Tuesday, February 19, 2019

TRẬN ĐÁNH “ĐỒI MÓNG NGỰA”

(Chiến trường Xuân Lộc, Tháng Tư 1975)
*****
  Tình hình tổng quát đầu năm 1975:
  Chiến tuyến mênh mang giữa bạn và thù
  Tỉnh Phước Long mất vào đầu Tháng Giêng 1975. Ngày hôm đó, một trận mưa trái mùa bao phủ vùng rừng chồi Tân Uyên, Phú Chánh lan sang những miền tre gai chiến khu Đ, Đất Cuốc. Mưa trĩu nặng trên tấm poncho lính chiến ven dòng La Ngà. Sư đoàn 18 và Liên đoàn 7 BĐQ nhận lệnh tái chiếm Phước Long; nhưng kế hoạch không rõ vì lý do gì, phải bỏ dở nửa vời. Rồi tức khắc, một chiếc đũa phù thủy nào đó chỉ vẽ cho Công trường 5 và Trung đoàn 33 Đồng Nai của địch nổi lửa tại Võ Xu, Võ Đắt, và Tánh Linh nhằm cầm chân đánh tiêu hao sinh lực quân ta. Túi lửa này vừa kịp dập tắt, thì điểm nóng khác đã bùng lên. Dấu hiệu chuẩn bị đánh lớn phát hiện khắp nơi: không kể xiết những đàn gà thả rong trong rừng mít Bảo Chánh phía Bắc Xuân Lộc; cũng tại đây, hàng chục thùng phuy chứa gạo nàng hương ngụy trang ven bờ suối cạn (sau này bộ tư lệnh cộng quân đóng nơi đó). Trung đội “xì ke” xung kích thuộc Tiểu đoàn 3/52 do Thiếu úy Trần Đình Cảnh chỉ huy đột nhập khu Phước Lộc khám phá những hầm chôn dấu hỏa tiễn 122 mới tinh trong giấy bọc dầu cất giấu ven bờ Sông Bé.
  Sau Phước Long bị bỏ quên đến phiên Ban Mê Thuột làm quà cho đối phương. Vào ngày 25 tháng Hai 1975, một phái đoàn trung ương Việt Mỹ lên Quân đoàn II , đưa ra một xấp không ảnh về màn lưới pháo địch hướng về Pleiku (?) và chỉ thị cho Tướng Phạm Văn Phú tập trung phòng thủ Pleiku, như có dụng ý để Ban mê thuột kém phòng thủ hơn lọt vô tay địch, tạo ra dây chuyền đổ vỡ toàn quốc trong thời gian kề cận. Tướng Phú nhắc người bạn là Trung Tá Trần Thanh Mai, khoá 13 Đà Lạt, cần giữ kín chi tiết này, trừ khi Tướng Phú quá vãng.
  Ngoài Quân đoàn I, Tướng Ngô Quang Trưởng nhận lệnh về Sàigòn gặp TT Thiệu; tức thì đài ngoại quốc loan tin “Tướng Trưởng đã đào nhiệm” gây hoang mang cùng khắp vùng giới tuyến. Ông Thiệu chỉ việc ra lệnh bỏ Huế nữa là Miền Trung tan rã trong kinh hoàng.
  Không ai nghĩ rằng ông Thiệu sẽ được an toàn khi tự ý cho rút bỏ Cao Nguyên và Miền Trung, nếu hai vùng đó còn thiết yếu cho sách lược của Mỹ. Nhưng ông Thiệu đã được an toàn khi ra lệnh rút bỏ Cao Nguyên và Miền Trung, vậy điều đó chứng tỏ ông ta đã thi hành ý định của người Mỹ.
1954: Đông Hà, vùng hoả tuyến;
1975: Túc Trưng, ải địa đầu.
  Ngày 22 tháng Ba 1975, Trung đoàn 52 thuộc Sư đoàn 18 tổ chức thành chiến đoàn với Thiết đoàn 5 (Trung Tá Nô) sát nhập hành quân, rời khu vực núi Chứa Chan phía đông Xuân Lộc sang khu vực phiá tây theo tuyến Dốc Mơ-La Ngà. Quân số tham chiến gồm chung vào khoảng 1,600 tay súng, phòng thủ lưu động trên một tuyến xa tắp mịt mờ, chẳng khác nào người ta sử dụng một trung đội 30 người để canh giữ toàn bộ cái Dinh Dộc Lập thênh thang kia. Tiểu đoàn 3/52-18 tăng phái cho Thiết đoàn 5, phòng thủ lưu động nơi vùng Túc Trưng-La Ngà.

