cơ của Không Quân Pháp giao lại sau trận Điện Biên Phủ. Riêng Phi Đoàn 314 có 6 chiếc C-47 trong đó có chiếc CE (Charlie Echo). 

Charlie Echo trang bị đặc biệt để dành chở Tổng Thống Ngô Đình Diệm, năm chiếc còn lại thường dùng để chở nhân viên tháp tùng hoặc cargo. Thường thì chỉ dùng hai chiếc. Cũng nói thêm trong phi đoàn này có một chiếc Aerocommander củaTổng Thống Eisenhower tặng cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sau này ông Kỳ lấy đặt tên là Kỳ Duyên Mai. 

Còn lại hai phi đoàn 413, 415 chia nhau hoạt động ngày lẫn đêm trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Ban ngày hoạt động khắp các vùng chiến thuật trong các nhiệm vụ: thả dù, tải thương, vận chuyển quân dụng, chuyển quân. Ban đêm thả trái sáng, soi sáng các vùng hành quân hay đồn bót đang bị Việt Cộng lợi dụng bóng đêm tấn công, chúng tôi soi sáng để quân bạn chống trả. Những năm 1960 -1968 từ những đơn vị du kích phá hoại, tấn công đồn bót lẻ tẻ đến năm 1968 chúng đủ mạnh để đánh trực diện với QLVNCH. 

Chúng tôi được biệt phái đi khắp 4 vùng chiến thuật. Mỗi vùng ban đêm có phi cơ C-47 bay bao vùng thả trái sáng. Những phi vụ này do Phi đoàn 413, 415 đảm nhiệm. Những phi vụ vận tải được điều động bay trong mọi thời tiết. Những phi công thuộc các phi đoàn trên hầu hết có trên dưới 10 ngàn giờ bay rất nhiều kinh nghiệm. 

Các phi đoàn luân phiên biệt phái cho các tướng vùng I, II mỗi tuần một phi cơ. Ngoài ra Air Việt Nam hàng tháng cũng xin biệt phái các phi công vận tải qua bay các tuyến đường Sài Gòn Paris, Sài Gòn Tokyo, Taiwan, Hong Kong, Singapore, đến tận Ấn Độ Bombay ... 

Có người nói phi công có thể bay vận tải bánh đuôi như C-47 thì có thể điều khiển được tất cả các loại vận tải tối tân khác? Các phi công vận tải C-47 của Việt Nam đã bay các loại Jet tối tân thời đó như Caravelle, bay đường Sài Gòn-Paris (Trung Tá Cung Thăng An). Hoặc bay Boeing 727, Boeing 707, Trung Tá Huỳnh Minh Bon, Trung Tá Trần Thanh Lịch. Hoặc các loại DC-6, DC-4 Trung Tá Quang (thầy giáo). Trung Tá Nguyễn Quế Sơn, Trung Tá Hà Hậu Sinh. Thiếu Tá Nguyễn Tấn Châu. 

Tết Mậu thân 1968. Tôi bay trên bầu trời Sài Gòn-Chợ Lớn thả trái sáng. Những trái sáng do hai áp tải thả xuống bằng một cái máng đặt ở cửa cargo, cửa cargo đã gỡ trống. Mỗi trái sáng nặng khoảng 10 kg được đặt trên máng. Dây kích hỏa an toàn được cài sẵn vào máng phóng. Trên phi cơ có hai đèn hiệu do trưởng phi cơ điều khiển. Đèn xanh chuẩn bị, đèn đỏ thả. Trái sáng được phóng ra ngoài sẽ có tiếng nổ nhỏ “bụp” rồi dù trắng bung ra giữ cho trái sáng lơ lửng trong không trung. Mỗi trái sáng là một triệu nến đèn, một mặt trời nhỏ, soi sáng vùng hành quân khoảng 3 - 4 phút. Mỗi trái sáng được tính ra khoảng mười ngàn đồng VNCH thời đó. Một phi cơ có thể chở từ 100 đến 200 trái sáng theo nhu cầu. 

Mậu thân 1968 tôi bay trên thành phố Sài Gòn thân yêu được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông để soi sáng cho Sài Gòn, ngoài việc thả trái sáng soi sáng vùng hành quân cho quân bạn trong tay của chúng tôi không có một thứ vũ khí gì để chống lại Việt Cộng khi nhìn thấy chúng từ trên cao. Việt Cộng tấn công nhiều nơi lửa cháy, nhiều nơi loé sáng vì đạn nổ. Lúc đó lòng của tôi thật là đau đớn nặng nề, vừa bay vừa nhìn Sài Gòn bị tấn công nặng nề mà tự nhiên nước mắt trào ra vì thương tâm và oán giận. 

Tháng 5/1968, KQ QLVNCH được trang bị AC-47. Tôi là một phi công trong phi đoàn 417 Hỏa Long vận tải võ trang đầu tiên của KQVN đồn trú ở Tân Sơn Nhứt Sư Đoàn 5 Không Quân. Phi đoàn trưởng là Thiếu Tá Phạm Công Minh, Phi đoàn phó Đại úy Nguyễn Quế Sơn, trưởng phòng hành quân Đại úy Cung Thăng An. Hoa Kỳ chuyển giao khoảng 20 phi cơ AC-47 (AC = Attack Cargo) cho Việt Nam. Hỏa lực trang bị trên phi cơ là 3 Miniguns 7.62 ly mỗi khẩu có thể bắn 6000 viên một phút, 3 khẩu 18000 viên phút. Mỗi phi cơ đổ đầy xăng mang hai tấn đạn, hỏa châu. Phi hành đoàn gồm 2 pilots, 1 navigator, 1 flight mechanic, 2 load masters, 2 gunners gồm 8 người có thể bay suốt đêm. 

Bay đêm trên những phi vụ AC-47 là những giờ phút căng thẳng, mệt nhoài lạnh lẽo vì cửa cargo đã được gỡ bỏ. Phi hành đoàn phía sau phải đứng nghiêng nhiều giờ khi phi cơ nghiêng cánh bay trong vòng tròn. Khi phi cơ nghiêng cánh xạ kích mùi khói súng tràn ngập theo gió từ cửa sau lùa khắp khoang tàu lên đến cockpit. Nói là những đoàn viên trong phi hành đoàn vận tải võ trang mang chiến bào nhuốm mùi thuốc súng khi hành quân như những chiến sĩ bộ binh đánh trận dưới đất thì cũng không ngoa. 

AC-47 cất cánh từ lúc mặt trời lặn và hoạt động đến lúc mặt trời mọc. Có nhiều người trong Không Quân thời đó chỉ nghe đến AC-47 Hỏa Long chứ chưa bao giờ thấy vì ban ngày những phi cơ này lúc đó là thứ vũ khí mới được cất kỹ trong ụ có canh gác cẩn thận. 

Bay đêm nhiều giờ trên chiếc AC-47 căng thẳng mệt nhọc nhưng tôi lại rất vui vì tình trạng bất lực nhìn Việt Cộng đánh phá mà không có hỏa lực để đánh trả chúng không còn nữa. Chúng tôi có thể nhìn rõ mục tiêu dưới ánh hoả châu và tiêu diệt chúng từ trên cao. Hỏa Long AC-47 thực sự là những hiệp sĩ bảo vệ giấc ngủ cho miền Nam. Tình trạng mất đồn không còn xảy ra sau năm 1968. Mỗi đêm đều có những phi vụ Hoả Long túc trực. Khi một Hoả Long được điều động cất cánh đi hành quân thì một phi hành đoàn Hỏa Long khác sẽ túc trực sẵn sàng cất cánh để thay thế. 