  Đại tá Trung đoàn trưởng Ngô Kỳ Dũng chỉ thị cho Mỹ Phụng tổ chức Tiểu đoàn 3/52 thành các toán xâm nhập nhảy toán vô các vùng nghi ngờ có địch. Ý định này gặp sự phản kháng quyết liệt của Mỹ Phụng, với lý do: đối phương đã tràn ngập khắp lãnh thổ từ phương Bắc về đây, không còn chạm tuyến nào khác hơn là con sông La Ngà. Ông Dũng nói đây là lệnh từ trên sư đoàn, vẫn gặp sự thách thức bất tuân hành của Mỹ Phụng, dù anh ta có phải ra toà án binh, bị lột lon, chứ khiông thể nào hy sinh những đứa em của anh ta một cách nhẫn tâm vô lý được. Ông Dũng đành tạm nhượng bộ Mỹ Phụng, bởi tình hình đang biến chuyển xấu đi từng ngày.
Đàlạt mất vào 30-3-1975, đồng thời với Huế, và 20 ngày sau Ban Mê Thuột. Từng đoàn dân chúng tay xách nách mang từ trên Lâm Đồng, Định Quán lũ lượt đổ xuống chạy giặc. Đàn gia súc gồm chung trâu bò, chó mèo, dĩ chí cả bầy vịt gà lếch thếch bám gót phiá sau con người; ít ai thấy cảnh loài vật trung thành theo chủ như vậy. Bóng đoàn người di tản lê dài bên quốc lộ 20 lúc xế chiều, nhìn từ vị trí đóng quân lặng lẽ trong rừng. Một chút buồn nản, một chút ân hận len lỏi trong lòng người lính, bởi không còn khả năng bảo vệ an toàn cho đồng bào mình nữa.
  Mỹ Phụng thầm khen các chú lính kỷ luật của mình: không bao giờ lính xâm phạm đến một trái ớt cọng rau nào của người dân qua những vùng hành quân: ông chủ đồn điền mía vùng ga Gia Huỳnh phải nhắc Mỹ Phụng cho anh em ăn mía “thả dàn, nhưng đừng chặt hom..; ruộng rau muống dưới chân núi Đốt, xã Túc Trưng, từ màu xanh ngả sang màu vàng vẫn y nguyên còn đó qua hàng tháng bên những lều poncho dã chiến của lính.”
  Cầu La Ngà lạnh tanh. Hàng quán chơ vơ bởi thiếu bóng người. Đây là hình ảnh vườn không nhà trống những năm về trước khi Tây lê dương tràn đến. Bây giờ đến phiên cộng quân kéo về. Bất cứ ở nơi nào, hễ việt cộng mò đến, là người dân chạy đi, trừ những vùng xa xôi nơi quân ta mất quyền kiểm soát do hậu quả của Hiệp định Ba Lê 1973, và do tình cảnh người dân phải bám lấy ruộng vườn để mà sống.
  Từ màn đêm quạnh hiu hướng cao nguyên Đàlạt, phòng không địch phóng những chùm sáng đan chéo lên nhau giữa nền trời đen thẳm. Trên những điểm cao bên quốc lộ 20, người lính gác giặc nhìn rõ thấy từng vệt sáng dài những đoàn xe chuyển quân địch dồn xuống phía nam, đến Phương Lâm đổi hướng Đông về vùng Bảo Chánh, vây ép Xuân Lộc.
  Cộng quân bắt đầu đánh thăm dò vị trí đại đội 2 Nguyễn Trọng Thuật trong khu vực của Tiểu đoàn 3/52. Thuật có biệt tài về phòng thủ mìn bẫy; do đó, sáng hôm sau, toán lục soát tìm thấy bông băng trắng xóa, những vũng máu bên hàng cây cao su, tóm được bốn con chó trận Phú Quốc vướng mìn nằm lại ngoài tuyến. Mấy cậu lính của Thuật ra chợ Túc Trưng mua củ sả, riềng, mẻ, mắm tôm, húng lìu, khế chua v.v., không quên mang về dăm bi-đông đầy ắp... nước-mắt-quê-hương.