Chúng tôi có một hệ thống truyền tin rất hữu hiệu. Các tiền đồn đều có trang bị PRC 25. Khi có đụng độ họ gọi về tiểu khu. Tiểu khu liên lạc về các đài kiểm báo. Vùng 4 CT Paddy (Trung Tá Nguyễn Bửu Lộc chỉ huy trưởng), Vùng 3 CT Paris (Đại Tá Vũ Văn Ước chỉ huy trưởng),Vùng 2 CT Pyramid (Trung Tá Huỳnh Bá Mỹ chỉ huy Trưởng), Vùng 1 CT Panama (Trung Tá Nguyễn Cầu chỉ huy trưởng). Trên đường đến vùng làm việc chúng tôi liên lạc với các bộ chỉ huy vùng I, II, III, VI bằng hệ thống VHF UHF. Đến mục tiêu thì đổi sang PRC 25 trực thoại với quân bạn. Trước khi đến mục tiêu chúng tôi thường yêu cầu quân bạn xác định mục tiêu bằng trái khói xanh, đỏ, tím, vàng nếu không có thì yêu cầu họ đốt mũi tên lửa chỉa về hướng địch. Những mũi tên lửa này thường là những cái đèn bằng lon sữa bò chứa dầu hỏa đốt sáng xếp trên miếng gỗ theo hình mũi tên có thể quay 360 độ để chỉ hướng địch và cho biết chúng đang ở phạm vi 100m, 200m, 300m và xin tác xạ. Cũng có trường hợp Việt Cộng dùng PRC 25 do chúng tịch thu được của ta hướng dẫn phi cơ tác xạ vào những nơi có quân bạn vì chúng không có những phương tiện như mũi tên lửa, trái khói cho nên chúng tôi biết chúng là Việt Cộng giả dạng. Trong những trường hợp này tôi thường để cho các bạn navigator đấu khẩu với bọn vẹm. Vẹm: Miền Bắc tự do gấp triệu lần Ngụy quyền. Ta: Mày nói mày có tự do vậy mày thử chửi Hồ Chí Minh rồi tao chửi Nguyễn Văn Thiệu cho mày nghe!!! ... Ê Vẹm! mày thử bắn lên trời một phát coi hay mày thử đốt lửa cho tao coi. Vẹm trả lời: Tụi bây thử bật đèn lên và bay thấp là tao bắn liền. Tuổi trẻ hăng máu không biết sợ tôi liền bật đèn pha sáng trưng anh em phi hành đoàn căng mắt tìm kiếm lửa đạn của Vẹm bắn lên. Nhưng Vẹm như chuột rút vào hang vì chúng biết bắn lên lộ mục tiêu là chúng rồi đời. 

Phi hành đoàn trực bay đêm sau bữa cơm chiều phải vào túc trực trong phi đoàn. Chúng tôi được điều động bay bất cứ lúc nào từ 7 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Nhiều lúc đang ngủ ngon bị đánh thức để cất cánh lúc một hai giờ sáng. Mắt còn chưa tỉnh ngủ phi hành đoàn được xe đưa ra phi cơ. Mỗi người một nhiệm vụ trên phi cơ. Phi cơ đã được tiền phi từ lúc chiều. Ban đêm chỉ cần lên quay máy, cất cánh. Từ lúc điều động đến khi cất cánh chỉ có 5, 6 phút. Bay đêm trên mục tiêu tất cả 5 giác quan đều phải căng thẳng hoạt động. Hai mắt nhìn liếc qua các phi cụ. Nhìn ra ngoài xem mục tiêu. Tai phải nghe rõ yêu cầu của quân bạn. Miệng lúc nào cũng phải bận rộn liên lạc với quân bạn, qua interphone với navigator và gunners. Hai tay giữ vững cần lái. Hai chân đạp rudder điều hoà khi nghiêng cánh. 

Đêm nào một phi vụ AC-47 đụng trận ít nhất là hai lần có khi đến 5 lần. Có nhiều đêm cất cánh yểm trợ cho cho quân bạn từ 7 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Sau những phi vụ bay đêm như thế phi hành đoàn ai cũng mệt, buồn ngủ tay chân rã rời. 

Sau Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi những phi hành đoàn AC-47 bị cấm trại. Ngày ngủ đêm bay. Xin kể lại một vài phi vụ mà tôi còn nhớ và vẫn còn xúc động khi kể lại. Một đêm chúng tôi được điều đến một đồn chỉ có 10 địa phương quân và vợ con họ trú đóng. Vị trí đồn này nằm ở ngã tư Kinh Xà No. 

Kinh này do Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho đào thẳng tắp từ Vị Thanh (Long Xuyên) đến Rạch Giá. Khoảng 2 giờ sáng một đêm sau năm 1968, chúng tôi bay trên không phận Cần Thơ thì được lệnh bay đến địa điểm trên. Khi đến mục tiêu liên lạc được với dưới đất chúng tôi được cho biết là lực luợng Việt Cộng rất đông đã vào đến hàng rào và sắp sửa tràn ngập vào đồn. Phía ta nhiều chiến sĩ đã bị thương và chết, quân số chỉ còn phân nửa. Sau này nghe kể lại vợ con của họ cũng ra chiến đấu, chồng bị thương vợ lên thay cũng cầm súng bắn. Những đứa con lính chưa đầy mười tuổi đầu mà cũng phụ khiêng đạn băng bó cho cha mẹ. Tôi bay trên mục tiêu đề nghị quân bạn rút hết vào đồn. Và đừng ai chạy ra ngoài khi nào xong xin các bạn cho biết và rút attenna xuống xin cho tôi vài phút để thanh toán mục tiêu. Quân bạn cho biết đã sẵn sàng. Tôi cho 3 khẩu minigun chuẩn bị bắn, và thả trái sáng soi sáng mục tiêu. AC-47 Hỏa Long nghiêng cánh 3 khẩu mini guns phun lửa dài xuống đất bao phủ hàng rào, bắn phủ ngay trên đồn. Sau đó tôi ngưng bắn và cho thả hỏa châu. Dưới ánh sáng hỏa châu những người lính địa phương quân và vợ con túa nhau ra khỏi đồn vui mừng. Chiến lợi phẩm họ thu được đêm đó là hàng trăm súng và mã tấu. Phần lớn Việt Cộng bị tiêu diệt một phần bị thương. Tôi gọi cho Paddy (Bộ chỉ huy HQ KQ Cần Thơ) xin trực thăng tản thương cho quân ta và gia đình của họ cùng với các Cộng quân bị thương về quân y viện Phan Thanh Giản Cần Thơ. Quân bạn dưới đồn cho biết còn một số Việt Cộng đang dùng xuồng ba lá trốn thoát dưới kinh. Trong lòng chẳng nhớ đã suy nghĩ ra sao mà tôi không tiếp tục truy sát chúng nữa. 

Bay AC-47 hàng đêm chúng tôi được dịp đi ngoại quốc mà không cần mang passport, hành lý, ngoại tệ chi cả.. Vì trong thời gian này ngoài những phi vụ bảo vệ lãnh thổ VNCH còn có một phi vụ AC-47 của KQVN hàng đêm được biệt phái đi Campuchia để bảo vệ thủ đô Nam Vang. Có tuần tôi đi “vượt biên” đi ngoại quốc đến hai lần. 

Cất cánh vào những lúc mặt trời lặn. AC-47 mang đầy xăng, đạn chậm chạp nặng nề rời khỏi Tân Sơn Nhứt. Cất cánh lúc 7 giờ tối sau 50 phút là chúng tôi đã đáp ở Phi trường Pochentong bên Cam bốt. Lúc đó Việt Nam yểm trợ giúp đỡ cho Thủ tướng Lonol chống Miên Cộng Khmer đỏ tay sai của Việt Cộng và Trung Cộng. AC-47 của Việt Nam đánh khắp vùng Biển Hồ, Siem riep, Ankor thom, Ankot Watt, Kampung Thum, Kampung Sum và giữ vững thủ đô Nam Vang và phi trường Pochentong là nơi Khmer đỏ thường pháo kích rất nặng nề. Mỗi lần thấy phía Bắc sông Mekong nháng lửa là tôi nghiêng cánh xạ kích vào mục tiêu đó. Cho đến khi quân Khmer bị tiêu diệt hoặc rút lui. Có lần bay như thế đến nữa đêm thì nhà máy điện phi trường Nam Vang bị pháo trúng. Phi trường đèn đuốc tắt ngúm, chỉ còn liên lạc được với đài kiểm soát. Tôi cho họ biết là xăng phi cơ chỉ còn 30 phút bay và đã hết đạn và trái sáng. Tôi cần đáp để đổ xăng và tái trang bị để cất cánh trở lại hành quân. Họ cho biết là không có cách nào khôi phục đèn phi đạo. Tôi yêu cầu họ cho bốn chiếc xe Jeep bật đèn soi sáng hai đầu phi đạo họ cũng không đáp ứng được. 