  Dốc Mơ, Gia Kiệm, Túc Trưng, v.v… trở nên sầm uất trù phú sau 20 năm có mặt của đồng bào di-cư chạy loạn từ ngoài miền bắc. Đến nay, lính cụ Hồ xanh xao vàng vọt từ xã hội bắc phương nghèo túng, lại đang lò mò bò tới quanh quất trong những rừng cây trái bạt ngàn miền đông.
  Sức vây ép của đối phương cân nặng thêm từng ngày. Chiến đoàn 52 được lệnh từ Túc Trưng lui về phòng thủ tuyến ngã ba Dầu Giây-Ấp Nguyễn Thái Học dọc theo quốc lộ 20, cách Xuân Lộc mười hai cây số theo đường chim bay. Đó là ngày 5 tháng Tư năm 1975. Thiết đoàn 5 rời chiến đoàn 52 vô tăng cường Xuân Lộc. Lực lượng một trung đoàn 52 còn lại trấn giữ tuyến đầu và cuối cùng của nước Việt Nam Cộng Hoà, người bạn đồng minh bị dồn vô thế cô độc bỏ rơi như chưa từng thấy qua các dòng quân sử thế giới. Thành phần trang bị của người lính lưu động tháng ngày thì súng vẫn là vợ đạn là con, một cái xẻng bất ly thân, tấm áo poncho đa dụng nhiều khi thay da ngựa bọc thây. Đơn vị thường xuyên đóng dã trại giữa rừng hay trên đồi núi. Lính đào vội vã một hố cá nhân; nếu đóng quân một ngày thì khơi sâu làm thêm nắp, vài ngày thì nối giao thông hào, gài mìn claymore, và sẵn sàng chờ giặc. Nếu sáng mai có lệnh di chuyển, lính chỉ cần bỏ ra mười phút cuốn poncho, gỡ mìn, lấp hố cá nhân, rồi lại “đường trường xa...thiếu tá không cho nhảy dù” “-- lính hát tếu -- đi chưa biết đâu là bờ là bụi chiều nay.”
Đồi Móng Ngựa
  Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3/52 lên Đồi Móng Ngựa vào giờ trưa ngày 5-4-1975. Trông từ xa, ngọn đồi mang hình dáng một con tàu kếch xù nổi lên giữa biển xanh cây trái miền đông, phía bắc ngã ba Dầu Giây. Đó là khu đất đá, cao khoảng 200 mét, chiều dài chừng 800 mét theo đường đỉnh; khi đóng quân, mới thấy nó giống y chang một cái vành móng ngựa khoác lên một lớp thảo mộc dày gồm chuối, mít, và cây hoang. Lòng chảo khu đồi hướng về ngọn núi Ma phía đông trên đường rừng vô Xuân Lộc; lưng đồi quay ra quốc lộ 20 phía tây sang ngọn Xóc Lu sừng sững trong tầm nhìn. Nếu coi Đồi Móng Ngựa là cái đầu con đại bàng, thì Xóc Lu và Núi Ma đối xứng với nhau trông như đôi cánh rộng soải ra trên năm cây số ngàn.
  Vừa đặt chân vô vùng, mấy trăm lính chiến biến dạng ngay vô rừng cây trái, biệt tăm tích; trên bản đồ chỉ còn ghi lại những dấu xanh đậm vị trí, những chấm tiền sát chạm khu chợ xã Bình Lộc trên hướng bắc gần Dốc Mơ.
  Từng đoàn dân chúng tiếp tục chạy loạn từ Phương Lâm, Túc Trưng, và Dốc Mơ của ngày hôm qua. Nét mệt mỏi bàng hoàng còn ghi trên ánh mắt mọi người. Họ chỉ biết trả lời, “Chúng nó đông lắm, có cả chiến xa, súng lớn; chúng nói rặt giọng Bắc Kỳ; nhiều đứa chỉ chừng mười lăm, mười sáu tuổi.”