Về Sài Gòn thì không còn đủ xăng nên chỉ còn một con đường là phải đáp xuống Pochentong. Tôi dùng đèn pha C-47 rà tìm phi trường và cuối cùng cũng đáp được an toàn. Sau khi xăng nhớt đổ đầy, đạn trái sáng load đầy đủ. Thì Miên Cộng lại tiếp tục pháo kích như mưa vào phi trường. Tôi nghĩ ở dưới đất chắc cũng không xong và cũng không có chỗ tránh pháo. Nên tôi quyết định cất cánh trong màn đêm trên một phi đạo không có đèn. Sau khi cất cánh an toàn chúng tôi tiếp tục yểm trợ quân bạn đến khi trời sáng. 

Bây giờ mọi sự đã sang trang, tôi cảm ơn mấy anh trong phi hành đoàn đã giữ kín không báo cáo tôi vi phạm an phi nếu các anh báo cáo tôi đã đáp xuống và cất cánh trên một phi đạo không có đèn giữa đêm đen thì không biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi. 

Một đêm tháng 5/1968, khoảng 2 giờ sáng, tôi đang bay trên mục tiêu nhà thờ Fatima Bình Triệu. Qua PRC-25 tôi được cho biết là Thủy Quân Lục Chiến đang đụng trận nặng xáp lá cà với Việt Cộng bên bờ sông phía Gò Vấp và họ bảo tôi đợi mà không cho chỉ thị hay yêu cầu gì rõ ràng. Tôi trả lời: Chúng tôi còn nhiều nơi cần yểm trợ không có thời giờ để coi mấy anh đánh cận chiến. Quân bạn cho biết là Việt Cộng bên kia sông dùng bập dừa, thân chuối, ruột xe hơi, xe Vespa đang lội qua sông để bắt tay với đám đã ở bên này sông. Tình hình rất nguy ngập nếu để chúng xáp nhập được với nhau thì phi trường Tân Sơn Nhứt và bộ Tổng Tham Mưu sẽ bị nguy hiểm. Qua tần số FM tôi đưa ra một đề nghị và nói các anh em TQLC đồng ý thì làm theo tôi còn không thì bỏ qua. Tôi dùng âm thoại bây giờ không còn nhớ call sign của họ và tôi là gì vì mỗi trận đánh đều có mật khẩu và tên gọi riêng. Tôi đề nghị mấy bạn đừng đánh cận chiến nữa, mà rút chạy về hướng nào an toàn. Khi nào rút xong cho tôi biết chi tiết. Và các bạn cứ để mặc cho chúng (bọn VC) lội qua sông khi nào chúng nó lội được quá phân nữa thì cho tôi biết. TQLC bàn nhau kế hoạch mới. Khoảng vài phút sau họ đồng ý theo lời đề nghị của tôi. Họ báo cho tôi biết là đã rút lui với khoảng cách an toàn và bọn Việt Cộng bắt đầu lội gần được nửa sông. Tôi đã ngưng bắn trái sáng khoảng 5 phút. Bây giờ tôi báo cho quân bạn biết là chúng tôi sẽ thả trái sáng trở lại và bắt đầu xạ kích. Tôi bấm cò bắn 3 khẩu miniguns cùng một lượt. 18 ngàn viên đạn/phút hụ lên như tiếng bò rống. Tôi bắn chận đầu và chặn đuôi Việt Cộng không cho chúng tiến lên cũng như rút lui. Tôi bắn trên bờ vị trí quân bạn đánh cận chiến với VC không lâu trước đó. 

Khoảng 5 giờ sáng, hơn 200 VC ra đầu hàng. Chúng ngồi dài theo dốc cầu Bình Lợi. Nếu toán còn lại sáp nhập được với bọn này thì việc gì sẽ xảy ra cho đồng bào ở Gò Vấp, Phi Trường Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham Mưu? 

5giờ 30 sáng, tôi báo cho TQLC biết sẽ rời tần số làm việc để về đáp Tân Sơn Nhứt. Người chỉ huy TQLC yêu cầu tôi cho biết tên và cấp bậc. Tôi hỏi bạn cần biết tên tôi để làm gì?, TQLC đáp để báo cáo thưởng huy chương cho tôi. Tôi trả lời trên phi cơ này chúng tôi gồm 8 người, nếu bạn đồng ý đề nghị báo cáo thưởng huy chương cho hết 8 người thì tôi sẽ đưa tên tất cả 8 người, còn nếu chỉ một mình tôi thì xin phép được từ chối. 

Bay trên AC-47 cửa cargo đã gỡ trống toác gió lùa phần phật vào phi cơ. Pilot và copilot thì được ngồi trong cockpit được che chở phần nào, còn anh em xạ thủ, áp tải, cơ phi thì phải liên tục đứng làm việc trong gió lạnh. Anh cơ phi nghe từng tiếng động cơ thay đổi rồi lên trao đổi đề nghị chúng tôi điều chỉnh động cơ. Mấy anh mới là những người xứng đáng được thưởng huy chương. Quân bạn TQLC có lẽ nghe rõ nhưng không trả lời... tôi rời tần số về đáp ở Tân Sơn Nhứt. 

Sau này mỗi lần nghe ca sĩ Thanh Thúy hát Một Chuyến Bay Đêm ... 

Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền 
Người trai đi viết câu chuyện một chuyến bay đêm 
Cánh bằng nhẹ mơn trên làn gió 
Đời ngây thơ xưa lại nhớ lúc mình còn thơ. 
Đêm nay chuyến bay trời xanh như màu áo 
Đường Minh Đế nhàn du khắp tinh cầu... 


Lời ca thật là đẹp mô tả phi công như một ông hoàng rong ruỗi ngắm trăng sao. Nhưng chúng tôi bay đêm chỉ thấy toàn lửa đạn, áo bay khét mùi thuốc súng. Bay đêm trên Hỏa Long AC-47 là một cực hình. Phi hành đoàn phải túc trực bay từ lúc mặt trời lặn đến mặt trời mọc. Những chuyến bay đêm này không có nhẹ nhàng thơ mộng như bài hát. Những người Không Quân Việt Nam khi bay đêm không có “níu áo hằng nga” và bầu trời cũng không có có xanh như màu áo của Đường Minh Đế nhàn du... Có lẽ bài hát mô tả một chuyến bay hàng không dân sự êm đềm nào đó được bay bằng auto pilot đường dài và pilots có thể ung dung ngắm trăng sao? 

Ánh hỏa châu đã trở thành rất quen thuộc với quân dân miền Nam, ánh hỏa châu đã đi vào văn chương, văn nghệ. Từ vĩ tuyến 17 cho đến mũi Cà Mau. Mỗi đêm những ánh hoả châu soi sáng cho các anh chiến sĩ đi tìm diệt Việt Cộng. Có mấy ai nghĩ về những người lính KQ “tác giả” của những ánh hỏa châu, những người bay âm thầm soi sáng đêm đen giữ yên giấc ngủ cho mình? 