  Nằm đu đưa trên chiếc võng cột vô hai cây mít trên Đồi Móng Ngựa, bên cạnh ban truyền tin, Mỹ Phụng áp sát chiếc radio ba băng bên tai nghe chương trình Dạ Lan của đài quân đội, chuyển sang thăm dò mấy đài ngoại quốc đang tận tình mách đường cho giặc, đổi giọng chúc dữ quân dân Miền Nam, mới đây còn được họ vinh danh là đồng minh của “thế giới tự do.” Dưới xa về hướng đông, nhìn qua sườn trái Núi Ma, Xuân Lộc đang thiêm thiếp mệt mỏi qua đêm mùng tám Tháng Tư, lâu lâu giật mình trong ánh hoả tiễn và đại pháo địch đánh phá cầm chừng. Nhưng ngày chín Tháng Tư bắt đầu rất sớm. Từ lúc năm giờ sáng, bỗng chốc cả một tấm áo lửa bao la choàng phủ lên Xuân Lộc, hừng hực, chói lòa, tiếp theo đó như thấy toàn bộ Xuân Lộc vỡ nổ tung ra ầm vang một góc trời. Trận chiến Xuân Lộc bắt đầu.
  Cùng lúc, lực lượng một một trung đoàn địch mở cuộc tấn công cường tập vô vị trí tiểu đoàn 1/52 (Cam Phú) tại ngã ba Dầu Giây (sau này được biết là trung đoàn 33 Đồng Nai). Đây là cơ sở một đồn đền cao su, rất dễ nhận trên bản đồ đối với pháo binh địch. Chúng muốn chiếm giữ Dầu Giây, nhằm khoá trục giao thông vô Xuân Lộc và khu Đồi Móng Ngựa của Trung đoàn 52, đồng thời ngăn chặn tiếp viện của ta. Quả thật, qua suốt cuộc chiến bên sườn tây bắc Xuân Lộc, Trung đoàn 52 (-) không nhận được một sự tiếp sức nào, không một chút đỡ lưng nào từ hướng Biên Hoà, ngoại trừ Không Quân bạn có mặt từng giờ.
  Nhìn lên phóng đồ trận liệt, người ta sẽ thấy mặt trận Xuân Lộc chia làm hai khối. Khối lớn là thị xã Xuân Lộc gồm: bộ tư lệnh Sư đoàn 18, hai trung đoàn bộ binh 43 và 48, Thiết đoàn 5, các tiểu đoàn Pháo và Công binh trực thuộc, tiểu đoàn Biệt động quân 82 (-) Vương Mộng Long mới rút từ Cao nguyên xuống, và các đơn vị địa phương Long Khánh: tất cả chỉ có thế, mỏng manh trên một khu vực phòng thủ rộng lớn từ Núi Ma-Núi Thị phía tây qua Núi Chứa Chan phía đông. Khối thứ hai nhỏ hơn, khu vực thuộc trung đoàn 52 (-), nằm về tây bắc từ Dầu Giây lên Dốc Mơ, có nhiệm vụ rất trọng yếu: ngăn chặn cộng quân từ cao nguyên tràn xuống.
  Ngày 11.4.1975, có lệnh “kéo” thêm tiểu đoàn 2/52 vô tăng cường Xuân Lộc. Từ lúc đó trung đoàn 52 chỉ còn là một trung đoàn trừ (-) đơn phương nơi tuyến đầu đất nước. Tiểu đoàn 2/52 trên đường vô Xuân Lộc, đã chạm địch rất mạnh tại ấp Suối Tre và Cua Con Heo trước khi bắt tay và tăng phái cho Trung Đoàn 43 (Đại Tá Lê Xuân Hiếu). Tướng Lê Minh Đảo khen ngợi đơn vị thuộc quyền Đại Úy Huỳnh Văn Út, ông nói, “Chúng ta không cần thu vũ khí địch làm gì, cần phải tiêu diệt sinh lực địch đến mức tối đa cho tôi.” Nhưng một lô vũ khí do 2/52 tịch thu gồm đại bác 37 phòng không, đã chứng tỏ mức thương vong rất cao về phía quân xâm lược. Quân số tham chiến trung đoàn 52(-) còn lại hai tiểu đoàn 1/52 và 3/52 và Đại đội 52 Trinh sát (Đại úy Mừng). Tiểu đoàn 1/52 tiếp tục cầm địch tại ngã ba Dầu Giây. Đại đội 52 trinh sát phòng thủ vị trí trung đoàn. Tiểu đoàn 3/52 trở thành lực lượng chủ lực, gồm Đại đội 1 Nguyễn Thanh Trường trên Đồi Móng Ngựa, có thêm trung đội vũ khí nặng tiểu đoàn do Thiếu úy nhà giáo Lương tái ngũ đảm trách; liên đội TOW và Heat chống tăng do Trung úy Hữu Minh điều khiển. Tiểu đoàn 3/52 (trừ) xuống ấp Nguyễn Thái Học phòng thủ và bảo vệ bộ chỉ huy trung đoàn, vị trí tiểu đoàn 182 Pháo binh và chi đoàn 3/5 thiết giáp.
  Hồi nửa đêm 11 Tháng Tư, tổ phục kích mìn của Trường tại phía đông bắc Đồi Móng Ngựa hạ 17 giặc, trong đó có 4 cán bộ cao cấp, thu 4 địa bàn Trung cộng rất tinh xảo, 4 bản đồ nổi pictomaps, và đặc biệt một công vụ lệnh ghi: “Đoàn nghiên cứu quân sự đặc biệt 301 - Nay đề cử bốn đồng chí (lâu ngày quên tên) lên đường nghiên cứu thực địa chiến trường Thủ Biên Xuân Lộc. Ngày lên đường: 2 tháng Tư 1975 - Ngày chấm dứt nhiệm vụ: 30 tháng Tư 1975.” Mỹ Phụng tỏ ý nghi ngờ về cái ngày “chấm dứt nhiệm vụ 30.4.1975” kia, thì Đại tá Dũng phán, “Anh chúa là hay mơ mộng, chỉ suy nghĩ vẩn vơ, làm thơ tán gái (?)” Tình hình khu vực trung đoàn 52 vào 13.4.1975 ghi nhận như sau: Tiểu đoàn 1/52 đã kiệt sức sau bốn ngày quần thảo với trung đoàn 33 giặc; 200 chiến hữu đã hy sinh trên những thước vuông vùng đất Dầu Giây. Đại tá Dũng cử tiểu đoàn phó 3/52 là Đại úy Hà Văn Cho hướng dẫn hai đại đội của Nguyễn Trọng Thuật và Đặng Hữu Lê hành quân đêm bắt tay đưa 1/52 còn lại về vị trí trung đoàn. Vào lúc 2 giờ sáng 14 tháng Tư, Đại tá Dũng mở chai champagne đón mừng Cam Phú và Hà Văn Cho. Cũng từ đêm 13 tháng Tư, ngã ba Dầu Giây hoàn toàn lọt vô tay cộng quân, không bao giờ được chiếm lại qua suốt trận chiến Xuân Lộc, bởi lý do không có lực lượng bạn tiếp viện (?). Với quân số bộ binh khả dụng xuống thấp chừng 700 chiến binh , trung đoàn 52 (-) không còn đủ quân số phòng giữ một vùng rộng lớn từ ấp Nguyễn Thái Học lên Đồi Móng Ngựa, mặc dù là phòng thủ dã chiến tạm thời. Ngày 14 Tháng Tư, Tướng Lê Minh Đảo chuyển xuống trung đoàn một công điện cộng quân, viết: “Tụi ngụy Dù và Sư 18 ra sức chống giữ Xuân Lộc, ngăn cản quân ta thi hành phương án đúng hạn kỳ.” Tuy không phải là “dân tình báo,” Mỹ Phụng cũng nghi ngờ về một ngày hẹn nào đó của lính bắc phương: vì đâu chúng tin tưởng mạnh mẽ vô một ngày N có ước hẹn với ai (?) như rứa?
Phan Tan My
  Thiếu Tá Phan Tấn Mỹ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3/52, là người đã trực tiếp chỉ huy tại mặt trận Đồi Móng Ngựa, đã ân cần gởi cho chúng tôi bài bút ký chiến trường “Trận Đánh Đồi Móng Ngựa”, Chiến Trường Xuân Lộc Tháng 4.1975, mà chúng tôi xin trích đăng những chi tiết quan trọng nhất, để thấy rằng tinh thần chiến đấu của người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lúc nào cũng luôn vượt qua cái giới hạn ở đằng sau sự phi thường.
  Hồi ký Ý-YÊN
  Loạt trái phá đầu tiên làm rung chuyển Đồi Móng Ngựa vào lúc năm giờ sáng ngày 15 Tháng Tư năm 1975.

  Những người lính trẻ Miền Nam thuộc Tiểu đoàn 3/52 Sư đoàn 18, được phi, pháo bạn tận tâm yểm trợ, đã giáng trả cộng quân một trận để đời nơi tọa độ cô đơn đó, làm tan rã Trung đoàn 95-B thuộc Quân đoàn 4 Bắc Việt, nhưng đã chiến thắng âm thầm khi vận nước nổi trôi.

No comments:

Post a Comment