Tôi rời phi đoàn Hỏa Long 417 khoảng năm 1970. Phi đoàn 417, lúc này đã đổi danh xưng thành 817, dời ra Nha Trang, Trung Tá Huỳnh Văn Tòng là phi đoàn trưởng cho đến ngày mất nước. 

Để kết thúc xin kể lại một câu chuyện ít ai biết về một phi vụ có liên quan đến những nhân vật lịch sử, tưởng chừng đã đi vào quên lãng dưới lớp bụi ký ức thời gian. 

Phi vụ đón Quốc Trưởng Nguyễn Khánh mồng 2 tết 1964 từ Đà Nẵng về Sài Gòn. Hôm đó tôi là sĩ quan trực Liên Đoàn 33 Tác Chiến từ 7 giờ tối mồng một Tết đến 7 giờ sáng mồng hai Tết. Tất cả mọi việc trong đêm không có gì bất thường. Gần 4 giờ sáng Trung Úy Trưởng Phi cơ Nguyễn Đình Thành ký giấy nhận chiếc C-47 số đuôi CE (Charlie Echo) sau đó cùng với Đại Úy Đỗ Thọ ra bến đậu VIP. 

Hoa tiêu phụ trong sổ ghi là Chuẩn Úy Đặng Văn Âu (?) được Trung Úy Thành gạch đi và ký tên thay vào đó là Đại Úy Đỗ Thọ là hoa tiêu phụ. 4 giờ sáng đúng, Charlie Echo cất cánh từ Tân Sơn Nhứt lấy hướng Ban Mê Thuột, Pleiku, Quảng Ngãi , Đà Nẵng. Khoảng 5 giờ sáng một tiếng đồng hồ sau khi Charlie Echo đã cất cánh, Đại Úy Nguyễn Mạnh Bổng còn mặc quần áo ngủ hớt hãi chạy vào bàn làm việc của sĩ quan trực nói như người mất hồn nét mặt còn chưa tỉnh ngủ hẳn: 

- Anh anh đừng cho Charlie Echo cất cánh!! Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao? 

Đại Úy Bổng trả lời: 

- Tôi thấy nó rớt ở đầu phi đạo Tân Sơn Nhứt rồi. 

Quá ngạc nhiên tôi đáp lại: 

- Charlie Echo đã cất cánh được khoảng một tiếng đồng hồ rồi, tôi đâu có thẩm quyền không cho nó cất cánh hay là kêu nó quay lại hơn nữa đây là phi vụ đón Quốc Trưởng. Đây điện thoại Đại Úy gọi cho TACC hay Pyramid ra lệnh cho Charlie Echo quaylại! Tôi còn nói thêm. Giờ này chắc nó đã gần tới Ban Mê Thuột... 

Đại Úy Bổng cầm điện thoại suy nghĩ một lúc rồi gọi liên lạc với ai đó. Sau đó ông cúp máy rời phòng sĩ quan trực rồi lái xe về nhà. Đến 7 giờ 30 sáng mồng 2 Tết năm 1964. Đà Nẵng gọi về Tân Sơn Nhứt hỏi tôi là sao giờ này vẫn chưa thấy Charlie Echo đáp ở Đà Nẵng?. Và hỏi tôi nó đã cất cánh chưa và cất cánh lúc mấy giờ. Tôi trả lời Đà Nẵng xong thì đúng lúc đó phiên trực của tôi đã hết tôi bàn giao lại cho Chuẩn Úy Sết (quên họ) anh là Navigator. 

Cho đến chiều ngày mồng 2 Tết tôi trở vào phi đoàn thì được biết là chiếc Charlie Echo Trưởng Phi Cơ là Trung Úy Nguyễn Đình Thành, Hoa Tiêu phụ là Đại Úy Đỗ Thọ đã đâm vào núi Trà Bồng trên đường đi Pleiku Quảng Ngãi. Cũng xin nói thêm chiếc Charlie Echo là phi cơ VIP dành riêng cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi ông chưa bị tướng Dương Văn Minh đảo chánh và giết. 

Phạm Văn Cần
10/2014

No comments:

Post a Comment